Chương 1
TỔNG QUAN VỀ TÀI CHÍNH
A. MỤC ĐÍCH CỦA CHƯƠNG
- Học sinh nắm được các nội dung cơ bản sau:
- Tiền đề ra đời, tồn tại và phát triển của Tài chính ( Nền sản xuất hàng hoá - tiền tệ và
Nhà nước ).
- Biểu hiện bên ngoài và bản chất bên trong của Tài chính.
- Chức năng của Tài chính ( Chức năng phân phối và chức năng giám đốc).
- Hệ thống tài chính nước ta hiện nay ( bao gồm các khâu: Tài chính Nhà nước, Tài chính
Doanh nghiệp, Bảo hiểm, Tín dụng, Tài chính các tổ chức xã hội và Tài chính hộ gia đình).
- Khái niệm và nội dung của chính sách tài chính quốc gia.
B. NỘI DUNG BÀI GIẢNG (5 tiết)
I. Tiền đề ra đời, tồn tại và phát triển của Tài chính
- Cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ, phân công lao động xã hội đã bắt đầu phát triển, đặc
biệt là sự phân công giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp. Trong điều kiện sản xuất và trao đổi
hàng hoa đó, tiền tê đã xuất hiện.
- Cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ, khi chế độ tư hữu xuất hiện, xã hội bắt đầu phân chia
thành các giai cấp và có sự đấu tranh giữa các giai cấp trong xã hội. Chính sự xuất hiện sản xuất
và trao đổi hàng hoá và tiền tệ là một trong các nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy mạnh mẽ sự phân
chia giai cấp và đối kháng giai cấp. Trong điều kiện lịch sử đó, Nhà nước đã xuất hiện. Bằng
quyền lực chính trị của mình, nhà nước là người có quyền quyết định việc in tiền, đúc tiền và lưu
thông đồng tiền, tác động đến sự vận động độc lập của đồng tiền và tạo ra môi trường pháp lý cho
việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.
- Trong điều kiện kinh tế hàng hoá - tiền tệ, hình thức tiền tệ đã được các chủ thể trong xã
hội sử dụng vào việc tham gia phân phối sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân để tạo lập nên
các quỹ tiền tệ phục vụ cho các mục đích riêng có của mỗi chủ thể, cụ thể:
+ Thông qua các loại thuế , nhà nước đã tập trung vào tay mình một bộ phận sản phẩm xã
hội và thu nhập quốc dân dưới hình thức tiền tệ để lập ra quỹ Ngân sách nhà nước và các quỹ Tài
chính nhà nước khác phục vụ cho hoạt động của nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ phát triển
kinh tê - xã hội.
+ Ở các chủ thể khác như ở các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các hộ gia đình: các
quỹ tiền tệ được hình thành và sử dụng cho những mục đích trực tiếp ( sản xuất hoặc tiêu dùng ) ;
bên cạnh đó các quỹ tiền tệ cũng có thể được hình thành như những tụ điểm trung gian để tự cung
ứng phương tiện tiền tệ cho những mục đích trực tiếp.
Tóm lại: Những phân tích trên cho thấy: sản xuất hàng hoá - tiền tê và nhà nước là
những tiền đề khách quan quyết định sự ra đời và tồn tại của nhà nước.
II. Bản chất của Tài chính
1. Biểu hiện bên ngoài của Tài chính
Biểu hiện bên ngoài của tài chính thể hiện ra dưới dạng các hiện tượng thu vào bằng tiền
và các hiện tượng chi ra bằng tiền ở các chủ thể kinh tế - xã hội, chẳng hạn:
+ Doanh nghiệp, dân cư nộp thuế bằng tiền cho nhà nước.
+ Ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vốn.
+ Các cơ quan bảo hiểm trả tiền ( bồi thường thiệt hại) cho dân cư khi họ bị mất sức lao
động tạm thời hay vĩnh viễn ( từ quỹ Bảo hiểm xã hội) hay khi họ bị tai nạn rủi ro ( từ quỹ Bảo
hiểm kinh doanh).
+ Nhà nước cấp phát tiền từ Ngân sách nhà nước tài trợ cho việc xây dựng đường giao
thông, trường học, bệnh viện công
* Nhận xét
- Từ các hiện tượng tài chính trên, có thể thấy hình thức biểu hiện bên ngoài của tài chính
là sự vận động của vốn tiền tệ. Ở đây, tiền tệ đại diện cho một lượng giá trị, một thế năng về sức
mua nhất định và được gọi là nguồn tài chính.
- Nguồn tài chính là khả năng tài chính mà các chủ thể trong xã hội có thể khai thác, sử
dụng nhằm thực hiện các mục đích của mình. Sự vận động của các nguồn tài chính phản ánh sự
vận động của những bộ phận của cải xã hội dưới hình thức giá trị.
- Kết quả của quá trình phân phối các nguồn tài chính là sự hình thành và sử dụng các quỹ
tiền tệ nhất định. Các quỹ tiền tệ là một lượng nhất định các nguồn tài chính được dùng cho một
mục đích nhất định. Các quỹ tiền tệ có 3 đặc điểm sau:
+ Đặc điểm 1: Các quỹ tiền tệ luôn luôn biểu hiện các quan hệ sở hữu.
Kết thúc một giai đoạn vận động nào đó của quỹ thì mỗi chủ thể của hình thức sở hữu này
hay hình thức sở hữu khác sẽ nhận được cho mình một phần nguồn lực tài chính như là kết quả
tất yếu của quá trình phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị.
Việc sử dụng các quỹ tiền tệ cũng phụ thuộc quyền sở hữu, cũng như tuỳ thuộc vào quy
ước, nguyên tắc sử dụng quỹ, ý chí chủ quan của người sở hữu trong quá trình phân phối.
+ Đặc điểm 2: Các quỹ tiền tệ bao giờ cũng thể hiện tính mục đích của nguồn tài chính.
Phần lớn các quỹ tiền tệ đều có mục đích cuối cùng: tích luỹ hoặc tiêu dùng. Chẳng hạn:
- Ngân sách nhà nước - quỹ tiền tệ đặc biệt của nhà nước - phục vụ việc thực hiện
chức năng của nhà nước.
- Vốn của doanh nghiệp: phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp.
- Ngân sách gia đình: phục vụ mục đích tiêu dùng của gia đình
Ngoài ra, còn có cả những quỹ tiền tệ trung gian (như các quỹ kinh doanh của các tổ chức
tín dụng, công ty tài chính ) được hình thành và sử dụng có thời hạn cho việc hình thành các quỹ
tiền tệ có mục đích sử dụng cuối cùng khác.
+ Đặc điểm 3: Tất cả các quỹ tiền tệ đều vận động thường xuyên, tức là chúng luôn luôn
được tạo lập và sử dụng.
Quá trình vận động của các nguồn tài chính thông qua hoạt động phân phối của tài chính
kéo theo sự chuyển dịch giá trị từ quỹ tiền tệ này sang quỹ tiền tệ khác, do đó luôn luôn có quỹ
tiền tệ được tạo lập và có quỹ tiền tệ được sử dụng.
Những phân tích kể trên cho thấy quan niệm tài chính được xác định trước hết là những
hiện tượng, những biểu hiện bên ngoài của nó: các hiện tượng thu, chi bằng tiền, là sự vận động
của các nguồn tài chính, sự tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ ở các chủ thể trong xã hội.
2. Nội dung bên trong của Tài chính
Nguồn tài chính trong xã hội luôn vận động một cách liên tục và trong mối quan hệ chằng
chịt, đa dạng giữa các chủ thể trong xã hội dẫn tới việc làm thay đổi lợi ích kinh tế của các chủ
thể đó, ví dụ:
- Các tổ chức, doanh nghiệp khi nhận được sự tài trợ nguồn tài chính từ ngân sách nhà
nước sẽ có điều kiện để duy trì và đây mạnh hoạt động của mình.
- Khi tập trung thêm được các nguồn tài chính từ các chủ thể khác trong xã hội vào
ngân sách nhà nước, nhà nước có thêm điều kiện vật chất thực hiện các chức năng của
mình.
Như vậy, các hiện tượng - biểu hiện bên ngoài của tài chính là sự thể hiện và phản ánh các
quan hệ kinh tế giữa các chủ thể trong quá trình phân phối các nguồn tài chính, quá trình phân
phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị. Các quan hệ kinh tế như thế được gọi là các quan hệ
tài chính. Các quan hệ tài chính biểu hiện mặt bản chất bên trong của tài chính ẩn dấu sau các
biểu hiện bên ngoài của tài chính.
Như vậy có thể hiểu:
Tài chính thể hiện ra là sự vận động của vốn tiền tệ diễn ra ở mọi chủ thể trong xã hội.
Nó phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong phân phối các nguồn tài chính
thông qua việc tạo lập hay sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các
chủ thể trong xã hội.
* Chú ý: Giữa tài chính và các phạm trù giá trị khác như tiền tệ, giá cả, tiền lương có
quan hệ với nhau rất gần gũi và giữa chúng có sự khác nhau về bản chất.
- Tiền tệ về bản chất là một hàng hoá đặc biệt đóng vai trò là vật ngang giá chung trong
quan hệ mua bán, trao đổi của nền sản xuất hàng hoá với chức năng thước đo giá trị, trung gian
trao đổi, chức năng dự trữ giá trị và chức năng thanh toán. Còn tài chính là sự vận động của tiền
tệ chỉ với hai chức năng thanh toán và phương tiện dự trữ giá trị và luôn gắn liền với việc tạo lập
và sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định để thoả mãn các mục đích khác nhau.
- Giá cả là một phạm trù phân phối dưới hình thức giá trị nhưng khác rất rõ với phạm trù
tài chính. Đặc trưng cơ bản của phân phối tài chính là luôn kéo theo sự chuyển dịch giá trị gắn
với việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể kinh tế - xã hội khác nhau. Còn ở
phạm trù giá cả, việc chuyển dịch giá trị không xảy ra vì giá cả xuất hiện trong quan hệ trao đổi,
mua bán theo nguyên tắc ngang giá (thậm chí trong trường hợp trao đổi không ngang giá, quá
trình phân phối dưới hình thức giá trị của phạm trù giá cả được thực hiện kèm theo quá trình trao
đổi mua bán với sự vận động ngược chiều của các hình thái giá trị khác nhau, không giống như
phân phối của tài chính thực hiện thông qua sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ và không
kèm theo sự vận động ngược chiều nào của giá trị).
- Tiền lương là một phạm trù phân phối dưới hình thức giá trị. Tiền lương được trả cho
người lao động với biểu hiện là một số tiền nhất định và cũng là một bộ phận của nguồn tài chính
hình thành nên ngân sách gia đình, tài chính dân cư. Tài chính là phương tiện để thực hiện
nguyên tắc phân phối theo lao động của tiền lương trong lĩnh vực bù đắp sức lao động.
III. Chức năng của Tài chính
1. Chức năng phân phối
- Khái niệm: Chức năng phân phối của tài chính là chức năng mà nhờ vào đó, các nguồn
tài lực đại diện cho những bộ phận của cải xã hội được đưa vào các quỹ tiền tệ khác nhau để sử
dụng cho những mục đích khác nhau và những lợi ích khác nhau của đời sống xã hôi.
- Đối tượng phân phối: là của cải xã hội dưới hình thức giá trị, là tổng thể các nguồn tài
chính có trong xã hội.
Bao gồm:
- Bộ phận của cải xã hội mới được sáng tạo ra trong kỳ. Đó là tổng sản phẩm trong
nước ( GDP).
- Bộ phận của cải xã hội còn lại từ thời kỳ trước. Đó là phần tích luỹ quá khứ của xã
hội.
- Bộ phận của cải được chuyển từ nước ngoài vào và bộ phận của cải từ trong nước
chuyển ra nước ngoài.
- Bộ phận tài sản, tài nguyên quốc gia có thể cho thuê, nhượng bán có thời hạn.
-Chủ thể phân phối: có thể là Nhà nước ( các tổ chức, cơ quan Nhà Nước), các doanh
nghiệp, các tổ chức xã hội, các hộ gia đình hay cá nhân dân cư.
- Kết quả phân phối: sự hình thành ( tạo lập) hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ ở các chủ thể
trong xã hội nhằm những mục đích đã định.
- Đặc điểm phân phối:
+ Một là, phân phối của tài chính là sự phân phối chỉ diễn ra dưới hình thức giá trị, không
kèm theo sự thay đổi hình thái giá trị.
Thông qua chức năng phân phối của tài chính, các quỹ tiền tệ nhất định được hình thành
và sử dụng, nhưng chính trong việc hình thành và sử dụng các quỹ, đặc điểm của tài chính - phân
phối dưới hình thức giá trị - vẫn không thay đổi.
+ Hai là, phân phối của tài chính là sự phân phối luôn luôn gắn liền với sự hình thành và
sử dụng các quỹ tiền tê nhất định.
Phân phối của tài chính luôn làm chuyển dịch giá trị, biểu hiện bằng sự vận động của các
nguồn tài chính từ quỹ tiền tệ này sang quỹ tiền tệ khác. Điều này liên quan đến việc hình thành
và sử dụng các quỹ tiền tệ khác nhau.
+ Ba là, phân phối của tài chính là quá trình phân phối diễn ra một cách thường xuyên,
liên tục bao gồm cả phân phối lần đầu và phân phối lại, trong đó phân phối lại có phạm vi rộng
lớn và mang tính chất chủ yếu.
Phân phối lần đầu : là sự phân phối được tiến hành trong lĩnh vực sản xuất cho những
chủ thể tham gia vào quá trình sáng tạo ra của cải vật chất hoặc thực hiện các dịch vụ trong các
đơn vị sản xuất và dịch vụ.
Qua phân phối lần đầu, giá trị sản phẩm xã hội mới chỉ được chia thành những phần thu
nhập cơ bản.
Phân phối lại: là tiếp tục phân phối những phần thu nhập cơ bản, những quỹ tiền tệ
được hình thành trong phân phối lần đầu ra phạm vi toàn xã hội hoặc theo những mục đích cụ thể
hơn của các quỹ tiền tệ.
2. Chức năng giám đốc
- Khái niệm: Chức năng giám đốc của tài chính là chức năng mà nhờ vào đó việc kiểm
tra bằng đồng tiền được thực hiện đối với quá trình vận động của các nguồn tài chính để tạo lập
các quỹ tiền tệ hay sử dụng chúng theo các mục đích đã định.
- Đối tượng của giám đốc tài chính: là quá trình vận động của các nguồn tài chính, quá
trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.
- Chủ thể của giám đốc tài chính: cũng chính là các chủ thể phân phối. Bởi vì, để cho các
quá trình phân phối đạt tới tối đa tính mục đích, tính hợp lý, tính hiệu quả; bản thân các chủ thể
phân phối phải tiến hành kiểm tra xem xét các quá trình phân phối đó.
- Kết quả của giám đốc tài chính: phát hiện ra những mặt được và chưa được của quá
trình phân phối, từ đó giúp tìm ra các biện pháp hiệu chỉnh các quá trình vận động của các nguồn
tài chính, quá trình phân phối của cải xã hội theo các mục tiêu đã định nhằm đạt hiệu quả cao của
việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.
- Đặc điểm của giám đốc tài chính:
+ Giám đốc tài chính là giám đốc bằng đồng tiền, nhưng nó không đồng nhất với mọi loại
giám đốc bằng đồng tiền khác trong xã hội. Giám đốc tài chính được thực hiện đối với quá trình
tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ, Trong khi đó, giá cả là một phạm trù giá trị có khả năng giám
đốc bằng đồng tiền nhưng khác biệt với phạm trù tài chính. Trong quan hệ trao đổi, mua bán; khả
năng giám đốc của giá cả trước hết nhờ vào chức năng thước đo giá trị của tiền tệ để đo lường giá
trị của hàng hoá nhằm đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
+ Giám đốc tài chính là loại giám đốc rất toàn diện, thường xuyên, liên tục và rộng rãi.
=> Chức năng phân phối và chức năng giám đốc của tài chính có mối quan hệ chặt chẽ,
hữu cơ gắn bó với nhau, làm tiền đề và bổ sung cho nhau. Chức năng phân phối là tiền đề cho
chức năng giám đốc vì phân phối tạo ra nhu cầu và khả năng kiểm tra, giám sát bằng đồng tiền
đối với toàn bộ quá trình phân phối. Ngược lại, chức năng giám đốc được thực hiện đảm bảo cho
việc thực hiện chức năng phân phối phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan, nâng cao tính
hiệu quả của phân phối.
IV. Hệ thống tài chính nước ta trong giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế
thị trường theo định hướng XHCN
1.Quan niệm hệ thống tài chính và khâu tài chính
Hoạt động của con người về sử dụng phạm trù tài chính tồn tại khách quan là hoạt động
tài chính. Trong đời sống thực tiễn, hoạt động tài chính luôn gắn liền với các hoạt động kinh tế -
xã hội.
Hệ thống tài chính là tổng thể các luồng vận động của các nguồn tài chính trong các lĩnh
vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân, nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau về việc hình thành
và sử dụng các quỹ tiền tệ ở các chủ thể kinh tế - xã hội hoạt động trong các lĩnh vực đó
Hay
Hệ thống tài chính là tổng thể các khâu tài chính có mối quan hệ mật thiết với nhau trong
quá trình hoạt động.
Hệ thống tài chính của một quốc gia là một thể thống nhất do nhiều mắt khâu tài chính
hợp thành.
Hệ thống tài chính nước ta hiện nay bao gồm các khâu:
1. Ngân sách Nhà nước.
2. Tài chính Doanh nghiệp.
3. Bảo hiểm.
4. Tín dụng.
5. Tài chính các tổ chức xã hội và Tài chính hộ gia đình.
Chú thích:
Quan hệ trực tiếp.
Quan hệ thông qua thị trường.
Hay:
Khái quát chung về các khâu tài chính
2.1 Ngân sách nhà nước
Ngân sách nhà nước là khâu chủ đạo trong hệ thống tài chính quốc gia. Đây là một “ tụ
điểm “ của các nguồn tài chính gắn với việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ tập trung của Nhà
nước với mục đích phục vụ cho sự hoạt động của bộ máy Nhà nước các cấp và thực hiện các
chức năng của Nhà nước trong quản lý kinh tế - xã hội.
- Ngân sách Nhà nước có các nhiệm vụ sau:
+ Thứ nhất, động viên tập trung các nguồn tài chính cho việc tạo lập quỹ tiền tệ tập trung
lớn nhất của Nhà nước - quỹ Ngân sách - từ các khoản huy động mang tính bắt buộc ( thuế, phí,
lệ phí) hoặc mang tính chất tự nguyện ( viện trợ, vay nợ trong và ngoài nước)
+ Thứ hai, phân phối và sử dụng quỹ Ngân sách cho việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế -
xã hội như duy trì bộ máy Nhà nước, củng cố an ninh quốc phòng, phát triển văn hoá xã hội, phát
triển kết cấu hạ tầng, đầu tư kinh tế
+ Thứ ba, giám đốc và kiểm tra đối với các khâu tài chính khác và với mọi hoạt động khác
nhau của xã hội, với tất cả các khâu khác trong hệ thống tài chính; do đó nó có khả năng và cần
phải thực hiện việc kiểm tra đối với quá trình vận động của các nguồn tài chính có quan hệ với
việc tạo lập và sử dụng quỹ Ngân sách ở mọi khâu tài chính và mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế -
xã hội.
2.2.Tài chính Doanh nghiệp
Tài chính Doanh nghiệp là khâu cơ sở trong hệ thống tài chính quốc gia. Đây là một “ tụ
điểm “ của các nguồn tài chính gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá hay dịch vụ.
Hoạt động Tài chính Doanh nghiệp luôn gắn liền với các chủ thể của nó là các doanh nghiệp
( pháp nhân hay thể nhân).
Sự tạo lập vốn ban đầu có thể và trước hết là dựa vào thị trường tài chính, thu hút vốn qua
góp vốn cổ phần ( phát hành cổ phiếu) hay đi vay ( phát hành trái phiếu, vay ngân hàng ). Sau
đó, do gắn liền với sản xuất kinh doanh, vốn và các quỹ tiền tệ khác được bổ sung, tái tạo thông
qua việc phân phối doanh thu tiêu thụ sản phẩm, lập các quỹ bù đắp ( như quỹ khấu hao tài sản cố
định, quỹ bù đắp vốn lưu động) và tạo lập các quỹ từ lợi nhuận. Mỗi quỹ tiền tệ trong doanh
nghiệp đều có mục đích nhất định, nhưng tính chất chung của chúng là gắn liền với sản xuất kinh
doanh, chi dùng cho mục đích sản xuất kinh doanh và phần tiêu dùng để hình thành thu nhập của
những người tham gia sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp.
Tài chính Doanh nghiệp có các nhiệm vụ sau đây:
+ Một là, Bảo đảm vốn và phân phối vốn hợp lý cho các nhu cầu của sản xuất kinh doanh.
+ Hai là, Tổ chức cho vốn chu chuyển một cách liên tục và có hiệu quả.
+ Ba là, Phân phối doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp theo đúng các quy định của
nhà nước.
+ Bốn là, Kiểm tra mọi quá trình vận động của các nguồn tài chính trong doanh nghiệp;
đồng thời, kiểm tra mọi hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với các quá trình đó.
Tài chính Doanh nghiệp có quan hệ với các khâu khác của hệ thống tài chính như quan hệ
với Tài chính hộ gia đình thông qua trả lương, thưởng, lợi tức cổ phần, trái phiếu; quan hệ với
Ngân sách thông qua nộp thuế; quan hệ với các tổ chức tín dụng thông qua việc thu hút nguồn tài
chính để tạo vốn hoặc trả nợ gốc và lãi vay Quan hệ giữa Tài chính Doanh nghiệp với các khâu
tài chính khác có thể là trực tiếp với nhau, cũng có thể thông qua thị trường tài chính.
2.3.Bảo hiểm
Bảo hiểm là một khâu trong hệ thống tài chính nước ta. Bảo hiểm có nhiều hình thức và
nhiều quỹ tiền tệ khác nhau, nhưng tính chất chung và đặc biệt của các quỹ bảo hiểm là được tạo
lập và sử dụng để bồi thường tổn thất nhiều dạng cho những chủ thể tham gia bảo hiểm tuỳ theo
mục đích của quỹ.
Theo tính chất của hoạt động bảo hiểm, bảo hiểm được chia thành hai nhóm:
- Bảo hiểm kinh doanh: ( bao gồm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người và các nghiệp vụ
bảo hiểm khác) được hình thành từ sự đóng góp của những người ( thể nhân hoặc pháp nhân)
tham gia bảo hiểm và chủ yếu được sử dụng để bồi thường tổn thất cho họ khi họ gặp rủi ro bất
ngờ, bị thiệt hại vật chất theo nguyên tắc đặc thù là “ lấy số đông bù số ít ”. Phần lớn các quỹ bảo
hiểm kinh doanh được tạo lập và sử dụng có tính chất thương mại, vì mục đích kinh doanh lấy lợi
nhuận.
- Bảo hiểm xã hội: ( bao gồm bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ) được hình thành và sử
dụng không vì mục đích kinh doanh lấy lãi.
Trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ Bảo hiểm, Bảo hiểm có quan hệ trực tiếp với
các khâu khác qua việc thu phí Bảo hiểm và chi bồi thường. Đồng thời do khả năng tạm thời
nhàn rỗi của các nguồn tài chính trong các quỹ Bảo hiểm, các quỹ này có thể được sử dụng tạm
thời như các quỹ tín dụng. Như vậy, Bảo hiểm cũng có thể có quan hệ với các khâu khác thông
qua thị trường tài chính. Do vậy Bảo hiểm được xem như là một khâu tài chính trung gian trong
hệ thống tài chính.
2.4.Tín dụng
Tín dụng là một khâu quan trọng của hệ thống tài chính. Đặc trưng cơ bản của tín dụng là
gắn liền với các quỹ tiền tệ được tạo lập bằng việc thu hút các nguồn tài chính tạm thời nhàn rỗi
và sử dụng để cho vay theo nguyên tắc hoàn trả có thời hạn và có lợi tức.
Ở nước ta, các tổ chức tín dụng bao gồm các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng
phi ngân hàng ( như các công ty tài chính, các công ty cho thuê tài chính ), các tổ chức tín dụng
hợp tác ( quỹ tín dụng nhân dân) , tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là các ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng thương mại là các trung gian tài chính với chức năng chủ yếu là huy động vốn và
cho vay; hoạt động với các nghiệp vụ nợ, nghiệp vụ có, nghiệp vụ môi giới trung gian.
Thông qua hoạt động của các tổ chức tín dụng, khâu tín dụng có quan hệ chặt chẽ và trực
tiếp với các khâu khác của hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng là các tổ
chức hoạt động trên thị trường tài chính, là cầu nối giữa người có khả năng cung ứng và người có
nhu cầu sử dụng tạm thời các nguồn tài chính. Do đó, tín dụng không những có quan hệ với các
khâu khác thông qua thị trường tài chính mà còn trở thành khâu tài chính trung gian quan trọng
của hệ thống tài chính.
2.5. Tài chính các tổ chức xã hội và Tài chính hộ gia đình (dân cư)
- Các tổ chức xã hội là khái niệm chung để chỉ các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể
xã hội, các hội nghề nghiệp Các tổ chức này còn được gọi là các tổ chức phi chính phủ.
Các tổ chức xã hội có quỹ tiền tệ riêng để đảm bảo hoạt động của mình, và được hình thành
từ nhiều nguồn rất đa dạng: hội phí đóng góp từ các thành viên tham gia tổ chức; quyên góp, ủng
hộ, biếu tặng của các tập thể, cá nhân; tài trợ từ nước ngoài; tài trợ của Chính phủ và nguồn từ
những hoạt động có thu của các tổ chức này. Các quỹ tiền tệ của các tổ chức xã hội chủ yếu được
sử dụng cho mục đích tiêu dùng trong hoạt động của các tổ chức đó. Khi quỹ chưa được sử dụng,
số dư ổn định của chúng có thể tham gia thị trường tài chính thông qua các quỹ tín dụng hoặc các
hình thức khác ( mua tín phiếu, trái phiếu ).
-Các quỹ tiền tệ của các hộ gia đình được hình thành từ quỹ tiền lương, tiền công, thu nhập
của các thành viên trong gia đình do lao động trong sản xuất kinh doanh; từ nguồn thừa kế tài
sản; từ nguồn biếu tặng lẫn nhau trong quan hệ gia đình hay quan hệ xã hội ở trong hay từ ngoài
nước; từ các nguồn khác như lãi suất gửi ngân hàng, lợi tức từ những khoản góp vốn, mua trái
phiếu, cổ phiếu
Quỹ tiền tệ của các hộ gia đình chủ yếu được sử dụng cho mục đích tiêu dùng của gia đình.
Một phần nguồn tài chính của các quỹ này có thể tham gia vào quỹ Ngân sách nhà nước dưới
hình thức nộp thuế, phí, lệ phí; tham gia vào các quỹ Bảo hiểm theo các mục đích bảo hiểm khác
nhau; tham gia vào các quỹ tín dụng dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm Nguồn tài chính tạm thời
nhàn rỗi của các hộ gia đình cũng có thể được sử dụng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong
phạm vi kinh tế hộ gia đình, hoặc tham gia vào thị trường tài chính qua việc góp cổ phần, mua cố
phiếu, trái phiếu, tín phiếu
* CHÚ Ý
Trong điều kiện kinh tế thị trường, các khâu của hệ thống tài chính vừa có quan hệ trực tiếp
với nhau, vừa có quan hệ với nhau thông qua thị trường tài chính. Thị trường tài chính không
phải là một khâu tài chính mà nó là môi trường cho sự hoạt động của các khâu tài chính và cho sự
vận động của các nguồn tài chính.
Thị trường tài chính là nơi diễn ra mua bán trong lĩnh vực tài chính. Đối tượng mua bán ở
đây là quyền sử dụng các nguồn tài chính ngắn hạn hoặc dài hạn. Giá cả của sự mua bán là số lợi
tức mà người mua quyền sử dụng vốn trả cho người nhượng ( bán ) quyền sử dụng vốn. Người
mua và người bán có thể là tất cả các chủ thể đại diện cho các khâu của hệ thống tài chính.
Trên thị trường tài chính, các tổ chức tài chính trung gian ( Ngân hàng thương mại, công ty
tài chính, công ty bảo hiểm ) giữ vai trò rất quan trọng, hoạt động từ những “ cầu nối “ giữa
người mua và người bán quyền sử dụng các nguồn tài chính, giúp cho việc lựa chọn lĩnh vực bỏ
vốn, giảm chi phí tìm kiếm và giao dịch cũng như rủi ro đầu tư; từ đó cho phép huy động tối đa
các nguồn tài chính hiện có trong nền kinh tế cũng như một số nguồn lực từ nước ngoài.
Do điều kiện, tính chất, thời gian sử dụng và hình thức vận động của các nguồn tài chính,
trên thị trường đã nảy sinh sự chuyên môn hoá và có sự phân biệt giữa các bộ phận chuyên môn
hoá của thị trường tài chính: Thị trường tiền tệ, Thị trường vốn và Thị trường chứng khoán.
- Thị trường tiền tệ: là bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hoá đối với các
nguồn tài chính được trao quyền sử dụng ngắn hạn. Thời gian trao quyền sử dụng các nguồn tài
chính ở đây thường là dưới một năm. Do thời hạn đó, các nguồn tài chính ở đây chủ yếu được sử
dụng làm phương tiện thanh toán. Giá cả mua bán trên thị trường này - lợi tức tiền vay ngắn hạn -
là một trong những công cụ quan trọng để điều hoà lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế.
- Thị trường vốn: là bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hoá đối với các
nguồn tài chính được trao quyền sử dụng dài hạn. Do thời hạn đó, các nguồn tài chính ở đây chủ
yếu được sử dụng để đầu tư dài hạn vào sản xuất kinh doanh ( đầu tư vốn cố định, đầu tư vốn lưu
động của các doanh nghiệp).
- Thị trường chứng khoán: là một bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hoá về
việc mua bán các giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng các nguồn tài chính cả ngắn hạn và dài
hạn và quyền nhận lợi tức do có sự thay đổi chủ thể có quyền nhận lợi tức đó. Giấy chứng nhận
chuyển quyền sử dụng các nguồn tài chính được gọi là chứng khoán. Chứng khoán được mua bán
ở đây bao gồm tất cả các giấy chứng nhận quyền sử dụng các nguồn tài chính dài hạn (cổ phiếu,
trái phiếu các loại) cũng như ngắn hạn ( tín phiếu, giấy nhận nợ các loại).
Xét theo sự luân chuyển các chứng khoán, sự luân chuyển các nguồn tài chính; thị trường
chứng khoán bao gồm thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thị trường sơ cấp là thị trường
mua bán chứng khoán lần đầu kèm theo việc làm tăng quy mô tài chính được đưa vào thị trường.
Thị trường thứ cấp là thị trường mua bán chứng khoán từ lần hai trở đi và không làm tăng quy
mô nguồn tài chính được đưa vào thị trường.
Các bộ phận chuyên môn hoá của thị trường tài chính có liên quan chặt chẽ với nhau; ranh
giới giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vùng giao nhau lớn nhưng
chúng không hoàn toàn trùng nhau.
V. Chính sách tài chính quốc gia
1. Khái niệm
Chính sách tài chính quốc gia là chính sách của nhà nước về sử dụng các công cụ tài chính
bao gồm hệ thống các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và giải pháp về tài chính - tiền tệ của nhà
nước phù hợp với đặc điểm của đất nước trong từng thời kỳ nhằm bồi dưỡng, khai thác, huy động
và sử dụng các nguồn tài chính đa dạng phục vụ có hiệu quả cho việc thực hiện các kế hoạch và
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong thời kỳ tương ứng.
2. Nội dung
Chính sách tài chính quốc gia bao gồm nhiều nội dung phong phú và phức tạp bao quát mọi
khâu của hệ thống tài chính và mọi lĩnh vực hoạt động khác nhau của tài chính. Ví dụ:
- Chính sách đối với hoạt động của một khâu tài chính, như chính sách ngân sách
- Chính sách đối với một lĩnh vực hoạt động nào đó của tài chính, như chính sách tài chính
đối ngoại
- Chính sách về sử dụng các công cụ tài chính, như chính sách thuế, chính sách lãi suất,
chính sách tỷ giá
- Chính sách đối xử của Nhà nước ( về mặt tài chính ) đối với một chủ thể hay một lĩnh vực
hoạt động nào đó, như: chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách tài trợ, chính sách bảo hộ
Có thể khái quát các nội dung của chính sách tài chính quốc gia thành các bộ phận chính
sách sau đây:
2.1. Chính sách phát triển nguồn lực tài chính
Bộ phận chính sách này bao gồm các giải pháp sử dụng các công cụ tài chính - tiền tệ nhằm
thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định,
phát triển bền vững, từ đó gia tăng nguồn lực tài chính cho xã hội.
2.2. Chính sách khai thác, động viên nguồn lực tài chính
Bộ phận chính sách này bao gồm các giải pháp sử dụng các công cụ tài chính để khơi dậy,
giải phóng các nguồn lực tài chính trong các thành phần kinh tế, các lĩnh vực hoạt động khác
nhau, đưa chúng vào quá trình vận động của chu trình tuần hoàn kinh tế đáp ứng yêu cầu của các
hoạt động kinh tê - xã hội, đồng thời để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia vào tay Nhà
nước phục vụ các nhu cầu chung có tính chất toàn xã hội.
2.3. Chính sách phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính
Bộ phận chính sách này bao gồm các giải pháp sử dụng công cụ tài chính để phân bổ nguồn
lực tài chính một cách hợp lý, đảm bảo các quan hệ cân đối lớn trong quá trình phát triển kinh tế -
xã hội, đồng thời chi dùng nguồn lực tài chính một cách tiết kiệm và hiệu quả.
C. TÓM TẮT CHƯƠNG
1. Tài chính là một phạm trù kinh tế khách quan. Nó thể hiện ra là sự vận động của vốn tiền
tệ diễn ra ở mọi chủ thể trong xã hội. Nó phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế nảy sinh
trong phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập hay sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp
ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong xã hội. Giữa tài chính và các phạm trù giá trị
khác như tiền tệ, giá cả, tiền lương có quan hệ với nhau rất gần gũi nhưng giữa chúng có sự khác
nhau về bản chất.
2. Có 2 tiền đề cho ra đời, tồn tại và phát triển của Tài chính, đó là sản xuất hàng hoá - tiền
tệ và nhà nước, trong đó nền sản xuất hàng hoá - tiền tệ là tiền đề mang tính quyết định, còn nhà
nước là tiền đề mang tính định hướng.
3. Tài chính có 2 chức năng: Chức năng phân phối và Chức năng giám đốc. Chức năng
phân phối của tài chính là chức năng mà nhờ vào đó, các nguồn tài lực đại diện cho những bộ
phận của cải xã hội được đưa vào các quỹ tiền tệ khác nhau để sử dụng cho những mục đích khác
nhau và những lợi ích khác nhau của đời sống xã hội. Còn chức năng giám đốc của tài chính là
chức năng mà nhờ vào đó việc kiểm tra bằng đồng tiền được thực hiện đối với quá trình vận động
của các nguồn tài chính để tạo lập các quỹ tiền tệ hay sử dụng chúng theo các mục đích đã định.
Hai chức năng này có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ gắn bó với nhau, làm tiền đề và bổ sung cho
nhau.
4. Hệ thống tài chính là tổng thể các luồng vận động của các nguồn tài chính trong các lĩnh
vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân, nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau về việc hình thành
và sử dụng các quỹ tiền tệ ở các chủ thể kinh tế - xã hội hoạt động trong các lĩnh vực đó. Hệ
thống tài chính bao gồm các khâu: Ngân sách Nhà nước, Tài chính Doanh nghiệp, Bảo hiểm, Tín
dụng, Tài chính các tổ chức xã hội và Tài chính hộ gia đình. Trong đó, Ngân sách nhà nước là
khâu chủ đạo; Tài chính Doanh nghiệp là khâu cơ sở; Bảo hiểm và Tín dụng được xem như là
khâu tài chính trung gian của hệ thống tài chính. Các khâu trong hệ thống tài chính có mối quan
hệ mật thiết với nhau.
5. Chính sách tài chính quốc gia là một chính sách lớn của nhà nước. Nội dung của chính
sách tài chính quốc gia bao gồm: Chính sách phát triển nguồn lực tài chính; Chính sách khai thác,
động viên nguồn lực tài chính; Chính sách phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính.
D. CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Tài chính là gì? Trình bày các tiền đề quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển của Tài
chính.
2. Tài chính có những chức năng nào? Trình bày mối quan hệ giữa các chức năng đó.
3. Hệ thống tài chính có những khâu nào? Các khâu của hệ thống tài chính quan hệ với
nhau như thế nào? Cho ví dụ minh họa
4. Anh (chị) hiểu như thế nào về chính sách tài chính quốc gia? Trình bày nội dung của
chính sách tài chính quốc gia.
Chương 2
TỔNG QUAN VỀ TIỀN TỆ
A. MỤC ĐÍCH CỦA CHƯƠNG
Học sinh nắm được các nội dung cơ bản sau:
_ Sự ra đời và bản chất của tiền tệ
_ 4 chức năng của tiền tệ: chức năng đo lường giá trị, chức năng trung gian trao đổi và
chức năng dự trữ giá trị, chức năng thanh toán
_ Các vai trò của tiền tệ
_ Các hình thái tiền tệ: hóa tệ, tín tệ, bút tệ (tiền ghi sổ) và tiền điện tử
_ Các khối tiền tệ ( M1, M2, M3,L) và các chế độ tiền tệ (chế độ đơn bản vị, chế độ song
bản vị, chế độ bản vị ngoại tệ, chế độ lưu thông tiền giấy)
_ Cầu tiền tệ và các nhân tố ảnh hưởng
_ Cung tiền tệ và các kênh cung ứng tiền
_ Lạm phát (khái niệm, các loại lạm phát, nguyên nhân dẫn đến lạm phát, hậu quả lạm
phát mang lại cũng như các biện pháp tình thế và chiến lược nhằm khắc phục lạm phát)
B. NỘI DUNG BÀI GIẢNG (5 tiết)
I. Bản chất, chức năng và vai trò của tiền tệ
1. Sự ra đời và bản chất của tiền tệ
Khi loài người mới bắt đầu xuất hiện, họ phải tự tìm kiếm hoặc làm ra tất cả những vật
mình cần mà không phải dựa vào người khác. Cộng đồng này sống độc lập với cộng đồng khác,
họ tự lo chỗ ở, tự tìm kiếm thức ăn khi đói và tự tạo quần áo để tránh rét.
Khi loài người phát triển hơn, họ không những có thể kiếm đủ cho nhu cầu hàng ngày mà
còn có vật phẩm dư thừa, hoạt động trao đổi những vật phẩm dư thừa này bắt đầu xuất hiện giữa
các cộng đồng người. Việc trao đổi này mang tính chất trực tiếp, một hàng hóa này lấy một hàng
hóa khác mà không cần có vật môi giới trung gian. Cách thức trao đổi này đòi hỏi mỗi người phải
tìmcho được một người khác muốn cái anh ta đang thừa và có cái anh ta muốn. Khi trao đổi phát
triển hơn, việc tìm kiếm một người như vậy trở nên khó khăn, bên cạnh đó còn tốn kém nhiều
thời gian. Những hạn chế của trao đổi trực tiếp đã làm xuất hiện những tập đoàn người với đủ thứ
hàng hóa khác nhau, đi từ nơi này đến nơi khác để tiến hành trao đổi với nhiều cộng đồng người
khác nhau.
Cùng với sự phát triển của các hoạt động thương mại, sự ra đời của các quốc gia đã kéo
theo nhiệm vụ quản lý của cải dư thừa bởi việc bóc lột nô lệ, nông nô, nông dân; bởi việc trao đổi
giữa các vùng xa cách nhau hoặc từ việc cướp bóc của các dân tộc láng giềng. Nó đòi hỏi phải
xác định giá trị các cống vật, thuế khóa và tiêu chuẩn hóa các phương thức và phương tiện thanh
toán tại những nơi họp chợ và các thương cảng. Những vật làm trung gian trong trao đổi xuất
hiện, được mọi người chấp nhận làm phương tiện để trao đổi với các hàng hóa khác.
Ở thời kỳ này, đã có nhiều đồ vật được sử dụng với mục đích này, chẳng hạn như vải dệt,
hạt cacao, ốc, vàng, sắt thỏi, đại mạch, lúa mì, đồng, kê, lụa,… trong đó kim loại có vị trí đặc biệt
khiến nó dần trở thành công cụ được ưa thích nhất trong các hoạt động buôn bán và đóng thuế
Đầu tiên kim loại được sử dụng làm phương tiện trao đổi dưới dạng thỏi, sau đó nó được
đúc dưới dạng tiền đúc. Ban đầu các kim loại sắt, thiếc, kẽm, đồng được sử dụng để đúc tiền, sau
đó là những đồng tiền đúc bằng bạc và vàng. Đến đầu thế kỷ 19, vàng được sử dụng phổ biến để
đúc tiền ở các nước.
Với sự xuất hiện của hệ thống ngân hàng vào đầu thế kỷ 14, các chứng chỉ tiền gửi do
ngân hàng phát hành nhằm huy động vốn được sử dụng làm phương tiện thanh toán ở Châu âu,
sau đó nó được thay thế bằng giấy bạc được đảm bảo bằng vàng của ngân hàng phát hành và lưu
hành song song với tiền đúc của nhà nước. Đến đầu thế kỷ 20, giấy bạc ngân hàng thay thế hoàn
toàn các loại tiền đúc bằng kim loại quý như vàng, bạc. Sau khi chế độ tiền tệ Bretton Woods sụp
đổ, giấy bạc ngân hàng không còn mối liên hệ chính thức với vàng như trước nữa.
Như vậy, sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa đã đòi hỏi phải có một vật nào
đó làm môi giới trung gian trong trao đổi, đóng vai trò vật ngang giá chung khi trao đổi chuyển từ
trực tiếp sang gián tiếp. Cũng chính sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa cùng với sự
can thiệp của nhà nước đã dẫn tới sự thanh thế phương tiện trao đổi này bằng phương tiện trao
đổi khác.
Từ đó, có thể hiểu bản chất của tiền tệ:
Tiền tệ là một loại hàng hóa đặc biệt, đóng vai trò vật ngang giá chung để đo lường giá trị
của các hàng hóa khác
hay
Tiền tệ là bất kỳ một phương tiện nào được thừa nhận chung để thanh toán cho việc giao
hàng và thanh toán công nợ. Nó là một phương tiện trao đổi.
2. Chức năng của tiền tệ
Hầu hết các nhà nghiên cứu về tiền tệ đều thống nhất rằng tiền tệ có bốn chức năng. Các
chức năng này giúp chúng ta có thể phân biệt hàng hóa thông thường với hàng hóa tiền tệ.
2.1. Chức năng đo lường giá trị
Đo lường giá trị là yêu cầu trước tiên và không thể thiếu được của trao đổi hàng hóa.
Trong mua bán hay trao đổi hàng hóa, người ta thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Muốn đảm
bảo được nguyên tắc trao đổi ngang giá thì điều kiện tiên quyết là phải đo lường và xác định
được giá trị hàng hóa. Với chức năng đo lường giá trị, tiền tệ có thể giải quyết được yêu cầu này.
Ngoài việc trao đổi ra, trong một số hoạt động khác như kế toán, kế hoạch, tài chính,…người ta
cũng cần đo lường giá trị và sử dụng tiền tệ như những đơn vị tính toán.
Qua việc thực hiện chức năng này, giá trị của các hàng hóa và dịch vụ được biểu hiện ra
bằng tiền, như việc đo khối lượng bằng kilogram, đo độ dài bằng mét,… nhờ đó mà việc trao đổi
hàng hóa được diễn ra thuận tiện hơn.
Nếu giá trị hàng hóa không có một đơn vị đo chung là tiền, mỗi hàng hóa sẽ được định giá
bằng tất cả các hàng hóa còn lại, và như vậy số lượng giá các mặt hàng trong nền kinh tế sẽ nhiều
đến mức người ta không còn thời gian cho việc tiêu dùng hàng hóa, do phần lớn thời gian đã
được dành cho việc đọc giá hàng hóa. Khi giá của các hàng hóa và dịch vụ được thể hiện bằng
tiền, không những thuận lợi cho người bán hàng hóa mà việc đọc bảng giá cũng đơn giản hơn rất
nhiều với chi phí thời gian ít hơn sử dụng cho các giao dịch.
Muốn đo lường giá trị, trước hết người ta phải gán cho tiền tệ một giá trị để nó thể hiện
được giá trị. Kế đến người ta phải tiêu chuẩn hóa giá trị của nó thông qua việc định nghĩa đơn vị
tiền tệ quốc gia. Đơn vị tiền tệ của một quốc gia được xác định thông qua hai yếu tố:
_Tên gọi của đơn vị tiền tệ
Ví dụ: dollar là tên gọi đơn vị tiền tệ của Mỹ, đồng là tên gọi đơn vị tiền tệ của Việt nam
_ Hàm lượng kim loại quy định trong đơn vị tiền tệ đó
Ví dụ: hàm lượng kim loại quy định trong 1 dollar Mỹ là 0,7366412 gram vàng nguyên
chất
Đơn vị tiền tệ của một quốc gia nào đó muốn làm tốt chức năng đo lường giá trị thì đòi
hỏi:
Đơn vị tiền tệ đó phải có giá trị nội tại của nó
Giá trị tiền tệ đó (sức mua của đồng tiền) phải ổn định hoặc có thay đổi thì vẫn không
thay đổi nhiều qua thời gian.
2.2. Chức năng trung gian trao đổi
Một khi người ta chấp nhận tiền tệ như là một thước đo giá trị thì người ta có khuynh
hướng quy đổi tất cả giá trị của những hàng hóa khác ra tiền. Từ đó, việc trao đổi hai hàng hóa có
công dụng hay giá trị sử dụng khác nhau, nhưng có giá trị như nhau được thực hiện thông qua
trung gian tiền tệ. Công thức chung cho quá trình trao đổi hàng hóa với tiền tệ làm trung gian như
sau: H – T – H’ thay vì H – H’ như trong trao đổi hàng hóa trực tiếp.
Sự xuất hiện tiền tệ như là trung gian xuất phát từ nhu cầu tiện lợi trong trao đổi, và sở dĩ
tiền tệ có thể làm được điều này là vì nó là biểu hiện của giá trị và dễ dàng được người ta ưa
chuộng và chấp nhận trong trao đổi. Sự xuất hiện của tiền tệ với tư cách là trung gian trao đổi
khiến cho hai quá trình mua và bán có thể tách rời nhau về mặt không gian và thời gian. Người ta
có thể bán một hàng hóa ở nơi này, lúc này để rồi mua lại hàng hóa khác ở nơi khác, lúc khác.
Để thực hiện chức năng phương tiện trao đổi, tiền phải có những tiêu chuẩn nhất định:
_ Được chấp nhận rộng rãi
Nó phải được con người chấp nhận rộng rãi trong lưu thông, bởi vì chỉ khi mọi người
cùng chấp nhận nó thì người có hàng hóa mới đồng ý đổi hàng của mình lấy tiền
_ Dễ nhận biết
Con người phải nhận biết nó dễ dàng
_ Có thể chia nhỏ được
Để tạo thuận lợi cho việc đổi chác giữa những hàng hóa có các giá trị rất khác nhau
_ Dễ vận chuyển
Tiền tệ phải đủ gọn nhẹ để dễ dàng trong việc trao đổi hàng hóa ở những khỏang cách xa
_ Không bị hư hỏng một cách nhanh chóng
_ Được tạo ra hàng loạt một cách dễ dàng
Để số lượng của nó đủ dùng trong trao đổi
_Có tính đồng nhất
Các đồng tiền có cùng mệnh giá phải có sức mua ngang nhau
2.3. Chức năng dự trữ giá trị
Là một phương tiện dự trữ giá trị, tiền tệ là nơi cất giữ sức mua qua thời gian. Khi người
ta nhận được thu nhập mà chưa muốn tiêu nó hoặc chưa có điều kiện để chi tiêu ngay, tiền là một
phương tiện để giúp cho việc cất giữ sức mua trong những trường hợp này hoặc có thể người ta
giữ tiền chỉ đơn thuần là việc để lại của cải.
Việc cất trữ như vậy có thể thực hiện bằng nhiều phương tiện như cổ phiếu, trái phiếu, đất
đai, nhà cửa,…, một số loại tài sản như vậy đem lại một mức lãi cao hơn cho người giữ. Tuy
nhiên người ta vẫn giữ tiền với mục đích dự trữ giá trị bởi vì tiền có thể chuyển đổi một cách
nhanh chóng ra các tài sản khác, còn các tài sản khác nhiều khi đòi hỏi một chi phí giao dịch cao
khi người ta muốn chuyển đổi nó sang tiền. Những điều đó cho thấy, tiền là một phương tiện dự
trữ giá trị bên cạnh các loại tài sản khác.
2.4. Chức năng thanh toán
Nhờ có tiền tệ thực hiện chức năng thanh toán, quan hệ tín dụng có thể thực hiện dưới
hình thái tiền tệ, do đó dễ dàng thỏa thuận giao dịch dưới hình thái hiện vật
3. Vai trò của tiền tệ
Khi bàn về vai trò của tiền tệ, câu hỏi thường được đặt ra là tiền tệ đóng vai trò như thế
nào đối với nền kinh tế. Để dẽ hình dung, ta tự tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu tiền tệ
bỗng dưng biến mất khỏi nền kinh tế. Lúc ấy, chắc chắn các hoạt động kinh tế sẽ bị xáo trộn và
rối loạn: việc chi trả lương sẽ như thế nào, hàng hóa được trao đổi như thế nào,…Không có tiền
tệ làm thước đo, người bán và người mua sẽ không tìm được tiếng nói chung và do đó không thực
hiện mua bán với nhau được. Hàng hóa sản xuất ra không bán được làm cho sản xuất bị thu hẹp
và ngưng trệ, dẫn đến suy thoái và khủng hoảng kinh tế.
Vai trò quan trọng của tiền tệ đối với nền kinh tế sẽ dễ nhận biết hơn khi phân tích vai trò
của nó trong từng hoạt động kinh tế - xã hội. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền tệ là
vốn khởi sự và duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Đối với hoạt động ngân hàng và tín dụng,
tiền tệ lại càng quan trọng hơn vì các hoạt động này liên quan trực tiếp đến tiền tệ và chỉ có sử
dụng tiền tệ hoạt động này mới phát triển được.
Trong nền kinh tế thị trường tiền tệ có các vai trò sau:
_ Tiền tệ là phương tiện không thể thiếu để mở rộng và phát triển kinh tế hàng hóa. Thực
tế không thể tiến hành sản xuất hàng hóa nếu như không có tiền và sự hoạt động của nó.
Nhờ có tiền, giá trị của hàng hóa được biểu hiện vừa đơn giản thuận lợi, vừa thống nhất;
sự vận động của hàng hóa trong lưu thông được trôi chảy. nhờ có tiền, người sản xuất kinh doanh
mới hạch toán được chi phí, kết quả kinh doanh, thực hiện tích lũy tiền tệ để mở rộng quy mô sản
xuất kinh doanh.
_ Tiền tệ là phương tiện để thực hiện và mở rộng các quan hệ quốc tế
Cùng với ngoại thương, các quan hệ thanh toán và tín dụng quốc tế, tiền tệ đã phát huy
vai trò của mình để trở thành phương tiện cho việc thực hiện và mở rộng các quan hệ quốc tế,
nhờ đó mà các mối quan hệ nhiều mặt giữa các quốc gia trên thế giới được hình thành và phát
triển.
_ Tiền tệ là công cụ phục vụ cho mục đích của người sở hữu chúng
Trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa phát triển cao độ thì hầu như mọi quan hệ kinh tế -
xã hội đều bị tiền tệ hóa, mọi cá nhân, tổ chức,… đều không thể thoát ly khỏi các quan hệ tiền tệ.
Trong điều kiện đó, tiền tệ trở thành công cụ xử lý và giải tỏa mọi ràng buộc phát sinh trong nền
kinh tế - xã hội. Chính vì vậy mà tiền tệ có thể thỏa mãn mọi mục đích và quyền lợi đối với
những ai đang nắm giữ tiền tệ.
II. Các hình thái tiền tệ
Qua quá trình phát triển, tiền tệ đã tiến hóa qua rất nhiều hình thái: từ những hình thái thô
sơ ban đầu cho đến những hình thái hiện đại như ngày nay. Đó là các hình thái: hóa tệ, tín tệ, bút
tệ (tiền ghi sổ) và tiền điện tử
1. Hóa tệ
Hóa tệ là hình thái cổ xưa và sơ khai nhất của tiền tệ theo đó một loại hàng hóa nào đó do
được nhiều người ưa chuộng nên có thể tách ra khỏi thế giới hàng hóa nói chung để thực hiện các
chức năng của tiền tệ, tức là thực hiện các chức năng mà các hàng hóa thông thường khác không
có được. Hàng hóa này dần dần trở thành loại hàng hóa đặc biệt đóng vai trò vật ngang giá chung
và được sử dụng thường xuyên để trao đổi với những hàng hóa khác
Hóa tệ có thể chia thành 2 loại: hóa tệ không phải kim loại và hóa tệ kim loại
_ Hóa tệ không phải kim loại
Là loại hàng hóa xuất phát từ hàng hóa không phải là kim loại. Loại hóa tệ này khác nhau
tùy theo tập quán từng địa phương, chẳng hạn như súc vật, vòng đá, lông da thú, ngọc trai, muối,
mè khô,…
Hóa tệ rất bất tiện khi lưu thông với tư cách là tiền tệ vì những thuộc tính kém thuận lợi
như dễ hư hỏng, không bền theo thời gian, khó bảo quản và vận chuyển, khó chia nhỏ thành đơn
vị, và không có tính đồng nhất.
Những thuộc tính kém thuận lợi này khiến cho hóa tệ không thể tồn tại lâu dài và dần dần
bị đào thải khỏi lưu thông khi con người phát hiện ra kim loại.
_ Hóa tệ kim loại
Là tiền xuất phát từ hàng hóa nhưng ở đây hàng hóa là kim loại.
Khi phát hiện ra kim loại, người ta nhận thấy kim loại có thể khắc phục được những
nhược điểm của hóa tệ không kim loại, chẳng hạn như bền hơn, dễ bảo quản hơn, dễ vận chuyển
hơn, có thể chia nhỏ thành đơn vị. Với những thuộc tính ưu việt này, người ta có khuynh hướng
nhanh chóng chuyển sang sử dụng kim loại làm tiền tệ.
Lúc đầu là những kim loại rẻ như đồng, kẽm, chì được sử dụng làm tiền tệ, về sau người
ta nhận thấy trong số những loại kim loại tìm thấy có bạc và vàng là hai thứ kim loại ưu việt hơn
hết nếu sử dụng làm tiền tệ. Ngoài tính chất bền, dễ bảo quản, dễ vận chuyển, dễ chia nhỏ, vàng
và bạc là những kim loại quý nên chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ đại diện cho một hàng hóa có
giá trị tương đối lớn. Do vậy nếu dùng chúng làm tiền tệ thì rất tiện lợi cho lưu thông, không cần
khối lượng lớn nhưng có thể trao đổi được với những hàng hóa có giá trị cao. Ngoài ra việc chia
nhỏ thành đơn vị và nhập những đơn vị nhỏ thành đơn vị lớn hơn rất dễ dàng và hầu như vẫn bảo
tồn được giá trị của chúng. Từ đó, bạc và sau này là vàng độc chiếm ngôi vị tiền tệ lâu dài cho
đến khi nhân loại phát minh ra tiền giấy.
Hóa tệ kim loại trong quá trình sử dụng bộc lộ một số nhược điểm khiến nó không còn
được tiếp tục sử dụng lâu dài hơn nữa trong vai trò tiền tệ, đặc biệt là khi nền kinh tế phát triển
khiến hàng hóa sản xuất ra ngày càng nhiều, thương mại phát triển khiến giao lưu hàng hóa ngày
càng rộng thì những nhược điểm của lưu thông tiền vàng, tiền bạc càng bộc lộ rõ nét:
• Những thương nhân mua bán khối lượng hàng hóa lớn nếu thanh toán bằng tiền
vàng thì việc vận chuyển vàng trở nên rất nặng nề chứ không còn nhẹ nhàng và dễ
dàng như trước đây.
• Những thương nhân mua bán ở phạm vi rộng, thậm chí xuyên quốc gia, nếu sử
dụng tiền vàng trong thanh toán thì việc bảo quản và vận chuyển tiền, tránh nạn
cướp bóc trên đường đi, trở thành một nỗi lo nặng nề.
Những nhược điểm này đòi hỏi phải có hình thái tiền tệ nào khác ưu việt hơn để thay thế
cho tiền vàng và bạc.
2. Tín tệ
Tín tệ là loại tiền tệ được đưa vào lưu thông nhờ vào sự tín nhiệm của công chúng, chứ
bản thân nó không có hoặc có giá trị không đáng kể. Nó được sử dụng thay thế cho tiền vàng và
tiền bạc (là những loại tiền thực). Tín tệ có hai loại: tín tệ kim loại và tiền giấy
2.1. Tín tệ kim loại
Là loại tín tệ được đúc bằng kim loại rẻ tiền thay vì đúc bằng kim loại quý như bạc hay
vàng.
Khi phát hiện được vàng và bạc có những thuộc tính đặc biệt phù hợp với vai trò của tiền
tệ, người ta đã sử dụng bạc và vàng để làm tiền suốt một thời gian khá dài. Trong quá trình sử
dụng, hàm lượng vàng trong mỗi đơn vị tiền tệ hao hụt dần đi khiến cho giá trị thực tế của đồng
tiền không còn đúng như giá trị danh nghĩa của nó; tuy nhiên khi thực hiện chức năng phương
tiện thanh toán tiền tệ bao giờ cũng thực hiện theo giá trị danh nghĩa. Lợi dụng điều này, sở đúc
tiền chủ động giảm bớt hàm lượng vàng trong mỗi đơn vị tiền tệ để tiết kiệm vàng. Tiến xa hơn
một bước nữa, thay vì sử dụng kim loại quý như vàng và bạc để đúc tiền, người ta sử dụng kim
loại rẻ tiền để đúc tiền nhằm hai mục tiêu:
(1) tiết kiệm vàng bạc của quốc gia
(2) giảm bớt sự căng thẳng do thiếu vàng bạc làm phương tiện lưu thông khi nền kinh tế
ngày càng phát triển.
2.2. Tiền giấy
Từ đầu thế kỷ 17, ở Hà Lan, ngân hàng Amsterdam đã cấp cho những thân chủ gửi vàng
bạc vào ngân hàng những giấy chứng nhận bao gồm nhiều từ nhỏ. Khi cần, có thể đem những
giấy từ nhỏ này đổi lấy vàng hoặc bạc tại ngân hàng. Trong thanh toán cho người khác, các giấy
tờ nhỏ này cũng được chấp nhận. Sau đó một chủ ngân hàng người Thụy Điển tên Palmstruch đã
mạnh dạn phát hành tiền giấy để cho vay. Từ đó ngân hàng Palmstruch có khả năng cho vay
nhiều hơn vốn tự có.
Từ khi ra đời cho đến nay, tiền giấy nói chung có hai loại: tiền giấy khả hoán và tiền giấy
bất khả hoán.
_ Tiền giấy khả hoán
Là thứ tiền giấy được lưu hành thay cho tiền vàng hay tiền bạc ký thác ở ngân hàng. Bất
cứ lúc nào mọi người cũng có thể đem tiền giấy khả hoán đó đổi lấy vàng hoặc bạc có giá trị
tương đương với giá trị được ghi trên tiền giấy khả hoán đó.
_ Tiền giấy bất khả hoán
Là thứ tiền giấy được lưu hành nhưng khi cần vàng hoặc bạc người ta không thể chuyển
đổi nó ra vàng hay bạc theo hàm lượng đã quy định mà phải mua vàng hay bạc theo giá thị
trường.
Xét về mặt lịch sử, lúc đầu tiền giấy ra đời dưới hình thức khả hoán nhưng dần dần về sau
do lạm phát, chiến tranh khiến cho dự trữ vàng của quốc gia dùng để hoán đổi tiền ra vàng bị hao
hụt không còn đủ vàng để cho dân chúng có thể hoán đổi. Khi ấy nhà nước phải phá giá đồng
tiền. Nếu sau khi phá giá, nhu cầu chuyển đổi ra vàng của dân chúng vẫn ở mức cao và nếu tiếp
tục chính sách hoán đổi thì có nguy cơ dự trữ vàng sẽ cạn kiệt, khi ấy nhà nước tuyên bố ngừng
hoán đổi tiền ra vàng, đồng tiền trở thành bất khả hoán.
Thời đại ngày nay, việc sử dụng tiền giấy được trở thành phổ biến, do tính thuận lợi của
nó trong việc làm phương tiện trao đổi hàng hóa. Đó là:
• Dễ mang theo để làm phương tiện trao đổi hàng hóa, thanh toán nợ
• Thuận lợi khi thực hiện chức năng dự trữ giá trị
• Bằng cách thay đổi các con số trên mặt đồng tiền, một lượng giá trị lớn hay nhỏ
được biểu hiện
3. Bút tệ (Tiền ghi sổ)
Bút tệ ra đời vào giữa thế kỷ 19 khi ngân hàng Anh quốc tìm cách né tránh các thể lệ phát
hành tiền giấy quá cứng nhắc nên đã sáng chế ra hệ thống thanh toán bằng cách ghi trên sổ sách
ngân hàng. Ngày nay bút tệ được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các nước, nhưng ở các nước phát
triển dân chúng có thói quen sử dụng bút tệ hơn ở các nước kém phát triển.
Bút tệ là những khoản tiền gửi không kỳ hạn ở ngân hàng. Đó là tiền do hệ thống ngân
hàng thương mại tạo ra trong quá trình thực hiện nghiệp vụ tín dụng. Việc sử dụng bút tệ được
thực hiện bằng các bút toán ghi Nợ và Có trên các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn ở ngân hàng.
Cùng với trình độ ngân hàng ngày càng hiện đại, bút tệ đã giữ vị trí chủ yếu trong tổng mức cung
ứng tiền tệ cho nền kinh tế.
Hiện nay là thời đại của bút tệ (tiền ghi sổ) bởi lẽ nó có những ưu việt vốn có:
• Giảm bớt một cách đáng kể các chi phí về lưu thông tiền mặt: in tiền, bảo quản,
vận chuyển, đếm, đóng gói,…
• Nhanh chóng và thuận tiện cho các chủ nhân tham gia thanh toán qua ngân hàng
• Bảo đảm an toàn trong việc sử dụng đồng tiền, hạn chế được những hiện tượng
tiêu cực
• Bút tệ tạo ra điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng trung ương trong việc quản lý và
điều tiết lượng tiền cung ứng
4. Tiền điện tử
Trong những năm gần đây nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và công nghệ ngân
hàng nên các loại thẻ tín dụng và thẻ thanh toán ngày càng được sử dụng rộng rãi, kể cả trong và
ngoài nước. Những loại thẻ này có thể thực hiện được các chức năng của tiền tệ và ngày càng
thay thế tiền giấy trong đời sống kinh tế. Do vậy chúng cũng được xem như là một hình thái tiền
tệ mới - tiền điện tử.
III. Khối tiền tệ và chế độ tiền tệ
1. Khối tiền tệ
Các khối tiền trong lưu thông tập hợp các phương tiện được sử dụng chung làm phương
tiện trao đổi, được phân chia tùy theo “độ lỏng” của các phương tiện đó trong những khoảng thời
gian nhất định của một quốc gia. Độ lỏng của một phương tiện trao đổi được hiểu là khả năng
chuyển đổi từ phương tiện đó ra hàng hóa, dịch vụ; tức là phạm vi và mức độ có thể sử dụng
những phương tiện đó trong việc thanh toán chi trả.
1.1. Khối tiền tệ M1
Bao gồm những phương tiện được chấp nhận ngay trong trao đổi hàng hóa mà không phải
qua một bước chuyển đổi nào.
Khối tiền tệ này bao gồm:
• Tiền đang lưu hành (gồm toàn bộ tiền mặt do Ngân hàng trung ương phát hành
đang lưu hành ngoài hệ thống ngân hàng)
• Tiền gửi không kỳ hạn ở ngân hàng thương mại (tiền gửi mà chủ sở hữu của nó
có thể phát hành séc để thanh tóan tiền mua hàng hóa, dịch vụ)
1.2. Khối tiền tệ M2
Khối tiền tệ này bao gồm:
• Khối tiền tệ M1
• Tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng thương mại
1.3. Khối tiền tệ M3
Khối tiền tệ này bao gồm:
• Khối tiền tệ M2
• Tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại
1.4. Khối tiền tệ L
Khối tiền tệ này bao gồm:
• Khối tiền tệ M3
• Chứng từ có giá có “tính lỏng” cao, chẳng hạn như chứng chỉ tiền gửi, thương
phiếu, tín phiếu, trái phiếu,…
2. Chế độ tiền tệ
Chế độ tiền tệ là hình thức tổ chức lưu thông tiền tệ của một nước, được xác định bằng
luật pháp, dựa trên một cơ sở nhất định gọi là bản vị tiền tệ
Bản vị tiền tệ là tiêu chuẩn chung mà mỗi nước chọn dùng làm cơ sở cho đơn vị tiền tệ
của mình.
2.1. Chế độ đơn bản vị bạc và chế độ đơn bản vị vàng
Từ khi phát hiện ra bạc và vàng, bạc và vàng đã được đúc thành tiền theo một hình dáng
và trọng lượng nhất định và cho lưu hành trong nước như là đồng tiền chính thức, hợp pháp và có
hiệu lực thanh toán vô hạn trên phạm vi lãnh thổ quốc gia.
Nước nào dùng bạc làm bản vị thì gọi là chế độ đơn bản vị bạc
Nước nào dùng vàng làm bản vị thì gọi là chế độ đơn bản vị vàng
2.2. Chế độ song bản vị
Chế độ song bản vị là chế độ tiền tệ trong đó cả bạc và vàng đều được sử dụng làm tiền tệ
lưu hành song song nhau và cả hai đều có giá trị thanh toán theo một tương quan do nhà nước ấn
định.
Chế độ song bản vị dẫn đến những xáo trộn trong đời sống kinh tế và lưu thông tiền tệ do
nạn đầu cơ tiền vàng hay tiền bạc tùy theo sự thăng trầm của giá bạc và giá vàng trên thị trường.
Ví dụ nếu giá vàng trên thị trường cao hơn so với chính thức thì người ta có xu hướng tích lũy
tiền vàng và đưa tiền bạc vào lưu thông thay thế cho tiền vàng. Điều đó đưa đến kết quả chỉ có
tiền bạc xuất hiện trong lưu thông trong khi tiền vàng dần dần biến mất khỏi lưu thông.
2.3. Chế độ bản vị ngoại tệ
Dưới chế độ bản vị ngoại tệ, đơn vị tiền tệ quốc gia được xác định bằng đơn vị tiền tệ của
nước ngoài. Đó phải là các ngoại tệ mạnh và được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Chế
độ bản vị này được sử dụng phổ biến đối với các nước thiếu vàng hoặc về mặt chính trị bị lệ
thuộc vào nước khác (các nước trong khối cộng đồng Anh sau thế chiến thứ nhất)
2.4. Chế độ lưu thông tiền giấy (tiền dấu hiệu)
Chế độ lưu thông tiền giấy (tiền dấu hiệu) là đặc trưng cơ bản của lưu thông tiền tệ trong
giai đoạn phát triển sau này của Chủ nghĩa tư bản.
Việc lưu thông tiền giấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ứng với mỗi hình
thái kinh tế xã hội khác nhau
• Trong chế độ phong kiến, việc lưu thông tiền giấy tạo ra thu nhập cho việc in tiền
và phát hành tiền và tập trung kim loại để phục vụ cho quyền lợi của bộ máy tập
quyền
• Trong giai đoạn phát triển Chủ nghĩa tư bản, do nền kinh tế phát triển với tốc độ
nhanh phát sinh tình trạng khan hiếm tiền kim loại, mặt khác sử dụng kim loại
trong lưu thông còn bị hao mòn, biến chất
• Khi hệ thống ngân hàng thương mại đã phát triển tạo điều kiện cho sự ra đời các
công cụ lưu thông tín dụng
IV. Cung - cầu tiền tệ
1. Cầu tiền tệ
Tiền tệ là sản phẩm tất yếu của sản xuất hàng hóa, còn sản xuất hàng hóa thì nhu cầu về
tiền tệ là sự cần thiết mang tính chất khách quan. Trong thời đại ngày nay với nền kinh tế tiền tệ
đang phát triển mạnh mẽ thì một thực tế khách quan là hầu hết giao dịch giữa các cá nhân hoặc
các tổ chức đều được giải quyết bằng tiền. Do vậy nhu cầu về tiền tệ và việc sử dụng tiền có ý
nghĩa quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội.
Cầu tiền tệ là số lượng tiền tệ mà dân chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ
quan nhà nước,… cần để thỏa mãn các nhu cầu chi dùng của mình
_ Cầu tiền cho đầu tư
Cầu tiền cho đầu tư phụ thuộc vào các nhân tố sau:
+ Lãi suất tín dụng ngân hàng
Lãi suất tín dụng ngân hàng là mức thu nhập mang tính bình quân của các phương án đầu
tư trong nền kinh tế, là cột mốc để so sánh với các mức tỷ suất lợi nhuận của các ngành khác và
nó cũng là nhân tố kích thích các nguồn tiết kiệm trong dân cư đi tìm những hoạt động đầu tư.
+ Mức lợi nhuận từ những hoạt động đầu tư như sản xuất kinh doanh dịch vụ, hoạt động
đầu tư tài chính, hoạt động khác cũng là nhân tố tác động đến nhu cầu đầu tư.
+ Thu nhập
Để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, vấn đề đặt ra là phải có tích lũy mà mức tích lũy lại phụ
thuộc vào nhân tố hàng đầu là thu nhập. Nếu thu nhập càng cao, tích lũy càng lớn. Trong điều
kiện kinh tế thị trường phát triển, với các khoản tiền tích lũy được, các tổ chức, cá nhân thường
tìm mọi biện pháp để sinh lợi và thực hiện đầu tư vào nhiều lĩnh vực, vừa phân tán rủi ro, vừa đa
dạng hình thức sử dụng vốn…
_ Cầu tiền cho tiêu dùng
Cầu tiền cho tiêu dùng phụ thuộc vào các nhân tố sau:
+ Thu nhập
Nếu kinh tế tăng trưởng, thu nhập quốc dân tăng lên, từ đó tác động đến thu nhập của
từng thành viên trong xã hội theo chiều hướng thu nhập bình quân đầu người tăng thì cầu về tiêu
dùng có xu hướng tăng.
Nếu mức thu nhập quốc dân giảm, thu nhập bình quân đầu người giảm thì việc hạn chế
nhu cầu tiêu dùng, thực hiện tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu là điều tất yếu. Đặc biệt đối với chính
phủ, nhu cầu chi thường được giải quyết bằng những khoản thu chủ yếu từ thuế, trong điều kiện
nền kinh tế khó khăn thì nguồn thu hàng năm thường không bảo đảm những khoản chi, nếu nhà
nước sử dụng biện pháp lạm phát để giải quyết thì phần lạm phát này có thể xem là số cầu tiền tệ
“thuần” của nhà nước.
+ Giá trị của những hoạt động giao dịch
Trong trường hợp các nhân tố khác không đổi, sự biến động của hệ thống giá cả hàng hóa,
dịch vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cầu tiêu dùng
+ Lãi suất
Lãi suất tăng sẽ làm giảm mức cầu tiền tệ trong quỹ các doanh nghiệp hoặc trong tay các
tầng lớp dân cư, giảm bớt nhu cầu tiêu dùng, mua sắm để tăng nguồn tích lũy nhằm sinh lợi cho
đồng tiền
_ Cầu tiền cho dự phòng
Các cá nhân cần dự trữ tiền tệ để đề phòng khi bất trắc như đau ốm, thỏa mãn các nhu cầu
đột xuất trong quan hệ xã hội bình thường. Các doanh nghiệp dự trữ tiền tệ để đáp ứng các nhu
cầu đột xuất khi có thời cơ dự trữ các loại nguyên liệu khan hiếm, thuê mướn thêm nhân công để
mở rộng sản xuất trong các cơ hội kinh doanh không lường trước được, … hoặc dự trữ hàng hóa.
2. Cung tiền tệ
Cung tiền tệ là khối lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế đảm bảo cho các nhu cầu sản
xuất, lưu thông hàng hóa cũng như các nhu cầu chi tiêu khác của nền kinh tế - xã hội
Hàng năm trên cơ sở tính toán nhu cầu tiền trong lưu thông biểu hiện qua các chỉ tiêu kinh
tế như tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số trượt giá của nền kinh tế, mức thâm hụt ngân sách nhà
nước, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, ngân hàng trung ương sẽ lên kế hoạch cung ứng tiền
vào lưu thông qua các kênh chủ yếu là:
_ Kênh tín dụng
Thực hiện thông qua việc ngân hàng trung ương cung ứng tín dụng cho các ngân hàng
thương mại qua nghiệp vụ tái chiết khấu
_ Kênh thị trường mở
Đây là kênh điều tiết tiền tệ được sử dụng thường xuyên và hiệu quả nhất tại các nước
công nghiệp phát triển.
Trên thị trường mở, ngân hàng trung ương sẽ mua vào hoặc bán ra các chứng khoán ngắn
hạn, chủ yếu là tín phiếu kho bạc để thay đổi cung ứng tiền trong lưu thông
_ Kênh ngân sách
Được thực hiện thông qua việc ngân hàng trung ương cho vay ngắn hạn mang tính tạm
ứng cho ngân sách nhà nước nhằm bù đắp những khoản chi đã nằm trong kế hoạch thu hàng năm
của ngân sách.
_ Kênh thị trường hối đoái
Được thực hiện qua sự can thiệp của ngân hàng trung ương tham gia điều tiết giá vàng,
ngoại tệ.
Vấn đề điều tiết cung ứng tiền của ngân hàng trung ương luôn có quan hệ hữu cơ với điều
tiết kinh tế nhằm đạt mục tiêu kinh tế của chính sách tiền tệ phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế.
V. Lạm phát
1. Khái niệm
Lạm phát là một hiện tượng đi liền với nền kinh tế thị trường. Có nhiều nhà kinh tế đã đi
tìm một định nghĩa đúng cho thuật ngữ này nhưng nói chung chưa có sự thống nhất hoàn toàn.
Trong khi đó lạm phát luôn diễn ra và tác động đến nhiều mặt đối với nền kinh tế các nước bao
gồm các nước phát triển và đang phát triển. Không chỉ dừng lại ở việc không thống nhất được
với nhau một định nghĩa đúng về lạm phát mà còn không thống nhất được với nhau những tác
động do lạm phát mang lại
Có quan điểm cho rằng lạm phát là sự tăng lên liên tục của giá cả - nói cách khác đó là
tình trạng mức giá cả tăng và tăng liên tục.
Có quan điểm cho rằng lạm phát là việc phát hành tiền giấy vượt quá mức đảm bảo bằng
vàng, bạc, ngoại tệ… của quốc gia vì vậy gây ra sự mất giá của tiền giấy làm cho giá cả hàng hóa
bị đẩy lên cao.
Có quan điểm cho rằng lạm phát là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa tiền và hàng trong
nền kinh tế, sự mất cân đối tiền lớn hơn vàng khiến cho giá cả tăng lên ở mọi lúc mọi nơi.
Việc nhìn nhận lạm phát bằng định nghĩa này hay định nghĩa khác khó đi đến thống nhất.
Tuy nhiên dù sao lạm phát thể hiện qua những đặc trưng cơ bản như sau:
_ Sự thừa tiền do cung cấp tiền tệ tăng quá mức
_ Sự tăng giá cả đồng bộ và liên tục theo sự mất giá của tiền giấy
_ Sự phân phối lại qua giá cả
_ Sự bất ổn về kinh tế - xã hội
2. Các loại lạm phát
Căn cứ vào tỷ lệ lạm phát, các nhà kinh tế chia lạm phát thành 3 loại khác nhau: lạm phát
vừa phải, lạm phát phi mã và siêu lạm phát.
2.1. Lạm phát vừa phải
Lạm phát vừa phải là loại lạm phát một con số, biểu hiện mức tăng giá ở tỷ lệ thấp, dưới
10% trong một năm.
Với loại lạm phát này, mức giá cả tăng chậm, được giới hạn ở mức một con số hàng năm.
Với lạm phát vừa phải, giá cả tăng chậm đến nỗi người ta không cảm nhận là đang có lạm phát
và do đó được coi như là giá cả tương đối ổn định. Trong trường hợp này, dân chúng vẫn còn tin
vào giá trị đồng tiền.
2.2. Lạm phát phi mã
Lạm phát phi mã là loại lạm phát hai hay ba con số trong vòng một năm. Với mức lạm
phát này, mức độ tăng giá gây tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế, thể hiện bằng đồng tiền
mất giá một cách nhanh chóng. Trong trường hợp này người dân tránh giữ tiền mặt mà muốn bảo
tồn của cải dưới dạng phi tiền tệ.
2.3. Siêu lạm phát
Siêu lạm phát là loại lạm phát với tốc độ tăng giá trên ba con số trong vòng một năm.
Đồng tiền bị mất giá đến mức chóng mặt. Dân chúng chìm ngập trong khối tiền để tìm kiếm một
chút ít hàng hóa vì hàng hóa đều hết sức khan hiếm. Trong trường hợp này, chức năng quan
trọng đầu tiên của tiền là làm phương tiện trao đổi bị triệt tiêu. Tiền có sẳn nhưng không mua
được hàng hóa vì không ai muốn bán hàng hóa để đổi lấy những đồng tiền bị mất giá quá mức.
3. Nguyên nhân
Lạm phát xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:
_ Nền kinh tế quốc dân bị mất cân đối, sản xuất sút kém, ngân sách quốc gia bị thâm hụt.
Đây được coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nói cách khác sự khủng hoảng về kinh tế và
tài chính của một quốc gia là nguyên nhân cơ bản và sâu xa đưa đến lạm phát.
_ Gắn liền với bội chi ngân sách là bộc phát tiền mặt, cung tiền tệ tăng trưởng quá mức
cũng là nguyên nhân trực tiếp của lạm phát.
_ Hệ thống chính trị bị khủng hoảng do những tác động bên trong và bên ngoài làm cho
lòng tin của dân chúng vào chế độ tiền tệ của Nhà nước giảm dần, từ đó làm cho uy tín và sức
mua của đồng tiền bị giảm sút.
_ Lạm phát còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, đó là việc nhà nước chủ động sử
dụng lạm phát như là một công cụ để thực thi chính sách kinh tế của Nhà nước.
4. Hậu quả
Ngoại trừ trường hợp lạm phát vừa phải có tác động tích cực đến sự phát triển của nền
kinh tế, còn lại nói chung lạm phát đều ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển đi lên của nền
kinh tế - xã hội.
_ Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Khi có lạm phát, giá cả vật tư hàng hóa, nguyên liệu tăng làm cho việc sản xuất kinh
doanh giảm sút, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, làm tăng tình trạng phát
triển không đều, mất cân đối giữa các ngành.
_ Trong lĩnh vực lưu thông buôn bán
Giá cả hàng hóa tăng dẫn đến tình trạng đầu cơ tích trữ hàng hóa, làm cho quan hệ cung -
cầu hàng hóa bị mất cân đối giả tạo, lĩnh vực lưu thông bị rối loạn.
_ Trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng
Lạm phát làm cho sức mua đồng tiền giảm, lưu thông tiền tệ diễn biến khác thường. Hoạt
động của ngân hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng do nguồn tiền gửi trong xã hội bị giảm sút
nghiêm trọng làm nhiều ngân hàng bị mất khả năng thanh toán và thua lỗ trong kinh doanh. Điều
này làm cho hệ thống tiền tệ bị rối loạn và không kiểm soát được.
_ Trong lĩnh vực tài chính nhà nước
Mặc dù lúc đầu lạm phát mang lại thu nhập cho Ngân sách nhà nước qua cơ chế phân
phối lại và cơ chế phát hành, nhưng do ảnh hưởng nặng nề của lạm phát, những nguồn thu của
ngân sách nhà nước mà chủ yếu là thuế ngày càng giảm (do hiệu quả kinh doanh bị giảm sút).
Có thể nói, hậu quả của lạm phát là rất nặng nề và nghiêm trọng. Lạm phát gây hậu quả
đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Lạm phát dẫn đến việc phân phối lại sản phẩm và thu nhập
quốc dân, khiến quá trình phân hóa giàu nghèo càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, lạm phát
làm cho một nhóm người này thu được lộc lớn còn nhóm khác bị thiệt hại nặng nề. Suy cho
cùng, gánh nặng của lạm phát lại đè lên vai người lao động.
5. Biện pháp khắc phục lạm phát
Lạm phát tăng cao và kéo dài gây ra những hậu quả lớn trong đời sống dân cư và tăng
trưởng kinh tế. Trong từng trường hợp cụ thể, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp tình thế
và biện pháp mang tính chiến lược sau:
5.1. Biện pháp tình thế
_ Biện pháp giảm lượng tiền giấy trong nền kinh tế như ngừng phát hành tiền vào lưu
thông. Biện pháp này còn được gọi là biện pháp đóng băng tiền tệ.
+ Ngừng thực hiện nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu đối với các ngân hàng thương mại
và các tổ chức tín dụng khác
+ Ngừng việc mua các chứng khoán ngắn hạn trên thị trường tiền tệ
+ Không phát hành tiền bù đắp bội chi ngân sách nhà nước
+ Ngân hàng trung ương bán các chứng khoán ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, bán ngoại
tệ, và phát hành các công cụ nợ của chính phủ để vay tiền trong nền kinh tế nhằm bù đắp bội chi
ngân sách nhà nước
+ Tăng lãi suất tiền gửi, đặc biệt là lãi suất tiết kiệm
_ Thực hiện chính sách tài chính thắt chặt như
+ Cắt giảm chi tiêu đến mức có thể
+ Tạm hoãn các khoản chi chưa cần thiết
+ Áp dụng các biện pháp cân đối lại thu chi ngân sách nhà nước
_ Tăng quỹ hàng hóa tiêu dùng để cân đối với số lượng tiền có trong lưu thông bằng cách
+ Giảm thuế quan kích thích sản xuất
+ Khuyến khích tự do mậu dịch
+ Biện pháp thu hút hàng hóa từ nước ngoài vào
_ Vay, xin viện trợ từ nước ngoài
_ Cải cách tiền tệ
5.2. Biện pháp chiến lược
_ Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và mở rộng lưu thông hàng hóa
_ Kiện toàn bộ máy hành chính, cắt giảm biên chế quản lý hành chính nhằm giảm chi
thường xuyên của ngân sách nhà nước, góp phần hạn chế tình trạng bội chi ngân sách nhà nước.
_ Tăng cường quản lý công tác điều hành ngân sách nhà nước nhằm tăng thu ngân sách
nhà nước, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả các khoản chi ngân sách nhà
nước.
C. TÓM TẮT CHƯƠNG
1. Tiền tệ là một loại hàng hóa đặc biệt, đóng vai trò vật ngang giá chung để đo lường giá
trị của các hàng hóa khác. Tiền tệ ra đời cùng với sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa.
2. Tiền tệ có bốn chức năng: chức năng đo lường giá trị, chức năng trung gian trao đổi,
chức năng dự trữ giá trị, chức năng thanh toán. Các chức năng này giúp chúng ta có thể phân biệt
hàng hóa thông thường với hàng hóa tiền tệ.
3. Tiền tệ tiến hóa qua rất nhiều hình thái: từ những hình thái thô sơ ban đầu cho đến
những hình thái hiện đại như ngày nay. Đó là các hình thái: hóa tệ, tín tệ, bút tệ (tiền ghi sổ) và
tiền điện tử.
4. Các khối tiền trong lưu thông tập hợp các phương tiện được sử dụng chung làm phương
tiện trao đổi, được phân chia tùy theo “độ lỏng” của các phương tiện đó trong những khoảng thời
gian nhất định của một quốc gia. Có 4 khối tiền tề đó là khối tiền tệ M1, M2, M3, L trong đó M1
nhỏ nhất, L lớn nhất.
5. Chế độ tiền tệ là hình thức tổ chức lưu thông tiền tệ của một nước, được xác định bằng
luật pháp, dựa trên một cơ sở nhất định gọi là bản vị tiền tệ. Có các chế độ tiền tệ sau: Chế độ
đơn bản vị bạc và chế độ đơn bản vị vàng, chế độ song bản vị, chế độ bản vị ngoại tệ và chế độ
lưu thông tiền giấy (tiền dấu hiệu).
6. Cầu tiền tệ là số lượng tiền tệ mà dân chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ
quan nhà nước,… cần để thỏa mãn các nhu cầu chi dùng của mình. Các loại cầu tiền bao gồm:
cầu tiền cho đầu tư, cầu tiền cho tiêu dùng, cầu tiền cho dự phòng. Cầu tiền chịu ảnh hưởng bới
các nhân tố khác nhau.
7. Cung tiền tệ là khối lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế đảm bảo cho các nhu cầu sản
xuất, lưu thông hàng hóa cũng như các nhu cầu chi tiêu khác của nền kinh tế - xã hội. Ngân hàng
trung ương cung ứng tiền vào lưu thông qua các kênh: kênh tín dụng, kênh thị trường mở, kênh
ngân sách, kênh thị trường hối đoái.
8. Đến nay có nhiều quan điểm khác nhau về định nghĩa đúng cho lạm phát cũng như
những tác động do lạm phát mang lại. Có quan điểm cho rằng lạm phát là sự tăng lên liên tục của
giá cả. Có quan điểm cho rằng lạm phát là việc phát hành tiền giấy vượt quá mức đảm bảo bằng
vàng, bạc, ngoại tệ… của quốc gia vì vậy gây ra sự mất giá của tiền giấy làm cho giá cả hàng hóa
bị đẩy lên cao. Có quan điểm cho rằng lạm phát là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa tiền và hàng
trong nền kinh tế, sự mất cân đối tiền lớn hơn vàng khiến cho giá cả tăng lên ở mọi lúc mọi nơi.
Căn cứ vào tỷ lệ lạm phát, các nhà kinh tế chia lạm phát thành 3 loại khác nhau: lạm phát vừa
phải, lạm phát phi mã và siêu lạm phát.