TRIỆU CHỨNG HỌC
**********
TÁO BÓN
……….., tháng … năm …….
TRIỆU CHỨNG HỌC
**********
TÁO BÓN
Táo bón là tình trạng giảm tần số đi cầu. Ở một số người, táo bón còn có
nghĩa là khó đi cầu.
Phân của người bị táo bón cứng do nó có chứa ít nước hơn bình thường. Táo
bón là một triệu chứng, không phải là một bệnh.
Thông thường rất khó định nghĩa táo bón một cách rõ ràng do nó là một triệu
chứng có tính chất thay đổi khác nhau ở những người khác nhau.
• Tần số đi cầu ở mỗi người có một sự khác nhau rất lớn, từ 3 lần mỗi
ngày đến 3 lần mỗi tuần. Thông thường, nếu bạn không đi cầu được
trong 3 ngày liên tiếp, phân sẽ cứng lại và bạn sẽ cảm thấy khó khăn,
thậm chí đau đớn khi đi cầu.
• Có một quan niệm sai lầm thường gặp về táo bón cho rằng những chất
thải chứa trong cơ thể bạn sẽ bị hấp thu ngược trở lại và gây nguy
hiểm cho sức khỏe của bạn, có thể làm tuổi thọ của bạn ngắn đi. Một
số người có một nỗi ám ảnh rằng họ sẽ bị nhiễm độc bởi những chất
thải từ chính cơ thể của mình (phân) nếu họ giữ chúng lại lâu quá một
khoảng thời gian nhất định nào đó. Cả hai quan niệm trên đều không
đúng.
• Những người lớn tuổi có nguy cơ bị táo bón cao gấp 5 lần những
người trẻ. Nhưng những chuyên gia lại cho rằng do những người lớn
tuổi trở nên quá quan tâm đến tình trạng đi cầu mỗi ngày của mình và
tình trạng táo bón ở lứa tuổi này được đánh giá cao hơn mức bình
thường.
NGUYÊN NHÂN
Táo bón có thể là kết quả của tình trạng dinh dưỡng không đúng, thói quen ít
đi cầu, hoặc có vấn đề trong việc đào thải phân do những nguyên nhân của
cơ thể, chức năng hoặc tự ý.
Dưới đây là những nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất:
• Tình trạng dinh dưỡng: ăn nhiều thức ăn có chất béo động vật (thịt,
trứng) hoặc đường tinh chế và ăn ít chất xơ (trái cây, rau củ) có thể
gây táo bón.
• Thói quen ít đi cầu: bỏ qua khi có ý muốn đi cầu có thể khởi động chu
trình táo bón
o Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ không còn cảm giác muốn đi
cầu nữa.
o Điều này có thể dẫn đến táo bón tiến triển. Chẳng hạn như một
số người tránh không dùng các nhà vệ sinh công cộng hoặc
không đi cầu do đang bận một công việc nào đó.
• Thuốc: có nhiều loại thuốc có thể gây ra táo bón
o Thuốc kháng acid - những loại cho chứa aluminum hydroxide
và calcium carbonate.
o Thuốc chống co thắt.
o Thuốc chống trầm cảm.
o Thuốc sắt
o Thuốc chống co giật
• Những loại thuốc giảm đau chẳng hạn như những thuốc có chứa chất
á phiện có thể ngăn cản chức năng của ruột.
• Đi du lịch: thay đổi cách sống, uống ít nước, và ăn những thức ăn
nhanh có thể gây táo bón.
• Hội chứng ruột kích thích : đây là một trong những nguyên nhân gây
táo bón thường gặp nhất. Nếu bạn bị bệnh này thì do sự thay đổi về
chức năng ruột, bạn có thể sẽ bị đau bụng quặn, trướng hơi, phù nề, và
táo bón.
• Lạm dụng thuốc nhuận trường: sử dụng thuốc nhuận trường theo thói
quen sẽ dần dần trở nên phụ thuộc chúng.
o Cuối cùng bạn có thể sẽ cần phải gia tăng lượng thuốc đưa vào
cơ thể mới có thể đi cầu được.
o Trong một số trường hợp, ruột sẽ trở nên không còn nhạy cảm
với thuốc nữa và không thể đi cầu được.
• Mang thai : táo bón xuất hiện trong thai kỳ có thể do một số nguyên
nhân. Mỗi một tình trạng được kể ra ở phía sau có thể gây đau khi đi
cầu có thể dẫn đến sự co thắt phản ứng của cơ vòng hậu môn. Sự co
thắt này làm chậm nhu động ruột và giảm sự thôi thúc muốn đi cầu để
tránh cho hậu môn không bị đau.
o Thai nhi nặng đè vào ruột tạo ra áp lực.
o Những thay đổi hormon trong thai kỳ.
o Những thay đổi về thức ăn và thức uống của thai phụ.
o Nứt hậu môn
o Trĩ
o Hẹp hậu môn
• Tắc ruột: sự đè nén cơ học làm ngăn cản các chức năng bình thường
của ruột có thể xảy ra theo những cách sau:
o Sự viêm dính của các mô.
o Khối u ruột hoặc dị vật
o Sỏi mật bị chèn bất động vào trong ruột.
o Sự xoắn của ruột vào chính nó.
o Lồng ruột: một phần của ruột bị trượt hoặc bị kéo vào một phần
khác ngay phía dưới nó (xảy ra chủ yếu ở trẻ em)
o Thoát vị: các vòng ruột bị tắt nghẽn.
o Tổn thương các dây thần kinh bên trong ruột: u tủy sống, đa xơ
cứng hoặc tổn thương tủy sống có thể gây táo bón do ngăn cản
chức năng của các dây thần kinh điều khiển ruột.
o Bệnh mô liên kết - chẳng hạn như các bệnh xơ cứng bì và
lupus.
o Chức năng tuyến giáp kém - giảm sản xuất thyroxin, là một loại
hormon của tuyến giáp còn được gọi là suy giáp, cũng có thể
gây táo bón.
o Ngộ độc chì và những rối loạn chuyển hóa khác.
• Tuổi tác: những người lớn tuổi thường bị táo bón nhiều hơn do những
nguyên nhân sau:
o Dinh dưỡng kém và không uống đủ nước.
o Không tập luyện thể dục.
o Những tác dụng phụ của các loại thuốc được kê toa để điều trị
những bệnh khác.
o Thói quen đi cầu kém.
o Nằm trên giường lâu, chẳng hạn như sau một tai nạn hoặc sau
khi bị bệnh.
o Có thói quen sử dụng thuốc thụt tháo và thuốc nhuận trường.
TRIỆU CHỨNG
Bạn có thể gặp nhiều loại triệu chứng của táo bón tùy thuộc vào thói quen đi
cầu bình thường của bạn, chế độ ăn và tuổi tác. Những vấn đề thường gặp
nếu bạn bị táo bón bao gồm:
• Gặp khó khăn trong việc bắt đầu và kết thúc đi cầu.
• Đi cầu khó và không đều.
• Đi ra phân cứng sau một thời gian gắng sức dài trong toilet.
• Nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích, bạn sẽ gặp các triệu chứng đau
quặn bụng, đầy hơn, cảm giác đầy bụng, và thay đổi thói quen đi cầu.
• Nếu bạn bị tắc ruột, bạn sẽ cảm thấy buồn nôn, nôn, không đi cầu
được, và không trung tiện (đánh rắm) được.
• Sưng căng bụng, nhức đầu, và ăn mất ngon.
• Lưỡi đóng màng, hơi thở hôi và có vị khó chịu trong miệng.
KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH
Hãy đi khám bệnh nếu như bạn gặp những vấn đề sau:
• Các triệu chứng trở nên nặng nề và kéo dài hơn 3 tuần.
• Xuất hiện những thay đổi rõ rệt và gần đây trong tình trạng đi cầu,
chẳng hạn như chuyển từ táo bón thành tiêu chảy.
• Đau ở hậu môn khi đi cầu.
• Triệu chứng của các bệnh khác kèm theo táo bón (VD như mệt mỏi,
kém đáp ứng với trời lạnh có thể là dấu hiệu gợi ý cần phải kiểm tra
chức năng tuyến giáp xem có bị suy giáp không).
• Táo bón trong vòng 2 tuần hoặc lâu hơn kèm theo đau bụng có thể là
dấu hiệu của ngộ độc chì.
Tình trạng cấp cứu: mặc dù táo bón có thể rất khó chịu nhưng nó thường
không nghiêm trọng. Tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu của những rối loạn
nghiêm trọng hơn ẩn phía sau, chẳng hạn như ung thư ruột. Do táo bón có
thể dẫn đến một số biến chứng nên bạn cần phải đến phòng cấp cứu ngay khi
gặp những tình huống sau:
• Chảy máu trực tràng
• Đau hậu môn và trĩ
• Nứt hậu môn hoặc đường nứt xuất hiện ở lớp niêm mạc (đau nặng nề
khi đi cầu ở vùng hậu môn)
• Phân đóng chặt ở những trẻ nhỏ và người già.
• Sa trực tràng (đôi khi gắng sức có thể gây một lượng nhỏ niêm mạc
ruột đi ra ngoài lỗ hậu môn có thể chế tiết chất nhầy làm dơ quần lót).
• Nôn ói nhiều lần kèm theo táo bón và đau bụng (có thể là dấu hiệu gợi
ý tắc nghẽn ở ruột và cần phải được điều trị khẩn cấp).
KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM
Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, khám cho bạn, và thực hiện một số
xét nghiệm để tìm ra những nguyên nhân khả dĩ có thể gây ra táo bón cho
bạn.
• Những câu trả lời của bạn cho các câu hỏi sau có thể sẽ giúp bác sĩ
tiếp cận được tình trạng của bạn tốt hơn và lên kế hoạch điều trị
o Thói quen đi cầu bình thường của bạn như thế nào?
o Bạn cảm thấy khó khăn khi tống phân ra ngoài từ bao lâu rồi?
o Lần cuối cùng bạn đi cầu là vào lúc nào?
o Bạn có thể trung tiện được không?
o Bạn có thấy những cơn đau xuất hiện ở bụng hay ở hậu môn
hay không?
o Bạn có thể dùng ngón tay để chỉ vị trí đau được không?
o Bạn có thể mô tả cơn đau bụng của bạn được không?
o Bạn có chú ý thấy những thay đổi về nhiệt độ cơ thể của mình
không?
o Bạn đã thử những loại thuốc nào? Nó có tác dụng không?
o Bạn có thường phải dùng thuốc nhuận trường hay thụt rửa? Nếu
có thì bạn thường dùng loại nào và bao nhiêu viên mỗi ngày?
o Bạn có cảm thấy luôn phải cần dùng đến thuốc nhuận trường để
có thể đi cầu được?
o Bạn có những triệu chứng nào khác không?
o Bạn có cảm thấy ăn mất ngon không?
o Bạn có bị thay đổi cân nặng không?
o Bạn có cảm thấy dễ chịu hơn sau khi đi cầu không?
o Bạn có cảm thấy bệnh? Buồn nôn hay không?
o Bạn có từng phải nhập viện hoặc phải đi khám bệnh do tình
trạng tương tự bao giờ chưa?
o Bạn có mang thai không?
o Bạn có hút thuốc không? Bạn bắt đầu hút thuốc khi nào? Bạn
hút bao nhiêu điếu một ngày?
o Bạn có uống rượu, trà, cafe hay không?
o Bạn có dùng thuốc gây nghiện hoặc những loại thuốc điều trị
khác không?
o Bạn có từng phải trải qua phẫu thuật không? Phẫu thuật gì? Khi
nào?
o Bạn có bị đau khớp, bệnh về mắt, đau lưng và cổ, hoặc những
thay đổi về da hay không?
o Bạn có thường cảm thấy thích khí hậu ấm hơn không?
o Bạn có thường cảm thấy mệt mỏi không?
o Có người thân nào của bạn bị táo bón hoặc ung thư ruột không?
• Bác sĩ sẽ khám bụng, hậu môn, và những hệ cơ quan khác của cơ thể
bao gồm hệ thần kinh, tuyến giáp (tìm bướu cổ), và hệ cơ xương. Bác
sĩ sẽ khám những phần nào là tùy thuộc vào những câu trả lời của bạn
ở phía trên và những tiền sử có thể gợi ý ra một số bệnh.
• Bác sĩ sẽ quyết định xem cần phải thực hiện loại xét nghiệm nào dựa
trên các triệu chứng, bệnh sử, và kết quả khám. Những xét nghiệm sẽ
giúp bác sĩ tìm ra được nguyên nhân thật sự của vấn đề. Những xét
nghiệm thường được dùng nhất có thể bao gồm:
o Trong phòng thí nghiệm:
Khám nghiệm phân dưới kính hiển vi.
Công thức máu toàn bộ và phết máu.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp nếu như nghi ngờ suy
giáp.
o Hình ảnh:
Chụp phim X quang ngực và bụng thẳng có thể cho thấy
khí tự do đi qua từ lỗ thủng ở ruột hoặc những dấu hiệu
tắc nghẽn ở ruột.
Thụt tháo bằng barit: có thể cho thấy kích thước bình
thường của ruột già.
Quan sát sự di chuyển của thức ăn - có thể chỉ ra được
khoảng thời gian chuyển tiếp bị kéo dài hoặc chậm trễ.
o Thủ thuật:
Soi trực tràng xích ma: có thể giúp phát hiện những bệnh
trong trực tràng và phần thấp của đại tràng. Bác sĩ sẽ đưa
một ống dẻo có gắn đèn vào hậu môn của bạn để quan sát
trực tràng và phần thấp của ruột.
Soi đại tràng: bằng cách khám trong, bác sĩ có thể xác
định được chẩn đoán bệnh nhân có bị hội chứng ruột kích
thích hay không bằng cách loại trừ những tình trạng bệnh
nguy hiểm hơn. Bác sĩ cũng sẽ lấy ra một mẫu mô để làm
sinh thiết nhằm khảo sát sâu hơn để xác định những
nguyên nhân ẩn phía sau triệu chứng của bạn.
ĐIỀU TRỊ
Nếu bạn không bị tắc ruột, bác sĩ có thể đặt ra những mục tiêu thực tế để
điều trị:
• Tất cả những trường hợp đều cần phải những lời hướng dẫn về chế độ
ăn kiêng. Điều trị có thể khó khăn, đặc biệt ở những bệnh nhân bị táo
bón mạn tính. Bác sĩ có thể kê toa những loại thuốc tạo khối phân để
thêm vào những thay đổi về chế độ ăn của bệnh nhân.
• Gia tăng hoạt đọng ở những người già và tập luyện thể dục thường
xuyên ở những người trẻ có thể giúp cải thiện tình hình tốt hơn.
Chăm sóc tại nhà
• Bổ sung thêm chất xơ cho bữa ăn.
• Tập thể dục thường xuyên là một phần quan trọng trong chăm sóc sức
khỏe của ruột.
• Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc và nước trái cây. Uống 6-8 ly
nước mỗi ngày ngoài những lần uống trong bữa ăn.
• Đi cầu vào cùng một thời điểm mỗi ngày - có thể là sau bữa ăn - và
lưu lại đó đủ thời gian.
• Dùng những loại đường không dễ tiêu (lactulose) hoặc những dung
dịch có công thức đặc biệt.
• Tránh dùng những loại thuốc nhuận trường bán tự do ngoài hiệu
thuốc. Tránh dùng những thuốc nhuận trường có chứa senna
(Senokot) hoặc buckthorn (Rhamnus purshiana) do sử dụng chúng
kéo dài có thể gây tổn thương lớp niêm mạc ruột và những đầu tận của
các dây thần kinh đi đến ruột.
• Cố gắng tập thể dục mỗi ngày chẳng hạn như tập tư thế gập gối.
Những tư thế này có thể gây kích thích nhu động ruột. Giữ tư thế đó
trong vòng từ 10 - 15 phút. Thở vào và ra sâu.
Tư thế gập gối
Thuốc
Nếu những biện pháp ban đầu phía trên thất bại, bác sĩ có thể cho bạn thử
dùng những loại thuốc nhuận trường có thời gian tác dụng ngắn. Bạn cần
phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng một trong những loại thuốc sau, đặc
biệt là nếu sử dụng trong thời gian dài.
• Dầu khoáng.
• Natri docusate hoặc Canxi docusate sẽ có ích nếu như bạn không thể
rặn được, chẳng hạn như trong trường hợp bạn bị bệnh tim mạch, có
thai, hoặc sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
• Thuốc nhuận trường là nước muối, chẳng hạn như hydroxide magne
(Phillips Milk của Magnesia) hoặc Natri phosphate ((Phospho-Soda,
Fleet enema) không được khuyến khích sử dụng nếu như bạn bị suy
thận (thận không có khả năng hoặc giảm khả năng loại bỏ chất thải).
Những loại thuốc nhuận trường này có thể gây ra những tác dụng phụ
nặng nề nếu sử dụng trong thời gian dài.
• Polyethylene glycol 3350 (Miralax) là một loại thuốc nhuận trường
thẩm thấu không được dạ dày hấp thu. Nó giữ nước lại bên trong ruột
làm cho phân mềm ra và có tác dụng nhuận trường. Nó có thể được sử
dụng trong một thời gian ngắn để điều trị táo bón (trong vòng 2 tuần).
Miralax là một loại thức uống được pha chế bằng cách hòa lẫn bột với
240mL nước.
• Đường không hấp thu chẳng hạn như lactulose và sorbitol cũng có thể
có tác dụng. Hơn nữa, chúng thường có thể sử dụng được trong một
thời gian dài. Tuy nhiên chúng thường gây ra đau quặn bụng, tiêu
chảy và mất cân bằng điện giải.
• Cisapride (Propulsid) có thể có tác dụng đối với những bệnh nhân bị
táo bón do di chuyển phân chậm. Tuy nhiên, nó đã bị rút ra khỏi thị
trường Hoa Kỳ do nó có thể gây ra những tình trạng loạn nhịp tim
chết người.
Bác sĩ sẽ điều trị những bệnh nền của bạn (tắc ruột, nứt hậu môn, trĩ, và ung
thư ruột).
• Nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích, bạn nên ngừng hút thuốc và
tránh uống cafe và những thức ăn có sữa. Theo dõi những thức ăn
hằng ngày có thể giúp bạn xác định xem loại thức ăn nào có thể làm
cho những triệu chứng của bạn nặng thêm.
• Bạn cũng có thể được cho uống thyroxin nếu bác sĩ xác định bạn bị
suy giáp dựa vào những khám xét trên lâm sàng và những xét nghiệm
trong phòng thí nghiệm.
Những cách điều trị khác
Nếu bạn chọn dùng những cách điều trị như vi lượng đồng căn, các loại thảo
dược, những loại bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, giác hơi, xoa
bóp dầu, và những phương pháp điều trị thay thế và bổ sung khác, bạn cần
được biết rằng những sản phẩm và phương pháp trên thường không được
chứng minh một cách khoa học rằng chúng có thể chẩn đoán, điều trị, phòng
ngừa hoặc trị khỏi bất kỳ bệnh nào. Những tương tác nặng nề của chúng với
những loại thuốc được kê toa khác luôn có khả năng xảy ra. Hãy thông báo
với bác sĩ tất cả những loại thuốc và những chất giống như thuốc mà bạn sử
dụng và hãy tìm đến bác sĩ khi bị bệnh trước khi tự ý dùng những loại thuốc
hoặc cách điều trị nào đó để tự chữa.
NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO
Theo dõi
• Nếu bạn đã có những rối loạn đặc hiệu như suy giáp, xơ cứng bì, và
lupus, bạn nên được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ.
• Những bệnh nhân già đã từng bị nghẹt phân và bị són phân nên được
theo dõi thường xuyên để bảo đảm họ không bị những đợt tiếp theo.
• Những người trẻ tuổi bị chứng biếng ăn thần kinh cần phải có một đội
ngũ chuyên gia để tiếp cận và theo dõi những bệnh ẩn bên trong, cũng
như hỗ trợ và giáo dục.
Phòng ngừa
• Tập thói quen đi cầu thường xuyên. Dành một khoảng thời gian sau
khi ăn sáng để đi cầu.
• Không bỏ qua khi cơ thể có nhu cầu muốn đi cầu. Hãy đáp ứng lại
tiếng gọi của cơ thể để làm trống ruột càng sớm càng tốt.
• Ăn một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng bao gồm ngũ cốc, trái cây tươi,
rau quả. Có những nghiên cứu gần đây cho thấy việc gia tăng chất xơ
trong bữa ăn có thể có ích cho một số người bị phân cứng nhưng
không nhất thiết phải có ích cho tất cả những người bị táo bón.
• Uống nhiều nước và nước trái cây.
• Tập thể dục thường xuyên. Đi bộ đóng một vai trò đặc biệt quan
trọng.
• Tránh dùng những loại thuốc có thể gây táo bón. Bác sĩ sẽ giúp bạn
trong vấn đề này.
• Dùng thuốc nhuận trường có thể làm trong tình trạng táo bón xấu đi
về lâu dài do đó cần phải tránh.
• Nếu bạn có những bệnh đặc biệt như suy giáp, xơ cứng bì, và lupus,
bạn có thể cần phải được tái khám thường xuyên.
Tiên lượng
Phần lớn những người bị táo bón không có bệnh thực thể của hệ tiêu hóa từ
trước và cũng không có những bệnh toàn thân nào có liên quan đến táo bón.
Hầu hết táo bón là do thói quen ăn uống không cân bằng, uống ít nước và ít
vận động.
• Đối với những người bị táo bón do bệnh, sự phục hồi sẽ giúp xác định
mức độ bệnh của bạn.
• Bạn thường sẽ phục hồi tốt nếu tình trạng táo bón của bạn được gây ra
bởi trĩ hoặc nứt hậu môn.
Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch
HO
Ho là hành động của cơ thể tống xuất những chất gây kích thích đường thở
ra ngoài. Đường thở là đường dẫn không khí mà bạn hít thở đi từ mũi và
miệng xuống đến phổi.
Triệu chứng ho xảy ra khi một số tế bào đặc biệt nằm dọc theo đường thở bị
kích thích và khởi động một chuỗi các sự kiện xảy ra và kết quả là không khí
bên trong phổi được tống ra ngoài với một áp lực lớn. Bạn có thể tự ho (ho
có chủ ý) hoặc cơ thể tự gây ra cơn ho (không có chủ ý).
NGUYÊN NHÂN
Danh sách những nguyên nhân có khả năng gây ho rất dài và rất thay đổi.
Các bác sĩ chia triệu chứng ho ra thành 2 loại: cấp tính và mạn tính. Nhiều
bác sĩ định nghĩa ho cấp tính là ho kéo dài ít hơn 3 tuần. Ho mạn tính là ho
kéo dài nhiều hơn 3 tuần.
• Ho cấp tính có thể chia ra làm các loại ho do nhiễm trùng và các loại
ho không do nhiễm trùng.
o Ho cấp tính do nhiễm trùng thường có nguyên nhân là nhiễm
virus đường hô hấp trên (cúm), viêm xoang, viêm phổi, và ho
gà.
o Ho không do nhiễm trùng thường có nguyên nhân là do những
đợt bùng phát của các bệnh mạn tính sau: viêm phế quản mạn,
khí phế thũng, hen, và dị ứng với môi trường.
• Cách dễ nhất để đơn giản hóa các nguyên nhân gây ho mạn tính là
chia chúng theo vị trí tương quan với phổi. Chúng được chia ra thành
các loại: những chất kích ứng từ một trường, những bệnh của phổi,
những bệnh dọc theo đường dẫn khi từ phổi đến môi trường, những
bệnh bên trong lồng ngực nhưng nằm bên ngoài phổi và những bệnh
tiêu hóa.
o Bất kỳ chất nào từ môi trường có khả năng gây kích thích
đường dẫn khí hoặc phổi đều có thể gây ho mạn tính nếu bệnh
nhân phải tiếp tục tiếp xúc với chúng. Khói thuốc lá là nguyên
ngân gây ho mạn tính thường gặp nhất. Những chất kích thích
gây ho khác bao gồm: bụi, phấn hoa, các vảy từ da hoặc lông
vật nuôi trong nhà, những chất đặc hiệu, các hóa chất và chất
gây ô nhiễm công nghiệp, khói thuốc từ xì gà và tẩu thuốc và
độ ẩm của môi trường thấp.
o Bên trong phổi cũng có những nguyên nhân ít gặp và thường
gặp gây ho mạn tính. Những nguyên nhân thường gặp bao gồm
hen phế quản, khí phế thũng, và viêm phế quản mạn tính.
Những nguyên nhân ít gặp hơn gây ho mạn tính của phổi là ung
thư, sarcoidosis, những bệnh của nhu mô phổi, và suy tim sung
huyết kèm tích tụ dịch mạn tính trong phổi.
o Đường nối phổi với môi trường bên ngoài được gọi là đường hô
hấp trên. Viêm xoang mạn tính, chảy nước mũi sau mạn tính,
những bệnh của ống tai ngoài, nhiễm trùng họng, và sử dụng
thuốc ức chế men chuyển để điều trị tăng huyết áp đều có thể
liên quan đến tình trạng ho mạn tính.
o Ngoài những bệnh diễn tiến trong phổi và các đường dẫn khí,
những bệnh nằm ở các nơi khác trong lồng ngực cũng có thể
gây ho mạn tính. Những bệnh bên trong ngực được xác định là
nguyên nhân gây ho mạn tính bao gồm: ung thư, sự phát triển
bất thường của các hạch lympho, sự lớn bất thường của động
mạch chủ, là mạch máu chính xuất phát từ tim.
o Một nguyên nhân hay bị bỏ qua là bệnh trào ngược dạ dày thực
quản (GERD). GERD xảy ra khi acid từ dạ dày đi lên thực quản
gây kích thích thực quản và thanh quản gây phản ứng ho.
TRIỆU CHỨNG
Tuy rằng chính bản thân ho đã là một triệu chứng, nhưng bệnh nhân còn có
những triệu chứng khác đi kèm giúp phân biệt nguyên nhân gây ho. Một yếu
tố quan trọng khác giúp xác định nguyên nhân gây ho là tính chất cấp tính
hay mạn tính của nó.
• Ho cấp tính được chia làm ho do nhiễm trùng và ho không do nhiễm
trùng
o Các dấu hiệu và triệu chứng giúp nghĩ đến nguyên nhân nhiễm
trùng bao gồm sốt, ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, đau họng,
buồn nôn, nôn, nhức đầu, tăng áp lực ở các xoang (gây cảm
giác nặng đầu), chảy nước mũi, vã mồ hôi đêm, và chảy nước
mũi sau. Khạc đàm đôi khi có thể là triệu chứng báo hiệu có
nhiễm trùng, nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở các nguyên nhân
không do nhiễm trùng.
o Các dấu hiệu và triệu chứng giúp nghĩ đến nguyên nhân không
do nhiễm trùng bao gồm ho khi tiếp xúc với một số chất hóa
học hoặc chất gây kích ứng trong môi trường, ho kèm thèm hắt
xì, ho thường xuyên nặng hơn khi đến một số khu vực nhất định
hoặc làm một số việc nhất định, hoặc đỡ ho hơn khi sử dụng
các loại thuốc xịt hoặc thuốc dị ứng.
• Những dấu hiệu và triệu chứng của ho mạn tính có thể khó chẩn đoán
do có nhiều nguyên nhân gây ho mạn tính có những dấu hiệu và triệu
chứng chồng chéo lên nhau.
o Nếu triệu chứng ho của bạn liên quan đến những tác nhân kích
thích của môi trường, nó sẽ nặng hơn khi tiếp xúc với những tác
nhân đó. Nếu bạn bị dị ứng với môi trường, bạn có thể sẽ đỡ ho
hơn khi dùng các loại thuốc dị ứng. Nếu bạn ho do khói thuốc,
triệu chững ho sẽ giảm đi nếu bạn ngừng hút thuốc và tăng lên
khi đang hút.
o Nếu bạn bị những bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, khí
phế thũng, hoặc viêm phế quản mạn, bạn có thể sẽ bị ho dai
dẳng hoặc cơn ho nặng hơn khi đến một nơi chốn hoặc làm một
việc nhất định nào đó. Bạn có thể có hoặc không có khạc đàm
cùng lúc với ho và thường đỡ ho hơn khi dùng các thuốc
corticoid đường xịt hoặc đường uống hoặc những thuốc dạng
xịt khác.
o Nếu cơn ho gây ra bởi viêm xoang mạn tính, chảy nước mũi
mạn tính, hoặc chảy nước mũi sau mạn tính, bạn thường sẽ có
những dấu hiệu và triệu chứng đi chung với những bệnh trên.
Bạn cũng có thể nhận thấy cơn ho của mình nặng nề hơn khi
bệnh nặng hơn và cơn ho thường đỡ hơn khi những bệnh trên
được điều trị.
o Nếu triệu chứng ho gây ra bởi thuốc, chẳng hạn như thuốc ức
chế men chuyển, bạn có thể sẽ bắt đầu ho sau khi bắt đầu sử
dụng những loại thuốc nghi ngờ. Thường là ho khan và đỡ hơn
khi ngừng thuốc.
o Ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường đi kèm với
cảm giác nóng rát dọc theo ngực. Loại ho này nặng hơn trong
ngày hoặc khi bạn đang nằm ngửa trên mặt phẳng. Ngoài ra,
một số ít người bị ho do GERD sẽ không cảm thấy có những
triệu chứng của trào ngược, nhưng hầu hết bệnh nhân đều đỡ ho
hơn khi triệu chứng trào ngược được điều trị hợp lý.
o Nếu triệu chứng ho là dấu hiệu báo động của ung thư, bạn có
thể gặp một nhóm các triệu chứng. Nếu là ung thư phổi hoặc
ung thư đường dẫn khí, bạn có thể bị ho ra máu. Những dấu
hiệu và triệu chứng khác có thể là báo động của ung thư bao
gồm mệt mỏi ngày càng nặng hơn, ăn mất ngon, sụt cân không
rõ nguyên nhân, hoặc giảm khả năng nuốt những thức ăn cứng
hoặc lỏng.
KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH
Biết được lúc nào nên đi khám bệnh do triệu chứng ho có thể là một quyết
định khó khăn.
• Thông thường, bạn nên gặp bác sĩ nếu gặp những triệu chứng sau:
o Ho kèm theo sốt và khạc đàm.
o Ho không giảm sau khi những triệu chứng khác biến mất hoặc
đỡ hơn.
o Thay đổi tính chất ho.
o Những cách điều trị thử nghiệm không cho thấy có dấu hiệu
thuyên giảm.
o Bắt đầu ho ra máu
o Triệu chứng ho gây cản trở những sinh hoạt hằng ngày hoặc
cản trở giấc ngủ.
• Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu như bạn cảm thấy mình bị khó
thở.
Đa số các cơn ho không làm cho bệnh nhân đến phòng cấp cứu. Tuy nhiên
trong một số trường hợp cần phải được đánh giá tại phòng cấp cứu.
• Nếu bạn bị ho do những bệnh mạn tính, hãy trao đổi với bác sĩ để biết
khi gặp những dấu hiệu và triệu chứng nào thì bạn nên đến phòng cấp
cứu.
• Nếu bạn bị khó thở nặng cùng với ho, bạn có thể bị một số bệnh
nghiêm trọng cần phải được can thiệp khẩn cấp.
• Những người lớn tuổi hoặc những người có hệ mễn dịch bị suy yếu bị
ho và sốt cao nên được đưa đến phòng cấp cứu nếu không thể gặp bác
sĩ.
• Nếu bạn đang bị những bệnh về phổi đã được các bác sĩ chẩn đoán và
cơn ho diễn ra nặng hơn một cách cấp tính và không đáp ứng với các
cách điều trị tại nhà, bạn nên đến phòng cấp cứu.
KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM
Quá trình chẩn đoán ho dựa phần lớn vào những thông tin mà bạn cung cấp.
Những thông tin cần thiết để giúp chẩn đoán chính xác bao gồm: độ dài của
cơn, những dấu hiệu và triệu chứng kèm theo, những hoạt động hoặc địa
điểm làm cho cơn ho nặng hơn hoặc đỡ hơn, mối liên hệ giữa cơn ho và
những thời điểm trong ngày, những bệnh đã bị trước đây, và bất kỳ cách
điều trị nào tại nhà mà bạn đã thử.
• Trong trường hợp ho cấp tính, các bác sĩ có thể chẩn đoán đơn giản
bằng cách hỏi bệnh và thực hiện các thao tác khám. Nếu bạn bị ho cấp
tính, thường bạn sẽ được chụp X quang để giúp bác sĩ chẩn đoán
bệnh. Những người lớn tuổi, những người có hệ miễn dịch bị suy yếu
(thường là do ung thư, đái tháo đường, hoặc AIDS), và những người
được các bác sĩ phát hiện ra âm thanh bất thường trong phổi khi khám
có thể cần phải chụp X quang để kiểm tra xem có bị viêm phổi hay
không.
• Trong trường hợp ho mạn tính, các bác sĩ thường dựa trên những
thông tin thu được trong quá trình hỏi bệnh và khám để đưa ra các
khảo sát cận lâm sàng phù hợp để giúp chẩn đoán bệnh. Nhiều bệnh
nhân sẽ được chụp X quang ngực để tìm nguyên nhân. Ngoài ra, một
số khảo sát khác có thể được thực hiện theo phán đoán của bác sĩ và
dựa trên quá trình hỏi bệnh và khám.
• Điều quan trọng là bạn nên đóng vai trò chủ động trong nhiệm vụ tự
chăm sóc mình và trao đổi với bác sĩ mục đích của những xét nghiệm
được thực hiện và ý nghĩa những kết quả của chúng.
ĐIỀU TRỊ
Tại nhà
Điều trị ho tại nhà thường nhắm trực tiếp đến điều trị những nguyên nhân
gây ra.
• Nếu bạn bị ho cấp tính và không phải đến bác sĩ, bạn có thể thử dùng
các loại thuốc cảm bán không cần toa để làm giảm triệu chứng. Nếu
nghi ngờ bị cảm cúm, những loại thuốc này có thể làm triệu chứng
thuyên giảm cho đến khi tình trạng nhiễm trùng tự hồi phục. Những
cơn ho cấp tính có nguyên nhân dị ứng thường khỏi với những thuốc
chống dị ứng, và ho do những chất kích ứng từ môi trường sẽ đỡ hơn
khi giảm tiếp xúc với chúng.
• Điều trị tại nhà đối với tình trạng ho mạn tính với nguyên nhân đã
được biết trước nhắm trực tiếp đến nguyên nhân gây ho. Quá trình này
nên được thực hiện dưới sự tư vấn chặt chẽ của bác sĩ. Mặc dù không
phải tất cả các cơn ho mạn tính đều có thể được giới hạn, nhưng nhiều
bệnh nhân có thể thấy giảm ho bằng cách theo sát những hướng dẫn
của bác sĩ.
Tại bệnh viện
Điều trị ho tùy thuộc phần lớn vào độ nặng của nó và những nguyên nhân
gây ra.
• Điều trị ho cấp tính chủ yếu nhắm trực tiếp vào mục tiêu giảm ho
thêm vào đó là điều trị những triệu chứng ẩn phía sau.
o Triệu chứng ho có thể được làm giảm bằng những thuốc ho bán
không cần toa và những thuốc phải kê toa.
o Ho nặng hoặc ho gây cản trở giấc ngủ có thể cần những loại
thuốc bao gồm cả các thuốc gây nghiện. Nếu được kê toa những
loại thuốc này, cố gắng tránh uống rượu, lái xe, phẫu thuật và
điều khiển máy móc nặng.
o Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng, bác sĩ thường kê toa
các loại thuốc kháng sinh. Kháng sinh không có tác dụng đối
với những bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm virus, những người này
sẽ chỉ cần điều trị trực tiếp triệu chứng ho.
o Những người lớn tuổi, những người bị nhiễm trùng hoặc nhiễm
virus nặng, và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có thể
cần phải nhập viện để được theo dõi bệnh.
• Điều trị ho mạn tính cũng có thể nhắm trực tiếp đến bệnh gây ra nó.
Điều quan trọng cần phải biết là quá trình điều trị có thể sẽ khó khăn,
cần phải áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, và cũng có thể không
làm hết ho hoàn toàn.
o Nếu bạn bị ho do thuốc lá, dị ứng, hoặc những chất kích thích
từ môi trường, bạn có thể cảm thấy đỡ hơn nếu hạn chế tiếp xúc
với những chất đó. Có thể phải mất vài tuần bác sĩ mới biết
được đáp ứng của cách điều trị này do cần phải có đủ thời gian
cho các tổn thương ở phổi và đường dẫn khí hồi phục.
o Nếu bạn bị bệnh phổi, bạn thường cần phải được điều trị kéo
dài những bệnh này. Những phương pháp được sử dụng để điều
trị tùy thuộc phần lớn vào loại bệnh mà bạn mắc phải. Thường
cần phải dùng nhiều phương pháp trị liệu cùng một lúc để giúp
làm giảm các triệu chứng của bệnh nhân. Theo sát cách điều trị
được lựa chọn là điều kiện cần thiết để làm chậm diễn tiến của
bất kỳ loại bệnh nào và làm giảm triệu chứng. Trong trường
hợp điều trị tại nhà không hiệu quả và các triệu chứng ngày
càng nặng hơn, bạn có thể cần phải nhập viện để được điều trị
tăng cường và tích cực hơn.
o Nếu triệu chứng ho của bạn được cho là do thuốc gây ra, bạn sẽ
cho thấy có sự cải thiện khi ngừng sử dụng loại thuốc đang bị
nghi ngờ. Khi đó, triệu chứng ho thường mất vài tuần để khỏi
hoàn toàn. Bạn cần phải dùng một loại thuốc khác để thay thế
loại thuốc mà bạn đã ngừng.
o Nếu nghi ngờ bạn bị ho do GERD, hướng điều trị của bạn có
thể sẽ nhắm trực tiếp vào giảm lượng acid trào ngược từ dạ dày.
Điều này thông thường được thực hiện bằng cách thay đổi chế
độ ăn và thuốc. Để điều trị thành công có thể cần nhiều thời
gian và phối hợp nhiều cách điều trị.
CÁC BƯỚC TIẾP THEO
Theo dõi
Những trường hợp ho cấp tính thường tự khỏi và không cần phải theo dõi.
Nhiều trường hợp ho mạn tính phải mất vài tuần đến vài tháng để thuyên
giảm mặc dù đã theo sát các phương pháp điều trị, do đó cần phải sắp xếp
lịch theo dõi trong khoảng thời gian này. Đối với những cơn ho không
thuyên giảm khi điều trị bằng những phương pháp chuẩn, có thể bệnh nhân
sẽ được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và cách
điều trị tốt nhất.
Phòng ngừa
Phòng ngừa ho bằng cách tránh bị những loại bệnh gây ho.
Hướng phòng ngừa quan trọng nhất là ngừng hút thuốc và tránh hút thuốc
thụ động, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị hen phế quản, bệnh phổi mạn
tính, và dị ứng với môi trường.
Đối với những bệnh nhân bị GERD, cách phòng ngừa hướng đến việc thay
đổi chế độ ăn, ngủ để đầu cao, và uống tất cả những loại thuốc được kê toa.
Đối với những người đang được điều trị bệnh phổi mạn tính, cách phòng
ngừa tốt nhất là theo sát những cách điều trị của bác sĩ.
Tiên lượng
Tiên lượng tùy thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây ho. Sau khi đã xác định
được nguyên nhân, hầu hết các trường hợp ho cấp tính sẽ thuyên giảm trong
vòng 2-3 tuần. Những người hút thuốc khi bị ho có thể phải mất một khoảng
thời gian lâu hơn. Những trường hợp bị ho mạn tính cho nhiều kết quả khác
nhau, và những người bị bệnh phổi mạn tính thường có những giai đoạn
thuyên giảm thêm vào những giai đoạn ho nặng hơn. Một lần nữa, hút thuốc
có thể làm cho tình trạng ho mạn tính kéo dài lâu hơn và nên tránh.
Theo Emedicinehealth - Y học NET dịch
MẤT NGỦ
Mất ngủ được định nghĩa là tình trạng gặp khó khăn khi khởi đầu hoặc duy
trì giấc ngủ, hoặc cả hai mặc dù đã có đủ cơ hội và thời gian để ngủ dẫn đến
giảm hiệu quả các hoạt động ban ngày. Mất ngủ có thể do giảm chất lượng
hoặc số lượng giấc ngủ.
Mất ngủ rất thường gặp và xảy ra trong khoảng từ 30% đến 50% dân số
chung. Xấp xỉ 10% dân số bị mất ngủ mạn tính (kéo dài).
Mất ngủ xảy ra ở mọi độ tuổi kể cả trẻ em, tuy nhiên nó thường gặp ở người
lớn hơn và tần xuất của nó tăng lên theo tuổi. Thông thường, phụ nữ bị mất
ngủ thường xuyên hơn nam giới.
Mất ngủ được chia ra làm 3 nhóm dựa trên độ kéo dài của triệu chứng:
• Mất ngủ kéo dài 1 tuần trở xuống được gọi là mất ngủ thoáng qua.
• Mất ngủ ngắn hạn là mất ngủ kéo dài hơn 1 tuần nhưng khỏi trước 3
tuần.
• Mất ngủ dài hạn hoặc mất ngủ mạn tính là mất ngủ kéo dài hơn 3
tuần.
Mất ngủ cũng có thể được phân loại dựa vào nguyên nhân gây mất ngủ
chẳng hạn như vệ sinh giấc ngủ, bệnh tật, rối loạn giấc ngủ, áp lực v.v...
Ngoài ra cũng cần phân biệt giữa mất ngủ và một số tình trạng tương tự: ngủ
ít và thiếu ngủ.
• Ngủ ít có thể là tình trạng bình thường ở một số người chỉ cần ngủ
trong một thời gian ngắn hơn người khác nhưng không cảm thấy mệt
mỏi vào ban ngày (là triệu chứng chủ yếu trong định nghĩa mất ngủ).
• Những người mất ngủ là những người có đủ thời gian và cơ hội để
ngủ còn những người thiếu ngủ là những người không ngủ được do
thiếu cơ hội hoặc thời gian để ngủ do tránh né giấc ngủ một cách có
chủ tâm.
NGUYÊN NHÂN
Mất ngủ có nhiều nguyên nhân và, như đã nói ở trên, nó có thể được phân
loại dựa trên nguyên nhân gây mất ngủ.
Những áp lực và tình huống gây mất ngủ có thể bao gồm:
• Sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài.
• Những sự khó chịu do nguyên nhân vật lý (nóng, lạnh, ánh sáng, tiếng
ồn, lạ chỗ).
• Làm việc theo những ca khác nhau
• Những tình huống gây stress trong cuộc sống (ly dị hoặc chia tay,
người yêu bị chết, mất việc, chuẩn bị cho một kỳ thi).
• Dùng những thuốc bất hợp pháp
• Hút thuốc
• Uống cafe trước khi lên giường
• Nhiễm độc hoặc cai nghiện rượu
• Một số loại thuốc.
Hầu hết những yếu tố trên có thể là ngắn hạn hoặc thoáng qua, do đó tình
trạng mất ngủ có thể được giải quyết khi những yếu tố gây ra nó bị loại bỏ
hoặc điều chỉnh.
Vệ sinh giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ có thể đóng vai trò quan trọng trong triệu chứng mất ngủ.
Vệ sinh giấc ngủ kém có thể bao gồm những yếu tố vật lý sau:
• Sử dụng giường để làm những việc khác với ngủ.
• Ăn hoặc tập thể dục trước khi ngủ
• Để bụng đói đi ngủ
• Ngủ trong phòng có quá nhiều tiếng ồn hoặc ánh sáng
• Làm việc trên giường
Các bệnh và vấn đề tâm lý
Các bệnh và vấn đề tâm lý cũng có thể góp phần gây mất ngủ. Có thể bao
gồm một số bệnh sau:
• Những vấn đề về hô hấp do bệnh tim hoặc phổi mạn tính [hen phế
quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)]
• Suy tim xung huyết
• Hội chứng ngưng thở lúc ngủ
• Béo phì
• Trào ngược dạ dày thực quản
• Cường giáp
• Vấn đề về đường tiểu (tiểu nhiều lần, đái dầm)
• Đau mạn tính
• Viêm xơ cơ
• Bệnh Parkinson
• Mất trí
Một số vấn đề tâm lý có thể gây mất ngủ bao gồm:
• Trầm cảm
• Rối loạn tâm thần
• Nghiện
• Lo lắng
• Rối loạn stress sau sang chấn.
Một số tình trạng sinh lý có thể dẫn đến mất ngủ như:
• Mãn kinh
• Kinh nguyệt
• Có thai
• Sốt
• Đau
Một số nguyên nhân gây mất ngủ khác có thể liên quan đến rối loạn giấc ngủ
bao gồm:
• Mộng du
• Ngừng thở lúc ngủ
• Hội chứng chân không nghỉ (cảm giác râm ran ở chân khi ngủ, giảm
đi bằng cách cử động chân)
• Rối loạn vận động chân theo chu kỳ (lập lại những cử động chân
không tự ý trong khi ngủ)
• Rối loạn giờ ngủ (không thể ngủ được do rối loạn đồng hồ sinh học)
Những nguyên nhân khác
Ngoài những tình trạng kể trên, còn có một số loại mất ngủ khác không thật
sự có nguyên nhân. Dưới đây là một số loại mất ngủ thường gặp trong nhóm
này:
• Mất ngủ do tâm sinh lý hay còn gọi là mất ngủ nguyên phát là loại
mất ngủ do hành vi ngăn trở giấc ngủ. Những người bị tình trạng này
không thể thư giãn được đầu óc (suy nghĩ lan man) hoặc gia tăng chức
năng tâm thần khi cố gắng chìm vào giấc ngủ. Đây có thể trở thành
vấn đề lâu dài và việc đi lên giường sẽ gắn liền với gia tăng mức độ lo
lắng và khuấy động tâm thần dẫn đến mất ngủ mạn tính. Tình trạng
này có thể hiện diện ở khoảng 15% người tham gia những nghiên cứu
chính thức về giấc ngủ để đánh giá tình trạng mất ngủ mạn tính.
• Mất ngủ tự phát (không có nguyên nhân thấy được) (mấy ngủ khởi
phát từ lúc còn nhỏ hoặc mất ngủ suốt đời) là một dạng mất ngủ ít gặp
hơn (1% người trẻ trưởng thành hoặc vị thành niên) bắt đầu lúc còn
nhỏ và kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Những người này gặp khó
khăn trong việc bắt đầu và duy trì giấc ngủ do đó sẽ cảm thấy mệt mỏi
kéo dài vào ban ngày. Cần phải đánh giá những loại mất ngủ hay gặp
hơn để loại trừ trước khi chẩn đoán xác định là bệnh nhân bị mất ngủ
tự phát. Tình trạng này có thể có tính chất gia đình.
• Mất ngủ nghịch lý còn được gọi là mất ngủ chủ quan hoặc nhận thức
sai về tình trạng ngủ. Là những trường hợp bệnh nhân thông báo và
phàn nàn rằng mình bị mất ngủ nhưng lại có một chu kỳ ngủ bình
thường khi được thực hiện nghiên cứu về giấc ngủ trong đêm.
Những yếu tố nguy cơ
Không có yếu tố nguy cơ đặc trưng cho mất ngủ do có nhiều loại nguyên
nhân khác nhau có thể dẫn đến mất ngủ. Những bệnh và trạng thái tâm lý
được liệt kê phía trên có thể được xem là những yếu tố nguy cơ của mất ngủ
nếu không được điều trị hoặc khó điều trị. Một số tình trạng cảm xúc và môi
trường được lưu ý phía trên cũng có tác động như là một yếu tố nguy cơ của
mất ngủ.
TRIỆU CHỨNG
Suy giảm những hoạt động ban ngày được xem là định nghĩa và là triệu
chứng thường gặp nhất của mất ngủ.
Những triệu chứng hay gặp khác bao gồm:
• Mệt mỏi vào ban ngày
• Buồn ngủ vào ban ngày
• Thay đổi cảm xúc
• Giảm chú ý và tập trung
• Thiếu năng lượng
• Lo lắng
• Giảm những hoạt động xã hội
• Nhức đầu
• Mắc lỗi và sai lầm nhiều hơn
Khi nào nên gọi bác sĩ
Thông thường, những trường hợp mất ngủ liên quan đến những yếu tố tình
huống thoáng qua có thể tự khỏi khi các yếu tố gây ra bị loại bỏ hoặc điều
chỉnh. Tuy nhiên, cần phải có sự đánh giá của bác sĩ nếu như mất ngủ kéo
dài hoặc bị cho rằng có liên quan đến một bệnh hoặc một bất thường tâm lý.
Cũng có những bác sĩ chuyên khoa đánh giá và điều trị mất ngủ và những rối
loạn giấc ngủ khác. Ngưng thở lúc ngủ có thể được đánh giá và điều trị bởi
bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Những bác sĩ khác có thể đánh giá và điều trị
những rối loạn giấc ngủ là các bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
CHẨN ĐOÁN
Quá trình đánh giá và chẩn đoán mất ngủ có thể bắt đầu bằng việc hỏi bệnh
sử và tâm lý. Như đã nói ở trên, nhiều tình trạng bệnh và trạng thái tâm lý có
thể là thủ phạm gây mất ngủ.
Việc khám thực thể tổng quát để tìm ra những bất thường cũng rất quan
trọng bao gồm tìm hiểu trạng thái tâm thành và chức năng thần kinh, khám
tim, phổi, bụng, tai, mũi và họng, đánh giá đánh giá chu vi cổ và kích thước
thắt lưng. Kiểm tra những loại thuốc dùng thường ngày và những loại thuốc
bất hợp pháp, rượu, thuốc lá hoặc cafe cũng là một phần quan trọng trong
quá trình khám. Xét nghiệm máu hoặc những xét nghiệm khác thích hợp với
những tình trạng trên cũng có thể được khảo sát.
Người thân trong gia đình và người ngủ cùng giường cũng cần được hỏi về
chu trình ngủ của bệnh nhân, hiện tượng ngáy hoặc những cử động trong khi
ngủ.
Một số câu hỏi liên quan đến thói quen và chu kỳ ngủ cũng là một phần quan
trọng để chẩn đoán. Bệnh sử về giấc ngủ tập trung vào những điểm sau:
• Độ dài giấc ngủ
• Thời điểm ngủ
• Thời điểm chìm vào giấc ngủ
• Số lần và độ dài khoảng thời gian thức giấc
• Thời điểm và độ dài của những giấc ngủ ngắn vào ban ngày
Có thể ghi lại nhật ký giấc ngủ cho mục đích này để ghi nhận những tính
chất trên mỗi ngày để có thể chẩn đoán chính xác hơn.
Quá trình hỏi bệnh thường bao gồm những câu hỏi về những triệu chứng có
thể xảy ra gắn với mất ngủ. Các bác sĩ có thể sẽ hỏi về những hoạt động vào
ban ngày, sự mệt mỏi, rắc rối về khả năng tập trung và chú ý, những triệu
chứng thường gặp khác của mất ngủ.
Một số khảo sát để chẩn đoán khác có thể được thực hiện mặc dù có thể
chúng không cần thiết đối với tất cả những bệnh nhân bị mất ngủ.
Đa ký giấc ngủ (polysomnography) là một khảo sát được thực hiện ở trung
tâm khảo sát giấc ngủ nếu nghi ngờ bệnh nhân bị ngừng thở lúc ngủ. Khi
khảo sát, bệnh nhân sẽ được yêu cầu trải qua suốt đêm tại trung tâm trong
lúc được theo dõi nhịp tim, sóng não, hô hấp, cử động, nồng độ oxy và
những thông số khác trong khi đang ngủ. Sau đó dữ liệu sẽ được phân tích
bởi các bác sĩ đã được huấn luyện chuyên môn để chẩn đoán hoặc loại trừ
chứng ngưng thở lúc ngủ.
Động ký là một khảo sát khách quan hơn có thể được thực hiện trong một số
tình huống nhưng không thường xuyên là một phần trong quá trình đánh giá
mất ngủ. Động đồ là một máy dò chuyển động có thể cảm nhận được những
chuyển động của người trong khi ngủ và lúc thao thức. Nó được mang tương
tự như mang đồng hồ ở cổ tay, và những dữ liệu về các chuyển động sẽ được
ghi nhân và phân tích để xác định quá trình ngủ và những chuyển động lúc
ngủ. Khảo sát này có thể hữu ích trong những trường hợp bị mất ngủ nguyên
phát, rối loạn nhịp sinh học hoặc mất ngủ chủ quan.
ĐIỀU TRỊ
Điều trị mất ngủ tùy thuộc phần lớn và nguyên nhân gây mất ngủ. Trong
trường hợp nguyên nhân gây mất ngủ là những yếu tố có thể nhận biết được,
hãy điều chỉnh hoặc loại bỏ chúng để giải quyết tình trạng mất ngủ. Chẳng
hạn như nếu mất ngủ do những tình huống chịu áp lực thoáng qua như ngồi
máy bay lâu, sắp phải thi thì triệu chứng mất ngủ sẽ khỏi khi những tình
huống này không còn.
Thông thường, điều trị mất ngủ có thể được chia ra làm 2 loại: không dùng
thuốc hoặc điều chỉnh hành vi và loại dùng thuốc. Cả 2 cách đều cần thiết để
điều trị mất ngủ thành công, và nếu kết hợp lại với nhau có thể đem lại hiệu
quả cao hơn là sử dụng riêng lẻ từng cách.
Khi mất ngủ liên quan đến những tình trạng tâm lý hoặc bệnh tật đã được
biết, ưu tiên hàng đầu là giải quyết chúng kèm theo với những biện pháp