VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN THỊ ĐIỂU
TRIẾT HỌC THỰC TIỄN CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA NÓ
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
HÀ NỘI - 2013
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN THỊ ĐIỂU
TRIẾT HỌC THỰC TIỄN CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA NÓ
Chuyên ngành: Lịch sử Triết học
Mã số: 62 22 80 01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS. Đỗ Minh Hợp
2. PGS. TS. Nguyễn Đình Tường
HÀ NỘI - 2013
LỜI CAM ĐOAN
Tác giả xin cam đoan Luận án này là do tự bản thân thực hiện và không
sao chép các công trình nghiên cứu của người khác để làm sản phẩm của
riêng mình. Các thông tin thứ cấp sử dụng trong Luận án có nguồn gốc và
được trích dẫn rõ ràng. Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính xác thực và
nguyên bản của Luận án.
Tác giả
Trần Thị Điểu
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ
TÀI “TRIẾT HỌC THỰC TIỄN CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH VÀ
NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA NÓ”
1.1. Các công trình nghiên cứu chung về triết học hiện sinh
1.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước
1.1.2. Các công trình nghiên cứu ngoài nước
1.2. Các công trình nghiên cứu bàn về nội dung cơ bản trong triết học
thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh
1.2.1. Các công trình nghiên cứu bàn về tư tưởng đạo đức
1.2.2. Các công trình nghiên cứu bàn về tư tưởng giáo dục
Chương 2. BỐI CẢNH RA ĐỜI TRIẾT HỌC THỰC TIỄN CỦA CHỦ NGHĨA
HIỆN SINH
2.1. Điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa cho sự ra đời triết học
thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh
2.1.1 Điều kiện kinh tế - xã hội và chính trị
2.1.2. Điều kiện văn hóa
2.2. Tha hóa tinh thần của con người phương Tây hiện đại như đối tượng
phản tư trong triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh
2.2.1. Thực chất của tha hóa tinh thần
2.2.2. Hệ quả của tha hóa tinh thần
2.3. Tiền đề lý luận
2.3.1. Phê phán triết học duy lý
2.3.2. Hiện tượng học Husserl
2.3.3. Đạo đức học chuẩn tắc
2.3.4. Triết lý giáo dục truyền thống
Chương 3. TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC TRONG TRIẾT HỌC THỰC TIỄN CỦA
CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
3.1. Các nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức trong triết học thực tiễn của
chủ nghĩa hiện sinh
3.1.1. Vấn đề tự do
3.1.2. Vấn đề trách nhiệm
3.2. Giá trị và hạn chế của tư tưởng đạo đức trong triết học thực tiễn của
chủ nghĩa hiện sinh
3.2.1. Các giá trị
3.2.2. Các hạn chế
Chương 4. TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC TRONG TRIẾT HỌC THỰC TIỄN CỦA
CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
4.1. Các nội dung cơ bản của tư tưởng giáo dục trong triết học thực tiễn của
chủ nghĩa hiện sinh
4.1.1. Quan niệm về mục đích giáo dục
4.1.2. Quan niệm về chương trình học
4.1.3. Quan niệm về phương pháp giáo dục
4.1.4. Quan niệm về quan hệ thầy trò
4.2. Giá trị và hạn chế của tư tưởng giáo dục trong triết học thục tiễn của
chủ nghĩa hiện sinh
4.2.1. Các giá trị
4.2.2. Các hạn chế
KẾT LUẬN
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đại bộ phận loài người nhìn chung luôn “thức” mà không “tỉnh”, họ
suy nghĩ và hành động theo các lược đồ (nguyên tắc, giá trị) có sẵn như một
cái máy cho tới khi các lược đồ ấy đem lại những hệ quả tai hại, thậm chí đe
dọa bản thân sự sinh tồn của họ. Khủng hoảng giá trị xuất hiện, hay như
Hegel ưa thích nói, “buổi hoàng hôn bắt đầu”, Nietzsche thì diễn tả là “Ngày
tàn của châu Âu”, Husserl thì nói rõ hơn “Khủng hoảng của loài người”. Bản
thân họ không thể tự mình luận giải thực trạng ấy và tìm ra lối thoát ra khỏi
thực trạng ấy. Triết học xuất hiện như “cứu cánh”, như “đấng cứu thế”. Bắt
đầu từ thời cận hiện đại, toàn bộ loài người ở phương Tây hào hứng bước vào
và sống trong kỷ nguyên khải hoàn của lý tính khoa học cùng với những
chuẩn mực tương ứng được triết học duy lý tạo dựng và luận chứng. Có cảm
tưởng là con người đã đạt được tất cả mọi mong ước của mình, trở thành chủ
nhân của thế giới, có được một cuộc sống thật sự dư thừa của cải vật chất,
được giải phóng khỏi mọi lực lượng đã từng nô dịch họ. Song, họ lại phải đối
mặt với một sự thực phũ phàng là “lý tính kiêu ngạo vô cùng nguy hiểm”, lối
suy nghĩ và hành động duy lý cực đoan đem lại nhiều hệ quả tai hại, triệt tiêu
những gì cao quý nhất, mà chính là tự do và trách nhiệm của con người. Triết
học hiện sinh là một trào lưu triết học dành những suy tư của mình cho chính
vấn đề cốt tử này của loài người phương Tây hiện đại.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, tiếp biến văn hóa toàn cầu được diễn
ra trên cả hai khía cạnh: bộc lộ văn hóa dân tộc ra với thế giới và tiếp nhận
văn hóa chung nhân loại. Trong quá trình ấy, tiếp nhận văn hóa phương Tây
là xu hướng tất yếu. Trong đó, triết học hiện sinh là một trong những trào lưu
triết học biểu hiện rất rõ diện mạo văn hóa tinh thần của con người phương
Tây hiện đại. Bối cảnh văn hóa tinh thần cho sự ra đời chủ nghĩa hiện sinh
đang bắt gặp sự tương đồng với nó ở xã hội Việt Nam hiện nay, cũng như bối
cảnh đó vẫn đang tiếp diễn trong hoàn cảnh hậu hiện đại của thế giới hôm
2
nay. Vì vậy, tìm hiểu và đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa hiện sinh nói chung và
triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh nói riêng có giá trị tích cực để
chúng ta nhìn nhận và xây dựng chân dung văn hóa Việt.
Thứ nhất, triết học hiện sinh là học thuyết triết học dành những suy tư
về con người cá nhân và số phận của con người cá nhân trong điều kiện tha
hoá và nô lệ tinh thần sâu sắc của con người phương Tây hiện đại, vì vậy,
những vấn đề giá trị đạo đức, giáo dục được đặt ra gay gắt. Nghiên cứu triết
học hiện sinh, đặc biệt là những tư tưởng về triết học thực tiễn của trường
phái triết học này là việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh tiếp biến
văn hoá toàn cầu nhằm phòng tránh những mối nguy hiểm đến từ nền văn
minh duy lý phương Tây và tiếp thu những giá trị tích cực hiển nhiên của nó.
Thứ hai, trong quá trình hiện đại hoá, mở rộng hợp tác, chủ động hội
nhập quốc tế, bên cạnh những cơ hội to lớn về mở rộng thị trường, tiếp thu
nhanh khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế - xã hội, v.v., chúng
ta cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ, như gia tăng xung đột, chiến tranh,
bạo lực, khủng bố, khủng hoảng sinh thái toàn cầu, đánh mất bản sắc văn hoá
dân tộc, suy đồi đạo đức và tan vỡ các giá trị truyền thống. Một bộ phận dân
cư, nhất là lớp trẻ dễ đánh mất bản thân mình, đánh mất năng lực cá nhân mà
cao hơn là đánh mất nhân cách của mình. Bài học kinh nghiệm từ sự ra đời
của triết học hiện sinh ở phương Tây đã chỉ rõ, nếu chỉ chạy theo những giá
trị vật chất, quá tin đến mức phó mặc cuộc sống của mình cho những tiến bộ
của kỹ thuật, thì sớm muộn gì con người cũng rơi vào tình trạng tha hoá, con
người bị phụ thuộc vào chính những lực lượng mà con người sáng tạo ra.
Theo nghĩa đó, nghiên cứu triết học hiện sinh nói chung, triết học thực tiễn
của nó nói riêng, cũng chính là học tập kinh nghiệm của người đi trước, tranh
thủ nắm bắt thời cơ, đề phòng nguy cơ, để tiến hành hiện đại hóa ở Việt Nam
một cách chủ động và tích cực. Hơn nữa, việc tìm hiểu triết học thực tiễn của
chủ nghĩa hiện sinh, dựa trên cơ sở gạn lọc tinh hoa và vượt bỏ hạn chế, sẽ
góp phần xây dựng và phát triển một nền văn hóa tinh thần thực sự nhân văn
ở nước ta hiện nay.
3
Thứ ba, triết học hiện sinh là trường phái đi đầu trong suy nghĩ về con
người cá nhân và trách nhiệm của con người cá nhân trong những điều kiện
cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại. Tinh thần chung của chủ nghĩa hiện
sinh được triển khai trong những tâm hồn nhân văn, cá tính mạnh mẽ và đầy
sáng tạo, những con người của hành động với sự quan tâm thực sự đầy trách
nhiệm đến thời cuộc, dám đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm
loài người trong thời đại ngày nay. Những điều này làm cho triết học gần hơn
với cuộc sống và những vấn đề của thời đại hiện nay. Ngày nay, triết học hiện
sinh được nhìn nhận chính là những suy ngẫm về tồn tại người như một trong
những đề tài cơ bản của triết học và nhận được sự hưởng ứng xã hội rộng rãi,
vì nó ẩn chứa một nội dung nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, triết học hiện sinh chưa được quan tâm thỏa
đáng, không những thế, triết học này còn bị hiểu sai lệch. Do vậy, nghiên cứu
chủ nghĩa hiện sinh nói chung, và triết học thực tiễn của nó nói riêng, giúp
chúng ta hiểu rõ trào lưu triết học này, qua đó, góp phần xây dựng, đảm bảo
đời sống tinh thần, đặc biệt là đời sống tinh thần của tầng lớp thanh thiếu niên
luôn lành mạnh trước sự du nhập của văn hoá và lối sống phương Tây hiện đại.
Thứ tư, một nội dung nhân văn quan trọng khác trong triết học thực tiễn
của chủ nghĩa hiện sinh là tư tưởng triết học giáo dục. Có thể coi đây là giải
pháp của triết học hiện sinh nhằm làm con người thoát khỏi tình trạng tha hóa
và nô lệ tinh thần khi sống trong xã hội hiện đại. Chính vì vậy, việc nghiên
cứu tư tưởng triết học giáo dục hiện sinh nhằm mục đích tiếp thu có sàng lọc
những mặt mạnh và gạt bỏ những hạn chế của nó, để góp phần xây dựng triết
học giáo dục vừa mang tính hiện đại, vừa mang đậm sắc thái văn hóa Việt là
một việc làm vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn cấp bách.
Với ý nghĩa đó, tôi lựa chọn đề tài “Triết học thực tiễn của chủ nghĩa
hiện sinh và những giá trị, hạn chế của nó’’ làm đề tài cho luận án tiến sĩ
của mình.
4
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
* Mục đích: Luận án làm rõ những nội dung cơ bản trong triết học thực
tiễn của chủ nghĩa hiện sinh, qua đó, đánh giá những giá trị và hạn chế của
chúng.
* Nhiệm vụ: Để thực hiện mục đích trên, luận án tập trung giải quyết
những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
Thứ nhất, làm sáng tỏ bối cảnh xuất hiện tư tưởng triết học thực tiễn
của chủ nghĩa hiện sinh.
Thứ hai, phân tích tư tưởng đạo đức trong triết học thực tiễn của chủ
nghĩa hiện sinh và đánh giá những giá trị, hạn chế của nó.
Thứ ba, giới thiệu tư tưởng giáo dục trong triết học thực tiễn của chủ
nghĩa hiện sinh và đánh giá những giá trị, hạn chế của nó.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
*Đối tượng nghiên cứu: là nội dung đạo đức và giáo dục trong triết
học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh.
*Phạm vi nghiên cứu: trong khuôn khổ của luận án, tác giả tập trung
vào hai nội dung cơ bản nhất trong triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh
đó là tư tưởng đạo đức và tư tưởng giáo dục. Hai nội dung cơ bản, nổi bật này
trong triết học thực tiễn đều được các nhà hiện sinh quan tâm và khai thác,
phản ánh dưới nhiều góc độ và hình thức khác nhau. Tuy nhiên, trong luận án,
tác giả chỉ tập trung giới thiệu quan điểm của các triết gia hiện sinh tiêu biểu
viết về đề tài này một cách sâu sắc nhất như Nietzsche, M. Heidegger,
K.Jaspers, J.P.Sartre, A. Camus.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận: Luận án dựa trên học thuyết của chủ nghĩa duy vật lịch
sử về tồn tại xã hội và ý thức xã hội, những quan điểm của chủ nghĩa Mác -
Lênin trong việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng.
* Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng phương pháp luận
nghiên cứu lịch sử triết học, nguyên tắc thống nhất giữa triết học và lịch sử
5
triết học. Đồng thời, luận án cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác,
như phân tích và tổng hợp, thống nhất lịch sử và lôgíc, so sánh, khái quát hoá,
văn bản học, nhân học văn hóa, v.v.
5. Những đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, luận án nêu cách hiểu đúng đắn về khái niệm “triết học thực
tiễn” của chủ nghĩa hiện sinh và những nội dung cơ bản của nó.
Thứ hai, luận án trình bày có hệ thống và phân tích sâu sắc nội dung cơ
bản trong triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh theo một lôgic chặt chẽ: làm
rõ khủng hoảng tinh thần, nguyên nhân, thực chất và biện pháp khắc phục nó.
Thứ ba, luận án không chỉ dừng lại ở việc phân tích các phạm trù đạo
đức cơ bản trong triết học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh như cái thiện, cái
ác, tự do, trách nhiệm, lương tâm, lo âu, cái chết, v.v., mà còn chỉ ra phạm trù
nền tảng, cơ sở sinh ra cái thiện, cái ác là phạm trù tự do, trách nhiệm. Tự do
và trách nhiệm là hai hiện sinh thể quan trọng nhất, là hai phạm trù cơ bản của
đạo đức học hiện sinh, đồng thời qua đó, luận án đánh giá những mặt tích cực
và hạn chế của tư tưởng đạo đức này.
Thứ tư, giới thiệu tư tưởng giáo dục trong triết học thực tiễn của chủ
nghĩa hiện sinh và đánh giá những giá trị, hạn chế của nó.
6. Ý nghĩa của luận án
Luận án cung cấp những kiến thức đầy đủ hơn về triết học hiện sinh, và
có thể được sử dụng làm tài liệu cho công việc giảng dạy và nghiên cứu
trường phái triết học này. Đồng thời, luận án cũng đưa ra những gợi ý về định
hướng giá trị trong điều kiện hiện đại hóa đất nước.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và những
công trình đã công bố của tác giả có liên quan đến đề tài luận án, nội dung
luận án gồm 4 chương, 9 tiết.
6
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
“TRIẾT HỌC THỰC TIỄN CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA NÓ”
Là một trào lưu chủ yếu của triết học phương Tây hiện đại, có ảnh
hưởng rộng rãi và lâu dài, cho nên, ngay từ khi ra đời cho đến những năm gần
đây, triết học hiện sinh vẫn luôn được giới nghiên cứu trong và ngoài nước
quan tâm sâu sắc.
Các công trình dù được tiếp cận ở những góc độ khác nhau, được trình
bày ở hình thức khác nhau như giáo trình, sách, bài báo, luận án, luận văn,
v.v., nhưng có thể khái quát kết quả nghiên cứu của các tác giả ở một số điểm
cơ bản dưới đây.
1.1. Các công trình nghiên cứu chung về triết học hiện sinh
1.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu bàn về điều kiện ra đời của chủ
nghĩa hiện sinh
Trong cuốn “Một số học thuyết triết học phương tây hiện đại” (Nhà
xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2001) [25], tác giả Nguyễn Hào Hải khi viết
về chủ nghĩa hiện sinh đã tập trung chủ yếu để nói về nguồn gốc và cơ sở
hình thành trào lưu triết học này. Theo tác giả, chủ nghĩa hiện sinh ra đời từ 4
nguồn gốc, một là, nguồn gốc bản thể luận, hai là, cơ sở nhận thức luận, ba là,
hiện tượng luận Husserl - tiền đề hình thành triết học hiện sinh, bốn là, chiến
tranh, đặc biệt là hai cuộc đại chiến thế giới khốc liệt - là hoàn cảnh quyết
định để hình thành và phát triển mạnh mẽ chủ nghĩa hiện sinh. Khi viết về
nguồn gốc chiến tranh, nguồn gốc gây nhiều sự tranh cãi của các nhà khoa
học, tác giả cũng cho rằng, chiến tranh không phải là nguyên nhân duy nhất
mà là nguyên nhân chín muồi thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh một
cách nhanh hơn.
7
Trong cuốn “Lược khảo triết học phương Tây hiện đại” (Nxb. Chính trị
Quốc gia Hà Nội, 2003) [12], các tác giả Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng
không phân tích các điều kiện kinh tế xã hội đưa đến sự ra đời của triết học
hiện sinh, chỉ nói về tiền đề lý luận cho sự ra đời của triết học hiện sinh trên cơ
sở phân tích quan điểm của Socrate, thánh Augustin, đặc biệt B.Pascal,
F.Nietzsche và Husserl. Tuy nhiên, các tác giả chỉ dừng lại giới thiệu một cách
vắn tắt tư tưởng của các nhà triết học được coi là tiền bối của chủ nghĩa hiện
sinh này mà không có sự phân tích, đánh giá và khái quát sâu hơn. Do đó, các
tác giả cũng chưa chỉ ra được những điểm tích cực mà chủ nghĩa hiện sinh kế
thừa, phát triển, cũng như những hạn chế mà các triết gia sau này khắc phục.
Khi nói về điều kiện ra đời của chủ nghĩa hiện sinh tác giả Nguyễn
Tiến Dũng trong cuốn "Chủ nghĩa hiện sinh, lịch sử, sự hiện diện của nó ở
Việt Nam" (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2006) [14], đã phân tích điều kiện
lịch sử - xã hội cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh. Theo tác giả, chủ nghĩa
hiện sinh ra đời từ 2 điều kiện cơ bản, một là sự sùng bái khoa học - kỹ thuật
một cách thái quá đã làm cho xã hội phương Tây sa vào khủng hoảng, suy
đồi, bởi vì nó phi nhân vị hóa con người; hai là, sự phản ứng, đối lập lại chủ
nghĩa duy lý thống trị trong xã hội phương Tây hiện đại. Bàn về chiến tranh,
tác giả Nguyễn Tiến Dũng quan niệm, chiến tranh không phải là nguyên nhân
trực tiếp dẫn tới sự ra đời của Chủ nghĩa hiện sinh. “Chiến tranh chỉ là một
điều kiện” [14, tr.10].
Tác giả Nguyễn Thị Thường trong bài viết: “Sự hình thành, phát triển
và đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh” in trong cuốn “Những vấn đề
triết học phương Tây thế kỷ XX” (Kỷ yếu hội thảo Quốc tế, Nxb. Đại học
Quốc gia Hà Nội, 2007) [88] cũng cho rằng, chiến tranh chỉ là một điều kiện
cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh. Theo tác giả, chủ nghĩa hiện sinh ra đời
do hai nguyên nhân trực tiếp. Thứ nhất là do phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa chạy theo lợi nhuận tối đa đã đẩy con người vào tình trạng tha hóa cùng
cực, lấy đi của họ cái vị thế làm người đích thực. Thứ hai, là phản ứng trước
việc phương Tây tuyệt đối hóa vai trò của khoa học, sùng bái kỹ thuật, hạ
8
thấp, bỏ rơi con người hoặc chỉ quan tâm tới mặt vật chất mà xem nhẹ mặt
tâm hồn, đời sống, tình cảm của họ. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa hiện sinh ra
đời như một sự phản ứng, đối lập lại chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa hiện sinh
đặt lên vị trí hàng đầu tính đặc thù độc đáo của tồn tại người.
Đóng góp đáng kể cho phác họa một bức tranh khá toàn diện về triết
học hiện sinh là cuốn sách "Triết học phương Tây hiện đại (phần thứ nhất:
cuối thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX)” (Nxb. Đại học Tổng hợp tp. Hồ Chí
Minh, 2008) của tập thể tác giả Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Thanh, Nguyễn Anh
Tuấn [45]. Trong tác phẩm này, các tác giả đã đi vào phân tích và làm sáng tỏ
các tiền đề tư tưởng cho sự ra đời của triết học hiện sinh - đó là tư tưởng triết
học của Dostoevski như nhà tiền khởi của triết học hiện sinh, của
S.Kierkegaard như ông tổ của triết học hiện sinh và của E.Husserl như người
đặt nền móng lý luận cho chủ nghĩa hiện sinh.
Cũng bàn về điều kiện ra đời của triết học hiện sinh, tác giả Lê Kim
Châu trong luận án Phó tiến sĩ triết học “Chủ nghĩa hiện sinh và một vài ảnh
hưởng của nó ở miền Nam Việt Nam” (Viện Triết học, Hà Nội 1996) [7] đã
nghiên cứu cơ sở hình thành chủ nghĩa hiện sinh ở hai nguồn gốc chính, một
là, nguồn gốc xã hội và nhận thức của chủ nghĩa hiện sinh; hai là, nguồn gốc
tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh. Khi phân tích về nguồn gốc xã hội của chủ
nghĩa hiện sinh, hầu hết các nhà nghiên cứu trước đây đều cho rằng, chủ
nghĩa hiện sinh có nguồn gốc xã hội từ những cuộc khủng hoảng xã hội và
chiến tranh. Tuy nhiên, tác giả đã cho rằng, khủng hoảng xã hội và chiến
tranh chỉ là những nguyên nhân xã hội trực tiếp của chủ nghĩa hiện sinh.
Nguồn gốc đích thực và nguyên nhân sâu xa của nó là những mâu thuẫn
không thể điều hòa được của các xã hội bóc lột và bất công. Khi nói về nguồn
gốc tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh tác giả phân tích các quan điểm của các
nhà tư tưởng được cho là đặt nền móng cho triết học hiện sinh như Socrate,
Descartes, Pascal, đặc biệt là Kierkegaard với tư tưởng về “tư duy hiện sinh”,
Nietzsche mở đầu cho một dòng hiện sinh mới - hiện sinh vô thần, Husserl
với “phương pháp hiện tượng luận”.
9
Trong luận văn thạc sĩ triết học “Quan niệm đạo đức học trong chủ
nghĩa hiện sinh” (Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
Văn, Hà Nội 2004) [29], tác giả Nguyễn Thị Như Huế đã phân tích bối cảnh
và nguyên nhân xã hội cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh. Theo tác giả,
triết học hiện sinh ra đời do hai nguyên nhân chiến tranh và sự phản ứng đối
với chủ nghĩa duy lý. Tác giả viết: “Ra đời trong bối cảnh xã hội với những
cuộc chiến tranh tàn khốc xảy ra liên tiếp, chủ nghĩa hiện sinh còn là sự phản
ứng đối với chủ nghĩa duy lý thống trị trong xã hội phương Tây” [29, tr.8].
Tuy nhiên, tác giả mới phân tích một cách mờ nhạt, chưa khắc sâu và cắt
nghĩa sự tất yếu xuất hiện chủ nghĩa hiện sinh trong điều kiện xã hội đó với
những tư tưởng nổi bật mang tính đặc trưng của trường phái triết học này.
Như vậy, có thể khẳng định, khi nghiên cứu về điều kiện ra đời của triết
học hiện sinh, các công trình nghiên cứu trên thống nhất ở bốn nguyên nhân
cơ bản: thứ nhất, điều kiện kinh tế xã hội; thứ hai, khủng hoảng của triết học
duy lý; thứ ba, chiến tranh là nhân tố thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa hiện
sinh; thứ tư, tiền đề tư tưởng. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu đó,
các tác giả khắc họa chưa thật sâu sắc tính tất yếu khách quan cho sự ra đời
của chủ nghĩa hiện sinh cũng như những ảnh hưởng, chi phối của các nguyên
nhân trên đến nội dung cơ bản trong trường phái triết học này.
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu bàn về thực chất của triết học hiện sinh
Trong tác phẩm “Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa” (Nxb. Văn
học, Hà Nội 1978), tác giả Đỗ Đức Hiểu trên cơ sở phân tích quan điểm của
J.P. Sartre đi đến định nghĩa hiện sinh như sau: “Tôi muốn nói rằng hiện sinh,
về định nghĩa của nó, không phải là cái tất yếu. Hiện sinh có nghĩa là tồn tại
đấy, có thế thôi, tức là cái vô thường, cái ngẫu nhiên hoàn toàn” [32, tr.65].
Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng trong cuốn “Lược khảo triết học
phương Tây hiện đại” (Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2003), cho rằng:
“Con người lấy hiện sinh, mặt cơ bản của hiện hữu để làm nhân vị của mình.
Cách hiện hữu của nó là hiện sinh” [12, tr.135]. Các ông viết: “Hiện sinh là
cuộc sống nội tâm, cuộc sống của tâm linh mang tính thứ nhất, tính ưu tiên”
10
[12, tr.136]. Tuy nhiên, các tác giả chỉ dừng lại ở đó mà không có sự phân
tích sâu hơn.
Trong cuốn "Chủ nghĩa hiện sinh" của Trần Thái Đỉnh (Nxb. Văn học,
2005), ngay từ chương 1, trên cơ sở phân tích điểm khác nhau giữa triết học
cổ truyền (triết học về thiên nhiên, triết học tìm hiểu về vũ trụ), và triết học
hiện sinh (triết học về con người), tác giả khẳng định: “Triết hiện sinh là triết
học về ý nghĩa cuộc nhân sinh và nói tắt là triết học về con người” [16, tr.22].
Tác giả nhấn mạnh: “Triết học hiện sinh dạy ta suy nghĩ về thân phận làm
người”. Hay nói cách khác, chủ nghĩa hiện sinh vạch ra cho ta thấy vẻ buồn
nôn của con người tầm thường, hòng thức tỉnh con người trỗi dậy, bỏ cách
sống của sự vật để khai mạc một đời sống nhân vị, nhân vị của con người là
tự do. Tác giả cũng đưa ra cách hiểu về khái niệm hiện sinh. Theo tác giả
“hiện sinh là ý nghĩa của đời sống; người ta chỉ vươn tới hiện sinh khi nào
người ta đã ý thức được rằng mình sống để làm gì: sống để thể hiện cái định
mệnh cao quý và độc đáo của mình, không sống để mà sống: đó là hiện sinh”
[16, tr.207].
Nguyễn Tiến Dũng trong tác phẩm "Chủ nghĩa hiện sinh, lịch sử, sự
hiện diện của nó ở Việt Nam" (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2006) đã khái
quát: “Triết học hiện sinh là triết học về nhân vị mà chủ thể tri thức chính là
nhân vị con người” [14, tr.124]. Khi nói về phạm trù hiện sinh tác giả viết:
“Nhân vị của con người chính là hiện sinh của nó mang bộ mặt riêng biệt, đặc
thù xa lạ với mọi tính cách phổ quát. Hiện sinh là một tư chất, một đặc ân
dành riêng cho con người - “hữu thể - người”, bởi vì chỉ có con người mới tự
do lựa chọn cách thức, thái độ sống, tức có ý thức để trở thành hiện sinh, cho
nên hiện sinh chính là một mặt của tồn tại” [14, tr.80].
Trong bài viết: “Tư tưởng triết học cơ bản của Martin Heidegger và
ảnh hưởng của nó đến các trào lưu triết học phương Tây thế kỷ XX” in trong
cuốn “Những vấn đề triết học phương Tây thế kỷ XX” (Kỷ yếu hội thảo Quốc
tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007), tác giả Nguyễn Vũ Hảo định nghĩa
hiện sinh là phương thức sống, thái độ sống của con người với tư cách là tồn
11
tại người, là cốt lõi bên trong của tồn tại người. Theo đó, tác giả chỉ ra rằng,
với tư cách là cái cốt lõi, là mặt cơ bản của tồn tại người, hiện sinh có tính ưu
tiên, tính thứ nhất. Hiện sinh và tồn tại người có trước bản chất. Hiện sinh tự
lựa chọn và tự xác định bản chất của con người. Không có hiện sinh thì không
có bản chất, bản thể. Bản chất của con người chỉ có được từ hiện sinh. Hiện
sinh chỉ có ở con người, chứ không thể có ở các loài sinh vật hay ở bất cứ
hiện hữu nào khác.
Khác với các trình bày trên, các tác giả Đỗ Minh Hợp, Trần Thị Điểu,
Nguyễn Thị Như Huế, Phạm Thanh Tùng trong cuốn “Triết học Hiện sinh”
(Nxb. Tôn Giáo 2010), đã chỉ rõ cách tiếp cận để nghiên cứu Chủ nghĩa hiện
sinh, tiếp cận từ góc độ văn hóa học. Từ quan điểm “phải nhìn nhận chủ nghĩa
hiện sinh từ góc độ văn hóa học, tức là từ góc độ văn hóa sinh tồn của con
người phương Tây, mà sự chuyển biến của nó tất yếu sẽ dẫn tới chủ nghĩa
hiện sinh như một lối sống và một kiểu tư duy” [47, tr.34], các tác giả đi đến
định nghĩa khái niệm hiện sinh: là "khả năng tồn tại làm người". Do vậy, sự
hiện sinh không phải là bản chất, không phải là một cái gì đó có sẵn trong tự
nhiên, mang tính bẩm sinh, được định trước và bất biến” [47, tr.17]. Từ đó các
tác giả đưa ra một số đặc điểm chung của chủ nghĩa hiện sinh.
Như vậy, dù định nghĩa bằng cách này hay cách khác các tác giả đều
khẳng định rằng, triết học hiện sinh là triết học về con người, về thế giới nội
tâm bên trong của mỗi con người. Tuy nhiên, các tác giả chỉ dừng lại ở việc
đưa ra những cách hiểu cụ thể mà không chỉ rõ góc độ tiếp cận khi nghiên cứu
trường phái triết học này.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu ngoài nước
Trong phần này, luận án chủ yếu khảo sát các công trình nghiên cứu
của các học giả nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt.
Đầu tiên phải kể đến tác phẩm “Chủ nghĩa hiện sinh” của tác giả
Jacques Colette, (do Hoàng Thạch dịch, Nxb Thế Giới, 2011) [5]. Tác phẩm
đã giới thiệu một cách ngắn gọn về lý thuyết và thực hành suy tư thông qua
các tác giả tiêu biểu như Kierkegaard, Marcel, Jaspers, Husserl, Heidegger,
12
Sartre, Merleau - Ponty. Đồng thời, tác phẩm cũng bàn đến các vấn đề như
hiện sinh, tự do, siêu việt, thời gian, thế giới, giao tiếp và tương lai của chủ
nghĩa hiện sinh. Theo tác giả, khái niệm chủ nghĩa hiện sinh được các tác giả
thuộc trường phái triết học hiện sinh hiểu đó là triết học về sinh tồn. Và
Schelling mới là người mở đường của tư tưởng hiện sinh, được thể hiện ở tác
phẩm chủ chốt năm 1809 bàn về bản chất của tự do, mà căn bản hơn chính là
bản chất của sự sinh tồn. Schelling hiểu sinh tồn như là quyền lực, như là mối
quan hệ với bản thân, bao hàm giả định về bản thân đưa ra bởi chính bản thân
mình. Khái niệm hiện sinh theo tác giả đó là trạng thái thấu hiểu về mình và
về sự tồn tại của mỗi người. Bởi vì, tác giả luôn đề cao những khả năng con
người có được để tồn tại theo cách này hoặc cách kia, để lựa chọn trở thành
như thế này hoặc như thế khác, để được hoặc để mất. Căn cứ vào những khả
năng tồn tại riêng của mình, con người biết rõ mình xuất phát từ cuộc sống
của mình. Trạng thái thấu hiểu đó, tác giả gọi là hiện sinh. Hiện sinh chỉ là
chính mình, không có khả năng chấp nhận sự thật cuối cùng qua người khác
và với người khác.
Trong "Giáo trình hướng tới thế kỷ XXI - Triết học phương Tây hiện
đại" của tác giả Lưu Phóng Đồng (do Lê Khánh Trường dịch từ "Triết học
phương Tây hiện đại tân biên", Nxb. Lý luận chính trị, 2004) [23] đã trình bày
khái luận về chủ nghĩa hiện sinh và phân tích tư tưởng của các nhà triết học
hiện sinh: M. Heidegger, K.Jaspers, J.P.Sartre. Khi nói về nguồn gốc ra đời
của chủ nghĩa hiện sinh, tác giả chỉ giới thiệu một cách vắn tắt các quan điểm
của các nhà triết học tiền bối có ảnh hưởng lớn nhất tới sự ra đời của trường
phái triết học này như: Descartes, Augustinus, Pascal, S. Kierkeggard,
W.Nietzscher, Heidegger, Jasper, Husserl. Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh
rằng, triết học hiện sinh ra đời gắn liền với các mâu thuẫn xã hội và cuộc
khủng hoảng của chế độ tư bản chủ nghĩa và hiện tượng tha hóa nghiêm trọng
bắt đầu từ thế kỷ XX. Triết học hiện sinh miêu tả và vạch ra sự đánh mất cá
tính con người, sự tước đoạt tự do của con người, sự chi phối của các lực
lượng phi nhân trong xã hội hiện đại đầy rẫy mâu thuẫn và khủng hoảng; luận
13
chứng làm thế nào cho con người được tự do thực sự, thoát khỏi tình trạng tha
hóa, khôi phục cá tính và sự tôn nghiêm nơi con người.
Như vậy, trong các công trình nghiên cứu của mình, các tác giả đã đánh
giá chủ nghĩa hiện sinh ở những khía cạnh khác nhau, nhưng đều thống nhất
cho rằng, chủ nghĩa hiện sinh là một trong những trào lưu triết học lớn, nổi
bật nhất của thế kỷ XX, nó đã ghi dấu đậm trong lịch sử triết học. Chủ nghĩa
hiện sinh vẫn có những đóng góp và vị trí quan trọng trong nền triết học nói
chung, sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ tới, đặc biệt triết học hiện
sinh có một ý nghĩa rất quan trọng đối với việc cảnh báo những mối nguy
hiểm rình rập con người khi sống trong thế giới văn minh, hiện đại.
1.2. Các công trình nghiên cứu bàn về nội dung cơ bản trong triết
học thực tiễn của chủ nghĩa hiện sinh
1.2.1. Các công trình nghiên cứu bàn về tư tưởng đạo đức
1.2.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước
Cho đến nay vẫn chưa có một tác giả nào đề cập đến một cách có hệ
thống. Hầu hết các tác giả khi bàn về vấn đề đạo đức chỉ quan tâm, nghiên
cứu một lĩnh vực cụ thể, nhất định, như đạo đức học của một tác gia nào đó,
hay những phạm trù đạo đức cụ thể trong chủ nghĩa hiện sinh.
Tác giả Nguyễn Đức Nam trong bài viết “quan điểm của chủ nghĩa
hiện sinh” in trong cuốn “Các chủ nghĩa: Cấu trúc, Hiện sinh, Phân tâm” do
Bộ Văn hóa, trường Chính trị xuất bản năm 1973 đã khẳng định về vị trí của
phạm trù tự do: “khái niệm “bản chất”, “tồn tại”, “tự do” là những khái niệm
rất cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh” [87, tr.4]. Tác giả nhấn mạnh: “Khái niệm
“tự do lựa chọn” là khái niệm rất lớn của chủ nghĩa hiện sinh” [87, tr.6]. Trên
cơ sở đó, tác giả đi phân tích quan điểm của Sartre về tự do với những người
làm văn học nghệ thuật.
Tác phẩm Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa, (Nxb. Văn học Hà
Nội, 1978) Đỗ Đức Hiểu đã phân tích triết học hiện sinh trên tinh thần chính
là phê phán. Tuy nhiên, tác giả bàn nhiều đến các khái niệm cơ bản của đạo
đức học hiện sinh như: “buồn nôn, cái phi lý, hư vô, tự do, lo âu, cái người ta,
14
cái chết, thân phận con người, v.v.”. Trong đó, tự do là phạm trù cơ bản, “là
nguồn gốc của mọi giá trị” [32, tr.95]. Ông cho rằng, “hiện sinh, chính là tự
do” [32, tr.69].
Mặc dù không đi sâu phân tích tư tưởng đạo đức nói chung hay các
phạm trù đạo đức cơ bản trong quan niệm của các nhà triết học hiện sinh, tuy
nhiên, tác giả Nguyễn Hào Hải trong tác phẩm “Một số học thuyết triết học
phương Tây hiện đại” (Nxb. Văn hóa Thông tin, 2001) cũng phân tích phạm
trù cơ bản nhất trong quan niệm của các nhà đạo đức hiện sinh là phạm trù tự
do. Ông cho rằng, chỉ cần con người sống là con người có tự do, tự do là một
điều con người không thể thoát khỏi. “Tự do, đó là cái được phán quyết cho
con người” [26, tr.142]. Trên cơ sở đó, tác giả phân tích các điều kiện phát
triển tự do của con người. Tuy nhiên, phạm trù tự do chỉ được tác giả bàn đến
sơ bộ khi nói về tồn tại người, không chỉ ra những giá trị và hạn chế của tư
tưởng này trong quan niệm của các nhà đạo đức hiện sinh.
Khác với Nguyễn Hào Hải, trong tác phẩm “Những chủ đề cơ bản của
triết học phương Tây”, (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003), tác giả
Phạm Minh Lăng đã tìm hiểu các phạm trù của đạo đức học hiện sinh khi
nghiên cứu dòng chảy chung của triết học phương Tây hiện đại. Ông quan
tâm nhiều nhất đến phạm trù tự do. Theo ông, trở thành tự do là thực hiện lời
mời gọi của chính mình. Tự do là cái Tôi của mỗi người được thể hiện và lựa
chọn. Tự do gắn với hư vô. Ông đã diễn tả quan niệm của Sartre: “hư vô
không phải là cái gì khác là giá trị tỏa ra từ một dự định tự do và xuất hiện
như là một ý tưởng làm cho thế giới không hiện diện bởi sự từ chối của chính
ta” [52, tr.390].
Tác giả Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng cũng trình bày về phạm trù
đạo đức trong chủ nghĩa hiện sinh trong cuốn “Lược khảo triết học phương
Tây” do nhà xuất bản chính trị Quốc gia xuất bản năm 2003. Mặc dù không
phân tích sâu những nội dung chủ yếu trong các phạm trù đạo đức này, chưa
chỉ ra những giá trị và hạn chế cụ thể của nó, nhưng các tác giả đã đưa đến
cho người đọc những suy nghĩ mới về các phạm trù đạo đức như buồn nôn,
15
tha hóa, cô đơn, cái chết, lo âu, xao xuyến, tự do. Các tác giả cũng cho rằng,
phạm trù tự do là nền tảng để xem xét các phạm trù đạo đức khác như cái
chết, lo âu. “Cái chết cũng là một nguồn gốc lo âu. Lo âu có nguồn gốc ở tự
do. Lo âu là tâm tính đầy đam mê mở ra sự sáng tạo” [12, tr.139]. Cùng với
phạm trù lo âu, các tác giả cũng nhắc đến phạm trù trách nhiệm nhưng chỉ
dừng lại ở việc chỉ ra mà không đi vào phân tích cụ thể. Trách nhiệm “cũng là
một tâm tính mang màu sắc đặc biệt hiện sinh. Người hiện sinh không phải
chịu trách nhiệm về sự phán quyết của thượng đế hay của lý tưởng nào cả mà
của hành vi của mình” [12, tr.140]. Từ đó, các tác giả cho rằng, “trách nhiệm
là tất cả những gì mà ta “đảm nhận” chúng” [12, tr.140].
Năm 2005, nhà xuất bản văn học thành phố Hồ Chí Minh đã tái bản
cuốn “Chủ nghĩa hiện sinh” của tác giả Trần Thái Đỉnh. Trong tác phẩm này,
tác giả cũng bàn đến những phạm trù của tư tưởng đạo đức trong triết học
hiện sinh như buồn nôn, phóng thể, tỉnh ngộ, ưu tư, vươn lên, tự quyết, độc
đáo, cô đơn. Tuy nhiên, trong các phạm trù đó, tác giả đặc biệt nhấn mạnh
đến hai phạm trù tự do và trách nhiệm, và giới thiệu một cách khái quát nhất
các phạm trù này thông qua tư tưởng của một số nhà triết học hiện sinh như
Marcel, Sartre, Jaspers. “Tự do và định mệnh” là “hai đặc điểm làm con
người khác sự vật, và làm cho một người đã vươn tới hiện sinh khác một
người sống trong tình trạng sự vật” [16, tr.281]. Ông cho rằng, “nhân cách
mới thực là cái do ta làm ra nhờ cái vốn mà trời phú bẩm cho mỗi người, cho
nên tự do (do chính ta làm ra) mới thực là thước đo giá trị nhân bản của con
người” [16, tr.281]. Con người có tự do lựa chọn nhưng lựa chọn của con
người là không có lý do: “Sự lựa chọn của ta không bao giờ có lý do. Sự lựa
chọn đó bao giờ cũng đi trước lý do. Không phải vì lý mà ta chọn, nhưng vì ta
chọn cho nên có lý” [16, tr.325].
Bàn về tư tưởng đạo đức trong triết học hiện sinh nhưng Nguyễn Tiến
Dũng trong tác phẩm “Chủ nghĩa hiện sinh, lịch sử, sự hiện diện của nó ở
Việt Nam" (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2006) cũng không bàn đến đạo
đức học hiện sinh như một đối tượng nghiên cứu. Sau khi phân tích vấn đề
16
trung tâm của triết học hiện sinh, tác giả bàn về các phạm trù xoay quanh vấn
đề trung tâm đó như hữu thể, hư vô, hiện hữu, buồn nôn, tự do, cái chết, lo âu,
tuyệt vọng, nhập cuộc, trách nhiệm. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, hai phạm
trù “tự do” và “trách nhiệm” được tác giả trình bày một cách cụ thể hơn. “Tự
do hiện sinh là tự do con người do tôi đảm nhận, do tôi quyết định. Hành
động tự do là hành động xuất phát từ hữu thể con người tôi” [14, tr.85]. Tự do
là thuộc tính của nhân vị, chắp cánh cho nhân vị, bộ mặt đặc hữu không lắp
lại của con người. Con người bị kết án bởi tự do. Do vậy, “tự do của con
người là tuyệt đối” [14, tr.93]. Với chủ nghĩa hiện sinh “vấn đề trách nhiệm
chính là vấn đề lựa chọn bản chất của cá nhân” [14, tr.117]. Tác giả viết: “tôi
phải có trách nhiệm về tất thẩy, không chỉ với hành động cá nhân của tôi mà
còn trách nhiệm về tất cả, cả về chiến tranh như chính tôi là người tuyên
chiến. Nghĩa là hiện sinh phải có trách nhiệm với cả những biến cố ở bên
ngoài” [14, tr.116].
Tác giả Đỗ Minh Hợp trong bài "Tư tưởng đạo đức của Gi.P.Xáctơrơ"
(Tạp chí Triết học số 11/2005) cũng đã chỉ ra nguyên lý đầu tiên của chủ
nghĩa hiện sinh là: hiện sinh là hư vô, là lựa chọn trong tình huống cụ thể.
Khái niệm về tự do là đặc trưng bản thể cơ bản, tự do là tính thứ nhất của hiện
sinh, là điểm xuất phát khi nghiên cứu đạo đức học của Sartre. Tự do là
nguyên tắc chủ đạo của tồn tại người, là cái phân biệt con người với mọi cái
tự nhiên. Khi bàn về tự do, tác giả cho rằng có thể đưa ra định nghĩa duy nhất
về tự do là sự tự chủ lựa chọn. Lần đầu tiên tác giả cũng phân biệt sự khác
nhau giữa khái niệm tự do theo nghĩa triết học và tự do theo nghĩa luật học.
Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định rằng, tự do không thể tách rời được với
trách nhiệm. Với các nhà hiện sinh thì, tự do và trách nhiệm là hai hiện sinh
thể quan trọng nhất. Xuất phát từ tự do người ta có thể hiểu được các phạm
trù khác như thiện, ác, lo âu, v.v. Tác giả cũng cho rằng, người có trách nhiệm
là người luôn lo âu trước mỗi lựa chọn của mình. Lo âu được hiểu là trạng
thái tự nhiên của con người đã gánh vác trách nhiệm. Trên cơ sở đó, tác giả
khái quát thành các đặc điểm cơ bản trong quan niệm của Sartre về đạo đức.
17
Phân tích phạm trù tự do và trách nhiệm như hai phạm trù trung tâm,
nổi bật trong triết học hiện sinh của J.P.Sartre, tác giả Đặng Hữu Toàn trong
bài viết: “Về chủ nghĩa hiện sinh vô thần của Gi.P.Xáctơrơ” in trong cuốn
“Những vấn đề triết học phương Tây thế kỷ XX” (Kỷ yếu hội thảo Quốc tế,
Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007), cho rằng, J.P.Sartre lấy sự tự do của
con người làm chủ đề trung tâm của ông, nhìn nhận tự do con người như nét
đặc trưng phân biệt con người với mọi thực thể khác trong vũ trụ. Tự do là
bản chất của hành vi con người, là cội nguồn của hoạt động của con người, là
khả năng tồn tại duy nhất của con người. Bằng sự lựa chọn tự do của mình,
con người làm ra chính mình. Tác giả cho rằng, lựa chọn hiện sinh là một đặc
trưng vinh quang của con người, bởi nó cho phép con người phân biệt mình
với mọi thực thể khác trong vũ trụ. Tự do mang lại phẩm giá cho con người.
Điều đáng chú ý là, tác giả Đặng Hữu Toàn cũng gắn phạm trù trách nhiệm
trong mối quan hệ với phạm trù tự do.
Trong kỷ yếu hội thảo quốc tế "Những vấn đề triết học phương Tây
hiện đại thế kỷ XX”, (Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2007), tác giả Đỗ Minh
Hợp cũng đã có bài viết về "Tư tưởng đạo đức học của F.Nietzsche". Ở đó,
tác giả đã khẳng định quan điểm của Nietzsche khi cho rằng, hạt nhân sống
động đích thực của mỗi một triết học tạo thành các mục đích đạo đức hay phi
đạo đức của nó. Tác giả chỉ ra sự suy đồi về đạo đức trong triết học, 3 cơ sở
dẫn tới sự suy đồi đạo đức đó và lối thoát duy nhất cho đạo đức khỏi bế tắc là
quay trở lại quá khứ với cảm xúc và cảm giác sinh lý. Nietzsche đã hướng
nhãn quan của mình vào những con người hiện thực, và chỉ ra “trách nhiệm”
là nội dung đích thực của lịch sử đạo đức kéo dài. Trên cơ sở luận chứng về
đạo đức học giá trị của Nietzsche và những giá trị, hạn chế của nó, tác giả Đỗ
Minh Hợp đã rút ra 7 tư tưởng đạo đức cơ bản của Nietzsche.
Cũng trong kỷ yếu hội thảo này, tác giả Bùi Thị Tỉnh có bài viết “Quan
niệm về tự do trong triết học hiện sinh của Simone de Beauvoir”. Tác giả bài
viết tập trung bàn về quan niệm tự do của Simone de Beauvoir trong tác phẩm
“Vì một nền luân lý của sự hàm hồ”. Ở đó Simone de Beauvoir ra sức xây
18
dựng một luân lý hiện sinh mà nền tảng của nó là tự do. Tự do là chủ đề trung
tâm của triết học Simone de Beauvoir, là khái niệm nổi bật nhất trong chủ
nghĩa hiện sinh Pháp, trước hết là ở Sartre. Giống như tác giả Đặng Hữu
Toàn, Đỗ Minh Hợp, tác giả Bùi Thị Tỉnh cũng cho rằng, tự do và trách nhiệm
là hai hiện sinh thể quan trọng nhất của triết học hiện sinh, tự do hiện sinh chỉ
thực sự có ý nghĩa khi gắn với trách nhiệm hiện sinh, chủ nghĩa hiện sinh
đồng nghĩa với tự do căn bản và trách nhiệm căn bản. Con người chỉ đạt đến
tự do khi nhận thấy trách nhiệm của mình. Trên cơ sở phân tích về tự do và
trách nhiệm, tác giả cũng chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong quan điểm
này của Simone de Beauvoir.
Sẽ là khiếm khuyết nếu không nhắc đến bài báo: “Tự do và trách nhiệm
trong đạo đức học hiện sinh” của tác giả Đỗ Minh Hợp đăng trên tạp chí Triết
học số 12 năm 2007. Giống như phần lớn tác giả khác, khi nghiên cứu về các
phạm trù đạo đức cơ bản trong triết học hiện sinh, tác giả Đỗ Minh Hợp cho
rằng, tự do và trách nhiệm (đối với tự do) là hai hiện sinh thể quan trọng nhất.
Điều đáng chú ý là, tác giả chỉ ra tự do là cơ sở nghiên cứu các phạm trù đạo
đức trong triết học hiện sinh. Tất cả những gì có nội dung đạo đức đều được
đặt dưới ánh sáng phê phán của tự do. Không những thế, tác giả cũng khẳng
định vai trò, vị trí của trách nhiệm trong mối liên hệ với tự do. Nếu tự do
được coi là nguyên tắc cơ bản của tồn tại người, là cái phân biệt con người
với mọi cái tự nhiên, thì trách nhiệm là thái độ của con người đối với tự do.
Trách nhiệm không phải là sự sao chép lại tự do, mà là luận điểm cơ bản thứ
hai của triết học hiện sinh. Không chỉ bàn đến các phạm trù như tự do, trách
nhiệm, thiện, ác, tác giả bài viết còn đề cập đến các phạm trù đạo đức khác
như lo âu, sợ hãi, thất vọng, v.v. qua việc làm rõ quan niệm của các nhà triết
học hiện sinh tiêu biểu như E.Husserl, M.Heidegger, K.Jaspers, J.P.Sartre và
A.Camus. Từ đó, tác giả đưa ra những ý kiến đánh giá về đóng góp của triết
học hiện sinh trong lĩnh vực đạo đức học.
Tác giả Hoàng Văn Thắng trong bài viết: “Tìm hiểu quan niệm của
Jean Paul Sartre về hiện sinh” in trong cuốn “Những vấn đề triết học phương