Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Yếu tố tự sự trong dân ca Tày

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (699.54 KB, 104 trang )


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
------------------------------




VŨ ÁNH TUYẾT





YẾU TỐ TỰ SỰ TRONG DÂN CA TÀY







LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC NGỮ VĂN











THÁI NGUYÊN - 2008


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
------------------------------




VŨ ÁNH TUYẾT





YẾU TỐ TỰ SỰ TRONG DÂN CA TÀY
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60.22.34





LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN





Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN HẰNG PHƯƠNG







THÁI NGUYÊN - 2008

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
1
Phần 1. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ai đã từng say mê, sửng sốt trước nghệ thuật tả cảnh, tả tình tinh tế, đầy
sức gợi cảm trong những truyện thơ của người Tày nếu có dịp nghe những lời
ca tiếng hát của dân tộc này hẳn sẽ lý giải vì sao người dân nơi đây có thể
sáng tác truyện thơ hay đến vậy.
Người Tày sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, có phần ưu đãi, có
phần khắc nghiệt. Họ sống chân thành, giản dị, hiền hoà trong một xã hội mà
nhân tố dân chủ nguyên thuỷ phần nào còn đóng vai trò trong các quan hệ xã
hội. Những điều kiện tự nhiên và xã hội ấy đã góp phần tạo nên chất trữ tình
đằm thắm, tràn đầy trong tâm hồn người Tày. Dân ca Tày nói chung và dân ca
trữ tình Tày nói riêng là tiếng nói chất chứa những nguyện vọng, những nỗi
niềm, những cung bậc tình cảm đa dạng của con người, với một thứ nghệ
thuật tràn đầy chất lãng mạn và phương thức biểu hiện tinh tế, sâu sắc.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu khai thác giá trị dân ca Tày ở nhiều
cấp độ trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Song hầu hết các nhà
nghiên cứu chỉ tập trung khai thác bản chất trữ tình của thể loại này mà ít chú

ý tới vai trò của yếu tố tự sự trong việc biểu hiện đời sống nội tâm của con
người dưới nhiều khía cạnh phong phú và khác nhau. Ý muốn có một chuyên
luận nhỏ tìm hiểu về vấn đề này là một trong những lí do khiến chúng tôi
chọn “Yếu tố tự sự trong dân ca Tày” làm vấn đề nghiên cứu của luận văn.
Mặt khác, đã từ lâu, việc dạy và học văn học dân gian nói chung, văn
học dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng rất được nhà trường phổ thông
quan tâm chú ý. Vì vậy, nghiên cứu tìm hiểu về dân ca Tày là việc làm có ý
nghĩa rất thiết thực đối với công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học
sinh trong nhà trường.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
2
2. Lịch sử vấn đề
Thuộc về loại hình trữ tình dân gian, ca dao, dân ca với những đặc
điểm thể loại của nó là sự thể hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình trước
những vấn đề xã hội và nhân sinh. Ca dao, dân ca cùng các vấn đề xung
quanh nó từ lâu đã được khoa lịch sử văn học soi sáng, phân tích dưới
nhiều góc độ: Chủ đề, tư tưởng, đề tài, thi pháp, ngôn ngữ… Tuy nhiên về
mặt loại hình còn có thể đi sâu hơn nữa về một đặc điểm góp phần không
nhỏ tạo nên diện mạo loại hình trữ tình dân gian tiêu biểu này. Đó là yếu
tố tự sự và sự xâm nhập mạnh mẽ của nó vào trong ca dao, dân ca. Đây có
thể nói là một vấn đề độc đáo nên từ lâu đã thu hút được sự quan tâm chú
ý của các nhà nghiên cứu. Về vấn đề này có thể kể đến những ý kiến, bài
viết sau:
Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Chu Xuân Diên: “...Khác với
phong cách của nhiều tác phẩm thơ ca trữ tình, trong văn học thành văn,
phong cách của ca dao, dân gian trữ tình biểu lộ khá rõ rệt xu hướng kể
chuyện, nghĩa là xu hướng miêu tả tình cảnh không chỉ qua tâm trạng mà còn
qua cả hành động nhân vật nữa” [492, 16].
Về đặc điểm của yếu tố tự sự, các nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị, Lê

Trường Phát đã gián tiếp kể ra trong khi viết về lối kể chuyện.
Tìm hiểu về lối kể chuyện trong ca dao, nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị rất
chú ý tới phân biệt kể chuyện - trữ tình với kể chuyện - tự sự. Nét khác biệt
giữa hai loại này chung quy gồm mấy đặc điểm sau:
“1. Trong ca dao (ở đây đang nói về ca dao kể chuyện) nhân vật trữ tình
kể chuyện mình, còn trong vè, câu chuyện về nhân vật (tất nhiên là nhân vật
tự sự) lại do người khác kể lại.
2. Câu chuyện được kể trong ca dao là chuyện tâm tình - đó là nỗi niềm
được kể nhiều hơn là câu chuyện được thuật lại” [207, 31].

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
3
Cũng giống như nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị, nhà nghiên cứu Lê
Trường Phát trên cơ sở viết về lối kể chuyện, đã chỉ ra đặc trưng cơ bản nhất
của những bài ca viết theo lối này: “Trong bài ca dao kể chuyện tuy cũng có
sự nhưng nổi lên bình diện thứ nhất việc kể và tả là “tình” là nỗi niềm của
nhân vật (và là nhân vật trữ tình). Ở đây câu chuyện đựơc kể không cần mang
vẻ ngoài của nó như trong thực tại, điều đáng chú ý hơn cả vẫn là những cảm
xúc tâm lí của nhân vật trữ tình phản ứng lại những biểu hiện, những vẻ
ngoài của sự việc.” [139, 26].
Trong quá trình tìm hiểu chúng tôi nhận thấy lối kể chuyện mà hai nhà
nhà nghiên cứu trên đề cập tới có nội hàm rất gần với yếu tố tự sự trong ca
dao. Do vậy, những ý kiến nhận định trên là những gợi ý quan trọng và quý
báu cho chúng tôi trong quá trình tìm hiểu đề tài.
Về các dạng thức biểu hiện của yếu tố tự sự, dù chỉ nghiên cứu ở mức độ
khái quát nhưng trong “Những thế giới nghệ thuật ca dao”, Phạm Thu Yến đã
bước đầu chỉ ra rằng yếu tố tự sự xuất hiện trong ca dao có những dạng thức
biểu hiện khác nhau.
Trong bài viết: “Học viết truyện ngắn trong ca dao cổ” Vũ Tú Nam qua
việc phân tích bài ca dao “Mình ta nói với ta mình hãy còn son” đã chỉ ra những

“đức tính” cần có của một truyện ngắn. Cũng trong bài viết này tác giả đã nêu
một cấp độ biểu hiện của yếu tố tự sự trong ca dao: Cấp độ có cốt truyện.
Riêng bàn về “sự” và “tình”, Hoàng Tiến Tựu đã chỉ ra một cách rất
hình ảnh cũng khá cụ thể mối quan hệ giữa hai yếu tố này: “Có thể nói “sự” là
thể xác “tình” là linh hồn của ca dao. Muốn lập ý, diễn tình và cấu tứ nói
chung phải nhờ đến “sự”. Mặc dù bản thân “sự” nếu tách rời thì sẽ mất hết nội
dung, ý nghĩa, chẳng là cái gì cả. Nhưng nếu thiếu nó thì “tình” khó bộc lộ, tứ
cũng khó mà hình thành, cho nên chỉ có thể nói “sự” là cơ sở, là điểm tựa của
tư tưởng tình cảm trong ca dao”[32, 34].

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
4
Tổng hợp các ý kiến trên, dễ nhận thấy có một điểm chung là từ cách
gọi tên cho đến nội dung vấn đề được đưa ra, các nhà nghiên cứu mới chỉ
gián tiếp nhắc đến yếu tố tự sự và cũng chỉ nhắc đến một khía cạnh nào đó
của yếu tố này trong ca dao mà chưa tìm hiểu một cách hệ thống, cụ thể
vấn đề này.
Với bài viết “Tự sự trong loại hình trữ tình dân gian”, Nguyễn Bích Hà
đã bước đầu nhìn nhận, tìm hiểu yếu tố tự sự trên một số phương diện: Các
dạng thức biểu hiện, đặc điểm vai trò của nó trong ca dao nói chung. Tuy
nhiên do dung lượng có hạn của bài báo nên bài viết còn khá khái quát, chưa
đi sâu vào tìm hiểu vấn đề này.
Trên đây là một số bài viết về yếu tố tự sự trong kho tàng ca dao
người Việt. Dù chỉ dừng lại ở mức độ khái quát nhưng những kết quả
nghiên cứu trên thật sự là chỗ dựa vững chắc cho chúng tôi trong suốt quá
trình thực hiện đề tài.
Bên cạnh mảng ca dao người Việt, các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến
việc tìm hiểu sự hiện diện của yếu tố này trong kho tàng dân ca của các dân
tộc anh em khác. Có thể kể đến một số bài viết sau:
Trong khi tìm hiểu về “Đặc điểm kết cấu dân ca Hmông”, tác giả Phạm

Thu Yến nhận định rằng: “Một đặc điểm rất quan trọng, khi quan sát kết cấu
dân ca Hmông là các bài dân ca này dài hơn dân ca Việt. Tính chất trần thuật,
kể lể, phô diễn đậm nét hơn” và “Dân ca Việt, dân ca Trung Quốc kết cấu
thường ngắn, gọn, các yếu tố cốt truyện không rõ như dân ca Thái, dân ca
Hmông có nhiều bài rõ yếu tố cốt truyện, đôi chỗ còn có lời trần thuật của
người dẫn truyện” [60, 39].
Tìm hiểu về dân ca trữ tình Thái, tác giả này cũng cho rằng: “Một
đặc điểm dễ nhận thấy ở dân ca Thái là chất trữ tình kết hợp hài hòa với
lối tự sự, phô diễn, giãi bày khiến dân ca Thái vừa giản dị, hồn nhiên vừa

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
5
lãng mạn, thơ mộng. Một bài dân ca Thái thường kể về một tình huống,
diễn tả tâm trạng, nhiều khi như kể cả câu chuyện có lời thoại, tả cảnh, tả
tình” [153, 39].
Riêng về dân ca sinh hoạt của người Tày, đối tượng mà đề tài hướng tới,
các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng có sự tham gia của yếu tố tự sự.
Nhà nghiên cứu văn học dân gian Vi Hồng đã khẳng định rằng: “Sli,
lượn trữ tình chủ yếu là những lời trò chuyện tâm tình giữa nam nữ thanh
niên, nhưng vẫn không hoàn toàn gạt bỏ những bài mang tính tự sự” và
“chính do hình thức diễn xướng nối tiếp này mà các bài lượn trữ tình vẫn
mang hơi thở của thể loại tự sự” [193, 14].
Tìm hiểu về “lượn sách”, nhà nghiên cứu Vũ Anh Tuấn cũng khẳng
định: “Loại lượn này mặc dầu được trình bày trong các cuộc sli, lượn nhưng
lại mang yếu tố tự sự đậm đà hơn tính trữ tình” [49, 33].
Như vậy, dù trong kho tàng ca dao người Việt hay ở bộ phận dân ca sinh
hoạt của người Tày, trên cấp độ loại hình, cần nhận thấy có sự xâm nhập
mạnh mẽ của yếu tố tự sự vào loại hình tưởng như đối lập với nó về phương
thức biểu hiện - loại hình trữ tình dân gian. Nhưng cho đến nay vấn đề này
vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến,

những nhận định của nhà nghiên cứu trước đó, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu
một cách tương đối toàn diện về yếu tố tự sự trong điệu hát dân ca trữ tình
Tày. Từ đó chỉ ra những đặc trưng, vai trò của nó trong việc biểu lộ cảm xúc
trữ tình của những cư dân nói tiếng Tày.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Qua việc tìm hiểu đề tài, luận văn sẽ chỉ ra một cách có hệ thống các
dạng thức biểu hiện và vai trò của yếu tố tự sự trong kho tàng dân ca sinh hoạt
của người Tày.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
6
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Xuất phát từ mục đích nghiên cứu, chúng tôi xác định nhiệm vụ nghiên
cứu của đề tài là:
- Xác định một khái niệm chung nhất về yếu tố tự sự.
- Từ khái niệm ấy đối chiếu vào các lời ca trong kho tàng dân ca Tày để tìm
ra những lời ca có sự xuất hiện của yếu tố tự sự và tiến hành phân loại chúng.
- Trên cơ sở những số liệu cụ thể mà kết quả khảo sát đem lại, chúng tôi
tiến hành phân tích, so sánh để tìm ra một số đặc điểm cơ bản và vai trò của
yếu tố tự sự trong kho tàng dân ca Tày.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Các lời dân ca sinh hoạt của người Tày có sự hiện diện của yếu tố tự sự.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Các lời dân ca Tày đã được sưu tầm và biên dịch trong một số cuốn
sách sau:
1. Ca dao Tày Nùng, Triều Ân (1994), Sưu tầm, tuyển dịch, giới thiệu,
Nxb Văn học.
2. Lượn slương, Phương Bằng, Lã Văn Lô (1992), Sưu tầm, phiên âm,

dịch, Nxb Văn hoá dân tộc.
3. Phong Slư, Phương Bằng (1994), sưu tầm, phiên âm, chỉnh lý biên
soạn và dịch thuật, Nxb Văn hóa dân tộc.
4. Đồng dao Tày, Hoàng Thị Cành (1994), Sưu tầm, tuyển dịch, biên
soạn, Nxb Văn hoá Dân tộc.
5. Lượn cọi Tày - Nùng, Cung Văn Lược, Lê Bích Ngân (1987), Nxb
Văn hóa dân tộc.
6. Sli lượn hát đôi của người Tày Nùng ở Cao Bằng, Hoàng Thị Quỳnh
Nha (2003), Nxb Văn hóa - Thông tin.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
7
7. Lượn Tày Lạng Sơn, Hoàng Văn Páo (2003), Sưu tầm, biên dịch, giới
thiệu, Nxb Văn hoá Dân tộc.
8. Lượn cọi, Lục Văn Pảo (1994), Sưu tầm, phiên âm, dịch - Nxb Văn
hoá dân tộc.
Và một số bài dân ca sinh hoạt của người Tày được tuyển chọn, phiên
âm, biên dịch in trong các hợp tuyển, tổng tập văn học.
5. Phương pháp nghiên cứu
Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Bởi vậy,
với mong muốn thu được kết quả cao nhất, ở đề tài này, chúng tôi sử dụng
nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó xác định một số phương pháp sau là
cơ bản:
- Phương pháp thống kê, hệ thống.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
- Phương pháp phân tích, khái quát hoá.
- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết.
6. Đóng góp của luận văn
Hoàn thành đề tài, luận văn hy vọng sẽ chỉ ra một cách có hệ thống các
dạng thức biểu hiện và vai trò của yếu tố tự sự trong dân ca Tày.

7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo, nội dung chính của
luận văn được thể hiện trong 3 chương:
Chương 1: Khái quát về tộc người Tày, văn học dân gian Tày và một số
vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài.
Chương 2: Các dạng thức tồn tại của yếu tố tự sự trong dân ca Tày.
Chương 3: Vai trò của yếu tố tự sự trong dân ca Tày.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
8
Phần 2: NỘI DUNG
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI TÀY, VĂN HỌC DÂN GIAN TÀY
VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Khái quát về tộc người Tày và văn học dân gian Tày
1.1.1. Khái quát về tộc người Tày
Tày là tên gọi từ lâu đời dùng để chỉ chung người dân tộc ở Trung
Quốc và Đông Nam Á. Theo các nhà dân tộc học thì tên gọi này đã có từ nửa
cuối thiên niên kỉ thứ nhất sau công nguyên. Ngoài tên gọi này, người Tày
còn được biết đến bởi các tên Thổ, Cần Shín, Khay, Táy...
Cùng với người Việt, người Mường... ở Việt Nam, người Tày đã có
mặt từ xa xưa gắn liền với tiến trình dựng nước và giữ nước. Tính đến năm
1995, dân số Tày ở nước ta vào khoảng 1,2 triệu người, đứng vị trí thứ nhất
trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Người Tày có mặt ở hầu hết các tỉnh
thành trong cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở vùng Việt bắc,trên địa bàn các
tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn... đặc biệt là Cao Bằng
(75% dân số tỉnh Cao Bằng).
Tìm về cội nguồn lịch sử, người Tày còn thuộc nhóm Âu Việt trong
khối Bách Việt mà địa bàn cư trú là miền Bắc Việt Nam và miền Hoa Nam
Trung Quốc. Vào thế kỉ thứ 3 trước công nguyên, liên minh bộ lạc Âu Việt

(Tày - Nùng) đã cùng với liên minh bộ lạc Lạc Việt (Việt - Mường) thành lập
nên vương quốc Âu Lạc. Người thủ lĩnh đứng đầu là An Dương Vương Thục
Phán. Địa bàn quốc gia Âu Lạc là Bắc Bộ và Trung Bộ. Âu Lạc là quốc gia
đầu tiên xuất hiện trên vũ đài lịch sử Việt Nam. Trong quá trình cùng chung
sống, đấu tranh để xây dựng và giữ gìn đất nước người Âu Việt và người Lạc
Việt vốn có những quan hệ gần gũi nhau, cùng giao lưu tiếp thu ảnh hưởng

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
9
văn hoá của nhau. Người Lạc Việt đông hơn và phát triển xuống vùng đồng
bằng phía Nam, theo hạ lưu các con sông và ven biển. Có thể những bộ phận
người Âu Việt đã hoà nhập vào nhóm Lạc Việt để hình thành dân tộc Việt
hiện đại. Còn lại là những bộ phận người Âu Việt ở miền núi và trung du chịu
ảnh hưởng văn hoá của người Việt. Tức người Tày ngày nay.
Sau người Việt sống ở vùng đồng bằng phì nhiêu, người Tày sinh cơ
lập nghiệp ở những vùng được thiên nhiên ưu đãi nhất. Đó là những cánh
đồng miền núi, những thung lũng ruộng bậc thang xung quanh có cây rừng,
suối nước, đồi cỏ, khí hậu trong lành, rất thuận tiện cho việc trồng trọt chăn
nuôi, đặc biệt là việc trồng các loại hoa màu, các cây công nghiệp, cây ăn quả.
Trước cách mạng tháng Tám, nền kinh tế của đồng bào Tày căn bản là
một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Nguồn sống chính là trồng trọt, thứ đến
là chăn nuôi. Thủ công nghiệp là nghề phụ trong gia đình. Việc thu thập khai
thác lâm thổ sản là nguồn thu nhập quan trọng. Việc săn bắn bổ sung nguồn
thu nhập cho gia đình. Việc buôn bán chủ yếu nằm trong tay người Hoa kiều
và người Việt ở thị xã, thị trấn.
Vùng sinh sống trước đây của người Tày là địa bàn chính chống xâm
lăng dưới nhiều triều đại. Từ thời Lý Trần, nhất là từ thời Lê, nhà nước phong
kiến đặt chế độ “thế tập, phiên thần” tức chế độ thổ ti, phái một số công thần
hay con cháu của họ, chọn trong những phần tử trung kiên nhất, đem theo gia
đình, thuộc tộc, lên chiêu dân lập ấp ở các tỉnh biên giới sau mỗi trận chiến

thắng, quét sạch xâm lược ra khỏi bờ cõi. Các vị lưu quan này đời đời kế tục
cai trị các địa phương, rất mực trung thành với triều đình trung ương.
Chế độ thổ ti dần tan rã dưới thời Pháp thuộc. Con cháu các dòng họ
thổ ti sống hòa vào nhân dân các địa phương, trở thành người Tày, mang theo
nhiều yếu tố văn hóa Việt. Một sự hòa hợp dân tộc trong lịch sử đáng chú ý
xảy ra vào thế kỉ 16, 17. Triều đình lưu vong họ Mạc bị quân Lê Trịnh đánh

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
10
đuổi, chạy lên trấn giữ vùng Cao Bằng trong non một thế kỷ. Sau khi họ Mạc
diệt vong, con cháu và quan quân dư đảng thay tên đổi họ, sống hòa vào nhân
dân địa phương, đồng hóa với người Tày.
Xã hội Tày trước cách mạng tháng Tám đã chuyển sang chế độ phong
kiến địa chủ nhưng phân hóa giai cấp chưa sâu sắc như ở miền xuôi nên quan
hệ giữa các tầng lớp xã hội trong làng bản nói chung vẫn là quan hệ đoàn kết,
tương thân tương trợ giữa những người trong họ hàng làng xóm.
Trên đây là một vài nét chấm phá về lịch sử tộc người và điều kiện xã
hội của cư dân nói tiếng Tày trước cách mạng tháng Tám. Những điều này ít
nhiều đều có ảnh hưởng tới văn học dân gian nói riêng cũng như văn hóa của
người Tày nói chung.
Có thể nói, địa hình miền núi ưu ái mà bất thuận, thiên nhiên hùng vĩ
tươi đẹp mà dữ dằn, cửa ngõ biên giới giao du rộng mở mà không kém
phần phức tạp... tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến điều kiện sống,
sinh hoạt, văn hoá, tính cách của những người Tày. Người Tày không
những đã tạo ra được một nền văn hoá với những giá trị vật chất bền vững
mà còn sáng tạo nên một nền văn hoá tinh thần với những phong tục tập
quá lâu đời và phong phú.
Trước hết, đó là những nét đẹp trong văn hoá sắc tộc của người Tày.
Trong quan hệ gia đình, người Tày vốn có lòng kính già yêu trẻ. Dưới chế độ cũ,
người phụ nữ không được đối xử bình đẳng với nam giới, không được hưởng gia

tài, không được đi học. Tuy nhiên, họ vẫn được chồng con tôn trọng, vì họ giữ
vai trò quan trọng trong lao động sản xuất và trong quản lý kinh tế gia đình.
Trong quan hệ với các dân tộc anh em, đồng bào có tập quán kết nghĩa
anh em gọi là “lạo tồng”, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt.
Người Tày sống hồn hậu, chân thành và đặc biệt có lòng mến khách. Bản
làng là đơn vị hành chính đồng thời là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hoá tinh

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
11
thần. Ở đó họ sống với nhau thân thiện, đàm ấm và hoà hảo. Mỗi khi khách vào
bản, cả bản vui mừng đón tiếp. Họ đón tiếp nhau không chỉ bằng tình cảm chân
thành đằm thắm mà còn bằng cả tiếng hát lời ca ngọt ngào thiết tha:
Xin dâng lời đẹp cho người
Xin dâng lời thơm cho bạn
Nét phong tục độc đáo này trở thành một môi trường lý tưởng nuôi
dưỡng những tiếng hát lời ca của người Tày.
Nói đến văn hoá người Tày không thể không nói đến ngôn ngữ của
người Tày. Người Tày đã sớm có một thứ ngôn ngữ của riêng mình. Qua thời
gian sàng lọc tiếng Tày rất gần với tiếng Việt về hệ thống âm thanh và ngữ
pháp. Trong từ vựng tiếng Tày và tiếng Việt đều có những từ vay mượn của
nhau, nhất là có rất nhiều tiếng từ Hán Việt. Lý do rất đơn giản bởi giống như
người Việt, trước đây, người Tày đã từng học chữ Hán, sau đó, trên cơ sở chữ
Hán, người Tày đã tạo ra chữ Nôm Tày. Sự ra đời chữ Nôm Tày có ý nghĩa
vô cùng quan trọng trong tiến trình văn hoá lịch sử phát triển dân tộc Tày.
Ngay từ khi ra đời, chữ Nôm Tày trở thành một phương tiện đắc dụng ghi lại
tiếng nói Tày, thơ ca, truyện khuyết danh... của dân tộc Tày. Như vậy, qua
thời gian sàng lọc đến nay, người Tày đã tương đối ổn định phát triển và đáp
ứng nhu cầu giao tiếp của đồng bào. Tiếng nói ấy sinh động về âm thanh, giàu
có về từ ngữ, phong phú về sắc thái biểu cảm. Điều này thể hiện rõ trong lời
ăn tiếng nói, nhưng đặc biệt là qua kho tàng văn hoá dân gian của họ.

Tín ngưỡng, lễ hội cũng là một mảng quan trọng trong đời sống tinh
thần đồng bào Tày. Đó là nơi bộc lộ rõ nhất đời sống tâm linh của họ.
Thật khó mà xác định người Tày thuộc tôn giáo nào. Phật giáo rất phổ
biến ở Việt Nam. Nhưng người Tày hầu như không có chùa thờ Phật mà chỉ
đình thờ thần, không có các nhà tu hành mà chỉ có những người làm nghề
cúng bái như “mo”, “then”, “tào”, “pụt”...

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
12
Thờ tổ tiên là tục lệ lâu đời của người Tày. Bàn thờ thường đặt ở gian
chính, hướng ra cửa. Những ngày lễ tết trong năm, những việc đại sự gia đình
như xây nhà mới, cưới xin, tang lễ... bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng là nơi họ
thỉnh cầu, giao cảm tâm linh.
Bên cạnh đó, người Tày cũng thờ một số vị Phật, Thần thường thấy
trong Phật giáo như Phật bà Quan âm, trong đạo giáo như Hắc Hồ Huyền
Đàn, Hoa Vương, Thánh Mẫu... Trong khi làm ma chay cúng bái, đồng bào
dùng một số nghi thức trong “thọ mai gia lễ”. Tín ngưỡng của đồng bào Tày
bắt nguồn từ thuyết vạn vật có linh hồn, chủ nghĩa đa thần trong nguyên thủy,
tục thờ thần dòng họ, tục tin ở rất nhiều thứ ma, gọi là “phi”, kết hợp với một
số yếu tố Đạo giáo, Phật giáo, Khổng giáo do những người làm nghề cúng bái
đem truyền bá trong dân gian.
Những ngày hội, ngày Tết truyền thống trong đồng bào Tày cũng
như trong người dân Việt Nam nói chung đều là những ngày Tết nông
nghiệp. Mỗi ngày Tết trong năm đều có ý nghĩa riêng, có những nghi lễ và
đồ cúng riêng, thường là sản phẩm tiêu biểu của từng mùa. Tết đầu năm âm
lịch là Tết lớn nhất trong năm. Đồng bào ăn mừng kết thúc một năm thu
hoạch thắng lợi, đồng thời chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất. Mỗi
Tết đến đều mang lại cho người ta những hy vọng mới. Trong tháng Tết
này người ta mở những ngày hội Lồng Tồng để cầu mùa màng, để cho trai
gái vui chơi, ca hát với nhau, tổ chức những trò chơi dân gian để thưởng

xuân. Đây còn là dịp để bạn bè, bà con đến hỏi thăm nhau, con cái ở xa về
thăm cha mẹ, nhất là con rể đến lễ tết bố mẹ vợ. Ngoài ngày Tết đầu năm,
trong năm, người Tày còn rất nhiều ngày Tết khác như: Tết mùng 3 tháng 3
âm lịch, Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5, Tết rằm tháng bảy, Tết trung thu...
Những ngày hội, ngày Tết truyền thống nói chung có những ý nghĩa lành
mạnh, nó nói lên ước mong của người dân lao động muốn làm sao cho mùa

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
13
màng của mình thu hoạch tốt, của cải được dồi dào, ấm no, hạnh phúc.
Thực tế hơn, nó nhằm cải thiện phần nào đời sống của người lao động sau
những ngày làm ăn mệt mỏi trên những nương rẫy.
1.1.2. Vài nét về văn học dân gian Tày
1.1.2.1. Một số thể loại văn học dân gian Tày
Với những khao khát chinh phục thiên nhiên cải tạo cuộc sống mà dân
tộc Tày sớm thoát khỏi thời kì mông muội, tiến tới văn minh loài người. Mặt
khác, trải qua những cuộc thiên di vĩ đại, người Tày đã có một nền văn hoá
phát triển lâu đời. Người Tày lại sớm có chữ viết và ngôn ngữ riêng nên họ đã
xây dựng được một nền văn nghệ nói chung và văn học dân gian khá đồ sộ.
* Loại hình tự sự dân gian
Người Việt có thần thoại là cơ sở giải thích các hiện tượng tự nhiên
và sự ra đời của vạn vật thì người Tày cũng đánh dấu trong kho tàng văn
hoá dân gian của mình bằng thần thoại Pú Lương Quân. Truyện đã thâu
tóm giới thiệu cả ba thời kì sinh hoạt của quá trình phát triển xã hội loài
người: săn bắt, trồng trọt, chăn nuôi. Những hệ thống thần thoại người Tày
mang đậm màu sắc hoang đường nhưng trong ý niệm tuyệt đối, những câu
chuyện này đã phản ánh được sâu sắc thế giới quan, nhân sinh quan của
người Tày cổ xưa.
Truyền thuyết Tày đặc biệt phong phú ở bộ phận có mẫu đề người anh
hùng chống xâm lăng, giữ vững địa bàn cư trú. Trong đó nổi bật là nhóm

truyện kể về các thủ lĩnh quân sự, các vị anh hùng. Trong đó, có thể kể đến
truyền thuyết Nùng Trí Cao, Hoàng Lục, Tôn Đản, Dương Tự Minh... Ngoài
ra, ở mảng thể loại này còn phải kể đến vô số truyền thuyết địa phương, kể về
những vị có công khai sơn phá thạch, lập bản dựng mường mà tên tuổi được
coi như là thật, được chép lại trong các thần tích, thần phả gắn liền với cả đền
thờ thần, miếu thờ thành hoàng... ở những bản làng Tày.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
14
Truyện cổ tích ra đời đã đánh dấu bước trưởng thành trong tiến trình
văn học dân gian Tày. Phần lớn các truyện đều nói lên đạo đức tài năng của
những người bình dân, những người cùng khổ nhất, người có công đánh giặc
cứu nước, đả kích bọn hôn quân bạo chúa, cường hào ác bá. Có truyện đề cao
lòng chung thuỷ vợ chồng, tình bạn bè giàu nghèo sống chết có nhau. Có
truyện giáo dục con cái về quan điểm lao động như truyện phú ông bắt con
trai đi học nghề trước khi được hưởng gia tài của ông cha để lại. Có thể thấy
kho tàng truyện của người Tày vô cùng phong phú. Qua những câu chuyện
truyền miệng đó, ít nhiều chúng ta cũng cảm thấy bóng dáng của sự phát triển
của loài người từ nguyên thuỷ xa xưa tới khi xã hội phân chia thành giai cấp
đối kháng.
Truyện cười của người Tày không nhiều, ý nghĩa đấu tranh giai cấp
cũng chưa sâu sắc thâm thuý. Nội dung chủ yếu của truyện cười là phê phán
thói hư tật xấu trong nội bộ người dân lao động.
Truyện ngụ ngôn của người Tày cũng không nhiều. Nói chung, đó là
những truyện về cơ bản có hình thức là mượn truyện loài vật để nói về các
mối quan hệ nhân sinh. Ý nghĩa chủ yếu của truyện là rút ra các bài học sâu
sắc về thế sự, mục đích chủ yếu là đề cao trí thông minh của người lao động.
Đối với thể loại truyện thơ dân gian, người Tày đã đóng góp cho kho
tàng văn học dân tộc những kiệt tác mà cho đến nay những giá trị nội dung và
nghệ thuật của nó còn khiến các thế hệ sau phải ngỡ ngàng: Khảm Hải, Nam

Kim - Thị Đan, Lưu Đài - Hán Xuân, Trần Chu - Quyển Vương... Kết cấu
truyện thơ thường diễn ra theo ba bước: gặp gỡ, yêu thương tha thiết - tình
yêu tạm thời bị chia cắt hoặc tan vỡ - đôi bạn tìm cách thoát khỏi trói buộc để
đoàn tụ. Truyện thơ dân gian Tày thể hiện khát vọng dân chủ, khát vọng hạnh
phúc mãnh liệt cũng như ý thức chống lại lề thói tập tục khắc nghiệt, bóp
nghẹt quyền tự do yêu đương của con người.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
15
* Loại hình trữ tình dân gian.
Gần gũi hơn cả và phản ánh sắc nét nhất đời sống vật chất và tinh thần
của người Tày phải kể đến loại hình trữ tình dân gian Tày. Đó là những lời ca
tiếng hát cất lên từ nhà sàn yêu dấu, từ mảnh rừng xanh bao la, từ dòng suối
hiền hoà mát thương... Trai gái Tày đem những tiếng hát lời ca cất lên như
một cái cầu nhỏ gửi tâm tình tới người thương yêu, tới quê hương làng bản.
Loại hình này được hợp thành từ hai tiểu loại: Dân ca nghi lễ và dân ca
sinh hoạt. Mỗi mảng lại có những đặc sắc riêng trên cả hai phương diện nội
dung và nghệ thuật.
* Các thể loại trung gian
Tục ngữ Tày rất phong phú. Về hình thức, đó là những câu ngắn gọn
văn vẻ, giàu hình ảnh gần gũi với đời sống ngàn năm. Về nội dung, đó là
những câu đúc kết những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống muôn màu
muôn vẻ của cộng đồng Tày trên cả hai lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Nghiên
cứu tục ngữ của đồng bào Tày, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn hoàn cảnh làm ăn
sinh sống và những kinh nghiệm quý báu trong lao động sản xuất, trong quan
hệ xã hội và gia đình của đồng bào xưa.
Câu đố là một thể loại khá phổ biến ở mọi vùng cư trú của người Tày.
Bất kỳ ở đâu những lúc bên bếp lửa, đi làm nương rẫy, trò chuyện, vui đùa
người ta đều dùng câu đố như một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần. Nội
dung của câu đố rất phong phú biểu hiện những nhận xét sắc sảo, tinh tế và

hóm hỉnh. Các câu đố về sự vật, con người, về hiện tượng tự nhiên rất gắn bó
với đời sống hàng ngày của người Tày. Đây cũng là một hình thức giải trí tuơi
mát, đầy chất thông minh và có tác dụng giáo dục cộng đồng một cách sâu sắc.
Câu đố có thể cấu tạo từ hai đến hàng chục câu. Trai gái Tày có lúc sử
dụng câu đố dưới hình thức hát Lượn giao duyên. Bên trai hay bên gái không
đối đáp được thì coi như thua cuộc. Do vậy trai gái Tày rất chú ý học hỏi kinh
nghiệm của người già để có vốn đối đáp phong phú.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
16
Phuối pác, phuối rọi là những lời nói có vần, có điệu của nam, nữ
thanh niên Tày hàng ngày. Đây là lối nói tự do, sáng tạo, thường được diễn
ra khi gặp nhau trên đường, ở chợ hay trong lễ hội... Nó cũng là một hình
thức biểu hiện tình cảm, nó là những lời ướm hỏi trêu ghẹo tình tứ thể hiện
những sắc thái tình cảm trong tình yêu. Được thời gian gọt rũa, những lời
phuối phác, phuối rọi ngày càng cô đọng bóng bẩy và mềm mại một chất thơ
lãng mạn.
Sẽ khó có thể miêu tả được hết diện mạo văn học dân gian Tày. Nó vô
cùng phong phú về thể loại, đồ sộ về khối lượng, đa dạng về sắc thái biểu
cảm. Trong vốn văn hoá cổ quý báu đấy, gần gũi hơn cả và phản ánh sắc nét
nhất đời sống, tình cảm và tư tưởng của người Tày phải kể đến dân ca sinh
hoạt. Lựa chọn tiểu loại này làm đối tượng nghiên cứu, chúng tôi sẽ nói rõ
hơn ở mục sau.
1.1.2.2. Dân ca sinh hoạt của người Tày
Dân ca Tày có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong lao động
sản xuất, trong sinh hoạt giao tiếp thì có dân ca sinh hoạt; trong các nghi lễ
trang trọng thì có các mo, then, tào, pụt; trong đám cưới đám hỏi, rước dâu thì
có hát quan làng. Nói chung những hình thức sinh hoạt đó thường tập trung phô
diễn tình cảm, ca ngợi lao động, ca ngợi tình yêu, đề cao tự do... Ở mỗi phương
diện của cuộc sống thì có một thể tài ca hát riêng. Vì vậy, các mảng đề tài đã có

đường biên rõ nét. Đó là các bài hát về lao động sản xuất, hát mừng đám cưới,
hát mừng nhà mới, hát mừng hội bản hội mường, hát sinh con, hát đưa tiễn linh
hồn và đặc biệt là hát về tình yêu với tất thảy cung bậc của nó.
Một trong những hình thức mà đề tài hướng đến chính là dân ca sinh
hoạt của người Tày. Mảng tiểu loại này có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc
sống người Tày. Từ lúc bước chân xuống thang ra khỏi nhà đến mảnh nương,
thửa ruộng để nhặt rêu bắt ốc, tìm măng hái củi… lúc nào, nơi nào cũng phải

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
17
có câu hò, tiếng hát. Tiếng hát lời ca đã trở thành linh hồn của bản mường, là
nơi thể hiện chân thành tình cảm của người Tày theo cách riêng của mình.
Dân ca sinh hoạt của người Tày không chỉ phong phú về nội dung,
chan chứa sắc thái biểu cảm mà còn đa dạng về các tiểu loại. Có thể kể đến
một số tiểu loại sau:
Lượn: là một bộ phận dân ca Tày. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn
chưa đưa ra một cách hiểu thống nhất về thuật ngữ ngày. Nhưng theo nhà
nghiên cứu Vi Hồng, Lượn có cội nguồn từ chữ Vjén (ru) mà thành. Lượn có
rất nhiều tiểu loại. Ngoài hai loại cơ bản tiêu biểu lượn cọi và lượn slương,
người Tày còn có lượn then, lượn nàng Hai, lượn khắp… Trong cái nhìn đối
sánh với dân tộc Kinh, lượn là một lối hát giao duyên có thể tương tự như lối
hát quan họ ở Bắc Ninh, loại dân ca này có giai điệu vang xa tha thiết, lay
động lòng người gợi cảm giác bâng khuâng, thương nhớ. Người Tày coi lượn
như một nhu cầu tinh thần không thể nào thiếu được: “Khắp mọi luỹ làng của
người Tày, Nùng không mấy khi vắng tiếng Sli, giọng lượn. Chỉ trừ giấc ngủ
và bữa ăn của họ - Sli lượn vang lên từ trong mọi nhà, ra khắp bản mường...
ngoài đồng ngoài rẫy, ngoài chợ, ngoài đường. Không chỉ có thanh niên mà
người già, người trẻ đều thích Sli, lượn, thích nghe Sli, lượn”...[26, 14].
Đã có một thời tiếng lượn ngập tràn làng bản, đồi núi, hoà vào tận tâm
hồn, huyết mạch đồng bào:

- Nửa đêm Nàng ới cháy lòng
Khiến em dừng đường kim đường vá
Khiến anh vở giữa trang ngừng đọc
- Tiếng Then thành tiếng Then phơi phới
Tiếng cọi thành tiếng cọi thiết tha
- Ra chợ được nghe tiếng Hà lều
Bát phở không cần mỡ cũng ngon

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
18
Về hình thức sinh hoạt diễn xướng, đặc trưng của lượn là đối đáp, đối
ca và nối tiếp ca.
Đối đáp là một trong những hình thức sinh hoạt phổ biến của lượn.
Hiểu một cách đơn giản nhất đối đáp là một bên “đối” và một bên đáp trả lại.
Một bên - thường là “khách” - bao giờ cũng ca ngợi hết lời những thứ, những
vật... của bên “chủ”. Bên chủ sẽ đáp lại bằng những lời lẽ khiêm tốn, lịch sự,
không dám nhận những lời khen của khách. Xét về hình thức, lối hát này
không có những nét khác biệt lắm so với những cuộc hát ví, hát phường vải,
phường cấy... của người Kinh.
Bên cạnh đối đáp là đối ca. Đối ca phổ biến ở lượn slương sau nữa là
lượn then. Ở lượn slương thường là tập thể bên nam bên nữ, mỗi bên có khi
đến hai chục người hoặc hơn nữa. Nam nữ ngồi thành hai hàng theo chiều dài
của gian nhà sàn, quay mặt vào nhau. Sau những lời mời lịch sự của chủ nhà,
lời tuyên bố lý do của bên chủ và vài nghi thức đơn giản khác, hai bên nam nữ
bắt dầu “đối ca”. Đối ca có thể đối về đề tài lượn, đối về nội dung của bài
lượn hoặc chỉ đối có tính chất hình thức, đối hoa, đối mùa, tháng... có khi thay
nhau lượn những khổ lượn khác nhau.
“Nối tiếp ca” là một hình thức nữa của sinh hoạt diễn xướng lượn. Có
hai loại nối tiếp ca. Thứ nhất là nối tiếp ca theo đúng nghĩa đen của thuật ngữ
này. Nghĩa là bên nam, bên nữ thay nhau, lần lượt hát lên những bài lượn về

một đề tài. Có những câu chuyện chia làm nhiều đoạn nhỏ, mỗi bên lần lượt
hát lên từng đoạn như tiếp nối nhau cho đến hết câu chuyện.
Loại nối tiếp thứ hai là hai bên cùng hát tiếp nối - chắp nối các “đường
lượn” với nhau, các đường lượn ấy thì rất nhiều tùy theo từng cặp, những tốp
ca thuộc nhiều hay ít.
Thông qua các hình thức diễn xướng này mà tiếng hát lời ca ngân lên
mọi lúc, mọi nơi, trong bản ngoài mường, trở thành một phần không thể thiếu
được trong đời sống tinh thần người Tày.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
19
Phong slư: Phong slư là những bức thư tình, một thể thơ hết sức đặc
sắc của trai gái Tày. Bức thư này viết bằng chữ Nôm Tày trên nền vải sa tanh
đỏ, rộng chừng một mét vuông. Vải được vẽ hoa biên, hai bên là hai con rồng
há mồm chầu mặt trời hoặc chim muông. Ngày xưa, con trai, con gái Tày ít
học chữ, không biết chữ, bởi thế họ thường nhờ một người là Slấy cá viết hộ,
Slấy cá là người trí thức bình dân sống trong cộng đồng Tày. Phong slư do
Slấy cá viết, ghi lại những tâm tình thầm kín của trai, gái Tày. Phong slư được
gửi đi, khi nhận được, người con trai con gái Tày lại đem Phong slư đó đến
nhờ một Slấy cá đọc, Slấy cá thường ngâm ngợi những bức thư đó theo một
giai điệu tha thiết. Vì vậy, bức thư có tính chất cá nhân ấy thông qua Slấy cá
trở thành một loại dân ca mang tính cộng đồng.
Tình yêu nam nữ trong phong slư thường là tình yêu trong xa cách trắc
trở, tan vỡ. Bởi vậy tiếng hát, giai điệu phong slư thường buồn da diết. Tuy
nhiên không hề bi lụy kêu than mà vẫn luôn sáng lên những ước mơ lãng
mạn, nhân văn.
Hãy tu thân chờ nhau bên ấy
Dẫu là không lấy được cũng cam
Yêu nhau để khắp mường được thấy
Tiếng thơm sẽ trọn vẹn mai sau

Tới trăm năm khi về âm phủ
Ta rủ nhau về chốn mường hơn
Tóm lại, Phong slư phục vụ cho tình yêu lứa đôi nhưng Phong slư cao
hơn cuộc sống, nên có yếu tố hư ảo mang theo tính tao nhã, thanh cao. Vì vậy,
Phong slư vẫn tồn tại trong đời sống tình cảm của người Tày như một nét đẹp
trong văn hoá độc đáo thấm đẫm phong vị trữ tình.
Những bài hát vui cho trẻ em: Đồng dao và hát ru
Đồng dao là những bài hát vui của lứa tuổi nhi đồng. Nó có thể xuất
hiện tự nhiên (như những hạt mầm khoẻ mạnh dưới nắng xuân) được xướng

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
20
lên từ những cuộc sinh hoạt vui chơi của tập thể nhi đồng hoặc đó là bài hát
của cha mẹ, anh chị thương quí các em mà đặt lên lời ru.
Đồng dao cho em tuy kết cấu không được chặt chẽ nhưng có vần, có
điệu, dễ đọc, dễ nhớ phù hợp tâm lý của trẻ em. Những bài ca với những hình
ảnh đẹp đẽ đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ phát triển lớn lên cùng với lòng tôn
kính mẹ cha, tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, sống nhân ái, vị tha... Có thể
nói, đồng dao Tày là di sản văn hoá mang bản sắc dân tộc đậm đà.
Cùng với những bài đồng dao, hát ru chủ yếu là lời ca dành riêng cho
các em nhỏ. Ngay từ thuở ấu thơ, các em đã được đắm chìm trong tiếng hát
lời ca qua những lời ru ngọt ngào của người mẹ, người chị. Hát ru là nguồn
sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn con người từ thuở còn trên nôi. Những lời
ca mộc mạc, giản dị, chân chất, thật sự đã trở thành cầu nối trí tuệ tâm hồn
của bậc sinh thành với thế hệ mai sau. Người Tày có rất nhiều bài hát ru và
đến nay tiểu loại này vẫn đang được sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu ngày
càng rộng rãi.
Thơ ca dân gian giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học dân gian
Tày. Có thể nói nó là bộ phận phong phú nhất trong kho tàng văn học dân
gian của người Tày. Và trong bộ phận thơ ca hết sức phong phú này, thơ ca

sinh hoạt lại nổi lên như một loại hình đặc sắc nhất. Việc tìm hiểu khái quát
diện mạo thơ ca sinh hoạt sẽ giúp người viết rất nhiều trong việc đi sâu vào
tìm hiểu một khía cạnh độc đáo của thể loại này. Đó là yếu tố tự sự và sự hiện
diện của nó trong kho tàng dân ca Tày.
1.2. Loại hình tự sự và yếu tố tự sự trong văn học dân gian
1.2.1. Loại hình tự sự
Phân văn học theo phương thức phương tiện thẩm mĩ ở cấp độ loại hình,
thuật ngữ tự sự và trữ tình từ lâu đã được các nhà kinh điển mỹ học và lý luận
văn học trên thế giới đề xuất nghiên cứu trong sự phân biệt và tương quan ước

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
21
lệ. Tuy nhiên, theo sự tiến hoá của văn hoá, xã hội và lịch sử, những tư liệu bao
quát chúng ngày càng phong phú, đa dạng, sự chuyển hoá thâm nhập lẫn nhau
của chúng trong thực tiễn sáng tác cũng gây không ít khó khăn cho người
nghiên cứu trong việc xác định thể loại. Trong khi nêu lên những ranh giới cụ
thể giữa chúng cũng như những đặc tính và những biến thể phong phú, lịch sử
phân định loại hình tự sự và trữ tình đã có những ý kiến khác nhau.
Một trong những người đầu tiên nhắc đến khái niệm tự sự trong sự
phân biệt hai loại hình còn lại, phải kể đến là Arixtot. Theo Arixtot, văn học
có ba phương thức mô phỏng hiện thực. Đó là kể về một sự kiện như về một
cái gì tách biệt với mình như Homere vẫn làm, hoặc là người mô phỏng tự nói
về mình không thay đổi ngôi xưng, hoặc là trình bày tất cả những nhân vật
được mô tả trong hành động. Tên gọi của ba phương thức trên lần lượt là tự
sự, trữ tình và kịch. Như vậy, ở dạng ban đầu, tự sự chỉ được coi là một
phương thức mô phỏng hiện thực.
Cho đến sau này, trong quá trình phân loại văn học, các nhà nghiên cứu
mới dựa vào ba phương thức trên mà khái quát hoá, phân loại thành ba loại
hình văn học. Lúc này, tự sự mới xuất hiện với tư cách là một loại hình.
Trong cách phân loại đó, theo Bielinxki, khái niệm tự sự được dùng để chỉ

toàn bộ những tác phẩm biểu hiện đời sống thông qua miêu tả sự kiện. Đặc
trưng nổi bật nhất và cũng là quan trọng nhất của loại hình tự sự là tính khách
quan. Cũng theo Bielinxki, trong mối quan hệ với những loại hình còn lại, nếu
tác phẩm trữ tình ưa nói tới cái chủ quan, tác phẩm kịch là “sự dung hợp của
các yếu tố đối lập của tính khách quan tự sự và tính chủ quan trữ tình” thì đối
tượng mà tự sự hướng tới là tính khách quan của thế giới.
T.H.Miller, nhà giải cấu trúc Mỹ lại cho rằng “Tự sự là cách để ta đưa
cái sự việc vào một trật tự và từ trật tự ấy mà chúng có được ý nghĩa, tự sự là
cách tạo nghĩa cho sự kiện biến cố”.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
22
Như vậy, mỗi nhà nghiên cứu, dưới các góc độ khác nhau, sẽ có các
quan điểm khác nhau về tự sự.
Song dù nhấn mạnh đặc trưng nào, tiêu chí loại hình vẫn có một cái
lõi chung nhất. Về khái niệm tự sự chúng tôi thống nhất quan điểm của các
nhà biên soạn "Từ điển thuật ngữ văn học": " Nếu tác phẩm trữ tình phản
ánh hiện thực trong cảm nhận chủ quan về nó thì tác phẩm tự sự lại tái hiện
đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Tác phẩm tự sự phản ánh
hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống, trong không gian, thời gian,
qua các sự kiện biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. Trong tác phẩm tự
sự, nhà văn cũng thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình. Nhưng ở đây tư
tưởng và tình cảm của nhân vật thâm nhập sâu sắc vào sự kiện và hành động
bên ngoài của con người tới mức giữa chúng dường như không có sự phân
biệt nào cả" [328, 11].
Vấn đề cơ bản của phương thức tự sự là "nhà văn kể lại, tả lại từ những
gì bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực phản ánh
trong tác phẩm tự sự là một thế giới tạo hình xác định đang tự phát triển, tồn tại
ngoài nhà văn, không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn của nhà văn" [328, 11].
Do thể hiện sự thực đời sống qua các sự kiện biến cố và hành vi con người nên

tác phẩm tự sự trở thành một câu chuyện về ai đó hay về một cái gì đó.
Như vậy, ở tác phẩm tự sự, kể chuyện (hay trần thuật) là yếu tố trung
tâm tổ chức ra thế giới nghệ thuật. Đồng thời với nó, cốt truyện, nhân vật là
những yếu tố hạt nhân, được triển khai nhờ một hệ thống các yếu tố chi tiết,
sự kiện, ngoại hình, tính cách nhân vật, ngoại cảnh... kể cả hệ thống hư cấu
liên tưởng.
Từ đặc trưng trên, có thể thấy, tự sự có một khả năng bao quát rộng
lớn, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống và ngày càng có vị trí quan trọng
trong đời sống thể loại văn học.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
23
Bước sang thế kỉ XX, vấn đề lý thuyết tự sự ngày càng được quan tâm,
phổ biến. Tự sự đã bước ra khỏi ranh giới của thể loại văn học để trở thành
một bộ phận nghiên cứu độc lập, có tính liên ngành và có vị trí ngày càng
quan trọng trong ngành khoa học văn học và các khoa học nhân văn. Tự sự
học hiện đại đã trở thành một bộ môn khoa học, hiểu theo nghĩa rộng là
"nghiên cứu cấu trúc của bản tự sự và các vấn đề liên quan hoặc nói cách khác
là nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật trần thuật của bản tự sự nhằm tìm một cách
đọc" [11, 28].
Cùng với sự xâm nhập giữa các thể loại trong văn học, tự sự không chỉ
có mặt trong truyện ngắn, tiểu thuyết, ngụ ngôn... như một phương thức tạo
nghĩa và truyền thông tin, tự sự còn có mặt trong thơ, thơ trữ tình, ca dao, dân
ca... những thể loại tưởng chừng ở phía bên kia ranh giới của tự sự. Trong
những loại hình trữ tình này, tự sự tham gia một cách rất tích cực có vị trí đặc
biệt và có vai trò tương đối quan trọng. Việc tìm hiểu về lý thuyết tự sự trên
đây sẽ là những cơ sở lý thuyết vững chắc cho việc xem xét sự xâm nhập của
yếu tố tự sự vào trong dân ca Tày - một loại hình trữ tình dân gian tiêu biểu.
1.2.2. Yếu tố tự sự trong văn học dân gian
Trong các tác phẩm trữ tình, nguyên tắc tái hiện đời sống trong tính chủ

quan đã đặt cái tôi tự bạch, tự biểu hiện của tác giả vào vị trí trung tâm tổ
chức và chi phối thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Trong tác phẩm trữ tình
cũng có sự việc nhân vật chi tiết đời sống... song chúng chỉ là những sự việc
thuần tuý nhằm khách quan hoá, cụ thể lượng thông tin nội cảm - cái mà chủ
thể trữ tình muốn biểu hiện. Chính vì thể loại hình trữ tình là nghệ thuật biểu
hiện trong sự phân biệt với nghệ thuật miêu tả vốn là đặc trưng của loại hình
tự sự.
Nhưng trong quá trình tìm hiểu về dân ca sinh hoạt của người Tày- một
loại hình trữ tình dân gian tiêu biểu, chúng tôi nhận thấy có nhiều bài tác giả

×