Thử Phát Họa Chân Dung Người Lính Thời Xưa
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Hơn bốn ngàn năm lập quốc, ngay từ những năm tháng sơ khai, dân tộc ta đã phải đương
đầu với tai họa chiến tranh. Cuộc chiến đấu vệ quốc đầu tiên của dân tộc Việt Nam xảy
ra dưới thời Hồng Bàng, cách nay hơn 4 ngàn năm. Truyền thuyết kể rằng : “ Đời Hùng
Vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hùng mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai
sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù
Đổng, bộ Võ Ninh (nay là huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh) có đứa trẻ xin đi đánh giặc
giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho
một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một
cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.
Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền
lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương.” (1). Đứa-trẻ-
chiến-binh của làng Phù Đổng – chính là đại biểu của tuổi trẻ Việt Nam, một tuổi trẻ giàu
lòng yêu nước – trải qua mấy ngàn năm lịch sử vẫn được nhân dân ta gọi là Thánh Gióng
! Và hình ảnh của người chiến sĩ đầu tiên đó đã được nhân dân ta nhắc đến với một tấm
lòng kính phục và biết ơn sâu sắc :
Nhớ xưa đương thuở triều Hùng
Vũ Ninh nổi đám bụi hồng nẻo xa
Trời thương Bách Việt sơn hà
Trong nơi thảo mãng nổi ra kỳ tài
Lên ba đang tuổi anh hài
Roi ngà ngựa sắt ra oai trận tiền
Một phen khói lửa dẹp yên
Sóc Sơn nhẹï gót thần tiên lên trời !
Và để tưởng nhớ người chiến binh anh hùng đầu tiên của dân tộc, không biết tự bao giờ,
cứ vào ngày 9 tháng Tư âm lịch, nhân dân quanh làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng,
thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh lại tổ chức ngày Hội Gióng :
Mồng bảy hội Khám
Mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu
Thì về hội Gióng
Đây là một ngày lễ hội thật tưng bừng, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân xâm
lăng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc Việt Nam còn trong thời kỳ non trẻ:
Giáo gươm, cờ xí trùng trùng,
Hàng năm mở hội tưng bừng vui thay !
Nhớ xưa Thánh Gióng tích rày,
Uy phong rạng rỡ đến nay còn truyền !
Và tiếp sau cuộc chiến đấu hào hùng của người chiến binh làng Gióng, lịch sử nước ta đã
phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh chống lại nạn xâm lăng của người phương Bắc?
Nhân dân ta đã phải chống trả lại bao nhiêu cuộc chiến tranh chống lại nạn quấy phá của
các nước láng giềng Lão Qua, Bồn Man, Chiêm Thành hay của người Nùng, người Thái
ở miền thượng du đất Bắc đến người sắc tộc thiểu số thuộc dãy Trường Sơn ? Và nhân
dân ta đã phải tham gia bao nhiêu cuộc chiến tranh gọi là “mở mang bờ cõi về phương
Nam” ? Nhân dân ta đã phải tham gia bao nhiêu cuộc chiến tranh để đàn áp các phong
trào nổi dậy của quần chúng bị áp bức ? Và nhân dân ta đã phải tham gia bao nhiêu cuộc
chiến tranh tranh quyền đoạt vị giữa các dòng họ từ loạn 12 sứ quân (945-967) của buổi
đầu quốc gia độc lập đến những cuộc đánh nhau giữa Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn,
Nguyễn – Tây Sơn với khoảng thời gian 300 năm dài loạn lạc bắt đầu từ ngày Mạc Đăng
Dung thoán ngôi vua Lê (1527) đến ngày Nguyễn Ánh thống nhất đất nước lên ngôi cửu
ngũ gọi là vua Gia Long (1802) ? Nói thế không có nghĩa là từ ngày Gia Long trị vì đất
nước ta đã thôi loạn lạc đâu. Thời Gia Long (1802-1819) hàng chục thì từ thời Minh
Mang (1820-1840) và các vua kế tiếp đã có hàng trăm cuộc dấy loạn của đám nông dân
nghèo khổ nổi lên chống lại sự cai trị hà khắc của triều đình nhà Nguyễn.
Lịch sử dân tộc đã ghi lại bao nhiêu chiến công oanh liệt của tiền nhân với những tên tuổi
lẫy lừng từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương đến Ngô Quyền, Lý
Thướng Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung . . . với hàng hàng, lớp lớp những
chiến binh anh hùng đã đem xương máu tài bồi cho nền độc lập của Tổ Quốc ! Vậy mà,
lịch sử văn học của ta hầu như không để lại một thiên anh hùng ca nào để vinh danh cho
những anh hùng hoặc hữu danh hoặc vô danh của dân tộc, ngoại trừ những đoạn mô tả lại
hình ảnh hào hùng của các bậc anh hào nữ kiệt trong các tác phẩm diễn ca lịch sử như
Thiên Nam Ngữ Lục của Vô danh thị hay Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và
Phạm Đình Toái !
Và một phần nữa là ở trong Ca Dao.
Mà người lính trong ca dao dù có được nhắc đến cũng không phải là nhiều so với những
công trạng, những thử thách, những gian nguy khổ ải mà họ đã phải gánh chịu qua suốt
dọc trường kỳ lịch sử của Dân Tộc. Vả lại, ngày nay có căn cứ theo ca dao để phác họa
lại chân dung của người lính thời xưa thì cũng khó mà phác họa một cách trung thực, bởi
lẽ, ngay trong thời kỳ quốc gia độc lập, trải qua nhiều triều đại cầm quyền, hình ảnh của
người lính chắc cũng không có những thay đổi gì nhiều trong cách trang phục và những
vũ khí mà họ sử dụng. Và sự thay đổi có xảy ra cũng chỉ là từ khi ta chịu ảnh hưởng phần
nào của người Tây phương khi ta bắt đầu giao tiếp với họ bằng con đường tôn giáo và
thương mại. Vả lại, số ca dao còn lai mô tả về người lính cũng không phải là nhiều so với
lượng ca dao đã được sưu tập !
Dưới đây, người viết thử phác họa lại hình ảnh của người lính thời xưa, cái thời mà nền
văn minh của nước ta chưa tiếp xúc với nền văn minh Tây phương. Dĩ nhiên đây chỉ là
hình ảnh người lính chiến thời xưa được dân chúng khắc họa một cách không hoàn hảo,
và cũng dĩ nhiên là ta không rõ đó là hình ảnh người lính chiến thuộc triều đại nào của
lịch sử Việt Nam :
Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai,
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền . . .
Dưới đây là hình ảnh của người lính thời xưa trong một bài ca dao khác:
Lệnh bài sai trẩy Cao Bằng
Cái khăn màu đằng, cái áo màu vang
Ngang lưng anh thắt đai vàng
Vai vác quyển súng, tay mang hòm ngòi . . .
Và trong một bài khác nữa:
Ngang lưng thì thắt cái bao
Vai vác khẩu súng con dao nạp rừng
. . . . . .
Vua ban cái áo mĩ miều
Nửa nhuộm màu điều, nửa nhuộm màu xanh . . .
Qua những câu được trích dẫn ở trên, ta thấy hình ảnh người chiến binh thời xưa được
mô tả như sau :
Đầu đội nón dấu : nón dấu là loại nón được đan bằng tre, có chóp, dùng cho binh lính
thời xưa. Đôi khi, người lính còn chít khăn trên đầu trước khi đội nón (cái khăn màu
đằng. Màu đằng là màu tím)
Chiến y của người lính xưa thường là màu đỏ :
Lệnh triều sai trẩy Cao Bằng
Cái khăn màu đằng, cái áo màu vang
Màu vang tức là màu đỏ. Ta có thành ngữ : “đỏ như vang”
Hay trong câu :
Vua ban cái áo mĩ miều
Nửa nhuộm màu điều, nửa nhuộm màu xanh
Trong bản dịch Chinh Phụ Ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (cuối thế kỷ thứ 18), ta cũng
thấy người chiến binh mặc áo đỏ :
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Ngang thắt lưng có thắt một cái hầu bao màu vàng :
Ngang lưng thì thắt bao vàng. . .
Ngang lưng anh thắt đai vàng. . .
Và vũ khi của người lính thì quá nhiều :
Này nhé :
- Súng vác vai, hỏa mai tọng nạp
Gươm tuốt trần, giáo cắp, mộc mang
- Ngang lưng anh thắt bao vàng
Vai vác quyển súng, tay mang hòm ngòi
- Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài
Một tay thời cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền. . .
Súng đây là loại súng bắn đá gọi là “thạch cơ điểu thương”
Nhiệm vụ chính của người chiến binh là đi đánh giặc:
Chẻ tre đan nón
Tá lý khăn xanh
Đánh giặc vùng Thanh
Những khe cùng núi
Những suối cùng đèo
Phận lính thì nghèo
Tiền lương gạo hết . . .
Ngoài nhiệm vụ đánh giặc (?), người lính thời xưa còn phải làm muôn ngàn công việc vất
vả cực nhọc :
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai . . .
Hay: Bài sai anh trẩy trấn Hưng
Đi những đường rừng, uống những nước khe
Ngày thời chém tre
Tối vào canh lũy . . .
Đó là những công việc của người lính ở ngoài biên ải, ở chốn chiến trường : vất vả, gian
nan, luôn luôn phải đối đầu với cái chết. Nhưng người lính ở hậu phương nào có khác gì.
Ngay người lính ở kinh đô cũng phải làm muôn vàn công việc vất vả, gian nan, đầy nguy
hiểm. Chẳng hạn, đây là số phận của người lính dưới thời vua Tự Đức : “Đến năm Bính
Dần (1866) là năm Tự Đức thứ 19, nhà vua đang xây Vạn Niên Cơ tức là Khiêm Lăng
bây giờ, quân sĩ phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận” (2). Có thể nhân lòng
dân quân oán hận nhà vua mà những người chủ trương cuộc nội loạn lật đổ nhà vua đã
cho loan truyền câu ca dao sau đây để kích động lòng dân chúng :
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thánh xây xương lính, hào đào máu dân !
Ngoài những công việc nặng nhọc, hiểm nguy, người lính lại phải chấp nhận một cuộc
sống vật chất thiếu thốn, đầy kham khổ :
. . . Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang, cùng nứa lấy ai bạn cùng ? !
. . . Lệnh bài sai anh trẩy trấn Tuyên
Muối rang khô đúc vô ống nứa
Gạo nhà chùa bán chợ không đâm . . .
Trên đây là những ghi nhận sơ lược về nhiệm vụ và đời sống vật chất thiếu thốn của
người lính thời xưa. Còn đời sống tình cảm của họ thì sao?
Ngoại trừ trong những giai đoạn chống giặc xâm lăng phương Bắc hay chống lại những
cuộc chiến tranh phá hoại của các lân bang như Lão qua, Bồn Man, Chiêm Thành là lúc
tinh thần người lính phấn chấn, họ nhận rõ được trách nhiệm của họ đối với quốc gia, dân
tộc, còn trong những giai đoạn nhiễu nhương của đất nước, tinh thần của họ thật sa sút.
Trước hết, họ thấy mình thật cô đơn. Trấn thủ nơi biên ải, họ cảm thấy như mình bị đi
đày và không còn biết tin vào ai, biết nương cậy vào ai. Ai cũng có thể làm cho họ nghi
ngờ. Họ chỉ biết tin vào định mệnh khắt khe, định mệnh tàn nhẫn, thế thôi :
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng!
Thân ở nơi biên ải mà hồn thì vưởng vất chốn quê nhà, thương cha thương mẹ, thương vợ
thương con, ngàn mối lo không cách nào xoay xở nổi :
Thương nàng đã đến tháng sinh
Ăn ở một mình, trông cậy vào ai?
Rồi khi sinh gái sinh trai
Sớm khuya mưa nắng lấy ai bạn cùng?
Ở ngoài biên trấn, nỗi lo âu như quấn chặt lấy họ. Lo gì? Nghĩ gì? Trăm mối lo ngổn
ngang trong lòng :
Lính anh lính mới chưa từng
Vai vác khẩu súng nửa mừng nửa lo
Gánh nặng chả ai đỡ cho
Cơn nặng thì ít, cơn lo thì nhiều!
Chính những nỗi lo âu dằn vặt tâm hồn họ. Họ cảm thấy thực sự bế tắc trong cuộc đời
binh ngũ, vì vậy, khi có lệnh xuất quân, họ có cảm nghĩ như mình sắp đi vào tử địa. Cái
tâm trạng lo âu sợ hãi đã bộc lộ một cách hết sức chân thật bằng những giọt nước mắt
chua cay khi có lệnh xuất quân :
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
Khi nghe tiếng trống xuất quân đổ liên hồi, chàng chiến binh với cái mã ngoài đầy hào
hùng với những “súng dài, hỏa mai, giáo” đã òa lên khóc ! Tội nghiệp ! Có thể chàng
khóc vì phải xa cha mẹ, vợ con. Có thể chàng khóc vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng chưa
hẳn chàng là người hèn nhát. Có thể chàng đã khóc vì một lý do chính đáng : chàng
không muốn mình phải hy sinh vô nghĩa trong một cuộc chiến tranh tương tàn, tranh
quyền đoạt vị giữa các dòng họ.
Đây nầy :
Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng !
Cuộc chiến tranh nào đây ? Đây là cuộc chiến tranh của dòng họ vua Lê và chúa Trịnh
tìm cách tiêu diệt dòng họ Mạc đang dùng Cao Bằng làm căn cứ địa cuối cùng để chống
với nhà Lê !
Và đây :
Kìa ai tiếng khóc nỉ non
Ấy vợ chú lính trèo hòn Đèo Ngang ! . . .
Cuộc chiến tranh nào đây ? Đây là cuộc chiến tranh giữa một bên là vua Lê chúa Trịnh ở
Đàng Ngoài với một bên là Chúa Nguyễn ở Đàng Trong !
Và đây nữa :
Tiếng ai than khóc nỉ non
Ấy vợ lính mới trèo hòn Cù Mông. . .
Cuộc chiến tranh nào đây ? Đây là cuộc chiến tranh giữa chúa Nguyễn và anh em nhà
Tây Sơn !
Chắc chắn chàng không phải là người chiến binh dưới ngọn cờ hào hùng của Ngô Quyền
trong trận thư hùng trên sông Bạch Đằng đánh tan đoàn quân xâm lăng Nam Hán giành
lại nền Độc Lập cho Tổ quốc Việt Nam năm 939 !
Chắc chắn chàng không phải là người chiến binh dưới hàng quân của Lý Thường Kiệt đã
từng vượt biên giới Việt Hoa đuổi quân nhà Tống chạy cách xa biên giớiù hàng trăm dặm
và sau đó đã đánh tan quân nhà Tống trên sông Như Nguyệt để giữ vững ngọn cờ Độc
Lập của Quốc gia :
Nam Quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !
(Sông núi nước Nam : vua Nam coi.
Rành rành phận định ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Bay sẽ tan tành chết sạch toi!)
( Lý Thường Kiệt – Hoàng Xuân Hãn dịch)
Chắc chắn chàng không phải là người chiến binh dưới ngọn cờ bách thắng của Hưng Đạo
Vương Trần Quốc Tuấn 3 lần chiến thắng đoàn quân Nguyên hùng hổ nhất thời bấy giờ
đã từng kéo quân từ Âu sang Á và đến Việt Nam phải khuất phục dưới sức đề kháng kiên
cường của quân dân thời nhà Trần !
Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan !
Chắc chắn chàng không phải là người chiến binh của Bình Định Vương Lê Lợi xuất quân
từ Lam Sơn rồi kéo thẳng ra Đông Đô đúng như lòng ước nguyện của muôn dân :
Lạy trời cho cả gió lên
Cho cờ vua Bình Định bay trên kinh thành !
đuổi quân nhà Minh chạy về phương Bắc không dám ngoái đầu lại nhìn đất Đại Việt oai
hùng !
Chắc chắn chàng không phải là người chiến binh dưới hàng quân của Quang Trung
Nguyễn Huệ trong cái ngày xuất quân từ Phú Xuân ra Bắc Hà để tiêu diệt đội quân xâm
lăng của Tôn Sĩ Nghị đang nằm chờ chết ở gò Đống Đa phía nam kinh thành Thăng Long
! “Tinh thần chiến đấu của binh đội Tây Sơn theo nhận xét của nhiều nhà truyền giáo
ngoại quốc, rất là cao. Người lính nào cũng gan dạ, thuần thục, một chống nổi mười nên
đánh đâu thắng đấy” (3) :
Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già !
Trên đây là những thời kỳ oai hùng trong lịch sử dân tộc. Mọi người dân đều nêu cao tinh
thần trách nhiệm của mình đối với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Đứng trước tình
trạng sinh tử của đất nước, họ đã nêu cao tinh thần ái quốc một cách triệt để. Mọi tình
cảm gia đình đều được để riêng một bên, chỉ còn lại tinh thần trách nhiệm cao độ của
người con trai đối vối quốc gia:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng ơi trở lại cùng con
Để anh đi trẩy nước non kịp người
Cho kịp chân ngựa, chân voi
Cho kịp chân người kẻo thiếu việc quan!
Hay:
Lên voi thúc một hồi còi
Thương cha, nhớ mẹ, lệnh đòi phải đi!
Ngay cả người phụ nữ, những người mẹ, người vợ cũng khuyên con, khuyên chồng làm
tròn nghĩa vụ của một người dân đối với đất nước :
Khuyên anh đi lính cho ngoan
Cho dân được cậy, cho quan được nhờ . . .
Họ khuyên chồng con đi lính, mọi việc gia đình họ hứa sẽ chu toàn cho người đàn ông
khỏi bận tâm:
Chàng ơi, phải lính thì đi
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi . . .
Chính tinh thần trách nhiệm của người đàn bà (người vợ) cộng với tinh thần trách nhiệm
của mình mà người chiến binh đã có thể an lòng giao việc phụng thờ tiên tổ cho vợ hiền
để chàng theo vua ra trấn biên ải giữ vững an ninh cho Tổ quốc :
Khen ai khéo tiện ngù cờ
Khéo xây bàn án, khéo thờ tổ tiên
Tổ tiên để lại em thờ
Anh ra ngoài ải cầm cờ theo vua !
Đó thời kỳ của những ông vua vì dân vì nước. Đó là thời kỳ của những bậc minh quân cai
trị quốc gia. Đó là thời kỳ của những Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Quang Trung
Nguyễn Huệ – những vì vua đã đem lại vinh quang cho dân tộc!
Người chiến binh “bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” như được trích ở trên có
thể đã sinh ra trong một thời kỳ đất nước đầy nhiễu nhương. Trước mắt chàng chỉ là hình
ảnh tranh quyền đoạt lợi giữa những thế lực phong kiến, chẳng hạn như giữa dòng họ
Mạc với dòng họ Lê tạo nên thời kỳ Nam Triều – Bắc Triều (1527-1592), giữa dòng họ
Trinh và dòng họ Nguyễn, giữa dòng họ Nguyễn Tây Sơn với dòng họ Nguyễn (Gia
Long) tạo nên thời kỳ Nam Bắc Phân Tranh kéo dài hàng hai trăm năm (1600-1802).
Chàng đã gia nhập quân đội trong cái tâm trạng bất đắc dĩ như thế nên chẳng cần phải
đợi giờ xuất quân chàng mới “nước mắt như mưa”, mà ngay trong cái công việc phục
dịch ở địa phương chàng cũng đã không cầm được nước mắt vì nghĩ đến cái thân phận bi
thảm của mình:
Nhà vua bắt lính đàn ông
Mười sáu tuổi rưỡi đứng trong công đường
Ai trông thấy lính chẳng thương
Đứng trong công đường nước mắt như mưa.
Vào những thời kỳ loạn lạc tranh ngội đoạt vị giữa các dòng họ Lê-Mạc-Trịnh-Nguyễn
trong hơn 300 năm đó, trai tráng phải chịu trăm cay nghìn đắng vì nạn bắt lính. Đây, ta
hãy xem Thích Đại Sán, một vị hòa thượng Trung Hoa trong khi thi hành Phật sự ở xứ
Đàng Trong thời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) mô tả những điều mà Ngài
đã mắt thấy tai nghe trong tác phẩm Hải Ngoại Kỷ Sự : “Mỗi năm vào khoảng tháng ba,
tháng tư, quân nhân đi ra các làng, bắt dân từ 16 tuổi trở lên, những người thân thwể
cường tráng, đóng gông lại banmg một cái gông tre hình như cái thang nhưng hẹp hơn để
giải về phủ sung quân. . .”(4) Tình trạng bắt lính như thế không phải chỉ xảy ra ở Đàng
Trong, mà còn xảy ra ở Đàng Ngoài của vua Lê chúa Trịnh ; không phải chỉ xảy ra trong
thời kỳ Nam Bắc phân tranh (1627-1775) mà còn xảy ra trước đó dưới thời Nam Bắc
Triều (1527-1592) giữa dòng họ Mạc và dòng họ Lê:
Lính vua, lính chúa, lính làng,
Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra. . .
Hay:
Vợ chồng mới cưới hôm qua,
Hôm nay đi lính xót xa muôn phần
Vợ chồng chưa kịp ái ân,
Nhà vua bắt lính lấy quân ở làng . . .
Binh chế không được quy định rõ ràng, thời gian tại ngũ là bao lâu hầu như không được
minh xác bằng một văn bản nhất định như Thích Đại Sán đă ghi trong tác phẩm dẫn
thượng: “ . . . tuổi chưa đến 60 chẳng được về làng cùng cha mẹ, vợ con đoàn tụ . . .” nên
đã xảy ra tình trạng người lính chỉ biết cầu mong mau hết giặc giã để được về quê hương
đoàn tụ với cha mẹ vợ con . Một câu hỏi nghe sao mà chua chát, một ước vọng như một
giấc mơ hão huyền trong thời kỳ đất nước loạn ly:
Bao giờ bắt được giặc Khôi,
Cho yên việc nước chồng tôi mới về.
. . . Bao giờ hết giặc hỡi trời !?
Bấy giờ ta mới về nơi quê nhà !
Một câu hỏi dường như không có câu trả lời. Ta hãy nghe lời đối thoại của một cặp vợ
chồng trẻ, vợ bụng mang dạ chửa, đã hẹn với chồng trong giờ phút chia ly chàng ra chiến
trận, những lời chân thực bộc lộ một thái độ chịu đựng thật chua cay, mà có lẽ chỉ có
người đàn bà Việt Nam mới có đủ can đảm để nói lên sự chịu đựng chua cay đó :
- Chàng ơi! Trẩy sớm hay trưa?
Để em gánh gạo tiễn đưa hành trình
- Thương nàng đã đến tháng sinh
Ăn ở một mình, trông cậy vào ai?
Rồi khi sinh gái, sinh trai
Sớm khuya mưa nắng lấy ai bạn cùng?
- Sinh gái thì em gả chồng,
Sinh trai lấy vợ, mặc lòng thiếp lo!
Chao ôi! Chàng ra đi khi thiếp chưa sinh, vậy mà thiếp đã đoán chừng cho đến ngày con
khôn lớn có thể “dựng vợ, gả chồng” chưa chắc chàng đã trở về! Cái thực tế của một thời
kỳ trong lịch sử Việt Nam là như vậy đó, nhưng chính sử có mấy khi được ghi chép đúng
đắn!
Dưới thời nhà Lý, nhà Trần các thân vương đều có quyền tuyển mộ binh lính và thành
lập các cơ đội riêng. Dĩ nhiên trong tình trạng này, các thân vương không đủ lương phạn
chi phí cho đội quân riêng của mình, do đó, hoặc là binh sĩ phải khai hoang lập điền,
trồng trọt để tạo lương thực hoặc là do chính gia đình người lính phải cung cấp lương
thực cho thân nhân. Dưới đây là tình hình lương bổng của người lính xứ Đàng Trong, từ
đó ta có thể suy ra tình trạng lương bổng cho người lính của các phía đối nghịch nhau
trong cả nước: “Ngoài chánh binh hoặc tinh binh ra, các quan Trấn thủ, Lưu thủ thường
lấy dân địa phương làm lính để canh giữ các nơi, binh ấy gọi là thổ binh, hoặc tạm binh,
hoặc thuộc binh. Số binh ấy rất đông gấp mấy lần chánh binh mà lại không được trả
lương tháng như chánh binh, họ chỉ được miễn sưu thuế mà thôi”. (5). Xem thế tình trạng
người lính tự cung tư dưỡng không phải chỉ xảy ra trong thời nhà Lý, nhà Trần mà nó còn
kéo dài gần như suốt thời kỳ các triều đại phong kiến cai trị đất nước:
* Chàng ơi, trẩy sớm hay trưa
Để em gánh gạo tiễn đưa hành trình. . .
* Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng . . .
Có những người chinh phụ một đời lao đao khổ nhục vì chiến tranh, hết lo cho chồng lại
đến lo cho con ở chiến trường :
Kìa ai tiếng khóc nỉ non
Ấy vợ chú lính trèo hòn Đèo Ngang
Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng
Gánh từng xứ Bắc, xứ Đông
Đã gánh theo chồng, lại gánh theo con!
Mọi chắt bóp dành dụm của người vợ cứ theo ngày tháng tại ngũ của chồng không cánh
mà bay đi dần dần trong nỗi tuyệt vọng trông chờ ngày chàng về – cái ngày về sao mà xa
diệu vợi :
Đồng ăn đồng gửi cho chồng
Đồng thì lính tráng, mỗi đồng mỗi ghê
Trông chàng chẳng thấy chàng về
Quan dài, quan ngắn gửi đi dần dần!
Đời sống của người lính vất vả quá. Đời sống của người lính gian nan quá ! Họ phải căn
răng chịu đựng “hữu thân hữu khổ biết phàn nàn cùng ai!”. Thế nên, đã có người thốt nên
lời chua cay :
Tiếc cho bác mẹ sinh thành,
Đẻ trai thời loạn uổng công trình lắm ru !
Đời sống của người lính vất vả, gian nan là vậy. Đời sống của người vợ lính gieo neo, vất
vả nào có kém gì. Vì vậy, đã có lúc người ta đã khuyên bảo nhau :
Ai về nhắn nhủ các cô,
Đừng lấy chồng lính thiệt thua trăm đường !
Kể từ thời Lý Nhân Tông (1072-1127), nhà vua cho mở khoa thi tam trường vào năm Ất
mão (1075) để kén nhân tài ra gánh vác việc triều đình , và năm Bính thìn (1076) cho lập
Quốc Tử Giám lấy Tứ Thư Ngũ Kinh làm sách giáo khoa, đào tạo quan lại cho triều đình
thì Nho Giáo thực sự được tôn trọng. Nho Giáo rất chú trong về vấn đề giáo dục đạo đức
– tiên học lễ, hậu học văn – thế nên, trong thời hưng thịnh của Nho Giáo, các quan lại của
triều đình là những người tiêu biểu cho nền đạo đức Nho Giáo, luôn luôn giữ giềng mối
của tam cương (vua tôi, cha con, chồng vợ) và ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Thế
nhưng, vào những thời kỳ quốc gia loạn lạc, nạn tranh quyền đoạt vị giữa các dòng họ
hoành hành, thì nền luân lý đạo đức của Nho Giáo cũng suy tàn theo và ta sẽ thấy người
dân đã lột trần mặt nạ của những vị quan ăn trên ngồi trước của triều đình bằng những
hình ảnh châm biếm thật sâu sắc và cũng từ đó ta thấy thân phận của người lính cũng thật
bi đát. Họ phải làm những công việc thật đáng tủi hổ là đi ve gái cho các quan tai to mặt
lớn của triều đình :
Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè
Ông Nghè sai lính ra ve . . .
Ông Nghè tức là người đỗ Tiến sĩ, học vị cao nhất trong khoa cử ngày xưa. Và ông Nghè
ra làm quan thì chí ít cũng là quan Bố chánh, Án Sát đứng đầu một tỉnh. Vậy mà ông
Nghè đã sai lính đi ve gái cho mình thì còn gì là luân thường đạo lý! Mà cũng tội nghiệp
cho người lính biết chừng nào!
Cái đặc sản của những thời kỳ quốc gia loạn lạc là như vậy đó. Quan đã vậy thì lính cũng
chẳng hơn gì. Cứ xem vào thời mạt vận của triều đại Hậu Lê và dòng họ Trịnh thì đủ biết.
Dòng họ Lê và dòng họ Trinh xuất thân từ Thanh Hóa, nhờ quân sĩ 3 phủ ở Thanh Hóa
và bốn phủ ở Nghệ An để bảo vệ nghiệp Vua và nghiệp Chúa gọi là “Ưu binh” hay lính
“Tam Phủ”. “Lính ưu binh đóng ở kinh đô, được kén làm quân túc vệ để bảo vệ hoàng
gia và phủ Chúa, được nhiều đặc ân, đặc quyền như được cấp công điền và cả chức sắc”
(6). Bọn lính nầy ỷ vào thần thế của nhàVua và nhà Chúa càng ngày càng lộng hành, kéo
nhau hàng đoàn hàng lũ đi cướp phá của dân chúng, ngay cả nhà của các quan lại đầu
triều chúng cũng không từ. Thế nên dân chúng rất căm ghét bọn lính nầy mà họ gọi là
“kiêu binh”. “Hễ có đứa nào đi lẻ loi thì dân làng lại bắt giết đi, thành ra quân với dân
xem nhau như cừu địch. . .” (7). Đây có thể được xem là hình ảnh đen tối nhất, bất xứng
nhất của người lính trải qua mọi triều đại. Ngay cả triều đại Tây Sơn, đánh tan 20 vạn
quân Thanh, phá tan mộng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, tạo nên một chiến công lẫy
lừng vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam với vị vua anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ.
Vậy mà, khi vị anh hùng cái thế nằm xuống (1792), triều đại Tây Sơn nằm dưới quyền
Thái sư Bùi Đắc Tuyên, tinh thần binh sĩ dần dần sa sút đến độ đoàn quân đã hơn một lần
tốc chiến tốc thắng nay chỉ còn là một đội quân rã rời với hàng ngũ chỉ huy chỉ là những
tên bỏ tiền ra mua địa vị trong quân ngũ :
Đô đốc tam thiên đô đốc
Chỉ huy bát vạn chỉ huy
Trung úy, vệ úy chẳng kể làm chi
Cai đội, phó đội lấy tàu mà chở !
Người chiến binh thực sự bị dân chúng ghét bỏ một khi họ trở thành kiêu binh, lợi dụng
quyền thế để hà hiếp dân lành, khinh thường luật pháp quốc gia. Chứ thực ra, trước
những chịu dựng vất vả của người lính, dù là trong thời kỳ đánh giặc ngoại xâm hay
trong thời kỳ nội chiến, dân chúng vẫn có cảm tình với người lính :
Cậu lính là cậu lính ơi,
Tôi thương cậu lắm, nắng nôi sương hàn !
Họ thương người lính vì người lính phải chinh thú xa quê hương, bỏ lại quê hương những
người thân thuộc mà không biết lấy ai đỡ đần khuya sớm :
Cảm thương chú lính nhỏ
Đầu đội nón gỗ
Trấn thủ xa nhà
Vợ con không có, mẹ già ai trông?
Đối với bất cứ triều đại nào, dù là trong thời bình hay thời chiến, quân đội luôn là một tập
thể cần thiết để bảo vệ chính quyền trước nạn nội chiến hay ngoại xâm. Thế nhưng, trên
thực tế, quan văn còn do khoa bảng xuất thân, còn quan võ thì thường là những người
đánh giặc có tài được thăng quan tiến chức, về sau, tuy triều đình có tổ chức các khoa thi
võ và cũng có những học vị như bên văn tức là tú tài, cử nhân hay tiến sĩ võ, nhưng phần
nhiều chữ nghĩa vừa đủ dùng để đọc một số binh thư còn phần lớn là nhờ vào tài võ nghệ
xuất thân. Chính sách của các triều đại cũng thường tỏ ra trọng văn khinh võ. Do đó, “các
võ quan thường không được người ta tôn trọng bằng quan văn, cho nên những người giỏi
văn học thường không tu giảng võ thuật, thành trong ngạch quan võ rất ít người văn võ
song toàn”(8). Thực ra, trong những giai đoạn quốc gia hưng thịnh, chẳng hạn như thời
Lê Thánh Tông (1460-1497), võ nghiệp rất được trọng vọng “Tinh thần thượng võ thuở
đó được lên cao do sự khuyến khích của triều đình nên có cả các vị văn quan xuất thân
khoa bảng cũng xin đổi sang võ chức” (9). Nhưng đây chỉ là họa hoằn. Còn phần lớn các
quan võ không được trọng vọng bằng quan văn :
Quan văn thất phẩm đã sang,
Quan võ tứ phẩm còn mang gươm hầu.
Chính cái ý thức trọng văn khinh võ đó đã tạo nên cái ý thức chung trong quần chúng là
xem thường giới võ biền. Để đối phó lại thái độ khinh bạc của quần chúng đối với giới võ
biền, người lính phải tự mình tạo cho mình một giá trị mà đôi khi nó bộc lộ cái tinh thần
hãnh tiến của cả một giới người :
Em đừng thấy lính mà khinh,
Lãnh binh, thống chế ba dinh một dòng !
Chiến tranh là một tai họa thảm khốc của con người do chính con người gây ra: Những
cuộc chiến tranh chống lại mộng xâm lăng cuả người Trung Hoa. Những cuộc chiến tranh
của các triều đình Việt Nam đem quân thôn tính lãnh thổ Chiêm Thành. Nhà Mạc cướp
ngôi của nhà Lê gây ra cuộc chiến tranh dai dẳng giữa 2 phe Nam Bắc Triều. Chúa Trịnh
ở Đàng Ngoài với chúa Nguyễn ở Đàng Trong gây ra những cuộc chiến tranh thảm khốc
lấy con sông Gianh làm ranh giới. Rồi biết bao nhiêu cuộc nổi dậy của đám dân bị áp bức
bị triều đình phong kiến cho quan quân đi đánh dẹp. Nguyên nhân của chiến tranh vẫn là
do tham vọng của con người. Sự thực lịch sử đã chứng minh điều đó. Thế nhưng, dưới
mắt nhìn của người dân thấp cổ bé miệng, họ không dám quy trách cho bất cứ một thế lực
nào của con người. Họ không muốn mang cái vạ tày đình vào thân như tù đày, thậm chí
đến mất cả sinh mạng. Thế nên, họ chỉ còn biết đổ riệt cho ông Trời, một thế lực siêu
nhiên đã có thể sinh họa tác phúc cho con người :
Trời ơi sanh giặc làm chi,
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường !
Hay:
Quả bồ hòn bổ ra xanh ngắt,
Hỏi ông trời sanh giặc làm chi ? *
* *
Trên đây là những nét phác thảo về chân dung của người chiến binh thời xưa qua những
vần ca dao còn lưu lại trong dân gian. Chắc chắn đây là bức chân dung không hoàn hảo,
tuy nhiên, dù có không hoàn hảo, bức chân dung của người chiến binh đó cũng đã để lại
trong tâm khảm người dân Việt những tình cảm thương yêu nồng nàn và lòng biết ơn sâu
sắc, bởi vì, qua hơn bốn ngàn năm làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, hàng ngũ chiến binh
đó đã phải hy sinh bao nhiêu máu xương để tài bồi cho nền Độc Lập của Tổ Quốc Việt
Nam.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Ghi chú:
(1) Việt Nam Sử Lược I, tr. 14, Trần Trọng Kim
(2) Việt Nam Sử Lược II, tr. 272
(3) Việt Sử Toàn Thư, tr. 556, Phạm Văn Sơn
(4) Hải Ngoại Kỷ Sự, trích lại từ Văn Học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm, tr.
(5) Việt Sử Xứ Đàng Trong, tr. 469, Phan Khoang
(6) Việt Sử Toàn Thư, tr. 492
(7) Việt Nam Sử Lược II, tr. 114
(8) Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, tr. 159, Đào Duy Anh
(9) Việt Sử Toàn Thư, tr. 405