Tải bản đầy đủ (.docx) (68 trang)

Lễ hội đền Tả Phủ Xứ Lạng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.16 MB, 68 trang )

Lễ hội đền Tả Phủ Xứ Lạng
Từ ngày 22 -27 tháng Giêng, năm Tân Mão các nghi lễ đặc sắc như: cướp đầu pháo,
rước kiệu trong chương trình lễ hội (LH) đền Tả Phủ Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ,
thành phố Lạng Sơn, đã được tổ chức thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng sâu đậm về
một LH truyền thống tiêu biểu của Lạng Sơn.
Trong buổi sáng, nghi lễ cướp đầu pháo tại sân đền Tả Phủ diễn ra thật náo nhiệt. Sau
những màn pháo hoa lung linh, đẹp mắt, đầu pháo xuân Tân Mão 2011 đã được tung ra
để người dự hội tranh cướp. Phần tranh đầu pháo thật hào hứng, thu hút đông đảo
người dự hội tham gia. Kết quả, anh Hoàng Vĩnh Hon, 24 tuổi, trú tại số nhà 263 đường
Bà Triệu, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đã cướp được đầu pháo LH
xuân Tân Mão 2011. Theo quy định của Ban tổ chức, người cướp được đầu pháo sẽ
giữ thờ tại nhà hạn đến ngày 20 tháng giêng năm sau sẽ phải rước trả lại đền để Ban
tổ chức tiến hành nghi lễ này trong LH năm mới. Về phần thưởng, người cướp được
đầu pháo được thưởng 500 ngàn đồng kèm theo một mâm xôi gà, một mâm ngũ quả.
Ngay sau các thủ tục công bố người thắng cuộc và làm lễ bái thần, đội sư tử đã rước
đầu pháo về tận nhà cho người thắng cuộc…
Buổi chiều cùng ngày, nghi lễ rước kiệu từ đền Tả Phủ Kỳ Lừa xuống đền Kỳ Cùng
(phường Vĩnh Trại) đã được tổ chức thuận lợi. Đoàn rước kiệu trên các đường phố
chính của thành phố đi đến đâu là được chào đón, hò reo vui mừng đến đó. Nhân dân
hai bên đường đã sắm lễ nghênh đón rất trang trọng. Các đội sư tử, lân, rồng vào chúc
mừng các gia đình, tổ liên gia khiến cho mọi người cảm nhận được LH đến rất gần với
mỗi người, mỗi gia đình.

LH đền Tả Phủ Kỳ Lừa được mở ra hàng năm từ ngày 22 đến 27 tháng giêng là dịp để
nhân dân tri ân công đức của Thân Công Tài – người đã có công khai lập ra phố chợ
Kỳ Lừa, trở thành một nơi giao thương, buôn bán sầm uất của thương khách gần xa
xưa kia và ngày nay. Nằm trong phố chợ Kỳ Lừa hiện có ngôi đền Tả Phủ thờ Thân
Công Tài và chợ đêm Kỳ Lừa là một địa chỉ du lịch văn hóa, du lịch mua sắm hấp dẫn
của du khách đến Xứ Lạng… Theo truyền thống, LH đền Tả Phủ thường được tổ chức
cùng thời gian với LH đền Kỳ Cùng. Trong các ngày 22 và 27 tháng giêng bao giờ cũng
có nghi lễ rước kiệu giữa hai ngôi đền này đã góp phần tạo ra không khí náo nức và


làm nên những nét đặc sắc cho LH rất tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa các dân
tộc tỉnh Lạng Sơn.

Có thể nói, LH trên đã nêu cao đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: Uống
nước nhớ nguồn; thiết thực góp phần làm tăng tính đoàn kết gia đình, cộng đồng làng
xóm. Mặt khác, qua ý nghĩa lịch sử - văn hóa của LH, mỗi người càng hiểu sâu sắc hơn
về đất và người Xứ Lạng xưa và nay.
Độc đáo lễ hội Cầu trâu ở Hương Nha – Phú Thọ
Cứ vào độ giêng hai, nhân dân xã Hương Nha (Tam Nông) lại nô nức mở hội Cầu trâu
để tưởng nhớ vị tướng tài có công với dân với nước. Trong dịp lễ hội, người dân ở đây
làm các loại bánh như: Bánh chưng, bánh dợm, bánh dầy để mời khách thập phương
và coi ngày hội là ngày tết chính trong năm.
Tương truyền vào nửa đầu thế kỷ nhất sau
công nguyên, khi hai bà Trưng phất cờ khởi
nghĩa đánh giặc Đông Hán, ở châu Đại Man
có người con gái tên gọi Xuân Nương tài
sắc vẹn toàn, thùy mị, nết na, võ nghệ tinh
thông, viết chữ và tính toán đều giỏi đến
mức các bậc “tu my nam tử” cũng không ai
sánh kịp. Xuân Nương còn công, dung,
ngôn hạnh, tứ đức kiêm toàn. Người trong
Châu đều khen nàng là bậc nữ anh hùng.
Cha mẹ mất sớm, anh trai nàng bị tên Thái thú Tô Định sát hại, trong lòng căm giận lắm
bèn chiêu tập binh mã nguyện báo thù cho anh. Nàng cắt tóc giả làm Ni sư đi đến các
phủ, huyện tìm cảnh nhà chùa để chiêu tập binh hùng tướng mạnh. Tuy phận nữ,
nhưng tài năng vượt chúng, trong thiên hạ không ai sánh kịp. Nàng luôn thiện tâm giúp
kẻ yếu, phù trợ người nguy lấy lòng nhân làm phúc, nàng ở chùa Hương Nộn (Tam
Nông) gần được một năm. Nhân dân trong vùng kính phục gọi nàng là bậc “Nữ trung
hào kiệt khí tiết hơn người” coi đức của nàng như núi, như biển. Lúc bấy giờ, Bà Trưng
dấy cờ khởi nghĩa đánh Tô Định mà chưa tìm được người con trai nào thao lược hơn

tài. Cũng khi đó Trưng Vương nghe thấy Xuân Nương là bậc nữ trung hào kiệt có chí
báo thù cho anh, hiện đang nuôi nhiều tướng sỹ trong nhà, tài danh lừng lẫy. Do vậy
bèn lệnh cho Trưng Nhị truyền hịch nghênh đón Xuân Nương về cùng dốc lòng giúp
nước, rửa thù chung. Khi tập hợp được hơn 1000 người, vào ngày 3/5, nàng đem hết
binh hùng giao cho Trưng Nữ Vương. Trưng Nữ Vương ban cho nàng thống lĩnh quân
nội thị nữ tốt bên tả, tức là quân Đông Phương và cải tên nàng là “Ả nương công chúa
đệ bát vị” để tham gia vào việc chính sự.

Sau này khi Xuân Nương mất, nhân dân trong xã và dân các vùng lân cận về mở hội và
tổ chức Lễ hội Cầu trâu để tưởng nhớ công đức của bà. Lễ hội Cầu trâu được tổ chức
vào ngày 2 tháng giêng hàng năm để nhớ lại câu chuyện xưa nhân dân dâng trâu để
Bà khao quân, khao tướng khi thắng trận trở về. Còn hội Hương Nha được tổ chức vào
ngày 10 tháng giêng âm lịch. Đây là lễ hội thu hút hàng vạn khách thập phương cũng
về tụ hội. Lễ hội Hương Nha được truyền như sau:

“Mồng mười là hội Hương Nha
Mười hai Gia Dụ, mười ba hội Hiền”

Lễ hội Hương Nha được tổ chức đều đặn hàng năm để tưởng nhớ về công đức của nữ
tướng Xuân Nương cùng các trò diễn xướng khi Bà tổ chức cùng binh lính. Đặc biệt là
Lễ hội Cầu trâu được nhân dân chuẩn bị cẩn thận và chu đáo từ 20 tháng chạp dân
làng đã họp bàn để chọn mua trâu. Trâu phải là trâu đực béo khỏe. Người được chọn
nuôi trâu gọi là: “Chứa lềnh” chủ chứa lềnh nhất thiết phải ăn chay từ khi rước trâu về.
Lán của trâu phải làm bằng vật liệu mới, mỗi buổi chiều chủ chứa lềnh phải đem trâu ra
bến tắm sau đó tự tắm cho mình. Đến 7 giờ tối ngày 2 tháng giêng nhà chứa lềnh phải
làm một cỗ gà và một cỗ chay gồm củ mài, mía ngọt, chè lam, chè kho và hoa quả
cùng một hũ rượu mộng. Tối đến chủ tế và dân làng cùng 12 “ con chùa” (12 trai tân trẻ
khỏe với 12 vồ để khảo trâu - cầu trâu) đến nhà chứa lềnh rước trâu ra đền Hạ (còn gọi
là miếu thờ ông) nơi đây thờ thập bộ thần quan và những tướng sỹ khi nghe tin bà mất
đã nhảy xuống hồ tuẫn tiết để tỏ lòng trung của bầy tôi. Trước khi làm lễ Cầu trâu người

ta đốt bên cạnh cột buộc trâu 2 bó đuốc bằng nứa khô, sau đó nhà sát làm lễ mật xin
khẩn âm dương rồi 12 con chùa múa, cúng trước cửa đền trước khi cầu trâu. Khi trâu
ngã gục và chết nhà sát phải thử lửa vào bộ phận “sinh thực khí” là bộ phận nhạy cảm
nhất của trâu xem trâu đã chết chưa, nếu chưa chết nhà sát cho các con chùa đánh
tiếp đến khi trâu chết hẳn nhà sát mới được mổ. Khi trâu được lột da, người ta chôn 4
chiếc cọc rồi căng da trâu làm “nồi da nấu thịt” tái hiện việc mổ trâu khao quân của nữ
tướng Xuân Nương xưa khi dân làng dâng trâu để bà khao quân. Người ta còn cắt 12
miếng thịt trâu ngon ở bắp làm 12 quả đài xinh để tế thần. Sáng ngày 3 âm lịch người
dân tổ chức lễ “chạy chài”. Lễ gồm thịt và lòng trâu đặt trên mâm tre. Sau nhà sát đội ra
bến Gềnh cúng lễ, trên đường đi lễ về người dân thi nhau tranh cướp lễ vật. Quan niệm
từ xưa nếu ai cướp được lễ vật thì năm đó làm ăn phát đạt, con cháu thuận hòa gặp
nhiều may mắn. Nhân dân Hương Nha còn có tục rước kiệu từ đình Thượng xuống
đình Hạ, bến Lão Châu nơi xưa Xuân Nương thường tổ chức hội quân ở đây, ngày hội
còn tổ chức vật thờ, chọi gà và đặc biệt trò bán “ngài” - Người nam giả nữ đi bán tằm
thực chất trong đó là truyền dụ của Trưng Vương truyền cho Xuân Nương về dưới
trướng dựng cờ khởi nghĩa. Những địa danh với tên làng, tên đất tên quê đã đi vào lịch
sử với đình Thượng, miếu Bà, Giếng Ngự, Ao Săm, bến Láo Châu… vẫn còn những
chứng tích một thời: Giếng Ngự xưa kia bà Xuân Nương thường tắm gội, chải tóc soi
gương. Đình Thượng, đình Hạ, miếu Bà là nơi khi xưa bà bị thương chảy máu lênh
láng, nhân dân đã lập đình, miếu để thờ. Còn bến Lão Châu khi xưa nữ tướng Xuân
Nương thường hội quân ở đó.

Ngược dòng lịch sử về với Hương Nha để nhớ một thời oai hùng oanh liệt cùng với lễ
hội Cầu trâu đặc sắc, độc đáo ít nơi có được để nhớ về một vị tướng tài kiệt chúng
sống mãi trong lòng dân và thời đại. Tên tuổi của Bà còn khắc mãi trong nhân gian,
trong từng bia đá, sắc phong, hoành phi câu đối:

Tiếng tăm khí tiết lưu muôn thuở
Sắc áo ban phong trải khắp triều.


Hiện nay khu di tích:Đền, miếu Hạ của Hương Nha còn lưu giữ được hàng trăm hiện
vật quý giá với lịch sử thờ nữ tướng Xuân Nương, đặc biệt có một cuốn ngọc phả viết
năm 1572 và một cuốn sao lại sắc phong các triều đại và 3 sắc phong thời Nguyễn.
Trang phục lễ hội của người Cà Tu (Quảng Nam)
Với người Cà Tu, trang phục là cội rễ để hình thành nên một bản sắc văn hoá riêng -
văn hoá Cà Tu. Thế nên, họ thường diện những bộ trang phục truyền thống vào những
dịp lễ hội truyền thống hay dịp Tết về....
Có dịp đến các bản làng của người Cà Tu trong sinh hoạt hằng ngày, vào những dịp lễ
hội truyền thống: Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang tơrí),
lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê)... hay dịp Tết đến, xuân về, nhìn những thanh
niên thiếu nữ Cà Tu trong bộ trang phục truyền thống của những hoa văn với sắc màu
rực rỡ trên nền vải thổ cẩm như những đoá hoa rừng khoe sắc giữa mênh mông bao la
của núi rừng đại ngàn làm nên một bức tranh văn hoá Cà Tu thật sống động..., chắc
hẳn bạn sẽ có ấn tượng đẹp và khó quên bởi trang phục của người Cà Tu ẩn chứa
nhiều nét hoang dã của một dân tộc sống trên vùng Trường Sơn. Với họ, trang phục là
cội rễ để hình thành nên một bản sắc văn
hoá riêng - văn hoá Cà Tu.

Gắn bó với núi rừng Trường Sơn từ bao đời
nên trang phục của họ mang màu sắc hoang
dã. Được tạo nên từ những nguyên vật liệu
có xuất xứ từ cây trồng, cây, củ, quả có sẵn
trong rừng, những chiếc khố (cha lon), áo
cột tay (a doót), tấm choàng (a duông), váy
dài (cơđơ-ớch)... của người Cà Tu là cả một
công trình dệt tỉ mỉ, công phu, kiên trì và chịu khó là một nghệ thuật mang tính thẩm mỹ
cao.

Để có được những bộ trang phục đẹp mang bản sắc văn hoá riêng cho dân tộc mình,
người phụ nữ Cà Tu phải tốn rất nhiều công sức. Họ trồng bông, đay lấy sợi rồi tách

hạt, tách bông, cán bông, vấn bông, se sợi... Các khâu nhuộm cũng không kém phần
quan trọng. Để có được màu đỏ, họ lấy từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu vàng
từ củ ma rớt cho đến việc dàn cườm để tạo thành những hoa văn trên nền vải như: hoa
văn bằng cườm hình hoa Ablơm (hoa tình yêu), hoa văn bằng cườm hình lá Atút (hình
chiếc chong chóng), hoa văn bằng cườm hình đàn ông Cà Tu múa tung tung (múa
nam), hoa văn bằng cườm hình thiếu nữ Cà Tu múa dadá (múa nữ), lá trầu (A bá), dây
buộc nhà Gươl (hơma cating), hoa văn bằng cườm hình hoa hơma tơbang (hoa rừng),
ma não (trang sức)...

Sau đó được dệt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, nhưng những đường nét và
các hoạ tiết hoa văn hết sức tinh tế tạo thành dãy hoa văn đặc sắc bằng chì hoặc cườm
trắng trên nền vải chàm đen thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo cao.

Điều dễ nhận thấy qua trang phục lễ hội của người Cà Tu là sự đơn giản, không cầu kỳ
về màu sắc. Tuy nhiên, trang phục của họ cũng phản ánh được nhân sinh quan, thế
giới quan của người Cà Tu về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như phong tục, tập quán,
sinh hoạt của cộng đồng... của dân tộc mình. Màu chủ đạo của trang phục người Cà Tu
là màu chàm đen, đây cũng là màu nền của trang phục. Người Cà Tu quan niệm rằng:
màu chàm đen là màu của đất (abhuyh-Catiếc), màu đỏ là màu của mặt trời (Abhuyh-
Plêếng). Đây là hai màu sắc của hai vật thiêng không thể thiếu trong đời sống và trong
trang phục của người Cà Tu. Màu vàng trên trang phục được người Cà Tu dùng rất ít
chỉ là những nét mảnh, nhằm để tạo nên những hoạ tiết hoa văn.

Hầu hết trang phục của người Cà Tu đều được bố trí các hoạ tiết hoa văn thành từng
mảng nhưng không đơn điệu. Chiếc áo cộc tay của đàn ông, thanh niên, trang trí
những dãy hoa văn đối xứng, với những vạch sọc có khoảng cách đều nhau được dệt
bởi ba màu: vàng, đỏ và trắng, trông nổi bật trên nền vải chàm đen. Chiếc khố (cha lon)
của đàn ông Cà Tu có chiều rộng khoảng 45cm, chiều dài từ 3m đến 8m, với vạt trước
dài, vạt sau ngắn cũng được bố trí các hoạ tiết đường nét hoa văn thành từng mảng
lớn.


Váy dài (cơđơ-ớch) của phụ nữ Cà Tu có chiều dài khoảng 6m được khâu lại thành hai
lớp và có chiều dài khoảng 3m, chiều rộng khoảng từ 1.5m đến 1.7m (tuỳ thuộc vào
chiều cao của mỗi người). Váy cũng có nhiều hoạ tiết hoa văn cách điệu như khố của
đàn ông nhưng nhìn chung các hoa văn lại tập trung thành mặt phẳng lớn ở phần dưới
của thân váy. Các hoạ tiết hoa văn ở phần thân váy thường đứng riêng lẻ bằng các
vạch sọc như: hoa văn Ablơm (hoa tình yêu), lá trầu, dây buộc nhà Gươl, múa dadá
(múa nữ)... màu sắc đơn giản, các hoạ tiết hoa văn được thể hiện dưới dạng hình học.

Váy ngắn (o réch) có chiều dài từ 80cm đến 1m, rộng 70-80cm được khâu lại bằng chỉ,
tạo cho váy có hình ống. Khi phụ nữ Cà Tu mặc vào, thân trên ở tầm ngang bụng và để
khỏi bị tuột váy họ dùng dây buộc. Áo cột tay (A doóh) gồm hai mảnh được khâu lại với
nhau có chiều từ 40 đến 60 cm, chiều rộng 50cm-60cm. Khi áo được khâu lại có dáng
hình cổ chữ V.

Tấm choàng (A duông) là loại dùng cho đàn ông Cà Tu mặc vào các lễ hội truyền thống
của buôn làng hoặc vào mùa đông. Tấm choàng cũng được dệt trên nền chàm đen có
nhiều màu trắng, đỏ vàng. Song nhìn chung trang phục lễ hội của người Cà Tu không vì
thế mà kém phần hấp dẫn là nhờ ở lối bố cục các hoạ tiết hoa văn thành từng dải, từng
mảng và độ chênh lệch cần thiết giữa các dải hoa văn với các màu tương phản trên
nền chàm đen của trang phục khiến màu đỏ, vàng, trắng luôn trầm lắng, không rực rỡ
sắc màu và cũng không chói chang mà tạo nên được độ sâu và sự nền nã của trang
phục.

Những nét riêng biệt và độc đáo đó đã làm cho trang phục của người Cà Tu vùng
Trường Sơn không giống bất kỳ trang phục lễ hội nào của cộng đồng các dân tộc anh
em sống trên dải đất Việt Nam.
Nét văn hóa dân tộc Kháng
Dân tộc Kháng còn có những tên gọi khác là Háng, Brển, Xá với các nhóm đia phương
là Kháng Dẩng, Kháng Súa, Kháng Hoặc, Kháng Dón, Ma Háng, Bẻng, Bư Háng Cọi…,

dân số khoảng 4 vạn người, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.
Người Kháng là một trong số các dân tộc cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc nước ta.
Nhà ở của người Kháng gồm hai loại: nhà tạm bợ và nhà kiên cố, gồm 1 mái hoặc 2
mái, không phủ nóc, không có chái, cửa sổ chính thông suốt từ đầu này đến đầu kia và
thông với cầu thang lên xuống. Người Kháng thích ăn xôi và các món có vị chua cay
như cá ướp chua, dưa lá củ ráy…Tục uống bằng mũi (tu mui) là nét văn hoá độc
đáo của người Kháng. Do chịu ảnh hưởng sau sắc của văn hoá Thái nên trong sinh
hoạt hàng ngày người Kháng có nhiều nét giống với người Thái. Những bộ trang phục
của phụ nữ Kháng rất giống với trang phục của phụ nữ Thái trắng. Cũng do nằm trong
sự quản lý của các mường Thái trước đây nên người Kháng không có tổ chức xã hội
riêng. Kiểu gia đìnhphụ hệ chiếm ưu thế trong bản. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số
tàn dư của chế độ mẫu hệ như tục ở rể, vai trò của ông cậu…
Cưới xin và ma chay là những hoạt động mang đậm tính văn hoá của người Kháng.
Ngày xưa, việc lấy vợ, lấy chồng phải trải qua nhiều nghi thức phức tạp. Sau bốn năm
đêm tìm hiểu ngủ tại nhà người con gái, nếu đôi trai gái ưng ý nhau thì báo cáo với gia
đình để tổ chức lễ ăn hỏi và thực hiện rất nhiều các nghi thức khác trước khi tổ chức
cưới. Lễ cưới của người Kháng được tiến hành gồm 2 bước: chàng trai đi ở rể và đưa
dâu về nhà chồng. Thông thường sau 3 năm ở rể, đôi vợ chồng trẻ phải làm lễ ra mắt
họ hàng, nhà trai mới tổ chức cưới lần hai và đón dâu về nhà. Ngày nay, các nghi thức
trong hôn lễ của người Kháng đã được giản tiện đi rất nhiều, tục ở rể thưa dần và thời
gian ở rể cũng ngắn đi…Trong tang lễ người Kháng có tục "chia của" cho người chết
gồm chăn đệm, dao bát, đĩa, hòm đựng quần áo, ống nước, giỏ xôi…và những gì
người quá cố thường dùng. Phía đầu mộ người ta còn chôn một cái cột cao, trên đó
buộc một con chim bằng gỗ và một cái áo của vợ hay chồng người quá cố. Người
Kháng còn tin và thờ cúng nhiều loại ma, trong đó đáng lưu ý là tục thờ ma bố và ma
mẹ. Việc cúng bố mẹ được tiến hành ba năm một lần. Đây là một trong những lễ cúng
lớn nhất, gia đình thường mời anh em, bà con trong bản tới ăn cơm, uống rượu, sau đó
múa xoè thâu đêm./.
Phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng (Kon Tum)
Bước sang tuổi 15, các cô gái Giẻ Triêng bắt đầu hành trình đi “kiếm củi hứa hôn” để

“bắt chồng”.
Nhiều củi tình yêu càng mặn nồng
Theo một người già nhất trong làng cho biết, con gái người dân tộc Giẻ Triêng ở cực
Bắc Tây Nguyên khi bước qua tuổi 15 bắt đầu nghĩ tới việc vào rừng đốn củi để đủ điều
kiện “bắt chồng”.
Mỗi lần lên rẫy, các bà mẹ lại chỉ dẫn tỉ mỉ cho các cô con gái bé nhỏ của mình cách
nhận biết cây củi “hứa hôn”. Tiêu chí đốn củi nhiều, đẹp, đều đồng nghĩa với việc sau
này tình yêu đôi lứa của cô gái này với chàng trai càng trở nên sâu nặng.

Theo phong tục người Giẻ Triêng, trước khi tiến hành nghi lễ “bắt chồng” thì người con
gái phải đốn đủ 100 bó củi (dài từ 80 — 90 cm), điều này đã đi vào đời sống của mọi
người hàng ngàn năm nay và trở thành “luật bất thành văn”.
Củi hứa hôn nhất thiết phải là cây dẻ, một loại cây mọc khá thẳng, vừa chắc phơi khô
và cõng về nhà, khi đốt rất đượm than.
Khi đã chuẩn bị củi hứa hôn đồng nghĩa với việc đã biết tỏ tình. Củi hứa hôn là của hồi
môn nhà con gái đem dành cho nhà trai.

Sau khi đã chuẩn bị đủ số lượng củi, cố tìm đến chàng trai mà mình “ưng cái bụng” để
“đánh tiếng”, nếu chàng trai đồng ý thì buổi tối tự nguyện đến tâm sự với cô gái tại nhà
Rông.
Theo phong tục ở đây, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất,
tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về. Cây củi được chặt bằng, bó
củi đều nhau có nghĩa cô con dâu khéo tay.
Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng từng thanh củi nhất thiết
không được rời ra.
Theo tục trước đây, khi đi đốn củi hứa hôn, người con gái phải tự mình vào rừng tìm
cây và đốn củi mang về, nhưng nay, người thiếu nữ có thể nhờ người thân giúp đỡ.

Theo tục lệ cũ, con trai khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà Rông, sau đó vài ba
năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con

cái được cha mẹ tôn trọng.
Trước khi lập gia đình, con trai phải biết đan lát, biết tấu chiêng cồng, các cô gái phải
thạo đan chiếu, dệt vải (ở những vùng có nghề dệt). Cô gái phải chuẩn bị đủ 100 bó củi
đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới.
Đêm tân hôn không được ăn trái cấm
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ được phép ngủ chung với nhau môt sạp nhưng tuyệt
đối không được làm “chuyện đó" trong đêm tân hôn mà phải sau ngày cưới một năm,
đôi vợ chồng trẻ mới được ăn trái cấm.

Từ xưa nay ai cũng vậy, ai chưa đủ một năm đã sinh con thì bị làng phạt vạ, nhẹ nhất là
một con heo, còn nặng thì một con bò.
Các chàng trai người Giẻ Triêng sau khi tiến hành hôn lễ, phải cắp quần áo sang nhà
gái làm phận nô tỳ, thường chàng trai phải ở rể 3 năm trở lên, coi đây là nghĩa cử báo
đáp công nuôi dưỡng sinh thành của gia đình nhạc phụ.

Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ phải sống và luân phiên chuyển nhà từ nhà cha mẹ vợ
sang nhà cha mẹ chồng, và ngược lại cứ ba đến bốn năm một lần, cho đến khi cha mẹ
một bên qua đời mới định cư một chỗ.
Lễ “tỏn cộ” của người Thái đen Tây Bắc
ễ “Tỏn cộ” tức là lễ đón cỗ, với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các con rể với
cha mẹ vợ khi cha (hoặc mẹ) vợ qua đời.
Lễ vật gồm ba mâm cỗ, một mâm là hoa quả (không thể thiếu chuối), bánh, rượu, gạo,
tiền, hương. Mâm thứ hai có một con vịt, một con gà mổ sạch để cả lòng, tiết. Mâm thứ
ba là một con dê, nếu không có dê thay bằng lợn chừng 30 kg. Dê (hoặc lợn) mổ sạch,
riêng bốn chân từ khuỷu xuống móng, chỏm đầu và bờm để nguyên lông, ruột làm sạch
rồi thổi phồng lên quấn quanh thân.
Các mâm lễ vật được xếp lên một chiếc thang bằng tre, hóp với ý nghĩa như một chiếc
cầu lớn.
Người Thái quan niệm khi người chết đi, linh hồn (phi) sẽ tiếp tục sống trên mường trời
trong các “đẳm đoi”, tức là nơi ở của các linh hồn cùng họ tộc. Bởi vậy lễ vật, ngoài thể

hiện tình cảm sâu nặng của con rể với bố mẹ vợ, thì còn có ý nghĩa giúp cho bố (hoặc
mẹ) vợ có thêm thực phẩm, phương tiện, lễ vật để linh hồn có thể lên mường trời được
thuận lợi.
Con dê (hoặc lợn) được quấn bộ lòng đã thổi căng ngoài ý nghĩa vật chất còn biểu lộ
lòng ngay thẳng, trung thực và hết lòng của con cái với cha mẹ. Con vịt là thuyền, con
gà là người cầm lái để linh hồn có phương tiện để có thể vượt qua mọi thác ghềnh đến
được mường trời thuận buồm xuôi gió. Riêng chuối có một ý nghĩa đặc biệt, nhắc nhớ
tới tình yêu của bố mẹ vợ khi còn trẻ đang tìm hiểu nhau, mong đợi, bồn chồn, hồi hộp
ngay cả khi “Bươn siểng ma hau quai/ Bươn hai ma hau ngau cò quẩy/ Ma hau chụ
khen suổi bản lắc ma giam”. Có nghĩa là: Trăng trong chó sủa con trâu/ Trăng sáng chó
sủa cây chuối/ Cứ ngỡ chó sủa người yêu bản xa đến tâm tình. Tình yêu trong sáng
mãnh liệt ấy thêm động lực để linh hồn vượt qua mọi trở ngại trên đường tới mường
trời. Người Thái tin rằng khi người còn lại (mẹ hoặc bố) qua đời sẽ xum họp tại “đẳm
đoi” trên mường trời.
Trong lễ vật bao giờ cũng có “chỉa giao cộ” tức là giấy giao cỗ, thực chất là điếu văn
được viết trên một sải vải mộc trắng, phía dưới cắt hình đuôi én. Nội dung kể về công
ơn to lớn của bố (mẹ) vợ đã sinh hạ, tần tảo sớm hôm, nuôi dạy người vợ của mình trở
thành cô gái đảm đang, hiền thảo; lòng thành dâng lễ vật, dặn dò phải cẩn thận tránh
mọi rủi ro trên đường tới mường trời và nhớ tìm anh em họ mạc ở “đẳm đoi”.
Ví dụ khi mẹ mất, “chỉa giao cộ” có đoạn “Mè êm công pu khả bể/ Mí hón kể tục lọn
giang dứt tăng niểu”, có nghĩa là: Công mẹ như núi như biển/ Có khi nào kể hết được,
như cao su co giãn mãi, rồi còn cầu cho linh hồn mẹ lên mường trời được may mắn,
con cháu có chút lễ mọn để mẹ làm vốn làm ăn, mong mẹ gặp đông đủ anh em họ
hàng. “Chỉa giao cộ” được treo trên một cây trúc hoặc tre hóp để cả ngọn do người con
trai cả của con rể đi đầu cùng phường kèn trống.
Cái thang để lễ vật do con rể và anh em của mình đến giúp khênh, phía đầu thang buộc
vải trắng làm cầu dẫn cỗ kéo dài ra phía trước. Cầu bằng vải này dài tối thiểu 30 sải,
khi làm xong lễ “Tỏn cộ” được thu mang về.
Khi cỗ gần đến nhà bố mẹ vợ, người nhà ra đón đỡ cầu vải đội lên đầu thể hiện lòng
tôn trọng, lúc này người nhà bên con rể rót mời anh em họ hàng bên vợ ra đón mỗi

người một chén rượu để tỏ tình thân ái. Khi đến chân cầu thang người nhà của con rể
thu quấn cầu dẫn cỗ lại, chủ nhà đón cỗ đặt dưới chân linh cữu.
Trưởng đoàn bên nhà con rể đọc “Chỉa giao cộ”.
Chủ nhà - Thường là con trai trưởng nói lời cảm ơn. Nếu gia đình nào không có con trai
thì người con rể được ở nhà bố mẹ vợ, có trách nhiệm nuôi dưỡng và thờ phụng bố mẹ
vợ sẽ đáp từ.
Cỗ sau khi cúng linh hồn cha (hoặc mẹ) vợ được chủ nhà chia cho con rể và con gái
mang về góp thêm vào để cảm ơn những người đến giúp, vừa mang ý nghĩa là lộc của
cha (mẹ).
Cỗ do con rể mang đến, sau khi cúng xong được chế biến mời họ mạc và bà con bản
mường đến chia buồn. Còn “Chỉa giao cộ” được treo trong nhà táng sau lễ hoả táng và
chôn cất người quá cố.
Tục lệ này ở mỗi vùng khắp miền Tây Bắc có khác nhau đôi chút, nhưng nét cơ bản
giống nhau, thể hiện sâu nặng tình cảm của các con rể với bậc sinh thành nuôi dưỡng
người bạn đời yêu quý của mình. Ngoài ý nghĩa tâm linh, còn mang đậm ý nghĩa nhân
sinh sâu sắc.

Văn hóa nhà sàn người Khơ Mú ở Yên Bái
Bản làng người Khơ Mú ở Văn Chấn (Yên Bái) không qui mô, không rộng lớn như của
người Thái, người Tày. Thường họ lập làng bản trên sườn đồi, nơi gần nguồn nước
theo hệ thống mật tập (nghĩa là hình thái sắp xếp không theo một thứ tự nhất định nào,
không có đường ngõ, không rào giậu, chỉ có những lối mòn tự nhiên nối nhà nọ qua
nhà kia). Qua những nếp nhà đó, dễ cho ta ấn tượng
phong cách núi rừng.
Càng tìm hiểu, càng dần phát hiện lối kiến trúc độc đáo
mang đậm đặc trưng văn hóa nhà sàn. Thật vậy, xung
quanh việc làm nhà và ở nhà sàn truyền thống là những
câu chuyện văn hóa mang tính luật tục lại vừa mang tính
tâm linh và đẫm chất nhân văn. Nhà sàn Khơ Mú kiểu cổ
truyền phải là hình dáng: nhà hai mái cao (nếu theo kiểu nhà người Thái trắng) hoặc

nhà hai mái, đầu hồi ghép phụ, hay bốn mái (theo kiểu của người Thái đen). “Khau cút”
đầu hồi mái nhà hình con ốc Cauris moneta (chưn đrưng klọ), tượng trưng cho lòng
mong muốn được giàu có của gia đình (khác với “khau cút” hình trăng khuyết của
người Thái).

Từ xa xưa, trong tiềm thức của người Khơ Mú là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu
đựng được điều kiện nơi núi cao rừng sâu. Vì thế, những ngôi nhà truyền thống ra đời,
gắn với đồng bào hàng ngàn năm, giúp họ tồn tại, phát triển và tránh được biết bao
hiểm nguy bởi thú dữ, bởi thiên tai khắc nghiệt. Để có ngôi nhà vừa ý, người Khơ Mú
chọn những loại gỗ tốt làm khung, mái lợp gianh, nhờ khói bếp lâu ngày bám vào mà
tạo được độ bền. Để thoáng mát và có màu đen, nâu bóng, người ta làm sàn nhà cao
hơn mặt đất chừng 2m.

Những cây bương to, thẳng, già, qua quá trình xử lý mới được sử dụng làm giát. Ngôi
nhà không chỉ để đủ cho nhiều thế hệ cùng chung sống mà còn là nơi gặp gỡ anh em
họ tộc, bà con làng bản mỗi khi gia đình có việc. Vì thế, diện tích nhà thường rộng từ 60
đến 80m². Nhà sàn Khơ Mú cấu trúc 3 gian. Bếp nấu được làm ngay ở góc gần cầu
thang phía trước. Một bếp nữa ở gian thứ hai đặt lễ thờ cúng tổ tiên, ma nhà… Bếp thứ
ba ở gian trong cùng, chỉ để xôi cơm, nấu rượu (biểu thị sự giàu có, sung túc). Khách
không nên đến gần hai bếp này vì đồng bào quan niệm dễ đem điều rủi ro tới cho chủ
nhà.

Tùy theo qui mô lớn, nhỏ của nhà mà số lượng cửa sổ nhiều hay ít, to hay nhỏ, cao hay
thấp. Xuất phát từ tính tập thể rất cao nên khi làm nhà, các hộ trong bản thường tập
trung đến làm cùng. Chủ nhà mổ lợn, giết gà làm cơm cho cả bản cùng ăn. Nhà dựng
xong, gia đình tổ chức tối vui văn nghệ tại nhà. Dịp này, nam thanh nữ tú, thậm chí
nhiều người cao tuổi đến chúc phúc gia chủ. Họ diễn xướng nhiều nhạc cụ như: cồng
chiêng, pí tót, âm đinh, tính tờ la, cùng nhau nhảy những điệu “tăng bu, tăng bảnh”. Đặc
biệt, không thể thiếu “Tẹ cạ grang” (múa cá lượn) để bày tỏ tình yêu và khát vọng về
cuộc sống nơi ở mới càng ngày càng hạnh phúc, đủ đầy.


Trường hợp sửa chữa nhà cửa thì chủ nhà phải sửa lễ, gọi là Soi gang. Lễ cúng ma
nhà được tiến hành ở gian giữa, nơi đặt bàn thờ tổ tiên và lễ vật phải có rượu cần. Sau
khi khấn xin tổ tiên, cha mẹ (kể cả ma nhà) về chứng kiến, phù hộ cho con cháu, gia
chủ tiếp tục lễ gọi “hồn” cồng chiêng (gồm chiêng đực, chiêng cái và chiêng con). Có
vậy, chiêng mới được phép đánh lên cho mọi người vui với gia đình sau đó. Tóm lại,
nhà sàn truyền thống của người Khơ Mú biểu hiện đặc trưng, tình cảm, lối sống của
một tộc người. May mắn ở xã Nghĩa Sơn (nơi định cư duy nhất của bà con Khơ Mú), số
lượng nhà sàn truyền thống còn khá nhiều.

Nhà sàn Khơ Mú là ngôi nhà thân thương đã hun đúc nên tinh thần một tộc người có ý
thức cộng đồng cao với sự kết cấu, hòa hợp lẫn nhau giữa các thành viên trong gia
đình, dòng họ. Nhà sàn là cầu nối giữa con người với vũ trụ; là nơi gửi gắm niềm tin
giữa con người với các thần linh, là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần. Đó cũng là biểu
tượng văn hóa mang đậm bản sắc khi nền kinh tế nương rẫy đóng vai trò quan trọng
trong đời sống của họ. Nhà sàn Khơ Mú được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống,
không chỉ với những kiến trúc mà còn phản ánh về vai trò và chức năng vốn có của nhà
sàn. Nơi đây luôn tạo cho người Khơ Mú một hình ảnh thân quen, gần gũi, ấm áp, càng
ngày càng gắn bó giữa các thế hệ hôm nay và mai sau. Nghĩ đến văn hóa nhà sàn
người Khơ Mú cùng những chủ nhân của nó đang ngày đêm vượt khó, vươn lên làm
chủ, xây dựng quê hương đổi mới, khiến ai đó đã một lần đến nơi này, hẳn càng thêm
tin yêu.

Lễ hội Đền Hoàng, Nghệ An
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 29, 30/1 và 1/2 (AL), người dân Yên Thành lại nô nức
trẩy hội Đền Hoàng. Đây là lễ hội nhằm ghi nhớ công lao của vị tướng Hoàng Tá Thốn
đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Đền Hoàng thuộc thôn Diệu Ốc (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) toạ lạc
trên một vùng đất đồi, trước mặt là hồ Diệu Ốc quanh năm thơm ngát hương sen.
Trước đây, người dân địa phương tổ chức lễ hội trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng giêng

hàng năm, trong đó phần chính lễ diễn ra vào sáng ngày 15. Ngày nay, lễ hội được tổ
chức vào các ngày 29, 30/1 và 1/2 (ÂL) với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc, thu hút
đông đảo người dân trong vùng và du khách thập
phương về dự.
Năm nay, để chuẩn bị tốt cho lễ hội Đền Hoàng,
ngay từ đầu tháng 2, UBND huyện Yên Thành đã
chỉ đạo các ban ngành phối hợp với chính quyền xã
Phúc Thành tổ chức tuyên truyền quảng bá rộng
rãi. Cơ sở hạ tầng, đường sá xung quanh đền được
mở rộng, sân khấu, sân thi đấu các môn thể thao
được tu bổ, nâng cấp.

Được biết, lễ hội Đền Hoàng tới đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hoá thể thao như:
thi đấu bóng chuyền nam nữ, thi người đẹp Đền Hoàng. Bên cạnh đó, các trò chơi dân
gian cũng không kém phần hấp dẫn thu hút đông đảo người xem như: bơi thuyền, chọi
gà, kéo co, đánh đu, đẩy gậy, vật….
Lễ hội Mường Đòn, Thanh Hóa
Vào các ngày 18 và 19 tháng giêng (âm lịch) hằng năm là nhân dân các bản làng của
vùng Mường Đòn, xã Thành Mỹ, huyện miền núi Thạch Thành lại tưng bừng tổ chức lễ
hội truyền thống Mường Đòn.
Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đánh giặc giúp dân giữ đất, giữ Mường của ông Vũ Duy
Dương – vũ tướng quân, một tổng trấn vùng đất phía tây Thanh Hóa dưới thời vua Lê
Trang tông và em gái Vũ Thị Cao. Sau khi ông mất được nhà vua ban cho sắc phong là
Bạch Mã linh lang thượng đẳng thần. Lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ông Bùi Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, cho biết: “Trải qua
thăng trầm của lịch sử, nhưng công trạng của các bậc tiền bối có công với đất nước,
dân tộc vẫn được các thế hệ vùng Mường Đòn tôn vinh và ghi nhớ. Lễ hội Mường Đòn
đang chuẩn bị thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để các cơ quan
quản lý văn hóa, nghiên cứu khoa học tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn về thân thế sự

nghiệp của ông Vũ Duy Dương; từ đó có kế hoạch đầu tư phục dựng các trò chơi, trò
diễn, lễ hội của vùng Mường Đòn”.

Đến với lễ hội Mường Đòn – một lễ hội tiêu biểu cho vùng đồng bào dân tộc Mường xứ
Thanh, du khách còn có thể đi tham quan di chỉ khảo cổ học Hang Con Moong ở xã
Thành Yên và nhiều địa chỉ du lịch hấp dẫn khác.

Ghế K’pan - Biểu tượng sung túc của dân tộc Êđê ở Đắk Lắk
Đối với các gia đình Êđê, ngoài các bộ cồng chiêng, ché rượu… thì ghế K’pan cũng là
một vật thiêng thể hiện sự sung túc giàu có của mỗi gia đình.

Để làm được một chiếc K’pan cần phải có sự giúp sức của cả buôn làng, chứ một gia
đình khó lòng làm nổi, vì thế K’pan cũng có thể xem là biểu tượng thể hiện tinh thần
đoàn kết giữa các gia đình trong cộng đồng buôn làng dân tộc Êđê.
K’pan là một chiếc ghế độc mộc, bằng gỗ nguyên khối dài khoảng 15m, rộng từ 65 đến
85cm, với độ dày 7-8cm kê cao 45-50cm , hơi cong ở hai đầu tạo nên dáng vẻ vững
chắc, mạnh mẽ.

Gỗ để làm K’pan phải chọn loại cây rừng lâu năm, cao, to, thẳng, gỗ tốt.

Một hộ không thể làm nổi K’pan mà cần hợp sức của buôn làng lại trong thời gian cả
tuần mới có thể hoàn thành.

Người chủ không chỉ phải lo đủ trâu, lợn, gà, rượu, gạo phục vụ cho bà con trong
những ngày làm K’pan, mà theo tục lệ còn phải là người đã tổ chức được các lễ hiến
sinh, cầu sức khỏe có nhiều cuộc khoản đãi cộng đồng và có nhiều chiêng ché.

Theo già làng Ama H’Rin, buôn Akô Dhông cho biết : “Gia đình nào muốn được cộng
đồng ủng hộ cho tổ chức lễ hội làm K’pan thì gia đình đó phải có kinh tế khá giả, có tấm
lòng hào hiệp, hay giúp đỡ những người xung quanh”.


Đối với các gia đình Êđê, K’pan tượng trưng cho sự giàu có của gia đình và là niềm tự
hào của cả buôn làng. Vì thế, làm K’pan được xem là sự kiện của cả cộng đồng.

Do đồng bào Êđê theo chế độ mẫu hệ nên việc tìm chặt cây phải được bàn định trước
với gia đình bên vợ và cây rừng để làm K’pan phải được người phụ nữ có tiếng nói
trong gia đình lựa chọn. Đó là một cây gỗ cổ thụ, cao, to, thẳng, đã được thần linh
chứng giám cho phép chặt từ rừng thiêng.

Trước khi muốn chặt cây lớn mang về làm K’pan thì chủ nhà phải lấy một mảnh nhỏ vỏ
cây mang về cúng thần.

Để tránh mọi điều xui xẻo và mang lại nhiều may mắn cho gia chủ K’pan, khi đi chặt cây
gỗ lớn nhà chủ và thầy cúng phải chọn ngày đẹp trời, trong buôn không có đám tang.

Dẫn đầu đoàn vào rừng chặt gỗ là người lớn tuổi trong nhà cùng thầy cúng, tiếp đó là 7
người con trai khỏe mạnh mang theo dao, búa, rìu. Đi cuối là dân làng và người nhà
mang lương thực phục vụ.

Đến chỗ cây lớn đã định, thầy cúng và chủ nhà phải chọn chiều cây đổ dọc theo dòng
nước chảy rồi mới cho bổ rìu. Chủ nhà là người bổ nhát rìu đầu tiên rồi sau đó mới đến
mọi người.

Cây ngả xuống, người ta chặt sạch cành lá, chủ nhà và thầy cúng đi lên thân cây 7 lần
để đuổi tà ma, rồi những người thợ mới được dùng rìu đẽo cây thành chiếc K’pan có
hình chiếc thuyền với những đường nét khỏe khoắn.

Sau khi thầy cúng cầm rìu bổ nhẹ vào K’pan theo tục lệ, mấy chục trai tráng trong buôn
cùng khênh K’pan về buôn, còn những thanh niên nam nữ khác vừa đi theo múa hát,
gõ chiêng.


Đến đầu buôn, đám rước đặt K’pan xuống cho thầy cúng phủ vải đỏ lên rồi mới đưa về,
đặt ở vườn sau của chủ nhà.

Các ngày sau đó, những người thợ khéo tay nhất buôn sẽ chạm khắc những hoa văn
có tính biểu tượng truyền thống Êđê lên chiếc K’pan và họ được chủ nhà nuôi cơm
rượu.

Khi chiếc K’pan chính thức hoàn thành, mọi người trong buôn tập trung đưa ra cửa
trước, đặt một đầu lên sàn nhà. Người chủ ăn mặc đẹp, cầm lấy khiên, kiếm đã được
bày sẵn trên chiếu, đi lại 7 lần trên K’pan để xua đuổi điều xấu và không may mắn rồi
đặt tên cho K’pan như một sự thông báo chính thức mình là chủ của K’pan.

Lúc này, thầy cúng làm lễ khấn báo thần linh rằng, K’pan đã có chủ và cho khiêng vào
gian khách, đặt dọc vách phía tây nhà và khi ấy lễ cầu Yang mới chính thức diễn ra.

Lễ cúng K’pan gồm 1 trâu và 7 ché rượu được buộc vào 7 chiếc cột. Ché to nhất buộc
ở cột ngoài cùng, thân cột bôi huyết trâu thành 7 khúc.

Thầy cúng ngồi ở đầu K’pan, cầm chiếc que dài nhúng vào bát đồng đựng tiết lợn pha
rượu và bôi dọc theo K’pan để yểm giữ tài sản cho gia chủ.

Khi việc cúng Yang kết thúc cũng là lúc bà con buôn làng ăn mừng cùng chủ K’pan.

Theo quan niệm cổ xưa, gia đình nào làm được K’pan, chủ nhà nghỉ 2 ngày không đi
làm nhưng đến ngày thứ ba mở một ché rượu ngon mời người thân tới uống mừng sự
hoàn thành tốt đẹp của K’pan.

Ngày nay, họ không thực hiện nhiều thủ tục kiêng kị như trước, nhưng những bữa liên
hoan chúc mừng vẫn diễn ra suốt đêm...


Còn gì thích thú hơn sau những buổi lên nương rẫy trồng lúa, trồng bắp mệt nhọc, tối
về bên bếp lửa bập bùng giữa gian nhà dài. Trên chiếc K’pan, mọi người trong gia đình,
dòng họ cùng quây quần tấu lên những giai điệu cồng chiêng quen thuộc để tỏ lòng
cùng với thần linh, buôn làng, giải trừ các ưu tư, lo lắng trong cuộc sống, cầu cho cái
chân khỏe mạnh để lên rẫy trồng thật nhiều lúa, bắp, bẫy được con thú…

K’pan còn là nơi để người đàn ông ngả lưng nghỉ ngơi mỗi khi đi làm rẫy về và chờ vợ
con dọn bữa cơm chiều kết thúc một ngày làm việc vất vả.

Hạn khuống - Sân chơi của trai tài gái sắc Mường Lò
Hạn Khuống là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo của người Thái đen vùng
Mường Lò. Hạn Khuống thường được tổ chức sau thu hoạch mùa vụ, giữa tiết trời thu
đông với hình thức ca nhạc quần chúng.
Hạn Khuống có nghĩa là cái sàn sân dựng ngoài trời ở giữa bản, sân hình vuông cao
chừng 1,5m, rộng 0,6m và dài 5m. Xung quanh sàn có lan can, trang trí hoa văn. Giữa
sàn dựng cây nêu là một cây tre to, dài, để lại cả phần ngọn và được trang trí các con
giống đủ màu, 4 cây nhỏ dựng ở 4 góc sàn biểu hiện của 4 phương Đông, Tây, Nam,
Bắc, cây ở giữa biểu tượng trụ của đỉnh trời.

Hạn Khuống do các cô gái trong một bản chưa chồng đứng ra tổ chức, có sự cố vấn
của người già trong bản. Khi nghe Hạn Khuống mở, các chàng trai xa, gần kéo đến và
phải qua nhiều cuộc thử tài mới được các cô gái nhận vào tham dự hội.

Các cô chủ Hạn Khuống đặt xa, kéo bông, rút thang đặt bên bếp lửa, kéo sợi dăng
ngang lối lên xuống, các chàng trai muốn được lên sàn hoa phải thắng trong cuộc hát
đối với các cô gái trên sàn. Bởi vậy các chàng trai lựa chọn, cử ra những người hát giỏi
nhất.

Khi các cô gái nhượng bộ bắc thang cho các chàng trai lên sàn hoa, các chàng trai lại

phải hát tiếp để được mời ngồi, mời nước, mời thuốc… Đôi nào ưng ý hẹn đến mùa
xuân cùng đi ném còn.

Hạn khuống chính là sân chơi của nam nữ chưa lập gia đình. Đây là một hình thức sinh
hoạt văn hóa, vui chơi độc đáo đang được phục dựng, bảo tồn và phát triển trên vùng
đất Mường lò, vùng quê tổ của tộc người Thái đen.

Nét đẹp lễ chùa đầu năm
Đầu năm, người ta nghĩ nhiều đến đi lễ chùa, phần lớn là để cầu an, cầu lộc... số ít đến
đây để tìm chút thư thái cho tâm hồn, thắp nén nhang thơm thể hiện tấm lòng thành
kính tới tổ tiên, dòng tộc.
Hoà cùng dòng người đi lễ đầu xuân, nhất là lúc tiết trời se lạnh, lất phất làn mưa phùn
như cảm nhận thấy đất trời đang giao hoà. Con người dường như cũng trở nên cởi mở
hơn ở chốn linh thiêng, những người dù mới gặp lần đầu cũng sẵn sàng trao nhau nụ
cười trìu mến. Tiếng chuông chùa ngân vang giữa hơi sương sớm, khói nhang, hoa,
lễ... tạo nên không khí yên bình, làm mỗi người khi đến chốn cung nghiêm này thấy tâm
hồn thanh tịnh lạ kỳ! Có lẽ cũng vì thế, mỗi dịp đầu năm, mọi nẻo đường đều hướng về
cõi Phật.

Lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và
trường tồn. Thế nhưng, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết hay
còn nhiều vướng bận, người dân vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình
sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã
trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi con người Việt Nam.

Du lịch tâm linh là một thế mạnh của tỉnh ta với nhiều địa danh đã khẳng định trong lòng
du khách thập phương trong và ngoài tỉnh. Tuy chưa phải là trung tâm văn hoá tâm linh
lớn như: chùa Bái Đính (Ninh Bình); chùa Hương (Hà Nội); Đền Hùng (Phú Thọ)…
nhưng Đền Bờ (Cao Phong); Chùa Tiên (Lạc Thuỷ)... cũng thu hút được không ít những
tín đồ Phật giáo đến thăm mỗi dịp xuân về. Có những người sắm lễ lên chùa từ mồng 3

Tết. Đồ lễ không cần to tát, nhiều nhặn gì, chủ yếu là cái tâm, miễn là có lòng thành
hướng về Đức Phật. Đồ lễ sang thì là mâm xôi, con gà, chén rượu, ấm trà, cũng có khi
chỉ là bông hoa tươi, nén nhang thơm… đều được coi trọng như nhau. Theo lệ thường,
một “mâm” lễ bao giờ cũng phải đủ cả hương, hoa, tiền vàng, tiền dương gian, có thêm
một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm mới
vạn sự như ý.

Với quan niệm đi lễ chùa trước tiên phải đến những chùa gần, chị Nguyễn Thị Kim
Oanh (TP Hoà Bình) cho biết: Việc đầu tiên gia đình tôi làm trong năm mới là đi lễ chùa.
Đúng ngày mồng 3 Tết hàng năm, cả gia đình lên chùa Hoà Bình (TP Hoà Bình) cầu
phúc, lộc, bình an... Mong một năm mới thuận buồm xuôi gió. Bên cạnh đó, lễ chùa đầu
năm còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Tôi muốn các con tôi biết được
điều này, giúp chúng biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm
kiến thức lịch sử. Song, quan trọng nhất là mỗi người tìm được chút thư thái cho tâm
hồn sau một năm làm việc bận rộn.

Những ngày đầu năm, cùng với gia đình, Ngô Minh Hằng (Lạc Sơn) lại có dịp trở lại
chùa Tiên (Lạc Thuỷ). Hằng chia sẻ: Lối lên chùa khá chật hẹp khiến hàng trăm người
phải chen vai nhau để vào nhưng khuôn mặt ai cũng vui khi bước chân đến cõi Phật.
Năm nào tôi cũng chỉ cầu mong một điều, mong cho mọi người xung quanh mình bình
an, mạnh khoẻ, hạnh phúc. Có lẽ ai đi lễ chùa cũng không chỉ cầu an cho riêng mình,
đó là nét văn hoá, nhân văn đáng được trân trọng. Khoe tấm quẻ vừa rút được, Hằng
nói: quẻ không được tốt. Nhưng đến được cửa chùa ngày Tết, lòng cũng đã thanh thản
và nhẹ nhàng rồi! Có lẽ ở chốn tôn nghiêm này, ai cũng dễ trải lòng mình như thế!

Đi lễ đầu xuân không chỉ để thỏa cõi tâm linh, còn là dịp để du ngoạn thưởng lãm cảnh
đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân. Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở
của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa, là nơi thể hiện ước mơ ngàn đời
của mỗi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an
vui, thái bình.

Lễ hội đình Thạch Khoán (Phú Thọ)
Từ ngày 25 đến 27/02/2011 (tức ngày 23 - 25 tháng Giêng năm Tân Mão), huyện
Thanh Sơn đã tổ chức lễ hội đình làng Thạch Khoán.
Đình Thạch Khoán thờ Tản Viên Sơn Thánh – được coi là hình tượng tiêu biểu trong sự
nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đình còn thờ bốn vị thổ tù họ Đinh
người làng Thạch Khoán đã có công đánh giặc giữ gìn quê hương trong buổi đầu dựng
nước được các triều vua phong sắc, sử sách lưu danh. Đặc biệt là thủ lĩnh Đinh Công
Mộc có công giúp vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh giành thắng lợi cuối thế kỷ 15.

Lễ hội Đình Thạch Khoán là một trong những hoạt động trong chương trình “Về miền
lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” gắn với chương trình “Du dịch về cội nguồn” năm
2011, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tôn trọng những giá trị lịch sử văn hóa,
ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã khai phá, xây dựng nên mảnh đất này. Đồng
thời, đây cũng là dịp để cổ vũ, động viên nhân dân hướng về nguồn cội, nâng cao ý
thức bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, phát huy những giá trị văn hóa
tinh thần của cộng đồng các dân tộc anh em, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân...

Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Nậm Lành (Yên Bái)
Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền hàng ngàn đời nay
trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Theo quan niệm của người Dao, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người
đàn ông người Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là
người đàn ông đã trưởng thành, được làm lễ cúng bái và được giao tiếp với cõi âm.
Người Dao đỏ quan niệm rằng con người sinh ra và lớn lên phải có 3 thầy dạy dỗ mới
trở thành con người có đức, có ích cho gia đình và xã hội.
Thầy thứ nhất là bố mẹ đẻ. Bố mẹ đẻ ra con cái phải dạy con tập nói tập đi, tập theo
gương bề trước, học theo những điều hay, không để cho con cái mình ngu dốt, lường
biếng, phải biết kính trên nhường dưới, có tình yêu thương con người.
Thầy thứ hai là thầy cô giáo dạy chữ, biết tiếp xúc và quan hệ xã hội, biết khoa học
công nghệ, biết làm người và trở thành người có ích cho xã hội.

Thầy thứ ba là thầy mo cấp sắc cho từng người để giữ gìn bản sắc của dân tộc. Thầy
mo dạy bảo con cháu vạn điều tôn sự trọng đạo, kính thầy, yêu nước, yêu quê hương,
không được làm điều ác, không làm những điều trái với lương tâm đạo đức...
Khi chuẩn bị làm lễ cấp sắc phải xem tuổi người anh cả có hợp với năm cấp sắc
không, phải chọn ngày tháng tổ chức, số người tham gia, số thầy cúng.
Ông thầy trong lễ cấp sắc phải chọn thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất
cẩn thận.
Người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ bản sắc của dân tộc Dao. Việc
cấp sắc trong gia đình phải được tuân thủ từ trên xuống dưới.
Lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc
thứ 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã.
Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài từ từ 1 đến 5 ngày. Các nghi lễ chính trong lễ
cấp sắc gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên.
Các thầy cúng phải tẩy uế sau đó mới đánh trống mời tổ tiên về dự, thày cúng làm lẽ
khai đàn nhằm báo cáo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ.
Sau một hồi các thầy khấn, làm các thủ tục, xin âm dương, thần linh, người được cấp
sắc sẽ chính thức được đặt tên âm và được công nhận là người đã trưởng, được cả
cộng đồng công nhận có đủ uy tín để đảm đương những công việc lớn của gia đình và
bản làng.
Và cũng từ hôm đó họ phải gọi các thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho mình là cha.
Lễ cấp sắc của người Dao mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi
trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu.
Mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, lễ cấp sắc luôn được người Dao đỏ
Nậm Lành gìn giữ và phát huy, góp phần làm giàu hơn nền văn hóa của cộng đồng các
dân tộc Yên Bái.
Hình ảnh trong Lễ cấp sắc của người Dao xã Nậm Lành huyện Văn Chấn:
Lễ Cấp sắc là một tục lệ truyền thống, đặc sắc của người Dao xã Nậm Lành, Văn
Chấn.

Lễ Cấp sắc bậc 1 dâng 3 đèn cho người được Cấp sắc

Lễ đặt tên âm.
Đàn ông người Dao có thể làm cấp sắc cho mình khi vừa 4 tuổi cho đến khi về già.
Đông đảo du khách đến chứng kiến các nghi lễ.
Lễ hội Văn hóa dân tộc Mông xã Suối Giàng
Hưởng ứng chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Yên Bái – Phú Thọ - Lào Cai
năm 2011, ngày 27/2/2011, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã tổ chức ngày hội văn
hóa dân tộc Mông năm 2011.
Đây là 1 trong 4 xã của huyện Văn Chấn vinh dự được tổ chức các hoạt động lễ hội
nằm trong chương trình du lịch về cội nguồn. Lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa,
tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê
hương và con người Yên Bái.
Trong ngày hội văn hóa dân tộc Mông xã Suối
Giàng đã tổ chức Lễ cúng tôn vinh cây chè tổ tại
thôn Bản Mới. Tham quan các gian hàng giới
thiệu các sản phẩm truyền thống của dân tộc
Mông; thưởng thức hương vị đặc trưng của chè
Suối Giàng; xem biểu diễn các chương trình văn
nghệ và tham gia vào các trò chơi dân gian độc
đáo của người Mông.
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông là nơi hội tụ các giá trị truyền thống mang tính cộng
đồng, nơi đua tài của các chàng trai, cô gái Mông trong dịp tết đến xuân sang. Ngày
hội đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã thực
hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lễ hội cũng góp phần gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đẩy
mạnh công tác xã hội hóa phát triển du lịch, đưa Suối Giàng trở thành một địa điểm du
lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện đối với du khách.

Rước kiệu - nét đặc sắc của lễ hội ở Lạng Sơn
Trong một lễ hội (LH), thường sẽ bao gồm phần lễ và phần hội. Đối với LH dân gian thì
hai phần này được phân định khá rõ. Phần lễ sẽ gồm các nghi thức tế lễ, cầu cúng,

dâng lễ… Còn phần hội gồm các trò chơi, trò diễn. Nếu xét theo cách phân chia trên thì
nghi lễ rước kiệu chính là một trò diễn. Và ngày 22 - 27 tháng giêng, nhân dân và du
khách lại náo nức đón chào nghi lễ này trong LH đền Kỳ Cùng và Tả Phủ ở thành phố
Lạng Sơn (TPLS).
Trên địa bàn tỉnh nói chung, TPLS nói riêng không nhiều LH có nghi lễ này. Tại Bắc
Sơn, người dự hội được chiêm bái rước kiệu tại LH xã Quỳnh Sơn ngày 12, 13 tháng
giêng… Còn trên địa bàn thành phố, nghi lễ này, nếu so với mấy những năm trước đây
chỉ thấy tại LH đền Kỳ Cùng và Tả Phủ Kỳ Lừa ngày 22 - 27 tháng giêng thì nay đã có
thêm tại LH chùa Tam Thanh - Nhị Thanh ngày 15 tháng giêng. Song nhìn chung, nghi
lễ rước kiệu tại TPLS so với các địa bàn khác vẫn là tưng bừng, náo nhiệt nhất. Cứ mỗi
độ xuân về, bước vào mùa LH rất nhiều người mong ngóng đến ngày có nghi lễ này.
Điều đáng nói là, nghi lễ được nhân dân chiêm bái, đón chào rất trọng thịnh. Biểu hiện
cụ thể là, tại các dãy phố, trục đường mà đoàn rước kiệu đi qua, các gia đình đều sắm
sửa những mâm lễ rất tươm tất. Có dãy phố, trục đường các tổ liên gia họp lại với nhau
để sắm lễ chung. Tất cả đều thể hiện một sự thành kính và niềm phấn khởi chào đón
ngày hội và nghi lễ. Theo quan niệm dân gian, mỗi năm chỉ có một lần kiệu các vị thần
được nhân dân tôn kính rước qua trước cửa nhà. Đây là dịp may hiếm có, dịp tốt để
cầu ước những điều tốt lành, may mắn sẽ đến với bản thân, gia đình và cộng đồng,
làng xóm trong năm mới… Chính đó mà nhân dân đã sắm lễ rất trang trọng để nghênh
đón đoàn rước kiệu. Đối với LH chùa Tam Thanh - Nhị Thanh ngày 15 tháng giêng là
rước kiệu bài vị danh nhân Ngô Thì Sĩ từ chùa Nhị Thanh sang Tam Thanh dự hội rồi
sau đó rước về. Với LH đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ Kỳ Lừa từ ngày 22 - 27 tháng giêng
thì nghi lễ rước kiệu sẽ được tiến hành trong hai ngày 22 và 27 tháng giêng. Theo đó,
ngày 22 là kiệu từ đền Kỳ Cùng sẽ được rước lên đền Tả Phủ Kỳ Lừa. Đến ngày 27 sẽ
rước từ đền Tả Phủ về đền Kỳ Cùng. Nghi lễ này gắn với hai nhân vật được nhân dân
tôn kính là quan lớn Tuần Tranh (đền Kỳ Cùng) và Tả đô đốc Hán quận công Thân
Công Tài (đền Tả Phủ). Trên cơ sở thời gian và hành trình do Ban tổ chức công bố,
nhân dân ở các đường phố có đoàn rước kiệu đi qua sẽ chuẩn bị lễ để nghênh đón.
Trong mâm lễ thường có đủ xôi, gà, hoa, quả, bánh kẹo,… nếu có điều kiện hơn nữa
thì có thêm chú lợn quay vàng rộm, thơm nồng hương vị mác mật - một đặc sản ẩm

thực của Xứ Lạng nức tiếng gần xa. Trong mấy năm trở lại đây, do điều kiện kinh tế của
người dân khấm khá hơn nên sự xuất hiện của những chú lợn quay trong mâm lễ
nghênh đón đoàn rước kiệu ngày càng nhiều hơn. Điều đó đã phần nào thể hiện sự
chào đón, mong ngóng của nhân dân đối với nghi lễ hấp dẫn và quan trọng này cũng
như phản ánh đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng được nâng cao. Bao giờ cũng
vậy, dẫn đầu đoàn rước kiệu là các đội sư tử, rồng thật oai phong, rực rỡ sắc màu.
Trong tiếng trống, chiêng rộn rã, đoàn rước đi đến đâu được nhân dân ùa ra đón chào
đến đó. Để ý thấy, rất nhiều người khi đoàn rước kiệu đi tới đã chắp tay vái rất trân
trọng và thành kính. Đặc biệt, các gia đình sắm lễ nghênh đón rất vui được các đội sư
tử, rồng dừng chân vào múa chúc mừng năm mới, chúc gia chủ tấn lộc, tấn tài, an
khang thịnh vượng. Dân gian quan niệm, nếu đội sư tử, rồng ghé vào chúc mừng thì
năm đó gia đình sẽ có nhiều điều hanh thông, viên mãn, hỷ sự. Và đó như là một cách
xua đi tất cả những điều xui xẻo, không may mắn trong năm cũ để đón rước những
điều tốt lành sẽ đến trong năm mới… Có thể nói, nghi lễ rước kiệu trong một số LH tiêu
biểu ở TPLS đã góp phần làm cho LH đến gần với mỗi người dân và du khách hơn. Đó
chính là cầu nối giữa lễ và hội. Sự tấp nập, náo nức và trang trọng của nghi lễ đã khắc
họa sâu trong tâm trí của mỗi người về những nét đẹp văn hóa trong LH. Đồng thời
khiến cho mỗi người nhớ đến các nhân vật được nhân dân đón rước một cách sâu sắc
hơn. Đó thực sự là một cách giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương,
đất nước, dân tộc cho mọi người thiết thực.

Mỗi độ xuân về, chiêm ngưỡng nghi lễ rước
kiệu trong LH ở TPLS, mỗi người sẽ thấy lòng
chộn rộn, xốn xang hơn. Tin rằng, trong nghi lễ

×