Pierre Cardin - Người có cái tên đắt giá nhất thế giới
Nhiều người nói tên ông được biết đến không kém gì Napoléon. Nhưng khác với Napoléon
là một nhân vật lịch sử, tên ông là một thương hiệu hàng hoá nổi danh khắp 5 châu.
Người đàn ông đó - một trong 5 người Pháp nổi tiếng nhất thế giới - là Pierre Cardin. Là
một thiên tài tạo mẫu, đương nhiên thương hiệu Pierre Cardin được dùng trước hết cho các
sản phẩm may mặc. Nhưng không chỉ có thế, cái tên của mình đã được thiên tài kinh doanh
Pierre Cardin dùng cho tới gần 1.000 sản phẩm khác nhau.
Con số thống kê cho thấy trên thế giới có tới 180 nước sử dụng hàng hoá mang thương
hiệu của Pierre Cardin. Tập đoàn kinh doanh của Pierre Cardin hiện có tới hơn 200.000
người làm việc, mỗi năm đem về hàng chục triệu USD lợi nhuận. Bên cạnh các xí nghiệp
sản xuất hàng dệt may, Pierre Cardin còn sở hữu vô số các nhà hàng, các cửa hàng cao cấp
ở nhiều nơi.
Rất đáng kể trong số tài sản của Pierre Cardin là 50 ngôi nhà nghệ thuật độc đáo và kỳ dị,
được coi như là những viện bảo tàng hay nhà trưng bày cá nhân của riêng Pierre Cardin.
Palais Bulles là một công trình nghệ thụât như thế của Pierre Cardin, được ông xây dựng
trong vòng 6 năm với sự trợ giúp của kiến trúc sư Antti Lovag, ngườiTây Ban Nha. Mỗi
góc nhà, mỗi đồ dùng trong nhà như một tác phẩm nghệ thuật nhưng lại mang thương hiệu
Pierre Cardin.
Từ anh thợ may khéo tay...
Đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng vô hạn của một nghệ sĩ đã giúp ông có được
những mẫu mã quần áo độc nhất vô nhị.
Pierre Cardin là người Pháp, gốc Italia. Ông sinh ngày 22/7/1922 tại Callalta, một thị trấn
vùng Đông Bắc nước Italia. Sau đó, gia đình ông chuyển sang Pháp sinh sống tại
Grenoben. Lúc đầu, Pierre Cardin học nghề kế toán nhưng không kiếm được việc làm ở
vùng quê. Cuộc sống khó khăn, ông bỏ lên chốn đô thị Paris với hi vọng đổi đời. Nhưng
nghề kế toán cũng chẳng giúp ích được gì cho ông.
Và như một sự tình cờ, Pierre Cardin lần đầu tiên đến với thế giới may mặc và thời trang
khi ông may mắn được vào làm phụ việc tại một tiệm may gia đình. Pierre Cardin chịu khó
học hỏi và đã trở thành một thợ cắt và may khá lành nghề. Ông đã có thể nhận các đơn
hàng đặc biệt của khách hàng.
Vào năm sau chàng thợ may trẻ Pierre Cardin bỏ tiệm may gia đình để xin vào làm việc
cho xưởng may của nhà thời trang Christian Dior đã khá nổi danh lúc bấy giờ. Chỉ đến lúc
này, Pierre Cardin mới bắt đầu được thâm nhập vào thế giới thời trang thực sự. Trước đó,
Pierre Cardin vẫn chỉ là một anh thợ may khéo tay chuyên cắt may hàng chợ cho người
bình dân. Môi trường làm việc tại Christian Dior đã giúp cho Pierre Cardin phát triển rất
nhanh trong lĩnh vực nghệ thuật tạo mốt. Nhiều ý tưởng mới lạ trong Pierre Cardin đã
được hình thành và nuôi dưỡng trong thời kỳ này.
Thế nhưng từ lúc nào không biết, trong Pierre Cardin, bên cạnh cái máu nghệ thuật còn có
một máu kinh doanh. Hơn 3 năm sau, năm 1950, Pierre Cardin mở ngay một tiệm may
riêng cho mình. Nhưng đó không phải là một tiệm may bình thường mà là một tiệm may
thời trang thực thụ cho những đơn đặt hàng đặc biệt của khách hàng. Ông tự mình thiết kế
và cắt vải. Còn may thì thuê thợ. Đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng vô hạn của một
nghệ sĩ đã giúp ông có được những mẫu mã quần áo độc nhất vô nhị.
Nhiều nhà hát, nhà diễn kịch đã đến đặt Pierre Cardin may những bộ trang phục đặc biệt
cho tác phẩm của mình. Sự thành công của những tác phẩm biểu diễn và sự nổi tiếng của
các diễn viên đã càng làm nổi tiếng thêm tên tuổi của nhà may Pierre Cardin.
Thành nhà kinh doanh xuất chúng
Có thể nói Pierre Cardin là xuất chúng vì khả năng sáng tạo nghệ thuật và tài năng kinh
doanh ở ông đồng thời phát triển và không hề cản trở lẫn nhau. Không những thế, ông còn
biết kết hợp tài tình hai khả năng hiếm có mà trời đã phú cho ông. Mọi ý tưởng nghệ thuật
đều được Pierre Cardin đưa vào kinh doanh và kết quả kinh doanh lại để phát triển nghệ
thuật sáng tạo. Cũng giống như trong sáng tạo nghệ thuật thiết kế trang phục, Pierre Cardin
luôn tìm ý tưởng mới trong kinh doanh và quyết tâm thực hiện bằng được.
Từ một người thợ học mót tại Christian Dior, Pierre Cardin đã nhanh chóng trở thành một
đối thủ cạnh tranh đáng nể. Trong nghệ thuật, việc làm khác người là điều đương nhiên.
Nhưng cả trong kinh doanh, Pierre Cardin cũng luôn nghĩ và luôn muốn làm như vậy. Lần
đầu tiên, năm 1957, Pierre Cardin phá lệ cũ của các nhà may thời trang. Ông cung cấp đồ
may sẵn cho các cửa hàng quần áo, siêu thị cao cấp. Pierre Cardin đã bị các nhà may thời
trang khác phản ứng dữ dội bởi sự cách tân của ông bị coi là “phản bội” và phá giá hàng
thời trang.
Nhưng nhà kinh doanh Pierre Cardin vẫn kiên định với chiến lược táo bạo của mình. Pierre
Cardin đã không làm mất đi giá trí thương hiệu thời trang của mình mà chỉ làm nó được
phổ cập hơn và điều quan trọng là Pierre Cardin đã biết biến sự nổi danh của thương hiệu
thành tiền. Kể từ đó người ta bắt đầu thấy xuất hiện hàng may mặc thời trang mang tên
Pierre Cardin trong một số cửa hàng, siêu thị cao cấp. Sự dũng cảm đi tiên phong trên
thương trường của Pierre Cardin đã được trả giá xứng đáng. Quần áo mang tên ông bán
chạy như tôm tươi cho dù không rẻ chút nào.
Pierre Cardin đã có những nhận định thị trường rất chính xác khi cho rằng rất nhiều người
có nhu cầu sử dụng hàng hiệu nhưng không có điều kiện để đặt may riêng với giá thành
bằng cả một năm thu nhập của người thường. Một hướng đi mới trong kinh doanh cho các
nhà tạo mẫu thời trang đã được Pierre Cardin phát kiến và triển khai thành công. Bản thân
các nhà tạo mẫu thời trang khác sau này cũng phải thán phục Pierre Cardin và cũng làm
theo cách này. Các xưởng may của Pierre Cardin từ đó cứ được mở rộng ra không ngừng
để cung cấp hàng cho hệ thống đại lý của Pierre Cardin.
Để gìn giữ và nâng cao thương hiệu của mình, Pierre Cardin đã rất khắt khe trong việc
chọn lựa các vị trí đặt cửa hàng và ký hợp đồng đại lý. Chỉ có những nơi sang trọng bậc
nhất, những siêu thị hay trung tâm thương mại có tiếng nhất mới là nơi Pierre Cardin bán
hàng của mình. Pierre Cardin có nhiều ý tưởng để tiếp thị hàng hoá của mình... Tại các cửa
hàng thời trang riêng, Pierre Cardin luôn chú ý tạo ra một phong cách nghệ thuật độc đáo
và sang trọng.
Chẳng hạn, ông ưa dùng màu sắc nổi bật, ông sử dụng những bức tượng tuyệt tác để bên
cạnh những chiếc sơ mi hay bộ váy đầm mang tên Pierre Cardin. Ông thoả thuận đặt những
tủ kính trưng bày hàng của mình tại nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng nhất. Để làm
việc này, lúc đầu Pierre Cardin đã tham gia góp vốn vào nhà hàng Maxim’s nổi tiếng. Sau
này ông còn tìm cách mua lại toàn bộ nhà hàng này.
Ông trùm kinh doanh thương hiệu
Khi thành công với hệ thống các cửa hàng riêng, không dừng ở đó, Pierre Cardin bắt đầu
có ý tưởng bán li-xăng thương hiệu Pierre Cardin của mình.
Với Pierre Cardin, ý tưởng kinh doanh nối tiếp ý tưởng kinh doanh. Khi đã thâm nhập vào
nhiều hệ thống nhà hàng, trung tâm thương mại cao cấp thì Pierre Cardin không bỏ mọi cơ
hội mới, dù nhỏ nhất. Từ thương hiệu chỉ dành cho quần áo thời trang, Pierre Cardin đã sử
dụng cái tên của mình cho vô số hàng hoá khác. Đó có thể là đồ trang sức, túi xách tay,
đồng hồ, bút máy hay chiếc bật lửa.
Cái tên Pierre Cardin lại còn dùng cho tất cả các đồ dùng trang trí nội thất như chăn ga gối,
đệm, rèm cửa. Rồi đến các thiết bị nhà tắm, đồ gỗ cũng có sản phẩm mang tên Pierre
Cardin. Rất nhiều thực phẩm cao cấp, rồi cả nồi xoong bát đĩa đều có thể mang tên thương
hiệu Pierre Cardin danh giá. Có những sản phẩm gần như độc nhất vô nhị cũng được mang
tên ông để kinh doanh như ngôi nhà kiến trúc kiểu Pierre Cardin, chiếc ô tô sang trọng
Cadillac hay một chiếc tàu thuỷ du lịch tráng lệ cũng được mang tên Pierre Cardin.
Vào cuối những năm 70 của thế kỷ 20, khi đã mua được toàn bộ hệ thống nhà hàng
Maxim’s nổi tiếng, Pierre Cardin đã tận dụng mọi cơ hội để sử dụng thương hiệu danh giá
mang tên ông cho mọi sản phẩm. Tại hệ thống nhà hàng này, người ta còn có thể thưởng
thức những chai rượu cognac, ly cà phê sữa và những món ăn đặc sản mang tên Pierre
Cardin.
Pierre Cardin được biết đến là một người lao động cần mẫn và bền bỉ. Một ngày ông làm
việc tới 15 tiếng đồng hồ. Trước kia là sáng tạo nghệ thuật, còn về sau, chủ yếu là dành để
kinh doanh. Khi đã ngoài 70 tuổi, Pierre Cardin vẫn tỏ ra là một nhà kinh doanh nhạy cảm
và quyết đoán. Đợt trình diễn thời trang Pierre Cardin tại Quảng trường Đỏ ở Mascơva
năm 1991 trước hơn 200.000 người xem đã đem lại những quyết định chiến lược rất đúng
đắn. Ông tăng cường phát triển ra Đông Âu và ra ngoài châu Âu. Thương hiệu Pierre
Cardin giờ được thấy khắp ở Đông Âu, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác trên toàn thế
giới.
Đặc biệt từ những năm 90, ở nhiều nước châu Á khác đã xuất hiện thương hiệu danh giá
này trên cơ sở hợp đồng sử dụng lixăng. Ngay cả ở Việt Nam, cũng có công ty ký kết được
hợp đồng này như công ty An Phước. Tuỳ từng loại hợp đồng mà Pierre Cardin thu phí sử
dụng lixăng khác nhau, nhưng thông thường là từ 7-10% doanh thu bán hàng. Càng những
năm về sau, nguồn thu từ kinh doanh thương hiệu càng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng doanh
thu của Tập đoàn Pierre Cardin.
Ngoài 80 tuổi, nhưng hàng ngày Pierre Cardin vẫn đến văn phòng. Ông tự hào về thương
hiệu Pierre Cardin do tự tay mình xây dựng qua nhiều năm. Ông không còn hay tự viết
những lá thư nhưng vẫn theo dõi cụ thể biểu đồ lên xuống của giá cả. Từ hơn 1 năm nay,
đã có rất nhiều tập đoàn quốc tế đến đàm phán để mua đứt toàn bộ thương hiệu lừng danh
này. Pierre Cardin có vẻ cũng muốn bán tập đoàn của mình khi không còn tự điều hành
được tất cả như xưa.
Vấn đề chỉ còn là giá cả, như ông đã nhiều lần thông tin cho báo giới và công luận. Là một
nhà kinh doanh xuất sắc, ông biết đàm phán thế nào để có được nhiều nhất từ cái tên đắt
giá nhất thế giới của mình.