Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

Thực trạng công tác thanh tra và những vấn đề đang đặt ra docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (235.96 KB, 16 trang )




Khoa học pháp lý

Thực trạng công tác thanh tra và
những vấn đề đang đặt ra

Tổ chức và hoạt động thanh tra hiện nay được thực hiện trên cơ
sở Luật Thanh tra năm 2004 và các văn bản có liên quan như
Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998

Tổ chức và hoạt động thanh tra hiện nay được thực hiện trên cơ
sở Luật Thanh tra năm 2004 và các văn bản có liên quan như
Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2005,
2006), Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi bổ
sung năm 2007) với những mảng hoạt động chủ yếu về công
tác thanh tra; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác
phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về
công tác thanh tra.
Kể từ khi Luật Thanh tra được ban hành, các tổ chức thanh tra đã
được kiện toàn một bước và hoạt động thanh tra cũng đã có
những kết quả nhất định, tuy nhiên cho đến nay đã nảy sinh
những vấn đề bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù
hợp. Đó cũng chính là những vấn đề mà bài viết này muốn đề
cập.
1. Thực trạng hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra và
những vấn đề đang đặt ra
1.1. Về công tác thanh tra
Hằng năm, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ và các yêu cầu phát


sinh trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, Thanh tra Chính phủ xây
dựng Kế hoạch thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê
duyệt. Dựa trên Kế hoạch thanh tra được phê duyệt, Thanh tra
Chính phủ tiến hành xây dựng Chương trình kế hoạch công tác
cho cơ quan Thanh tra Chính phủ và định hướng công tác thanh
tra cho toàn ngành, gồm các cơ quan thanh tra bộ, ngành và theo
cấp hành chính.
Kế hoạch thanh tra hằng năm và Chương trình kế hoạch công tác
của Thanh tra Chính phủ chủ yếu tập trung vào các chương trình,
dự án trọng điểm quốc gia hoặc các bộ, ngành và uỷ ban nhân
dân các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ chủ
trì, hướng dẫn Thanh tra tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra
chuyên đề diện rộng về các nội dung nổi cộm trên toàn quốc và
theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trung bình hằng năm,
Thanh tra Chính phủ tiến hành khoảng 30 đến 40 cuộc thanh tra
theo chương trình, kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất do Thủ tướng
Chính phủ giao. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chủ trì,
chỉ đạo các cơ quan thanh tra cấp tỉnh, thành phố tiến hành thanh
tra theo khoảng 3 - 4 chuyên đề.
Kết quả thanh tra tổng kết hằng năm thường tập trung về các nội
dung, bao gồm tổng giá trị sai phạm (bằng tiền và hiện vật, như
đất đai); tổng giá trị kiến nghị xử lý thu hồi với các hình thức như
giảm trừ, xuất toán…; tổng giá trị thu hồi; tổng số các vụ việc và
cá nhân kiến nghị xử lý hành chính; tổng số các vụ việc và cá
nhân kiến nghị cơ quan điều tra xử lý hình sự. Bên cạnh đó,
thông qua hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng đã giúp
Chính phủ chấn chỉnh công tác quản lý trên các lĩnh vực tiến
hành thanh tra.
Tuy nhiên, qua tổng hợp kết quả thanh tra một số năm gần đây
cho thấy một số vấn đề làm giảm hiệu quả hiệu lực của công tác

thanh tra như sau:
- Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra thường gặp
rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện được chương trình, kế
hoạch của mình. Trên thực tế, Thanh tra Chính phủ và ngành
Thanh tra nói chung còn phải tiến hành thêm nhiều cuộc thanh tra
đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng các
cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Nhiều cuộc thanh tra được
triển khai từ cuối năm này và kết thúc trong năm kế tiếp. Tuy
nhiên, việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch thanh tra vẫn chưa
được thực hiện. Các cuộc thanh tra thường kéo dài, trong quá
trình thanh tra gặp nhiều khó khăn, giai đoạn kết thúc thường
chậm và phức tạp nhất là khi các cơ quan có liên quan có ý kiến
khác nhau.
- Thứ hai, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý sau thanh tra thường
không cao. Riêng đối với kiến nghị xử lý hành chính và hình sự
đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, chưa thống kê được chính
thức. Trên thực tế, với quy định hiện hành về chức năng, nhiệm
vụ và quyền hạn, Thanh tra Chính phủ nói riêng và ngành Thanh
tra nói chung cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi và
nắm thông tin về vấn đề này.
- Thứ ba, việc đánh giá tác động của hoạt động thanh tra nhằm
nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh
vực đã tiến hành thanh tra chưa được thực hiện.
Trên thực tế, trong từng kết luận thanh tra cụ thể và sau các cuộc
thanh tra chuyên đề diện rộng, Thanh tra Chính phủ và cơ quan
thanh tra đều đưa ra kiến nghị hoàn thiện về chủ trương, chính
sách và pháp luật. Tuy nhiên, qua tổng hợp kết quả thanh tra
trong một số năm trở lại đây cho thấy, chất lượng của các kiến
nghị này thường không đồng đều, nhiều trường hợp, kiến nghị
còn thiếu cụ thể, chưa thuyết phục. Việc theo dõi, đánh giá tác

động tổng thể của hoạt động thanh tra đối với từng lĩnh vực quản
lý nhà nước để từ đó tiếp tục có các biện pháp tăng cường chưa
được thực hiện.
Từ thực trạng phân tích trên, có thể thấy rằng, mặc dù hoạt động
thanh tra được tiến hành thường xuyên, liên tục nhưng còn tương
đối dàn trải, thiếu tính chủ động, hiệu lực thực hiện các kết luận
thanh tra còn chưa cao, hiệu quả của công tác thanh tra đối với
việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý còn có phần hạn chế.
Có thể chỉ ra đây một số nguyên nhân của tính hình này như sau:
Sự phụ thuộc của các cơ quan thanh tra nhà nước vào cơ quan
quản lý nhà nước cùng cấp cả về về tổ chức, nhân sự, kinh phí,
trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra,* trong quá
trình tiến hành thanh tra cũng như giai đoạn kết thúc, kết luận và
kiến nghị xử lý.
Tính chủ động và độc lập trong hoạt động thanh tra là điều kiện
quan trọng để bảo đảm hiệu lực của hoạt động thanh tra. Các tổ
chức thanh tra còn chưa thực sự chủ động trong công tác thanh
tra, chương trình kế hoạch thanh tra nhiều khi còn bị động do
phải thực hiện các nhiệm vụ đột xuất. Công tác chỉ đạo việc xây
dựng kế hoạch cũng như thực hiện kế hoạch của Thanh tra Chính
phủ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động thanh tra của
toàn ngành là hết sức khó khăn, những hướng dẫn hoặc chỉ đạo
của Thanh tra Chính phủ thường không mang tính ràng buộc
hoặc tính hiệu lực không cao.
Các kết luận thanh tra, mặc dù Luật quy định thuộc quyền hạn
của người ra quyết định thanh tra, nhưng trên thực tế vẫn phải
chờ xin ý kiến của cấp trên vì thường liên quan đến trách nhiệm
quản lý của các cán bộ chủ chốt.
Bên cạnh đó, các kết luận kiến nghị của các tổ chức thanh tra
chưa được các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan nghiêm

chỉnh thực hiện trong khi đó chưa có cơ chế để bảo đảm việc thực
hiện các kết luận kiến nghị này.
1.2. Trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo
Theo quy định của pháp luật, các tổ chức thanh tra nhà nước có
trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thực hiện
nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong
lĩnh vực hành chính.
Trong năm qua, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận
216.515 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó Thanh tra Chính phủ
nhận 58.676 đơn, các bộ, ngành trung ương nhận 33.180 đơn, các
địa phương nhận 124.459 đơn. Qua phân loại đơn cho thấy, có
79.258 vụ việc khiếu nại (tăng 21,24% so với năm 2006) và
9.860 vụ việc tố cáo (giảm 16,4% so với năm 2006)(1).
Tổng hợp kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết
khiếu nại, tố cáo cho thấy một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, tình hình khiếu kiện trong thời gian gần đây vẫn tiếp
tục gia tăng, đặc biệt là khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông
người, mặc dù Thanh tra Chính phủ đã có những biện pháp tháo
gỡ, như trực tiếp làm việc với các địa phương. Điều đó cho thấy
chất lượng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều
hạn chế từ khâu tiếp dân, đối thoại với dân và giải quyết khiếu
nại, tố cáo.
- Thứ hai, việc theo dõi, đôn đốc và bảo đảm thực hiện các quyết
định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật
còn nhiều hạn chế. Sáu tháng đầu năm 2007, kết quả rà soát tình
hình thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực
pháp luật cho thấy, trong 2.006 quyết định đã ban hành thì chỉ có
1.171 quyết định được thực hiện, còn tồn 835 quyết định chưa
được thực hiện.
Qua tổng kết thực tiễn, bước đầu có thể đưa ra một số nguyên

nhân dẫn đến* hạn chế trong công tác này như sau:
a) Hệ thống văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn chưa hoàn
thiện và thiếu đồng bộ
Đây là nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất. Qua rà soát,
đánh giá cho thấy, hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn
nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng mâu thuẫn giữa Luật Khiếu
nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành với các quy định
về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực quản lý nhà
nước khác, như đất đai, tài nguyên môi trường liên quan đến quy
định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại; thiếu đồng bộ và mâu
thuẫn với Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi, bổ
sung) cũng về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện trong lĩnh vực
đất đai.
b) Thiếu các biện pháp xem xét, đánh giá và xử lý trách nhiệm
của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong việc tiếp công
dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến việc
đơn thư khiếu tố có xu hướng dồn lên trung ương
Trên thực tế, có nhiều trường hợp, thủ trưởng cơ quan hành chính
các cấp còn coi nhẹ công tác này, việc thực hiện các nghĩa vụ về
phía cơ quan hành chính trong các quyết định giải quyết khiếu
nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn chưa kịp thời, đặc biệt là
ở cấp cơ sở. Tỷ lệ thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có
hiệu lực pháp luật còn hạn chế. Việc thiếu cơ chế xem xét, đánh
giá và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các
cấp trong công tác tiếp công dân chính là một trong các nguyên
nhân làm giảm vai trò của Thanh tra Chính phủ trong việc nâng
cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân và giải quyết
khiếu nại, tố cáo trong thời gian vừa qua.
c) Thiếu cơ chế bảo đảm tính độc lập, khách quan và chuyên
nghiệp trong giải quyết khiếu nại hành chính

Đây là nguyên nhân cơ bản nhất ảnh hướng đến vai trò của Thanh
tra Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giải
quyết khiếu nại hành chính. Theo mô hình hiện tại, người có
thẩm quyền giải quyết các khiếu nại hành chính là thủ trưởng các
cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức thanh tra nhà nước
đóng vai trò giúp thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong
công tác này. Mô hình này có ưu điểm là giúp cơ quan hành
chính hoặc người có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành
chính, hành vi hành chính của mình, song lại tạo ra cho người
khiếu nại những e ngại về tính khách quan trong quá trình giải
quyết. Các tổ chức thanh tra trên thực tế là lực lượng chính giúp
thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong công tác giải quyết khiếu
nại tố cáo, nhưng quyền hạn lại rất hạn chế. Đó là chưa kể trong
một số trường hợp sự khác nhau về quan điểm giải quyết giữa cơ
quan thanh tra với các cơ quan chuyên môn khiến cho việc giải
quyết bị kéo dài.
1.3. Trong lĩnh vực phòng ngừa, chống tham nhũng
Kể từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 có hiệu lực,
bên cạnh việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng qua
hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành các cuộc
thanh tra kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật
Phòng, chống tham nhũng. Bước đầu, qua kiểm tra, thanh tra đã
giúp các Bộ, ngành và địa phương nâng cao hơn nữa công tác
phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền
quản lý nhà nước tương ứng. Công tác này cũng góp phần giúp
các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể
chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này còn có những điểm hạn
chế như sau:
- Thứ nhất, kết quả phòng chống tham nhũng của ngành chưa

tương xứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian vừa
qua đều có một nhận định chung là khả năng phòng ngừa, phát
hiện tham nhũng từ bên trong các cơ quan nhà nước thông qua
hoạt động thanh tra, kiểm tra còn thấp. Đa số các vụ việc tham
nhũng được phát hiện là thông qua tố cáo của người dân hoặc qua
phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả đánh
giá công tác thanh tra thời gian qua cho thấy đây là một thực tế
cần khắc phục. Trong nhiều trường hợp, cơ quan thanh tra cũng
đã phát hiện và đề xuất kiến nghị xử lý, song việc thực hiện các
kết luận thanh tra còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, hoạt động
thanh tra chưa tạo ra một cơ chế phòng ngừa thông qua việc theo
dõi, giám sát và đánh giá tác động đối với hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước trên các lĩnh vực đã tiến hành thanh tra.
- Thứ hai, việc thanh tra thực hiện quy định của Luật Phòng,
chống tham nhũng còn nhiều hạn chế.
Trong năm 2007, Thanh tra Chính phủ mới chỉ thanh tra nhằm
xem xét bước đầu về trách nhiệm của các bộ, ngành và uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai Luật
Phòng, chống tham nhũng. Nội dung thanh tra bước đầu tập trung
vào các vấn đề, như việc ban hành các văn bản tổ chức thực hiện
Luật; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động; việc thực
hiện chế độ thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm phòng ngừa, phát
hiện và xử lý tham nhũng. Kết quả thanh tra vẫn chưa làm rõ
được những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng thuộc
thẩm quyền quản lý nhà nước của từng bộ, ngành hoặc uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố và các biện pháp đã được áp dụng để
phòng ngừa, phát hiện. Hoạt động thanh tra cũng chưa đánh giá
được những tác động từ việc thực hiện công khai, minh bạch ở
các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra để từ đó đề xuất các

biện pháp, kiến nghị khắc phục.
Từ thực trạng phân tích trên, có thể thấy vai trò của Thanh tra
Chính phủ nói riêng cũng như của ngành thanh tra nói chung
trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng chưa được xác định rõ
ràng nên hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng là
chưa cao.
Qua phân tích và đánh giá thực trạng cho thấy vấn đề nêu trên
xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây:*
a) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức công tác
phòng, chống tham nhũng của ngành Thanh tra chưa được quy
định rõ ràng
Kể từ thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, một
số chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng của ngành
Thanh tra đã được quy định cụ thể hơn, song những quy định này
bước đầu mới chỉ quy định đối với Thanh tra Chính phủ, chưa
quy định đối với cơ quan thanh tra các ngành, các cấp. Thực tiễn
hơn một năm qua cho thấy, những kết quả đạt được thông qua
hoạt động thanh tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng,
chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hoạt động thanh
tra do Cục Chống tham nhũng tiến hành mới chỉ bước đầu được
thực hiện ở một số bộ, ngành và ủy ban nhân dân một số tỉnh,
thành phố. Rõ ràng, với cách làm này, việc đánh giá thực hiện
Luật là chưa đầy đủ, đặc biệt là đối với các cấp chính quyền địa
phương.
b) Thiếu các phương thức và biện pháp đánh giá có hiệu quả việc
thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng
Phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng bao trùm
lên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước. Vì vậy, để hoạt động
thanh tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đạt hiệu
quả cao, đòi hỏi công tác chuẩn bị trước, trong và sau khi tiến

hành thanh tra phải tiến hành theo những trình tự, thủ tục chặt
chẽ và thống nhất. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng đòi hỏi yêu
cầu về chuyên môn và nghiệp vụ cao đối với những người làm
công tác thanh tra. Thanh tra việc thực hiện Luật Phòng, chống
tham nhũng không chỉ là xem xét những việc đã làm được theo
quy định của Luật mà còn giúp chỉ ra được những lĩnh vực, công
việc hoặc vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng hoặc kiến nghị
các biện pháp, cơ chế hiệu quả nhằm phòng ngừa, phát hiện và
xử lý tham nhũng trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến
hành thanh tra. Để làm được việc đó, đòi hỏi phải có một quy
trình chuẩn về thanh tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tham
nhũng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, quá trình này còn gặp
nhiều khó khăn, đặc biệt là khi xác định nội dung, phương thức
tiến hành thanh tra và ra kết luận thanh tra.
2. Các giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu
quả của công tác thanh tra
Xuất phát từ sự phân tích thực trạng công tác của ngànhX, những
hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong từng lĩnh vực
công tác của ngành thanh tra, để tăng cường hiệu lực thanh tra*
cần thực hiện các giải pháp sau đây:
2.1. Về công tác thanh tra
*- Một là, tăng cường tính chủ động của các cơ quan thanh tra từ
việc lập chương trình kế hoạch, ban hành quyết định thanh tra
đến quá trình tiến hành các cuộc thanh tra, đặc biệt là bảo đảm
tính độc lập, khách quan, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan
thanh tra trong việc ra các kết luận và kiến nghị xử lý.
Đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức trong
việc tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra, không can thiệp vào
hoạt động thanh tra, tôn trọng tính khách quan và độc lập trong
hoạt động.

*- Hai là, tăng cường tính hệ thống của các cơ quan hành chính
bằng việc nâng cao vai trò của Thanh tra Chính phủ trong việc
chỉ đạo công tác tổ chức, cán bộ và nghiệp vụ của các tổ chức
thanh tra cấp tỉnh và cấp huyện; tiêu chuẩn hoá và thực hiện bổ
nhiệm, miễn nhiệm, điều động… các cán bộ chủ chốt của cơ
quan thanh tra.
- Ba là, tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước và hoạt
động thanh tra trách nhiệm của các cơ quan nhà nước nhằm bảo
đảm việc chấp hành pháp luật trong việc thực hiện chức trách
nhiệm vụ, công vụ.
2.2. Về lĩnh vực khiếu nại, tố cáo
Trước mắt cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để giải quyết sự mâu
thuẫn chồng chéo trong các văn bản pháp luật quy định về lĩnh
vực khiếu nại hành chính và tố cáo; nghiên cứu xây dựng và thực
hiện cơ chế xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan
hành chính nhà nước vì thiếu trách nhiệm trong công tác này,
nhất là những nơi để xảy ra tình trạng khiếu kiện dai dẳng, đông
người vượt cấp lên trung ương. Hoàn thiện cơ chế phân công
trách nhiệm giữa thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước với các
cơ quan thanh tra và cơ quan chuyên môn trong quá trình giải
quyết các vụ việc khiếu nại. Về lâu dài, cần nghiên cứu thiết lập
hệ thống cơ quan tài phán hành chính để chuyên trách hoá hoạt
động giải quyết khiếu nại hành chính, giải quyết tận gốc tình
trạng lùng nhùng về thẩm quyền và trách nhiệm như hiện nay.
Đây là những định hướng chủ yếu cho việc ban hành Luật Khiếu
nại và giải quyết khiếu nại cũng như xây dựng Đề án thiết lập cơ
quan tài phán hành chính.
Về tố cáo, phải nghiên cứu để có những qui định thống nhất giữa
các văn bản pháp luật về vấn đề này (giữa tố cáo theo qui định
của Luật Tố cáo với quy định về tố cáo và xử lý tố cáo hành vi

tham nhũng trong quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng,
giữa tố cáo với tố giác và tin báo tội phạm quy định trong Bộ luật
Tố tụng hình sự, giữa tố cáo, tố giác vi phạm pháp luật với tố cáo
vi phạm kỷ luật đảng). Điều quan trọng nhất là phải tạo ra được
cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận
và xử lý các vụ việc tố cáo (giữa các cơ quan hành chính nhà
nước với nhau, giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan điều tra,
viện kiểm sát, giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan kiểm tra
đảng trong việc xử lý tố cáo cán bộ, công chức là đảng viên…)
2.3. Về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng
Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong lĩnh vực
này chủ yếu là thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thanh tra
trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của
các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm; phòng ngừa và
phát hiện tham nhũng thông qua công tác thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo
Về lâu dài, cần nghiên cứu để chuyển cơ quan thanh tra thành hệ
thống cơ quan giám sát hành chính có chức năng giám sát các cơ
quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền địa phương và có
sự kết hợp về tổ chức và hoạt động với cơ quan kiểm tra của
Đảng như định hướng tại Nghị quyết Trung ương III về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đói với công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí.
(1) Trích số liệu trong Báo cáo công tác năm 2007.
(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 156-thang-10-
2009 ngày 20/10/2009) ThS Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng
Viện Khoa học thanh tra




×