Một số hệ số tài chính đánh giá hiệu
quả hoạt động của doanh nghiệp
Trước khi muốn đấu tư vào một cổ phiếu của DN nào đó, nhà đầu tư thường tìm
hiểu và phân tích về doanh nghiệp đó từ lĩnh vực hoạt động, đội ngũ lãnh đạo và
đặc biệt là các chỉ tiêu tài chính đánh giá hiệu quả hoạt động của DN như lợi
nhuận, ROE, ROI… qua đó để đưa ra các quyết định đầu tư của mình. Sau đây
chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về các chỉ tiêu này.
1. Hệ số tổng lợi nhuận: cho biết mức độ hiệu quả khi sử dụng các yếu tố đầu vào
(vật tư, lao động) trong một quy trình sản xuất của doanh nghiệp.
Hệ số tổng lợi nhuận = (doanh số - trị giá hàng đã bán tính theo giá mua)/doanh số
bán.
Như vậy, về nguyên lý, khi chi phí đầu vào tăng, hệ số tổng lợi nhuận sẽ giảm và
ngược lại. Trong thực tế, khi muốn xem các chi phí này có cao quá hay không,
người ta sẽ so sánh hệ số tổng số lợi nhuận của một công ty với hệ số của các công
ty cùng ngành. Nếu hệ số tổng lợi nhuận của các công ty cùng ngành cao hơn thì
công ty cần có giải pháp tốt hơn trong việc kiểm soát các chi phí đầu vào.
2. Hệ số lợi nhuận hoạt động: cho biết việc sử dụng hợp lý các yếu tố trong quá
trình sản xuất kinh doanh để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hệ số lợi nhuận hoạt động = thu nhập trước thuế và lãi (EBIT)/doanh thu.
Hệ số này là thước đo đơn giản nhằm xác định đòn bẩy hoạt động mà một công ty
đạt được trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Hệ số biên lợi
nhuận hoạt động cho biết một đồng vốn bỏ ra có thể thu về bao nhiêu thu nhập
trước thuế. Hệ số lợi nhuận hoạt động cao có nghĩa là quản lý chi phí có hiệu quả,
hay doanh thu tăng nhanh hơn chi phí hoạt động. Các nhà quản lý cần phải tìm ra
các nguyên nhân khiến hệ số lợi nhuận hoạt động cao hay thấp để từ đó họ có thể
xác định xem công ty hoạt động có hiệu quả hay không, hoặc xem giá bán sản
phẩm đã tăng nhanh hơn hay chậm hơn chi phí vốn.
3. Hệ số lợi nhuận ròng: phản ánh khoản thu nhập ròng (thu nhập sau thuế) của
một công ty so với doanh thu của nó.
Hệ số lợi nhuận ròng = lợi nhuận ròng/doanh thu.
Trên thực tế, hệ số lợi nhuận ròng giữa các ngành là khác nhau, còn trong bản thân
một ngành thì công ty nào quản lý và sử dụng các yếu tố đầu vào tốt hơn thì sẽ có
hệ số này cao hơn. Xét từ góc độ nhà đầu tư, một công ty có điều kiện phát triển
thuận lợi sẽ có mức lợi nhuận ròng cao hơn lợi nhuận ròng trung bình của ngành
và có thể liên tục tăng. Ngoài ra, một công ty càng giảm chi phí của mình một
cách hiệu quả thì hệ số lợi nhuận ròng càng cao.
4. Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE): phản ánh mức thu nhập ròng trên vốn
cổ phần của cổ đông. Hệ số này được các nhà đầu tư cũng như các cổ đông đặc
biệt quan tâm.
ROE = lợi nhuận ròng/vốn cổ đông
Có thể nói, bên cạnh các hệ số tài chính khác thì ROE là thước đo chính xác nhất
để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lời. Đây
cũng là một chỉ số đáng tin cậy về khả năng một công ty có thể sinh lời trong
tương lai. ROE thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu
cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công
ty nào. Thông thường, ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả
đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là công ty đã cân đối một cách hài hòa giữa vốn
cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình
huy động vốn, mở rộng quy mô.
5. Hệ số thu nhập trên đầu tư (ROI): phản ánh mức độ ảnh hưởng của biên lợi
nhuận so với doanh thu và tổng tài sản.
ROI = (thu nhập ròng/doanh số bán) x (doanh số bán/tổng tài sản).
Mục đích của việc sử dụng hệ số ROI là để so sánh cách thức tạo lợi nhuận của
một công ty và cách thức công ty sử dụng tài sản để tạo doanh thu. Nếu tài sản
được sử dụng có hiệu quả thì thu nhập và ROI sẽ cao. Ngược lại, thu nhập và ROI
sẽ thấp.
6. Hệ số thu nhập trên tổng tài sản (ROA): phản ánh hiệu quả việc sử dụng tài sản
trong hoạt động kinh doanh của công ty và cũng là một thước đo để đánh giá năng
lực quản lý của ban lãnh đạo công ty.
ROA = lợi nhuận ròng/tổng giá trị tài sản.
Hệ số này có ý nghĩa là, với 1 đồng tài sản của công ty thì sẽ mang lại bao nhiêu
đồng lợi nhuận. Một công ty đầu tư tài sản ít nhưng thu được lợi nhuận cao sẽ là
tốt hơn so với công ty đầu tư nhiều vào tài sản mà lợi nhuận thu được lại thấp. Hệ
số ROA thường có sự chênh lệch giữa các ngành. Những ngành đòi hỏi phải có
đầu tư tài sản lớn vào dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ như các
ngành vận tải, xây dựng, sản xuất kim loại…, thường có ROA nhỏ hơn so với các
ngành không cần phải đầu tư nhiều vào tài sản như ngành dịch vụ, quảng cáo,
phần mềm…