Vận dụng nguyên tắc thực hiện đối với ghi nhận doanh thu trong Kế toán
Tạp chí kế tóan, 26-06-2008. Số lần xem: 3545
Ghi nhận doanh thu kế toán là một trong những vấn đề quan trọng của quá trình xác định
kết quả kinh doanh. Với nguyên tắc ghi nhận doanh thu khác nhau sẽ dẫn đến kết quả hoạt
động kinh doanh khác nhau. Hiện nay, nguyên tắc thực hiện đang được áp dụng phổ biến
và rộng rãi nhất trong các đơn vị kế toán. Tuy nhiên, cơ sở khoa học và việc vận dụng
nguyên tắc này trong thực tế còn ít được đề cập đến.
Hai vấn đề kế toán cơ bản đối với DT là ghi nhận doanh thu trong kỳ kế toán nào và mức
DT được ghi nhận bằng bao nhiêu. Có ba nguyên tắc cơ bản để ghi nhận DT, đó là: nguyên
tắc tiền mặt (ghi nhận DT khi thu được tiền); nguyên tắc phát sinh (ghi nhận DT tương ứng
với mức tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ); nguyên tắc thực hiện (ghi nhận DT khi nó được
thực hiện). Mỗi nguyên tắc nói trên đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.
Cơ sở của nguyên tắc thực hiện
Theo nguyên tắc thực hiện, thời điểm để DT được xác định là “thực hiện” phải thỏa mãn hai
điều kiện: DT đạt được và có thể xác định. Về cơ bản, doanh thu được coi là đạt được khi
đơn vị kế toán hoàn thành hoặc gần như hoàn thành những công việc cần phải thực hiện đối
với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ cung cấp cho khách hàng để nhận được lợi ích kinh tế
tương ứng với DT; DT thu được coi là có thể xác định khi thu được tiền hàng hoặc có quyền
pháp lý thu tiền tương ứng với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán được.
DT là biểu hiện số tiền tương ứng với giá trị của sản phẩm, lao vụ, dịch vụ cung cấp cho
khách hàng. Do đó, quá trình tạo ra DT của một đơn vị kế toán, đồng thời cũng chính là quá
trình tạo giá trị của sản phẩm mới của chính đơn vị đó. Thông thường, những hoạt động này
đối với loại hình đơn vị sản xuất bao gồm các giai đoạn: thiết kế, mua nguyên vật liệu, sản
xuất sản phẩm, lưu kho sản phẩm, bán sản phẩm cho khách hàng và thu tiền.
Trong các hoạt động nói trên, theo nguyên tắc thực hiện, vào thời điểm hoạt động bán sản
phẩm (giao hàng – chuyển quyền sở hữu) cho khách hàng được thực hiện là thời điểm ghi
nhận DT. Việc ghi nhận DT ở những khâu trước đó đồng nghĩa với việc phá vỡ nguyên tắc
thực hiện.
Việc lựa chọn hoạt động bán sản phẩm là thời điểm ghi nhận DT theo nguyên tắc thực hiện
trên những căn cứ sau: tính khách quan khi xác định mức DT, tính xác thực của tài sản
dùng để phân phối lợi nhuận và tính xác thực của việc ghi nhận chi phí tương ứng với doanh
thu nhằm đảm bảo nguyên tắc phù hợp trong khi xác định lợi nhuận.
Tính khách quan khi xác định mức DT
Nếu như ghi nhận DT trứơc lúc bán hàng thì mức DT được xác định khó có thể đảm bảo tính
khách quan do công việc này phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến chủ quan của nhà quản lý.
Trong khi đó, bán hàng là nghiệp vụ trao đổi ngang giá giữa bên bán với bên mua, mức giá
bán tương ứng với DT được bên mua và bên bán thương lượng và thỏa thuận, mức DT này
không phải là kết quả của ý kiến chủ quan của bên mua hoặc bên bán quyết định mà được
cả 2 bên cùng thống nhất. Tính khách quan của việc xác định doanh thu được thể hiện ở
chính điểm này.
Tính xác thực của tài sản.
Thời điểm bán hàng là khởi điểm của giai đoạn thanh toán đối với hàng bán đã được xác
định. Bên bán có quyền yêu cầu bên mua phải thanh toán tiền hàng theo quy định của pháp
luật. Nói cách khác, khoản phải thu đối với khách hàng đảm bảo tiêu chuẩn được ghi nhận
như là một khoản tài sản đối với đơn vị bán. Tính xác thực của tài sản đóng một vai trò
quan trọng đối với phần giảm tài sản của đơn vị kế toán thông qua các nghiệp vụ phân phối
lợi nhuận như cổ tức, tiền thưởng cho cán bộ công nhân viên…Nếu tính xác thực của tài sản
không được đảm bảo trong khi DT vẫn được báo cáo thì những nghiệp vụ phân phối lợi
nhuận nói trên sẽ làm phát sinh giảm tài sản không tương ứng với tài sản thực có của đơn
vị kế toán.
Tính xác thực của chi phí và tính phù hợp giữa DT và CP.
Giữa DT và CP có mối quan hệ tương ứng và phù hợp nhau trong quá trình xác định kết quả
hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp không xác định được tính chính xác CP cần phải
ước tính một cách hợp lý mức CP bỏ ra tương ứng với DT đạt được. Các ước tính khác nhau
sẽ cho nhiều kết quả khác nhau và làm mất đi tính khách quan và tính thích hợp của thông
tin kế toán. Như vậy, cùng với việc ghi nhận DT thì phần lớn CP tương ứng với mức DT đó
đã phát sinh . Vào thời điểm bán hàng, khi DT được ghi nhận thì đại bộ phận CP được coi là
đã phát sinh thực tế.
Từ những căn trên, phần lớn việc ghi nhận DT dựa trên cơ sở bán hàng hay hoạt động bán
hàng được thực hiện. Nói cách khác, nguyên tắc thực hiễn dẫn đến hệ quả là DT được ghi
nhận theo “tiêu chuẩn bán hàng”. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các đơn vị kế toán
ngày càng đa dạng và phong phú; do đó, các hoạt động bán hàng cũng mang nhiều nét đặc
thù hơn đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt hơn đối với nguyên tắc thực hiện trong ghi
nhận DT
Vận dụng nguyên tắc thực hiện để ghi nhận DT trong trường hợp bán hàng đặc biệt.
Bán hàng qua đại lý
Để tăng DT bán hàng thì cần thiết phải tăng các địa điểm bán hàng. Nếu chỉ bán hàng tại
các điểm bán của đơn vị kế toán, DT bán hàng sẽ bị hạn chế. Khi đó, bán hàng qua các đại
lý là phương thức được lựa chọn, tức là nhờ đơn vị khác bán hộ hàng hóa đồng thời thanh
tóan cho bên bán hàng hộ một khoản tiền hoa hồng đại lý. Mối quan hệ này có thể được
biểu diễn theo sơ đồ sau:
Bên gửi hàng bán đại lý có thể ghi nhận DT vào một trong các thời điểm sau: ngày bên đại
lý bán được hàng; hoặc ngày nhận được hồ sơ thanh toán từ bên đại lý; hoặc ngày nhận
được tiền bán hàng từ bên đại lý.
Nếu vận dụng theo nguyên tắc thực hiện, DT sẽ được ghi nhận vào ngày bên đại lý bán
được hàng (tiêu chuẩn bán haán sẽ là ngày hàng gửi bán đại lý được xác định là tiêu thụ.
Bán hàng trả góp.
Bán hàng trả góp là phương thức bán hàng tiến hành thanh toán tiền hàng nhiều lần.. Tiền
bán hàng có thể được thanh toán theo tuần, tháng quý hoặc năm. Trong trường hợp những
hàng hóa có giá trị cao, bên mua khó có thể thanh toán tiền mua một lần. Trong những tình
huống đó, bán hàng theo phương thức trả góp là phổ biến.
Vận dụng nguyên tắc thực hiện để ghi nhận DT trong trường hợp bán hàng trả góp, DT sẽ
được ghi nhận vào ngày hàng hóa được giao cho bên mua. Như vậy, DT bán hàng trả góp
được ghi nhận trên cơ sở tiêu chuẩn bán hàng. Theo đó, bán hàng trả góp và bán hàng
thông thường không có sự khác biệt.
TS Lê Văn Liên –THS Nguyễn Thị Hồng Vân (Theo Tạp chí Kế toán)