Hoàn thiện hệ tiêu hóa của bé yêu
Cho bé ăn nhiều trái cây (cam, đu đủ, thanh long...), rau quả để bổ sung chất xơ, tập cho
bé thói quen đại tiện đúng giờ, không để bé nhịn đi tiêu
Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên cần được ăn uống thế nào
cho đúng cách. Hãy bổ sung kiến thức sau đây để chăm sóc bé tốt hơn.
Là phụ nữ, ai cũng hạnh phúc vô bờ khi được đón nhận tiếng khóc chào đời
của đứa con. Thiên chức làm mẹ khiến họ chăm sóc từng chút một cho bé yêu. Chỉ
cần một "sự cố" lạ, dù rất nhỏ đối với bé cũng khiến người mẹ lo lắng.
Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Do đó, những triệu chứng đầy hơi, táo
bón, ăn vào là ói ra, tiêu chảy, ăn khó tiêu... thường xảy ra. Nếu biết cách, người
mẹ có thể trở thành "bác sĩ gia đình" để giúp hoàn thiện hệ tiêu hóa non nớt của
bé.
Khi bắt đầu dùng sữa bột hoặc cháo, hệ tiêu hóa của bé chưa thích ứng kịp
nên phát sinh một số rắc rối.
Vì sao bé bị rối loạn tiêu hóa?
Theo thống kê tại Viện dinh dưỡng, ngày càng nhiều trẻ từ 1 đến 3 tuổi bị
rối loạn tiêu hóa được khám và điều trị tại bệnh viện. Nhiều trẻ gặp tình trạng này
kéo dài, dẫn đến giảm khả năng miễn dịch và suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân mấu chốt dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ là hệ vi sinh bị mất
cân bằng trong đường ruột, các men vi sinh có ích hoạt động không bình thường.
Trong các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, táo bón xảy ra phổ biến nhất và
khiến các bà mẹ "đau đầu" nhất.
Có người hỏi: "Bác sĩ ơi, cháu bón quá, hai ba ngày mới đi tiêu một lần,
phải làm sao?". Bác sĩ hỏi ra mới biết "sản phẩm" của cháu vẫn tốt, không sao cả.
Thì ra, đây là bà mẹ quá kỹ tính, nghĩ rằng người lớn đi tiêu mỗi ngày nên bé cũng
phải thế.
Đó là trường hợp nhầm tưởng. Tuy nhiên, chuyện trẻ bị táo bón thật sự xảy
ra rất phổ biến do đường tiêu hóa chưa ổn định. Cụ thể, bệnh này chiếm 10% ở tất
cả các trẻ em và 1,5 - 7,5% trẻ ở độ tuổi đến trường.
Giải mã triệu chứng táo bón
Một đứa trẻ có khoảng thời gian đi đại tiện cách nhau quá 3 ngày, phân ít,
cứng và khô mới bị coi là táo bón.
Táo bón có thể do thói quen ăn uống, tập quán, tâm lý. Do giờ giấc ăn
uống, nhu cầu đại tiện của trẻ rơi vào ban đêm, bé ngủ say nên "quên" luôn "việc
ấy". Đến sáng, các hoạt động vui chơi cuốn hút lại khiến kéo dài khoảng cách đi
tiêu của bé.
Phân nằm lâu trong ruột bị hấp thu mất nước trở thành cứng hơn, khiến bé,
đau khi đi đại tiện, sợ nên không dám rặn. Lâu dần thành phản xạ khiến bé càng sợ
đi đại tiện hơn. Rất ít trường hợp trẻ táo bón do bệnh lý.
Tìm một giải pháp tốt nhất
Khi con bị táo bón, thức ăn hay cụ thể là sữa công thức chính là "thủ phạm"
đầu tiên mà các mẹ nghĩ đến.
Có trường hợp, bà mẹ nghe "đồn" trong sữa có hàm lượng sắt cao nên gây
táo bón ở trẻ. Điều đó không đúng vì sắt là dưỡng chất rất quan trọng với cơ thể,
tham gia vào hệ tạo máu, tăng cường hệ miễn dịch, giúp bé phát triển não bộ.
Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, làm giảm chỉ số thông minh, giảm khả
năng tư duy, sáng tạo, kết quả học tập kém, sức đề kháng kém.
Trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ dù chỉ bị thiếu máu nhẹ vẫn ảnh hưởng đến sự
phát triển trí tuệ. Với các loại sữa uy tín, các bà mẹ yên tâm hơn về hàm lượng sắt
vì các nhà khoa học đã tính toán hợp lý với độ tuổi của bé.
Nếu pha loãng quá, bé ăn không đủ lượng cần thiết, phân bé ít, cứng, lâu
ngày mới "đi" thành bón. Pha đặc quá, thiếu nước lại càng bón. Cơ cấu bữa ăn
thiếu chất xơ cũng gây táo bón. Các bà mẹ không nên vội vàng đưa con đến bác sĩ
khi 2-3 ngày chưa thấy con đi đại tiện. Việc này có thể giải quyết bằng cách điều
chỉnh cách pha sữa cho đúng.
Ngoài ra, các bà mẹ có thể massage bụng cho trẻ một cách nhẹ nhàng để
kích thích nhu động ruột, cho bé ăn nhiều trái cây (cam, đu đủ, thanh long...), rau
quả để bổ sung chất xơ, tập cho bé thói quen đại tiện đúng giờ, không để bé nhịn
đi tiêu. Tắm nước ấm và cho bé uống đủ nước cũng giúp bé đi tiêu đều đặn.
Khi chọn sữa, bố mẹ nên chọn các hãng sữa có bằng chứng khoa học về tác
dụng tốt cho sự phát triển cả về trí tuệ và thể chất của bé.
Bố mẹ không nên đổi sữa đột ngột cho bé, không kịp thích nghi, bé sẽ bị
táo bón. Khi đổi sữa, người mẹ nên đổi dần bằng cách cho bé ăn xen kẽ một ít sữa
mới cùng với sữa cũ, giảm lượng sữa cũ dần đến khi thay thế hoàn toàn.
Nắm được các nguyên lý cơ bản như vừa nêu, các bà mẹ dễ dàng giúp bé
ổn định đường tiêu hóa. Chỉ khi con bị rối loạn tiêu hóa bệnh lý, người mẹ mới
cần sự trợ giúp của bác sĩ.