9
THỜI GIAN KỲ ẢO TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ
Nguyễn Thị Tịnh Thy
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
Là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú vào loại bậc nhất trong dòng
truyện kỳ ảo thế giới, thời gian của Liêu Trai chí dị cũng đầy chập chờn mê
hoặc như bất kỳ một yếu tố nghệ thuật nào của tác phẩm. Vừa là khách thể, vừa
là chủ thể, vừa là công cụ nhưng đồng thời cũng vừa là sản phẩm, thời gian đã
góp phần làm nên chủ đề tác phẩm. Dung chứa các yếu tố đặc biệt, phi thường,
khác lạ, siêu nhiên trong gần 500 thiên truyện ngắn mà Bồ Tùng Linh xem là "sự
nghiệp hồ quỷ" của mình, thời gian kỳ ảo của Liêu Trai với tiết thanh minh, đêm
và thời gian siêu tự nhiên là một phương tiện tổ chức có hiệu quả trong việc
khám phá và phản ánh nội dung xã hội - lịch sử rộng lớn.
Không là năm, không là tháng, không là ngày, trong hành trình miên viễn
của mình, thời gian sự kiện của Liêu trai chí dị vỗ vào tất cả những bến bờ hư
huyễn và lắng lại trong cảm thức của người đọc bằng những hình tượng thời gian
đậm chất kỳ ảo: tiết thanh minh, đêm và thời gian siêu tự nhiên. Ba kiểu thời gian
này chuyên chở biết bao điều hoang đường, huyễn hoặc để rồi neo đậu trên bến
bờ hiện thực ấm nồng hơi thở của nhân tình, nhân tính, nhân sinh. Mỗi một kiểu
thời gian mang một chức năng khác nhau, chúng vừa là đối tượng vừa là phương
tiện nghiên cứu trong hành trình “giải mã" Liêu Trai.
1. Xuất hiện trong 8 truyện, tiết thanh minh là nét cọ đầu tiên trong bức
tranh thời gian kỳ ảo của Bồ Tùng Linh:
10
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Vừa là lễ, vừa là hội, tiết thanh minh diễn ra vào những ngày cuối xuân
như là một dịp "đến hẹn lại lên" để những người còn sống đi viếng mộ thân nhân.
Đồng thời, đó cũng là ngày tự do du ngoạn của những người phụ nữ khuê các
vốn ngày thường chẳng dám dời gót ngọc ra khỏi nhà. Vì thế mới có cảnh "gần
xa nô nức yến anh" trong Truyện Kiều và cảnh "đàn bà con gái đi chơi xuân,
bọn thiếu niên khinh bạc cũng kết thành đoàn đi theo, tha hồ khen chê " (A Bảo)
trong Liêu Trai.
Trước hết, tiết thanh minh được xem như là cơ duyên của những cuộc gặp
gỡ, tái ngộ, đoàn tụ hoặc chia ly giữa người và ma. Ở Tiếng người trong con
ngươi, A Bảo, Cừu đại nương, Thần nữ, các chàng trai đều nhờ tiết thanh minh
mà gặp được những trang tuyệt thế giai nhân. Trong cảnh "ngựa xe như nước, áo
quần như nêm" ấy, Tôn Tử Sở đã bị nhan sắc của A Bảo trong truyện cùng tên
làm cho mê mẫn đến "trơ như gỗ". Hồn lìa khỏi xác bay theo về nhà nàng để
được gần gụi sớm khuya. Sau đó, chàng lại hóa thành chim quanh quẩn bên nàng
cho thỏa mối tương tư. Đến khi thành vợ thành chồng, chàng chết, nàng lại nhịn
ăn chết theo khiến Diêm vương phải cho cả hai sống lại. Mễ sinh trong Thần nữ
cũng gặp cô gái thần tiên giữa trập trùng mồ mả trong tiết thanh minh. Gian nan
hoạn nạn có nhau, câu chuyện là một kết thúc có hậu cho hai kẻ chung tình. Cảnh
Khứ Bệnh cũng nhờ đi tảo mộ đã gặp lại nàng hồ ly Thanh Phượng trong truyện
cùng tên sau bao ngày biệt tăm
Tiết thanh minh còn là thời điểm xuất hiện những điều kỳ lạ. Ngụy quân
tử Phương Ư Đống (Tiếng người trong con ngươi) "mỗi khi đi đường gặp gái là
11
đi theo riết, giở trò khinh bạc", đến tiết thanh minh vì trơ tráo ngắm nhìn mà bị
người đẹp thần tiên phạt mù một bên mắt. Ái Nô trong truyện cùng tên cũng
nhằm dịp thanh minh mà từ biệt tình quân để vào lại mộ sau bao ngày phiêu du
tình ái ở cõi nhân gian
Từ tiết thanh minh, có thể nhận đằng sau khung cảnh "nô nức yến anh"
của trần gian vẫn còn có một thế giới khác đang trẩy hội, đang xôn xao, đang hòa
vào cuộc chơi của con người. Giữa nghĩa địa mênh mông hương khói, trong vô
số những gương mặt khóc cười ai là người, ai là ma, ai là thực, ai là ảo? Mọi ranh
giới đều đã bị "nhòe hóa" khi thời gian trở thành giao điểm của những cuộc đối
thoại âm dương.
2. Là hình tượng thời gian chiếm tỉ lệ cao nhất: 151/ 445 truyện, có thể
nói, đêm là kiểu thời gian đặc hữu đã mang lại vẻ đẹp lung linh diễm ảo cho Liêu
Trai. Từ lúc hoàng hôn dần buông cho đến khi hừng đông ló dạng, con người đời
thường, cuộc sống đời thường đang yên giấc thì lúc đó, có một cuộc sống khác
đang quẫy mình, đang chiếm hữu thế giới của bóng đêm. Đêm, sân khấu cuộc đời
tạm buông màn, sân khấu Liêu Trai lại lên đèn, bừng dậy một thế giới kỳ ảo với
biết bao chuyện hoang đường, kỳ quái của ma quỷ, thần tiên, hồ ly và cả của con
người. Tình yêu, sự thù hận, ảo mộng công danh và trăm trăm ngàn ngàn những
điều quái dị khác thách thức những đầu óc duy lý thông thường cứ chao liệng
trong đêm.
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Đó là khoảng thời gian mà tiên nữ giáng trần, cỏ cây hoa lá, cái kiến con
ong, hồ ly đắc luyện hay hồn ma trinh nữ hiện lên trong hình hài của những
thiếu nữ xinh đẹp, khát tình, lang thang kiếm tìm tình yêu.
12
Bạch Thu Luyện trong truyện cùng tên là nàng tiên cá trông coi sông
nước, thuyền bè đất Sở, đêm đêm lén nghe chàng thư sinh Mộ Thiềm Cung ngâm
thơ rồi đem lòng tưởng nhớ đến nỗi bỏ cả ăn ngủ. Rồi tiếp đến là những hẹn hò
yêu đương nồng cháy, "lấy tiếng ngâm thơ làm dấu hiệu gặp nhau". Đến khi lâm
trọng bệnh sắp chết, nàng lại trăn trối rằng: "Nếu thiếp chết thì đừng chôn, cứ
đúng các giờ mão, ngọ, dậu lại ngâm một lần bài thơ Đỗ Phủ mộng thấy Lý
Bạch, thì thây vẫn không nát". Cuối cùng, chính tình yêu của Mộ Thiềm Cung và
tình yêu thơ của cả hai người đã giúp Bạch Thu Luyện phục sinh, sống tiếp phần
đời còn lại với chồng trên miền sông nước của đất Sở.
Liên Tỏa trong truyện cùng tên là một hồn ma trinh nữ không chịu giam
mình trong "chốn cửu tuyền hoang dã, lẻ loi vắng vẻ như thân cò", gầy héo, lạnh
buốt với xương khô; khoảng canh hai mỗi đêm cứ khe khẽ ngâm thơ, giọng ngâm
buồn não ruột. Thư sinh Dương Vu Úy đã bị hút hồn bởi tiếng ngâm nga sầu hận
từ chốn dạ đài ấy nên đã cùng nàng kết bạn tri âm. Và còn nhiều nữa, có đến hơn
120 người đẹp cứ chờ đêm xuống là "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình"
(Truyện Kiều), "dầm sương đội nguyệt mà đến với chàng" (Mao Hồ)
Nhà văn Bồ Tùng Linh quả là lãng mạn và táo bạo khi miêu tả tình yêu
vụng trộm của các mỹ nữ và thư sinh. Những hẹn hò leo tường khoét ngạch vượt
qua những quy định hà khắc của lễ giáo phong kiến, vượt qua rào cản âm dương
chỉ có thể diễn ra trong đêm. Đêm yên tĩnh, trầm lặng và dữ dội vừa là chứng
nhân vừa là đồng phạm với những kẻ si tình. Những mối tình phóng túng si mê,
phảng phất như mây, thao thức như xuân, nóng ran như lửa, riết róng như cuồng
phong và sục sôi như giông tố của ma và người đã mang lại một sức quyến rũ lạ
kỳ cho Liêu Trai chí dị. Đối với những kẻ uống vụng mật tình, đêm không chỉ là
thời gian, không còn là thời gian, mà đã trở thành vị thần hộ mệnh của tình yêu.
Vị thần ấy mở ra một thế giới khác, thế giới tự do, tự chủ của những cuộc kỳ ngộ,
kỳ duyên, kỳ tình của các kỳ nữ Liêu Trai.
13
Người Trung Quốc có câu: Trời cao đất rộng, không có việc gì là không
thể xảy ra. Câu ấy quả đúng với Liêu Trai chí dị. Đặc biệt là đêm. Đêm với
thiên hình vạn trạng những điều quái dị trườn ra từ ngòi bút giàu hoang tưởng
của nhà văn họ Bồ.
Trước hết, đêm là bạn đồng hành của cái ác. Cái ác đen tối đến từ thiên
nhiên hoang dã và từ con người đã mất hết nhân tính vì không kiểm soát nổi dục
vọng của mình. Trời tối, chó sói đuổi bắt người nơi đồng không mông quạnh
(Chuyện lang I, II, III, Vu Giang), bọn bịp bợm lừa gạt để chiếm đoạt của cải
người khác (Bịp bợm I, II, Lập cuộc lừa dốiI, II, III), đốt nhà, giết người cướp
của (Quách An, Tiên ăn mày, Canh Nương, Vu Trung Thừa III ), hãm hiếp
phụ nữ (Con trai người lái buôn, Người yêu quái, Thần ngũ thông, Anh
chàng họ Thân ), gian dâm (Yến Chi, Xử kiện )
Cái ác được ảo hóa - thế lực trong bóng tối - đã trỗi dậy trong đêm, mượn
bóng đêm để làm điều phi nhân bất nghĩa. Nhà văn Bồ Tùng Linh đã phơi bày tất
cả mánh khóe, bản chất quỷ trong người của bọn ác nhân đội lốt yêu quái để
người đời cảnh giác với "xã hội đen".
Với những ước mơ tưởng như không bao giờ trở thành hiện thực của
người dân lương thiện, đêm lại là phép nhiệm màu biến điều không thể thành có
thể. Đêm giúp người đã chết về thăm thân quyến, về dạy học cho con đến lúc
trưởng thành, về ân ái với vợ đến lúc có con để vợ khỏi cô quạnh mới ra đi vĩnh
viễn (Châu Nhi, Phán quan họ Lục, Tượng đất ) Tinh thần nhân văn cao cả
kết hợp với bút pháp kỳ ảo đã tạo nên những cuộc đoàn tụ âm dương trong tác
phẩm, xoa dịu nỗi đau khổ lớn nhất của loài người là tử biệt sinh ly.
Còn vô vàn điều kỳ quái đến kinh người xảy ra trong đêm của Liêu Trai.
Đêm có thể biến ngôi mộ cổ, mái nhà tranh, khu vườn hoang thành lầu gác
nguy nga sáng trưng đèn đuốc (Hồ gả con, Huệ Phương, Tiêu Thất Nương ).
14
Cũng trong đêm, cá đã thành tinh biến thành người kéo nhau lên hồ Động Đình
chơi đá cầu (Uông Sĩ Tú); ma quỷ, thần tiên đều lên cõi trần yến ẩm, ca hát (Tửu
lệnh ma, Tú tài họ Quách); ma đến nhà người học đàn (Hoạn Nương); người
xuống mộ dạy chư cho ma, xuống âm phủ làm nhân chứng cho Diêm vương xét
xử (Hoạn Nương, Diêm vương chết); đức Quan Thánh xuống trị kẻ ác (Đổng
công tử); tiên giáng trần trị bệnh cho người (Thượng tiên); người sai khiến quỷ
làm nô lệ (Sai quỷ, Yêu thuật); ma quỷ ẩn hiện (Phun nước, Giữa sông); xác
chết sống lại (Xác chết biến động, Nhậm Chân, Dã cẩu) Đầy rẫy những điều
quái đản, lạ lùng của trên trời dưới đất, sơn cùng thủy tận đã xuất hiện trong đêm.
Xương khô dưới mồ, vịt lội trong ao, ngọn đèn dải lụa, rồng rắn chim chuột, chén
trà bát thuốc tất tần tật đều có thể trở thành yêu quái.
Theo quan niệm dân gian, dương là ngày, âm là đêm; dương là cõi sống,
âm là cõi chết. Cõi chết ấy thực ra vẫn sống trong tâm linh con người qua những
câu chuyện ma - chuyện của đêm. Chính khoảng thời gian cứ ngỡ là đã "chết" ấy,
thời gian mà con người chìm vào vô thức, thời gian chiếm một nửa tháng năm,
một nửa đời người, vẫn không hề bị bỏ phí bởi nó nuôi dưỡng ước mơ và dung
chứa sự sáng tạo nghệ thuật. Dường như khám phá những điều kỳ bí, siêu nhiên,
những điều bất khả tri luôn như là một nhu cầu của con người mong muốn thoát
ra khỏi sự bình thường, tẻ nhạt của đời sống tinh thần. Vì vậy mà nhà văn Bồ
Tùng Linh đã đánh thức đêm tối, gieo vào trong đó bao chuyện lạ lùng của tiếng
ma cười quỷ khóc, của những "bóng ma hời sờ soạng dắt nhau đi". (Điêu tàn -
Chế Lan Viên)
Đêm là thời gian đặc trưng của truyện ma nói chung và Liêu Trai nói
riêng, là điều kiện tiên quyết trong việc tạo nên tố chất kỳ ảo của truyện Đêm làm
tăng hiệu quả nghệ thuật của truyện. Phủ lên câu chuyện tấm áo choàng đen của
thời gian, chuyện bỗng trở nên rùng rợn, ly kỳ hơn, đa nghĩa và hấp dẫn hơn.
15
3. Thời gian siêu tự nhiên cũng là một dạng thức khác của thời gian kỳ
ảo."Thời gian siêu tự nhiên trên thế giới là sản phẩm của ý thức sợ hãi cái chết và
mong muốn cởi bỏ các ràng buộc của trần tục để giải thoát vào một thế giới vĩnh
viễn và tự do" (*). Dường như không chấp nhận một sự thật phũ phàng: chết là
hết, là thực sự kết thúc sinh mệnh; con người đã chống chọi lại quy luật khắc
nghiệt của tự nhiên bằng "phép thắng lợi tinh thần": cho linh hồn được tái sinh
sau khi phiêu du qua 18 tầng địa ngục. Kế thừa quan niệm dân gian đượm màu
sắc tư tưởng Phật giáo, Liêu Trai chí dị có rất nhiều truyện thể hiện sự trôi chảy
của thời gian siêu nhiên. Ba kiếp đầu thai, Ông Mỗ ở Thiểm Tây, Thiệu Sĩ
Mai, Chung sinh đều cho con người trải qua vòng luân hồi của những kiếp đầu
thai. "Quả" của kiếp này tùy thuộc vào "nhân" của kiếp trước, vì vậy mà có khi
đầu thai làm người, có khi lại làm súc vật. Đằng sau mỗi kiếp là một bài học về
đạo đức, về triết lý ở hiền gặp lành.
Đáng lưu ý là phần lớn những truyện có sự đầu thai, hóa kiếp của nhân vật
đều có kết cấu đảo ngược về thời gian. Truyện diễn tiến theo dòng hồi cố của
nhân vật, vì vậy sự việc diễn ra trước lại được kể sau và ngược lại. Ví dụ: Uông
Khả Thụ trong truyện cùng tên có thể nhớ cả việc ba kiếp. Kiếp 1 là người (tú
tài), kiếp 2 là ngựa, kiếp 3 là người (trẻ con), kiếp 4 là người (Uông Khả Thụ).
Nếu theo trật tự thời gian tuyến tính thì kiếp 1 phải được kể trước, nhưng do nhân
vật tự kể lại tiền thân của mình nên có sự xáo trộn, kiếp 4 lại được kể trước. Như
vậy, thời gian kỳ ảo đã thực sự chi phối kết cấu mặc dù tác giả dân gian và nhà
văn Bồ Tùng Linh không cố tình đảo lộn trật tự thời gian của truyện. Khi cho
nhân vật tự kể về quá khứ của mình, điểm nhìn nghệ thuật sẽ di chuyển từ người
kể chuyện "thượng đế" sang nhân vật, dẫn đến sự phá vỡ trật tự tuyến tính về thời
gian - một hình thức đặc trưng của chuyện kể trung đại. Tuy nhiên, sự phá vỡ trật
tự thời gian cũng như kết cấu truyện chỉ mới dừng ở mức "thô sơ", "tự phát",
xuất phát từ mục tiêu tuần túy về mặt nội dung chứ chưa phải là một kiểu đột phá
trong thi pháp kết cấu truyện.
16
Bên cạnh ước mơ về sự trường sinh bằng cách luân hồi từ kiếp này sang
kiếp khác, thời gian siêu tự nhiên còn thể hiện khát vọng trẻ mãi không già, thoát
ra khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử nghiệt ngã của thời gian. Hoạn Nương trong
truyện cùng tên qua đời đã 100 năm nhưng vẫn còn tươi nguyên vẻ diễm lệ thanh
xuân của tuổi mười bảy, mười tám. Người vợ hiền trong Bạch Vu Ngọc "tuổi đã
ngoài năm mươi mà trông như là người đôi mươi". Quỳnh Hoa trong truyện
Nhạc Trọng "gần bốn mươi tuổi, vẫn yểu điệu như độ hai mươi". Trương Ư Đán
(Con gái Lỗ công), tuổi đã năm mươi nhưng được Phật Bà hóa phép cải lão hoàn
đồng trẻ lại như hồi mới mười lăm, mười sáu để đẹp đôi với Lỗ tiểu thư khi nàng
đầu thai vào nhà họ Lỗ, thực hiện lời đính ước từ kiếp trước với nàng.
Thời gian ở cõi thần tiên trong Liêu trai cũng là một hình tượng đậm chất
kỳ ảo. Thời gian tiên cảnh có đặc điểm là trôi chậm, kéo dài, bất biến, trái ngược
hẳn với thời gian vùn vụt như "bóng câu qua cửa sổ" của trần gian. Cao Ngọc
Thành trong truyện Tiên ăn mày chỉ một khoảnh khắc lạc vào cõi tiên nhưng khi
trở về thì đã ba năm trôi qua. Vân La công chúa trong truyện cùng tên về cõi tiên
chỉ mới hơn hai ngày mà ở hạ giới người chồng phải chờ đợi hơn một năm.
Khoảng cách lớn hơn nữa là ở truyện Phấn Điệp, Dương Viết Đán lạc vào cõi
tiên chỉ mới bốn hôm nhưng thực ra đã xa nhà mười sáu năm rồi.
Thời gian của cõi tiên gắn với cuộc sống nhung lụa, hạnh phúc mỹ mãn.
Con người không còn âu lo những đói no ấm lạnh của đời thường, không còn bị
trói buộc bởi vòng sinh - lão - bệnh - tử khắc nghiệt. Thời gian ấy là giấc mơ đẹp,
nhưng lại vụt trôi nhanh như ráng màu, để lại trong lòng người nỗi hoài niệm đầy
ảo ảnh vàng son. Sai biệt quá lớn giữa thời gian của cõi tiên và cõi trần là sự sai
biệt giữa mộng và thực. Mộng thì bao giờ cũng đẹp nhưng xa vời, thực tại dù phũ
phàng nhưng lại gần gũi hơn, gắn bó hơn. Những ngậm ngùi tiếc nuối, bâng
khuâng, bàng hoàng, hụt hẫng của người trong cuộc khi bừng tỉnh mộng càng
khiến người đọc thấm thía hơn, trân quý hơn cõi thực của mình.
17
Là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú vào loại bậc nhất trong dòng
truyện kỳ ảo thế giới, thời gian của Liêu Trai cũng đầy chập chờn mê hoặc như
bất kỳ một yếu tố nghệ thuật nào của tác phẩm. Vừa là khách thể, vừa là chủ thể,
vừa là công cụ nhưng đồng thời cũng vừa là sản phẩm, thời gian đã góp phần làm
nên chủ đề tác phẩm. Dung chứa các yếu tố đặc biệt, phi thường, khác lạ, siêu
nhiên trong ngót 500 thiên truyện ngắn mà Bồ Tùng Linh xem là "sự nghiệp hồ
quỷ" của mình, thời gian kỳ ảo của Liêu Trai là một phương tiện tổ chức có hiệu
quả trong việc khám phá và phản ánh nội dung xã hội - lịch sử rộng lớn.
Vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, khác thường, thời gian nghệ thuật của Liêu
Trai chí dị níu giữ người đọc bởi cái thực và cái ảo cứ chao qua lượn lại, kết nối,
tan biến trong nhau. Thời gian kỳ ảo đã làm "lạ hóa" các sự vật hiện tượng quen
thuộc, từ đó phá vỡ tính máy móc, thụ động của sự cảm thụ, buộc người đọc phải
tự tìm tòi, suy ngẫm từng dạng thức thời gian của tác phẩm để nhận ra đâu là ý
nghĩa đích thực của nhân sinh.
Chú thích:
(*) Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, Về thi pháp thơ Đường, NXB Đà
Nẵng, 1997, tr. 18
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dư Quán Anh, Tiền Chung Thư, Phạm Ninh (Chủ biên). Lịch sử văn
học Trung Quốc (2 tập), NXB Giáo dục (1997)
2. Nguyễn Huệ Chi. Bồ Tùng Linh và bộ sách Liêu Trai chí dị, Liêu Trai
chí dị tập1, NXB văn nghệ tp HCM (1999)
3. Trần Xuân Đề. Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, NXB Giáo dục (1998)
18
4. Nguyễn Thị Bích Hải. Thi pháp thơ Đường, NXB Thuận Hóa. (1996)
5. Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ. Văn học Trung Quốc, 2 tập, NXB
Giáo dục (1987, 1988)
6. Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử. Về thi pháp thơ Đường, NXB Đà
Nẵng (1997) 18
7. Bùi Thanh Truyền. Nghệ thuật kỳ ảo trong văn xuôi đương đại Việt
Nam - Luận văn thạc sĩ ngữ văn, Trường Đại học sư phạm, Đại học
Huế (2001)
8. Trần Thị An. Yếu tố thời gian trong truyền thuyết dân gian, Tạp chí
văn học (5), (2000) 65 - 73
9. Đ. X. Li-kha-chốp. Thời gian nghệ thuật của tác phẩm văn học, Tạp
chí văn hóa nghệ thuật, (1998) 60 - 65
THE FANTASTIC TIME IN LIAO CHAI CHIH I
Nguyen Thi Tinh Thy
College of Pedagogy, Hue University
SUMMARY
As a product of the most fertile imagination of fantastic story of the world,
time like every other art factor in Liao Chai chih i is also extraordinary and
mysterions. The object as well as the subject and the instrument as well as the
19
product, time contributes to build up the theme of the stories. In nearly 500
stories with extraordinary, mysterious and supernatural factors which are
considered to be P'u Sung-ling's achievements of "spirits", the fantastic and
mysterious time in Liao Chai chih i - springtide, night time and supernatural
time - serves as an effective factor in discovering and reflecting the vast socio -
historical substance.