Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học " NGHỆ THUẬT ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT ANNA KARENINA CỦA LÉP TÔNXTÔI " potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (168.32 KB, 11 trang )


23
NGHỆ THUẬT ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT
ANNA KARENINA CỦA LÉP TÔNXTÔI
Phạm Xuân Hoàng
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Đối thoại là một phạm trù rất rộng của đời sống và nghệ thuật. Theo nghĩa
thông thường, đối thoại là lời phát ngôn của con người trong khi giao tiếp với
nhau. Trong tác phẩm văn học, đối thoại là hình thức ngôn từ xuất hiện từ lâu
như một thủ pháp nghệ thuật hàng đầu để tái hiện con người và cuộc sống. Thành
công của nghệ thuật đối thoại tùy thuộc vào tài năng và phong cách sáng tạo của
mỗi nhà văn.
Với Tônxtôi, "giao tiếp và đối thoại giữ vai trò quan trọng trong việc thể
hiện tính cách nhân vật" [4,123]. Ngoài ra, Tônxtôi còn sử dụng đối thoại để
miêu tả, phân tích đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người. Nguyên
tắc nghệ thuật này được triển khai mạnh mẽ trong tiểu thuyết Anna Karênina với
đặc điểm nổi bật mà Bakhtin đã khái quát là "lời văn ở Tônxtôi mang tính đối
thoại nội tại rất rõ nét"[1,99]. Tài năng nghệ thuật đối thoại của Tônxtôi góp phần
tái hiện nhân vật một cách chân thực sống động trên từng trang cuốn tiểu thuyết.
1. Tần số và hiệu quả của đối thoại
Tiểu thuyết Anna Karênina mang đậm chất văn xuôi tâm lý nhưng các nhân
vật tiêu biểu có tần số đối thoại rất cao phản chiếu rõ nét tâm trạng con người đầy
xáo động bất an trong thời kỳ chuyển biến dữ dội của đời sống Nga những năm

24
70. Khảo sát tác phẩm, chúng ta thấy tần số đối thoại phụ thuộc vào mối quan hệ
xã hội và tính cách của mỗi nhân vật. Những nhân vật cởi mở, lão luyện trong
giới xã giao như Vrônxki (471 lần), Xtêpan (480 lần), có số lần đối thoại cao gấp
đôi kiểu người ít nói, nặng tính quan chức như Karênin (202 lần). Hai nhân vật
trung tâm là Anna (521 lần) và Lêvin (711 lần), chiếm số lượng đối thoại cao


nhất tương ứng với vai trò nghệ thuật, số lần xuất hiện trong tác phẩm. Đối thoại
ở Tônxtôi không chỉ là hành động phát ngôn, giao tiếp mà còn là phương tiện nối
kết con người bên trong và bên ngoài nhân vật.
Tônxtôi rất chú ý làm nổi bật sắc thái riêng trong cách lập ngôn của từng
nhân vật để góp phần khắc họa tính cách tâm lý. Lời đối thoại của Anna thường
duyên dáng, tinh tế . Vrônxki có thứ ngôn ngữ linh hoạt của một kẻ từng trải
trong giới sĩ quan và chốn phòng khách nhưng thường giới hạn trong đề tài sinh
hoạt hàng ngày, ít mang tầm trí tuệ. Với tính cách cởi mở mà hời hợt, Xtêpan có
lối nói hồn nhiên, hóm hĩnh, hơi nhạt nhẽo. Lão quý tộc đậm bản tính Nga
Serbatxki ưa dùng lối nói bộc trực, pha nhiều thành ngữ mang sắc thái hài hước.
Nhân vật Lêvin có trường đối thoại rất lớn, đề cập tới nhiều lĩnh vực đời sống
nhưng chàng chỉ nói năng hoạt bát những vấn đề mà chàng am hiểu, đồng cảm và
say mê nên thường vụng về ở chốn phòng khách thượng lưu. Lời của Lêvin sống
động, gần với cuộc sống, khác hẳn thứ ngôn ngữ chuẩn mực, uyên bác nhưng rất
sách vở của người anh trai là học giả Korznưsép. Lêvin làm người anh trai ngạc
nhiên "về cái ý kiến đưa những cây bạch dương non xen vào cuộc tranh cải triết
học". Kiểu nói năng hệt như bản báo cáo bộc lộ rõ con người hành chính quan
liêu của Karênin với những từ đặc trưng là "tôi muốn, tôi nói, tôi yêu cầu ". Nữ
chủ nhân phòng khách nổi tiếng như Bétxy thì luôn dùng thứ ngôn ngữ kiểu cách
xã giao.
Ngoài việc xây dựng cho mỗi nhân vật kiểu ngôn từ đối thoại mang cá tính
riêng, Tônxtôi rất thành công khi diễn tả ngôn ngữ đám đông. Kiểu đối thoại đám

25
đông ồn ào, hỗn tạp, không đầu không đuôi xuất hiện không nhiều trong tác
phẩm nhưng cần thiết. Những lời xì xào, tếu táo của đám nông dân khi nhìn thấy
cảnh các ông chủ, bà chủ cưỡi ngựa dạo chơi ở trại ấp Vrônxki chỉ ra cái hố sâu
ngăn cách giữa cuộc sống nông dân với tầng lớp quý tộc. Vô số lời bàn tán, đùa
cợt của đám sĩ quan ở nhà Vrônxki không theo chủ đề nào cả nhưng tái hiện rõ
nét đời sống tinh thần trống rỗng của những người tham gia đối thoại cứ quẩn

quanh chuyện cờ bạc, đưa ngựa, chuyện thăng tiến, chuyện phụ nữ Cái thế giới
âm thanh hỗn độn trên sân ga rộn lên tiếng cười nói ầm ĩ, lời bình phẩm, câu đùa
kệch cỡm diễn tả sâu sắc cái thực tại ti tiện mà Anna sắp rời bỏ. Đặc biệt, có lúc
Tônxtôi ghi âm lại tiếng la hét ồn ào, hỗn loạn diễn ra ở cuộc bầu cử: "Bỏ phiếu,
bỏ phiếu! chúng ta đổ máu lòng tin cậy của đức vua . Đừng nghe ông đại biểu.
Đó không phải là vấn đề. Bỏ phiếu kín. Thật đê tiện!" [5,II,283]. Những lời thoại
chen lấn nhau trong "trạng thái điên cuồng, phấn khích" của đám người đáng
kính nói lên thực chất cuộc bầu cử là hoàn toàn vô nghĩa. Ngôn từ đối thoại trong
tác phẩm là "lời sống động khác xa với lời sách vở"[2,227], phản chiếu nhận thức
của nhân vật về thế giới xung quanh.
Tônxtôi tạo dựng cho các nhân vật trường ngôn ngữ và nội dung đối thoại
rộng lớn, bao quát nhiều mặt cuộc sống. Dõi theo môi trường hoạt động của nhân
vật, nhà văn đưa vào nhiều hình thức đối thoại khác nhau, trò chuyện tâm tình,
tranh luận các vấn đề xã hội, trao đổi chuyện gia đình, công việc Thông qua đối
thoại, các nhân vật bày tỏ trực tiếp thái độ, cảm xúc chính kiến, các mối quan tâm
thường nhật của mình. Cuộc trò chuyện tâm tình với Đôly hé mở mâu thuẫn
giằng xé giữa tình yêu và tình mẫu tử trong Anna. Những cuộc tranh luận của
Lêvin đề cập đến nhiều đề tài rộng lớn như vấn đề phụ nữ, quyền tư hữu, mối
quan hệ giữa địa chủ và nông dân, sự xuất hiện của giai cấp tư sản, cuộc chiến
tranh Xerbi. Các cuộc đối thoại sôi nổi giữa các nhân vật còn bàn tới triết học,
khoa học nghệ thuật, giáo dục

26

Âm vang bước chuyển mình của thời đại làm xáo động tâm tư, chính kiến
mọi tầng lớp xã hội dẫn đến nhu cầu giải bày, đối thoại ở mỗi người. Với dung
lượng thông tin phong phú về mọi mặt của cuộc sống đang diễn ra, đối thoại ở
các nhân vật góp phần làm cho tác phẩm "phảng phất không khí thời đại".
2. Tính năng động của quá trình đối thoại
Trong nghệ thuật đối thoại, Tônxtôi rất quan tâm miêu tả diễn biến cả quá

trình đối thoại của các nhân vật tham gia. Ở mỗi quá trình đều có sự chuyển đổi
linh hoạt giữa các hình thức đối thoại. Tình huống văn cảnh, tâm thế của người
tham gia đối thoại có vai trò chuyển mạch cách thức, nội dung lời nói nhằm thúc
đẩy cốt truyện và chủ đề phát triển. Cuộc gặp gỡ giữa Lêvin và Xtêpan bắt đầu
bằng những lời thăm hỏi khuôn sáo về công việc, về người quen. Theo lôgic tự
nhiên, câu chuyện làm nẩy sinh nội dung đối thoại mới về lợi ích của các tổ chức
nhà nước rồi chuyển hướng sang đề tài tình yêu và phụ nữ. Hoặc câu chuyện bên
đống cỏ khô được mở rộng khéo léo từ chuyện đi săn của Xtêpan với ông chủ
công ty hỏa xa đến việc Lêvin tranh luận về quyền tư hữu. Diễn biến các cuộc
đối thoại thể hiện sự khác biệt về quan điểm, tính cách, lối sống và cả tâm lý
ganh đua giữa hai người bạn thân.
Đôi khi Tônxtôi đi chệch khỏi trọng tâm đề tài, đưa thêm vào quá trình đối
thoại những lời phát ngôn lạc lõng với chủ đề chính. Những lời nói vô tình, bột
phát này làm sống động đồng thời tạo ra một góc nhìn khác về nội dung cuộc đối
thoại. Trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương, điểm xuyết vào các cuộc tranh
luận sôi nổi là những câu hỏi vẻ ngớ ngẩn của Lêvin: "Bỏ phiếu vào đâu", "Tại
sao thủ tục bỏ phiếu lại rắc rối như vậy". Theo cách nhìn của Lêvin, cuộc bầu cử
chỉ là chuyện vô bổ.

27
Nội dung cuộc đối thoại chung ở nhà Đôly đang xoay quanh vấn đề giáo
dục và phụ nữ. Các tình huống bất ngờ làm cho dòng đối thoại chung nẩy sinh
hai cuộc đối thoại nhỏ nhưng rất quan trọng với sự phát triển của hai tuyến cốt
truyện. Câu chuyện Lêvin săn gấu được gợi lên để chấm dứt một đề tài không tế
nhị với Karênin đã cuốn hút Kitty. Mỗi lời đối đáp giữa Lêvin và Kitty bỗng trở
nên riêng tư, báo hiệu tình yêu bắt đầu tái sinh. Một tình huống khác là vị khách
trẻ tuổi kể cho Karênin nghe chuyện đấu súng mới xẩy ra giữa hai kẻ tình địch.
Câu chuyện chạm vào nỗi đau của mình nhưng Karênin vẫn tỏ ra hờ hững.
Đốivới Karênin, vấn đề số phận Anna đã được định đoạt không thể thay đổi. Hai
cuộc đối thoại riêng tư được xây dựng nhằm mục đích thông báo hai đường dây

cốt truyện đi theo chiều hướng khác nhau, Lêvin tìm thấy tình yêu, còn Anna
đang trượt xuống vực thẳm bất hạnh.
Như vậy, mỗi lời phát ngôn hay cả quá trình đối thoại đều được Tônxtôi sử
dụng như một phương tiện nghệ thuật hữu hiệu để thúc đẩy cốt truyện phát triển,
tái tạo sự vận động của tính cách tâm lý nhân vật. Qua nghệ thuật đốithoại, bức
tranh đời sống xã hội Nga buổi giao thời hiện lên sống động sắc nét trong tác
phẩm.

3. Mạch ngầm đối thoại hai lớp
Cấu trúc đối thoại của Tônxtôi rất phức tạp đan xen nhiều yếu tố tạo nên hai
lớp ngoài và trong lời phát ngôn. Hướng đến việc khám phá tâm lý con người,
Tônxtôi chỉ ra những trường hợp thường gặp trong đối thoại là lời nói hình thức
bên ngoài tỏ ra không trùng hợp, thậm chí đối lập với ý nghĩ của nhân vật. Mạch
ngầm đằng sau lời nói gợi lên trạng thái tâm lý đang ẩn dấu trong con người. Vì
khoảng cách giữa lời và ý khá xa nhau nên Grômốp cho rằng: "không thể có đối
thoại ở Tônxtôi nếu thiếu những giải thích tâm lý" [3,132]. Chẳng hạn, những

28
xáo động tình cảm sau cuộc đua ngựa bắt buộc Anna nói lên những lời khác hẳn
với tâm trạng của mình. Những lời Anna trao đổi với chồng có vẻ mơ hồ nhưng
ẩn dấu một bi kịch thầm lặng căng thẳng sẽ bùng nổ ở đoạn kết. Nghe Karênin
trách móc cách xử sự không phải của mình, Anna thốt lên "không phải ở chỗ
nào? nàng lớn tiếng cải không phải với thái độ vui vẻ trí trá mà với một vẻ quả
quyết nhằm che dấu nỗi sợ trong lòng" [5,I,324]. Chuỗi ngày đau khổ đang thay
thế dần hạnh phúc ngắn ngủi. Giờ đây, những lời nói của Vrônxki thể hiện tình
yêu với Anna đang nguội lạnh dần. Khi nghe Anna kể về giấc mơ khủng khiếp và
cái chết đang ám ảnh nàng, Vrônxki thốt lên những lời khác với ý nghĩ của mình:
"Anh không hiểu gì cả, chàng nói, nhưng thực ra chàng hiểu rất rõ" [5,I,523]. Lời
đáp của Vrônxki là dấu hiệu thiếu quan tâm thật sự đến hoàn cảnh của Anna. Gần
cuối cuộc tình, hai người nói với nhau bằng những câu lấp lửng dấu kín ý nghĩ

của mình: "Anh cần gì? Nàng hỏi. Anh tìm giấy chứng chỉ về gốc gác con
Gămbétta vừa bán, chàng nói bằng một giọng còn rõ nghĩa hơn cả lời: Tôi không
có thì giờ để phân trần và cái đó cũng không ích lợi gì" [5,II,414]. Anna cảm thấy
những lời này gắn liền với ý nghĩ của Vrônxki "mặc kệ cô ta". Bởi vậy mạch
ngầm đối thoại vẫn diễn ra: " Có chuyện gì vậy, Anna? Chàng hỏi. Không có gì
hết, nàng bình thản trả lời" [5,II,415]. Lời Anna trái ngược với tâm trạng tuyệt
vọng của nàng. Nội dung lời thoại bề ngoài không có gì đặc biệt, nhưng với ngữ
cảnh là đoạn kết một cuộc tranh cãi gay gắt kèm theo lời dẫn của tác giả đã đưa
người đọc thâm nhập vào cuộc đối thoại ngầm, thông báo trái tim môi người
đang chia lìa mỗi ngã.
Kiểu đối thoại hai lớp còn được Tônxtôi sử dụng để mổ xẻ trạng thái tâm lý
tinh vi. Trong quan hệ giao tiếp hàng ngày, đôi khi con người phải nói những câu
từ chiếu lệ, máy móc, chỉ mang tính xã giao không mang nghĩa thực để thay thế
cho thái độ tình cảm không thể diễn đạt trực tiếp bằng lời. Tônxtôi ghi nhận hiện
tượng này qua những trường hợp đối thoại đặc biệt của nhân vật. Đến thăm
người anh Nicôlai đang sống trong cảnh tồi tàn, bệnh tật, Lêvin cố gắng xử sự

29
nhẹ nhàng đúng mực tránh làm ông anh tự ái. Nghe anh mình giới thiệu về vị
khách từng bị đuổi khỏi trường đại học, Lêvin muốn nói một điều gì đó để xoá
bớt sự yên lặng nặng nề đang bao trùm cả căn phòng. Câu hỏi với vị khách "Anh
học ở đại học Kiép à?" là thứ ngôn từ vô nghĩa, lặp lại máy móc điều đã biết, nó
chỉ nhằm nói lên trạng thái tâm lý khó xử của Lêvin.
Tình huống đối thoại này lặp lại lúc Karênin đến thăm Anna trước cuộc
đua ngựa. Nàng hỏi han chồng về sức khoẻ, công việc, khuyên nên nghỉ ngơi và
đến ở với mình. "Nàng nói những điều đó một cách vui vẻ nhanh nhảu với ánh
mắt kỳ lạ. Cuộc trò chuyện không có gì đặc biệt nhưng sau này Anna nhớ tới
cuộc trao đổi ngắn ngủi đó mà không cảm thấy một nỗi hổ thẹn" [5,I,315]. Lời
của Anna không xuất phát từ trái tim mà do mưu mẹo xui khiến nàng nói, hệt
như mấy từ tiếng Pháp nhạt nhẽo "tôi yêu cô" mà Pie nói với Êlen trong tác

phẩm Chiến tranh và hoà bình. Qua đối thoại giữa Anna và Karênin có thể thấy
"bề ngoài vẫn như cũ nhưng bên trong quan hệ của họ đã hoàn toàn thay đổi"
[5,I,237]. Ở hình thức đối thoại này, nghĩa ngầm sau lớp vỏ ngôn từ có giá trị
thông tin chính xác về bản chất sự việc và nội tâm con người.
4. Đối thoại không lời
Trong tác phẩm Anna Karênina có nhiều lúc Tônxtôi "tắt dần đối thoại" khi
mà lời nói không đủ sức diễn tả hết tâm tư, tình cảm con người. Cảm thấy ngôn
từ trở nên gò bó, hạn hẹp các nhân vật giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, nụ cười,
cử chỉ thay thế cho lời nói.
Lúc bí mật đến thăm con sau bao ngày xa cách, Anna chỉ biết " đắm đuối
nhìn con, nghẹn ngào nước mắt con thân yêu của mẹ, con Nàng không nói
nổi hết câu. Nàng đã nghĩ ra biết bao lời đáng lẽ có thể nói với nó! Nhưng lúc
này nàng không thể thốt ra được tiếng nào"[5,I,136]. Sau tiếng gọi con lặp lại
thảng thốt, xót xa, mọi lời nói đều trở nên cạn kiệt, vô nghĩa trước tình thương

30
con sâu thẳm mênh mông với bao đớn đau, sầu tủi của tấm lòng người mẹ. Với
Tônxtôi, thành phần "phi ngôn ngữ" vẫn có khả năng diễn tả mạch ngầm tâm
trạng tạo nên hình thức đối thoại không lời. Khi cãi nhau với Vrônxki, Anna
"không hiểu vì sao mình có thể nén được cơn bão táp đang dấy lên trong lòng để
nói chuyện bình thản với vị khách mới đến. Vrônxki bắt chuyện và liếc nhìn
Anna. Khi mắt họ gặp nhau, mặt Anna bỗng lạnh lùng kiêu kỳ như muốn nói:
Tôi chưa quên đâu. Chưa có gì thay đổi cả" [5,I,414]. Ở đây, thứ ngôn ngữ không
lời biểu đạt tài tình quan hệ căng thẳng bên trong của Vrônxki và Anna.
Mối tình giữa Lêvin và Kitty được thể hiện không chỉ qua đối thoại trực tiếp
mà bằng cả kiểu đối thoại không lời với những sắc thái yêu thương, giận hờn
khác nhau. Đây là tình huống đối thoại sau khi Kitty từ chối lời cầu hôn của
Lêvin: "Nếu có thể xin anh tha thứ cho em, cái nhìn của cô nói vậy em đang
sung sướng biết bao! Tôi căm thù mọi người, cả cô, cả bản thân tôi nữa! Cái nhìn
của Lêvin trả lời như vậy" [5,I,115]. Sau này, tình yêu lại giúp họ đọc được thứ

ngôn ngữ không lời của trái tim: "Ở chỗ anh có gấu thật à? Nàng hỏi thêm,
nghiêng nghiêng cái đầu duyên dáng về phía chàng và mỉm cười. Trong những
lời đó, giường như chẳng có gì khác thường nhưng mỗi âm sắc, mỗi cử động của
đôi môi, cặp mắt, đôi bàn tay nàng đều chứa đựng biết bao ý nghĩa. Chàng đọc
thấy trong đó một lời cầu khẩn, sự bày tỏ niềm tin cậy, một cái vuốt ve âu yếm và
rụt rè, một niềm hy vọng, một tình yêu không thể nghi ngờ mảy may, khiến
chàng sung sướng đến nghẹt thở" [5,I,554].
Trong trường hợp nhiều người tham gia đối thoại, thứ ngôn ngữ không lời
tạo ra kênh giao tiếp ngầm để liên kết những ai đồng điệu về tâm hồn và nhận
thức. Lêvin và Anna chỉ gặp nhau một lần trong buổi tiếp khách có cả Xtêpan và
Vorkinép tham gia. Ngoài những lời thăm hỏi xã giao, mọi người bàn đến nghệ
thuật, giáo dục nhưng âm sắc chính của cuộc đối thoại thuộc về Anna và Lêvin.
Mạch ngầm đối thoại giữa hai người cho thấy họ tìm được sự tin cậy, đồng cảm

31
lẫn nhau: "Nàng lại nhìn Lêvin. Cả con mắt lẫn nụ cười đều nói rằng những lời
đó là dành riêng cho chàng, rằng nàng trân trọng ý kiến chàng và biết được hai
người sẽ hiểu nhau"[5,II,348]. Cuộc trò chuyện giữa Lêvin với Anna không
nhằm liên kết hai tuyến cốt truyện nhưng mang ý nghĩa khẳng định sự thống nhất
chủ đề tư tưởng tác phẩm. Như những người không chấp nhận thế giới cũ, Lêvin
và Anna đã khởi hành trên hai nẻo đường khác nhau để tìm kiếm cuộc sống mới
có sự hòa hợp giữa con người với con người. Dưới ngòi bút Tônxtôi, hình thức
đối thoại không lời trong nhiều trường hợp mang lại hiệu quả diễn tả sâu sắc, rõ
nét các tâm lý tinh vi của con người hơn cả lời phát ngôn trực tiếp.
Tóm lại, Tônxtôi đã sử dụng nhiều hình thức đối thoại khác nhau để làm
nổi bật nguyên tắc nghệ thuật hướng đến miêu tả "con người bên trong". Nhà văn
nắm bắt tinh tế mọi biểu hiện sinh động trong quan hệ giao tiếp làm cho các đối
thoại ở nhân vật mang đậm tính chất "nội tại" nhưng vô cùng linh hoạt phong
phú, đa âm sắc. Tiểu thuyết Anna Karênina ghi nhận thành công mới của Tônxtôi
trong nghệ thuật đối thoại rất đặc trưng của văn xuôi tâm lý, góp phần sáng tạo

nên thế giới nhân vật và bức tranh hiện thực sống động, luôn khắc sâu trong tâm
trí các thế hệ độc giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bakhtin M. Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn
Du, Hà Nội (1992).
2. Ginzơbuôc L. Về văn xuôi tâm lí. Nxb Nhà văn xô viết, Lêningrat
(1978) (bản tiếng Nga).

32
3. Grômôp P. Về thi pháp Lép Tônxtôi. Nxb Văn học nghệ thuật,
Lêningrat (1971) (bản tiếng Nga).
4. Nguyễn Hải Hà. Thi pháp tiểu thuyết L Tônxtôi. Nxb Giáo dục, Hà Nội
(1993)
5. Tônxtôi L. Anna Karênina (2 tập). Nxb Văn học, TP. Hồ Chí Minh
(1978)

TÓM TẮT
Nghệ thuật đối thoại trong tiểu thuyết Anna Karênina thể hiện rõ nét tài
năng của nhà văn Nga vĩ đại Lép Tônxtôi(1828-1910). Nhà văn sử dụng linh
hoạt số lần đối thoại với nhiều hình thức khác nhau nhằm miêu tả sự vận động
tính cách và khám phá tâm lý nhân vật. Thủ pháp đối thoại đã tạo nên thứ văn
xuôi tâm lý đặc sắc, góp phần làm cho tiểu thuyết Anna Karênina trở thành một
kiệt tác của văn chương thế giới.


33

THE ART OF CONVERSATION IN THE NOVEL ANA KARENHINA
BY LEO TOLSTOI

Pham Xuan Hoang
College of Pedagogy, Hue University

SUMMARY
The art of conversation expressed in the novel Ana Karenhina proves talent
of great Russian writer Leo Tolstoi (1828-1910). The writer flexibly used the
frequency of variety of conversations among the heroes in the novel in order to
describe the developing process of their characteristics and psychology. The
conversational method used by the writer created an excellent psychological
prose which made Ana Karenhina become a world literary masterpiece.






×