Tập tục sinh hoạt trong
những ngôi nhà truyền thống
của người Mông, Hà Giang
Văn hoá truyền thống người Mông, Hà Giang là một kho tàng hết sức phong phú
với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng, lễ hội… Trong số đó, phải kể
đến Tập tục sinh hoạt trong những ngôi nhà truyền thống - nét văn hóa điển hình
của người Mông nơi đây.
Mỗi bản thường có từ vài ba nóc nhà trở lên
Ảnh internet)
Nếu có dịp lên Hà Giang du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cao nguyên
hùng vĩ và những ngôi nhà người Mông xinh xắn. Người Mông làm nhà dựa lưng
vào núi; mỗi bản thường có từ vài ba nóc nhà trở lên, có bản chỉ có một dòng họ
hoặc nhiều dòng họ chung sống quây quần bên nhau trên một sườn núi. Đặc biệt,
đối với người Mông, hầu như nhà nào cũng trồng một vài cây đào, cây mận, cây lê.
Trong văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, các ngôi nhà không được dính sát
vào nhau, kể cả anh em ruột thịt. Quan niệm làm nhà của họ cũng rất khắt khe.
Trước khi chặt cây để dựng nhà, phải thắp 3 nén hương; tiếp đó, cắm 3 tờ giấy bản
vào gốc cây khấn thần rừng, thần cây cho xin cây gỗ về làm nhà. Họ quan niệm
rằng làm như thế thần cây, thần rừng không quở mắng và nhà cửa mới yên vui, mọi
người khỏe mạnh, ăn nên làm ra, gia đình hạnh phúc. Chọn được ngày chặt cây,
cây cột cái được gia chủ chặt xong đem thẳng từ rừng về, không được đặt xuống
đất mà phải đưa lên nóc ngay. Đối với 2 cây cột cái ở gian giữa và cây cái nóc (hay
còn gọi là đòn nóc), người Mông coi 2 cây cột cái là cột chủ đạo trong nhà thể hiện
sự ngay thẳng, cứng cáp, vững vàng của chủ nhà, nên cây cột phải là một cây rừng
không bị sâu, thối, cụt ngọn. Hai cây cột này còn có một vị trí rất quan trọng trong
đời sống tâm linh của người Mông.
Cửa chính ra vào nhà của người Mông cũng phải chọn gỗ tốt để làm. Cửa bao giờ
cũng được mở vào phía trong. Cửa không cài bằng then sắt mà phải cài bằng then
gỗ. Người Mông quan niệm không sử dụng bản lề, then cửa bằng sắt là vì cửa mở
ra đóng vào được xem là lòng bụng con người, nếu dùng các vật dụng bằng sắt thì
sẽ lạnh, nên tất cả các ngôi nhà của người Mông luôn sử dụng sự mềm mại của cây
rừng.
Tập tục sinh hoạt trong những ngôi nhà truyền thống của người Mông (Hà Giang)
rất khắt khe, nơi ngủ của con, em dâu thì bố, anh chồng không được vào và ngược
lại con, em dâu không được phép vào nơi ngủ của bố chồng, anh chồng. Nhà của
người Mông bao giờ cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm;
ngô, lúa, đậu tương khi thu hoạch về được cất lên gác, khói bếp sẽ hạn chế được
sâu mọt, ẩm mốc. Ngoài ra, sàn gác còn có thể làm nơi ngủ mỗi khi nhà đông
khách.
Có điều cấm kị là đàn bà, con gái không được phép ngủ trên gác. Bởi thế kể cả khi
cha mẹ chồng, con trai trong nhà đi vắng thì con dâu cũng không được lên gác; nếu
muốn lấy vật gì trên gác cũng không được trèo thẳng lên mà chỉ được phép dứng ở
bậc thang rồi lấy que khều.
Người Mông quan niệm khi làm ma tươi cho người chết, người ta có tục lệ thổi
khèn, kèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh nhà 3 lần đi, 5 lượt về (đối với nam giới), 5
lượt đi và 7 lượt về (đối với nữ giới) để xua đuổi các loại ma đói, ma yểu khỏi về
quấy rầy người chết. Chính vì vậy, người Mông cho rằng nếu làm nhà dính vào
nhau, khi nhà có tang ma sẽ không tiến hành được nghi lễ trên thì coi như đám ma
ấy không làm đúng luật lệ tổ tiên đã quy định, không đảm bảo cho người chết được
yên ổn trong cõi vĩnh hằng.
Làm nhà được coi là một việc hệ trọng trong đời người Mông, do vậy ngày về nhà
mới là ngày đại sự của gia chủ. Ngày hôm ấy, người ta tổ chức ăn uống vui vẻ,
chúc nhau mọi sự tốt lành.
Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ
cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội
dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng và phức tạp. Tất
cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông, Hà Giang được lưu giữ từ
lâu đời, tạo nên một bức tranh văn hóa độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt
Nam.