NHÌN RA THẾ GIỚI
KINH NGHIỆM VỀ CẢI CÁCH KHU VỰC CÔNG
CỦA ANH VÀ PHÁP
ThS. PHẠM ĐỨC TOÀN
Phó Chánh Văn Phòng Bộ Nội vụ
A. Kinh nghiệm của Vương Quốc Anh:
Kể từ năm 1997, cải cách khu vực công trở thành nội dung trung tâm trong
chương trình nghị sự của Chính phủ Vương quốc Anh. Thực chất, đây là làn sóng
các cuộc cải cách đồng bộ tạo nên những thay đổi sâu sắc về cách thức hoạt động của
toàn bộ khu vực công. Nhiều chính phủ trên thế giới tổ chức tìm hiểu, học hỏi kinh
nghiệm này.
Truyền thống cải cách khu vực công của Anh có thể tính từ thế kỷ thứ 19. Cải
cách khu vực công là trọng tâm ưu tiên của các chính phủ kế tiếp nhau trong suốt
hơn 30 năm qua. Ưu tiên của Đảng Bảo thủ từ năm 1979-1997 là tư nhân hoá, định
rõ vai trò của nhà nước, và giới thiệu văn hoá quản lý vào hoạt động của các cơ quan
chính phủ. Trọng tâm cải cách được thay đổi vào năm 1997 với việc thắng cử của
Đảng Lao động. Chất lượng dịch vụ công (cụ thể là trường học và bệnh viện) được
đặt thành nội dung trung tâm của chiến dịch vận động. Trọng tâm ban đầu về tính
hiệu quả của một số dịch vụ công cụ thể, tiếp đó, được nâng lên thành một chiến
lược tổng thể. Từ năm 1997, chương trình cải cách này - với cách tiếp cận tổng thể
về lập ngân sách, về lập các mục tiêu và về quản lý việc thực thi bao gồm năm thành
tố chính:
1. Cốt lõi của chương trình cải cách là việc ban hành một bộ thoả ước dịch vụ
công (Public Service Agreements – PsAs): là các hợp đồng thực hiện công việc giữa
các bộ với chính phủ trung ương, sau khi đã tiến hành rà soát, đánh giá các mục tiêu
chính sách và ngân sách từng cơ quan.
2. Trọng tâm của các thoả ước dịch vụ công (PSAs) về tính hiệu quả của các
dịch vụ công được tiếp tục bổ sung thông qua việc xác lập các mục tiêu về tính hiệu
suất. Trong các năm 2003-2004, chính phủ tiến hành rà soát đánh giá độc lập về tính
hiệu suất, do một cựu lãnh đạo ngành công nghiệp và là người đứng đầu chức năng
mua sắm của chính phủ chỉ đạo. Báo cáo này (cũng như bản đánh giá kế tiếp, được
báo cáo vào tháng 4 năm 2009) đã công bố công khai, rõ ràng các mục tiêu hiệu suất
của từng cơ quan.
3. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có chính phủ tập quyền nhất
trong số các nước đã phát triển. Nước Anh đã tiến hành một số cuộc cải cách từ năm
1997 nhằm phân giao quyền lực cho các vùng và khu vực địa phương. Ví dụ như
trong lĩnh vực y tế, với 152 chức năng chi trả của địa phương trên cả nước, đã xác
lập các ưu tiên mang tính địa phương và phân bổ rõ ngân sách. Các nhà cung ứng
nào hoạt động với chất lượng cao hơn sẽ giành được quyền tự chủ lớn hơn.
4. Đã tổ chức triển khai hàng loạt sáng kiến tập trung vào việc nâng cao các kỹ
năng trong khu vực công. Bên cạnh những kỹ năng truyền thống về hoạch định chính
sách, chính phủ đã đề ra những năng lực cốt yếu cần có đối với các công chức cao
cấp, bao gồm các kỹ năng trong quản lý chung và trong tác nghiệp thực hiện các
công vụ cụ thể. Từ năm 2005, các mặt mạnh, mặt yếu của từng cơ quan chính phủ
được tổ chức đánh giá thông qua các cuộc rà soát về năng lực, do trung ương chỉ đạo
thực hiện.
5. Trong một số lĩnh vực hoạt động, chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ công dân có
tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn đối với các dịch vụ công. Ví dụ như phụ huynh có
nhiều lựa chọn hơn về trường học cho các con; bệnh nhân có nhiều thông tin để
quyết định đến điều trị tại bệnh viện nào. Việc tiếp cận các dữ liệu trên mạng điện tử
rất thuận tiện, giúp khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định phù hợp.
Các cuộc cải cách kể từ năm 1997 được chỉ đạo rất sâu sát, quyết liệt, thể hiện
quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Đặc biệt là trong những năm đầu cải cách, các mục
tiêu do cấp trung ương đề ra đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định các
phương án cải cách ưu tiên và lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, cách tiếp cận này còn
gây tranh luận. Nhóm các nhà chỉ trích cho rằng cách thức này có nguy cơ làm chệch
các nguồn lực vào những hoạt động nhằm đạt được một số mục tiêu dự kiến thay vì
tập trung tạo ra các kết quả tốt. Tiếp thu các ý kiến tham gia, nhiều địa phương đã
xây dựng các mục tiêu cải cách theo cách thức hướng tới kết quả cụ thể. Một số
nguồn lực mạnh hơn nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực cải cách được tạo lập trong năm
2001 tại chính phủ trung ương. Tổ công tác của Thủ tướng, từ 30 - 40 người được
thành lập để báo cáo Thủ tướng về những vấn đề cải cách quan trọng nhất và kịp thời
giúp các cơ sở tiến hành cải tiến việc cung ứng dịch vụ trên thực tế.
Cải cách khu vực công của Vương quốc Anh vẫn còn một chặng đường dài
trước mặt và đang phải đương đầu với những thách thức mới, xuất phát từ hậu quả
của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng kinh nghiệm cải cách từ trước đến
nay của đất nước này là những bài học tham khảo có giá trị lý luận và thực tiễn cao
để chính phủ các nước đúc rút, vận dụng phù hợp.
B. Kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp:
Cũng như nhiều nước châu Âu khác, công tác kiểm soát tài chính khu vực
công ở Pháp ngày càng trở nên cấp thiết. Tỷ lệ nợ chính phủ của nước này lên tới
68% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chi tiêu công có xu hướng tăng lên rõ rệt.
Sau khi nhậm chức vào năm 2007, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã cùng Thủ
tướng Francois Fillon xây dựng và thực hiện một chương trình cải cách tổng thể (la
Révision générale des politiques publiques) nhằm giảm bớt mua sắm công. Chương
trình này còn có một số mục tiêu khác: hiện đại hoá các tổ chức nhà nước, cải tiến
phục vụ công dân và doanh nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức và
phát triển văn hoá hướng tới kết quả, hiệu quả công tác. Nhìn chung, như ngài Thủ
tướng đã nói, mục tiêu của cải cách là “làm tốt hơn với ít chi phí hơn”.
Dự kiến đến trước năm 2012 cải cách sẽ tác động tới 7,7 tỷ Euro. Đây là mục
tiêu được lập trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Vì thế, mục tiêu
này không hướng tới xử lý tình trạng tiếp tục tăng nợ công do yêu cầu từ các kế
hoạch cứu trợ của chính phủ. Tuy vậy, chương trình cải cách bao gồm 370 sáng kiến
này được chọn lọc sau khi đã tiến hành rà soát chi tiêu tại từng cơ quan chính phủ để
xác định các cơ hội nâng cao năng suất công tác và tiết kiệm chi phí. Đây là một ví
dụ về quá trình chuyển đổi đồng bộ chính phủ. Tất cả các sáng kiến cải cách được
thực hiện đồng thời, trong đó có một số sáng kiến về tái cơ cấu tổ chức chính phủ
trên diện rộng, chẳng hạn như đề xuất thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành khi
thực hiện nhiệm vụ chung (quản lý về kinh doanh bất động sản, nguồn nhân lực và
các khoản trợ cấp). Các sáng kiến khác (như áp dụng hệ thống chi tiêu dựa trên hiệu
quả công tác, đẩy nhanh quy trình nhập quốc tịch) cũng được triển khai với những
mục tiêu rõ ràng. Nhiều cách thức cải tiến công tác khác nhau được tổ chức áp dụng
trong khu vực công, bao gồm việc đơn giản hoá các quy trình hoạt động, ứng dụng
công nghệ thông tin và giới thiệu các phương pháp, kỹ thuật mới nhằm quản lý việc
thực thi nhiệm vụ một cách sát thực hơn.
Trong quá trình cải cách, từng bộ được yêu cầu tham gia ngay từ giai đoạn đầu
khi xây dựng chương trình. Các bộ trưởng được tăng thẩm quyền, chịu trách nhiệm
tổ chức lập kế hoạch hành động, đề ra các mục tiêu về hiệu suất công tác đối với
từng cấp độ công vụ thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Để đảm bảo cho công tác chỉ
đạo điều hành có hiệu lực cao, nhất quán và chặt chẽ, một uỷ ban giám sát do bộ
trưởng tài chính và những người đứng đầu về công tác nhân sự của Tổng thống và
Thủ tướng điều hành được thành lập. Uỷ ban này định kỳ 3 tháng một lần họp chính
thức với từng bộ để kiểm điểm tiến độ thực hiện kế hoạch cải cách. Để nâng cao tính
minh bạch, chính phủ đặt công tác đánh giá vào trung tâm của cách tiếp cận này. Bộ
trưởng tài chính công bố công khai Báo cáo về tiến trình cải cách của từng cơ quan
theo từng quý.
(Công dân có thể cập nhật qua Trang web: rgpp.modernisation.gouv.fr. để
theo dõi, giám sát, và tham gia góp ý kiến). Với việc mở rộng loại hình giao tiếp và
tiếp cận thông tin như vậy, các bộ phải chú trọng hơn nữa tới chất lượng và tiến độ
thực hiện các nhiệm vụ cải cách được giao.
Hành trình chuyển đổi khu vực công của Pháp cũng mới bắt đầu và có lẽ phải
đến 2012 mới thu được các kết quả và còn nhiều thách thức. Thứ nhất, các cuộc cải
cách hiện tại đang tập trung vào cơ cấu tổ chức và quy trình thủ tục của bộ máy hành
chính, nhưng yêu cầu đặt ra là phải đạt được những tiến bộ rõ nét trong phục vụ công
dân. Phải chứng minh được kết quả thu được bằng những thay đổi trên thực tế - dù
rằng chỉ là những vấn đề tưởng như rất nhỏ, như việc giảm thời gian đợi chờ trong
điều trị cấp cứu tại các bệnh viện. Đây là điều quan trọng khi đánh giá mức độ thành
công của chương trình cải cách. Thứ hai, chính phủ cần quan tâm một cách cụ thể
hơn tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công chức phải được trang bị các
kỹ năng tác nghiệp để thực hiện thành công chương trình cải cách. Các cơ quan cần
đảm bảo sắp xếp đúng người đúng việc, theo vị trí công tác. Cần tiếp tục nghiên cứu
để tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ và để nâng cao tính cơ động, linh hoạt
khi chuyển đổi nhân sự từ vị trí này sang vị trí khác nhằm đáp ứng yêu cầu công
việc. Thứ ba, giai đoạn đầu của các cuộc cải cách trong chương trình đã thành công
trong việc giải quyết bài toán chi phí vận hành của các bộ, nhưng tiến tới cần đạt
được mục tiêu về hiệu suất đối với tất cả các chi tiêu công. Hiện nay, chính phủ đã
quyết định mở rộng nỗ lực hiện đại hoá và nâng cao năng suất công tác trong 650 cơ
quan. Nhưng có lẽ, chương trình cải cách phải kéo dài từ 5 đến 10 năm nữa để có thể
hoàn thành toàn bộ vấn đề về chi tiêu trong khu vực công ./.
Tài liệu tham khảo:
The case for government reform now - Mc Kinsey Quarterly, 2009, number 3.