Tải bản đầy đủ (.pdf) (108 trang)

kim quỹ yếu lược đại cương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (936.45 KB, 108 trang )


1
KIM QUỸ YẾU LƯỢC ĐẠI CƯƠNG



TS. Đặng quốc Khánh
ĐẠI CƯƠNG

“Kim quỹ yếu lược phương luận” là phần tạp bệnh của sách “Thương hàn tạp
bệnh luận” do Trương Trọng Cảnh viết từ thời Đông Hán. Đây là cuốn sách đầu tiên
viết về chẩn trị tạp bệnh theo lý luận biện chứng của y học cổ truyền. Sách có giá trị
cao cả về lý luận cũng như ứng dụng lâm sàng và là một trong những sách kinh điển
của y học cổ truyền. Tên sách là “Kim quỹ yếu lược phương luận”, trong đó “Kim
quỹ” có nghĩa là quan trọng và quý giá, “Yếu lược” có nghĩa là tóm lược. “Kim quỹ
yếu lược” cho thấy đây là những nội dung quan trọng chủ yếu và cần thiết về y học
cổ truyền được tóm tắt lại.
Lịch sử ra đời lưu lạc và được chỉnh lý của sách có thể chia thành ba giai đoạn.
Khoảng đầu thế kỷ thứ ba sau công nguyên, Trương Trọng Cảnh viết xong “Thương
hàn tạp bệnh luận”. Sách gồm hai phần “Thương hàn” và “Tạp bệnh”. Toàn sách có
mười sáu chương trong đó mười chương nói về thương hàn và sáu chương nói về
tạp bệnh. “Kim quỹ” thuộc phần viết về tạp bệnh. Trong thời gian từ Đông Hán đến
Tây Tấn do chiến tranh loạn lạc sách bị thất lạc. Tuy đã được Vương Thúc Hoà (Tây
Tấn) thu thập và chỉnh lý nhưng người ta vẫn chỉ thấy phần “Thương hàn luận”, gồm
mười chương mà không thấy phần tạp bệnh. Và người ta cũng chỉ thấy nêu dẫn
chứng về sách trong các tài liệu khác như “Mạch kinh”, “Giả bệnh nguyên hậu luận”,
“Thiên kim phương”, “Ngoại đài bí yếu”… Cho đến tận thời Tống Nhân Tông, Học
sỹ Ông Lâm mới tìm thấy trong thư viện của gia đình cuốn “Kim quỹ ngọc hàm yếu
lược phương”, đây chính là bản tóm lược “Thương hàn tạp bệnh luận” của Trương
Trọng Cảnh. Sách gồm có ba phần, phần đầu bàn về thương hàn, phần thứ hai bàn
về tạp bệnh, phần thứ ba bàn về phương tễ, bệnh phụ khoa và cách điều trị. Nhưng


do là cuốn tóm lược nên “Hoặc có chứng mà không có phương, hoặc có phương mà
không có chứng” nên không tránh khỏi “Chữa bệnh không toàn diện”. Vì vậy Lâm
Ức và nhiều tác giả khác đã tiến hành hiệu đính theo nguyên tắc: phần đầu sử dụng
bản do Vương Thúc Hoà đã hiệu đính tương đối hoàn chỉnh nên giữ nguyên, phần
thứ hai viết về tạp bệnh và các bệnh phụ khoa. Nhằm tiện cho ứng dụng lâm sàng lại
đem phần viết về phương tễ phân biệt theo các chứng hậu chia thành ba chương.
Ngoài ra còn đem các phương thuốc của Trương Trọng Cảnh và các thày thuốc nổi
tiếng khác phân loại ở cuối sách. Do là sách tóm lược nên đặt tên sách là: “Kim quỹ
yếu lược phương luận”, về sau được gọi tắt là “Kim quỹ yếu lược” hay chỉ đơn giản
là “Kim quỹ”.

2
Sách “Kim quỹ” bàn về tạp bệnh nội khoa là chính, tuy nhiên cũng đề cập đến
một số bệnh phụ khoa và ngoại khoa. Toàn sách chia thành ba phần lớn, tổng cộng
có hai mươi nhăm chương. Phần đầu từ chương một đến chương mười, phần hai từ
chương mười một đến chương mười chín, phần ba từ chương hai mươi đến chương
hai mươi nhăm. Chương đầu mang tên “Bệnh tạng phủ kinh lạc trước sau” có tính
chất tổng luận, viết về nguyên nhân cơ chế bệnh sinh, dự phòng, chẩn đoán và điều
trị bệnh …. Do viết theo hình thức hỏi đáp, nêu các nguyên tắc nên chương này có
tính chất cương lĩnh cho toàn cuốn sách. Từ chương thứ hai “Bệnh kính thấp yết”
đến chương mười bảy “Bệnh nôn oẹ hạ lợi” thuộc bệnh nội khoa. Chương mười tám
“Bệnh sang ung tràng ung phù nề” thuộc bệnh ngoại khoa. Chương mười chín “Bệnh
phu quyết thủ chỉ tý thũng chuyển cân âm hồ sán ưu trùng” viết về một số hợp bệnh.
Chương hai mươi đến chương hai mươi hai chuyên về sản phụ khoa. Ba chương cuối
viết về cấm kỵ, chú ý khi dùng thuốc và ăn uống cùng một số nghiệm phương.
Toàn sách đề cập đến hơn sáu mươi loại chứng bệnh mức độ sơ sài hay kỹ
càng khác nhau. Trong hai mươi hai chương đầu viết về hơn bốn mươi loại bệnh và
hai trăm linh năm bài thuốc. Bốn bài đầu tiên chỉ nêu tên bài thuốc mà không viết rõ
từng vị thuốc. Đó là các bài Hạnh tử thang trong chương Bệnh thuỷ khí, bài Hoàng
liên phấn trong chương Bệnh sang ung tràng ung phù nề, bài Lê lô Cam thảo thang

trong chương Bệnh phu quyết thủ chỉ tý thũng chuyển âm hồ sán ưu trùng và bài
Phụ tử thang trong chương Bệnh nữ nhân nhâm thân. Về phương diện điều trị, ngoài
dùng thuốc còn sử dụng các phương pháp châm cứu, ẩm thực điều dưỡng và chú
trọng điều trị hộ lý. Về cách dùng thuốc ngoài các loại thuốc uống như thuốc thang,
thuốc hoàn, thuốc ngâm rượu, thuốc tán… còn dùng các dạng thuốc dùng ngoài như
xoa, bôi, dán, ngâm, rửa… Đồng thời trong sách còn kể tương đối tỷ mỷ các phương
pháp bào chế, cách uống, tác dụng phụ của bài thuốc.
Sách viết theo thứ tự phần đầu viết về bệnh chứng, tiếp theo về phương thuốc,
cách uống… Sau phần các phương tễ hậu thế hay dùng là phần phụ phương, phân
biệt các bệnh liên quan, phân tích ưu nhược điểm. Tất cả đều viết rõ ràng, tóm lược
rất tiện cho người sử dụng.
Phân chương trong sách có thể nhiều bệnh viết trong cùng một chương, nhưng
cũng có thể một bệnh viết riêng thành chương. Nếu nhiều bệnh viết trong cùng một
chương thì đấy là những bệnh có cơ chế bệnh sinh giống nhau, vị trí bệnh như nhau
hoặc các chứng hậu tương tự như nhau
 Cơ chế bệnh giống nhau
Ví dụ như hai bệnh Tý huyết và Hư lao thì Tý huyết tuy liên quan đến cảm
ngoại tà nhưng nguyên nhân chủ yếu do dương khí hư hao dẫn đến huyết hành không
thông, dương khí bị tà khí gây trở ngaị mà thành bệnh. Còn Hư lao do ngũ lao, thất
tình và lục dâm gây hư tổn khí huyết nội tạng gây ra. Cơ chế bệnh sinh của hai bệnh
tương đồng với nhau nên viết vào cùng một chương. Lại nói về chương Bệnh kính
quý thổ nục hạ huyết hung mãn ứ huyết ghép vào cùng một chương vì cơ chế bệnh

3
sinh của mấy bệnh này đều liên quan đến Tâm và huyết mạch. Do chức năng chủ
huyết của Tâm, tàng huyết của Can, nhiếp huyết của Tỳ bị rối loạn nên dẫn đến các
bệnh loạn nhịp tim, nôn ra huyết, chảy máu cam, đi ngoài ra huyết và ứ huyết. Cơ
chế bệnh sinh của ba loại bệnh khác là Bách hợp, Hồ hoặc, Âm dương độc hoặc do
nhiệt bệnh hoặc do cảm nhiễm bệnh độc (Hiện nay gọi là nhiễm Virus) gần giống
nhau nên cũng được viết chung vào một chương.

 Vị trí bệnh gần nhau
Ví dụ ba bệnh Tiêu khát, Tiểu tiện không thông, Lâm chứng do đều liên quan
đến Thận và Bàng quang nên được ghép chung thành một chương. Mặt khác tuy
nguyên nhân cơ chế bệnh sinh của ba bệnh Nôn, Oẹ, Hạ lợi khác nhau nhưng là
những biến đổi bệnh lý ở Vị tràng nên cũng được viết chung thành một chương.
 Chứng hậu tương tự như nhau
Ba bệnh Kính, Thấp, Yết (Trúng thử) tuy do mắc các loại ngoại tà khác nhau
nhưng khi mới mắc các biểu hiện lâm sàng đều thấy sợ lạnh phát sốt nên được viết
vào cùng một chương. Có những chương do chứng bệnh bao gồm hai hoặc ba nhân
tố giống nhau, thí dụ như chứng Đầy bụng, Hàn sán, Thực tích vừa có chung đặc
điểm liên quan với Tràng Vị về mặt vị trí lại vừa có chung đặc điểm đau bụng về
mặt lâm sàng nên viết vào cùng một chương. Một thí dụ khác như hai bệnh Hung tý
và Tâm thống đều do dương khí bất chấn (không hưng phấn), thuỷ ẩm hoặc đàm
ngưng trệ trong ngực hoặc dưới Tâm, đều có biểu hiện đau ở trong ngực và đoản
khí. Điều dó cho thấy trên cả ba phương diện cơ chế bệnh sinh, vị trí bệnh và biểu
hiện lâm sàng đều tương tự như nhau nên hai bệnh này được viết vào cùng một
chương. Phương pháp trình bày này có lợi cho việc phân biệt sự giống và khác nhau
giữa những bệnh có chung đặc điểm đồng thời còn giúp cho người đọc dễ dàng nắm
được quy luật biện chứng luận trị.
Ngoài ra trong sách còn bàn luận thành chương riêng về một số bệnh có những
biểu hiện lâm sàng, cơ chế bệnh sinh đặc biệt. Như các bệnh Ngược tật, Khí bôn
đồn, Đàm ẩm, Thuỷ khí…Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng trong khi bàn về những
bệnh này, ngoài việc nhấn mạnh một số đặc điểm riêng biệt sách còn viết về những
chứng hậu liên quan vì vậy nội dung của các chương này không vì thế mà kém đi
phần phong phú. Ví dụ trong chương Bệnh đàm ẩm khái thấu do thuỷ và ẩm tương
đồng với nhau nên trong khi bàn về bệnh ẩm còn bàn thêm về triệu chứng và trị pháp
của chứng hậu thuỷ đình nhất thời. Do thuỷ, khí, huyết có liên quan với nhau cả trên
phương diện sinh lý lẫn bệnh lý nên trong chương Bệnh thuỷ khí sau khi bàn về bệnh
thuỷ khí còn phân biệt bệnh do huyết và bệnh do khí. Trong chương Bệnh khí bôn
đồn còn đề cập đến chứng bệnh có liên quan khác là chứng kinh sợ.

Trong sách duy có một chương Bệnh ngũ tạng phong hàn tích tụ bàn về triệu chứng
cơ chế bệnh sinh ngũ tạng nhưng đáng tiếc khi viết về cơ chế bệnh sinh lại giản lược
quá nhiều nên không khỏi để lại thiếu sót.

4
Sách viết theo tuần tự bắt đầu từ nguyên nhân cơ chế bệnh sinh, tiếp đến căn cứ
vào sự biến đổi phức tạp bệnh tình lựa chọn triệu chứng chủ yếu, cuối cùng trên cơ
sở đó đề xuất pháp và phương thuốc điều trị. Cách viết này giúp cho người đọc dễ
dàng nắm được quy luật điều trị một cách có hệ thống. Tuy nhiên viết về pháp điều
trị cụ thể có khi dùng phương pháp “mở cửa thấy núi”: định nghĩa về bệnh một cách
chính xác. Có khi dùng phương pháp “mượn quân xem tướng”: đề ra dặc điểm của
bệnh. Có khi kết hợp những kinh văn tương tự như nhau nhằm loại trừ sự khác biệt.
Có khi lại gộp những kinh văn khác nhau để tiện so sánh. Có khi dùng rất nhiều kinh
văn chỉ để giải quyết một vấn đè nhưng có khi chỉ dùng một kinh văn để nói về nhiều
vấn đề. Trong sách có những khi viết rất tường tận chỗ này nhưng cũng có khi viết
rất tóm lược chỗ khác nên cần lưu ý trước sau, hoặc tỷ mỷ về phương nhưng lại giản
lược về chứng để nhấn mạnh về thuốc, hoặc tỷ mỷ về chứng mà không nêu phương
dược nhằm gợi ý cho người đọc dựa vào chứng mà lập phương cho phù hợp. Nhất
là với các chứng hậu, pháp điều trị mà người đọc dễ dàng nắm bắt thì thường viết
tóm tắt hơn. Ngược lại, với các chứng hậu và pháp điều trị khó thì không ngại phân
tích, so sánh, phân biệt, giải thích. Những điều kinh văn viết dưới dạng hỏi đáp giúp
người đọc dễ tư duy. Nội dung mỗi điều kinh văn độc lập với nhau nhưng giữa các
điều thường hoặc chứng minh, hoặc tương phản lẫn nhau. Có những khi xem qua
thấy không có liên quan với nhau, nhưng thực ra lại liên quan rất chặt chẽ. Thậm chí
có những điều kinh văn không cùng trong cùng một chương cũng tìm thấy quan hệ
với nhau. Vì vậy trong khi đọc sách cần liên hệ giữa các chương trước với chương
sau, tham khảo đối chiếu, cẩn thận suy nghĩ thì mới hiểu chính xác hoàn chỉnh ý
nghĩa của các điều kinh văn.
Cách viết trong sách cho thấy tác giả rất chú trọng biện chứng luận trị đồng thời
cũng rất chú ý đến phương pháp chẩn trị kết hợp giữa chứng với bệnh. Tên các

chương trong sách đều viết “Mạch chứng trị bệnh ”, nội dung trong mỗi chương
đều theo thứ tự bệnh danh, chứng hậu, mạch tượng, nguyên nhân cơ chế bệnh sinh,
chẩn đoán, pháp điều trị… cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc kết hợp giữa bệnh
với chứng, giữa mạch với chứng, giữa biện chứng với luận trị. Vì chứng do bệnh
phát sinh, biện chứng là nhận thức về tình hình cụ thể của bệnh, biện bệnh là nắm
vững quy luận tổng quát về bệnh. Biện chứng là cơ sở của biện bệnh, tạo điều kiện
để nắm vững bệnh. Cần trên nguyên tắc biện bệnh theo quy luật của từng loại bệnh
mà tiến hành biện chứng luận trị thì mới đảm bảo chính xác toàn diện. Vì vậy giữa
chứng và bệnh không thể tách rời nhau, nếu chỉ chú trọng đến chứng thì mới chỉ
nhận thức được hội chứng chung của một giai đoạn nào đó của bệnh mà không thể
nắm được sự biến đổi của cả quá trình phát triển của bệnh. Mỗi bệnh xem xét cả quá
trình mà nói thì luôn tuân theo quy luật chung, nếu không nắm vững quy luật chung
mà chỉ nắm tình trạng của một giai đoạn cụ thể nào đó tức là không thể nắm được
tính đặc thù của nó và cũng không thể nhằm đúng khâu then chốt để điều trị. Ví dụ
như trong Bệnh ngược, nếu không nắm quy luật chung của ngược tà chỉ dựa vào

5
những chứng hậu cụ thể của Bệnh ngược xuất hiện để điều trị thì không thể tiến hành
điều trị triệt để bệnh này. Ngược lại nếu chỉ nắm những quy luật chung mà không
phân biệt được những biểu hiện cụ thể của các chứng Đơn ngược, Ôn ngược, Tẫn
ngược…thì không thể thu được kết quả điều trị như mong muốn được. Từ Hồi Khê
viết: “Muốn chữa bệnh phải biết đó là bệnh gì, do đâu sinh ra, theo cơ chế như thế
nào từ đó mới có thể lựa chọn phương pháp điều trị cho đúng”. (Sách “Y học nguyên
hậu luận”).
Cũng giống “Hoàng đế nội kinh” và “Thần nông bản thảo”, sách “Kim quỹ” được
xem như những sách kinh điển có giá trị. Có thể nói “Hoàng đế nội kinh” là cơ sở
của lý luận, “Thần nông bản thảo” là cơ sở của dược học thì “Kim quỹ” là cơ sở của
lâm sàng.
Những giá trị chủ yếu về mặt học thuật của sách biểu hiện trên mấy phương diện sau
đây.


1. Kế thừa và phát huy những tinh hoa kiến thức của “Nội kinh”

Như những nội dung “Âm bình dương bí tinh thần nãi trị”, “Trị bệnh tất cầu bản”
- nói về thăng bằng của âm dương ; “Cẩn thận tra xét âm dương mà điều chỉnh, lấy
bình làm cơ bản” cho tháy “Mục đích của điều trị đều là nhằm duy trì, hồi phục thăng
bằng của âm dương trong cơ thể”. Đây là một trong những quan điểm cơ bản của
“Nội kinh”, quan điểm này không chỉ được “Kim quỹ” thừa kế mà còn được phát
huy một cách sáng tạo. Ví dụ như khi bàn về nguyên tắc điều trị "Khí phận" của
chương Bệnh thuỷ khí tác giả viết: "Âm dương tương đắc khí của nó hành, đại khí
hễ chuyển thì khí sẽ tán". Vì âm dương là khái quát nhất của khí huyết doanh vệ, âm
dương tương đắc với nhau thì khí huyết xung thịnh, doanh vệ điều hoà, tinh thần tồn
tại bình yên. Nếu âm dương mất thăng bằng, khí huyết theo đó mà thay đổi, doanh
vệ mất hoà, bệnh tật theo đó mà sinh ra. Bệnh thuỷ khí như vậy, các bệnh khác cũng
giống như thế. Lại ví dụ như do âm dương lưỡng hư mà xuất hiện chứng hàn nhiệt,
tác giả không chỉ đơn giản lấy nhiệt trị hàn, hoặc lấy hàn trị nhiệt mà còn dùng
phương pháp kiến lập trung khí, điều hoà âm dương - mà bài Tiểu kiến trung thang
trong sách là đại biểu, nhằm tòng dương dẫn âm và tòng âm dẫn dương làm âm
dương tương hỗ hoà điều. Trung khí được dẫn đi khắp nơi thì tất nhiên các chứng
hàn nhiệt thác tạp "Hư lao lý cấp, quý, nục, đau bụng, mộng thất tinh, tứ chi đau
mỏi, lòng bàn tay chân nóng, miệng khô họng táo " đều tự khỏi. Có thể thấy Trương
Trọng Cảnh với tư tưởng "Trị bệnh tất cầu bản" của "Nội kinh" - để điều hoà âm
dương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuốn sách "Kim quỹ" và ảnh hưởng sâu sắc tới
phương pháp điều trị tạp bệnh.
Tinh hoa của tư tưởng "Trị từ lúc chưa bệnh" của "Nội kinh" trong "Kim quỹ"
được phát triển thành những nguyên tắc cụ thể "Chưa bệnh thì phòng bệnh" và "Đã
bệnh thì phòng biến chứng". Chương Bệnh tạng phủ kinh lạc trước sau chỉ rõ: "Nếu

6
người ta chú trọng dưỡng sinh, ngoại tà không thể xâm phạm kinh lạc. Nếu vào kinh

lạc cũng không thể truyền sâu vào tạng phủ. Về điều trị, nếu thấy chân tay tê mỏi
dùng các phương pháp xoa bóp, uống thuốc, châm cứu, dưỡng sinh không cho cửu
khiếu bị bế tắc. Trùng thú cắn, phòng sự không để quá suy kiệt, ăn uống đầy đủ lưu
ý các vị hàn nhiệt khổ toan tân cam không cho hình thể gầy yếu làm được như vậy
thì bệnh không lý do gì xâm phạm tấu lý". Đây là những việc cần chú ý trong dưỡng
sinh, điều nhiếp, ăn uống để phòng bệnh từ khi chưa bệnh. Cũng trong kinh văn đầu
tiên của sách viết: "Thấy Can bị bệnh biết bệnh từ Can sẽ chuyển đến Tỳ, cần bổ
Tỳ". Nhấn mạnh thấy Can bị bệnh phần nhiều sẽ ảnh hưởng đến Tỳ, điều trị nên chú
ý kết hợp chữa Tỳ, không nên chỉ chữa bệnh cho Can. Vì như vậy không những bệnh
Can khó lành mà tạng bị nó ảnh hưởng cũng không tránh khỏi bị bệnh. Đối với bệnh
do tà khí thịnh cần chú ý tạng nó khắc có thể bị bệnh, trong khi điều trị ngoài việc
điều trị chính tạng bị bệnh cần kết hợp phòng cho tạng mà bệnh có thể truyền đến
đó chính là "Phòng biến chứng khi đã mắc bệnh".

2. Sáng lập lý luận cơ bản của môn lâm sàng của y học cổ truyền

Chương Bệnh tạng phủ kinh lạc viết: "Nguyên nhân gây bệnh không ngoài ba
điều, một là tà theo kinh lạc vào tạng phủ đó là nội nhân. Hai là bệnh tà theo chân
tay, cửu khiếu truyền theo huyết mạch, ủng trệ không thông đó là ngoại nhân. Và ba
là phòng sự, gươm đao, trùng thú cắn". Việc phân nguyên nhân gây bệnh thành ba
loại đã tạo cơ sở cho học thuyết Tam nhân về sau. Có thể nói lý luận về nguyên nhân
bệnh học đã được Trương Trọng Cảnh đặt những viên gạch đầu tiên.
Cũng trong chương này còn viết: "Nếu chân khí của ngũ tạng vận hành thông
thoát thì người ta khoẻ mạnh, nếu tà khí xâm nhập người ta có thể chết". Đoạn văn
cho thấy đạo lý: chính khí có thể chống tà khí và tà khí có thể gây tổn thương chính
khí. Nên còn có thể nói Trương Trọng Cảnh cũng là người đầu tiên sáng lập lý luận
về sự phát bệnh.
Trương Trọng Cảnh còn là người đầu tiên đề xuất lấy chính khí làm chủ, chẩn
đoán chứng kết hợp với bệnh, lý luận cơ bản về điều trị học. Vì vậy tên của mỗi
chương bao giờ cũng viết "Mạch chứng và điều trị bệnh xxx". Sách "Kim quỹ" còn

viết về một số bệnh cụ thể như: bệnh Ngược, bệnh Tràng ung, bệnh Giun đũa

3. Đồng thời với sáng lập lý luận cơ bản cho môn lâm sàng, sách còn là những ví
dụ kinh điển cho vận dụng chính xác, khéo léo về pháp phương dược

3.1. Vận dụng mạch pháp
 Căn cứ vào mạch tượng để chẩn đoán bệnh: Như bệnh Bách hợp mạch vi sác,
bệnh Ngược tật mạch huyền, bệnh Thuỷ khí mạch trầm

7
 Căn cứ mạch để lý giải cơ chế bệnh sinh: Như trong bệnh Lịch tiết "Mạch thốn
trầm mà nhược, trầm chủ cốt, nhược chủ cân. Trầm là bệnh ở Thận, nhược là bệnh
ở Can ". Điều đó cho thấy nguyên nhân cơ chế bệnh sinh của bệnh Lịch tiết chủ
yếu do Can Thận hư nhược. Trong bệnh Hung tý: "Mạch thái quá bất cập, dương vi
âm huyền gây chứng tức ngực ". Biểu hiện mạch "dương vi âm huyền" phản ánh
bệnh Hung tý do dương ở thượng tiêu vi, âm ở hạ tiêu thịnh, âm tà thừa cơ chiếm vị
trí của dương mà gây thành bệnh.
 Căn cứ vào mạch để phân biệt bệnh chứng: Nói chung bệnh Ngược mạch
huyền, nhưng do mức độ hàn nhiệt nhiều ít khác nhau nên mạch huyền trì thì hàn
nhiều hơn, bệnh nhân thấy rét nhiều hơn (Tẫn ngược). Mạch huyền sác là nhiệt nhiều
hơn, bệnh nhân thấy sốt cao là chính ( Đơn ngược). Khi phân biệt bệnh Phế ung (Áp
xe phổi) với Phế nuy, cả hai bệnh đều do nhiệt ở thượng tiêu nên có chung mạch sác.
Nhưng do Phế ung nhiệt nhiều hơn nên mạch sác thực, Phế nuy mạch sác hư. Hai
bệnh tuy biểu hiện giống nhau nhưng một thực - một hư đương nhiên có sự khác
biệt.
 Căn cứ vào mạch để xác định phương pháp điều trị: Như trong bệnh Khái thấu
khí nghịch "Khái mà mạch phù, dùng bài Hậu phác Ma hoàng thang, mạch trầm
dùng bài Trạch tất thang". Trong bệnh Hoàng đản cũng vậy: "Nếu người bệnh vàng
da nhưng đi tiểu nhiều kèm theo mạch phù phải phát hãn, dùng bài Quế chi gia
Hoàng Kỳ thang".

 Căn cứ vào mạch để tiên lượng diễn biến bệnh. Như trong chương Bệnh
Thuỷ khí viết: " Bệnh Thuỷ mạch xuất thì chết". Trong bệnh Hạ lợi viết: "Sau khi
hạ lợi mạch tuyệt, chân tay lạnh. Nếu mạch thay đổi, chân tay ấm thì sống. Nếu mạch
không đổi thì chết". Cho dù "Kim quỹ" bàn về mạch còn nhiều điểm chưa rõ và khó
hiểu, nhưng đây vẫn là những tư liệu cần trân trọng nghiên cứu.

3.2. Vận dụng thiết chẩn
Khi phân biệt tích và tụ, chương Bệnh ngũ tạng phong hàn tích tụ viết: "Tích là
bệnh của tạng, vị trí không di chuyển. Tụ là bệnh của phủ, khi có khi không, vị trí di
chuyển và có thể chữa khỏi". Như vậy thông qua sờ nắn ổ bụng có thể phân biệt mức
độ nông sâu nặng nhẹ của tích và tụ. Khi phân biệt hư thực của chứng đầy bụng
chương Bệnh Phúc mãn hàn sán thực tích chỉ ra: "Bệnh phúc mãn ấn vào không đau
thì là hư, nếu đau là thực". Kết luận này không chỉ là biện chứng quan trọng của
chứng đầy bụng mà còn là tổng kết để phân biệt hư thực trong các bệnh ổ bụng. Về
mặt điều trị cũng đề ra: "Bệnh phúc mãn khi giảm hoàn toàn không đau là do hàn,
phải dùng thuốc ôn để chữa. Bệnh phúc mãn không giảm, nếu giảm không đáng kể
là do thực tích, cần phải hạ dùng bài Đại thừa khí thang". Đây là thông qua sờ bụng
để phân biệt hàn nhiệt khác nhau. Cũng trong chương này Trương Trọng Cảnh còn
viết: "Đau dưới mạng sườn, mạch huyền khẩn là do hàn dùng thuốc ôn để hạ bằng
bài Đại hoàng Phụ tử thang"; "Ấn dưới Tâm đầy đau là do thực, phải hạ bằng bài

8
Đại Sài hồ thang". Như vậy cùng đau dưới mạng sườn và đều là thực chứng, nhưng
phân thành chứng thực hàn và thực nhiệt nên khi điều trị dùng pháp ôn hạ và hàn hạ
khác nhau.

3.3. Vận dụng pháp phù chính, trục tà
 Phù chính để trục tà
Đây là phương pháp dùng cho chứng bệnh mà chính khí hư là mặt chủ yếu của
mâu thuẫn chính tà. Điều kinh văn nói về hoàn Thự dự (Hoài sơn hoàn) của chương

Bệnh Huyết tý hư lao viết: "Hư lao bất túc, phong khí sinh trăm bệnh dùng Thự dự
hoàn điều trị". Do khí huyết âm dương trong cơ thể bất túc dễ bị tà khí từ bên ngoài
xâm phạm, khi điều trị cần chú ý phù chính. Nếu chỉ trục tà không những làm thương
chính khí mà còn không trục được tà khí ra ngoài. Bài thuốc Thự dự hoàn có tác
dụng kiện vận Tỳ Vị và dưỡng huyết tư âm, phù chính để trục tà. Trong "Kim quỹ",
số bài thuốc có tác dụng phù chính trục tà chiếm khoảng một phần tư, đa số trong đó
có tác dụng ôn bổ Tỳ Thận. Với lý do Tỳ là "hậu thiên chi bản" còn Thận là "tiên
thiên chi bản". Giai đoạn cuối của tạp bệnh nội thương thường xuất hiện các chứng
hậu Tỳ Thận hư, hoặc giả cũng từ đó mà ảnh hưởng đến các tạng phủ khác làm cho
biểu hiện hư khó hồi phục hay diễn biến bệnh phức tạp. Vì vậy "Kim quỹ" chú trọng
điều bổ Tỳ Thận, nguyên tắc phù chính trục tà cũng trở thành nguyên tắc không thể
coi nhẹ trong điều trị tạp bệnh nội khoa.
 Trục tà để phù chính
Đây là phương pháp dùng cho chứng bệnh mà tà thực là mặt chủ yếu của mâu
thuẫn chính tà. Ví dụ như điều trị bệnh "Ngược mẫu" dùng bài Miết giáp tiễn hoàn.
Các vị Nhân sâm, A giao, Thược dược, Quế chi trong bài thuốc có tác dụng bổ khí
huyết, hoà dinh vệ nhưng trục tà là chính, lấy trục tà để phù chính.
Trong sách ngoài trục tà còn chú ý đến nguyên tắc "nhân thế lợi đạo", tuỳ theo tình
thế bệnh mà tiến hành dẫn đạo làm cho tà đi mà chính khí không bị tổn thương. Ví
dụ như trong bệnh thấp, nếu người bệnh có hàn thấp trên đầu dùng phương pháp nhỏ
thuốc vào mũi vì vị trí bệnh ở trên, trong khi "trong bụng hoà vô bệnh" không nên
uống thuốc làm cho bệnh từ nông vào sâu. Chỉ cần dùng thuốc qua đường mũi, tuyên
tiết hàn thấp thượng tiêu bệnh có thể khỏi. Trong chương Bệnh Thuỷ khí viết: "Nếu
trong người có nước thì phù ở dưới thắt lưng nên cho lợi tiểu, phù trên thắt lưng nên
cho phát hãn". Lý do nếu phù dưới thắt lưng tức là bệnh ở dưới, bệnh ở lý thuộc âm.
Dùng lợi thuỷ có thể làm cho nước ở trong, ở dưới theo nước tiểu bài xuất ra ngoài.
Nếu phù ở trên thắt lưng tức là bệnh ở trên, ở biểu thuộc dương. Phát hãn có thể làm
nước ở biểu theo mồ hôi đi ra ngoài. Trong chương Bệnh Nôn oẹ hạ lợi viết: "Oẹ mà
bụng đầy, đại tiện và tiểu tiện đều không lợi thì dùng pháp lợi bệnh sẽ khỏi"; "Bệnh
oẹ nghịch đầy bụng thực chứng do bệnh ở dưới mà khí nghịch lên trên, nếu tiểu tiện

không thông điều trị dùng thuốc cho lợi châu đô (lợi tiểu). Nếu đại tiện không thông
nên thông phủ tả hạ. Thực chứng trở ngại ở tiền âm và hậu âm khi biết chỗ nào không

9
thông mà dùng thuốc cho thông thì bệnh đi xuống dưới ra ngoài, không cho khí
nghịch lên trên thì đầy bụng và sặc đều tự khỏi".

3.4. Vận dụng pháp chữa điều chỉnh khí huyết tân dịch
 Điều chỉnh khí huyết. Như điều trị bệnh "Huyết tý" do cơ chế bệnh sinh của
bệnh là phong hàn thừa cơ huyết hư xâm nhập vào trong cơ thể, ngăm trở dương khí
làm huyết hành không thông, bệnh nhẹ chỉ cần "châm cứu dẫn dương khí", nặng phải
dùng bài Hoàng kỳ Quế chi ngũ vật thang để thông dương hành tý thì huyết mạch sẽ
thông, các triệu chứng tay chân tê bì hoặc mỏi nhức sễ dần tự hết. Trong bệnh Ngược
tật lâu ngày không khỏi, kết lại gây chứng "Ngược mẫu" dùng bài thuốc Miết giáp
tiễn hoàn hành ứ tiêu đàm nhuyễn kiên tán kết. Mục đích của bài thuốc cũng là thông
điều khí huyết để tiêu trừ trưng tích. Trong khi trị bệnh Can dùng bài Toàn phúc hoa
thang để hành khí hoạt huyết thông dương tán kết. Do khí cơ Can Tỳ thất điều, khi
chửa đau bụng lâm râm dùng bài Đương quy Thược dược tán để hành huyết điều khí
hoà Can Tỳ. Khi điều trị chứng "Hung tý trong Tâm bĩ, khí lưu kết ở trong ngực"
cần phân biệt hư thực khác nhau hoặc dùng bài Chỉ thực Cửu bạch Quế chi thang để
hành khí tiêu đầy, hoặc dùng Nhân sâm thang để kiện vận Tỳ khí.
 Điều chỉnh tân dịch. Như điều trị bệnh"Bách hợp một tháng không khỏi biến
thành chứng khát" có thể dùng Bách hợp thang lau rửa toàn thân, rửa bên ngoài có
thể thông bên trong, Phế khí tuyên phát tân dịch sẽ thông, chứng khát sẽ tự mất. Khi
chữa bệnh Đàm ẩm: "Nếu đoản khí lại hơi khát có thể lợi tiểu bằng bài Quế chi Cam
thảo thang hoặc Thận khí hoàn". Vì đàm ẩm do tam tiêu không thông lợi gây thuỷ
ẩm đình trệ, dùng Quế chi Cam thảo thang hoặc Thận khí hoàn làm dương vượng
thì khí hoá, thuỷ có thể phát tán đi khắp nơi. Hai bài thuốc một kiện Tỳ để trị thuỷ,
một bổ Thận để hoá khí đều giúp khí hoá lưu thông tân dịch.


3.5. Vận dụng pháp chữa chính trị phản trị
Chính trị và phản trị bắt nguồn từ "Tố vấn-Chí trân yếu đại luận", trong "Kim
quỹ" được Trương Trọng Cảnh vận dụng cụ thể và tiếp tục hoàn chỉnh thêm. Pháp
chính trị là dùng thuốc ngược với tính chất biểu lý hàn nhiệt hư thực của bệnh, khi
đó bản chất bệnh chưa có biểu hiện "giả tượng". Nên có thể dùng thuốc hàn chữa
chứng nhiệt, dùng thuốc nhiệt chữa chứng hàn, dùng thuốc bổ chữa chứng hư và
dùng thuốc tả chữa chứng thực. Pháp điều trị này ứng dụng rộng rãi, dễ hiểu không
cần phải phân tích nhiều.
Phản trị là pháp dùng khi trên lâm sàng một số bệnh nào đó xuất hiện "giả tượng"
hoặc đại nhiệt hoặc đại hàn. Pháp dùng điều trị thuận theo biểu hiện tính chất của
lâm sàng gọi là phản trị hay tùng trị. Có thể nhân hàn dùng thuốc hàn, nhân nhiệt
dùng thuốc nhiệt, nhân thông dùng thuốc thông và nhân tắc dùng thuốc tắc để điều
trị. Theo tinh thần thông qua hiện tượng đi tìm bản chất thì pháp phản trị vẫn chữa

10
theo bản chất của bệnh và trên thực tế không hề mâu thuẫn với pháp chính trị. Sau
đây là một số ví dụ về pháp phản trị.
 Nhân hàn dùng thuốc hàn điều trị ( Hàn nhân hàn dụng). Như trong Bệnh Yết
dùng bài Nhân sâm Bạch hổ thang chữa chứng Thái dương trúng Yết tổn thương cả
khí lẫn tân dịch. Lâm sàng biểu hiện vừa có chứng thử: ra mồ hôi, sốt nhưng kèm
theo khát nước, lại vừa có biểu hiện hiện tượng hàn: sợ lạnh. Điều trị chứng hàn
dùng thanh giải nhiệt thử kiêm ích khí âm tức là dùng thuốc hàn chữa chứng hàn.
 Nhân nhiệt dùng thuốc nhiệt điều trị (Nhiệt nhân nhiệt dụng). Trong chương Bệnh
Nôn thổ oẹ hạ lợi viết: "Hạ lợi thanh cốc, lý hàn ngoài nhiệt, ra mồ hôi nhưng lạnh,
dùng Thông mạch tứ nghịch thang điều trị". Ở đây lý hàn là chân hàn hay bản chất
bệnh là hàn, ngoài nhiệt là biểu hiện bên ngoài là giả tượng, là biểu hiện của âm
thịnh cách dương. Nên dùng thuốc ôn nhiệt để điều trị bản chất của bệnh, dùng thuốc
nhiệt để chữa chứng nhiệt.
 Nhân bị tắc dùng thuốc bổ điều trị (Tắc nhân tắc dụng). Trong chương Bệnh Hung
tý tâm thống đoản khí viết: "Hung tý, trong Tâm đầy do khí lưu kết lại trong ngực,

ngực đầy, mạng sườn sóc ngược lên Tâm dùng bài Chỉ thực Cửu bạch Quế chi thang
hoặc bài Nhâm sâm thang điều trị". Tại sao khí cơ trong ngực không thông lại dùng
Nhân sâm thang điều trị? Đó là vì khí cơ không thông tắc ở trong ngực là "giả thực",
bản chất của bệnh do khí dương không hưng phấn, trung dương bất vận nên dùng
bài Nhân sâm thang ôn bổ để trừ bỏ chứng đầy tức trong ngực có nghĩa là dùng thuốc
bổ để làm thông chỗ tắc.
 Nhân không thông dùng thuốc thông cho để điều trị (Thông nhân thông dụng).
Như trong bệnh Hạ lợi do thực tích ngăn trở bên trong, nhiệt kết lưu lại bên trong
gây ra. Dùng bài Đại hoặc tiểu Thừa khí thang để thông tả nhiệt kết có nghĩa là dùng
thuốc gây đi ngoài để chữa chứng đi ngoài do nhiệt kết bên trong.

3.6. Vận dụng pháp hoãn cấp tiêu bản.
Nói chung chính khí của cơ thể là bản, tà khí là tiêu. Sự mạnh yếu của chính khí
luôn là mặt chủ yếu của mâu thuẫn chính tà trong cơ thể. Trên đây đã trình bày
Trương Trọng Cảnh luôn chú trọng dùng nguyên tắc phù chính để trục tà. Tuy nhiên
quan hệ tiêu bản trong điều kiện nhất định có thể chuyển hoá lẫn nhau. Nên khi bệnh
tiêu là mâu thuẫn chủ yếu thì cấp trước tiên phải điều trị tiêu. Ví dụ như trong giai
đoạn mang thai thì có mang luôn là mặt mâu thuẫn chủ yếu cần chú ý trừ được bệnh
thì thai sẽ an. Nên trong chương Bệnh thai sản viết trong giai đoạn mang thai nếu có
chứng trưng dùng Quế chi Phục linh hoàn trừ trưng để an thai. Với chứng nôn do Vị
hư hàn dùng Can khương Nhân sâm Cam thảo hoàn để ích khí trừ ẩm, ôn trung giáng
nghịch. Trong chứng dương hư bào cung lạnh, âm hàn đau bụng dùng Phụ tử thang
ôn tán âm hàn, ấm bào cung an thai. Khi có mang mắc bệnh Thuỷ khí dùng Quỳ tử
Phục linh tán thông khiếu lợi thủ trừ thuỷ khí. Trong các bài thuốc trên dùng các vị
Đan bì, Đào nhân, Bán hại, Phụ tử, Quỳ tử đều là những vị thuốc cấm dùng trong

11
giai đoạn có mang, nhưng Trương Trọng Cảnh vận dụng chữa tiêu bản hoãn cấp căn
cứ tinh thần: "Hữu cớ vô vẫn, diệc vô vẫn dã" - Có lý do không chết coi như không
chết, đáng phạm mà phạm coi như không phạm. (Sách "Tố vấn-Lục nguyên chính

kỷ đại luận"). Trong nguyên tắc điều trị hoãn cấp trước sau khi biểu lý đồng bệnh
chương Bệnh tạng phủ kinh lạc tiền hậu viết: "Bệnh đi ngoài nếu đi phân lỏng không
cầm, toàn thân đau mỏi phải chữa lý sau đó mới chữa chứng đau mỏi toàn thân. Nếu
đi ngoài bình thường, cần giải biểu trước". Nói chung khi biểu lý cùng bị bệnh, cần
ưu tiên chữa bệnh ở biểu trước, trước giải biểu sau chữa lý nếu không ngoại tà từ
bên ngoài dễ biến chứng thành nội hãm bên trong. Nhưng khi lý chứng nguy cấp,
cần ưu tiên chữa lý. Nếu đi ngoài không cầm được chính khí suy nhược sẽ gây nguy
cơ tử vong. Khi đó chứng ở biểu đau mỏi toàn thân sẽ trở thành thứ yếu so với chứng
đi ngoài không cầm và có thể điều trị sau. Đương nhiên khi biểu lý cùng bị bệnh căn
cứ vào tình hình cụ thể có thể biểu lý cùng giải. Chương Bệnh Phúc mãn hàn sán
thực tích viết: "Bệnh đầy bụng, phát sốt mười ngày, mạch phù sác, ăn uống bình
thường. Dùng Hậu phác thất vật thang điều trị". Đây là bài thuốc song giải biểu lý,
tuy nhiên cũng phân thành chủ thứ khác nhau. Trong bài thuốc do chứng của lý nặng
hơn gây đầy bụng nên có các biểu hiện biểu chứng như mạch phù nhưng sác, phát
sốt. Vì vậy dùng Hậu phác tam vật thang điều trị lý thực là mâu thuẫn chủ yếu, đồng
thời dùng Quế chi thang bỏ Bạch thược điều trị biểu chứng để chiếu cố mâu thuẫn
thứ yếu. Nguyên tắc điều trị tiêu bản hoãn cấp trong trường hợp bệnh mới và cũ cùng
phát tác chương Bệnh tạng phủ kinh lạc tiền hậu viết: "Nếu bệnh cũ chưa khỏi lại
mắc thêm bệnh mới thì trước tiên nên chữa bệnh mới mắc, sau đó tiếp tục chữa bệnh
cũ". Lý do khi bệnh mới mắc là mâu thuẫn chủ yếu thì nên chữa bệnh mới trước sau
đó chữa tiếp bệnh cũ thì một phần do bệnh mới mắc dễ chữa hơn nhưng mặt khác
còn làm cho bệnh mới không ảnh hưởng đến bệnh cũ làm cho nó nặng hơn.

3.7. Vận dụng pháp chữa trên dưới trong ngoài
 Bệnh trên chữa dưới và bệnh dưới chữa trên. Bệnh tuy biểu hiện ở thượng tiêu
nhưng bẩn chất ở trung tiêu hay hạ tiêu thì có thể dùng pháp bệnh trên chữa dưới.
Như điều kinh văn về Bệnh Đàm ẩm viết: "Dưới Tâm có đàm làm người ta hoa mắt
chóng mặt dùng bài Trạch tả thang điều trị". Biểu hiện hoa mắt chóng mặt ở trên đầu
nhưng gốc của bệnh do Tỳ hư thuỷ lan tràn che mờ thanh dương, dùng Trạch tả thang
lợi thuỷ kiện Tỳ thể hiện bệnh ở trên chữa ở dưới. Cũng có khi bệnh biểu hiện ở hạ

tiêu nhưng nguồn gốc của nó lại ở thượng tiêu hay trung tiêu, dùng thuốc trên chữa
bệnh ở dưới. Như trong chứng Phế nuy hư hàn thường thấy "di niệu hay tiểu tiện
nhiều lần" phải dùng ôn Phế để hồi phục khí, ấm trên để chế dưới bằng bài Cam thảo
Can khương thang.
 Bệnh trong chữa ngoài và bệnh ngoài chữa trong. Bệnh bên trong có thể dùng
phương pháp chữa bên ngoài như trong bài Bách hợp tắm rửa bên ngoài chữa chứng
"Bệnh Bách hợp một tháng không giải biến thành chứng khát"đã nêu trên. Chương

12
Bệnh sang ung tràng ung phù thũng viết: "Vết thương do gươm đao dùng bài Vương
bất lưu hành điều trị". Phàm vết thương do gươm đao đều làm cho doanh vệ vận
hành thất điều, dùng bài Vương bất lưu hành điều trị cho khí huyết vận hành điều
hoà âm dương. Trong bài thuốc này vết thương nhỏ dùng bột đắp, vết thương lớn
dùng sắc uống, sau đẻ cũng có thể uống cho thấy bệnh bên ngoài có thể dùng thuốc
trong để điều trị.

3.8. Vận dụng pháp đồng bệnh dị trị và dị bệnh đồng trị.
Cùng biểu hiện chứng nôn nhưng chứng nôn do Vị khí hư tân thương dùng Đại
bán hạ thang. Nôn do Vị khí hư hàn Can khí phạm Vị dùng bài Ngô thù du thang.
Nôn do Tỳ Thận dương hư, âm thịnh cách dương dùng Tứ nghịch thang. Nôn do
trong Vị tích nhiệt thượng xung dùng Đại hoàng Cam thảo thang. Nôn do Vị Đởm
uất nhiệt khí nghịch dùng Tiểu Sài hồ thang. Nôn do nhiệt bức bách Vị tràng nôn
khan nhưng đại tiện nát dùng Hoàng cầm gia Bán hạ sinh khương thang. Nôn do
trung khí hư trệ, Vị nhiệt tràng hàn nhưng dưới Tâm đầy tức dùng Bán hạ tả Tâm
thang. Nôn do hàn ẩm liên kết trong ngực, ngăn trở khí cơ thượng trung tiêu dùng
Sinh khương Bán hạ thang. Nôn do thực chứng đàm ẩm khí nghịch dùng Tiểu Bán
hạ thang. Nôn do trung dương bất túc hàn ẩm phạm Vị dùng Bán hạ Can khương
tán. Nôn do Tỳ hư lại gây đàm ẩm đình lưu dùng Trư linh tán. Nôn do trung dương
bất vận ẩm đình dùng Phục linh Trạch tả thang. Nôn có liên quan với thai nghén nếu
do Tỳ Vị hư hàn dùng Quế chi thang, nếu do Vi hư nhưng có hàn ẩm dùng Can

khương Nhân sâm Bán hạ hoàn. Trong trường hợp sản hậu hư nhiệt nôn phiền dùng
Trúc bì đại hoàn. Như vậy cùng một chứng nôn, sách "Kim quỹ" chia thành hơn
mười bài thuốc điều trị để thấy pháp đồng bệnh dị trị ứng dụng khá rộng rãi trên lâm
sàng. Trong "Bệnh dật ẩm cần phát hãn dùng Đại thanh long thang hoặc Tiểu thanh
long thang điều trị". Như vậy hai bài thanh long đều giải cả biểu lẫn lý, nhưng Đại
thanh long thang trị biểu hàn lý nhiệt, còn Tiểu thanh long thang trị biểu hàn lý ẩm
(biểu lý đều hàn). Tuy cùng là thuốc phát biểu nhưng thuốc trị lý có đặc thù riêng.
Trong "Đoản khí có vi ẩm cần cho lợi tiểu dùng Linh Quế Truật Cam thang hoặc
Thận khí hoàn điều trị". Nhưng nếu là chứng Tỳ dương bất chấn, dùng Linh Quế
Truật Cam thang kiện Tỳ hoá ẩm, còn nếu là chứng Thận dương bất túc dùng Thận
khí hoàn để ôn Thận hoá ẩm. Như vậy một bệnh có thể dùng hai bài thuốc khác nhau
nhưng vẫn tuân theo nguyên tắc đồng bệnh dị trị.
Sách "Kim quỹ" ghi laị một số bệnh khác nhau nhưng đều dùng bài Thận khí hoàn
để điều trị như Cước khí, Hư lao, Đàm ẩm, Tiêu khát, Phụ nữ chuyển dạ không đi
giải được Những chứng do Thận khí bất túc gây ra đều có thể dùng Thận khí hoàn
để ôn bổ Thận khí. Đây là những ví dụ điển hình của pháp dị bệnh đồng trị. Trong
bài Phòng kỷ Hoàng kỳ thang có thể dùng điều trị các chứng phong thấp mạch phù
nặng nề toàn thân, ra mồ hôi sợ gió và chứng phong thuỷ Còn trong bài Đình lịch
Đại táo tả Phế thang dùng điều trị chứng Phế ung nhưng cũng còn dùng điều trị

13
chứng chi ẩm. Những thí dụ trên tuy đều thuộc các bệnh khác nhau nhưng nếu trong
cơ chế bệnh sinh chúng có những điểm chung thì chúng ta có thể dùng pháp và các
bài thuốc giống nhau để điều trị.

3.9. Vận dụng pháp lập phương và gia giảm
Ưu điểm đồng thời cũng là nét đặc sắc của pháp lập phương và gia giảm trong
"Kim quỹ" là chặt chẽ khi xem xét cơ chế bệnh sinh, nghiêm cẩn khi lập pháp, dùng
thuốc tinh tế và linh hoạt khi gia giảm. Đa số bài thuốc thể hiện vận dụng cụ thể bát
pháp. Thí dụ như phát hãn dùng Quế chi thang, gây nôn dùng Qua đế tán, hạ dùng

Thừa khí thang, hoà dùng Tiểu Sài hồ, ôn dùng Đại Ô đầu tiễn và Thông mạch tứ
nghịch tán, thanh dùng Bạch hổ gia Nhân sâm thang và Bạch đầu ông thang, tiêu
dùng Miết giáp tiễn hoàn và Chỉ truật hoàn, bổ dùng Đương quy sinh khương dương
nhục thang và Thận khí hoàn. Ngoài bát pháp kể trên, sách "Kim quỹ" còn thể hiện
một cách phân loại khác như song giải biểu lý bằng Hậu phác thất vật thang, Đại Sài
hồ thang, Việt tỳ thang, Đại và Tiểu thanh long thang, Xạ can Ma hoàng thang, Ô
đầu Quế chi thang Pháp cố sáp như Quế chi gia Long cốt Mẫu lệ thang, Đào hoa
thang Pháp chỉ huyết như Hoàng thổ thang, Bách diệp thang, Giao ngải thang
Pháp nhuận táo như Mạch môn đông thang. Pháp trừ thấp như Ngũ linh tán, Nhân
trần ngũ linh tán, Trư linh tán, Linh Quế Truật Cam thang Cùng một pháp tiêu
nhưng mỗi bài thuốc lại có cách dùng khác nhau. Thí dụ Chỉ truật hoàn điều trị phần
khí, Miết giáp tiễn hoàn có tác dụng hoạt huyết hoá ứ. Cùng có tác dụng trừ thấp
nhưng Phòng kỷ Phục linh thang có tác dụng trừ thấp lợi thuỷ, Tiểu Bán hạ thang có
tác dụng hoá đàm tán ẩm. Vì vậy có người nói: "Trong bát pháp còn có hàng trăm
pháp nhỏ hơn". Phương tễ trong "Kim quỹ" còn thể hiện biện chứng luận trị rất sâu
sắc. Thí dụ tên của bài thuốc điều trị chứng Hung tý là Qua lâu Cửu bạch Bạch tửu
thang cho thấy bài thuốc chỉ có ba vị, Qua lâu có tác dụng khai đàm kết trong ngực,
Cửu bạch có tác dụng thông dương hành khí, Rượu trắng có tác dụng tăng hiệu lực
của thuốc. Bài thuốc có tác dụng thông dương khai kết, trừ đàm hạ khí làm hung
dương được thông chứng hung tý được trừ bỏ. Nếu thấy chứng nằm không yên, ngực
đau xuyên ra sau lưng là do thuỷ khí thượng nghịch, bệnh tương đối nặng. Cần tăng
Bán hạ để giáng thuỷ ẩm, bài thuốc trở thành Qua lâu Cửu bạch Bán hạ thang. Nếu
trên lâm sàng có các biểu hiện "Khí đầy trong Tâm, ngực căng chướng, mạng sườn
đầy lan lên ngực" cần gia thêm các vị Chỉ thực, Hậu phác, Quế chi để giáng khí
trong ngực và mạng sườn, lúc đó bài thuốc có tên là Chỉ thực Cửu bạch Quế chi
thang, lực của thuốc mạnh hơn so với hai bài thuốc trên. Dùng bài Tiểu thanh long
chữa chứng chi ẩm khái xuyễn là nhằm đúng bản chất của bệnh là đàm ẩm nên trong
bài thuốc trọng dùng Can khương, Tế tân, Ngũ vị. Nếu dương hư có biểu hiện thuỷ
khí thượng nghịch trong bài thuốc nhất định phải dùng Quế chi. Thuỷ ẩm gây nôn
nghịch, trong bài phải thêm Bán hạ. Nếu huyết hư nhưng lại có phù thũng, cần đề

phòng Ma hoàng không có lợi với huyết hư nên đổi sang dùng Hạnh nhân. Nếu chính

14
xác có biểu hiện Vị nhiệt thượng xung: "Mặt đỏ như say rượu" phải gia thêm Đại
hoàng. Chính vì vậy Đường Tông Hải nhận xét: "Pháp dùng thuốc của Trương trọng
Cảnh chủ yếu dựa theo chứng, thêm một chứng thì thêm một vị thuốc, bớt một chứng
thì bớt một vị thuốc". ("Kim quỹ yếu lược tiện chú bổ chính"). Đây chính là theo
tiền đề biện chứng luận trị và trị bệnh phải tìm được bản, khi chứng hậu phát sinh
biến hoá phải tuỳ theo chứng mà gia giảm thuốc cho phù hợp. Ngoài ra tác dụng củ
yếu của bài Việt tỳ thang là phát việt thuỷ khí, nếu gia thêm Bạch truật thành bài
Việt tỳ gia truật thang dùng để chữa phong thấp. Gia Bán hạ thành Việt tỳ gia Bán
hạ thang dùng chữa chứng Phế chướng. Liều lượng thuốc trong "Kim quỹ" cũng vô
cùng biến hoá đáng để suy ngẫm. Thí dụ như tăng liều Quế chi trong bài Quế chi gia
Quế chi thang chữa bệnh Bôn đồn (Người bệnh luôn thấy cảm giác như có con lợn
con chạy từ bụng dưới lên trên ngực); bội liều Bạch thược, gia Di đường trong bài
Tiểu kiến trung thang điều hoà âm dương; tăng liều Can khương trong bài Thông
mạch tứ nghịch thang để ôn trung phù dương. Một thí dụ khác về ba bài Hậu phác
tam vật thang, Hậu phác đại hoàng thang và Tiểu thừa khí thang đều có ba vị là Đại
hoàng, Chỉ thực và Hậu phác. Nhưng do liều lượng khác nhau nên tác dụng điều trị
cũng khác nhau. Như vậy sau khi thay đổi liều lượng thuốc, tên của bài thuốc cũng
khác đi theo ý nghĩa biện chứng luận trị.

3.10. Vận dụng pháp lựa chọn thuốc và dùng thuốc
Trương Trọng Cảnh rất chú trọng công năng chủ trị chính của từng vị thuốc đồng
thời cũng chú ý đến tác dụng hiệp đồng phát sinh sau khi phối ngũ thành bài thuốc.
 Chú trọng tác dụng riêng đặc hiệu của từng vị thuốc. Thí dụ như Bách hợp
dùng chữa bệnh Bách hợp, Khổ sâm thang để ngâm rửa chữa chứng Hồ hoặc (Viêm
âm đạo), Hùng hoàng ngâm chữa Hậu môn, Thăng ma chữa âm độc và dương độc,
Sốt rét dùng Thường sơn, Hoàng đản dùng Nhân trần đều là những thí dụ về chuyên
dùng một loại thuốc để chữa một bệnh.

 Chú trọng tác dụng hiệp đồng sinh ra sau khi phối ngũ thành bài thuốc. Tác
dụng hiệp đồng sau khi phối ngũ khác với tác dụng của từng vị thuốc trong bài thuốc.
Thí dụ như trong chứng dật ẩm thấy các biểu hiện đau mỏi toàn thân, phiền táo là do
tà thịnh ở biểu kiêm có uất nhiệt có thể dùng Đại thanh long để phát hãn kiêm thanh
uất nhiệt. nhưng đứng về mặt tổ chức bài thuốc tất cả bẩy vị: Ma hoàng, Quế chi,
Hạnh nhân, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo, Thạch cao không có vị nào có tác dụng
chuyên giảm đau. Nên từ góc độ tác dụng chính của từng vị xem xét thì rất khó giải
thích tác dụng chung của bài thuốc. Nhưng trên thực tế lâm sàng những vị thuốc tạo
thành bài Đại thanh long xác thực đồng thời giải quyết trừ thuỷ, giảm đau và trừ
phiền. Điều đó cho thấy Trương Trọng Cảnh dùng thuốc rất chú trọng phát huy tác
dụng tổng hợp của các vị thuốc phối ngũ với nhau, đây cũng chính là chỗ quý và chỗ
đặc sắc trong dùng thuốc của "Kim quỹ". Kinh nghiệm phối ngũ khi dùng thuốc của
Trương Trọng Cảnh rất phong phú. Chẳng hạn như khi dùng Ma hoàng phối chung

15
với Thạch cao vừa có tác dụng giải biểu vừa có tác dụng thanh lý chữa phong thuỷ
và ho xuyễn như trong bài Việt tỳ thang và Đại thanh long thang. Ma hoàng phối
chung với Hậu phác vừa có tác dụng tán ẩm vừa có tác dụng giáng nghịch chữa ho
và mạch phù trong bài Hậu phác Ma hoàng thang. Ma hoàng phối ngũ với Bạch truật
có tác dụng phát tán hàn thấp dùng trừ hàn thấp ở biểu, phát hãn không thái quá
trong bài Ma hoàng gia truật thang. Ma hoàng phối ngũ với Ý dĩ do thanh tuyên ôn
hoá nên phát tán phong thấp dùng chữa phong thấp tại biểu trong bài Ma Hạnh Dĩ
Cam thang. Ma hoàng phối với Ô đầu có thể trục hàn tuyên tý dùng chữa hàn thấp
khi viêm khớp trong bài Ô đầu thang. Ma hoàng phối với Bán hạ có tác dụng tuyên
Phế hoà Vị, bình xuyễn chỉ nôn chữa chứng Tâm quý do thuỷ ẩm lăng Tâm trong
bài Bán hạ Ma hoàng thang. Trong các bài thuốc khác việc dùng Quế chi phối ngũ
với những vị khác cũng thể hiện sự tinh tế như vậy. Quế chi phối với Phụ tử có thể
chữa phong thấp biểu dương hư trong bài Quế chi Phụ tử thang. Quế chi phối với
Bạch thược, Khương và Táo có thể giải biểu hoà dinh vệ, hoá khí điều hoà âm dương
trong bài Quế chi thang. Quế chi phối với Hoàng kỳ, Di đường có thể kiến lập trung

khí trong bài Tiểu kiến trung thang và Hoàng kỳ kiến trung thang. Quế chi phối với
Qua lâu, Cửu bạch có thể làm tuyên thông hung tý trong bài Chỉ thực Cửu bạch Quế
chi thang. Quế chi phối với Phục linh, Bạch truật có thể ôn hoá thuỷ ẩm trong bài
Ngũ linh tán và bài Linh Quế Truật Cam thang. Quế chi phối ngũ với Phục linh, Ngũ
vị có thể hạ khí bình xung nghịch trong bài Quế Linh Ngũ vị Cam thảo thang. Quế
chi phối với Ô đầu có thể tán hàn chỉ thống trong bài Ô đầu Quế chi thang. Quế chi
phối với Thạch cao, Tri mẫu có thể chữa Ôn ngược trong bài Bạch hổ gia Quế chi
thang. Quế chi phối với Đan bì, Đào nhân, Xuyên khung, Đương quy có thể ôn kinh
hành ứ trong bài Quế chi Phục linh hoàn và bài Ôn kinh thang. Việc dùng Phụ tử
cũng theo nguyên tắc như vậy. Phụ tử phối với Can khương có thể làm tăng cường
tác dụng hồi dương cứu nghịch. Phụ tử phối với Bạch truật có thể ôn tán hàn thấp.
Phụ tử phối với Ô đầu có thể tuấn trục âm tà. Phụ tử phối với Ý dĩ có tác dụng hoãn
cấp chỉ thống. Phụ tử phố với Ngạnh mễ có tác dụng ôn trung chỉ thống. Phụ tử phối
với Đại hoàng có thể ôn hạ hàn tích. Phụ tử phối với Qua lâu, Cù mạch có tác dụng
ôn dương hoá khí, lợi thuỷ nhuận táo. Phụ tử phối với Hoàng thổ có thể ôn Tỳ nhiếp
huyết.
Ngoài ra "Kim quỹ" còn rất chú trọng phương pháp bào chế cách sắc cách uống
thuốc. Chẳng hạn như khi dùng Phụ tử với mục đích hồi dương cứu nghịch phải
dùng sinh Phụ tử, nhưng khi dùng để trừ hàn chỉ thống nên dùng Phụ tử sấy. Khi
điều trị chứng Phế nuy hư hàn dùng bài Cam thảo Can khương thang phải dùng Can
khương sấy khô phát huy vai trò của tính vị "tân thông kiêm khổ giáng" nhằm "khai
hậu" bằng cách kết hợp "bào chế cho hạ để ôn thượng". Cách sắc thuốc trong bài
Nhân trần cao thang cũng rất đặc biệt. Đầu tiên cho Nhân trần vào sắc kỹ sau đó mới
cho Đại hoàng, Chi tử. Cho Đại hoàng, Chi tử sau nhằm mục đích tả nhiệt thật nhanh.
Sắc Nhân trần trước cho thật kỹ nhằm loại bỏ nhiệt trong thấp một cách thật từ từ.

16
Trong hai bài Ô đầu thang và Ô đầu Quế chi thang phải cho Ô đầu cùng với Mật ong
vào sắc trước. Làm như vậy vừa để làm dược tính của Ô đầu không quá mạnh vừa
làm kéo dài thời gian tác dụng của thuốc. Những kinh nghiệm và phương pháp bào

chế này của sách thật đáng quý và trân trọng.

4. Gắn liền lâm sàng với thực tiễn, xây dựng được hệ thống lâm sàng học hoàn
chỉnh

Xem xét cả quá trình phát triển của y học cổ truyền thì môn lâm sàng học trong
giai đoạn lịch sử kéo dài trên cơ bản là giai đoạn kinh nghiệm đơn thuần, điều trị chỉ
là ứng dụng các vị thuốc là phương pháp chủ yếu. Đến sau thời kỳ Xuân thu chiến
quốc, y học đã có bước phát triển rất lớn bằng sự ra đời của "Nội kinh". Đây vừa là
cuốn sách tổng kết những kinh nghiệm thực tế lâm sàng vừa xác lập những nguyên
tắc lý luận cơ bản của y học. Bằng việc lấy lý luận duy vật và phép biện chứng làm
tư tưởng chỉ đạo, "Nội kinh" đã đề ra quan niệm chỉnh thể, học thuyết Âm dương,
học thuyết Ngũ hành làm cho những phương diện sinh lý học, bệnh lý học, chẩn
đoán học, điều trị học của y học bước đầu trở nên mang tính hệ thống, tính lý luận.
Tuy nhiên về mặt điều trị bằng thuốc thang chưa được tổng kết thành lý luận. Đến
thời Trương Trọng Cảnh, ông một mặt cẩn thận tra tìm lý luận kinh điển, mặt khác
tích cực tổng kết kinh nghiệm lâm sàng phong phú. Kết hợp lý luận y học của "Nội
kinh" với thực tiễn của dùng thuốc trên lâm sàng từ đó đề xuất một cách sáng tạo
nguyên tắc biện chứng luận trị của của việc dùng thuốc trong điều trị, làm y học cổ
truyền trở thành hệ môn khoa học có tính hệ thống, tính lý luận hoàn chỉnh và có
những đặc điểm đặc sắc riêng của mình. Chính nhờ những lý luận có tính chất khoa
học đó, y học cổ truyền mới có thể tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử không bị mai
một để cho đến hôm nay không chỉ vẫn giữ nguyên vai trò quan trọng của mình mà
ngày càng được trân trọng phát huy trong sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ.

5. Thực tiễn đã chứng minh tính khoa học của "Kim quỹ yếu lược"

Từ khi được tìm thấy và chỉnh lý, cuốn sách đã chỉ đạo thực tiễn lâm sàng
rất hiệu quả. Nhiều thày thuốc của các thời đại không tiếc lời ca ngợi tác dụng của
cuốn sách. Sách "Nguỵ chí-Hoa Đà truyện" viết: "Cuốn sách này có thể cứu người".

Thời nhà Tống, Lâm Ức viết trong "Kim quỹ yếu lược phương từ": "Về mặt đối
phương, đối chứng để chữa bệnh cứu người thì kiến hiệu như thần". Thời nhà Kim,
Trương Nguyên Tố ca ngợi sách: "Trị tạp bệnh như thần". Chu Đan Khê từng nói:
"Thiên địa khí hoá vô cùng, bệnh tật của con người cũng biến đổi vô cùng phức tạp.
Sách của Trương Trọng Cảnh nghi chép lại những điều ấy để các thày thuốc theo đó
mà ứng dụng". Thên thực tế, nhất là sau thời Tống, Nguyên đến nay, nhiều thày
thuốc trong khi chú giải lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị đã không

17
ngừng bổ xung cả về lý luận lẫn thực tế lâm sàng cho cuốn sách. Thời gian gần đây
việc nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm trong phòng thí nghiệm theo hướng y học
hiện đại kết hợp với y học cổ truyền vận dụng lý luận cũng như dùng thuốc theo
cuốn sách cũng thu được không ít những thành công. Tất cả những cái đó cho thấy
cuốn sách đến hôm nay vẫn chỉ đạo lâm sàng một cách có hiệu quả và cần phải được
tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm.
















Chương 1
BỆNH MẠCH CHỨNG TẠNG PHỦ KINH LẠC TRƯỚC SAU



Đây là chương viết về nguyên nhân cơ chế bệnh sinh, biểu hịên lâm sàng về triệu
chứng và mạch của thứ tự phát sinh bệnh tật ở tạng phủ kinh lạc, do viết khái quát
cho cả cuốn sách nên chỉ mang tính cương lĩnh. Các phương diện nguyên nhân, cơ
chế bệnh sinh, chẩn đoán, nguyên tắc điều trị, hộ lý, tiên lượng và dự phòng đều viết
theo hình thức nêu thí dụ, đề ra nguyên tắc. Nội dung viết tương đối rộng, nhưng
toàn chương tôn trọng sự chỉ đạo của quan điểm chỉnh thể, nhấn mạnh cơ thể không
chỉ cùng với giới tự nhiên tạo thành một chỉnh thể hữu cơ, mà chính cơ thể cũng là
một chỉnh thể hữu cơ. Giữa các tạng phủ, giữa các kinh lạc và giữa các tạng phủ với
kinh lạc với nhau có mối quan hệ vừa dựa vào nhau vừa chế ước lẫn nhau. Về mặt
sinh lý có tác dụng tương hỗ tư sinh, về mặt bệnh lý có tác dụng tương hỗ ảnh hưởng,
phát sinh chuyển hoá lẫn nhau. Tạng này bị bệnh có thể truyền sang cho tạng khác,
kinh này bị bệnh có thể truyền sang cho kinh khác. Khi kinh lạc bị mắc tà khí có thể
truyền sang cho tạng phủ. Khi tạng phủ bị bệnh có thể phản ánh ra bên ngoài theo vị
trí của đường kinh mạch tương ứng với tạng phủ đó. Do vậy nội dung chủ yếu của

18
chương bàn về quy luật truyền biến bệnh lý theo tuần tự trước sau: "Thấy Can bị
bệnh, biết bệnh sẽ chuyển đến Tỳ" và "Kinh lạc mắc bệnh sẽ chuyển vào tạng phủ".


Kinh văn một
Thượng công

trị vị bệnh


, hà dã? Sư viết: Phu trị vị bệnh giả, kiến Can chi
bệnh, tri Can truyền Tỳ, đương tiên thực Tỳ

, tứ quý Tỳ vượng

bất thụ tà, tức vật
bổ chi. Trung công bất hiểu tương truyền, kiến Can chi bệnh, bất giải thực Tỳ, duy
trị Can dã.
Phu Can chi bệnh, Bổ dụng toan, trợ dụng tiêu khổ, ích dụng cam vị chi dược điều
chi. Toan nhập Can, tiêu khổ nhập Tâm, cam nhập Tỳ. Tỳ năng thương Thận

, Thận
khí vi nhược

, tất thuỷ bất hành; thuỷ bất hành, tất Tâm hoả khí thịnh; Tâm hoả
khí thịnh, tất thương Phế, Phế bị thương, tất kimkhí bất hành, kim khí bất hành, tất
Can khí thịnh. Cớ thực Tỳ, tất Can tự dũ. Thử trị Can bổ Tỳ chi yếu diệu dã. Can hư
tất dụng thử pháp, thực tất bất tại dụng chi.
Kinh viết: "Hư hư thực thực

, bổ bất túc, tổn hữu dư", thị ký nghiã dã. Dư tạng
chuẩn thử.
Chú giải:
 Thượng công: Chỉ thầy thuốc. Sách "Linh khu - Tà khí tạng phủ bệnh hình biên"
chia trình độ của thầy thuốc thành ba đẳng cấp: "Chữa bệnh đạt hiệu quả mười người
bệnh có chín người khỏi là thầy thuốc giỏi (thượng công), có bẩy người khỏi là thầy
thuôc khá (trung công), có sáu người khỏi là thầy thuốc trung bình (hạ công)".
 Trị vị bệnh: Chữa bệnh từ khi chưa có bệnh. Theo quan niệm cổ trị lúc chưa bệnh
là chỉ dự phòng bệnh tật. Trong sách "Kim quỹ" trị lúc chưa bệnh có nghĩa là chữa
từ khi tạng phủ chưa có bệnh, đề phòng sự truyền biến của bệnh tà.

 Thực Tỳ: Có nghĩa là bổ Tỳ.
 Tứ quý Tỳ vượng: Sách "Tố vấn - Thái âm dương minh luận" viết: "Cứ mười tám
ngày cuối quý là thời kỳ Tỳ khí thịnh vượng".
 Tỳ năng thương Thận: Thương có nghiã là chế giải. Căn cứ vào quy luật ngũ hành
tương khắc, thổ có thể khắc thuỷ. Tỳ thuộc thổ, Thận thuộc thuỷ. Tỳ có khả năng
thương Thận có nghĩa là Tỳ có khả năng chế khắc Thận.
 Thận khí vi nhược: Chỉ trạng thái âm hàn thuỷ khí không bị chế gây nên bệnh.
 Hư hư thực thực: Khái niệm này có nguồn gốc từ sách "Nạn kinh - Nạn thứ Tám
mươi mốt": Chữa chứng hư không được dùng pháp thực, chữa chứng thực không
được dùng pháp bổ tránh là hư càng hư thêm và thực càng thực thêm.
Diễn giải
Hỏi: "Thầy thuốc giỏi chữa từ lúc chưa mắc bệnh có nghĩa là gì?". Thầy trả lời:
"Chữa từ lúc chưa mắc bệnh có nghĩa là thấy Can mắc bệnh, biết bệnh của Can sẽ
ảnh hưởng đến Tỳ, nên kết hợp bổ Tỳ. Nhưng mỗi năm, bốn mùa vào lúc Tỳ khí
thịnh vượng, Tỳ khó mà bị tà khí từ Can chuyển đến thì không cần bổ Tỳ. Nói chung

19
nhiều thầy thuốc chưa biết quy luật này nên khi Can bị bệnh không biết phải chú ý
bổ Tỳ, chỉ chăm chăm chữa bệnh cho Can. Chữa bệnh Can hư không chỉ cần dùng
thuốc có vị toan để bổ cho Can bị bệnh, mà còn phải dùng thuốc có vị đắng để phù
trợ cho Tâm chưa bị bệnh, dùng thuốc có vị cam để điều hoà Tỳ. Bởi vì thuốc có vị
toan vào Can, vị đắng vào Tâm, vị cam vào Tỳ, Tỳ khí thịnh sẽ chế được Thận, Thận
bị chế ước thì âm hàn thuỷ khí trong Thận không thể khang mà gây hại. Do duy trì
Tâm hoả thịnh nên Tâm hoả có thể chế được Phế kim. Phế khí bị chế ước thì Can
khí không bị Phế khắc có thể dần dần khá lên. Vì vậy bổ Tỳ bệnh Can có thể tự khỏi,
và bổ Tỳ là phương pháp quan trọng để điều trị bệnh Can. Tuy nhiên phương pháp
này chỉ dùng cho bệnh Can hư, khi Can thực không được dùng".
Trong điều kinh văn trên còn nói: "Chứng hư dùng thuốc tả thì hư càng hư thêm,
chứng thực dùng thuốc bổ thì thực càng thực thêm. Chỉ có bệnh bất túc mới được
dùng pháp bổ, bệnh hữu dư mới được dùng pháp tả. Ở đây chỉ trình bày bệnh của

tạng Can, bệnh các tạng khác cũng theo đó mà suy ra vận dụng".
Nội dung chủ yếu
Xuất phát từ quan niệm chỉnh thể của mối tương quan tạng phủ nêu thí dụ "Thấy
Can mắc bệnh, biết bệnh Can có thể ảnh hưởng đến Tỳ, cần bổ Tỳ" để bàn về nguyên
tắc chữa bệnh và ý nghĩa quan trọng của việc trị bệnh từ khi chưa mắc bệnh.
Phân tích
Tinh thần cơ bản của điều kinh văn này co thể chia thành ba ý như sau.
1. Qua thí dụ bệnh ở tạng Can có thể truyền sang cho tạng Tỳ cho thấy quy luật
truyền biến bệnh lý của tạng phủ, từ đó cần chú ý chiếu cố tạng phủ chưa bị bệnh
trong khi tiến hành điều trị nhằm phòng sự truyền biến của bệnh. Tai sao Trương
Trọng Cảnh lại chọn thí dụ về quan hệ Can Tỳ để minh họa quan điểm chữa bệnh từ
khi chưa có bệnh? Đó là vì khí của bốn mùa bắt đầu từ mùa xuân, khí của ngũ tạng
trong cơ thể bắt đầu từ Can, mà Tỳ là "Hậu thiên chi bản, sinh hóa chi nguyên". Nên
trong quá trình bệnh lý nếu tạng Tỳ mắc bệnh, nguồn gốc khí huyết dinh vệ của cơ
thể bị thiếu hụt thì bệnh tình sẽ phát triển theo hướng xấu. Mặt khác, trên lâm sàng
Can mộc khắc Tỳ thổ, biến đổi bệnh lý Can Tỳ thất điều thường xảy ra nhất. Có thể
vì thế bệnh Can chuyển đến Tỳ được chọn làm thí dụ để minh họa.
2. Trong khi tiến hành điều trị cần phân biệt hư thực. Lại lấy thí dụ bệnh Can để
minh họa: "Bổ dùng toan, trợ dùng đắng, ích dùng cam để điều". Đây là phương
pháp điều trị chứng Can hư, toan vào Can, Can bị hư nên phải dùng ngay chính vị
của Can quy nạp theo ngũ hành để bổ. Đắng vào Tâm, Tâm là con của Can, con có
thể làm mẹ thực, nên dùng vị đắng có thể trợ giúp cho Can. Vị cam có thể hoà trung
bổ Tỳ, nên ích Can phải dùng vị ngọt. Trong chứng bệnh Can thực không thể dùng
phương pháp trên mà nên tả Can chiếu cố Tỳ. Đoạn văn "Toan vào Can đây là
phương pháp hay nhất điều trị Can" luôn được nhiều người trong khi chú giải có ý
kiến tranh luận khác nhau. Tiêu điểm của tranh luận là giải thích ý nghĩa của chữ
"thương". Sách "Thuyết văn giải tự đoản chú" viết: "Từ trước đến nay người ta đều

20
cho rằng mộc khắc là thương", như vậy chữ thương ở đây không đơn giản chỉ là chữ

thương trong nghĩa thương hại, thương tổn. Mà còn mang ý nghĩa quản chế, chế ước.
Trình Lâm viết: "Chữ thương nên xem nghĩa là chế, chế được thì ngũ tạng điều hoà
bệnh không thể phát sinh". Theo cách giải thích của Trình Lâm thì thấy hợp lý hơn.
Sách "Tố vấn-Lục vi chỉ đại luận" viết: "Khang thì hại, thừa thì chế, chế thì hoá
sinh". Điều đó cho thấy ngũ hành (ngũ tạng) có chế ước lẫn nhau thì mới duy trì
trạng thái sinh lý bình thường, sự sinh hoá mới liên tục không nghỉ. Và vai trò của
quy luật sinh khắc chế hoá của ngũ hành rất quan trọng, nếu giữa ngũ tạng mất đi
chức năng sinh lý chế ước lẫn nhau thì có thể xuất hiện những biến đổi bệnh lý.
Trương Trọng Cảnh căn cứ vào lập luận này chú trọng điều chỉnh sự mất thăng bằng
giữa tạng phủ nhằm đạt được mục tiêu điều trị khỏi bệnh. Khi nêu thí dụ chứng Can
hư đề ra phương pháp điều trị dùng các vị toan khổ cam để dưỡng điều bổ trợ ích
rất cụ thể để hồi phục sự thăng bằng sinh lý chế khắc lẫn nhau giữa các tạng phủ.
Hiển nhiên đây là nêu một thí dụ cụ thể về việc căn cứ vào lý luận tương chế ngũ
hành để điều chỉnh sự mất thăng bằng trong quan hệ giữa các tạng phủ có ý nghĩa
chỉ đạo lâm sàng.
3. Đoạn văn sau cùng nêu kết luận về sự khác biệt trong khi điều trị hư thực. Chứng
hư không được tả, chứng thực không được bổ tránh hư càng hư thêm và thực càng
thực thêm. Phương pháp điều trị đúng nhất là: Hư thì phải bổ chỗ bất túc, thực thì
phải tả chỗ hữu dư. Điều trị tạng Can như thế, điều trị các tạng khác cũng tương tự
như vậy. Nên sách viết: "Dư tạng chuẩn thử".

Kinh văn thứ hai
Phu nhân bẩm ngũ thường

, nhân phong khí

nhi sinh trưởng, phong khí tuy
năng sinh vạn vật, diệc năng hại vạn vật, như thủy năng phù thuyền, diệc năng phúc
thuyền. Nhược ngũ tạng nguyên chân


thông sướng, nhân tức an hoà, khách khí tà
phong

, trúng nhân đa tử. Thiên ban sấn nạn

, bất việt tam điều: Nhất giả, kinh
lạc thụ tà, nhập tạng phủ, vi nội sở nhân dã; Nhị giả, tứ chi cửu khiếu, huyết mạch
tương truyền, ủng tắc bất thông, vi ngoại bì phù sở trung dã; Tam giả, phòng sự,
kim đao, trùng thú sở thương, dĩ thử dạng chi, bệnh do đô tận.
Nhược nhân năng dưỡng thận, bất lệnh tà phong can ngỗ

kinh lạc, vị lưu truyền
tạng phủ, tức y trị chi. Tứ chi tài giác trọng trệ, tức đạo dẫn

, thổ nạp

, châm
trích, cao huy

, vật lệnh cửu khiếu bế tàng; càng năng vô phạm vương pháp

, cầm
thú tai thương, phòng sự vật lệnh kiệt phạp, phục thực tiết kỳ lạnh, nhiệt, khổ, toan,
tân, cam, bất di hình thể hữu suy,bệnh tất vô do nhập kỳ tấu lý. Tấu giả, thị tam tiêu
thông hội nguyên chân chi xứ, vi huyết khí sở chú; Lý giả, thị bì phu tạng phủ chi
văn lý dã.
Chú giải
 Nhân bẩm ngũ thường: Bẩm có nghĩa là bẩm thụ, ngũ thường tức mộc, hoả, thổ,
kim, thuỷ của ngũ hành. Sách "Thương hàn luận tự từ" viết: "Vạn loài theo ngũ hành,


21
người ta theo ngũ hành để có ngũ tạng". Điều đó cho thấy khí của ngũ tạng trong cơ
thể tương ứng với thiên địa, chịu sự chi phối theo quy luật chế hoá của ngũ hành.
 Phong khí: Chỉ sáu trạng thái khí hậu (lục dâm) trong tự nhiên. Bao gồm: phong,
hàn, thử, thấp, táo, hoả.
 Nguyên chân: Còn gọi là nguyên khí hay chân khí. Là khí căn bản có tác dụng
duy trì hoạt động sống của cơ thể. Trương Cảnh Nhạc viết: "Mệnh môn là gốc rễ của
nguyên khí, là nhà của thuỷ hoả; Là khí âm của ngũ tạng, không có nó thì không thể
tư; Là khí dương của ngũ tạng, không có nó thì không thể phát".
 Khách khí tà phong: Khách khí tức tà khí. Sách "Linh khu-Tiểu châm giải"
viết:"Khách giả, tà khí dã". Khách khí tà phong phiếm chỉ khí không bình thường có
thể gây bệnh cho cơ thể.
 Sấn nạn: Sấn có nghĩa là bệnh, sấn nạn có nghĩa là nỗi khó chịu của bệnh tật.
 Can ngỗ: Can có nghĩa là can phạm, ngỗ có nghĩa là ngỗ nghịch. Can ngỗ có nghĩa
là xâm phậm.
 Đạo dẫn: Là một phương pháp dưỡng sinh bao gồm hoạt động khí công và vận
động cơ bắp. Sách "Nhất thiết kinh âm nghĩa" viết:"Phàm người ta tự xoa bóp, co
duỗi các khớp chân tay để trừ lao trừ phiền gọi là đạo dẫn. Nếu để người khác xoa
bóp, ấn nắn thì gọi là xoa bóp hay tẩm quất".
 Thổ nạp: Thổ là miệng nhổ ra nước bọt, nạp là hít không khí trong sạch từ bên
ngoài. Thổ nạp là phương pháp thông qua điều chỉnh hô hấp đạt được mục đích trừ
bỏ bệnh tật.
 Cao huy: Là phương pháp dùng dạng thuốc cao xoa lên một vùng da nào đó của
cơ thể để chữa bệnh.
 Vô phạm vương pháp: Có nghĩa là không được vi phạm luật pháp để không bị
hình phạt.
Diễn giải
Mỗi người sống trong tự nhiên cần tôn trọng quy luật của tự nhiên. Vì khí hậu có
thể giúp đỡ vạn vật sinh trưởng và cũng có thể làm hại vạn vật cũng giống như nước
thể nâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền. Nếu nguyên khí của ngũ tạng vận

hành thông thoát, người ta không dễ mắc bệnh. Khí hậu bất thường làm cơ thể dễ
mắc bệnh, nghiêm trọng hơn có thể làm người ta tử vong. Tuy có nhiều loại bệnh
nhưng không ngoài ba loại nguyên nhân: Đầu tiên tà vào kinh lạc sau đó truyền đến
tạng phủ gây bệnh bên trong cơ thể. Thứ hai là tứ chi, cửu khiếu và huyết mạch
truyền biến cho nhau gây trở ngại không thông, đó là bệnh do tà khí từ bên ngoài bì
phu gây ra. Thứ ba là bệnh do phòng sự quá độ, gươm đao, trùng thú cắn gây ra.
Nếu mỗi người bên trong thì nuôi dưỡng chính khí, bên ngoài cẩn thận đề phòng
không cho tà khí xâm phạm thì không thể mắc bệnh. Hoặc nếu tà khí đã vào kinh lạc
chưa xâm phạm vào sâu thì phải kịp thời chữa trị. Vừa có cảm giác tứ chi nặng nề
co duỗi khó khăn nên sớm dùng phương pháp dưỡng sinh xoa bóp hoặc châm cứu
xoa thuốc cao điều trị, không nên để cửu khiếu không thông. Càng không được vi

22
phạm pháp luật, chú ý không để cầm thú cắn, phòng sự nên điều độ tránh làm hao
kiệt tinh khí. Chỗ ở nên thông thoáng không quá nóng quá lạnh, thức ăn đồ uống
điều hoà ngũ vị, không nên để cơ thể phát sinh quá gầy quá béo. Nếu làm được như
vậy, tà khí không thể xâm phạm tấu lý gây bệnh cho cơ thể. "Tấu" là chỉ lỗ chân
lông trên da nơi khí huyết tân dịch của cơ thể có thể trao đổi với bên ngoài. "Lý" là
khoảng trống giữa tạng phủ và bì phu.
Nội dung chủ yếu
Xuất phát từ quan niệm chỉnh thể của quan hệ mật thiết giữa con người và giới tự
nhiên bàn về nguyên nhân gây bệnh, đề ra việc cần thiết phải đề phòng bệnh tật và
điều trị sớm tránh bệnh tiến triển nặng hơn.
Phân tích
Từ đầu của điều kinh văn đến chỗ "Khách khí phong tà, trúng nhân đa tử" cho
thấy giữa người và tự nhiên có mối quan hệ mật thiết, sự sinh ra và lớn lên, phát triển
của con người không thể tách rời khí hậu tự nhiên. Nhưng khí hậu thời tiết có lúc
bình thường có lúc bất thường, những lúc khí hậu bất thường có thể gây hại cho vạn
vật. Con người khi gặp khí hậu bất thường nếu không thích ứng được sẽ mắc bệnh.
Tà khí tuy là nhân tố gây bệnh, nhưng có phát bệnh hay không luôn phụ thuộc vào

sự thịnh suy của chính khí, sự mạnh hay yếu của khả năng thích ứng. Nếu nguyên
khí của ngũ tạng đầy đủ, dinh vệ điều hòa có khả năng thích ứng cao với sự biến đổi
của khí hậu thì cơ thể sẽ khỏe mạnh. Ngược lại nếu chính khí suy nhược, khả năng
chống đỡ ngoại tà suy yếu, tà khí có thể lợi dụng cơ thể suy nhược gây bệnh thậm
chí có thể gây tử vong. Vì vậy sách "Tố vấn-Bình nhiệt bệnh luận" viết: "Tà chi sở
tấu, kỳ khí tất hư" và trong kinh văn viết: "Khách khí phong tà, trúng nhân đa tử".
Đoạn thứ hai từ chỗ: "Thiên ban sấn nạn " đến chỗ: "Dĩ thử dạng chi, bệnh do
đô tận" chuyên bàn về khi tà khí xâm phạm vào cơ thể, sự truyền biến của nó thường
từ tấu vào lý, từ kinh lạc vào tạng phủ. Tuy nhiên do đặc điểm của tà khí không
giống nhau, cơ thể mạnh yếu khác nhau nên sự phát sinh của bệnh cũng biến đổi rất
khác biệt. Cho dù loại bệnh có nhiều đến đâu, quy lại cũng không ngoài ba điều:
chính khí của tạng phủ bất túc, tà khí thừa cơ xâm phạm, bệnh từ kinh lạc truyền vào
tạng phủ là do trong nội tạng bên trong có chỗ hư hao nên bị tà khí xâm phạm nên
gọi là bệnh do nội nhân. Thứ hai là tà khí xâm phạm bì phu, lưu trú theo huyết mạch,
gây ủng trệ tứ chi cửu khiếu, làm khí huyết vận hành không thông suốt. Bệnh do tà
khí từ bên ngoài qua bì phu truyền theo kinh mạch gây trở trệ tứ chi cửu khiếu nên
gọi là bệnh do ngoại nhân. Thứ ba là những bênh do phòng sự, gươm đao, trùng thú
cắn gọi chung là những bệnh do bất nội ngoại nhân. Mặc có nhiều loại bệnh nhưng
bién đổi bệnh lý chỉ gồm có biến đổi ở tạng phủ, kinh lạc, khí huyết. và nguyên nhân
của biến đổi bệnh lý cũng chỉ gồm có ba loại đã kể trên. Về sau học thuyết nói về
nguyên nhân gây bệnh được Trần Vô Trạch phát triển thêm. Ông xếp bệnh do nội
thương ngoại cảm là nội nhân kết hợp ngoại nhân, bệnh do ngoại cảm lục dâm là
ngoại nhân, bệnh do tình chí gây ra là nội nhân và bệnh do phòng sự gươm đao là

23
bất nội ngoại nhân. Gần đây đa số tác giả đều thống nhất cách phân loại nguyên nhân
gây bệnh gồm có bệnh do nội nhân, bệnh do ngoại nhân, bệnh do những sản phẩm
sinh ra trong quá trình bệnh lý và bệnh do bất nội ngoại nhân gây ra. Cần chú ý khi
phân biệt trên lâm sàng và trong khi nghiên cứu tài liệu.
Từ đoạn kinh văn: "Nhân năng dưỡng thận " đến đoạn: "Bệnh tất vô do nhập kỳ

tấu lý" chủ yếu bàn về vai trò quan trọng của việc dưỡng sinh, nhấn mạnh cần điều
trị bệnh thật sớm ngay từ khi chưa có bệnh. Đồng thời nói về một số biện pháp cụ
thể như: phòng dục điều độ để tránh tổn thương tinh khí, chỗ nghỉ ngơi và ăn uống
cần chú ý sạch sẽ ấm áp vệ sinh để không làm cơ thể gầy yếu. Ngoài ra còn cần
phòng tránh tai nạn, trùng thú cắn, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp để tránh bị
hình phạt Tóm lại nếu chú trọng dưỡng sinh, bệnh tà không thể xâm phạm tấu lý
gây bệnh. "Bệnh mới ở kinh lạc phải điều trị ngay không cho truyền vào tạng phủ "
là nhấn mạnh vai trò của việc điều trị sớm nhằm phòng không cho bệnh vào sâu hơn
gây bệnh nặng hơn. Sở dĩ khi tà khí còn ở kinh lạc vẫn chưa vào tạng phủ cần phải
điều trị sớm nhằm giúp tứ chi không bị tê nặng bằng cách dùng các phương pháp
đạo dẫn, thổ nạp, châm cứu, xoa cao ngoài da làm khí huyết của cơ thể vận hành
thông suốt, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, trừ bỏ tà khí ra ngoài và bệnh nhanh
khỏi. Ngược lại nếu không điều trị sớm, bệnh tà có thể truyền vào sâu gây "Cửu
khiếu bế tàng", thậm chí "Lưu lại ở tạng phủ" dẫn đến bệnh ngày càng nặng hơn,
điều trị ngày càng khó khăn và tốn kém hơn. "Không để hình thể bị suy nhược thì
bệnh không thể xâm phạm vào tấu lý" đoạn văn cho thấy đây là yêu cầu chung nhất
của mục đích chú trọng dưỡng sinh và điều trị sớm.
Trong đoạn cuối cùng, Trương Trọng Cảnh đề xuất khái niệm về tấu lý. Ông cho
rằng tấu lý là chủ của Tam tiêu, có quan hệ mật thiết với bì phu và tạng phủ. Đây
vừa là nơi tụ hội của nguyên khí vừa là nơi khí huyết vận hành. Chức năng của tấu
lý còn là cánh cửa quan trọng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm phạm của tà khí từ bên
ngoài.

Kinh văn thứ ba:
Vấn: Bệnh nhân hữu khí sắc

kiến vu diện bộ, nguyện văn kỳ thuyết. Sư viết:
Tỵ đầu sắc thanh, phúc trung thống, khổ lạnh giả tử; (Nhất văn viết phuc trung
lạnh, khổ thống giả tử). Tỵ đầu sắc vi hắc giả, hữu thuỷ khí


; Sắc hoàng giả, hung
thượng hữu hàn

; Sắc bái giả, vong huyết dã, thiết vi xích phi thời giả tử

; Kỳ
mục chính viên giả kinh

, bất trị. Hựu sắc thanh vi thống, sắc hắc vi lao, sắc xích
vi phong, sắc hoàng giả càng nan, sắc tiên minh giả hữu ẩm lưu

.
Chú giải
 Khí sắc: Mầu sắc trên mặt là tinh khí của ngũ tạng biểu hiện ra bên ngoài. Sắc
diện gồm năm mầu: xanh, vàng, đỏ, trắng và đen.
 Thuỷ khí: Bệnh danh của chứng thuỷ ẩm tích lại bên trong cơ thể. (Xem chi
tiết trong chương Bệnh Thuỷ khí).

24
 Hàn: Chỉ hàn ẩm.
 Vi xích phi thời giả tử: Mỗi mầu sắc chủ về một mùa. Thí dụ như màu đỏ chủ
mùa hạ, mầu trắng chủ mùa thu, mầu xanh chủ mùa xuân Phi thời có nghĩa là
không hợp thời, không đúng mùa. Nếu mầu đỏ xuất hiện ở mùa đông hay mùa thu
là không đúng quy luật, biểu hiện bệnh nặng dễ bị chết.
 Kinh: Bệnh danh của chứng co giật, lưng gáy co cứng, miệng mím chặt do
nhiệt. Còn có sách viết là chứng kính. (Xem chi tiết trong chương Bệnh Kính Thấp
Yết).
 Ẩm lưu: Một loại bệnh do đàm ẩm. (Xem chi tiết trong chương Bệnh Đàm ẩm).
Diễn giải
Hỏi: Mầu sắc trên da mặt của người có bệnh biến đổi như thế nào? Thày đáp: Trên

đầu mũi xuất hiện mầu xanh là do trong bụng đang bị đau. Nếu kèm theo sợ lạnh thì
có thể bị chết. Nếu trên đầu mũi xuất hiện mầu hơi đen là biẻu hiện bên trong có
thuỷ tích lại; Nếu xuất hiện mầu vàng là trên ngực có hàn tà; Nếu xuất hiện mầu
trắng là bị mất huyết. Giả thử trên đầu mũi xuất hiện mầu hơi hồng nhưng không
đúng theo quy luật về chủ mầu sắc của mỗi mùa (Không đúng mùa hạ) thì người
bệnh có thể sắp bị chết. Những biểu hiện ở mắt cũng như vậy, nếu chứng kinh mà
mắt người bệnh nhìn thẳng không linh hoạt (Trực thị, không thần) là bệnh khó điều
trị. Biến đổi mầu sắc trên mặt cho thấy: mầu xanh chủ về đau, mầu đen chủ về lao
tổn, mầu hồng chủ phong nhiệt, mầu vàng chủ bí đại tiện. Trên mặt có mầu sáng tươi
là biểu hiện của chứng bên trong cơ thể có Bệnh ẩm lưu.
Nội dung chủ yếu
Từ biến đổi mầu sắc trên da mặt có thể chẩn đoán cũng như tiên lượng mức độ
nặng nhẹ của bệnh.
Phân tích
Tinh khí của tạng phủ nếu tàng trong cơ thể thì gọi là khí, nếu biểu hiện ra bên
ngoài thì gọi là khí sắc, vì vậy quan sát mầu sắc trên mặt có ý nghiã quan trọng trong
việc chẩn đoán cũng như tiên lượng bệnh. Điều kinh văn đầu tiên nêu vọng chẩn ở
mũi. Mũi là nơi khai khiếu của Phế, mầu xanh thuộc Can. Đầu mũi xuất hiện mầu
xanh là biểu hiện bụng đang bị đau do Can thừa Tỳ. Nếu kèm theo sợ lạnh nhiều là
biểu hiện của dương khí suy kiệt, âm hàn thịnh ở bên trong, tiên lượng rất xấu. Nếu
đầu mũi xuất hiện mầu hơi đen, mầu đen là mầu của thuỷ. Xuất hiện mầu đen ở đầu
mũi là biểu hiện của Thận thuỷ phản vũ Tỳ thổ, khi có thuỷ khí đầu mũi xuất hiện
mầu đen. Tiếp theo là vọng chẩn mặt vàng không đơn thuần chỉ dầu mũi vàng. Mặt
vàng biểu hiện hai tình huống: Một là do Tỳ bị bệnh không thể phân bố tinh đi khắp
nơi nên thuỷ ẩm bị đọng lại ở trong ngực gọi là chứng vàng da do trong ngực có hàn.
Hai là thấp nhiệt uẩn kết, Tỳ khí uất trệ không có khả năng vận hoá tân dịch nên biểu
hiện thành chứng đại tiện bí. Mặt nhợt nhạt là biểu hiện huyết không đủ vinh nhuận
lên mặt do bị mất huyết quá nhiều. Ngược lại, ở những người mất huyết da mặt xuất
hiện mầu hơi đỏ mà không phải lúc thời tiết nóng bức thì là do mất huyết thương âm


25
hư dương phù việt lên trên, tình trạng bệnh nặng. Da mặt xanh do huyết mạch ngưng
trệ không thông là biểu hiện của chứng đau dữ dội. Đen là mầu chủ của Thận, hư lao
là do Thận tinh bất túc, mầu sắc của nó biểu hiện ra bên ngoài, nên sắc mặt đen là
biểu hiện của chứng hư lao. Phong là dương tà, dễ theo hoả, màu của hoả là mầu đỏ,
nên mặt đỏ là biểu hiện của phong. Da mặt có mầu sáng tươi là do thuỷ ẩm đình lưu
bên trong, tràn lên mặt gây phù thũng mặt và mắt, nên da mặt chuyển thành sáng
nhuận tươi. Điều kinh văn còn đề cập đến vọng chẩn ở mắt. Tinh khí của lục phủ
ngũ tạng đều đi lên phản ánh ở mắt, "Mục chính viên" là biểu hiện hai mắt nhìn
thẳng không chuyển động, không linh hoạt phần lớn do phong tà thịnh, tinh khí của
ngũ tạng sắp tuyệt gây nên chứng kinh rất khó chữa.
Vọng chẩn có thể biết sự thịnh suy của tạng phủ, sự hư hao của khí huyết nên
vọng chẩn có vai trò rất quan trọng trong tứ chẩn của y học cổ truyền. Trong điều
kinh văn tác giả chỉ đơn cử cách xem mầu sắc của mũi, mắt. Thực ra vọng chẩn còn
nhiều nội dung khác như nhìn dáng đi, tư thế, mầu sắc của da toàn thân, ngay trên
da mặt cũng cần phải kết hợp giữa khám xét mũi, tai, mắt, lưỡi, họng với triệu
chứng lâm sàng toàn thân, với bắt mạch, với sờ nắn để có thể tìm ra chẩn đoán và
biện pháp sử lý đúng đắn nhất.


Kinh văn thứ tư
Sư viết: Bệnh nhân ngữ thanh tịch nhiên

hỷ kinh hô giả, cốt tiết gian bệnh; Ngữ
thanh ám ám nhiên

bất triệt giả, Tâm cách gian bệnh; Ngữ thanh tu tu nhiên

tế
nhi trường giả, thủ trung bệnh.

Chú giải
 Tịch nhiên: Có nghiã là yên tĩnh. Trong trường hợp này chỉ bệnh nhân nằm yên
ngại không muốn nói.
 Ám ám nhiên: Giọng nói nhỏ khó nghe.
 Tu tu nhiên: Giọng nói líu ríu khó nghe.
Diễn giải
Thầy nói: Người bệnh đang nằm yên tự nhiên kêu đau thường liên quan đến khớp.
Giọng nói nhỏ nhẹ, tiếng nói khó nghe thường liên quan đến bệnh của Tâm. Tiếng
nói nhỏ nhẹ nhưng rên rỉ kéo dài thường do đau trong đầu.
Nội dung chủ yếu
Bàn về ý nghĩa quan trọng của nghe âm thanh tiếng nói của người bệnh trong khi
chẩn đoán bệnh.
Phân tích
Thanh âm tuy phát ra từ trong họng nhưng thực ra có liên quan đến ngũ tạng. Bình
thường âm phát ra khi nói có độ cao thấp, nhanh chậm khác nhau, nhưng đều tự
nhiên và thông thoát. Nếu thanh âm phát ra không bình thường có nghĩa là tiếng nói
khi có bệnh. Thanh âm khác nhau cho thấy trạng thái biến đổi bệnh lý khác nhau.

×