ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
Số: 05 /BC-UBND
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tam Kỳ, ngày 16 tháng 01 năm 2009
BÁO CÁO
Tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2006-2010,
định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010
và những kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ
(Tài liệu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng
tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ngày 19/01/2009)
Quảng Nam nằm ở trung điểm đất nước theo trục Bắc-Nam, có diện tích trên
10 ngàn km
2
, 2/3 diện tích là miền núi, với 125 km bờ biển gắn với hàng ngàn ha đất
chưa khai thác, sử dụng là lợi thế cho phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp. Dân
số trên 1,5 triệu người. Quảng Nam có truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng
kiên cường, là tỉnh có đối tượng chính sách đông nhất so với các tỉnh, thành trong cả
nước; có 2 di sản Văn hóa Thế giới đã được UNESCO công nhận cách đây 10 năm;
có 2 thành phố Hội An, Tam Kỳ; Khu Kinh tế mở Chu Lai đầu tiên của cả nước, qua
6 năm thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả; Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đang
triển khai xây dựng. Qua 11 năm tái lập tỉnh, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng
Nam vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng, góp
phần vào sự thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước.
A. TÓM TẮT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH KINH TẾ-XÃ HỘI 2006-2010
I. Những kết quả đạt được trong 3 năm (2006-2008):
1. Kinh tế vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển
dịch theo hướng tích cực: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm (2006-2008)
đạt 13,5%/năm (mục tiêu KH 5 năm là 14%). Năm 2008, trong điều kiện lạm phát
gia tăng, nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá (12,7%). Cơ
cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong
GDP tăng từ 69% (năm 2005) tăng lên 75,2% (năm 2008); nông nghiệp từ 31% (năm
2005) xuống còn 24,8% (năm 2008). GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt trên
700USD/người.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, 3 năm 2006-2008 tăng bình quân
27,4%, (mục tiêu KH 5 năm: 28%/năm). Nhiều nhà máy sản xuất ở Khu KTM Chu
Lai, các khu công nghiệp như: Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Chu Lai-Trường Hải,
Nhà máy sản xuất gạch men Anh Em, Công ty gia công quần áo Woochang, Công ty
Giày Riker, Công ty TNHH Seo Nam, Công ty TNHH CCI Việt Nam, nhà máy FRP
của Công ty cổ phần sản xuất cáp viễn thông Việt Hàn...Một số nhà máy thủy điện
1
trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công trình thủy điện A Vương (210MW), đã đi vào hoạt
động và hòa vào lưới điện quốc gia đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành công
nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
Nông, lâm, ngư nghiệp đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, giá trị tăng
thêm bình quân đạt 2,5%/năm (kế hoạch 5 năm: 3%/năm).
Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 3 năm tăng trên 15,2%
(kế hoạch: 15,4%), Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 năm đạt 552,2 triệu USD, đạt 48%
KH 5 năm. Riêng năm 2008, dịch vụ tăng 15,7%. tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 241
triệu USD, tăng 37,7%. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, phát huy lợi thế của 2
Di sản Văn hóa Thế giới, những năm qua tỉnh tập trung đầu tư trùng tu, bảo tồn di
sản, xây dựng hạ tầng giao thông, thu hút nhiều dự án đầu tư khách sạn đạt tiêu
chuẩn quốc tế, đã có sân gôn đầu tiên Khu vực miền Trung và Tây nguyên; tổ chức
nhiều hoạt động du lịch thu hút khách nội địa và quốc tế, năm 2008 tổng lượng
khách tham quan và lưu trú đạt 2,27 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên
1,2 triệu lượt khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 768,8 tỷ
đống, tăng 28,6%.
Tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm tăng bình quân 16,2 %/năm, trong đó thu
nội địa tăng bình quân 40%. Năm 2008, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.772 tỷ
đồng, tăng 33% đây là một sự cố gắng lớn, trong đó: thu nội địa tăng 33%; thu xuất
nhập khẩu tăng 36%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm (2006-2008) đạt 57,6%
mục tiêu KH 5 năm. Môi trường đầu tư từng bước tiến bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh
của tỉnh dẫn đầu các tỉnh, thành trong tốp khá. Đến cuối năm 2008 trên địa bàn tỉnh
đã có 71 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 843 triệu USD và tổng số vốn thực hiện
ước đạt 430 triệu USD
Thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính
phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát danh mục đầu tư, quyết định đình hoãn, giãn tiến
độ, dừng thi công 23 công trình, dự án với tổng mức đầu tư trên 343 tỷ đồng. Thực
hiện nghiêm tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008.
2. Lĩnh vực văn hóa xã hội đã đạt được nhiều kết quả, đã góp phần quan
trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân
dân. Hệ thống giáo dục quốc dân được phát triển từ mầm non đến đại học, chất
lượng giáo dục có tiến bộ. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 72,7%, tỷ lệ học sinh đỗ vào
Trường CĐ, ĐH ngày càng tăng (2007 đạt 26,4%), nhiều học sinh đạt danh hiệu thủ
khoa tại một số trường CĐ, ĐH có uy tín trong nước. Công tác Y tế, phòng chống
dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến. Xã hội hóa giáo dục, y
tế, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến, các trường học, bệnh viện tư thục được
đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả. Công tác đền ơn đáp nghĩa chăm lo
người có công được quan tâm thường xuyên. Công tác đào tạo nghề và giải quyết
việc làm được triển khai thực hiện tốt, đến cuối năm 2008, tỷ lệ lao động qua đào tạo
đạt 29,5%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 22%. Công tác xóa đói giảm
nghèo đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,5% năm 2006, 23,7%
2
năm 2007 xuống còn 21,5% năm 2008. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
được chú trọng.
3. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội nông thôn, miền núi tiếp tục
được tập trung đầu tư và từng bước được cải thiện: đến nay có 97% số hộ được sử
dụng điện, 93% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Công tác đào tạo, hỗ trợ dạy
nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo... được triển
khai thực hiện có hiệu quả (năm 2008 đào tạo được 3.892 người). Đời sống của nhân
dân khu vực nông thôn miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, giáo
dục và y tế miền núi phát triển, các giá trị văn hoá truyền thống tiếp tục được gìn giữ
và phát huy.
4. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo: Công tác cải
cách hành chính có nhiều tiến bộ, triển khai thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, thành
lập tổ tiếp nhận, xử lý văn bản hành chính, bước 1 đã thống kê 818 thủ tục hành
chính và 1145 mẫu đơn, tờ khai; việc phân cấp, ủy quyền được đẩy mạnh. Công tác
phòng, chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Lĩnh vực đối ngoại được
mở rộng. Hoạt động thanh tra được tăng cường, đạt nhiều kết quả quan trọng. Công
tác tiếp công dân được thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật được
đẩy mạnh; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm đúng quy định của
pháp luật tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác đảm bảo an toàn
giao thông đã có chuyển biến tích cực, so với năm 2007 giảm cả 3 tiêu chí (giảm 27
vụ, 4 người chết và 12 người bị thương.)
II. Đánh giá chung :
Trong 3 năm (2006-2008), kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam đã có những
chuyển biến tích cực. Tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và những khó
khăn về kinh tế trong năm 2008 nhưng kinh tế của địa phương vẫn duy trì được tốc
độ tăng trưởng khá, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và đạt hiệu
quả, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu
GDP (năm 2008 CN-DV 75,2%, NN 24,8%). Lĩnh vực văn hóa-xã hội chuyển biến
tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
được cải thiện. Quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được tăng cường,
tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn và hạn
chế: kinh tế tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh,
một số lĩnh vực phát triển còn chậm, một số yếu tố thiếu vững chắc, hiệu quả và sức
cạnh tranh còn thấp. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn; công
nghiệp, dịch vụ tăng trưởng nhưng chưa tạo được bước đột phá về sức cạnh tranh sản
phẩm hàng hóa và xuất khẩu. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở một số vùng nông
thôn, miền núi còn bất cập và thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu
phát triển.
3
B. ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2010:
I. Định hướng chung:
Khắc phục những tồn tại yếu kém thời gian qua, từ nay đến 2010 Quảng Nam
tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2006-
2010. Tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng tăng
trưởng theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tập trung đầu tư
phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, thu hút đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, công
nghệ sạch, các dự án du lịch; phát huy lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch, đẩy
mạnh xuất khẩu. Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và chú trọng đầu tư phát
triển khu vực miền núi; phát triển kinh tế gắn với cải thiện môi trường, đi đôi với
phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo phát triển toàn diện con
người. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực văn hóa và xã hội, chú trọng
công tác đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; chăm lo đời sống
nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ
vững quốc phòng và an ninh.
II. Mục tiêu cụ thể năm 2009:
Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm (2006-2010), trước mắt trong năm
2009 tập trung thực hiện một số mục tiêu cụ thể như sau:
2.1. Chỉ tiêu về kinh tế:
- Tổng sản phẩm GDP tăng 13% so với năm 2008; cơ cấu kinh tế nông - lâm -
ngư nghiệp chiếm 23,4%; công nghiệp và xây dựng 39,2%; dịch vụ 37,4%.
- GTSX ngành nông lâm ngư tăng 3,8%, giá trị tăng thêm 2,5%.
- GTSX ngành công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 21,3%, trong đó GTSX
công nghiệp tăng 26,5%, giá trị tăng thêm 17,5%.
- GTSX các ngành dịch vụ tăng 16,7%, giá trị tăng thêm 14,5%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu 290 triệu USD, tăng 20%.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 40% GDP
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.784 tỷ đồng. Trong đó thu nội
địa trên 1.173 tỷ đồng;
2.2. Các chỉ tiêu về xã hội:
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung 34%, và qua đào tạo nghề: 25%.
- Tạo việc làm mới 38.000 lao động.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,5%.
- Duy trì tỷ lệ giảm sinh 0,4%o.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 19,2%.
2.3. Hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ.
4
III. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009:
1. Một số nhiệm vụ chủ yếu, tập trung: Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp
thường xuyên, năm 2009 thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, tập trung, đó là :
- Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP
ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy
giảm kinh tế, duy trình tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó tập
trung các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho hơn 2.000 doanh
nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện
các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, xóa đói giảm nghèo.
- Quản lý chặt chẽ vốn ngân sách, tiết kiệm chi tiêu công; đảm bảo vốn đầu tư
có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các
nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng,
chiến lược như xây dựng Cầu Cửa Đại, các dự án du lịch-dịch vụ vào Vùng Đông
của tỉnh, Khu kinh tế mở Chu Lai; dự án nạo vét luồng Cảng Kỳ Hà; các tuyến giao
thông du lịch ven biển và tuyến giao thông các xã chưa có đường ô tô đến trung tâm
xã…Thúc đẩy triển khai nhanh các dự án thủy điện, các dự án đầu tư về du lịch-dịch
vụ ven biển, dự án đầu tư Khu du lịch vùng hồ Phú Ninh và các dự án công nghiệp
đã đăng ký và cấp phép, như dự án Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường
Hải, Nhà máy sản xuất gạch Prime ở Đại Lộc với công suất 24 triệu viên/năm…để
góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, hạn
chế thấp nhất tình trạng công nhân thất nghiệp, mất việc làm.
- Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp,
nông dân và nông thôn, tập trung các giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Điều
chỉnh, bổ sung quy hoạch nông nghiệp và nông thôn. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao
thông nông thôn, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương. Đẩy mạnh công tác khuyến
nông, khuyến lâm, khuyến ngư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên
tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, thủy sản xuất
khẩu. Trước mắt tập trung chỉ đạo sản xuất Đông Xuân 2008-2009 trong điều kiện
thời tiết rét lạnh. Chăm lo phục vụ nhân dân vui Tết Kỷ Sửu, phân bổ kịp thời lương
thực cho đồng bào, không để tình trạng thiếu ăn trước, trong và sau Tết, nhất là đồng
bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra cơ sở, kịp thời xử lý giải quyết những
vấn đề nẩy sinh, bức xúc của xã hội. Thực hiện tốt các chính sách với các đối tượng
chính sách và người có công, chính sách bảo trợ xã hội đối với các đối tượng xã hội.
Đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải
quyết việc làm, nâng cao mức sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Trước mắt là
triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ
tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Xây dựng đề án, giải pháp
thu hút các nguồn vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp tại các khu
công nghiệp ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.
5