KĨ THUẬT THIẾT KẾ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH
CỰC
I. Những nguyên tắc thiết kế PPDH
I.1. Thiết kế PPDH phải tuân thủ bản chất khái niệm PPDH
Từ sự thừa nhận PPDH là cách thức hoạt động của GV, được thực hiện trong
quá trình dạy học để tác động đến người học và việc học của họ nhằm hướng
dẫn họ học tập và giúp họ đạt mục tiêu học tập, đương nhiên phải thừa nhận
PPDH tồn tại hiện thực trên lớp học, trong quá trình dạy học thực tế, chứ
không phải trên giấy, trên sách báo và bài giảng ở trường sư phạm. Các
PPDH xuất hiện ở mỗi bài học, trong sự tương tác giữa GV và người học,
giữa họ và các yếu tố của môi trường dạy học lúc đó. Điều đó có nghĩa GV
cùng người học của mình tạo ra và tiến hành PPDH trên lớp, trong tiến trình
bài học, trên cơ sở thiết kế của mình hoặc thiết kế mượn của người khác. Cái
có sẵn không phải là PPDH, mà là sự mô tả, lí thuyết, mô hình và cùng lắm
là thiết kế PPDH.
Mỗi PPDH luôn cấu thành từ 3 thành phần:
1) Phương pháp luận dạy học-tức là lí thuyết PPDH, mô hình lí thuyết của
PPDH, triết lí hay nguyên tắc lí luận nào đó, được mô tả, giải thích trong
sách báo khoa học, ví dụ: lí thuyết về các mô hình thảo luận, lí thuyết dạy
học kiến tạo, lí thuyết dạy học chương trình hóa,… Đây là mô hình lí luận
của PPDH, nó xác định bản chất của PPDH, làm cho PPDH này khác PPDH
kia.
2) Hệ thống KN phù hợp để thực hiện phương pháp luận này trong bài học
với nội dung học vấn đặc trưng của lĩnh vực học tập đó (bài học Toán, Khoa
học, Thể dục,… khác nhau thì phương pháp luận đó đòi hỏi những KN khác
nhau) – chúng xác định với khả năng hành động thế nào và bằng cách nào
GV có thể biến phương pháp luận đã chọn thành phương thức tác động thật
sự đến người học và quá trình học tập. Đây là mô hình tâm lí của PPDH.
3) Những kĩ thuật, công cụ, phương tiện,… được sử dụng để thực hiện các
KN (thiếu chúng thì các KN không được thực thi) và được tổ chức theo
phương pháp luận đã chọn – PPDH có thực sự là PPDH hay không là do
phần vật chất này quyết định, vì chỉ có phần này của PPDH mới tác động
đến người học và quá trình học tập. Đây là hình thức vật chất của PPDH,
chẳng hạn lời nói, chữ viết, tranh, ảnh, dụng cụ thí nghiệm, tài liệu media,
hành vi giao tiếp,...
Sự tổ chức thống nhất của 3 phần này trong tư duy và trong hoạt động vật
chất mới tạo nên một PPDH cụ thể. Riêng phần 1 chỉ là phương pháp luận,
phần 2 chỉ là KN dạy học, còn phần 3 chỉ là phương tiện và kĩ thuật dạy học.
Gộp cả 3 lại một cách tùy tiện thì không thành PPDH nào rõ ràng, mà phải
tổ chức chúng theo một logic nhất định, trước hết là logic trình bày nội dung
bài học, môn học như Toán, Văn, Đạo đức,… Nguyên tắc này tương tự như
thiết kế nhà. Nhà có những phần nào thì phải thiết kế những phần ấy. Đó là
thiết kế kiến trúc và kiểu dáng, thiết kế công trình và kết cấu, thiết kế cảnh
quan và nội thất,…
I.2. Thiết kế PPDH phải thích hợp, hài hòa với thiết kế tổng thể của bài
học
Các thành phần thiết kế bài học gồm: thiết kế mục tiêu, thiết kế nội dung,
thiết kế các hoạt động của người học, thiết kế nguồn lực và phương tiện,
thiết kế môi trường học tập, đặc biệt quan trọng là thiết kế hoạt động. Từ
thiết kế bài học, GV mới thiết kế PPDH một cách chi tiết và đây chính là
thiết kế họat động của người dạy. Toàn bộ thiết kế bài học cho thấy diện
mạo chung của PPDH, bên cạnh mục tiêu, nội dung, phương tiện, các yếu tố
và tổ chức môi trường, chứ chưa phản ánh thiết kế chi tiết của PPDH.
Cần đặc biệt lưu ý hoạt động của người học khi thiết kế PPDH. Khi đặt
trong thiết kế chung, có 4 loại hoạt động cơ bản mà người học phải thực hiện
để hoàn thành mỗi bài học (tương ứng với một khái niệm hoặc đơn vị giá trị
như KN, chuẩn mực,…).
1) Hoạt động phát hiện-tìm tòi, giúp người học sinh phát hiện sự kiện, vấn
đề, tình huống, nhiệm vụ học tập và tìm ra những liên hệ, xu thế, dữ liệu,
thông tin giá trị,… trong các tình huống, sự kiện,...
2) Hoạt động xử lí-biến đổi dữ liệu, thông tin và giá trị đã thu được, giúp
người học xây dựng ý tưởng, tạo dạng tri thức, hình thành KN, hiểu và phát
biểu được những định lí, quy tắc, khái niệm,…
3) Hoạt động áp dụng kết quả xử lí-biến đổi và phát triển khái niệm, giúp
người học hoàn thiện tri thức, KN môn học qua hành động thực tế, trong tình
huống khác trước và nhờ đó phát triển thêm các sự kiện, bổ sung thông tin,
trải nghiệm giá trị.
4) Hoạt động đánh giá quá trình và kết quả, giúp người học điều chỉnh nội
dung và cách học, phát triển những ý tưởng mới.
Mỗi hoạt động có thể bao gồm một hoặc một số hoạt động cụ thể khác nhau
tùy theo nội dung và yêu cầu cụ thể của bài học.
Việc thiết kế PPDH phải bám sát từng loại hoạt động này, cũng như phương
tiện, môi trường của bài học. Tương ứng với loại hoạt động 1 của người học,
có một thiết kế PPDH và một phương án dự phòng. Giống như thế, thiết kế
PPDH cho loại hoạt động 2, 3 và 4 của người học. Sự vận hành chung của 4
loại thiết kế PPDH cho mỗi loại hoạt động sẽ tạo nên thiết kế chi tiết PPDH
cho toàn bộ bài học.
I.3. Thiết kế PPDH phải dựa vào những phương thức học tập và các
kiểu PPDH chung
Các phương thức học tập tổng quát của con người mà bất kì ai cũng trải qua
trong học tập là:
1) Học bằng cách bắt chước, sao chép mẫu-đó là cơ chế tự nhiên và phổ biến
nhất của học tập, giúp con người thu được hầu hết những bài học trực quan
trong đời mình.
2) Học bằng làm việc (bằng hành động có chủ định), đó là cách học chủ yếu
bằng tay chân, vận động thể chất và tập luyện, qua làm việc mà biết, hiểu và
lĩnh hội giá trị.
3) Học bằng trải nghiệm các quan hệ chia xẻ kinh nghiệm, đó là cách học
chủ yếu bằng rung cảm, xúc cảm, cảm nhận, có rất nhiều dạng kinh nghiệm
xã hội như đạo đức, thẩm mĩ, văn hóa, nghệ thuật phải học bằng cách này.
4) Học bằng suy nghĩ lí trí, tức là bằng ý thức lí luận, tư duy trừu tượng, suy
ngẫm trên cơ sở hoạt động trí tuệ để giải quyết vấn đề.
Dựa theo những phương thức học tập mà lựa chọn phương pháp luận dạy
học hoặc lí thuyết PPDH. Bởi vì, để thực hiện chức năng tích cực hóa,
PPDH bắt buộc phải dựa vào người học (khả năng, thiện chí) và hoạt động
của người học.
Tương ứng với những phương thức học tập như vậy, có thể có những kiểu
PPDH được phân biệt với nhau về nguyên tắc lí luận. Đó là:
1. Kiểu PPDH thông báo-thu nhận
2. Kiểu PPDH làm mẫu-tái tạo
3. Kiểu PPDH kiến tạo-tìm tòi
4. Kiểu PPDH khuyến khích-tham gia
5. Kiểu PPDH tình huống (hay vấn đề)-nghiên cứu.
Cách gọi tên của kiểu PPDH chỉ rõ khuynh hướng và tính chất hành động
của GV và người học. Mỗi kiểu PPDH có nhiều KN, mỗi mô hình này lại có
vô vàn hình thức vật chất. Do đó trong hiện thực, các hiện tượng của PPDH
là vô hạn, mặc dù về lí luận (bản chất) chỉ có hữu hạn các kiểu PPDH. Khi
thiết kế PPDH cần dựa vào quan niệm hoặc lí thuyết khoa học mà mình tin
cậy về các phương thức học tập và kiểu PPDH, và nói chung là những lí
thuyết học tập và giảng dạy.
I.4. Thiết kế PPDH phải dựa vào kinh nghiệm sư phạm và trình độ phát
triển KN dạy học của GV
Điều này là đương nhiên, vì chủ thể thiết kế và thực hiện PPDH chính là nhà
giáo trực tiếp dạy học. Những KN dạy học thiết yếu gồm 3 nhóm: nhóm kĩ
năng thiết kế giảng dạy; nhóm kĩ năng tiến hành giảng dạy; nhóm kĩ năng
nghiên cứu học tập và nghiên cứu người học.
Khi thiết kế PPDH, GV phải cân nhắc về chính mình và lớp học của mình để
tạo ra bản thiết kế khả quan nhất trong giới hạn khả năng của mình. Thiết kế
tốt là thiết kế mà không chỉ GV này thực hiện được, mà các đồng nghiệp
cũng thực hiện được nếu tuân thủ đúng nội dung thiết kế, song chính GV
thiết kế là người thực hiện hiệu quả nhất.
II.Quy trình thiết kế PPDH
II.1. Thiết kế bài học và phân tích thiết kế đó
Kĩ thuật thiết kế bài học là việc phức tạp. Qua thiết kế này, GV đã xác định
và thiết kế mục tiêu, nội dung học tập, các hoạt động của người học, các
nguồn lực và phương tiện, môi trường học tập. Đây là chỗ dựa chủ yếu để
thiết kế PPDH nhưng chưa đủ để thiết kế thành công.
II.2. Lựa chọn kiểu PPDH và thiết kế phương án kết hợp các kiểu đã
chọn
Dựa vào thiết kế bài học và nhận thức lí luận của mình về các kiểu PPDH
(tức là phương pháp luận cụ thể), GV lựa chọn các kiểu PPDH và thiết kế
trình tự, cách thức kết hợp chúng với nhau trong phạm vi bài học đó và có
thể trong cả chuỗi bài học kế tiếp nhau. Điều này có nghĩa là: kiểu PPDH
phải được tổ chức thống nhất với từng loại họat động của người học, theo
các phương án thiết kế chính thức và dự phòng.
Ví dụ: đối với loại hoạt động phát hiện-tìm tòi của người học, có thể chọn
kiểu PPDH kiến tạo-tìm tòi kết hợp với kiểu khuyến khích-tham gia trong 1
hoạt động. Nếu dự cảm thấy có thể chưa thành công thì GV nên dự phòng
phương án khác, chẳng hạn kiểu PPDH làm mẫu-tái tạo kết hợp với kiểu
kiến tạo-tìm tòi,... Trong những loại hoạt động khác cũng thực hiện những
bước tương tự.
II.3. Xác định những KN cần thiết của mỗi mô hình cụ thể thuộc kiểu
PPDH đã chọn và thiết kế chúng thành hệ thống
Mỗi kiểu PPDH có nhiều mô hình khác nhau.
Ví dụ 1: kiểu PPDH khuyến khích-tham gia có những mô hình phổ biến sau:
1. Đàm thoại
2. Heuristic hay tìm tòi từng phần
3. Làm sáng tỏ giá trị
4. Song đề
5. Tình huống quan hệ
6. Thảo luận tham gia
Ví dụ 2: kiểu PPDH kiến tạo-tìm tòi có những mô hình:
1. Tìm tòi thực nghiệm di chuyển
2. Tìm tòi thực nghiệm biến đổi
3. Tìm tòi bằng hành động theo giai đoạn
4. Thảo luận thực nghiệm
5. Động não...
Ví dụ 3: kiểu PPDH vấn đề-nghiên cứu có những mô hình:
1. Thảo luận giải quyết vấn đề
2. Tranh luận động não