Dinh dưỡng cho sức khỏe:
Lá vối - nước giải khát và thuốc chữa bệnh
Mùa hè, sau những giờ lao động mệt mỏi, nếu được ngồi nghỉ uống bát
nước vối sẽ thấy hết khát và đỡ mệt hẳn vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung
cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết bị mất theo mồ hôi.
Cây vối là một cây cỡ vừa, cao 5 - 6m, có khi hơn. Cành cây tròn hay hơi
hình 4 cạnh, nhẵn. Cuống lá dài 1- 1,5cm. Phiến lá dai, cứng, bầu dục hay trái
xoan ngược, hình trứng rộng, giảm nhọn ở gốc, có mũi nhọn ngắn, hai mặt cùng
màu nhạt có đốm màu nâu, dài 8 - 9cm, rộng 4 - 5cm. Hoa gần như không cuống,
màu lục nhạt, trắng. Cụm hoa hình tháp, trải ra ở kẽ các lá đã rụng. Quả hình cầu
hay hình trứng, đường kính 7 - 12 mm, nháp, có dịch. Toàn lá, cành non và nụ có
mùi thơm dễ chịu. Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Cần phân biệt cây
này với vối rừng, mọc hoang ở vùng núi. Nó cũng thuộc họ sim và được Đông y
dùng vỏ cây làm thuốc, gọi là hậu phác. Vị thuốc hậu phác được dùng chữa đau
bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa
Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ uống loại nước trắng suông (như nước đun
sôi để nguội), chỉ sau 30-40 phút cơ thể sẽ đào thải hết, nhưng nếu uống nước vối
hoặc chè tươi, sau cùng một thời gian ấy, cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng
nước đã uống, phần còn lại sẽ được thải ra từ từ sau đó.
Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa
nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy
lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu
nghiệm.
Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Mỗi khi ăn một bữa
có nhiều thịt, mỡ, người ta thường nấu một nồi nước vối thật đặc để uống cả ngày.
Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm
mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích
trong ruột.
Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so
với lá đã ủ. Ngoài ra, người ta còn dùng lá vối phối hợp với một số vị thuốc khác
để chữa đau bụng đi ngoài: Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Tất
cả đều thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống làm 2 lần
trong ngày. Dùng 2 - 3 ngày liền. Vỏ thân cây vối cũng được dùng sắc uống chữa
đau bụng, ăn không tiêu, liều lượng 6 - 12g một ngày.
Mướp đắng vị thuốc chống ung thư
Các nhà khoa học đã phát hiện trong mướp đắng có một loại protein hoạt
tính, có khả năng phòng ngừa ung thư rất hiệu quả. Loại protein này kích thích hệ
miễn dịch, loại trừ độc tố trong cơ thể. Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng,
có công dụng dưỡng huyết, bổ gan, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, dùng trị các
chứng bệnh nhiệt, trúng nắng, kiết lỵ, u nhọt, đau mắt đỏ do nhiệt.
Dưới đây là một số bài thuốc từ mướp đắng:
- Mụn nhọt, rôm sẩy: Dây mướp đắng đun sôi để nguội dùng để tắm sẽ hết
rôm sẩy và mụn nhọt.
- Hạ nhiệt, sáng mắt, giải độc: Mướp đắng một lượng vừa đủ, phơi hoặc sấy
khô, mỗi ngày dùng 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 - 20 phút thì
dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Tiểu đường: Lấy lá mướp đắng đun lấy nước, nước này có tác dụng hạ
nhiệt và rất tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, từ mướp đắng ta có thể chế biến thành các món ăn ngon, hấp
dẫn và bổ dưỡng như: Mướp đắng nhồi nhân đậu hũ với nấm mèo, mướp đắng
xào.
Những món ăn này có tác dụng tăng cường sức khoẻ và đặc biệt rất tốt cho
những người mắc bệnh tiểu đường.
Cà rốt - Món ăn- Vị thuốc
Củ cà rốt chứa một lượng lớn carotene, protid, lipid, glucid, các chất xơ,
các nguyên tố vi lượng và các vitamin như vitamin E và vitamin A. Nhờ đó, cà rốt
không chỉ bồi bổ cơ thể mà còn có khả năng chữa bệnh tuyệt vời.
Chữa quáng gà và mỏi mắt
Dân gian thường dùng cà rốt để chữa các bệnh về mắt như quáng gà, mỏi
mắt bởi thành phần vitamin A giàu có trong cà rốt.
Nên lưu ý là vỏ cà rốt rất tốt, do đó khi chế biến, ta nên rửa sạch và để
nguyên vỏ.
Chữa suy nhược cơ thể, giúp tăng cường thể lực
Cà rốt có khả năng tăng cường sức đề kháng cho các niêm mạc, nâng cao
khả năng miễn dịch, kháng khuẩn, giải độc và giúp cho cơ thể trở nên khoẻ mạnh.
Ngoài ra, cà rốt còn thúc đẩy tuyến thận tiết ra các hormone trị chứng nhức
mỏi, không những tốt cho thận mà còn mà còn có tác dụng loại bỏ những áp lực,
cân bằng hệ thần kinh, điều tiết cơ năng sinh lý của cơ thể, chống khô da, rụng tóc,
làm da trở nên căng mịn và cho một mái tóc suôn mượt.
Người có thể trạng suy nhược nên dùng các món ăn từ cà rốt để lấy lại sự
cường tráng. Người khỏe mạnh cũng nên ăn cà rốt để duy trì thể lực và giữ cho da
luôn khoẻ.
Chỉ cần hai củ cà rốt, ép lấy nước cùng một chút táo tàu (khoảng ¾ quả), và
¼ quả dứa, là chúng ta đã có một cốc sinh tố tuyệt vời, giúp tiêu tan mệt mỏi, và
làm cho tinh thần trở nên minh mẫn hơn.
Nếu không thích uống như vậy thì bạn có thể xay 200g cà rốt với 200g táo
(loại táo to, thường nhập từ Trung Quốc hoặc Mỹ), 20ml cốt chanh và khoảng
15ml mật ong, sức khoẻ của bạn sẽ phục hồi nhanh chóng.
Chữa các bệnh thiếu máu, huyết áp thấp, bệnh tim và chứng sợ lạnh
Vitamin A của cà rốt thúc đẩy sự tạo máu, kích thích quá trình tuần hoàn
máu. Trong khi đó, vitamin E của loại củ này thì lại có chức năng giữ nhiệt và
tăng cường sức sống cho các tế bào. Hai thành phần này hội tụ trong củ cà rốt,
giúp cho cà rốt có khả năng làm sạch dịch máu, và vận chuyển khí ôxy đến các tế
bào trong cơ thể. Nhờ đó, cà rốt trở thành loại củ chữa được bách bệnh, từ thiếu
máu đến huyết áp thấp, từ chứng sợ lạnh, thở gấp đến bệnh tim.
Một món ăn vừa ngon, vừa có công dụng chữa bệnh từ cà rốt mà chúng ta
nên áp dụng là món sa lát cà rốt: lấy 50g cà rốt bào, trộn với dấm mơ, dầu hoa
hồng và một chút mật ong. Món ăn này vừa đơn giản, dễ làm lại bổ dưỡng. Ăn
thường xuyên sa lát cà rốt trong một thời gian, bạn sẽ thấy cơ thể khoẻ mạnh hơn
nhiều.
Cây thiên lý chữa chứng mất ngủ
Thiên lý còn gọi là dạ lý hương, dạ lài hương. Là một loại cây dây leo tự
quấn. Thân dài 1 - 10m, màu lục ánh vàng, khi non có lông tơ, những đoạn thân
của năm trước màu xám nhạt, không có lông, thông thường có các mấu xốp nhỏ
thưa thớt. Cuống lá dài 1,5 - 5cm; phiến lá hình trứng, phần gốc lá hình tim với
các lõm gian thùy hẹp, nhọn mũi. Xim hoa kiểu tán (mọc thành chùm), chứa 15-30
hoa; cuống hoa 0,5-1,5 cm, có lông măng. Ra hoa trong khoảng từ tháng 5 đến
tháng 10. Bộ phận làm thuốc là rễ, lá và hoa thiên lý.
Theo Đông y, thiên lý có vị ngọt tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là
một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, bớt đi đái đêm, đỡ mệt mỏi, đau lưng, có
tính chống viêm, thúc đẩy chóng lên da non, được sử dụng trị liệu chữa lòi dom,
đinh nhọt, trị giun kim
Theo nghiên cứu hiện đại, thành phần dinh dưỡng có trong cây thiên lý bao
gồm: chất xơ 3%, chất đạm 2,8%, và gồm chất bột đường, các vitamin như C, B1,
B2, PP và tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như
calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao, vì vậy thiên lý
vừa là thức ăn và thuốc bổ dưỡng giúp trẻ mau lớn, giúp người già giảm chứng phì
đại tuyến tiền liệt vừa tăng sức đề kháng cho người sử dụng. Chất kẽm còn có tác
dụng đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam do thường xuyên tiếp
xúc với chì.
Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng thiên lý:
Chữa đái buốt: Lấy rễ cây thiên lý từ 10 - 20g, sắc lấy nước uống 2 - 3 lần
trong ngày. Uống trong 5 ngày.
Chữa đinh nhọt: Lấy lá cây thiên lý 30 - 50g, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn
nhọt, ngày thay 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi.
Trị giun kim: Lấy lá thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn liền từ 7 - 10 ngày sẽ
hiệu quả. Hoặc có thể dùng bài thuốc sau: Hoa thiên lý 30g, rau sam 20g, lá đinh
lăng 25g. Ba thứ rửa sạch, sao khô, sắc lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày chia
làm 3 lần, uống liên tiếp trong 3 ngày.
Chữa mất ngủ: Hoa thiên lý 30g, hoa nhài 10g, tâm sen 15g. Ba thứ sắc
chung lấy nước uống trong ngày. Dùng liên tục trong một tuần.
Phòng rôm sảy ngày hè: Hằng ngày nấu canh hoa thiên lý ăn. Với trẻ có thể
xay lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột khi cho trẻ ăn dặm.
Làm giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt: Hàng ngày lấy hoa thiên lý xào
với thịt bò ăn sẽ có tác dụng.
Lưu ý: Do trong thiên lý chứa kẽm nên khi sử dụng không xào nấu cùng
với các thức ăn giàu chất sắt như gan, thịt lợn nạc, rau muống vì chất sắt có
trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm ra khỏi cơ thể.