Tải bản đầy đủ (.pdf) (22 trang)

Tác động của khu vực mậu dịch tự do ASEAN trung quốc tới thương mại việt nam trung quốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (508.6 KB, 22 trang )

Tác động của khu vực mậu dịch tự do ASEAN -
Trung Quốc tới thương mại Việt Nam - Trung
Quốc

Nguyễn Hồng Thu

Trường Đại học Kinh tế
Luận văn ThS ngành: Kinh tế thế giới và quan hệ KTQT; Mã số: 60 31 07
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung
Năm bảo vệ: 2009



Abstract: Trình bày những vấn đề lý luận chung về khu mậu dịch tự do, cũng như các
nhân tố thúc đẩy xu hướng hình thành hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) trên thế
giới hiện nay. Nghiên cứu những tác động của khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung
Quốc (ACFTA) tới thương mại hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc từ khi ký kết hiệp định
(ngày 4/11/2002) đến nay. Phân tích, đánh giá thực trạng quan hệ thương mại Việt Trung
qua những tác động của ACFTA: tác động tĩnh (tạo thương mại và chênh lệch thương
mại); tác động động (gia tăng cạnh tranh và mở rộng thị trường, thương mại gắn với đầu
tư; tăng trưởng kinh tế, tăng cường trao đổi kinh nghiệm hợp tác thương mại); một số tác
động khác (nhiều hiệp định được ký kết, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong
ACFTA); và đưa ra những vấn đề còn tồn tại. Trên cơ sở những đánh giá tác động của
ACFTA tới thương mại Việt Trung và triển vọng của ACFTA đối với Việt Nam (cơ hội
và thách thức), đề ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại Việt –Trung:
đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với nhà nước và doanh nghiệp

Keywords: ASEAN; Mậu dịch tự do; Thương mại hàng hóa; Trung Quốc; Việt Nam


Content


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong hai thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc liên tục phát triển mạnh mẽ một phần là nhờ
Trung Quốc tích cực cải cách mở cửa nền kinh tế. Khi xây dựng chiến lược phát triển cho thế kỷ
mới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược phát triển
kinh tế đối ngoại, trong đó bao gồm cả việc xây dựng chiến lược châu Á đối với tăng trưởng kinh
tế của đất nước. Đặc biệt, Trung Quốc nhận thấy, trong bối cảnh tự do hoá thương mại phát triển
mạnh mẽ, liên kết kinh tế có những tác động tích cực và là một nấc thang phát triển mới của quá
trình quốc tế hóa.
Trong khi đó, với quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN
ngày càng có vị trí quan trọng trên bản đồ kinh tế thế giới. Nhiều cường quốc kinh tế trong khu
vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều muốn chọn ASEAN là đối tác chiến lược trong
quan hệ hợp tác. Do vậy, Trung Quốc đã chủ động đứng ra đề xuất thành lập khu vực mậu dịch
tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Ngày 4-11-2002 tại Phnôm Pênh (Campuchia), Trung
Quốc và ASEAN đã ký kết “Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện”, mở đường cho việc
thiết lập ACFTA. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn về quan hệ hợp tác giữa hai bên
trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Sự phát triển quan hệ hợp tác ASEAN – Trung Quốc đã tác động mạnh mẽ đến các quan
hệ quốc tế cũng như đời sống kinh tế – xã hội của khu vực Đông Á. Cũng như các chương trình
tự do hoá thương mại khác của ASEAN, ACFTA hình thành sẽ mang đến cho Việt Nam những
cơ hội lớn và cả những thách thức không nhỏ. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nhận thức đầy đủ
về tác động của ACFTA để có thể tận dụng được thời cơ, và khắc phục những khó khăn, thách
thức để phát triển kinh tế.
Việt Nam không những là thành viên của ASEAN mà còn là nước láng giềng của Trung
Quốc, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Trung Quốc tăng cường mối
quan hệ hợp tác. Do đó, việc đánh giá những tác động của ACFTA đối với thương mại Việt -
Trung là một bức thiết cả về lý luận lẫn thực tiễn. Kết quả nghiên cứu này có thể góp phần cung
cấp cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng các chiến lược hội nhập kinh tế
của Việt Nam trong thời gian tới.
2. Tình hình nghiên cứu

Mặc dù Trung Quốc và ASEAN mới chỉ thực hiện những bước đi ban đầu trong sự hình
thành và phát triển ACFTA, song quá trình hình thành ACFTA và những tác động của nó đến
đời sống quan hệ quốc tế ở trong khu vực và trên thế giới đang ngày càng trở thành mối quan
tâm rộng rãi của giới nghiên cứu. Cho đến nay, đã có rất nhiều học giả Việt Nam và nước ngoài
nghiên cứu về ACFTA dưới những góc độ khác nhau.
Trong các công trình nghiên cứu đã được công bố, đáng chú ý là hai cuốn sách “Quan hệ
Trung Quốc – ASEAN” của ba tác giả John Wong, Zou Keyuan và Zheng Huaqun xuất bản năm
2006; và cuốn “Quan hệ ASEAN – Trung Quốc: Thực trạng và triển vọng” của Viện Nghiên
cứu Đông Nam Á Singapore xuất bản năm 2005 do Saw Swee Hock, Sheng Lyjun và Chin Kin
Wah chủ biên. Hai cuốn sách này đã tập trung xem xét nghiên cứu mối quan hệ ASEAN – Trung
Quốc một cách hệ thống trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, luật pháp. Từ đó họ chỉ ra
tầm quan trọng của sự tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời đưa ra những
dự báo về triển vọng trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ngoài các cuốn sách này, còn có nhiều bài nghiên cứu và phân tích khác. Tiêu biểu là bài
“Cơ cấu của Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN và các cơ hội và thách thức” của
He Shengda và bài “Khu vực mậu dich tự do Trung Quốc – ASEAN: Nguồn gốc, quá trình phát
triển và sự thúc đẩy chiến lược” của Sheng Lijun, đều tập trung vào việc khái quát cơ bản về
ACFTA, đồng thời cũng đưa ra những thuận lợi và khó khăn trong việc hình thành ACFTA.
Ở Việt Nam, trước hết phải kể đến cuốn sách “Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung
Quốc: Quá trình hình thành và triển vọng” của Hồ Châu, Nguyễn Hoàng Giáp và Nguyễn Thị
Quế (đồng chủ biên). Các tác giả đã đề cập một cách hệ thống về ACFTA trên các lĩnh vực kinh
tế, chính trị – an ninh, văn hoá - xã hội. Đồng thời, trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó
khăn của ACFTA, đã có một số kiến nghị có tính đối sách cho Việt Nam. Mới đây có cuốn
“Quan hệ Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản trong bối cảnh mới và tác động của nó tới Việt
Nam”, Vũ Văn Hà chủ biên do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007. Cuốn sách
tập trung làm rõ bản chất, đặc điểm và xu hướng phát triển của ba thực thể Trung Quốc, ASEAN
và Nhật Bản trong bối cảnh mới, đánh giá tác động của mối quan hệ đó đến Việt Nam và trên cơ
sở đó đề xuất các giải pháp chính sách trong quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam.
Bên cạnh các nghiên cứu này là các bài nghiên cứu về từng vấn đề cụ thể như thương
mại, đầu tư, an ninh chính trị cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Nổi bật là bài “FTA giữa

Trung Quốc và ASEAN: Đặc biệt phân tích từ vị trí của Việt Nam” của tác giả Trần Văn Thọ; bài
“Tác động của môi trường địa chính trị Đông Nam Á đang thay đổi đến quan hệ ASEAN – Trung
Quốc thập niên đầu thế kỷ XXI” của tác giả Trần Khánh; bài “Tác động của sự phát triển quan
hệ Trung Quốc – ASEAN đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay” của Nguyễn
Hoàng Giáp; bài “Quan hệ thương mại ASEAN – Trung Quốc: Cơ hội và thách thức đối với sự
phát triển thương mại Việt Nam” của Đặng Đình Đào và Đặng Thị Thuý Hồng; bài “Khu vực
mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN: Quá trình hình thành, thực trạng và triển vọng” của
Nguyễn Hồng Thu.
Các công trình nghiên cứu, bài viết vừa nêu trên đã tiếp cận một số vấn đề về quan hệ
ASEAN – Trung Quốc, về nội dung, về những thuận lợi, khó khăn, ảnh hưởng của ACFTA đối
với các nước trong khu vực và Việt Nam. Song nhìn chung chưa có nghiên cứu chuyên sâu về
tác động của khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc tới thương mại Việt Nam – Trung
Quốc. Do vậy, việc nghiên cứu những tác động tích cực và những thách thức của ACFTA tới
thương mại Việt Nam – Trung Quốc là rất cần thiết. Đồng thời trên cơ sở đánh giá những tác
động đó có thể đưa ra một số giải pháp để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội do ACFTA
mang lại, và khắc phục những thách thức để phát triển kinh tế.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là phân tích và đánh giá những tác động của ACFTA
tới thương mại Việt Nam.
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn là:
- Nghiên cứu những tác động của khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc tới
thương mại hàng hoá Việt Nam – Trung Quốc từ khi ký kết Hiệp định đến nay.
- Đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong quá
trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tác động của khu vực mậu dịch tự do ASEAN –
Trung Quốc tới thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Phạm vi nghiên cứu: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN Trung Quốc có tác động đối với
thương mại Việt Nam – Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, song luận văn sẽ chỉ đi sâu vào nghiên
cứu tác động của ACFTA tới thương mại hàng hoá của Việt Nam – Trung Quốc từ khi ký kết

Hiệp định tại Phnômpênh ngày 4-11-2002 đến nay.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện luận văn, ngoài các phương pháp cơ bản được sử dụng trong
việc nghiên cứu các khoa học xã hội nói chung cũng như kinh tế học như duy vật biện chứng,
duy vật lịch sử, trừu tượng hóa khoa học, luận văn còn sử dụng các phương pháp thống kê, phân
tích, tổng hợp thực tiễn nhằm tìm ra những cứ liệu minh họa các luận điểm. Bên cạnh những
phương pháp trên luận văn dùng các phương pháp phân tích so sánh, đối chiếu làm phương pháp
chủ đạo trong khi tiếp cận và nghiên cứu đề tài. Từ đó, luận văn tham khảo và thừa kế một cách
có chọn lọc những kết quả nghiên cứu khoa học có liên quan đến đề tài.
6. Đóng góp của luận văn
- Hệ thống hoá những vấn đề lý luận chung về khu vực mậu dịch tự do, đặc biệt là phần
lý luận về tác động của nó đối với các nước thành viên tham gia.
- Dựa trên thực trạng thương mại Việt – Trung trong bối cảnh ACFTA, luận văn phân
tích, đưa ra những đánh giá về tác động của ACFTA tới thương mại Việt – Trung: (1) Tác động
tĩnh (tạo thương mại và chệch hướng thương mại); (2) Tác động động (gia tăng cạnh tranh và mở
rộng thị trường; thương mại gắn với đầu tư; tăng trưởng kinh tế; tăng cường trao đổi kinh
nghiệm hợp tác thương mại; (3) Một số tác động khác (Nhiều hiệp định được ký kết; Nâng cao
vai trò và vị thế của Việt Nam trong ACFTA); và đưa ra những vấn đề còn tồn tại.
- Trên cơ sở những đánh giá tác động của ACFTA tới thương mại Việt – Trung và triển
vọng của ACFTA đối với Việt Nam (cơ hội và thách thức), luận văn tập trung vào hai nhóm giải
pháp cơ bản nhằm thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam – Trung Quốc, đó là đẩy mạnh xuất
khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với nhà nước và doanh nghiệp
7. Nội dung và kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận
văn được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Những vấn đề lý luận chung về khu vực mậu dịch tự do
Chương 2. Tác động của khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc tới thương mại
Việt Nam – Trung Quốc
Chương 3. Một số giải pháp đẩy mạnh thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong bối
cảnh Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc.



CHƢƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
VỀ KHU VỰC MẬU DỊCH TỰ DO

1.1. Khái niệm về khu vực mậu dịch tự do
1.1.1. Các hình thức hội nhập kinh tế quốc tế
Có năm hình thức liên kết và hội nhập kinh tế xét theo mức độ cam kết tự do hoá thương
mại và liên kết kinh tế từ thấp đến cao. Đó là: (1) Thoả thuận mậu dịch ưu đãi; (2) Khu vực mậu
dịch tự do; (3) Liên minh thuế quan; (4) Thị trường chung; (5) Liên minh kinh tế.
1.1.2. Khu vực mậu dịch tự do
Trong 5 hình thức ở trên, khu vực mậu dịch tự do (FTA) là giai đoạn thứ hai trong hội nhập
kinh tế. Vì vậy, ở một góc độ nào đó các liên minh thuế quan, thị trường chung và liên minh kinh
tế cũng được coi là một khu vực mậu dịch tự do.
Xét từ góc độ pháp lý thì Hiệp định thương mại tự do là dạng hiệp định quá độ (interim
agreement) làm cơ sở pháp lý cho việc hình thành một khu vực thương mại tự do sau một
khoảng thời gian nhất định. Tính chất của hiệp định thương mại tự do gần giống với khu vực
mậu dịch tự do nói trên nhưng tùy theo thoả thuận của các bên mà nội dung của hiệp định thương
mại tự do có thể gồm một số yếu tố của một thị truờng chung. Do đó những phân tích trong luận
văn này sẽ bao hàm cả hiệp định thương mại tự do và khu vực mậu dịch tự do, và được gọi tắt là
FTA.
1.2. Các nhân tố thúc đẩy xu hƣớng hình thành FTA hiện nay
1.2.1. Tính chủ động tham gia quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế của các nước
Làn sóng toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ khiến các quốc gia ngày càng tương thuộc lẫn
nhau và đều phải cố gắng cải cách nền kinh tế thích hợp sao cho có thể tận dụng được tối đa các
cơ hội mà toàn cầu hoá mang lại. Do vậy các nước đều tích cực chủ động hội nhập và liên kết
kinh tế khu vực, và coi đây là một cách điều chỉnh chính sách quan trọng trước sức ép cạnh tranh
mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hoá.
1.2.2. Nhu cầu phát triển bên trong mỗi quốc gia
Sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ khi Mỹ gặp bất lợi ngày càng nhiều trong quan hệ

thương mại với thế giới khi hiệp định thương mại đa phương còn có nhiều hạn chế đã kéo theo
“phản ứng dây chuyền” của hàng loạt các quốc gia vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ sang tự do
hoá thương mại khu vực và song phương. Đặc biệt, sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-
1998, các quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu như các nền kinh tế Đông Á buộc phải
tìm kiếm động lực cải cách và tăng trưởng mới, chuyển hướng chính sách kinh tế đối ngoại sang
liên kết khu vực và song phương. Như vậy, việc hình thành các FTA khu vực và song phương
chính là hướng điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại quan trọng của các quốc gia trước môi
trường kinh tế quốc tế đầy biến động nói chung.
1.2.3. Những bế tắc trong hệ thống thương mại đa phương
Hầu hết các nhận định đều cho rằng, sự bế tắc của vòng đàm phán thương mại đa phương
đã buộc nhiều quốc gia tìm đến giải pháp FTA. Do xuất phát từ lợi ích quốc gia, các nước phát
triển và đang phát triển đã không đạt được sự đồng thuận cao trong chương trình phát triển Đôha
hay tại Hội nghị Cancun gần đây, và chính sự thiếu nỗ lực cần thiết để củng cố vai trò và hiệu
quả của hệ thống thương mại toàn cầu là nguyên nhân đẩy mạnh xu hướng ký kết các FTA song
phương và khu vực trên thế giới.
1.2.4. Tính hiệu quả, và hấp dẫn của các hiệp định thương mại khu vực
Sự liên kết kinh tế khu vực thành công của Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực mậu dịch
tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã thúc đẩy các quốc gia tích cực tìm kiếm FTA với hy vọng các FTA
có thể khuyến khích cải cách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời củng cố nội bộ các thành
viên tham gia FTA. Mặt khác, các quốc gia coi FTA là bước thử nghiệm để tham gia tự do hoá
thương mại toàn cầu trong điều kiện thế giới chưa sẵn sàng cho thương mại tự do ở mức toàn
cầu.
1.2.5. Xu hướng hình thành các FTA trên thế giới
Có thể thấy rõ xu hướng hình thành các FTA trong nền kinh tế thế giới bắt đầu xuất hiện từ
đầu những năm 1980 và bùng nổ sau năm 1995 khi WTO được thành lập. Tính đến cuối năm
2005 thương mại toàn cầu có khoảng 300 FTA khu vực và song phương. Đến tháng 3/2007 có
194 FTA vẫn còn hiệu lực trên thế giới.
1.3. Một số tác động chủ yếu của FTA
1.3.1. Tác động tĩnh
1.3.1.1. Tác động tạo thương mại

Tác động này xuất hiện khi một nước thành viên của FTA thay thế việc sản xuất một mặt
hàng nội địa có chi phí sản xuất cao nào đó bằng việc nhập khẩu mặt hàng đó rẻ hơn từ các nước
thành viên FTA, do việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan khiến giá hàng hoá nhập khẩu thấp hơn chi
phí cho việc sản xuất mặt hàng đó ở trong nước. Tác động này sẽ làm tăng phúc lợi kinh tế tổng
hợp của các nước thành viên FTA do việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất, cắt giảm các ngành ít hiệu
quả, sử dụng nhiều tài nguyên sang tăng cường xây dựng đầu tư vào các ngành công nghiệp dựa
trên những lợi thế so sánh.
1.3.1.2. Tác động chệch hướng thương mại
Tác động này xuất hiện khi các thành viên của FTA chuyển hướng nhập khẩu hàng hoá,
khi đó những hàng hoá nhập khẩu với chi phí thấp từ các quốc gia không phải thành viên FTA
được thay thế bởi những hàng hoá nhập khẩu với chi phí cao hơn từ các thành viên FTA. Tác
động này sẽ làm các nước thành viên FTA bị tổn thất vì phải tăng nhập khẩu những hàng hoá
kém hiệu quả hơn, từ đó tạo nên những thay đổi trong cơ cấu sản xuất.
1.3.2. Tác động động
1.3.2.1. Mở rộng thị trường và thúc đẩy cạnh tranh
Việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất thâm nhập
thị trường các nước thành viên FTA dễ dàng hơn. Mở rộng thị trường giúp các doanh nghiệp có
thể tiếp cận nhiều hơn với cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng lợi nhuận, song cũng buộc các
doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất khốc liệt. Các doanh nghiệp muốn trụ lại sẽ
phải tự vận động nhằm thoát khỏi tình trạng trì trệ, ỷ lại, buộc họ phải đổi mới hoạt động kinh
doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, sử dụng các nguồn lực hiệu
quả hơn, hạ giá thành sản phẩm.
1.3.2.2. Thúc đẩy đầu tư và nâng cao trình độ công nghệ
Việc hình thành FTA tạo ra những tác động quan trọng đối với môi trường đầu tư. Cùng
với sự gia tăng các nguồn vốn đầu tư là quá trình chuyển giao công nghệ, phương pháp quản lý,
đặc biệt là giữa các thành viên có trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Quá trình này giúp cho
các nước phát triển ở mức thấp hơn có điều kiện tiếp nhận công nghệ mới, hiện đại, học hỏi được
nhiều kinh nghiệm quản lý, hoạch định chính sách, giúp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện
thể chế phát triển, thể chế chính sách quốc gia tốt hơn.
1.3.2.3. Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế được phản ánh qua việc gia tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị
trường được mở rộng, tạo ra dòng thương mại và đầu tư mới với kết quả là làm gia tăng sản
lượng và tăng thu nhập. Các nước tham gia FTA được bảo đảm về thị trường xuất khẩu ổn định,
hạn chế được các biện pháp bảo hộ phi quan thuế.
1.3.3. Một số tác động khác
1.3.3.1. Tăng cường an ninh và chính trị
Các đề xuất thành lập FTA thường vừa mang mục đích kinh tế lại vừa mang tính chiến
lược bao hàm cả vấn đề chính trị và an ninh nữa. Đôi khi các FTA lại có những hiệu ứng an ninh
và chính trị nổi trội hơn cả như quá trình hội nhập của EU và ASEAN. Vì khi các đối tác có quan
hệ kinh tế, thương mại gần gũi hơn có thể làm tăng lòng tin giữa các thành viên, từ đó làm giảm
những xung đột, căng thẳng trong quan hệ đối ngoại giúp cho quan hệ chính trị được cải thiện.
Bên cạnh đó, các FTA cũng tạo điều kiện mới cho giải quyết các vấn đề chủ quyền quốc gia đối
với một số khu vực (đảo, thềm lục địa, lãnh thổ, lãnh hải) còn đang tranh chấp giữa các nước.
1.3.3.2. Gia tăng vị thế quốc gia
Việc hình thành FTA sẽ giúp các nước nhỏ có thể có được vị thế lớn hơn thay vì cá thể đơn
lẻ, nó cho phép các nước thành viên có được khung khổ và cơ chế phối hợp hiệu quả, thống nhất
hơn trước các đối tác lớn khác. Đối với các nước có vị thế lớn trên thế giới, việc lôi kéo các nước
khác tham gia vào FTA nhằm mục đích thiết lập một trật tự mới có lợi hơn cho họ trên bản đồ
địa chính trị, địa kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, hình thành FTA cũng là một phương cách hữu hiệu
tăng cường sức ép trên bàn đàm phán đa phương và các diễn đàn thương mại khác.
1.3.3.3. Thúc đẩy cải cách trong nước
FTA hình thành sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá phát triển cả về quy mô, số
lượng và chất lượng. Cùng với việc gia tăng thương mại quốc tế, hoạt động đầu tư cũng tăng
đáng kể dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu vùng – lãnh thổ, và cơ cấu xã hội.
Do vậy, các thành viên FTA buộc phải thúc đẩy cải cách ở trong nước cho phù hợp với các cam
kết FTA.
1.3.4. Tiền đề để FTA có hiệu quả
Để FTA có hiệu quả cần có các yếu tố sau:
Thứ nhất, tính quy mô kinh tế có thể đi theo với FTA nhưng mức độ, cường độ của nó tuỳ
thuộc nhiều vào chủng loại ngành công nghiệp.

Thứ hai, mặc dù FDI có khuynh hướng tăng theo sự hình thành của FTA nhưng để cho khả
năng đó thành hiện thực, các nước đi sau cần phải cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt hành lang
pháp lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi phải được xây dựng và hoàn thiện, và đội ngũ lao động
lành nghề, có kỹ năng cao phải được đào tạo.
Thứ ba, những lĩnh vực hiện nay kém hiệu suất nhưng là những ngành non trẻ thì các nước
đi sau vẫn cần nuôi dưỡng để tạo ra những lợi thế so sánh mới trong tương lai.

CHƢƠNG 2. TÁC ĐỘNG CỦA KHU VỰC MẬU DỊCH TỰ DO
ASEAN-TRUNG QUỐC TỚI THƢƠNG MẠI VIỆT - TRUNG

2.1. Tổng quan về khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc
2.1.1. Sự cần thiết hình thành ACFTA
2.1.1.1. Những yếu tố khách quan
Từ đầu những năm 1990, trong xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá phát triển rầm rộ, tự do
hoá thương mại được phổ biến rộng khắp trên thế giới, hàng loạt các FTA ở các cấp độ và quy
mô đã ra đời và trở thành một xu hướng nổi bật của kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế.
Làn sóng FTA này đã không bỏ sót một quốc gia nào. Trong xu thế đó, ý tưởng xây dựng Khu
vực mậu dịch tự ASEAN – Trung Quốc đã ra đời.
2.1.1.2. Những yếu tố nội tại của ASEAN và Trung Quốc
a) Về phía ASEAN
Thứ nhất, sau khủng hoảng, ASEAN nhận thấy cần phải đẩy mạnh cải cách, tăng cường
liên kết kinh tế giữa các thành viên đồng thời phải hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự phát
triển bền vững và tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường nhất định.
Thứ hai, từ năm 2000, ASEAN đã dần dần ít xem sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc
là thách thức mà chuyển sang thái độ xem đó là cơ hội mở rộng thị trường cho các nước này phát
triển.
Thứ ba, ASEAN đã thay đổi quan điểm của mình, không còn coi Trung Quốc là mối đe
doạ và thể hiện thiện chí chuyển từ “đối thủ” thành “đối tác” với Trung Quốc. Các nước ASEAN
đã tích cực mở rộng hợp tác với Trung Quốc nhằm tạo nên sự cân bằng trong quan hệ giữa các
nước lớn có lợi ích chiến lược tại khu vực, đồng thời cũng là sự mở đầu tiến trình đi vào một thị

trường láng giềng có tiềm năng to lớn vào bậc nhất, tạo tiền đề cho sự phát triển và đưa nền kinh
tế của từng thành viên ASEAN hội nhập vào trào lưu phát triển chung của kinh tế thế giới.
b) Về phía Trung Quốc
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc trong tiến trình đi sâu cải cách, mở
cửa và hiện đại hoá càng đặt ra yêu cầu bức bách, đòi hỏi nước này phải mở rộng hơn nữa thị
trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nơi cung cấp nguyên, nhiên liệu phục vụ cho quá trình sản
xuất trong nước… Hơn nữa, ACFTA là FTA đầu tiên của Trung Quốc, nên Trung Quốc coi đây
là một thử nghiệm tốt, với những kinh nghiệm rút ra sẽ rất hữu ích cho Trung Quốc thương
lượng các FTA với các đối tác thương mại chính trong tương lai.
Thứ hai, Trung Quốc đã quyết định chuyển trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế
đất nước năm 2000 từ miền Đông sang miền Tây – do Trung Quốc muốn đẩy mạnh phát triển
vùng Tây Nam để thu hẹp khoảng cách với vùng duyên hải, chiến lược tiếp cận ASEAN hy vọng
sẽ mở rộng mậu dịch giữa các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây với Thái Lan và các nước
thành viên mới của ASEAN.
Thứ ba, là động cơ chính trị. Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao
với các nước ASEAN, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực để giảm bớt ảnh
hưởng của Nhật Bản và làm mờ đi chủ nghĩa đơn cực của Mỹ ở Đông Á. Trung Quốc cũng hy
vọng sử dụng mối quan hệ tốt đẹp với ASEAN để ngăn cản những hành động cực đoan của một
nước thành viên nào đó của nhóm này, và quan hệ thân mật hơn với một số nước ASEAN để đưa
tổ chức này tiến lên.
2.1.2. Những nội dung chính của ACFTA
2.1.2.1. Mục tiêu của ACFTA
- Củng cố và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các quốc gia tham
gia ký kết;
- Tự do hóa từng bước và khuyến khích thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như tạo ra
một cơ chế đầu tư minh bạch, tự do và thuận lợi;
- Mở rộng các lĩnh vực mới và phát triển các biện pháp phù hợp để thúc đẩy hợp tác kinh
tế gần gũi hơn giữa các bên; và
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập kinh tế có hiệu quả hơn của các nước thành
viên mới của ASEAN (CLMV) và thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các bên.

2.1.2.2. Phương thức hợp tác
Nhóm chuyên gia hợp tác kinh tế nhằm nghiên cứu tính khả thi của ACFTA đã đưa ra
những phương thức hợp tác cho ACFTA như sau: Hoà nhập; Thực hiện từng bước; Từ dễ đến
khó; Từ một điểm đến tổng thể; Từ khu vực nhỏ đến toàn bộ khu vực; Ưu tiên vùng duyên hải;
Bắt đầu từ mậu dịch qua biên giới; Học hỏi từ thực tiễn.
2.1.2.3. Lộ trình cắt giảm thuế quan
Hai bên đã đưa ra lộ trình cắt giảm thuế quan cụ thể với thoả hiệp thống nhất phân loại
các sản phẩm thành 2 phần gồm: Danh mục hàng hoá thông thường (NT) và Danh mục hàng hoá
nhạy cảm (SEL) kèm theo một Chương trình Thu hoạch sớm đối với hàng nông sản, thực phẩm
và thuỷ sản.
2.1.2.4. Chương trình Thu hoạch sớm
ASEAN và Trung Quốc nhất trí về một Chương trình Thu hoạch sớm (EHP) với việc cắt
giảm thuế nhanh đối với một số mặt hàng nông sản và thuỷ sản chưa qua chế biến được liệt kê từ
Chương 1 đến Chương 8 của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Đây là những mặt hàng được coi là có
lợi thế về xuất khẩu của các bên tham gia EHP, có tính bổ sung cho nhau góp phần đáp ứng nhu
cầu tiêu dùng ở mỗi nước đối tác. Tất cả các sản phẩm thuộc phạm vi EHP sẽ phải cắt giảm và
loại bỏ thuế quan theo khung thời gian quy định và được chia thành 3 nhóm căn cứ vào mức thuế
suất MFN của chúng.
2.1.3. Thực trạng thương mại ASEAN – Trung Quốc sau khi ACFTA được ký kết
Từ khi ký ACFTA đến nay, kim ngạch mậu dịch song phương giữa ASEAN và Trung
Quốc đã tăng rất mạnh. Năm 2007 đạt mức kỷ lục 202,6 tỷ USD tăng 26,0%, và đã hoàn thành
mục tiêu 2 bên đề ra trước thời hạn 3 năm vào năm 2010. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại
lớn thứ 4 của ASEAN (sau Mỹ, Nhật Bản và EU), và ngược lại ASEAN cũng là bạn hàng lớn
thứ 4 của Trung Quốc (sau Đài Loan, Hồng Kông và Mỹ). Trong cán cân thương mại thì Trung
Quốc nhập nhiều hơn xuất và thường thì Trung Quốc nhập nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế từ
các nước ASEAN sau đó gia gia công, chế biến các mặt hàng rồi mới xuất khẩu sang Mỹ, EU và
các nước khác. Hiệu quả của ACFTA đối với các nước ASEAN rất khác nhau. Nhóm 5 nước
thành viên ASEAN 6 thường xuất siêu sang Trung Quốc, còn nhóm 4 nước thành viên ASEAN
mới (CLMV) lại luôn nhập siêu từ Trung Quốc.
2.2. Thực trạng quan hệ thƣơng mại Việt - Trung

2.2.1. Kim ngạch và tốc độ tăng trưởng thương mại
Từ khi ACFTA được ký kết (11-2002), thương mại hai nước tăng nhanh đáng kể. Năm
2007, kim ngạch hai chiều đạt 15,6 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của
Việt Nam, đứng ở vị trí thứ nhất trong các thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, tăng
50,5% so với cùng kỳ năm 2006, vượt thời hạn mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2010 mà lãnh đạo
cấp cao hai nước đã đề ra. Đến năm 2008, kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt mức kỷ lục 20
tỷ USD, tăng 28,2% so với năm trước.
2.2.1.1 Về xuất khẩu
Với điều kiện địa lý thuận lợi và có quan hệ buôn bán từ lâu đời giữa Việt Nam – Trung
Quốc, sau khi ký kết ACFTA kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc
liên tục tăng mạnh. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 8,9% và chiếm 6,9%
tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 4
của Việt Nam. Năm 2008, tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 39,4% đạt 4,6 tỷ USD.
2.2.1.2. Về nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc tăng rất mạnh, năm 2000 chỉ mới là 1,42
tỷ USD đến năm 2007 đạt gần 12,3 tỷ USD chiếm tới 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt
Nam, với kim ngạch nhập khẩu cao kỷ lục như vậy nên đây cũng là năm nhập khẩu từ Trung
Quốc cố tốc độ tăng cao nhất tới 61% kể từ khi hiệp định ACFTA có hiệu lực. Sang năm 2008,
kim ngạch nhập khẩu đạt 15,4 tỷ USD, song tốc độ nhập khẩu so với năm 2007 đã giảm mạnh.
Tốc độ nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc liên tục tăng cao như vậy, nên ngay từ năm 2003
Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam suốt thời
gian qua.
2.2.1.3 Cán cân thương mại
Việc thực hiện giảm thuế trong khuôn khổ ACFTA khiến luồng hàng từ Trung Quốc vào
Việt Nam ngày càng tăng mạnh, càng tạo thâm hụt lớn trong buôn bán của Việt Nam với Trung
Quốc. Không chỉ mất cân đối về lượng, sự mất cân đối về chất cũng nghiêng về phía Việt Nam.
Năm 2007, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 9 tỷ USD, chiếm gần ba phần tư tổng mức
Bảng 2.5. Cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc
Đơn vị: tỷ USD
Năm

Tổng kim
ngạch XNK
Xuất khẩu
sang TQ
Nhập khẩu
từ TQ
Cán cân
thương mại
2000
2,95
1,53
1,42
+0,11
2001
3,05
1,42
1,63
-0,21
2002
3,66
1,50
2,16
-0,66
2003
4,87
1,75
3,12
-1,37
2004
7,19

2,74
4,45
-1,71
2005
8,74
2,96
5,78
-2,82
2006
10,4
3,03
7,39
-4,36
2007
15,6
3,3
12,3
-9,0
2008
20,0
4,6
15,4
-10,8
Nguồn: Tổng cục thống kê.
nhập siêu chung của Việt Nam và với mức nhập siêu này, tốc độ tăng nhập siêu từ thị trường
Trung Quốc trong năm 2007 là hơn 2 lần so với năm 2006. Năm 2008, tốc độ nhập khẩu từ
Trung Quốc đã giảm mạnh, trong khi tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng lên, do đó mặc
dù Việt Nam vẫn nhập siêu 10,8 tỷ USD, song tốc độ nhập siêu đã giảm đáng kể so với năm
trước.
2.2.2. Cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu

2.2.2.1. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, dầu thô, cao su và
than đá luôn là những mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của
Việt Nam. Mặc dù có lợi thế về nông lâm thuỷ sản, nhưng những gì gặt hái được của Việt Nam
từ Chương trình thu hoạch sớm (EHP) trái với mong đợi ban đầu, thậm chí kim ngạch xuất khẩu
mặt hàng này sang Trung Quốc còn giảm mạnh.
Các mặt hàng còn lại như dệt may, giày dép, cà phê, gạo… cũng bắt đầu thâm nhập và
từng bước mở rộng thị phần trên thị trường Trung Quốc, song kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khá
nhỏ bé. Riêng đối với mặt hàng đồ gỗ và máy tính linh kiện trong những năm gần đây có tăng
mạnh và tốc độ tăng trưởng cũng tương đối ổn định.
2.2.2.2. Cơ cấu hàng hoá nhập khẩu
Trong các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì hiện sắt thép có kim ngạch nhập khẩu
cao nhất. Cùng với sắt thép, máy móc thiết bị, phụ tùng là một trong 2 mặt hàng có giá trị kim
ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD trong năm 2006. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt
Nam sang Trung Quốc rất lớn, song Việt Nam cũng phải nhập khẩu xăng dầu trở lại với kim
ngạch khá cao.
Tiếp theo là giá trị kim ngạch nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu may mặc, da giày, hoá
chất, phân bón cũng khá lớn. Đây là những mặt hàng nhập khẩu một mặt đáp ứng nhu cầu ở
trong nước, mặt khác nó cũng là nguyên, nhiên liệu để sản xuất ra các sản phẩm xuất khẩu sang
các nước khác, giúp Việt Nam nâng cao năng lực xuất khẩu của mình, góp phần giảm bớt thâm
hụt cán cân thương mại với Trung Quốc. Có một điểm đáng lưu ý, trong khi kim ngạch xuất
khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh từ khi thực hiện EHP, thì kim ngạch
nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc lại tăng lên với mức tăng trưởng tương đối ổn định. Đây là
một nghịch lý mà Việt Nam cần phải điều chỉnh để giảm bớt tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc.
2.3. Đánh giá tác động của ACFTA tới thƣơng mại Việt - Trung
2.3.1. Việt thực hiện ACFTA của Việt Nam và Trung Quốc
Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc – ASEAN nói chung, và giữa Trung Quốc - Việt Nam nói
riêng đang phát triển theo hướng tốt đẹp. Đến nay việc thực hiện ACFTA của Việt Nam và
Trung Quốc đều diễn ra theo đúng cam kết.
2.3.2. Tác động tĩnh của ACFTA

Hiện Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn thứ ba và là nước xuất khẩu hàng hoá lớn nhất
vào Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam được xếp vào hàng thứ 27 trong số bạn hàng ngoại thương
của Trung Quốc. Rõ ràng, tác động tạo thương mại của ACFTA đối với thương mại Việt –
Trung là rất lớn. Song chệch hướng thương mại của Việt Nam cũng tương đối lớn. Trước khi có
ACFTA, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm dưới 10% tổng kim ngạch nhập khẩu
của Việt Nam từ thế giới. Nhưng từ khi ACFTA có hiệu lực, do tác động của chương trình dỡ bỏ
thuế quan nên tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng gia tăng mạnh, đến năm 2007 tỷ lệ này
tăng lên gần 20%. trong khi tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trưởng nhập khẩu chủ yếu của Việt
Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan lại giảm.
2.3.3. Tác động động của ACFTA
2.3.3.1. Mở rộng thị trường và tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh
Quá trình hình thành ACFTA đã tạo ra một thị trường rộng lớn cho các nước thành viên
tham gia. Việt Nam được coi là có lợi thế vì ở ngay sát Trung Quốc - một thị trường khổng lồ
với hơn 1,3 tỷ dân - các mặt hàng xuất
khẩu sang thị trường Trung Quốc nhờ được hỗ trợ thêm bằng cách giảm thuế nhập khẩu từ phía
Trung Quốc theo ACFTA nên khả năng cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam tại thị trường này có
điều kiện thuận lợi, hàng hoá có nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Đồng thời ACFTA còn tạo điều kiện để Việt Nam nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc
với giá rẻ hơn. Đây chính là “đòn bẩy” để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh
tranh qua việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp
mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, giúp kiềm chế sự độc
quyền của các doanh nghiệp trong nước trong môi trường cạnh tranh gay gắt này. Đây là tác
động động hết sức quan trọng để các ngành và các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện, nâng cao
năng lực cạnh tranh của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2.3.3.2. Thương mại gắn với đầu tư
Trong những năm gần đây đã xuất hiện những xu hướng tích cực trong quan hệ thương
mại giữa hai nước. Thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã bắt đầu gắn với đầu tư. Đầu tư
từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh trong một số lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu như dệt
may, da giày, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử… Mặt khác, với một thị truờng rộng lớn, thông

thoáng, có vị trí địa lý thuận lợi, có nền kinh tế, chính trị ổn định, nên sau khi tham gia vào
ACFTA, Việt Nam đã tạo được niềm tin, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị
trường Việt Nam.
Không chỉ tăng đầu tư nước ngoài, ACFTA cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong
nước tăng cường đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời thúc đẩy
các doanh nghiệp trong nước liên kết với các doanh nghiệp Trung Quốc để tăng hiệu quả sử
dụng các nguồn lực của cả hai bên. Nhờ vậy trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý cũng được cải
thiện, đổi mới.
2.3.3.3. Tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng vùng biên phát triển
Để chuẩn bị cho những hợp tác trong ACFTA, chính phủ hai nước đã thúc đẩy nhanh
việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng biên như xây dựng tuyến đường hành lang Côn Minh - Hải
Phòng, Nam Ninh - Hải Phòng Hai nước đã cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông Hà
Nội - Lạng Sơn hay Nam Ninh - Bằng Tường để tạo thuận lợi cho vận chuyển lưu thông hàng
hoá giữa hai nước
2.3.3.4. Tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống cư dân vùng biên
ACFTA không chỉ tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng vùng biên để thúc đẩy phát triển
buôn bán qua biên giới mà nó còn thúc đẩy sản xuất trong nước góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng
trưởng kinh tế khu vực biên giới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế các tỉnh có hoạt động biên mậu tích
cực; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ lệ lao động thương mại - dịch vụ,
giúp giải quyết khó khăn về việc làm, giảm bớt các tệ nạn xã hội; xoá đói giảm nghèo, cải thiện
cơ bản mức sống dân cư vùng biên
2.3.3.5 Tăng cường trao đổi kinh nghiệm hợp tác thương mại
Trao đổi kinh nghiệm hợp tác thương mại giữa hai nước cũng được tăng cường. Nhiều
cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao cùng với sự tiếp xúc của các doanh nghiệp hai
nước tạo thuận lợi cho các cơ hội thương mại và đầu tư của doanh nghiệp, tháo gỡ những vướng
mắc về mặt pháp lý trong quan hệ kinh tế. Công tác xúc tiến thương mại và đầu tư của hai nước
cũng được cải thiện qua các hội chợ, triển lãm hàng hoá. Các cuộc triển lãm, hội chợ này đã có
tác dụng tuyên truyền quảng bá sản phẩm của hai nước, nhằm tăng cường sự hiểu biết hơn nữa
đối với hàng hoá của hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước mở rộng
mối quan hệ, tìm đối tác và hợp tác lâu dài.

2.3.4. Một số tác động khác của ACFTA
2.3.4.1. Nhiều hiệp định được ký kết
Thông qua ACFTA, hai nước đã ký kết được nhiều Hiệp định và văn bản quan trọng như:
Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Biên giới trên đất liền, Hiệp định Việt Nam gia nhập WTO,
Hiệp định Thương mại hàng hoá giữa ASEAN, Hiệp định Kiểm dịch y tế biên giới Những hiệp
định này đã tạo cơ sở hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, thuận lợi cho trao đổi thương mại
hai nước ngày càng phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế, với các nguyên tắc của WTO. Các
Hiệp định được ký kết giữa hai nước ngày càng tăng đang giúp cho phương thức giao thương
giữa hai nước dần dần đi theo con đường chính ngạch thông qua hải quan. Hiện xuất khẩu theo
con đường chính ngạch đã tăng đáng kể, tình trạng buôn lậu qua cửa khẩu giảm nhiều, hạn chế
được việc thất thu thuế của Việt Nam.
2.3.4.2. Nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong tiến trình hình thành ACFTA
Việc tạo lập môi trường hoà bình ổn định của Việt Nam, Trung Quốc và ASEAN là tiền
đề chính trị quan trọng hàng đầu cho việc hình thành ACFTA. Đông Nam Á cho đến nay vẫn là
vùng tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế mà Việt Nam
ở vào vị trí quan trọng, được các nước lớn quan tâm hơn. ASEAN trở thành cộng đồng vững
mạnh với vai trò ngày càng tăng của Việt Nam sẽ tạo ra lợi thế quan trọng cho ASEAN trong đó
có Việt Nam quan hệ bình đẳng hơn nữa với các nước lớn, thu hút nhiều hơn nguồn lực từ các
nước lớn vào phát triển kinh tế xã hội, củng cố nền an ninh khu vực. Rõ ràng, vai trò và vị thế
của Việt Nam trong tiến triển hình thành ACFTA đã được nâng lên rõ rệt.
2.3.5. Những vấn đề còn tồn tại
2.3.5.1. Năng lực cạnh tranh yếu kém
Hàng hoá Việt Nam nói chung thâm nhập vào thị trường Trung Quốc còn rất khiêm tốn.
Nguyên nhân chủ yếu là do: chủng loại hàng hoá của Việt Nam quá đơn điệu, chậm được cải
thiện, chất lượng thiếu ổn định, nên hàng hoá Việt Nam khó thâm nhập vào thị trường Trung
Quốc. Ngay ở trong nước, Việt Nam đang phải chịu một sức ép cạnh tranh rất lớn, đặc biệt đối
với các ngành công nghiệp non trẻ, do các doanh nghiệp Trung Quốc mạnh hơn doanh nghiệp
Việt Nam ngay cả trong các ngành Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh như dệt may, giày da,
công nghiệp hàng tiêu dùng.
2.3.5.2. Nhập siêu từ Trung Quốc

Từ năm 2001-2007, thâm hụt thương mại của Việt Nam và Trung Quốc ngày càng lớn.
Đó là do, Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội do FTA với Trung Quốc mang lại. Trong khi đó,
thực hiện giảm thuế đối với các mặt hàng công nghiệp và nông sản theo cam kết ACFTA đã tạo
điều kiện để luồng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, càng tạo thâm hụt
nặng nề trong thương mại Việt - Trung. Với cơ cấu trao đổi hàng hoá như hiện nay dễ dẫn đến
tình trạng quan hệ thương mại Việt – Trung tiếp tục phát triển theo quan hệ hàng dọc, trong đó
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu nông lâm thuỷ sản, nguyên nhiên liệu thô và nhập khẩu chủ yếu
hàng công nghiệp của Trung Quốc. Điều này gây nhiều bất lợi cho Việt Nam cả trong quan hệ
thương mại lẫn trong cố gắng công nghiệp hoá nền kinh tế.
2.3.5.3. Khó khăn trong quản lý biên mậu
Buôn bán biên giới vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý, đánh giá, kiểm tra chất lượng
hàng hoá xuất nhập khẩu. Hiện tượng buôn lậu ở vùng biên vẫn còn khá phổ biến. Khung khổ
pháp lý cho trao đổi thương mại vẫn còn một số vấn đề vướng mắc trong việc thực hiện Hiệp
định ACFTA, như ký kết các văn bản quy định về kiểm dịch động thực vật, quản lý hàng hoá
trao đổi qua biên giới…
2.3.5.4. Chính sách thương mại thiếu tính linh hoạt, đồng bộ
Qua đánh giá những hạn chế, khó khăn trong hợp tác thương mại giữa Việt Nam và
Trung Quốc, có thể thấy: Công tác nghiên cứu dự báo, phân tích thị trường Trung Quốc chưa cập
nhật; các doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thay đổi chính sách của Trung Quốc; Công tác xúc
tiến thương mại với thị trường Trung Quốc vẫn chưa hiệu quả. Các hiệp hội hoạt động yếu kém,
chưa phát huy được tính năng của mình; Chưa khai thác triệt để lợi thế về vị trí địa kinh tế để
tăng kim ngạch xuất khẩu. Lượng hàng hoá của Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam vẫn còn nhỏ
bé. Thương mại chưa thật sự gắn với đầu tư và chuyển giao công nghệ. Việt Nam chưa tận dụng
được cơ hội đầu tư từ Trung Quốc để xuất khẩu sang thị trường này và các thị trường khác;
*
Mặc dù thương mại Việt – Trung trong khuôn khổ ACFTA vẫn còn một số tồn tại song
những tác động tích cực mà ACFTA mang lại cũng là rất lớn. Điều quan trọng là Việt Nam phải
có những biện pháp thích ứng với những điều kiện trong khuôn khổ Hiệp định ACFTA thì triển
vọng thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc rất khả quan, nó sẽ tạo ra vô vàn cơ hội quý báu
cho các ngành, các doanh nghiệp trong nước phát triển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã

hội Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

CHƢƠNG 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY THƢƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG
QUỐC TRONG BỐI CẢNH HÌNH THÀNH ACFTA

3.1. Triển vọng của ACFTA tới thƣơng mại Việt – Trung
3.1.1. Triển vọng chung của ACFTA
3.1.1.1. Về an ninh chính trị
Sự ra đời của ACFTA có thể coi là một thay đổi bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Qua ACFTA cả hai bên đều nhận thức lại lợi ích cụ thể của từng quốc gia nên đã và đang điều
chỉnh chiến lược và sách lược phù hợp với việc gìn giữ hoà bình, ổn định để phát triển vì lợi ích
chung của khu vực.
3.1.1.2. Về kinh tế thương mại
Việc thành lập ACFTA sẽ mở ra vô vàn cơ hội thương mại, đầu tư cho Trung Quốc và
các nước ASEAN theo chiều hướng tích cực và khả quan. ACFTA ra đời là bước mở đầu quan
trọng cho việc thiết lập các FTA khác trong khu vực. Các FTA này sẽ là nền móng để tiến tới
thành lập một khu vực mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA) cùng với việc tạo ra một Cộng đồng
Đông Á (EAC).
3.1.2. Triển vọng của ACFTA đối với Việt Nam
3.1.2.1. Cơ hội
- Trung Quốc là thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng nên cơ hội trước hết của ACFTA
đối với Việt Nam là mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Để phù hợp với yêu cầu của thị trường và chiến lược phát triển kinh tế của đất nước,
Việt Nam buộc phải đẩy nhanh quá trình cải cách cơ cấu kinh tế.
- Là nước đông dân, có tình hình an ninh chính trị tốt, giàu tài nguyên nên Việt Nam thu
hút được nhiều đầu tư từ Trung Quốc hơn.
- Song song với việc thu hút đầu tư, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các ngành
công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
3.1.2.2. Khó khăn và thách thức
- Thách thức lớn mà Việt Nam cần phải khắc phục cấp thiết cả trong ngắn hạn và dài hạn

là năng lực cạnh tranh yếu kém.
- Chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay ở trong nước
- Chuyển dịch cơ cấu dễ dẫn đến nạn thất nghiệp gia tăng, làm nảy sinh các vấn đề xã hội
3.2. Một số giải pháp thúc đẩy thƣơng mại Việt – Trung
Ở đây luận văn sẽ chỉ tập trung vào hai nhóm giải pháp cơ bản là đẩy mạnh xuất khẩu và
nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam để khai thác cơ hội và khắc phục những khó khăn,
thách thức mà ACFTA mang lại.
3.2.1. Nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
3.2.1.1. Về phía Nhà nước
- Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu. Trước hết là giảm tỷ lệ xuất khẩu hàng nguyên liệu thô
sang Trung Quốc, từng bước nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến, đặc biệt chú ý đến
các mặt hàng nông sản, thuỷ sản.
- Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có nhiều thế mạnh như: cà phê, chè, cao
su, dây cáp điện, gạo, giày dép, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm gỗ, dầu thực vật, điện tử, linh kiện
điện tử, điện máy, tinh bột sắn và sắn lát. Bên cạnh đó, cần khai thác, mở rộng xuất khẩu những
mặt hàng mới theo hướng đầu tư từ các nguồn vốn trong nước và vốn FDI. Tăng tỷ trọng hàng
công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
- Nắm chắc tình hình, chính sách, chiến lược phát triển của Trung Quốc để từ đó đề xuất
ra những phương án, chính sách phù hợp trong việc nghiên cứu xây dựng các mục tiêu tăng
trưởng xuất khẩu cho từng thời điểm.
3.2.1.2. Về phía doanh nghiệp
- Xây dựng định hướng xuất khẩu và mở rộng các hình thức hoạt động xuất khẩu
- Thu thập các thông tin về thị trường, chính sách, chiến lược của Trung Quốc để có các
định hướng chiến lược, kế hoạch cụ thể thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
3.2.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh
3.2.2.1. Về phía Nhà nước
- Tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất hàng xuất
khẩu và thay thế nhập khẩu.
- Tăng thêm nguồn vốn cho Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia để đẩy mạnh và
nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, đồng thời tích cực tạo cơ sở và cơ hội cho các doanh

nghiệp tham gia hội chợ, hội thảo; ứng dụng và khai thác thương mại điện tử, một phương thức
buôn bán mới đang rất phát triển hiện nay.
- Nhà nước cần hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, thích hợp và cung cấp
thông tin công nghệ, thị trường cho các doanh nghiệp. Thành lập các tổ chức hỗ trợ tư vấn (bằng
những hình thức đa dạng) trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, giúp các doanh nghiệp nâng
cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
3.2.2.2. Về phía doanh nghiệp
- Nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý trong các doanh nghiệp.
- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Tăng cường vai trò của các hiệp hội, các câu lạc bộ giám đốc và các tổ chức chuyên
môn.
- Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt Nam và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

KẾT LUẬN

Trong quá trình hình thành ACFTA, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam –
Trung Quốc đã có những bước tiến rõ rệt, nổi bật nhất là kim ngạch thương mại giữa Việt Nam
và Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng, đóng góp một phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã
hội, thúc đẩy quá trình công cuộc công nghiệp hoá đất nước phát triển.
Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể song quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai
nước trong khuôn khổ ACFTA trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế
của hai bên, còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết. Trong hợp tác kinh tế thương mại với
Trung Quốc, Việt Nam mới chủ yếu khai thác được những lợi thế sẵn có về lao động và tài
nguyên mà chưa tận dụng các cơ hội trong khuôn khổ ACFTA đem lại, do đó sức ép về cạnh
tranh và thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc vẫn còn rất lớn v.v.
Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam và Trung Quốc đang ở vào một giai đoạn có nhiều
thay đổi trong quá trình hình thành ACFTA, nó chứa đựng nhiều cơ hội cũng như đặt ra nhiều
thách thức nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, hai nước phải đối phó với các vấn đề
như lạm phát, phát triển nóng, ô nhiễm môi trường, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Với cam
kết cắt giảm thuế từ nay đến 2015 trong khuôn khổ ACFTA, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam

sang Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế của Trung Quốc, đồng thời việc giảm
thuế nhập khẩu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào một số ngành sản xuất cần nhập khẩu nguyên
liệu. Trung Quốc có nhiều sản phẩm tương tự như Việt Nam nên việc vừa hợp tác, vừa cạnh
tranh sẽ trở thành một yêu cầu không tránh khỏi đối với rất nhiều sản phẩm của Việt Nam, dự
báo luồng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc còn tăng lên mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Song nếu Việt Nam chủ động đối phó với thách thức theo việc chấp nhận luật cạnh tranh bằng
cách đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã hàng hoá, giảm thiểu chi phí, nâng cao năng suất và
chất lượng hàng hoá, tận dụng thời cơ, chuyển hoá thách thức thành cơ hội thì nhất định sẽ có sự
phát triển mới trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi không chỉ bản lĩnh vững vàng, mà cả khả
năng ứng phó cơ động, linh hoạt và hiệu quả trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế của nước
ta trong giai đoạn hiện nay.
Có thể dự đoán, trong tương lai cùng với việc hình thành ACFTA và sự cố gắng hợp tác
của cả hai nước, thiết lập “một trục hai cánh”, “một vành đai, hai hành lang” giữa hai nước được
triển khai, tạo đầy đủ điều kiện cho trao đổi hàng hoá giữa hai nước, thương mại song phương
Việt – Trung sẽ bước lên một tầm cao mới trong thế kỷ 21. Với tiềm năng hợp tác lớn, hy vọng
quan hệ Việt – Trung tiếp tục đơm hoa, kết trái, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân
hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.



References
Tiếng Việt
1. Nguyễn Bảo, Doãn Công Khánh (2008), “Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc:
Một chặng đường nhìn lại”, Tạp chí Cộng sản, 14(158).
2. Hồ Châu, Nguyễn Hoàng Giáp, Nguyễn Thị Quế (2006), Khu vực mậu dịch tự ASEAN –
Trung Quốc: Quá trình hình thành và triển vọng, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội.
3. Võ Thành Danh (2008), “Xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh tự do thương mại với
Trung Quốc”, Nghiên cứu Kinh tế, số 360, tr.41-48.
4. Đặng Đình Đào, Đặng Thuý Hồng (2005), “Quan hệ thương mại ASEAN – Trung Quốc: Cơ
hội và thách thức đối với sự phát triển thương mại Việt Nam”, Thông tin và Dự báo

Kinh tế - Xã hội, số 2.
5. Đỗ Lộc Diệp (1999), “Toàn cầu hoá kinh tế và ý nghĩa của nó”, Châu Mỹ ngày nay, số 5, tr.
44-49.
6. Bùi Trường Giang (2005), “Xu hướng hình thành các hiệp định thương mại tự do song
phương ở Đông Á và hệ quả đối với khu vực”, Nghiên cứu Kinh tế, số 320, tr.64-71.
7. Bùi Trường Giang (2006), “Xu hướng hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) trên
thế giới ngày nay: Những nhân tố thúc đẩy và đặc điểm chủ yếu”, Những vấn đề Kinh tế
Thế giới, 2(118), tr.3-16.
8. Vũ Văn Hà (2007), Quan hệ Trung Quốc – ASEAN - Nhật Bản trong bối cảnh mới và tác
động của nó tới Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
9. Trần Khánh (2002), “Vị thế địa – chính trị Đông Nam Á thập niên đầu thế kỷ XX”, Tạp chí
Cộng sản, số 21 tháng 7-2002, tr. 60-64.
10. Trần Khánh (2005), “Tác động của sự gia tăng hợp tác ASEAN – Trung Quốc đến quan hệ
Việt – Trung (thời kỳ hậu chiến tranh lạnh)”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1, tr. 3-12.
11. Doãn Công Khánh (2007), “Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong tiến
trình khu vực hoá”, Nghiên cứu Trung Quốc, 6(76), tr. 41-53.
12. Doãn Công Khánh (2008), “Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc: Thực tiễn và
những vấn đề đặt ra”, Nghiên cứu Trung Quốc, 4(83), tr.41-51.
13. Kinh tế quốc tế (2003), Tự do thương mại ở Đông Á đối với ASEAN, TTXVN, ngày 13 tháng
7, tr. 1-5.
14. Nguyễn Văn Lịch chủ biên (2005), Phát triển thương mại trên hành lang kinh tế Côn Minh –
Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng. Nxb Thống kê, Hà Nội.
15. Nguyễn Văn Lịch (2008), “Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu năm 2008”,
Thương mại, số 30, tr. 6-8.
16. Lê Bộ Lĩnh (1997), “Những đặc điểm chủ yếu của thương mại quốc tế”, Những vấn đề Kinh
tế Thế giới, 1(45).
17. Võ Đại Lược, Kim Ngọc chủ biên (1996). Các khối kinh tế và mậu dịch trên thế giới. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
18. Võ Đại Lược (1997), “Những xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới và sự tác động của
chúng tới các nước ASEAN”, Những vấn đề Kinh tế Thế giới, 5(59), tr. 3-9.

19. Võ Đại Lược (2006), “Những vấn đề lớn về toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế quốc
tế”, Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, 9(125), tr.3-21.
20. Đỗ Hoài Nam, Võ Đại Lược chủ biên (2004), Hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á. Nxb
Thế giới, Hà Nội.
21. Hoàng Thị Thanh Nhàn (2005), “Toàn cầu hoá và những hiệu ứng tích cực đối với các nền
kinh tế đang phát triển”, Những vấn đề Kinh tế Thế giới, 5(109), p.3-15.
22. Hoàng Thị Thanh Nhàn (2006), “Chủ nghĩa đa phương, khu vực, song phương và lựa chọn
chính sách của Việt Nam”, Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, 7(123), tr.3-15.
23. Nguyễn Hồng Nhung (2004), “Một số yếu tố thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế khu vực của
Trung Quốc sau khi gia nhập WTO”, Nghiên cứu Trung Quốc, 6(58), tr. 13-19.
24. Nguyễn Thị Hồng Nhung (2003), Tự do hoá thương mại ở ASEAN. Nxb Khoa học Xã hội,
Hà Nội.
25. Ngô Hoàng Oanh, Phạm Trí Hùng (2008), “Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc
và phát triển thương mại biên giới”, Thương mại xuân Mậu Tý, tr. 89-91.
26. Thân Danh Phúc - Nguyễn Anh Tuấn: “Nhân tố Trung Quốc đối với chiến lược phát triển thị
trường nội địa ngành may Việt Nam”,
/>p
27. Đỗ Tiến Sâm (2007), “Hợp tác Trung Quốc – ASEAN và tác động của nó đến tiến trình xây
dựng Cộng đồng ASEAN”, Nghiên cứu Trung Quốc, 6(76), tr. 35-40.
28. Tài liệu tham khảo chủ nhật (2008), Về khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, TTXVN,
ngày 21 tháng 12.
29. Nguyễn Xuân Thắng chủ biên (2003), Một số xu hướng phát triển chủ yếu hiện nay của nền
kinh tế thế giới. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
30. Nguyễn Xuân Thắng, Bùi Trường Giang (2004), “Khu vực thương mại tự do ASEAN –
Trung Quốc (ACFTA) và triển vọng hợp tác ASEAN – Trung Quốc”, Nghiên cứu Trung
Quốc, 6(58), tr. 20-29.
31. Nguyễn Xuân Thắng (2004), “Về hiệp định thương mại tự do song phương”, Tạp chí Cộng
sản, số 8, tr. 73-77.
32. Lê Tuấn Thanh (2007), “Tác động của Khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc tới quan
hệ Việt – Trung”, Nghiên cứu Trung Quốc, 4(74), tr. 47-56.

33. Lê Tuấn Thanh (2008), “Một số giải pháp liên quan đến nhập siêu của Việt Nam từ Trung
Quốc”, Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, 10(205), tr. 29-35.
34. Trần Đình Thiên (2005), “Bối cảnh quốc tế mới và những vấn đề liên kết kinh tế Việt Nam –
ASEAN”, Những vấn đề Kinh tế Thế giới, 10(114).
35. Trần Văn Thọ (2006), Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam.
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
36. Trần Văn Thọ (2005), “FTA giữa Trung Quốc và ASEAN: Đặc biệt phân tích từ vị trí của
Việt Nam”. Những vấn đề Kinh tế Thế giới, 4(108), tr. 26-37.
37. Võ Thanh Thu (2003), Quan hệ kinh tế quốc tế. Nxb Thống kê. Hà Nội.
38. Nguyễn Hồng Thu (2008), Tác động của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc tới
thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Đề tài cấp Viện, Viện Kinh tế và Chính trị Thế
giới, Hà Nội, 31 trang.
39. Nguyễn Hồng Thu (2007), “Chiến lược của Trung Quốc trong việc thành lập Khu vực mậu
dịch tự do Trung Quốc – ASEAN”, Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, 1(129),
tr. 13-19.
40. Nguyễn Hồng Thu (2006), “Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc: Quá trình hình thành,
thực trạng và triển vọng”, Những vấn đề Kinh tế Thế giới, 5(121), tr. 14-24.
41. Từ Thanh Thuỷ (2004), “Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc và tác động của
nó đối với Việt Nam”, Những vấn đề Kinh tế Thế giới, 12(104), tr. 52-58.
42. Tin tham khảo chủ nhật (2006), Về tiến trình thiết lập khu mậu dịch tự do Trung Quốc –
ASEAN, TTXVN, 26 tháng 3, tr.10-26.
43. Lưu Ngọc Trịnh chủ biên (2006), Đối sách của các nước Đông Á trước việc hình thành các
khu vực mậu dịch tự do (FTA) từ cuối những năm 1990. Nxb Lao động, Hà Nội.
44. Tư liệu thông tấn xã Việt Nam (2007), Vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Nxb Thông tấn,
Hà Nội.
45. Nguyễn Kế Tuấn (2008), “Một số giải pháp hạn chế nhập siêu ở Việt Nam”, Kinh tế và Phát
triển, số 129.
46. Nguyễn Hoàng Tuấn (2004), “Xu thế ký kết Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) quốc tế và tác
động đối với Việt Nam”, Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, số 18.
47. Trần Nguyễn Tuyên (2006), “Quan hệ kinh tế ASEAN – Trung Quốc và tác động đối với sự

phát triển thị trường và thương mại của Việt Nam”, Nghiên cứu Kinh tế, 334, tr. 74-77.
48. Đinh Quang Ty (2004), “Toàn cầu hoá và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam
hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 5, tr. 40-45.
49. Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (2006), Nghiên cứu tác động của Khu vực mậu
dịch tự do ASEAN – Trung Quốc đối với Việt Nam. Hà Nội.
50. Viện nghiên cứu Trung Quốc (2004), Trung Quốc 25 năm cải cách mở cửa: những vấn đề lý
luận và thực tiễn. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
51. Viện Kinh tế Thế giới (1993), Tự do hoá thương mại quốc tế: Những xu hướng và chính
sách. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
52. Ngô Kim Xuân (2008), “Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc đang tăng”, Thương mại, số
33, tr. 14-16.
53. Phạm Hồng Yến (2008), “Quan hệ thương mại Trung Quốc – ASEAN trong bối cảnh hình
thành Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA) và triển vọng”, Nghiên
cứu Trung Quốc, 2(81), tr. 54-68.
Tiếng Anh
54. Belá Balassa (1961), The Theory of Economic Integration, Greenwood Press, Publishers.
55. Centre for ASEAN and China Studies (2008), ASEAN – China trade relations 15 years of
development and prospects. The gioi Publishers, Hanoi.
56. East Asia Analytical Unit, Department of Foreign Affairs and Trade (1994), “ASEAN Free
Trade Area – Trading Bloc or Building Bloc?”, The Australian Government Publishing
Service, Australia.
57. Longyue Zhao, Mariem Malouche, Richard Newfarmer (2008), “China’s Emerging
Regional Trade Policy”, Journal of Chinese Economic and Foreign Trade Studies, Vol.
1, No. 1, 2008, pp. 21-35
58. Donghyun Park, Innwon Park, Gemma Esther B. Estrada (2008), “Prospects of an ASEAN–
People’s Republic of China Free Trade Area: A Qualitative and Quantitative Analysis”,
ADB Economics Working Paper, Series No. 130, October 2008, p.11.
59. Saw Swee Hock, Sheng Lijun, Chin Kin Wah (2005), ASEAN – China Relations: Realities
and Prospects, Institute of South East Study, Singapore.
60. Michael Hsiao, Alan Yang (2008), “Transformations in China’s Soft Power toward

ASEAN”, China Brief , Vol. 8 Issue 22, November 25, pp. 11-15.
61. Sheng Lijun (2003), “China-ASEAN Free Trade Area: Origins, Developments and Strategic
Motivations”, Institute of Southesat Asian Studies, No.1.
62. Arnold S. Miller Editor (2004), Free Trade: Current Issues and Prospects, Nova Publishers,
New York.
63. Michael G. Plummer (1997), “ASEAN and the Theory of Regional Economic Integration: A
Survey”, ASEAN Economic Bulletin, 14(2), pp.202-214.
64. Sam, Tien Do editor (2008), ASEAN – China Cooperation in The New Context.
Encyclopaedia Publishing House, Hanoi.
65. Urata Shujiro (2007), “Growing FTAs & Their Impact on World Trade”, Japan Spotlight,
July/August, p.22 -23.
66. John Wong, Zou Keyuan, Zheng Huaqun (2006), China – ASEAN Relations: Economic and
Legal Dimensions, World Scientific Publishing Co.
Các trang web:
www.aseansec.org
www.mofcom.gov.cn
www.custom.china.com
www.nciec.gov.vn
www.gso.gov.vn
www.vietrade.gov.vn
www.customs.gov.vn
www.mard.gov.vn
www.vnagency.com.vn
www.vneconomy.com.vn
www.wto.org

Donghyun Park, Innwon Park, Gemma Esther B. Estrada (2008), “Prospects of an ASEAN–
People’s Republic of China Free Trade Area: A Qualitative and Quantitative Analysis”, ADB
Economics Working Paper, Series No. 130, October 2008, p.11



×