Xu thế mới của nghề giám đốc tài chính
Theo Ted Buyniski, Phó giám đốc điều hành cao cấp của Radford
Surveys & Consulting, thị trường của các ứng viên cho vị trí giám đốc
tài chính trong doanh nghiệp đang ở giai đoạn nóng nhất kể từ 20 năm
qua.
Đó là do sự tác động của đạo luật Sarbanes-Oxley ở Mỹ và những phát triển gần đây của các thị
trường tài chính (cả phát triển lẫn mới nổi).
Cũng trong bối cảnh đó, nghề giám đốc tài chính (CFO), vốn được xem là đỉnh cao của nghề tài
chính, và là một trong những vị trí rất tốt để tiếp bước trở thành giám đốc điều hành (CEO), đang
đứng trước những xu thế mới trong năm 2007.
Trong số các xu hướng đáng chú ý đối với những giám đốc tài chính đương nhiệm, có thể kể ra
hai xu thế đáng quan tâm: “làm mới bản thân” và “nghề CFO sẽ trở thành một nghề dịch vụ
chuyên nghiệp”.
“Làm mới bản thân” bằng một công việc mới
Một trong những cách phát triển sự nghiệp của nhiều CFO đương nhiệm tại một số công ty có tên
tuổi kể từ giữa năm 2006 là… rời bỏ vị trí hiện tại, bắt đầu một công việc và vị trí hoàn toàn mới
không liên quan nhiều đến tài chính.
Mục tiêu của họ là muốn tự hoàn thiện và “làm mới” bản thân. Tham gia vào những vị trí hoàn
toàn xa lạ trong lĩnh vực tiếp thị, viễn thông, phát hành báo chí… hay tự điều hành một công ty
nhỏ sẽ mang lại cho các “cựu CFO” này nhiều bài học bổ ích, giúp họ trở thành những người biết
lắng nghe và quyết định tốt hơn, giúp họ thành công hơn khi quay lại vai trò giám đốc tài chính.
Như nhận xét của Jeffrey T. Fisher, cựu Giám đốc tài chính của Delta Air Lines, “trong tài chính,
người ta thường có xu hướng nhìn nhận sự việc theo tiêu chuẩn trắng và đen. Lấy một vấn đề về
marketing và bán hàng làm ví dụ, thì dường như nó không đơn giản chỉ là một quyết định chi tiêu
vốn như những người làm tài chính thường nghĩ”.
Fisher cho biết trong thời gian chuyển về làm quản trị điều hành tại bộ phận Delta Connection,
ông học được nhiều hơn về “một thế giới thực tế”, và khi quay lại với công việc về tài chính, ông
đã được “làm mới” và “có thể vận dụng được những cách nhìn mới vào công việc”. Hiện nay ông
đã quay về với vai trò CFO của mình tại Công ty Charter Communication.
Nhiều giám đốc tài chính cũng đang bắt đầu nghĩ tới việc “ra đi để trở về” với nghề CFO bằng
con đường này, mặc dù cách phát triển sự nghiệp này không phải không có rủi ro.
CFO sẽ trở thành một nghề dịch vụ chuyên nghiệp như luật sư?
Sức ép từ đạo luật Sarbanes-Oxley của Mỹ đã đè nặng lên các giám đốc tài chính, buộc họ phải
dành nhiều thời gian quan tâm đến công việc mang tính kỹ thuật như báo cáo tài chính, hệ thống
công nghệ thông tin hơn là công việc mang tính chiến lược.
Do đó, nhiều CFO của các công ty lớn đã ra đi, họ bắt đầu tìm kiếm một mô hình làm việc tự do
và linh động hơn. Theo số liệu của 10k Wizard trong năm 2005, các công ty có mức vốn hóa thị
trường hơn 1 tỉ đô la Mỹ đã thay đổi CFO với tốc độ nhanh hơn gấp ba lần so với năm 2002, và
trong năm 2006, tốc độ thay đổi này còn tăng hơn nữa.
Trước tình hình đó, một số công ty như Microsoft và Comcast cố gắng giảm nhẹ công việc mang
tính kỹ thuật cho các CFO bằng cách đặt ra chức danh CAO (chief accounting officer), tạm dịch là
giám đốc kế toán, nhằm chịu trách nhiệm những công việc như giám sát kế toán, báo cáo thuế,
phối hợp với kiểm toán bên ngoài về các vấn đề trong báo cáo tài chính và hỗ trợ CFO; từ đó tái
lập vai trò chiến lược của CFO. Tuy nhiên, một mô hình khác cũng đang hình thành, đó là nghề
giám đốc tài chính sẽ là nghề làm theo dự án (project-oriented) giống như mô hình của nghề luật
sư.
Ví dụ, công ty sẽ thuê một CFO để quản lý tài chính cho đến khi kết thúc dự án về sáp nhập, sau
đó một người khác sẽ thay thế anh ta để lo về dự án tăng vốn, công ty sẽ không thuê một người
cho tất cả các công việc. Mô hình này đang được phát triển tại Mỹ, với điển hình là Công ty Dịch
vụ quản trị viên Tatum có hơn 500 thành viên cộng tác sẵn sàng trở thành CFO cho các các công
ty khác mướn.
Đối với những ai hướng tới việc trở thành CFO trong tương lai, có hai chiến lược đáng chú ý là
chuyển về làm việc cho công ty nhỏ hơn với vị trí cao hơn, và tạo bước chuyển tiếp từ bộ phận
công nghệ thông tin sang bộ phận tài chính.
“Con cá lớn trong cái hồ nhỏ”
Xu hướng “lùi một bước để tiến ba bước” được nhiều chuyên gia tài chính trẻ quan tâm. Nhiều
chuyên gia tài chính trẻ rời bỏ công việc ở các công ty tên tuổi như Dell, IBM, Ford… để đến làm
việc cho những công ty tư nhân vô danh.
Mục tiêu của họ không chỉ là một dòng chữ “CFO” trong bản sơ yếu lý lịch, mà còn là hướng đến
sự phát triển trong tương lai của công ty, đặc biệt là hướng đến xu hướng “đại chúng hóa công
ty”, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), và tăng vốn của các công ty nhỏ.
Một điều quan trọng là giám đốc tài chính của một công ty nhỏ gần như đồng nghĩa với “việc gì
cũng làm, cái gì cũng biết”, công việc sẽ vất vả hơn, nhưng bù lại một mình giám đốc tài chính sẽ
có cơ hội tạo ra sự thay đổi cho công ty, điều mà những nhà tài chính trẻ không có ở công ty lớn.
Họ sẽ không chỉ nâng cao kỹ năng của mình (do phải am hiểu tất cả các lĩnh vực như thâu tóm,
sáp nhập, phát hành cổ phiếu lần đầu, thuế, làm đẹp bảng cân đối, tái cấu trúc và tìm nguồn tài
trợ…) mà còn có những lợi ích từ việc mở rộng quy mô của công ty trong tương lai.
Nhưng tại một công ty nhỏ hơn, họ sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn, bao gồm cả việc nguồn
lực hỗ trợ công việc bị hạn chế, không có sẵn những hệ thống thông tin, quy trình cũng như hệ
thống kiểm soát được thiết lập tốt như ở các tập đoàn lớn.
Từ CIO trở thành CFO
Trở thành giám đốc thông tin (CIO), vị trí quản trị hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp,
hay ít nhất một vị trí trong bộ phận về thông tin của doanh nghiệp trước khi trở thành CFO cũng
đang là một xu hướng mới nổi.
Thoạt đầu nghe có vẻ vô lý khi mà quan hệ giữa CIO và CFO trong một doanh nghiệp thường
không hòa hợp, và các chuyên gia tài chính khó mà có thể tiếp thu các kiến thức về công nghệ
thông tin (IT) một cách dễ dàng, nhưng có một thực tế là ngày càng nhiều chuyên gia tài chính
trên thế giới chuyển vào làm việc trong bộ phận IT của doanh nghiệp, vì các công ty lớn đang
nhận ra những giá trị to lớn mà chuyên gia tài chính có thể mang lại cho bộ phận này, và qua đó
khuếch đại giá trị doanh nghiệp.
Khi mà các yêu cầu về báo cáo tài chính càng cao, yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào
kinh doanh càng lớn, thì vai trò của chuyên gia tài chính trong việc xây dựng các hệ thống ERP
và quy trình cho các sản phẩm điện tử càng quan trọng.
Ngày càng nhiều chuyên gia tài chính tin rằng dành thời gian làm việc trong bộ phận IT của
doanh nghiệp sẽ giúp họ trở thành những giám đốc tài chính giỏi hơn. Mặt khác, với kinh nghiệm
làm việc trong bộ phận IT, họ có thể dung hòa được quan hệ giữa bộ phận IT với bộ phận tài
chính, đây là một yêu cầu mà nhiều công ty hướng tới khi tìm CFO cho mình.
admin (Theo
Thời báo kinh tế Sài Gòn
)