Kinh doanh trà hoa: Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
Cuộc sống hiện đại với những căng thẳng, lo toan dễ khiến con người ta đánh mất những
khoảng thời gian và không gian yên tĩnh, thư giãn bên người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Xuất phát từ thực tế đó, vài năm gần đây, tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí
Minh xuất hiện một chuỗi quán trà thảo mộc, trà hoa mang nhiều phong cách khác nhau như phong
cách trà nhạc trữ tình, phong cách trà nhạc dân gian mang đậm hồn Việt, phong cách trà đạo Nhật
Bản. Những quán trà như vậy đang dần trở thành điểm đến lý tưởng của đông đảo khách hàng
thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Trà hoa- nét văn hóa ẩm thực độc đáo
Để kinh doanh trà hoa thành công, ngoài kiến thức quản lý và đầu óc kinh doanh nhạy bén, đòi hỏi
người chủ phải có niềm đam mê và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghệ thuật trà: từ
các loại trà, hương vị, cách pha chế, dụng cụ pha trà cho đến cách thưởng thức, Bởi khi đến
quán, ngoài thưởng thức trà và đàm đạo với bạn bè, người thân, nhiều khách hàng cũng mong
muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật trà - một thú vui tao nhã.
Dựa trên kinh nghiệm của những người đã kinh doanh trà hoa thành công, có thể đúc rút thành một
quy trình gồm những bước đi cơ bản sau:
Bước 1: Khảo sát về nhu cầu thưởng thức trà hoa của người Việt
Trước khi mở quán, bạn nên tiến hành khảo sát về nhu cầu uống trà của người Việt, phong cách trà
nào thu hút đông đảo người thưởng thức hơn cả, đối tượng khách uống trà là ai? Yêu cầu cụ thể
của từng nhóm đối tượng khách hàng? Có được kết quả khảo sát đó, bạn sẽ xác định được đối
tượng khách hàng tiềm năng của mình để có thể thiết kế, định hình phong cách và hương vị trà đặc
trưng cho quán.
Đối tượng khách hàng của các quán trà hoa hiện nay tương đối đa dạng, không chỉ thu hút các bậc
cao niên, những nghệ sĩ lui tới đàm đạo, thưởng trà mà còn lôi cuốn cả giới trẻ. Các buổi tối và ngày
cuối tuần là thời điểm rất đông bạn trẻ tìm đến với trà hoa để giảm bớt những áp lực cuộc sống,
thưởng thức các loại trà hoa bổ dưỡng sức khỏe.
Anh Lê Văn Du - chủ quán trà Thiên Sơn, số 88 Thanh Nhàn, Hà Nội cho biết: “Khách đến với quán
chủ yếu là các bạn trẻ. Sau một ngày làm việc vất vả, căng thẳng, họ muốn tìm một không gian yên
tĩnh và họ đến với quán trà. Cũng có người đến quán để tìm lại một hình ảnh xưa, ví dụ như ngồi
ngắm giếng nước".
Bước 2: Trang bị kiến thức về trà hoa
“Trà hoa”, ngay từ cái tên đã khơi dậy hương vị và thành phần trong đó. Vẫn giữ được vị chát chát,
ngọt thanh nhẹ của trà mạn, trà hoa không chỉ mang lại cho người thưởng thức những cảm nhận
mới mẻ về hương vị mà còn là thứ đồ uống có lợi cho sức khoẻ.
Để mở quán trà hoa, bạn cần phải có vốn hiểu biết nhất định về trà, về các loại thảo dược hoặc đôi
khi chính sự đam mê là động lực lớn nhất để bạn tìm tòi xây dựng nên một thương hiệu trà hoa nổi
tiếng và độc đáo của riêng mình. Bạn có thể tham khảo thực đơn trà của các quán đã mở trước đó
bởi menu phong phú với nhiều loại trà cũng tạo ấn tượng và đem lại nhiều sự lựa chọn khác nhau
cho khách hàng.
Tiếp đến bạn phải tìm hiểu về cách pha chế từng loại trà, vật dụng đựng trà, cách rót trà và thưởng
thức trà , nguồn cung nguyên liệu bởi đây là những yếu tố quyết định làm nên sự khác biệt của một
quán trà hoa. Từ chiếc ấm, chén đựng trà cũng phải tạo được nét độc đáo. Mỗi chén trà khi đến với
khách hàng đã hội tụ những giá trị văn hóa từ việc lựa chọn nguyên liệu, nước dùng pha trà, cách
pha chế đến cách rót trà.
Đến với trà hoa như một cái duyên, anh Vũ Hoàng Long - chủ chuỗi quán Trà hoa tại Hà Nội cho
biết: “Ngay từ thời sinh viên tôi đã xác định mình cần phải tự lập về kinh tế. Tôi có niềm đam mê
thưởng thức các loại trà, tìm hiểu về văn hóa trà đạo của Trung Quốc, Nhật Bản… Việc thường
xuyên lui tới những quán cà phê đẹp, sang trọng cùng với đầu óc kinh doanh vốn có đã nảy ra suy
nghĩ: Tại sao cà phê người ta làm được mà trà lại không? Từ đây tôi nảy sinh ý tưởng kinh doanh trà
hoa. Bản thân tôi là cử nhân công nghệ thông tin và làm khóa luận tốt nghiêp: Hệ chuẩn đoán bệnh
bằng phương pháp chữa bệnh cổ truyền. Quá trình làm khóa luận đã tìm hiểu về trà, càng giúp tôi
có kiến thức để quyết tâm đưa trà vào cuộc sống”.
Bước 3: Quy trình xây dựng và vận hành một quán trà hoa
1. Lựa chọn địa điểm kinh doanh
Việc lựa chọn địa điểm mở quán trà hoa là rất quan trọng. Điều đáng chú ý nhất là không gian yên
tĩnh, tránh những trục đường lớn bởi nét đặc thù của quán trà hoa là sự thanh bình, không gian lãng
mạn và cũng phải có chỗ để xe cho khách. Bạn cần phải tìm được địa điểm thỏa mãn những yêu
cầu cần có của một quán trà hoa song cũng phải gần các khu đông dân cư, dễ thu hút các đối
tượng, giá cả thuê mặt bằng hợp lý.
Anh Lê Thanh Tuấn chia sẻ: “Kinh doanh lĩnh vực gì cũng vậy, việc lựa chọn địa điểm là rất quan
trọng. Địa điểm tốt cho quán trà hoa là gần công sở, trường học, khu chung cư và đặc biệt là yên
tĩnh”. Anh Lê Văn Du cũng lưu ý: “Địa điểm mở quán có thể ở trong ngõ song phải đảm bảo yên tĩnh,
không quá xô bồ và có chỗ để xe rộng rãi”.
Trà hoa số 40A Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
Trà hoa số 28 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội
Trà Thiên Sơn, số 65-76 Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Thuyết trà, số 21 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội
2. Thiết kế không gian nội thất cho quán
Yêu cầu đầu tiên khi thiết kế không gian quán trà hoa chính là tạo được cho khách hàng cảm giác
ấm cúng, thư thái, dễ chịu, được tách biệt hẳn với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt thường ngày - một
không gian mang chất thiền và thoát tục. Bởi vậy, các quán trà hoa thường sử dụng tông màu trầm,
dịu nhẹ và âm nhạc nhẹ nhàng, du dương là nét chủ đạo.
Lối thiết kế kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của quán Trà hoa
Không gian quán trà Thiên Sơn
Không gian nhỏ bé, ấm cúng tại Thuyết trà
Quán trà hoa là nơi hội tụ của các loại hoa, thảo mộc, bởi vậy khi thiết kế quán, bạn nên chú ý đến
điểm nhấn này để tạo không gian đặc biệt cho khách khi đến với quán. Lối thiết kế phổ biến của
quán trà hoa là ngồi bệt và có đệm, bàn ngồi đôi hoặc ngồi theo nhóm. Màu sắc thảm và đệm cũng
phải là gam màu trang nhã, phù hợp với cường độ ánh sáng trong quán. Bạn có thể trang trí những
chiếc đèn lồng nhỏ xinh để tạo không gian ấm áp, thân thiện.
Tùy vào kết cấu quán mà có sự phân chia không gian cho hợp lý. Nếu quán của bạn có từ 2 tầng
trở lên, bạn có thể thiết kế những không gian khác nhau, ví dụ tầng 1 là thưởng thức trà với ánh
sáng tự nhiên, tầng 2 là phòng trà có máy lạnh, tầng 3 có thể kết hợp thưởng thức trà với các loại
ẩm thực khác,…
Cách thiết kế đậm văn hóa Việt tại quán trà Thiên Sơn
Lối thiết kế kết hợp giữa các nền văn hóa Phương Đông tại Thuyết trà.
3. Xây dựng menu cho quán
Chất lượng trà kèm theo công thức pha chế của từng quán sẽ là yếu tố quyết định trong việc thu hút
và giữ chân khách hàng. Bởi vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ các loại trà và cách pha chế để xây dựng một
menu phong phú, đa dạng, hội tụ nhiều hương vị trà khác nhau, tạo nên nhiều sự lựa chọn hấp dẫn
cho khách hàng.
Thông thường, menu các quán trà hoa hiện nay thường được chia thành ba vị chủ đạo là: trà vị
ngọt, trà vị đắng và trà vị chát. Mỗi loại trà có một hương vị khác nhau, có thể dùng nóng hoặc dùng
lạnh và có những công dụng khác nhau đối với sức khỏe. Anh Vũ Hoàng Long cho biết: “Menu cũng
cần phải thiết kế thể hiện ý tưởng của quán trà hoa. Hiện nay sau hơn 3 năm xây dựng, quán Trà
hoa của tôi có khoảng 60 loại. Tùy vào công thức pha chế để đưa ra bảng giá hợp lý cho mỗi loại
trà. Giá trung bình của trà hoa từ 28-30.000 VNĐ, đó là mức giá cả phù hợp với tất cả đối tượng”.
Ở một số quán, ngoài các loại trà đặc trưng còn phục vụ thêm nhiều loại đồ uống khác như cà phê,
sinh tố, nước hoa quả, kem và đồ fastfood như khoai tây chiên, cơm rang, mì xào, bánh
sandwich,…
Để tạo nên được một chén trà ngon, khâu lựa chọn nguyên liệu đóng vai trò quyết định.
Song song với đó bạn cũng đặc biệt chú ý đến dụng cụ pha và đựng trà. Đôi khi những vật dụng
này được thiết kế tinh tế sẽ gây sự thích thú đối với khách hàng.
Những chiếc ấm đựng trà độc đáo cũng tạo nên một tách trà hoa thơm ngon
4. Tuyển chọn và đào tạo nhân viên
Việc xây dựng đội ngũ nhân viên không những am hiểu về nghệ thuật trà mà còn phục vụ thân
thiện, nhiệt tình, lịch sự cũng là tiêu chí quan trọng để tạo nên thương hiệu cho quán trà của bạn.
Các nhân viên trong quán trà, đặc biệt là các nhân viên phục vụ bàn cần phải có phong thái khoan
thai, cử chỉ nhẹ nhàng, thanh thoát. Do đó, bạn nên tuyển chọn nhân viên nữ, hình thức ưa nhìn để
tạo ấn tượng cho khách hàng.
Chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo đội ngũ nhân viên, anh Vũ Hoàng Long - chủ chuỗi quán Trà hoa
cho biết: “Ban đầu, quán chỉ có 10 nhân viên, tôi vừa là người quản lý, vừa là người pha chế. Tôi
phải tự lo đào tạo cho nhân viên từ kiến thức văn hóa về trà đến phong cách phục vụ. Đối với đội
ngũ nhân viên thì bắt buộc phải có sự am hiểu về các loại trà. Nhân viên của quán trà mà không
hiểu về trà thì không thể làm việc được, từ nhân viên bảo vệ đến thu ngân phải có sự hiểu biết nhất
định về trà”.
“Đến nay đã tạo được cho quán những quy định văn hóa riêng mà không phải quán nào cũng làm
được: khách vào quán bỏ giày, không hút thuốc, không ngả ngớn, Đây là yêu cầu khi đến với
không gian văn hóa của trà. Trà không đắt, nhưng người thưởng trà cũng phải có trình độ, có văn
hóa. Mình cần phải tạo được nét văn hóa riêng đối với quán trà hoa, vừa nâng cao chất lượng phục
vụ khách hàng nhưng đồng thời cũng phải tạo được nét văn hóa cho họ khi đến với trà hoa. Làm
được điều này khó, nhưng phải làm bằng thái độ ân cần, bằng sự nhiệt tình để khách hàng đồng
thuận ” - anh Long tâm sự.
Để tạo nên phong cách riêng cho quán, các quán trà thường đầu tư đồng phục cho nhân viên mang
phong cách truyền thống, phù hợp với văn hóa thưởng trà. Ví dụ như ở quán trà Thiên Sơn, nhân
viên phục vụ bàn mặc áo bà ba cách tân và quần nâu. Hay như ở quán Thuyết trà, trang phục mùa
hè của nhân viên là váy Tàu hoa, mùa đông mặc Kimono - điều này thể hiện đặc trưng của quán là
sự kết hợp giữa văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Đồng phục của nhân viên quán Trà hoa
Tùy vào quy mô kinh doanh mà bạn có thể xây dựng hệ thống quản lý cho từng khâu, từ nhập
nguyên liệu, bảo quản, pha chế, khâu order, quản lý và đào tạo nhân viên. Anh Vũ Hoàng Long tâm
sự: “Để quản lý chuỗi cửa hàng, tôi sử dụng hệ thống phần mềm, ứng dụng công nghệ, camera, yêu
cầu nhân viên viết báo cáo hàng ngày kết quả công việc. Do đó, tôi quản lý cửa hàng khá sát sao
mà mọi người vẫn nghĩ trong kinh doanh tôi rất “nhàn”. Điều quan trọng trong quản lý là: phải có
kiến thức tổng quát về ngành nghề, áp dụng công nghệ, làm việc có kế hoạch, không được nước
chảy bèo trôi Có kế hoạch cụ thể từng hạng mục, từng giai đoạn, phân tích tính khả thi và quản lý
rủi ro. Đây là những yếu tố tôi đặt lên hàng đầu trong kinh doanh”.
5. Chiến lược PR và chăm sóc khách hàng
Để quán trà hoa hoạt động tốt và thu hút khách hàng thì việc quảng bá hình ảnh là rất cần thiết. Đối
tượng chủ yếu của quán trà hoa là các bạn trẻ, trí thức. Do vậy, việc lập một website riêng, vừa là
nơi hội tụ những khách quen vừa là địa chỉ quảng bá hình ảnh quán là điều bạn nên làm. Bạn có thể
tham khảo các web như: trahoa.com.vn, diephoatra.com.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các hình thức giảm giá khi khai trương hoặc vào các ngày lễ, sự kiện
thu hút đông đảo giới trẻ. Tuy nhiên chất lượng, thái độ phục vụ cũng như điểm độc đáo của quán
trà sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân khách hàng.
Anh Vũ Hoàng Long - chủ chuỗi quán Trà hoa cho biết: “Trà hoa là mô hình kinh doanh mới nổi bởi
vậy cũng gây được sự chú ý của các cơ quan truyền thông, báo chí. Đây cũng là điểm thuận lợi để
thu hút khách hàng tìm đến. Tuy nhiên, hơn hết vẫn là thái độ và chất lượng phục vụ sẽ sẽ tạo sức
hút với khách hàng - “Hữu xạ tự nhiên hương”. Đối với khách hàng VIP, khách quen, quán cũng có
những chính sách ưu đãi riêng. Vào những ngày lễ, cửa hàng có thể tổ chức chương trình giảm giá
đối với khách hàng quen, thường xuyên lui tới quán và ghi lại cảm nhận của họ sau mỗi buổi”.
Theo kinh nghiệm của những người đã thành công với mô hình kinh doanh trà hoa, để mở quán trà
hoa, bạn cần có số vốn từ 300 - 500 triệu. Tuy nhiên, vốn không phải là vấn đề quan trọng nhất mà
“Bạn phải có sự am hiểu về lĩnh vực mình kinh doanh, ở đây là văn hóa trà. Với số vốn như vậy, bạn
phải lên bản kế hoạch đầu tư chi tiết cho từng hạng mục, từ mua nguyên liệu đến thuê địa điểm,
thiết kế quán, trang trí nội thất, tuyển dụng nhân viên” - anh Vũ Hoàng Long chia sẻ.
Nhìn lại chặng đường gần 5 năm, phải trải qua không ít khó khăn, thử thách để tạo dựng nên một
thương hiệu Trà hoa được khách hàng yêu mến như ngày hôm nay, ông chủ Vũ Hoàng Long chia
sẻ động lực lớn nhất của anh trong kinh doanh chính là ước mơ và niềm đam mê. “Hãy ước mơ thật
cao, song hãy làm từ những cái đơn giản nhất. Tôi bắt đầu kinh doanh bằng tình yêu, với mong
muốn giản dị là nhân rộng mô hình kinh doanh của mình ra cộng đồng. Đây cũng là triết lý sống của
tôi, làm cho càng nhiều người biết đến, càng nhiều người được hưởng lợi thì việc mình làm càng giá
trị, và bản thân sự giàu có chính là ở đó. Làm cái gì cũng phải làm hết mình và hiểu bản chất, chứ
không phải thấy người ta làm được thì mình cũng làm. Tôi luôn coi trà hoa là một phần cuộc sống
của mình, yêu nó thì mới truyền được cho nó nhựa sống từ chính mình để tiếp tục đi lên, phát triển”.
Anh Lê Văn Du - chủ quán trà Thiên Sơn cũng thẳng thắn bày tỏ: “Tâm lý chung của nhiều người khi
bắt đầu kinh doanh là thấy mô hình kinh doanh nào đó thành công và bắt chước làm. Tôi muốn gửi
lời khuyên các bạn trẻ rằng làm bất kể một việc gì muốn thành công trước hết phải yêu thích, đam
mê và nhiệt huyết với nó. Không phải tâm lý thấy họ đông mình về cũng mở. Đam mê cộng với hiểu
biết sẽ là động lực để phát triển”.
Còn bạn, nếu bạn thực sự yêu thích, đam mê nghệ thuật trà và đã sở hữu trong tay một số vốn nhất
định thì tại sao bạn lại không nghĩ tới việc mở quán trà hoa?