1. Mở đầu.
+ Sọ là một hộp xương cứng bao bọc xung quanh và có chức năng bảo vệ não
bộ. Những thay đổi cấu trúc của hộp sọ có thể gây tổn thương não và ngược lại
những quá trình bệnh lý của não có thể ảnh hưởng đến hình thái của hộp sọ.
Trên lâm sàng chụp X quang sọ có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán các bệnh của
bản thân hộp sọ (như chấn thương, u, bệnh lý các xoang...) và của não bộ (u não,
tăng áp lực nội sọ...).
+ Chụp sọ có nhiều tư thế khác nhau, ngoài hai tư thế thẳng, nghiêng thông
thường còn có những tư thế đặc biệt (Blondeau, Hirtz, Stenvers, Schueller...). Ở
đây chỉ đề cập đến tư thế chụp sọ thẳng và nghiêng. Các xương mặt không được
bàn đến ở đây.
2. Chỉ định chụp X quang sọ.
+ Các quá trình bệnh lý xương sọ như dị dạng sọ não, chấn thương, vết thương
sọ -não, viêm các xoang...
+ Một số quá trình bệnh lý nội sọ như u não, tăng áp lực nội sọ...
3. Cách đọc phim X quang sọ thẳng và nghiêng.
3.1. Hình dáng của vòm sọ:
+ Bình thường:
- Vòm sọ được cấu tạo bởi hai lớp xương dẹt, mỏng (bản sọ trong và bản sọ
ngoài), ở giữa là lớp xương xốp có chứa các tĩnh mạch và được gọi là diploe.
- Chiều cao và chiều dài của hộp sọ có tỷ lệ nhất định với nhau, mối liên quan
này được biểu hiện bằng công thức Retjius sau:
Chiều rộng của hộp sọ
I = --------------------------------------- x 100
Chiều dài nhất của hộp sọ
Chiều cao được tính từ bờ trước lỗ chẩm tới chỗ cao nhất của xương đỉnh.
Chiều dài tính từ bờ trước xương chẩm đến bờ sau xương trán.
Sọ bình thường có chỉ số I từ 70-80.
+ Bệnh lý:
- Sọ dài có chỉ số I < 70, sọ hình tháp có chỉ số I > 80.
- Các bản sọ có thể bị lún bị gẫy do chấn thương, hoặc bị phá hủy do u.
3.2. Các khớp của xương sọ:
+ Đặc điểm giải phẫu: các đường khớp sọ là chỗ tiếp nối giữa các xương với
nhau (xương đỉnh, xương trán, xương chẩm, xương thái dương, xương đá). Trên
lâm sàng có hai khớp quan trọng là khớp trán-đỉnh hay còn gọi là khớp vành
(sutura coronalis) và khớp đỉnh-chẩm hay khớp lam-đa (sutura lambdoidea).
Ở trẻ em các khớp còn chưa đóng kín và tạo thành các thóp (fonticulus) và
gồm có thóp trước, trước bên, sau và sau bên.
+ Bình thường ở người trưởng thành các khớp sọ có hình răng cưa, các xương sọ
tiếp xúc với nhau chặt chẽ.
+ Trong trường hợp có tăng áp lực nội sọ các khớp sọ có thể bị giãn, các xương
không còn tiếp xúc với nhau. Chấn thương sọ não cũng có thể làm giãn các khớp
sọ.
3.3. Hố yên:
Để nhận xét được hố yên cần có phim chụp sọ ở tư thế nghiêng.
+ Cấu trúc hố yên gồm có mấu yên trước, mấu yên sau, miệng hố yên và lòng hố
yên. Bình thường kích thước trong lòng hố yên trung bình từ 0,8 đến 1,2 cm
2
,
mấu yên trước và mấu yên sau không dính với nhau.
+ Trong trường hợp bệnh lý, hố yên có thể thay đổi như sau:
- Dính mấu yên trước và sau với nhau do đóng vôi dây chằng liên mấu.
- Giãn hố yên, lòng hố yên rộng ra (có thể rộng lan tỏa làm hố yên có hình
lòng chảo hoặc lòng hố yên giãn chọn lọc do các khối u của bản thân hố yên gây
nên).
- Miệng hố yên giãn rộng.
3.4. Vết ấn điểm chỉ:
+ Vết ấn điểm chỉ là các hình giống như các vết ngón tay được quan sát thấy
trên phim X quang của hộp sọ. Ở người bình thường vết ấn điểm chỉ bắt đầu
thấy ở tuổi thứ 8, rõ nhất vào tuổi 20 đến 25, sau đó sẽ kém rõ dần ở các tuổi cao
hơn. Trên phim chụp X quang sọ thẳng, nghiêng, vết ấn điểm chỉ thường thấy rõ
ở vùng thái dương. Người ta cho rằng các dấu ấn điểm chỉ thực chất là các vết
do áp lực của các cuộn não tác động lên bản sọ trong gây ra.
+ Trường hợp bệnh lý, dấu ấn điểm chỉ thấy ở các bệnh nhân có tăng áp lực nội
sọ.
3.4. Các đường mạch máu:
Trên vòm sọ của phim chụp thông thường còn thấy các đường sáng nhỏ có phân
nhánh, đó là hình dáng các mạch máu nội sọ. Hình ảnh các tĩnh mạch thấy rõ ở
phim sọ của các người già.
4. Hình ảnh X quang sọ thường trong một số trường hơp bệnh lý.
4.1. Hội chứng tăng áp lựcnội sọ:
+ Giãn các khớp sọ.
+ Vết ấn điểm chỉ.
+ Thay đổi hố yên:
- Giãn hố yên: diện tích lòng hố yên trên phim sọ nghiêng lớn hơn 120 mm
2
.
- Mất mấu yên: các u não gây tăng áp lực nội sọ và tăng áp lực lên mấu yên lâu
ngày làm phá hủy mấu yên...
- Miệng hố yên giãn rộng.
- Để chẩn đoán tăng áp lực nội sọ cần phải có đầy đủ 3 dấu hiệu trên.
4.2. U tuyến yên:
+ Giãn hố yên chọn lọc: chỉ có lòng hố yên giãn, mấu yên trước và sau thường
không bị phá hủy, miệng hố yên không giãn rộng (trừ trường hợp u tế bào không
ưa mầu, loại u này phá hủy hố yên về phía sau làm mất lưng yên và mấu yên
sau, gây rộng miệng yên.
+ Trong trường hợp u lớn sẽ thấy hố yên bị phá hủy rộng và có thể thấy biểu
hiện của hội chứng tăng áp lực nội sọ.
4.3. Khuyết và tiêu xương sọ:
+ Khuyết xương sọ thường do vết thương, phẫu thuật, tiêu xương sọ là do các
quá trình bệnh lý gây nên.
+ Tiêu xương trong bệnh đa u tủy xương còn gọi là bệnh Kahler (Multiple
myeloma) biểu hiện nhiều ổ tiêu xương tròn nhỏ (đường kính 1-2 mm) rải rác
khắp xương sọ. Ngoài ra còn thấy tiêu các xương dẹt khác như xương sườn,
xương cánh chậu.
+ Tiêu xương sọ còn gặp trong viêm tủy xương, lao xương, di bào ung thư
xương...