Rau củ sạch vẫn có thể gây ngộ độc
Chỉ cần ăn vài hạt đậu đỏ sống là bị đau bụng dữ dội,
nôn mửa, tiêu chảy còn nếu lỡ nuốt nhiều hạt mơ một
lúc bạn có thể mất mạng như chơi.
Một số loại rau quả dù hoàn toàn sạch, không nhiễm thuốc
trừ sâu hay hóa chất bảo quản vẫn có thể gây ngộ độc cho
người sử dụng.
Nhân hạt mơ có thể gây tử vong
Hạt táo, hạt lê và nhân của một số loại hạt có vỏ cứng như
hạt mơ, hạt đào có chứa một chất tên là amygdalin. Trong
dạ dày, amygdalin có thể chuyển hoá thành hydrogen
cyanide - một chất cực độc. Ở liều thấp, nó gây mệt mỏi,
buồn nôn, choáng váng… Còn ở liều cao, chất này làm rối
loạn hô hấp, hạ huyết áp, đau đầu, hôn mê, thậm chí có thể
dẫn tới tử vong.
Ở Việt Nam và một số nước, nhân hạt mơ được sử dụng
làm thuốc hoặc thức ăn. Nhưng theo khuyến cáo của Cơ
quan tiêu chuẩn thực phẩm Vương quốc Anh, liều dùng của
hạt mơ không nên quá từ 1 đến 2 nhân mỗi ngày. Đối với
các loại hạt táo, lê… nếu thỉnh thoảng vô ý nuốt phải một
vài hạt thì không cần phải lo lắng. Nhưng nếu các em nhỏ
vì không hiểu biết hoặc đùa nghịch mà nuốt phải nhiều hạt
một lúc thì nên theo dõi và đưa đến bệnh viện kiểm tra
trong trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khoẻ.
Đậu đỏ gây tiêu chảy
Nhiều loại đậu có chứa lectin nhưng hàm lượng cao nhất là
ở đậu đỏ. Lectin là chất có thể gây ngộ độc. Chỉ cần ăn từ 4
đến 5 hạt đậu đỏ sống là có thể bị đau bụng dữ dội, nôn
mửa, tiêu chảy. Để loại bỏ lectin, nên ngâm đậu ít nhất 5
tiếng trước khi nấu. Thời gian nấu đậu phải từ 10 phút trở
lên, khi nấu để lửa to (vì nhiệt độ thấp không những không
loại bỏ được chất độc mà còn có thể khiến hàm lượng của
nó tăng lên).
Bí ngòi có thể gây choáng ngất
Bí ngòi vẫn được coi là loại rau lành, mát, nhưng đôi khi nó
cũng có thể chứa một số độc tố tự nhiên thuộc nhóm
cucurbitacin. Các chất này khiến bí có vị đắng, khi ăn sẽ
gây nôn mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy, choáng ngất.
Không ăn những quả bí có mùi hắc hoặc vị đắng là cách
phòng ngừa ngộ độc hiệu quả nhất.
Cẩn thận với khoai lang và khoai tây
Để tự vệ chống lại sự tấn công của sâu bọ, khoai lang có
thể sinh ra một số độc tố, trong đó phổ biến nhất là
ipomeamarone, một chất khiến khoai có vị đắng (khoai hà).
Đã có một số trường hợp trâu bò bị chết sau khi ăn những
củ khoai này. Khi chế biến, nên cắt hết các phần khoai bị
sâu, hà. Khi ăn nếu thấy khoai vẫn còn vị đắng thì phải bỏ
đi.
Đối với khoai tây, độc tố tự nhiên có trong mọi củ khoai là
glycoalkaloid. Glycoalkaloid gây rối loạn tiêu hóa và thậm
chí có thể gây tử vong (hiếm gặp). Bình thường, lượng độc
tố này rất thấp nên không ảnh hưởng đến sức khoẻ của con
người. Nhưng khi khoai mọc mầm, để bảo vệ mầm khoai
khỏi tác động của vi sinh vật, tia tử ngoại…lượng
glycoalkaloid tăng cao. Glycoalkaloid không bị phân huỷ
trong quá trình chế biến.
Vì vậy, để tránh bị ngộ độc, nên cắt bỏ những phần khoai
bị thâm, dập, có màu xanh, mọc mầm hoặc tốt nhất là
không ăn những củ khoai có các biểu hiện trên. Bảo quản
khoai tây nên chọn chỗ tối, khô, mát và không để chung với
hành.
Ngộ độc sắn và măng
Sắn và măng sống có chứa một lượng đáng kể cyanogenic
glycosides. Dưới tác động của một số enzyme, chất này sẽ
giải phóng hydrogen cyanide và một số độc tố khác có thể
gây tử vong.
Để loại bỏ chất độc, nên lột vỏ sắn, ngâm trong nước nhiều
giờ trước khi nấu. Đối với măng, cũng nên ngâm thật kỹ,
sau đó tước nhỏ, luộc trong nước pha một chút muối
khoảng 10 phút trước khi chế biến thành món ăn.