Nguồn dinh dưỡng cho trẻ từ phô mai (Kỳ 2)
Trẻ cần một bữa ăn đa dạng và phong phú các
chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện
Trong khi đối với các nước phương Tây, phô mai từ lâu
đã là một trong những loại thực phẩm quen thuộc thì
với các nước Châu Á trong đó có Việt Nam, loại thực
phẩm này mới được phổ biến gần đây. Hầu hết trẻ em
đều thích ăn phô mai, tuy nhiên các bậc cha mẹ thì có
nhiều thắc mắc xung quanh món ăn này. Chúng ta hãy
cùng bác sỹ dinh dưỡng khám phá những bí mật từ phô
mai qua thắc mắc của các mẹ dưới đây nhé.
Hỏi: Bé con nhà tôi 7 tuổi nhưng rất lười ăn thịt. Liệu phô
mai và sữa có thể cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng mà bé bị
thiếu từ thịt không? (Chị Hồng Hân, Thanh Xuân, Hà Nội).
Trả lời: Thành phần dinh dưỡng của phô mai gồm có chất
đạm đã được thủy phân, canxi, vitamin A, vitamin D,
vitamin B12…Nên rất tốt cho sự phát triển và tiêu hóa của
trẻ. Ngoài ra, trong phô mai còn có chất kẽm, rất tốt cho sự
phát triển của não. Số lượng và giá trị sinh học của chất
đạm, hàm lượng canxi trong phô mai cao hơn so với thịt.
Nguồn vitamin B1, B12 trong phô mai có thể bù vào lượng
vitamin B12 bị thiếu hụt ở nhóm bé lười ăn thịt nhưng
lượng sắt trong phô mai thấp hơn thịt. Thịt và phô mai là 2
thực phẩm đều thuộc nhóm cung cấp chất đạm nguồn động
vật, nên về nguyên tắc thay thế thực phẩm khi xây dựng
thực đơn là có thể thay thế cho nhau được. Tuy nhiên, để
trẻ phát triển tối ưu cần cung cấp đầy đủ các chất dinh
dưỡng, đa dạng nguồn thực phẩm (đủ số nhóm thực phẩm
và nhiều thực phẩm trong từng nhóm).
Vì thế, để cung cấp chất đạm cho bé, bạn không chỉ nên
cho trẻ ăn cả phô mai và thịt mà còn cho trẻ ăn các thực
phẩm khác nữa như cá, thủy sản, đậu đỗ ... Bạn nên chú ý
chế biến thịt thành nhiều món khác nhau, màu sắc và mùi
vị hấp dẫn chắc chắc sẽ kích thích được sự thèm ăn của trẻ.
Hỏi: Con trai tôi chuẩn bị vào lớp 3, bé trông hơi ốm yếu
dù tôi chăm sóc rất kỹ. Cháu ăn mỗi bữa cũng được 2 chén
cơm. Tôi sợ bé không đủ sức khoẻ để tiếp thu bài ở lớp.
Xin bác sỹ cho biết tôi cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào
để bé khoẻ mạnh hơn? (Chị Trần Mỹ Dung, Quận Hai Bà
Trưng, Hà Nội)
Trả lời: Ở độ tuổi nào, trẻ cũng cần được nuôi dưỡng với
đầy đủ các chất dinh dưỡng theo nhu cầu. Khi trẻ đến
trường, nhất là trong gia đoạn tiểu học, trẻ rất cần có đủ sức
khoẻ và dinh dưỡng để tiếp thu, học hỏi kiến thức cũng như
để phát triển thể lực. Muốn như vậy, một chế độ dinh
dưỡng hợp lý là điều tối cần thiết. Con bạn ăn 2 chén cơm
mỗi bữa không có nghĩa là bé được cung cấp đủ dinh
dưỡng. Bạn nên xem lại thực đơn trong cả ngày có cung
cấp cho bé đủ về năng lượng và các chất dinh dưỡng hay
không vì mỗi chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, các
vitamin, khoáng chất…) có vai trò khác nhau đối với sự
phát triển toàn vẹn của trẻ.
Hơn thế nữa, việc hấp thu và hiệu quả sử dụng của chất
dinh dưỡng này lại có mối liên quan chặt chẽ với chất dinh
dưỡng khác. Vì thế, bé cần có một chế độ ăn đủ về số
lượng và cân đối về chất lượng. Bạn cần chú ý đa dạng
thực phẩm cho bữa ăn của bé từ ngũ cốc, chất béo, rau củ,
trái cây đến thịt, cá, trứng đặc biệt là sữa và các sản phẩm
từ sữa là điều cần thiết.