Hỏi đáp về thuốc và sức khỏe (Kỳ 1)
Khi nào phải dùng insulin?
Bệnh nhân ĐTĐ bị cắt bàn chân do không được điều trị và kiểm soát tốt.
Tôi năm nay 62 tuổi, bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) khoảng hơn 10 năm
nay. Thời gian vừa qua, đường huyết của tôi có hiện tượng không ổn định mặc dù
tôi chấp hành đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tôi đi khám lại và được bác sĩ chỉ định
cho dùng insulin đường tiêm. Xin quý báo giúp tôi hiểu rõ hơn về loại thuốc này
và khi nào thì dùng insulin cho những người như tôi? Tôi xin cảm ơn.
Võ Thị Hường (Nam Định)
Cho tới nay, y học vẫn chưa có khả năng chữa khỏi bệnh ĐTĐ và nếu
không được điều trị, quản lý tốt, bệnh sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu
được tư vấn điều trị đúng và tốt, kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp,
bệnh nhân vẫn có thể sống hoàn toàn khoẻ mạnh.
Có nhiều thuốc được sử dụng để điều trị ĐTĐ, trong đó có insulin. Insulin
là một protein gồm 51 acid amin, có hai chuỗi polypeptid A và B. Đây là một
hormon có tác dụng làm giảm đường máu do tế bào bêta của tụy tiết ra liên tục
suốt 24 giờ trong ngày. Ngoài ra, insulin còn được tiết theo nhu cầu từng lúc của
cơ thể, sự tăng đường máu sẽ kích thích tụy sản xuất insulin, nhất là tăng đường
máu sau các bữa ăn. Insulin bị phá huỷ ở đường tiêu hoá, do vậy phải dùng theo
đường tiêm.
Thông thường, insulin được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân ĐTĐ phụ
thuộc insulin (ĐTĐ týp 1 - hay gặp ở người trẻ). Tuy nhiên, trong một số trường
hợp nhất định, thuốc cũng được chỉ định sử dụng trong điều trị ĐTĐ không phụ
thuộc insulin (đái tháo đường týp 2 - hay gặp ở người già). Trong ĐTĐ týp 2,
insulin được chỉ định khi: có ceton niệu; đường huyết tăng khó kiểm soát bằng chế
độ ăn, thuốc uống; ĐTĐ týp 2 nhưng thể trạng không béo; không kiểm soát được
sự giảm cân và tăng đường huyết; thất bại trong điều trị với sulfonylurea; rối loạn
mỡ máu, đặc biệt tăng triglycerid không đáp ứng với chế độ ăn và thuốc hạ mỡ
máu; có bệnh lý cấp tính kèm theo, biến chứng cấp tính, phẫu thuật; suy gan, thận,
bệnh lý mạch máu ở người ĐTĐ nặng (mắt, tim, thận, não, tắc mạch chi ).
Khi dùng insulin người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn
như:
Hạ đường huyết: Thường gặp khi tiêm insulin quá liều, hoặc tiêm insulin
xong nhưng ăn muộn gây vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, co giật, thậm chí hôn mê.
Dị ứng: Có thể xuất hiện sau khi tiêm lần đầu hoặc sau nhiều lần tiêm
insulin, tỷ lệ dị ứng nói chung thấp.
Phản ứng tại chỗ tiêm: Ngứa, đau, cứng hoặc u mỡ vùng tiêm.
Tuy nhiên, việc lựa chọn insulin, liều lượng insulin, phối hợp với loại thuốc
hạ đường huyết nào phải tuỳ thuộc từng bệnh nhân cụ thể, không có công thức
chung cho tất cả các bệnh nhân. Do vậy, bác nên yên tâm và tuân thủ triệt để phác
đồ điều trị mà bác sĩ đã đề ra.
Thuốc nào để giảm ho?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ho và phản xạ ho là cơ chế tự vệ sinh lý
quan trọng của cơ thể để tống ra ngoài các dị vật ở phần trên của đường hô
hấp có thể gây tắc đường thở ra ngoài. Tuy nhiên, nếu ho quá mức thì việc
điều trị triệu chứng ho là rất cần thiết.
Chỉ dùng thuốc giảm ho trong trường hợp ho không có đờm, ho nhiều làm
người bệnh mệt mỏi, mất ngủ. Không dùng thuốc làm giảm ho trong trường hợp
ho có đờm (trong bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế quản ) vì ho được coi như
cơ chế bảo vệ có lợi, làm sạch đường thở.
Các thuốc giảm ho được chia làm 2 loại:
Thuốc giảm ho ngoại biên: Có tác dụng làm giảm nhạy cảm của các
receptor gây phản xạ ho ở đường hô hấp. Có thể dùng mật ong, glycerol (làm dịu
ho do có tác dụng bảo vệ, bao phủ các receptor cảm giác ở họng); benzonatat, bạc
hà còn gọi là menthol (có tác dụng gây tê các ngọn dây thần kinh gây phản xạ ho
nên làm giảm ho).
Thuốc giảm ho trung ương: Các thuốc này ức chế trực tiếp trung tâm ho ở
hành tuỷ, đồng thời có tác dụng an thần. Thuộc nhóm này bao gồm: codein,
dextromethorphan, noscapin (có hiệu quả trong trường hợp ho khan, mạn tính).
Ngoài ra, một số thuốc có tác dụng kháng histamin H1 như alimemazin,
diphenhydramin cũng có tác dụng chống ho, được dùng trong các chứng ho khan
do dị ứng, do kích thích, nhất là về đêm.
Nên dùng thuốc an thần nào?
Tôi năm nay 53 tuổi, gần đây tôi thường xuyên bị mất ngủ. Tôi đã dùng
thuốc an thần rotunda nhưng không cải thiện được tình hình. Vì mất ngủ nên tôi
rất mệt mỏi. Xin quý báo tư vấn cho tôi loại thuốc nào tôi có thể dùng được.
Trịnh Thị Hoài An
(Nghĩa Lộ - Yên Bái)
Nếu chị dùng rotunda không hiệu quả thì ngoài rotunda trên thị trường còn
có một số loại thuốc khác cũng có tác dụng chống mất ngủ:
- Zolpidem: Được chỉ định cho mất ngủ ở người lớn. Thuốc có thể dùng cả
cho bệnh nhân mất ngủ đầu giấc, giữa giấc và cuối giấc. Tuy nhiên, nếu dùng kéo
dài sẽ gây nghiện, vì thế chỉ nên dùng liên tục từ 3 - 10 ngày. Hạn chế việc dùng
liên tục quá 2 tuần.
- Tresam: Là thuốc giải lo âu không thuộc nhóm benzodiazepin, vì vậy khó
gây phụ thuộc thuốc. Do giảm triệu chứng lo âu nên thuốc khiến bệnh nhân ngủ tốt
hơn. Tuy nhiên hiệu quả của thuốc không cao, nhất là các trường hợp bệnh nhân
không có lo lắng.
- Các benzodiazepin: Các thuốc này cho kết quả điều trị chắc chắn, giấc
ngủ gần giống với giấc ngủ tự nhiên nên ít gây hiệu ứng phụ cho ngày hôm sau, vì
vậy dùng điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, thuốc dễ gây nghiện nên không được dùng
kéo dài. Nhìn chung không dùng liên tục quá 5-7 ngày để tránh gây nghiện. Các
thuốc benzodiazepin có thời gian bán huỷ ngắn như lorazepam, alprazolam được
chỉ định cho mất ngủ đầu giấc. Còn các thuốc có thời gian bán huỷ trung bình như
rivotril, lexomil, seduxen được chỉ định cho mất ngủ giữa giấc và cuối giấc hoặc
mất ngủ toàn bộ. Cần lưu ý rằng, dùng liều thấp nhất và thời gian điều trị ngắn
nhất có thể để tránh gây phụ thuộc thuốc.
Tốt nhất chị nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc thần kinh
để được trị hiệu quả, bởi đa số các thuốc an thần được quản lý chặt và chỉ bán theo
đơn của bác sĩ. Chúc chị chóng khỏe!
Những nguy cơ khi lạm dụng kháng sinh
Dùng KS không có chỉ định của bác sĩ dẫn đến một số vi khuẩn còn
sống sót tạo ra chất chống lại KS đó, gọi là hiện tượng kháng KS.
KS vào cơ thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, đồng thời cũng tiêu diệt luôn các
vi khuẩn có ích ở đường ruột mà các vi khuẩn này giúp cơ thể hấp thu một số
vitamin B12, K, PP và thúc đẩy quá trình tiêu hóa ở ruột. Vậy dùng KS đã gây ra
loạn khuẩn ruột, rối loạn tiêu hóa và bệnh thiếu sinh tố.
Một số vi khuẩn có nội độc tố, khi dùng KS vi khuẩn chết, độc tố vi khuẩn
giải phóng vào máu làm cho bệnh nặng thêm và có thể tử vong. Dùng KS có thể
gây ngộ độc cho một vài cơ quan như dùng KS nhóm aminosid có thể gây chóng
mặt ù tai hoặc giảm thính lực, độc với thận. Cloroxit gây giảm bạch cầu, KS chống
lao độc với gan, quinolone tổn thương gân xương.
Một biến chứng tồi tệ nhất là sốc phản vệ, cấp cứu không kịp thời dẫn đến
tử vong.
Ngành nông nghiệp còn dùng KS trong chăn nuôi. Lượng KS tồn dư trong
đất, trong nước, trong thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu
dùng.
Trải qua gần một thế kỷ, vị thế của KS đã được khẳng định, nhờ đó con
người có thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn rất hiệu quả. Vì vậy, con người phải
có trách nhiệm giữ gìn loại thuốc kỳ diệu đó bằng cách sử dụng thuốc KS hợp lý,
đúng chỉ định. Ở những nơi có điều kiện nên làm KS đồ, người dùng KS phải tuân
thủ tuyệt đối sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không, con người đã vô tình đánh mất
thứ “vũ khí” lợi hại để bảo vệ chính mình.
Viêm mũi mạn tính - Dùng thuốc gì?
Viêm mũi mạn tính bao gồm hai loại: Viêm mũi mạn tính xuất tiết và viêm
mũi mạn tính quá phát.
Viêm mũi xuất tiết: người bệnh thường bị chảy mũi. Niêm mạc mũi phù
nề, ứ đọng nhiều dịch nhầy, cuốn mũi cương to làm hẹp đường thở khiến người
bệnh khó thở (ngạt mũi). Ngạt mũi lâu dẫn đến ngửi kém, có khi mất ngửi. Bệnh
thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân do viêm mũi cấp tái diễn nhiều lần hoặc do
viêm VA, amidan
Viêm mũi quá phát: với biểu hiện ngạt tắc mũi là chính (do quá phát niêm
mạc), đôi lúc có xuất tiết. Loại này thường gặp ở người lớn. Nguyên nhân có thể
do dị tật vách ngăn mũi (vẹo vách ngăn, polyp mũi), do tiếp xúc với hóa chất,
bụi đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng hoặc giảm sức đề kháng
Viêm mũi mạn tính nếu không điều trị sẽ dẫn đến viêm xoang, viêm họng
mạn, viêm thanh quản, viêm khí - phế quản, viêm tai giữa, nhất là ở trẻ nhỏ.
Điều trị viêm mũi mạn tính trước hết cần giải quyết nguyên nhân gây bệnh.
Để điều trị triệu chứng có thể dùng các thuốc làm săn se niêm mạc như argyron
(đối với trẻ em) hay xông mũi, khí dung với tinh dầu thơm (với người lớn). Chống
phù nề (ngạt mũi) bằng việc tra hoặc nhỏ các thuốc làm co mạch: naphazolin,
sulfarin, xylobalan Tuy nhiên đối với các thuốc làm co mạch không được dùng
quá 7 ngày. Nếu lạm dụng loại thuốc này có thể bạn sẽ bị viêm mũi do thuốc. Mũi
của bạn sẽ bị ngạt nặng hơn. Có thể dùng kháng sinh, thuốc chống dị ứng khi có
đợt cấp. Cần rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý.