155
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72B, số 3, năm 2012
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HUẾ
Nguyễn Xuân Khoát
1
, Phạm Thị Thương
2
1
Đại học Huế
2
Trường Đại học Kinh tế Huế, Đại học Huế
Tóm tắt. Phát triển nguồn nhân lực (NNL) đang trở thành đòi hỏi bức thiết hiện
nay của đất nước nói chung và thành phố Huế nói riêng. Trong những năm qua,
trên địa bàn thành phố, NNL trong lĩnh vực công nghiệp (CN) đã có những bước
chuyển biến tích cực, tạo nên sắc thái mới cho lĩnh vực CN. Tuy nhiên, nguồn lực
này vẫn còn nhiều hạn chế như: NNL chất lượng cao ít, lực lượng lao động qua
đào tạo chưa cao, cơ cấu bất hợp lý… Nguyên nhân của thực trạng trên là do mặt
bằng dân trí còn thấp, công tác đào tạo và dạy nghề của thành phố chưa thật hiệu
quả,… Từ thực tế đó, tác giả đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển có
hiệu quả nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thành phố trong
thời gian tới.
1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực (theo nghĩa rộng) là tổng thể các tiềm năng (lao động) của con
người của một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương đã được chuẩn bị ở một
mức độ nào đó, có khả năng huy động vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Còn theo
nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là toàn bộ lực lượng lao động trong nền kinh tế quốc dân
(hay còn gọi là dân số hoạt động kinh tế).
Như vậy, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp có thể được hiểu là tổng
thể tiềm năng của con người của một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương có
khả năng huy động vào quá trình phát triển sản xuất kinh doanh công nghiệp. Phát triển
nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng trong
phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước.
Là thành phố miền Trung, Huế được mệnh danh là trung tâm du lịch của đất
nước. Bên cạnh đó, thành phố cũng có những điều kiện để phát triển CN và tiểu thủ CN
với nhiều loại hình sản xuất đa dạng và phong phú.
Dựa trên những tiềm năng và thế mạnh của thành phố, trong những năm qua, các
DN trên địa bàn nói chung và các DN hoạt động trong lĩnh vực CN nói riêng, đã tập
156
trung được mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và đã đạt
được những thành tựu đáng kể. Đến năm 2010, trên địa bàn thành phố có 3.876 DN,
giải quyết việc làm cho gần 16.925 lao động. Thực tế cho thấy, các DN trong lĩnh vực
CN của thành phố ngày càng phát triển cả về quy mô ngành nghề, số lượng và giá trị
sản lượng.
Tuy nhiên, ngành CN nói chung và DN hoạt động trong lĩnh vực CN nói riêng
trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, khó khăn lớn nhất
hiện nay là NNL, đặc biệt là NNL chất lượng cao. Điều này đã hạn chế sự phát triển của
ngành CN theo hướng bền vững.
Vì vậy, nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công
nghiệp trên địa bàn thành phố Huế để đề xuất các giải pháp phát triển hợp lý, hiệu quả
đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
2. Thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thành phố
Huế
2.1. Quy mô nguồn nhân lực
Trong giai đoạn qua, trên địa bàn thành phố Huế, NNL CN đã có sự gia tăng về
số lượng. Năm 2005, đội ngũ lao động CN thành phố có 14.944 người, chiếm tỷ lệ
11,64% lao động trong khối ngành kinh tế, đến năm 2009 tăng lên 17.225 người chiếm
13,42% lao động trong khối ngành kinh tế.
- Sự phân bổ lao động CN theo ngành nghề
Bảng 1. Lao động trong lĩnh vực công nghiệp phân chia theo ngành
Đơn vị tính: người
2005 2006 2007 2008 2009 2010
Tổng số 14.944
15.976
15.752
16.004
17.225
15405
CN khai thác 2.207
2.294
2.342
2.383
2.413
1.032
CN chế biến 12.294
13.189
12.900
13.096
14.141
13.791
CN sx và pp điện, nước 443
493
510
525
575
582
(Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Qua bảng 1 cho thấy, lao động tham gia trong ngành CN chế biến chiếm tỷ lệ
cao nhất, (chiếm 82,5% lao động ngành CN); thấp nhất là ngành sản xuất và phân phối
điện, nước (chỉ chiếm 3,39%). Nguyên nhân là do tính chất của ngành CNCB, DN tham
gia hoạt động thường là DN vừa và nhỏ; số lượng lao động trên một DN tuy không cao,
nhưng số lượng DN lại nhiều, nên hàng năm ngành CN chế biến có khả năng thu hút và
giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.
157
- Lao động phân theo thành phần kinh tế.
Bảng 2. Lao động công nghiệp phân chia theo thành phần kinh tế
Đơn vị tính: Người
2005 2006 2007 2008 2009 2010
Tổng số 14.944
15.976
15.752
16.004
17.225
15.405
Kinh tế Nhà nước 3.749
3.714
3.772
3.681
4.031
4.042
Kinh tế tập thể 309
320
338
291
316
155
Kinh tế tư nhân 10.817
11.870
11.564
11.950
12.496
10.953
Kinh tế có vốn đầu tư n.ngoài 69
72
78
82
286
286
(Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Từ bảng 2 có thể rút ra nhận xét: thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới nâng cấp
hiệu quả hoạt động của DNNN đã làm cho số lượng lao động trong lĩnh vực CN có sự
biến động tăng nhẹ qua 5 năm. Đối với kinh tế tập thể, trong hai năm 2008, 2009 có
nhiều HTX và DN lâm vào tình trạng khó khăn, phá sản. Nhưng nhìn chung trong 5
năm (từ 2005 đến 2009) số lượng lao động không giảm mà có xu hướng ổn định; số lao
động được tăng thêm bình quân chỉ 7 lao động/năm.
Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế có khả năng phát triển mạnh nhất trong 5
năm qua và đã thu hút được một lượng lớn lao động. Cụ thể, từ chỗ năm 2005 có 10.817
lao động đã tăng lên 12.496 lao động vào năm 2009, (tăng 115,5% so với năm 2005).
Trong đó, số lao động tăng lên chủ yếu tập trung vào các DN tư nhân, còn lao động tham
gia hoạt động kinh tế cá thể, tiểu chủ có xu hướng giảm. Đây chính là kết quả phát triển
mạnh mẽ của DN tư nhân trên địa bàn.
Mặt khác, cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các DN có
vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tham gia nhiều ở thành phố Huế. Tuy nhiên, trong lĩnh
vực CN, khả năng thu hút thành phần kinh tế này còn rất khó khăn. Đến năm 2010 số DN
có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực CN chỉ được 3 DN, đó là: Công ty liên
doanh điện tử He Việt Nam - tham gia hoạt động kinh doanh tại cụm CN Hương Sơ,
Công ty thực phẩm và Công ty TNHH Shaihoo chuyên sản xuất và chế biến gỗ; nâng số
lượng lao động của thành phần kinh tế này lên 286 lao động (tăng 202 lao động so với
năm 2008).
2.2. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp
Chất lượng NNL (thể hiện chủ yếu qua trình độ chuyên môn kỹ thuật) được
đánh giá là một nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng,
hiệu quả sản xuất – kinh doanh và sức cạnh tranh của DN.
158
Bảng 3. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực
trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thành phố Huế
Đơn vị tính: Người
Tổng
Chưa
qua
đào tạo
Trung
cấp
Cao
đẳng
ĐH &
SĐH
Tổng 32.229
26.929
3.094
203
2.003
CN khai thác 3.700
3.433
210
0
57
CN chế biến 26.755
22.689
2.461
153
1.452
SX và phân phối điện, khí đốt. 966
261
314
38
353
Cung cấp nước; hoạt động quản
lý và xử lý rác thải, nước thải
808
546
109
12
141
(Nguồn: Số liệu tổng điều tra dân số năm 2010).
Thực tế cho thấy, trình độ chuyên môn của người lao động trong lĩnh vực CN
trên địa bàn thành phố hiện nay còn rất thấp, NNL chất lượng cao chỉ chiếm khoảng
6,2%. Lao động trong các DN chủ yếu là lao động giản đơn, chưa qua đào tạo (chiếm
đến 83,5%). Tỷ lệ lao động được đào tạo là 16,5%, cụ thể: có 3.094 lao động đã qua đào
tạo trung cấp (trung cấp nghề, sơ cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp); 203 lao động
đã qua đào tạo cao đẳng (chiếm chưa đến 1% lao động của toàn ngành CN); và 2003 lao
động đã qua đào tạo đại học và sau đại học (chiếm tỷ lệ 6,2%). Như vậy, tỷ lệ giữa lao
động có bằng đại học và sau đại học với lao động qua đào tạo nghề và lao động giản
đơn là: 1 – 2 – 14, có thể nói rằng đây là một tỷ lệ rất mất cân đối. Để phát triển ngành
CN theo hướng bền vững trong thời gian tới, thành phố Huế cần tập trung nâng cao hơn
nữa chất lượng nguồn nhân lực.
2.3. Cơ cấu nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp
- Cơ cấu trình độ đào tạo
Trong ngành CN, xét về cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật của NNL, lao
động nam luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với lao động nữ. Điều này thể hiện rõ ở biểu đồ 1.
Nhìn chung, lao động nữ có trình độ học vấn và tay nghề thấp hơn lao động nam.
Thực trạng này xuất phát từ ba nguyên nhân chính sau đây: Thứ nhất, do tỷ lệ nam giới
cao hơn nữ giới; Thứ hai, do đặc thù và yêu cầu của công việc, lao động nữ thường làm
việc trong những ngành ít đòi hỏi cao ở trình độ chuyên môn của người lao động như:
thêu, đan, móc. Trong khi đó, lao động nam lại làm việc trong những ngành đòi hỏi
trình độ tay nghề cao như: sản xuất và phân phối điện; Thứ ba, do khả năng cũng như
cơ hội tiếp cận nâng cao trình độ học vấn, tay nghề của lao động nữ thấp và khó khăn
159
hơn lao động nam.
53.9%
46.1%
51.7%
48.3%
62.2%
37.8%
53.7%
46.3%
71.9%
28.1%
0.0%
10.0%
20.0%
30.0%
40.0%
50.0%
60.0%
70.0%
80.0%
90.0%
100.0%
Tổng số Chưa đào
tạo CMKT
Trung cấp Cao đẳng ĐH&SĐH Nữ
Nam
Biểu đồ 1. Trình độ chuyên môn của lao động trong lĩnh vực công nghiệp,
phân theo giới tính
(Nguồn: Số liệu điều tra dân số năm 2010).
- Cơ cấu NNL trong lĩnh vực CN theo giới tính
Cơ cầu NNL theo giới tính của thành phố Huế cũng như trong lĩnh vực CN, đều
có một thực trạng chung là: lao động nam chiếm khoảng 54 – 56%, lao động nữ chiếm
khoảng 44 – 46% lao động toàn ngành. Theo số liệu điều tra, ngành CN chế biến là
ngành thu hút lao động nữ tham gia nhiều nhất, chiếm đến 47,53% lao động của ngành
CN chế biến, và chiếm đến 85,68% lao động nữ của toàn ngành CN. Điều này xuất phát
từ đặc thù sản xuất, kinh doanh của DN chủ yếu sử dụng lao động nữ như: nghề thêu,
may mặc, sản xuất da giày, bánh kẹo,… Đây là những ngành ít đòi hỏi về sức lực mà
chủ yếu dựa vào sự khéo léo, cẩn thận và chăm chỉ của người lao động.
Hai ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt và cung cấp nước là những ngành có
khối lượng công việc lớn, phù hợp với lao động nam giới. Vì vậy, tỷ trọng giữa lao động
nam và nữ trong hai ngành này chênh lệch nhau khá lớn, cụ thể: trong ngành CN sản
xuất và phân phối điện, khí đốt lao động nam chiếm 79,38% và lao động nữ chiếm
20,62%; ngành CN cung cấp nước có tỷ lệ nam và nữ lần lượt tương ứng là 68,44% và
31,56% lao động.
Với đặc thù công việc, ngành CN khai thác được xếp vào loại lao động nặng nhọc,
độc hại và nguy hiểm. Tuy nhiên, tại các DN này, lao động nữ vẫn có thể tham gia vào các
hoạt động lao động giản đơn như: xúc cát, sạn, xúc than, dọn dẹp vệ sinh nhà máy, xí
nghiệp,… Vì vậy, trong ngành này, tỷ lệ cơ cấu về giới tính lại có sự tương đồng: 54,8%
lao động là nam và 46,2% lao động là nữ, và qua các năm tỷ lệ này tương đối ổn định, ít
thay đổi.
- Cơ cấu lao động phân theo độ tuổi.
Cũng như tình hình chung trên địa bàn thành phố Huế, NNL trong lĩnh vực CN
có độ tuổi bình quân khá trẻ, chủ yếu tập trung từ 15 đến 35 tuổi, chiếm đến 52,39%.
160
Lực lượng lao động trẻ, có lợi thế về sức khỏe, năng động sáng tạo, có trình độ văn hóa,
có khả năng tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, do tuổi đời còn trẻ, công
tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, vì vậy lực lượng lao động này vẫn chưa đáp ứng
được nhu cầu ngày càng cao của các DN. Cạnh đó, hiện tại đội ngũ lao động có trình độ,
tay nghề cao lại đang bị già hóa, tạo ra sự hụt hẫng giữa các thế hệ. Vì vậy, đây cũng là
một trong những trở ngại lớn trong quá trình phát triển CN ở thành phố Huế hiện nay.
2.4. Đánh giá chung
- Kết quả đạt được
Trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Huế, ngành CN đã đạt được những
thành tựu đáng kể trong việc phát triển NNL: Thứ nhất, quy mô NNL trong ngành
không ngừng tăng lên, lực lượng lao động dồi dào; Thứ hai, NNL trong lĩnh vực CN ở
thành phố có cơ cấu trẻ và tương đối cân bằng về giới tính; Thứ ba, trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc của NNL đang dần được nâng cao.
- Hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc phát triển NNL trong lĩnh vực
CN những năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, đó là: Thứ nhất, quy mô NNL
tăng, nhưng chưa ổn định và chưa đồng đều giữa các ngành; Thứ hai, NNL chất lượng
cao còn ít, chủ yếu là lao động giản đơn, tình trạng thiếu thầy, thiếu thợ vẫn còn tồn tại;
Thứ ba, thiếu sự gắn kết giữa DN và người lao động.
Những hạn chế về NNL trong lĩnh vực CN là do các nguyên nhân: Một là, năng
lực chuyên môn, trình độ tay nghề, và kỹ năng lao động của người lao động trong lĩnh
vực CN còn rất hạn chế. Hai là, công tác tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại NNL của
các DN còn bộc lộ nhiều yếu kém. Ba là, việc thực thi các chính sách khuyến khích vật
chất và tinh thần đối với NNL chưa hợp lý, thiếu kịp thời. Bốn là, việc xây dựng và phát
triển văn hóa DN chưa được quan tâm đúng mức.
3. Những giải pháp chủ yếu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp
trên địa bàn Thành phố Huế trong giai đoạn tới
3.1. Nhóm giải pháp từ phía ngoài doanh nghiệp
- Phát triển giáo dục – đào tạo, nhất là giáo dục, đào tạo nghề nghiệp theo
hướng: Thứ nhất, mở rộng các hình thức đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt; thứ hai, nâng
cao chất lượng đào tạo nghề một cách toàn diện; thứ ba, cơ cấu lại ngành nghề và thực
hiện sự liên kết trong đào tạo nghề; thứ tư, từng bước chuẩn hóa và xã hội hóa giáo dục,
đào tạo nghề cho người lao động.
- Phát triển mạnh các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, như: Công nghiệp chế biến thực
phẩm, đồ uống; công nghiệp chế biến nông lâm sản; công nghiệp dệt, da dày; công
161
nghiệp cơ khí, điện tử; công nghiệp sản xuất dược phẩm; công nghệ thông tin…
- Đẩy mạnh phát triển thị trường sức lao động tại địa phương, thông qua các
biện pháp: Thứ nhất, mở rộng chế độ hợp đồng lao động cho mọi đối tượng lao động;
thứ hai, đổi mới tổ chức và hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm; thứ ba, phát
triển mạnh mẽ hệ thống thông tin lao động và việc làm; thứ tư, có chính sách thu hút lao
động có trình độ cao đến làm việc.
3.2. Nhóm giải pháp thuộc nội bộ doanh nghiệp công nghiệp
- Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp bằng cách:
đánh giá đúng thực trạng số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực của doanh
nghiệp; dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển
doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực
của doanh nghiệp.
- Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng bằng cách: xác định đúng nhu cầu,
vị trí nguồn nhân lực cần tuyển dụng của doanh nghiệp; xây dựng quy trình tuyển dụng
công khai, bình đẳng, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất
lượng cao.
- Đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động, thông qua
các biện pháp: Thứ nhất, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể của mỗi DN; thứ hai, thực
hiện quá trình đào tạo lại NNL của DN, với những hình thức chủ yếu như: đào tạo tại
chỗ; cử người đi học các lớp ngắn hạn và dài hạn; tham gia hội thảo, nghiên cứu
khoa học…; thứ ba, tạo điều kiện cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ.
- Cải thiện điều kiện lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người
lao động, xây dựng văn hoá DN bằng cách: đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới
trang thiết bị và điều kiện làm việc cho người lao động; tạo sự gắn kết giữa người lao
động và doanh nghiệp, giữa những người lao động với nhau; phát huy quyền dân chủ ở
cơ sở, tạo điều kiện cho người lao động đóng góp ý kiến, hiến kế phát triển DN; xây
dựng văn hóa DN và thương hiệu của DN.
Tóm lại, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong lĩnh vực
công nghiệp nói riêng ở thành phố Huế đang là một đòi hỏi bức thiết hiện nay và trong
thời gian tới. Để phát triển có hiệu quả nguồn nhân lực đó, điều quan trọng là phải phân
tích, đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp của thành phố
Huế và vận dụng sáng tạo, hợp lý các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ấy trong từng
địa bàn, cơ sở. Lãnh đạo các cấp, các ngành, các doanh nghiệp của thành phố Huế cần
xác định đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự phát triển nhanh và bền
vững của thành phố; đồng thời là giải pháp cơ bản góp phần thực hiện thắng lợi mục
tiêu xây dựng nước ta: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
162
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các Mác và Ănghen, Các Mác và Ănghen toàn tập.
2. PGS.TS. Trần Xuân Cầu, Giáo trình kinh tế nguồn nhân lực, Nxb. Đại học Kinh tế
quốc dân, Hà Nội, 2008.
3. Đảng bộ Thành phố Huế, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ lần thứ X, Huế, 2010.
4. Lê Thanh Hà, Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam trong quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và vai trò của công đoàn, Nxb. Lao động xã hội, Hà Nội,
2009.
5. Nguyễn Xuân Khoát, Lao động, việc làm và phát triển kinh tế xã hội nông thôn Việt
Nam, Nxb. Đại học Huế, Huế, 2007.
6. Mạc Văn Tiến, An sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực, Nxb. Lao động - xã hội,
Hà Nội, 2005.
DEVELOPMENT OF HUMAN RESOURCES FOR INDUSTRY
IN HUE CITY
Nguyen Xuan Khoat
1
, Pham Thi Thuong
2
1
Hue University
2
College of Economics, Hue University
Abstract. The development of human resources has become an urgent demand in
the present situation of the country in general and Hue City in particular. In recent
years, Hue City has experienced certain positive changes in human resources in
industry, which creates encouraging improvements in this area of the economy
However, there have been a number of limitations to overcome such as lack of high
quality or well trained labor force. In the course of this research, the author has
figured out the causes of the situation including low levels of education, ineffective
vocational training, and the most fundamental one is the lack of enterprises’
investment and interest in improving the quality of human resources.