LUẬN VĂN:
Vấn đề kế thừa giá trị đạo đức truyền
thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre hiện nay
mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ luôn luôn giữ một vai trò hết sức
quan trọng. Họ vừa là người công dân, người lao động, vừa là người mẹ, người thầy
đầu tiên của con người. Khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, vị trí xã
hội, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển
của thế hệ tương lai, đến sự phồn vinh của quê hương, đất nước.
Chiếm hơn 50% dân số của tỉnh, phụ nữ Bến Tre đã góp phần quan trọng tạo
nên sự rạng rỡ của vùng đất “ba dải cù lao” anh hùng. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của
Đảng, phụ nữ Bến Tre đã viết nên những trang sử vô cùng oanh liệt, phát huy mạnh
mẽ truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Truyền thống ấy được
kế thừa và phát triển một cách sáng tạo trong suốt chiều dài lịch sử, làm hồi sinh lại
cuộc sống của quê hương sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, làm phong phú
thêm nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Đứng trước nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, đòi hỏi người phụ nữ
Bến Tre phải phấn đấu vươn lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện
đại, với đầy đủ những phẩm chất: yêu nước, có tri thức, có sức khoẻ, năng động,
sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng
đồng; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. “Người phụ nữ mới”
là sản phẩm của quá trình lịch sử, được lịch sử hun đúc nên, kết hợp hài hoà yếu tố
truyền thống với hiện đại. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn
quan tâm động viên, bồi dưỡng lực lượng và khả năng của người phụ nữ, phát huy
truyền thống của người phụ nữ Bến Tre, tạo mọi điều kiện thuận lợi vì sự tiến bộ của
phụ nữ. Trong điều kiện đó, phụ nữ Bến Tre đã có những bước tiến đáng kể so với
trước đây.
Bến Tre là một trong những tỉnh nghèo của miền Tây Nam Bộ, lại phải gánh
chịu hậu quả hết sức nặng nề của chiến tranh để lại. Chính điều đó đã ảnh hưởng
không nhỏ đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân Bến Tre nói
chung, người phụ nữ Bến Tre nói riêng, nhất là việc kế thừa và phát huy những giá
trị đạo đức truyền thống trong điều kiện mới. Mặt khác, trong xu thế hội nhập và
giao lưu quốc tế, sự phát triển của nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó
đã tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp xã hội đặc biệt là phụ nữ. Vấn đề việc làm, sự
đói nghèo, trình độ học vấn, sự hưởng thụ văn hoá; tệ nạn xã hội, buôn lậu, ma tuý,
mại dâm, hiện tượng bạo lực đối với phụ nữ đang là những vấn đề bức bách, nhất là
ở những vùng nông thôn trong đó có Bến Tre. Một bộ phận phụ nữ có đạo đức, lối
sống không lành mạnh, thiếu thuỷ chung, vô trách nhiệm với gia đình, đi ngược lại
giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Những tồn tại trên đã và
đang làm mai một dần giá trị đạo đức của phụ nữ Bến Tre nói riêng và đạo đức
người phụ nữ Việt Nam nói chung. Giải quyết vấn đề này là trách nhiệm của tất cả
các cấp, các ngành, trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là của chính các
thế hệ phụ nữ Bến Tre hôm nay và mai sau. Do vậy, việc nhận thức đúng đắn “Vấn
đề kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre hiện nay” là vấn
đề cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp giải phóng
phụ nữ, xây dựng người phụ nữ mới đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước
ngay trên mảnh đất "quê hương Đồng khởi - Bến Tre".
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Cho đến nay, về giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, giá trị đạo đức truyền
thống của phụ nữ Việt Nam và việc kế thừa chúng đã có nhiều công trình nghiên
cứu, tiêu biểu như sau:
- "Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam" của
GS. Trần Văn Giàu, Nxb Khoa học xã hội, 1980.
- "Đạo đức mới" GS. Vũ Khiêu chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
1974.
- "Đến hiện đại từ truyền thống" của GS. Trần Đình Hượu, Nxb Văn hóa, Hà
Nội, 1996.
Trong các công trình trên nhà nghiên cứu đã đưa ra những giá trị truyền
thống dân tộc nói chung được hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước của
dân tộc Việt Nam.
- "Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại" của Lê Thị Nhâm Tuyết - ủy ban Khoa
học Xã hội Việt Nam - Viện Dân tộc học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973.
- "Truyền thống phụ nữ Việt Nam" của GS. Trần Quốc Vượng, Nxb Văn hóa
- dân tộc, Hà Nội, 2000.
Các công trình này đi sâu nghiên cứu vai trò, những giá trị truyền thống của
phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử.
- "Ba cuộc cách mạng với vấn đề giải phóng phụ nữ" - Dương Thoa, Nxb
Phụ nữ, Hà Nội, 1976.
- "Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam" của Dương Thoa, Nxb Phụ nữ,
1982.
- "Chính sách xã hội đối với phụ nữ nông thôn (quy trình xây dựng và thực
hiện) - PTS. Lê Thị Vinh Thi chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
- "Phụ nữ nông thôn và việc phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp" -
GS. Lê Thi chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
- "Việc làm và đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam" của
GS. Lê Thi, Nxb Khoa học xã hội.
- "Phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.
Nhìn chung, các công trình này chủ yếu nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong
lĩnh vực kinh tế, chính trị và các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau.
Ngoài ra còn có một số bài viết liên quan đến vấn đề giá trị truyền thống dân
tộc và giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ, như:
- "Vấn đề khai thác các giá trị truyền thống vì mục tiêu phát triển" - GS.
Nguyễn Trọng Chuẩn, Tạp chí Triết học, số 2/1998.
- "Giá trị truyền thống - nhân lõi và sức sống bên trong của sự phát triển đất
nước, dân tộc" của PGS. Nguyễn Văn Huyên, Tạp chí Triết học, số 4/1998.
- "Sự biến đổi của thang giá trị đạo đức trong xã hội ta hiện nay và việc
nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ' của PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ và Nguyễn
Thế Kiệt, Tạp chí Cộng sản, số 15/1998.
- "Làm thế nào để phụ nữ trở thành chủ thể của quá trình đổi mới đất nước
hiện nay" của GS. Lê Thi, Khoa học về Phụ nữ, số 4/1996.
- "Phụ nữ Việt Nam bước vào thế kỷ XXI" của GS. Lê Thi, Tạp chí Cộng sản,
số 20/2000.
- "Về chuẩn mực người phụ nữ mới thời hiện đại" của GS. Lê Thi, Khoa học
về Phụ nữ, số 3/2004.
Ngoài ra, một số đề tài, luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu vấn
đề kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc nói chung, của phụ
nữ Việt Nam nói riêng, trong đó phải kể đến:
- "Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay", Đề tài
KX.07.02.
- "Kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình
chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay" của Nguyễn Văn Lý, Luận
án tiến sĩ Triết học, Hà Nội, 2000.
- "Kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam
trong tình hình hiện nay" của Lê Thị Minh Hiệp, Luận văn thạc sĩ Triết học, Hà Nội,
2000.
- "Phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo
đức mới cho người phụ nữ Việt Nam hiện nay" của Nguyễn Thị Lan, Luận văn thạc
sĩ Triết học, Hà Nội, 2001.
Năm 2000, tác giả Thạch Phương đã công bố kết quả nghiên cứu về phụ nữ
tỉnh Bến Tre qua cuốn sách "Phụ nữ Bến Tre". ở một mức độ khái quát, tác giả
Thạch Phương bước đầu đã giới thiệu và phân tích truyền thống phụ nữ Bến Tre qua
từng thời kỳ lịch sử, giúp cho người đọc có được một bức tranh về truyền thống phụ
nữ Bến Tre.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu "Vấn đề kế thừa
giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre hiện nay". Chính vì vậy, tôi lấy
đó làm đề tài nghiên cứu cho bản luận văn thạc sĩ của mình.
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn
- Mục đích của luận văn: Trên cơ sở phân tích thực trạng việc kế thừa giá trị
đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre, đưa ra một số giải pháp cơ bản để kế
thừa và phát huy có hiệu quả các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre
trong giai đoạn hiện nay.
- Nhiệm vụ của luận văn: Để đạt được mục đích trên, luận văn tập trung giải
quyết những nhiệm vụ sau:
+ Nêu một cách khái quát giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre
và cơ sở hình thành của chúng.
+ Bước đầu làm sáng tỏ nét đặc thù cũng như tính tất yếu của việc kế thừa
các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre trong giai đoạn hiện nay.
+ Phân tích thực trạng của việc kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ
nữ Bến Tre, tìm ra những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân của nó.
+ Đề xuất một số giải pháp cơ bản giúp cho việc kế thừa các giá trị đạo đức
truyền thống của phụ nữ Bến Tre đạt hiệu quả hơn nữa.
- Phạm vi nghiên cứu của luận văn:
+ Vấn đề kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ ở phạm vi Phụ
nữ tỉnh Bến Tre.
+ Chỉ kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống nổi bật của phụ nữ Bến
Tre.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
- Cơ sở lý luận: Thực hiện luận văn này, tác giả dựa trên quan điểm của chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam
về đạo đức, về phụ nữ, nhất là về vấn đề kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ
nữ Việt Nam.
- Phương pháp nghiên cứu: Luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp duy vật
biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp lịch sử - lôgíc, phân tích - tổng hợp,
diễn dịch - quy nạp.
5. Đóng góp mới của luận văn
- Luận văn nêu lên nét đặc thù của những giá trị đạo đức truyền thống nổi bật
ở người phụ nữ Bến Tre và tính tất yếu của việc kế thừa chúng trong giai đoạn hiện
nay.
- Góp phần làm rõ sự vận động và phát triển về nội dung của các giá trị đạo
đức truyền thống phụ nữ Việt Nam thông qua việc kế thừa chúng của phụ nữ tỉnh
Bến Tre.
6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
- Luận văn góp phần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc kế thừa và
phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre trong sự nghiệp CNH,
HĐH đất nước.
- Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho các cấp ủy đảng, chính quyền,
các ngành của tỉnh Bến Tre trong việc xây dựng chiến lược, sách lược phát huy
truyền thống phụ nữ Bến Tre trong phong trào "Đồng khởi mới".
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2
chương, 4 tiết.
Chương 1
Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre
và tính tất yếu của việc kế thừa chúng
trong giai đoạn hiện nay
1.1. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre
1.1.1. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam
Quan niệm về giá trị và giá trị đạo đức
Những hiểu biết đầu tiên về giá trị xuất hiện tương đối sớm trong lịch sử nhận
thức của nhân loại và gắn liền với triết học. Đến cuối thế kỷ XIX, giá trị học mới tách ra
thành một khoa học độc lập và thuật ngữ giá trị được dùng để chỉ một khái niệm của khoa
học độc lập. Theo một số từ điển nước ngoài và trong nước, khái niệm "giá trị" thường tập
trung vào những nhận thức sau:
Từ điển Triết học của Liên Xô (cũ) định nghĩa:
Giá trị - những định nghĩa về mặt xã hội của khách thể trong thế giới
chung quanh, nhằm nêu bật tác dụng tích cực hoặc tiêu cực của các khách thể
ấy đối với con người và xã hội (cái lợi, thiện và ác, cái đẹp, cái xấu nằm
trong những hiện tượng của đời sống xã hội hoặc tự nhiên). Xét bề ngoài, các
giá trị là các đặc tính của sự vật hoặc của hiện tượng, tuy nhiên, chúng không
phải là cái vốn do thiên nhiên ban cho sự vật, hiện tượng, không phải đơn
thuần do kết cấu bên trong của bản thân khách thể, mà do khách thể bị thu
hút vào phạm vi tồn tại xã hội của con người và trở thành cái mang những
quan hệ xã hội nhất định. Đối với chủ thể (con người), các giá trị là những
đối tượng lợi ích của nó, còn đối với ý thức của nó thì chúng đóng vai trò
những vật định hướng hằng ngày trong thực trạng vật thể và xã hội, chúng
biểu thị các quan hệ thực tiễn của con người đối với các sự vật hiện tượng
chung quanh [59, tr.52].
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Xô viết:
Giá trị là sự khẳng định hoặc phủ định ý nghĩa của các đối tượng thuộc
thế giới chung quanh đối với con người, giai cấp, nhóm hoặc toàn bộ xã hội
nói chung. Giá trị được xác định không phải bởi bản thân các thuộc tính tự
nhiên, mà là bởi tính chất cuốn hút (lôi cuốn) của các thuộc tính ấy vào phạm
vi hoạt động sống của con người, phạm vi các hứng thú và nhu cầu, các mối
quan hệ xã hội, các chuẩn mực và phương thức đánh giá ý nghĩa nói trên
được biểu hiện trong các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức , trong lý tưởng,
tâm thế và mục đích [59, tr.51-52].
Trong Từ điển Tiếng Việt, giá trị được định nghĩa như sau:
Cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào
đó.
Tác dụng và hiệu lực.
Lao động xã hội kết tinh trong sản phẩm hàng hóa.
Số đo của một đại lượng [58, tr.407].
Như vậy, giá trị được hiểu theo nhiều nghĩa và được tiếp cận dưới nhiều góc độ
khoa học khác nhau. Song, quan niệm về giá trị chủ yếu vẫn được xem xét thông qua
lăng kính triết học.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã nhấn mạnh bản chất xã hội, tính lịch sử, tính nhận
thức được và tính thực tiễn của giá trị, của các lý tưởng, các chuẩn mực của đời sống
con người. Giá trị không phải là ý niệm về sự vật hay chuẩn mực chủ quan về sự vật lý
tưởng mà là những hiện tượng xã hội có tính đặc thù, là ý nghĩa hiện thực của sự vật đối
với con người. Giá trị xuất hiện từ mối quan hệ xã hội giữa chủ thể và đối tượng, nghĩa
là từ thực tiễn của con người xã hội. Mọi giá trị đều có nguồn gốc từ lao động sáng tạo
của quần chúng.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, có thể xem giá trị là những thành tựu
của con người góp vào sự phát triển đi lên của lịch sử xã hội, phục vụ cho lợi ích và
hạnh phúc của con người. Giá trị vì thế được xác định bởi sự đánh giá đúng đắn của con
người.
Giá trị là các ý tưởng về các loại mục đích hay các loại lối sống của một
cá thể, hay được chia sẻ trong một nhóm hay toàn xã hội, được cá thể, nhóm
hoặc xã hội mong muốn coi là có ý nghĩa. Đó là những chất lượng cơ bản để
bảo đảm con đường sống các chuẩn tối thượng chỉ đạo mọi hoàn cảnh thực
tiễn. Như vậy, giá trị ở đây được coi là các giá trị bảo đảm cuộc sống, nói
chung là các giá trị tích cực bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp [17, tr.60].
Tuy nhiên, cũng có cách nhìn rộng hơn, coi bất cứ cái gì tốt hay xấu, thật hay
giả, đều là giá trị. ở góc độ này, giá trị có tính hai mặt: mặt tích cực (những trường
hợp nó định hướng tích cực cho hoạt động của con người nhằm đạt tới những mục đích
nhân đạo, cao đẹp của đời sống), và mặt tiêu cực (ta thường gọi là "giá trị trái dấu" hay
"phản giá trị"). Thường khi nói "giá trị" người ta chỉ quan tâm đến mặt tích cực của nó
mà thôi.
Qua các khái niệm về giá trị , chúng ta có thể khái quát một số điểm sau:
Mọi sự vật, hiện tượng đều có thể xem là có giá trị, dù là vật thể hay tư tưởng
miễn nó được người ta thừa nhận, cần đến nó như một nhu cầu và góp phần vào sự phát
triển xã hội. Với ý nghĩa như thế đã loại trừ những giá trị thuần túy mang tính hưởng
lạc.
Giá trị vừa mang tính khách quan vừa mang tính lịch sử - xã hội. Sự xuất hiện
hay mất đi của giá trị không phụ thuộc vào ý thức của con người (chủ thể) mà nó do yêu
cầu của thực tiễn, của từng thời đại lịch sử trong đó con người sống và hoạt động.
Dù mang tính khách quan như thế nhưng giá trị không phải là cái gì có tính chất
cố hữu, vốn nằm ở bản thân các hiện tượng thiên nhiên như vẻ đẹp của mây, nước,
trăng, hoa, như lợi ích của núi, sông, rừng, biển Giá trị của sự vật, hiện tượng là kết
quả của mối quan hệ không tách rời của chủ thể và khách thể. Thông thường khách thể
là nguồn gốc của sự hình thành và tồn tại giá trị, còn chủ thể và mối quan hệ giữa chủ
thể với khách thể là điều kiện tồn tại, phát triển các giá trị của khách thể.
Có thể nói, giá trị là một phạm trù mang bản chất người, nó được xác định trong
mối quan hệ thực tiễn của con người, xuất phát từ thực tiễn và được thực tiễn kiểm
nghiệm. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý về bản chất và về giá trị của khách thể.
Song, trong mọi giá trị đều chứa đựng yếu tố nhận thức, yếu tố tình cảm và yếu tố hành
vi của chủ thể trong mối quan hệ với sự vật, hiện tượng mang giá trị, thể hiện sự lựa
chọn của chủ thể. Vì thế, thiên nhiên chỉ trở thành đẹp và có ý nghĩa giá trị khi nó được
đặt trong mối quan hệ thực tiễn với con người xã hội.
Như vậy, “Nói đến giá trị là muốn khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện,
nghĩa là bao hàm quan điểm coi giá trị gắn liền với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp; là
nói đến cái có khả năng thôi thúc con người hành động và nỗ lực vươn tới" [4, tr.16].
Do đó, giá trị đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó là cơ sở,
chuẩn mực để con người dựa vào lựa chọn cách thức suy nghĩ, xác định mục đích và
phương hướng cho hoạt động của mình phù hợp với cái chung của xã hội. Giá trị thể
hiện ý kiến và hành vi của cả cộng đồng người trong việc lựa chọn, chấp nhận kế hoạch
phát triển xã hội. Vì vậy, sự phát triển các giá trị con người là nhân tố cơ bản đối với sự
phát triển quốc gia.
Trong việc nghiên cứu giá trị, tùy theo mục đích tiếp cận mà người ta phân loại
giá trị theo cách riêng của mình. Căn cứ vào sự thoả mãn nhu cầu vật chất hay nhu cầu
tinh thần của con người, người ta chia thành giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Đây là
cách phân chia khá phổ biến.
Giá trị vật chất thể hiện rõ nhất trong đời sống kinh tế, quyết định sự tồn tại và
phát triển của xã hội loài người. Song, con người không chỉ biết sống mà còn sống đẹp,
vượt lên trên những nhu cầu vật chất, hướng tới những giá trị tinh thần cao đẹp.
Trong giá trị tinh thần của xã hội, người ta thường đề cập đến các loại giá trị như:
giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức, đánh dấu sự phát triển về mặt chân -
thiện - mỹ của đời sống xã hội. Đó là những quan hệ tốt đẹp mà xã hội đã đạt được
nhằm phát triển và hoàn thiện đời sống xã hội. Giá trị khoa học gắn với quá trình con
người vươn lên nắm bắt bản chất, quy luật của hiện thực khách quan để ngày càng làm
chủ những điều kiện sinh hoạt tự nhiên và xã hội của mình. Giá trị thẩm mỹ gắn với nhu
cầu thưởng thức, đánh giá, hưởng thụ và sáng tạo cái đẹp trong cuộc sống và trong nghệ
thuật. Giá trị đạo đức gắn với nhu cầu điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân và xã hội theo
hướng tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
Có thể nói, “ Giá trị đạo đức là những cái được con người lựa chọn và đánh giá
như việc làm có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội được lương tâm đồng tình và
dư luận biểu dương” [44, tr.62].
Bản thân giá trị đạo đức, xét về mặt thời gian có thể chia thành giá trị đạo đức
truyền thống và giá trị đạo đức hiện đại. Mỗi dân tộc đều có truyền thống của mình do
lịch sử tạo nên. Truyền thống là sản phẩm của quá trình phát triển của mỗi dân tộc. Nó
là điều kiện để duy trì và phát triển cuộc sống. Đó là những đức tính hay những thói tục
kéo dài nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ lịch sử, có nhiều tác dụng, có thể tích cực cũng có
thể tiêu cực. Như vậy, truyền thống có cái tốt, cái xấu, vì thế mà C.Mác nói rằng:
"Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người
đang sống" [37, tr.145]. Còn Ph.Ăngghen coi "Truyền thống (lạc hậu) còn là thế lực
trong khoa học tự nhiên nữa" [39, tr.468]. Với Hồ Chí Minh, "thói quen và truyền thống
lạc hậu là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể
trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất khó chịu, rất lâu dài" [41, tr.287].
Nhưng khi nói đến “giá trị truyền thống” người ta chỉ muốn nói đến cái tốt, bởi lẽ trong
ý nghĩa đích thực của nó chỉ những cái tốt, đẹp mới được gọi là giá trị truyền thống.
Song, không phải mọi cái tốt đều gọi là giá trị truyền thống mà phải là những cái tốt phổ
biến, cơ bản có nhiều tác dụng tích cực cho đạo đức luân lý, có cả tác dụng hướng dẫn
sự nhận định và hành động của con người chúng được lưu truyền từ thế hệ này qua thế
hệ khác.
Quan niệm về giá trị đạo đức truyền thống
Giá trị đạo đức truyền thống là một bộ phận trong hệ giá trị tinh thần của dân tộc. Nó
chiếm vị trí nổi bật, là yếu tố cốt lõi của hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam, thể hiện
nét đặc thù của đạo đức Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp đã hình thành và lưu truyền
qua nhiều thế hệ. Các giá trị đạo đức truyền thống là kết quả của các mối quan hệ giữa người
với người, của những điều kiện sinh hoạt vật chất nhất định. Mỗi giá trị đều góp phần vào
việc tạo nên nét riêng biệt của con người Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Trong suốt mấy nghìn
năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thử thách, hy sinh để đấu
tranh cho sự tồn tại và phát triển của mình. Đất nước Việt Nam không chỉ là nơi ở, nơi sinh
sống mà còn là thành quả kết tinh từ mồ hôi nước mắt, xương máu của biết bao thế hệ người
Việt Nam. Nó thăng hoa trong tâm thức người Việt Nam thành Tổ quốc thiêng liêng, thành
quê hương yêu dấu. Những điều kiện lịch sử - xã hội ấy là cơ sở cho sự hình thành và phát
triển các giá trị đạo đức truyền thống mang bản sắc Việt Nam. Lòng yêu quê hương, đất nước
của con người Việt Nam được bắt nguồn từ đó; tinh thần cố kết cộng đồng, lối sống tình
nghĩa của dân tộc Việt Nam cũng bắt xuất phát từ đây Đó là những giá trị đạo đức truyền
thống bền vững, trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nó luôn luôn được bồi đắp thêm bởi
những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhất là khi có sự du nhập của Chủ nghĩa Mác – Lênin,
sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ý nghĩa đó, từ lâu, giá trị đạo đức truyền
thống Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.
Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng:
Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc là những nguyên lý đạo đức
lớn mà con người trong nước thuộc các thời đại, các giai đoạn lịch sử đều dựa
vào để phân biệt phải trái, để nhận định nên chăng nhằm xây dựng độc lập, tự
do và tiến bộ của dân tộc đó. Cũng là những nguyên lý đạo đức đã tàng ẩn trong
tâm trí sâu xa của mỗi người dân trong nước, khiến họ tự nhiên phản ứng đúng
với lẽ phải, đúng với quyền lợi và danh dự dân tộc khi phải đụng chạm một sự
cố nào [16, tr.50-51].
Và giáo sư khẳng định, dù trải qua bao vật đổi sao dời, từ thời Văn Lang xa xưa
cho đến thời hiện đại, hễ nói đến giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta là nói: yêu
nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.
Giáo sư Vũ Khiêu thì cho rằng, giá trị đạo đức truyền thống cao đẹp của dân tộc
ta bao gồm: lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù và sáng tạo, tinh
thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng con người, trong đó yêu nước là bậc thang
cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc.
Theo GS. Nguyễn Hồng Phong, tính cách dân tộc gần như là tất cả nội dung của
giá trị đạo đức truyền thống, bao gồm: tính tập thể - cộng đồng; trọng đạo đức; cần
kiệm, giản dị, thực tiễn; tinh thần yêu nước bất khuất và lòng yêu chuộng hòa bình,
nhân đạo; lạc quan [47, tr.453-454].
Ngoài ra, giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cũng được đề cập đến trong một số
văn kiện của Đảng. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã khẳng định: "Những giá trị văn
hóa truyền thống vững bền của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức
cộng đồng sâu sắc, đạo lý "thương người như thể thương thân", đức tính cần cù, vượt
khó, sáng tạo trong lao động" [10, tr.19]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (khóa VIII) một lần nữa khẳng định:
Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của
cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn
năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí
tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia
đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý,
đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị
trong lối sống [12, tr.56].
Từ những quan niệm của các nhà khoa học và quan điểm của Đảng ta về giá trị
đạo đức truyền thống, có thể khẳng định các giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của
dân tộc ta bao gồm: yêu nước, anh hùng; lòng nhân ái, khoan dung; tinh thần đoàn kết;
cần cù sáng tạo Trong đó, yêu nước là giá trị cốt lõi, giá trị hàng đầu của bậc thang giá
trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam. Nó là tiêu điểm của các tiêu điểm, là sợi chỉ
đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử của dân tộc ta, là động lực tình cảm lớn nhất trong đời
sống của mỗi con người Việt Nam.
Đối với người phụ nữ Việt Nam, các giá trị đạo đức của họ không tách rời những
giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Bởi lẽ, truyền thống và tinh hoa của phụ nữ là
sự biểu hiện truyền thống và tinh hoa của dân tộc, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng
định: “Phụ nữ là người có tính dân tộc hơn ai hết, và cái đẹp đẽ vĩ đại của dân tộc Việt
Nam, trước hết là của phụ nữ Việt Nam” [57, tr.16]. Điều đó được lý giải qua những cơ
sở hình thành các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam
Lịch sử phụ nữ Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của lịch sử dân tộc. Vì vậy, đạo
đức phụ nữ Việt Nam phải gắn liền với đạo đức dân tộc, nó được hình thành từ hoàn
cảnh lịch sử của dân tộc và thông qua vai trò của người phụ nữ trong lịch sử đấu tranh
dựng nước và giữ nước.
Thứ nhất, vai trò của người phụ nữ trong lao động sản xuất
Trong thời kỳ nguyên thủy, sức sản xuất thấp kém, con người chỉ có thể tồn tại
và phát triển được khi lao động gắn với cộng đồng. Mọi người cùng săn bắt và hái lượm
nhưng người phụ nữ giữ vai trò quan trọng. Kinh tế hái lượm chủ yếu do những người
phụ nữ đảm trách, còn săn bắt dần trở thành chức nghiệp chủ yếu của đàn ông. Sự phân
công lao động theo giới tính phát sinh và phát triển dần lên trong lòng xã hội cộng sản
nguyên thủy.
Nghề săn bắt muông thú ngày càng gặp nhiều khó khăn, đôi khi người đàn ông
không tìm được nguồn thức ăn nào cho cộng đồng. Khi đó, những người đàn bà hái
lượm, đào tìm những hạt, cây, rễ, củ, bắt trai, sò, ốc, hến, tôm cua, là những sản vật
không quá hiếm trong thiên nhiên nhiệt đới của nước ta trở nên có hiệu quả. Dần dần,
vai trò đảm nhiệm nguồn thức ăn thường xuyên và quan trọng về số lượng cho các tập
đoàn người nguyên thủy chủ yếu thuộc về phụ nữ. Ngay từ buổi đầu, vai trò này đã thể
hiện tinh thần sẵn sàng gánh vác công việc chung của người phụ nữ Việt Nam.
Người phụ nữ còn thể hiện vai trò quan trọng của mình đối với sự sinh tồn của cộng
đồng người nguyên thủy trong việc phát hiện ra nghề đánh cá, chăn nuôi và nghề gốm. Đặc
biệt, nghề gốm ra đời đã đánh dấu bước phát triển, thể hiện sự khéo léo sáng tạo của người
phụ nữ Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, xã hội, nghệ thuật
trong sản xuất vật phẩm tiêu dùng ở nước ta.
Trong nền kinh tế hái lượm, từ chỗ hái lượm tự nhiên, người phụ nữ nguyên thủy
tiến dần đến hái lượm theo mùa. Tiến thêm một bước nữa, với những công cụ lao động
bằng lưỡi rìu, cuốc đá, gậy nhọn bằng tre, gỗ, người phụ nữ đã trồng các loại cây ăn
quả. Nghề nông nguyên thủy ra đời, bao gồm cả việc trồng lúa và những loại cây lương
thực khác. Dưới bàn tay của người phụ nữ nguyên thủy, nhiều loại lúa hoang đã trở
thành tổ tiên của các giống lúa ngày nay. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều dân
tộc, thần lúa nói riêng và thần nông nghiệp nói chung đều mang hình tượng người phụ
nữ.
Kinh tế nông nghiệp ra đời đánh dấu bước phát triển mới của nền kinh tế nguyên
thuỷ, cung cấp nguồn thức ăn thường xuyên và ổn định cho con người. Tuy nhiên, nó
vẫn do phụ nữ đảm nhiệm song song với việc hái lượm của mình. Nghề nông nguyên
thuỷ với quy mô nhỏ, đòi hỏi sự mềm mại, dẻo dai, cần cù, điều này phù hợp với thể
chất và thiên tính của người phụ nữ. Với sự đảm nhiệm và chăm sóc của người phụ nữ
nguyên thuỷ, nông nghiệp dần dần phát triển. Sự phát triển nền kinh tế nông nghiệp là
kết quả của quá trình lao động phức tạp và vất vả mà người phụ nữ phải gánh vác. Hình
ảnh người phụ nữ Việt Nam trước hết là hình ảnh của con người lao động chân lấm tay
bùn, dãi nắng dầm sương, chịu đựng gian khổ từ đời này qua đời khác. Chính trong
hoàn cảnh khó khăn của buổi đầu lịch sử đã hình thành nên những phẩm chất đạo đức
đặc sắc của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, sáng tạo, cần cù, nhẫn nại, chịu thương
chịu khó, tinh thần làm chủ, ý thức cộng đồng Những phẩm chất, những giá trị đó
được kế thừa và phát huy mãi đến ngày nay trở thành một trong những giá trị đạo đức
truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Thứ hai, vai trò của người phụ nữ trong đánh giặc giữ làng, giữ nước
Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam, dựng nước gắn liền với
giữ nước. Chống xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do, đó là điều kiện tiên quyết để dân tộc
ta tồn tại và phát triển. Có thể khẳng định rằng, những người đầu tiên đứng lên giành
độc lập cho Tổ quốc là phụ nữ. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” là truyền thống đặc
biệt của phụ nữ Việt Nam từ thời đại Hùng Vương - Trưng Vương dựng nước đến thời
đại Hồ Chí Minh chống Mỹ cứu nước. Lịch sử đã khắc sâu một chân lý: Phụ nữ Việt
Nam không chỉ lo việc nhà mà còn lo việc nước. Bởi lẽ, ở Việt Nam, nước và nhà, làng
và nước không bao giờ tách rời nhau, đó là những tiếng thân thương, quen thuộc trong
tâm thức của người Việt Nam, nó biểu thị rõ rệt và cô đúc sự gắn bó của các tổ chức xã
hội Việt Nam xưa. Con người ở đây ý thức được rằng: nước mất thì nhà tan. Vì thế, cứu
nước không chỉ là nhiệm vụ của đàn ông mà đàn bà cũng lo cứu nước. Mặt khác, trong
các cuộc chiến tranh, bọn xâm lược trực tiếp đánh vào người phụ nữ, chà đạp nhân
phẩm, cướp đi quyền sống, quyền làm mẹ của họ, chúng không chỉ “Nướng dân đen
trên ngọn lửa hung tàn” mà còn “Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Trước tai hoạ trực
tiếp đó, người phụ nữ chỉ còn con đường quyết liệt đấu tranh, đứng lên cầm vũ khí,
tham gia vào những cuộc đấu tranh chống xâm lược.
Trong suốt chiều dài hơn bốn nghìn năm lịch sử, biết bao thế hệ phụ nữ đã trở
thành chiến sĩ trong những lần vận nước gặp nguy nan, từ đội ngũ nữ tướng thời Bà
Trưng đến “đội quân tóc dài” thời đại mới.
Hai Bà Trưng và các nữ tướng của hai bà là những người mẹ, người chị, những
người con gái Việt Nam đã nêu cao tấm gương “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm
đang”. Đấy là những con người “sinh vi tướng, tử vi thần”, những nữ anh hùng tiêu biểu
cho tinh hoa dân tộc trong giai đoạn phôi thai của lịch sử.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 41-43) là sự phủ định hiên ngang cái thế
“bình thiên hạ” của triều đại nhà Hán, đồng thời khẳng định chắc chắn sự nghiệp giành độc
lập tự chủ của dân tộc và mở đường cho các thế kỷ sau đi tới thắng lợi. Sử gia Lê Văn Hươu
sau này có viết: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập
quốc xưng vương dễ như giở bàn tay" [29, tr.40].
Góp phần vào ngọn nguồn của truyền thống đánh giặc của phụ nữ Việt Nam xưa,
200 năm sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của “Vua bà” Triệu
Thị Trinh, cuộc khởi nghĩa ấy một lần nữa khẳng định ý chí tự chủ, tinh thần độc lập
dân tộc và khí phách của người phụ nữ Việt Nam với câu nói bất hủ: Tôi muốn cưỡi cơn
gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành
lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người.
Truyền thống đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu đã được phụ nữ Việt Nam kế
thừa và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không chỉ có một Trưng Vương, một
“Vua bà” mà còn có hàng vạn Trưng Vương, hàng vạn “Vua bà” vô danh khác đã góp
phần xương máu của mình làm cho dòng truyền thống đánh giặc giữ nước quý báu này
phát triển mạnh mẽ và liên tục.
Trong quá trình chiến đấu lâu dài, người phụ nữ xưa đã rèn luyện và bộc lộ khí
phách anh hùng, tinh thần dũng cảm, ý chí bất khuất, kiên cường, tạo nên truyền thống
quang vinh của phụ nữ Việt Nam. Với thứ vũ khí tinh thần không gì sánh nổi ấy, những
người phụ nữ bị coi là “chân yếu tay mềm” đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là
những con người yêu nước sâu sắc, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh. Đó là
những con người bất khuất, kiên cường không sức mạnh nào có thể khuất phục được.
Tất cả những đức tính đặc sắc của người chiến sĩ - phụ nữ Việt Nam đã tạo nên hình
tượng thơ bi tráng:
Trên đất nước nghìn năm máu chảy
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm.
Chính hoàn cảnh lịch sử đó đã hình thành nên những giá trị đạo đức phổ quát và
bền vững ở người phụ nữ Việt Nam: Lòng yêu nước nồng nàn, khí phách anh hùng, kiên
cường, bất khuất và ý chí tự cường dân tộc.
Thứ ba, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội
Người phụ nữ xưa không chỉ là con người lao động đảm đang, con người chiến sĩ
dũng cảm mà còn là con người nội trợ trung hậu, gánh vác mọi công việc gia đình và xã
hội.
Trước khi có sự phân công lao động theo giới tính, đã có sự phân công giữa đàn
ông và đàn bà trong việc bảo tồn và duy trì nòi giống. Trong điều kiện sinh hoạt cộng
đồng của người nguyên thủy, người phụ nữ vừa thường xuyên lao động sản xuất, đảm
nhiệm chức năng kinh tế vừa gánh vác cả chức năng sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Đấy là
chức năng thiêng liêng của người phụ nữ, đồng thời cũng là một loại lao động nặng
nhọc không ai có thể thay thế. Người phụ nữ Việt Nam là những người mẹ hiền, tình
cảm dành cho con như biển trời rộng lớn. Con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, vui chơi,
chăm chỉ học hành là nguồn hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ. Có ai yêu con hơn
những người mẹ, người đã suốt đời tảo tần khuya sớm, nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi nấng,
săn sóc dạy dỗ con cái. Người đã gửi vào con tất cả những ước mong và hạnh phúc.
Trong gia đình, phụ nữ là người thường xuyên, trực tiếp nuôi dạy con cái, là người thầy,
nhà giáo dục đầu tiên của con người.
Cùng với việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái, phụ nữ nguyên thủy còn gánh vác cả
những công việc trong nhà. Trước hết là việc sửa sang nơi ăn chốn ở, chế biến, phân
chia và dự trữ thức ăn, từ việc giữ lửa, nấu nướng thức ăn cho cả gia tộc, đến việc xây
dựng hang ở, cửa nhà. Sau đó là đảm nhiệm kinh tế gia đình, cung cấp những nhu cầu
vật dụng quan trọng cho xã hội nguyên thủy. Với hình ảnh của nữ Thần Lửa và nữ thần
nghề mộc trong thần thoại Việt Nam, nếu lột bỏ cái vỏ thần linh đi, sẽ thấy hình ảnh của
những con người nội trợ đảm đang, gánh vác công việc gia đình và xây dựng cuộc sống
gia đình ấm no hạnh phúc. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam ta quan
niệm gia đình là “tổ ấm” của mỗi con người.
Tuy nhiên, vai trò của người phụ nữ trong việc đảm nhiệm, phụ trách toàn bộ thể
chế và đời sống tinh thần của gia đình mới là lĩnh vực kết tinh đức tính đảm đang của
người phụ nữ Việt Nam. ở đây, phụ nữ là những người vợ thủy chung son sắt với chồng,
những người mẹ hy sinh trọn vẹn cho con cái, những người con gái, con dâu nết na thảo
hiền đối với bậc trên. Đấy là hình ảnh của con người nội trợ trung hậu, đảm đang. Sự
trung hậu ở đây thể hiện thông qua vai trò lịch sử của người phụ nữ đối với gia đình
Việt Nam mà họ đã đảm nhiệm một cách tự nhiên và bình dị. Đó là cơ sở quan trọng để
hình thành nên những giá trị đạo đức truyền thống: anh hùng, bất khuất, đảm đang, tần
tảo, yêu chồng, thương con, thủy chung son sắt, đức hy sinh cao cả của người phụ nữ
Việt Nam.
Người phụ nữ xưa không chỉ lo cho cuộc sống gia đình mà còn đảm nhiệm cả
những công việc xã hội, tổ chức và quản lý xã hội. Họ giữ vai trò hòa giải, phân xử
những mâu thuẫn trong nội bộ thị tộc, đồng thời giao thiệp và giải quyết những “công
việc đối ngoại” với thị tộc khác. Chính phụ nữ luôn là sứ giả hòa bình bởi họ mềm mại,
khéo léo, dịu dàng hơn ai hết. Vai trò đó càng tô đậm thêm nét đẹp của những truyền
thống quý báu: đảm đang, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, ở người phụ nữ.
Truyền thống ấy ngày càng được bồi đắp và phát triển phong phú, tạo nên danh hiệu cao
quý cho người phụ nữ Việt Nam hiện đại “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Chính vai trò quan trọng của người phụ nữ trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, đã
hun đúc nên những phẩm chất đạo đức truyền thống cao đẹp ở người phụ nữ Việt Nam.
Vai trò ấy là một sự thật khách quan mà cả dân tộc ta đã khẳng định. Có thể hình dung
ra ba con người khác nhau mà thống nhất, tập trung ở người phụ nữ Việt Nam: con
người lao động đảm đang, con người chiến sĩ dũng cảm, anh hùng, con người nội trợ
trung hậu. Hình ảnh ấy được hình thành và ổn định trong suốt quá trình lịch sử lâu dài.
Ngày nay, những người phụ nữ hiện đại mang trong mình truyền thống đó và ngày càng
tự giác phát huy mạnh mẽ trong hoàn cảnh mới.
1.1.2. Những giá trị đạo đức truyền thống nổi bật của người phụ nữ Bến Tre
Giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Bến Tre không nằm ngoài những
giá trị đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Nổi bật vẫn là truyền thống anh hùng, bất
khuất, trung hậu, đảm đang, thủy chung được phụ nữ Bến Tre kế thừa và phát huy trong
điều kiện sinh hoạt vật chất xã hội của vùng đất ba dải cù lao. Có thể nói, những giá trị
đạo đức truyền thống ấy là hệ quả tất yếu của lòng yêu nước nồng nàn tiềm ẩn trong
mỗi con người phụ nữ Bến Tre, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của quê
hương. Nó thẩm thấu và đan xen nhau tạo nên nét độc đáo ở người phụ nữ: vừa dịu hiền
vừa anh hùng, bất khuất.
Truyền thống trung hậu, đảm đang, thủy chung ở người phụ nữ Bến Tre
Bến Tre là một vùng đất mới với những cù lao lớn, đất đai màu mỡ, lại nằm ở
cuối dòng Cửu Long, cận biển hội đủ những điều kiện tốt để những lưu dân đến khai
phá sớm định cư. Tuy nhiên, công cuộc khai hoang, mở đất đâu chỉ có thuận lợi, những
ưu đãi của thiên nhiên, con người nơi đây còn phải đương đầu với bao khó khăn và khắc
nghiệt. Với khát vọng đổi đời, ý chí vươn lên kiến tạo một cuộc sống ấm no hạnh phúc,
họ đã vượt lên trên mọi hoàn cảnh. Từ một vùng đất hoang vu, xứ sở lạ lùng, sình lầy
đầy thú dữ, đến nỗi “con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”, mảnh đất cù lao
đã trở thành một vùng đất kinh tế trù phú, ruộng vườn tươi tốt. Đó là kết quả của công
sức khai phá và tạo dựng của biết bao thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau bền bỉ và
nhẫn nại, bằng sức lực, trí tuệ và lòng dũng cảm vô song, thậm chí cả bằng sinh mạng
của mình.
Công cuộc chinh phục vùng đất hoang vu này là cuộc chiến đấu vượt qua mọi trở
lực, khắc phục mọi hiện tượng tự nhiên bất lợi khi con người chưa nắm bắt được quy
luật của nó. Chỉ có những con người có ý chí, lòng dũng cảm, mưu trí, cần mẫn, sáng
tạo cùng với tinh thần đoàn kết mới có thể vượt qua để tồn tại và phát triển. Chính cuộc
đọ sức kiên trì và quyết liệt này là nhân tố thử thách, đào luyện nên bản sắc và tính cách
con người nơi đây.
Với tư cách là một lực lượng xã hội, cùng với nam giới, phụ nữ đã gánh vác một
phần rất quan trọng trong công cuộc mở đất. Với thiên chức đặc thù của giới nữ, người
phụ nữ đã đảm trách những công việc gia đình, chăm lo đời sống vật chất và nuôi dạy
con cái. Ngoài ra, phụ nữ còn gánh vác nhiều công việc thuộc các lĩnh vực khác nhau
của đời sống xã hội. Trong điều kiện vật chất còn khó khăn, người phụ nữ phải trực tiếp
tham gia trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt Họ là những người tần tảo sớm hôm, buôn
gánh bán bưng, chống chèo trên sông rạch. Đấy là hình ảnh của “thân cò lặn lội”, âm
thầm chịu đựng gian khổ để nuôi chồng, nuôi con.
Với tinh thần tự lực, tự cường, ý chí phấn đấu vươn lên, người phụ nữ nơi đây
đảm nhiệm cả những nghề thủ công, đặc biệt là nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt
lụa. Dưới bàn tay khéo léo và mềm mại, đức tính kiên trì và nhẫn nại, họ đã tạo nên
những sản phẩm nổi tiếng mang dáng dấp của quê hương xứ dừa. Có thể nói, hành trang
chủ yếu của những người đi khai phá vùng đất mới này chỉ có những kinh nghiệm sản
xuất đã được tích lũy nơi quê cũ nhưng họ đã tự lực cánh sinh vượt lên mọi hoàn cảnh.
Khi cuộc sống ổn định, chính họ là những người tự tổ chức và quản lý đời sống nơi đây.
Điều kiện sinh hoạt đó đã tôi luyện ở người phụ nữ, hình thành nên truyền thống đảm
đang của họ. Đảm đang không chỉ là sự gánh vác, lo toan mọi việc mà nó thể hiện cả sự
khéo léo, sắp xếp, tổ chức đời sống gia đình, giáo dục con cái của người phụ nữ. Họ
không những dạy chữ cho con mà còn giáo dục con cái đạo làm người, trách nhiệm
công dân, lòng yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, hướng đến các giá trị chân-
thiện- mỹ.
Mẹ Lê Thị Mẫn là người phụ nữ Bến Tre yêu con hết lòng nhưng nghiêm khắc
với con hết mực. Mẹ góa chồng từ lúc còn rất trẻ nhưng một mình tần tảo lo cho ba con
ăn học thành tài trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Người con trai làm quan gửi quà
biếu mẹ nhân dịp tết, mẹ nhận quà và đốt thành tro trả lại cho con để nhắc nhở con “Là
quan phải thanh liêm để không uổng công mẹ nuôi dạy”. Tấm gương sáng ngời về phẩm
chất cao đẹp của mẹ đã được vua Tự Đức khen tặng bức trướng với bốn chữ “Hảo
Nghĩa Khả Phong”. Đây là nét tiêu biểu cho truyền thống đảm đang, nhân hậu, mẫu
mực của người phụ nữ xứ cù lao. Sự đảm đang ở đây gắn liền với đức tính dịu dàng,
khéo léo, mềm mại đồng thời không tách rời sự kiên quyết và nghiêm khắc của người
phụ nữ Bến Tre.
Truyền thống trung hậu, đảm đang, thủy chung của người phụ nữ Bến Tre còn
mang một sắc thái khác. Đó là sự đóng góp quan trọng của người vợ đối với sự nghiệp
của chồng. Có thể nói, bất kỳ sự thành công nào của người đàn ông ít nhiều đều có vai
trò của người phụ nữ. Lịch sử Bến Tre đã từng khắc ghi hình ảnh người vợ đảm đang,
thủy chung, tận tụy của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Bà Lê Thị Điền, vừa là “nội
tướng” trong gia đình vừa là người thư ký trung thành, kề vai, sát cánh cùng chồng trên
bước đường sự nghiệp. Hơn thế nữa, với đôi mắt sáng, bà đã quan sát hiện thực xã hội
đầy biến động trên quê hương để cung cấp chất liệu cho chồng sáng tác nên những câu
thơ bất hủ đầy nghĩa khí của một nhà thơ yêu nước.
Còn biết bao tấm gương sáng ngời của những người mẹ, người chị, tất cả đều
góp phần quan trọng tạo nên truyền thống trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Bến
Tre ngay từ buổi đầu mở đất. Truyền thống ấy càng được phát huy mạnh mẽ trong thời
kỳ đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Nếu trước kia, phụ nữ Bến Tre thể hiện sự
đảm đang của mình một cách tự phát, vì lẽ sinh tồn thì trong thời kỳ này, họ đã ý thức
rõ trách nhiệm của mình cần gánh vác để chồng, con yên tâm lên đường giết giặc. Hơn
thế nữa, họ không chỉ gánh vác việc gia đình mà cần phải đảm việc nước cùng nam giới.
Người phụ nữ vừa lo cho con nhỏ, chăm sóc mẹ già, vừa sản xuất để nuôi quân. Đồng
thời, họ góp sức vào công việc tải lương, tải đạn, đào hào, đắp luỹ, xây dựng phòng
tuyến Phụ nữ Bến Tre không chấp nhận cái vị trí của người “chinh phụ” xưa, thụ động
chờ chồng trở về, họ thoát khỏi những ràng buộc phong kiến, vừa sản xuất, vừa tham
gia đánh giặc tại quê nhà.
Trong mọi thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong những tình thế khó khăn nhất,
phụ nữ Bến Tre đã nỗ lực tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đảm bảo được cái ăn, cái mặc cho
chiến sĩ cách mạng. Họ đã tận tụy, nuôi giấu, chăm sóc chiến sĩ khi còn sống cũng như
lúc hy sinh bằng tấm lòng yêu thương của người mẹ. Với tấm lòng nhân hậu, vì nghĩa
lớn, mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Tư ở xã An Phước, huyện Châu Thành, đã tự tay
khâm liệm và chôn cất hơn 100 tử sĩ dưới bom cày đạn xới của chiến tranh, bất chấp
những gian nan và nguy hiểm, bởi với mẹ “ anh em chiến sĩ như con đẻ của mình, như
khúc ruột của mình nằm đó; nó làm xong bổn phận với nước non, mình phải xử sự cho
đúng cái nghĩa ở đời”. Người chiến sĩ tìm thấy ở mỗi người mẹ Bến Tre một sự cưu
mang ấm tình mẫu tử. Tình yêu thương ấy vừa xuất phát từ thiên chức của người phụ
nữ, vừa thắm đượm tình dân nghĩa Đảng. Có thể nói, tấm lòng của những người mẹ Bến
Tre là “căn cứ cách mạng”an toàn nhất cho mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên.
Các mẹ luôn là người chở che cho cán bộ, bảo vệ vững chắc cơ sở Đảng. Đây là
nhiệm vụ đầy khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng rất thiêng liêng mà hơn 90% do người
phụ nữ Bến Tre đảm trách. Với truyền thống trung hậu, đảm đang, tự lực tự cường, thủy
chung son sắt, các má, các chị đã nỗ lực vượt lên mọi hoàn cảnh, xứng đáng là “mặt trận
lòng dân”. “Hội mẹ chiến sĩ” Bến Tre là biểu hiện đặc sắc của truyền thống ấy. Đó là sự
biểu hiện tập trung và cao nhất của tình “quân dân cá nước”. Chính tình yêu nước mênh
mông, đức hy sinh và lòng nhân hậu, thủy chung của các mẹ đã tạo nên một thứ chiến
luỹ bền hơn sắt thép không bạo lực nào có thể phá vỡ nổi. Sự thủy chung của người phụ
nữ Bến Tre không bó hẹp trong phạm vi gia đình, đối với chồng con mà còn đối với dân,
với nước, nó phát triển thành lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người phụ nữ Bến Tre
đảm trách tất cả mọi nhiệm vụ từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc, từ dễ dàng đến khó khăn,
nguy hiểm kể cả những nhiệm vụ tưởng chừng như chỉ thuộc về nam giới. Dòng kênh
mang tên “phụ nữ” và dòng “Kênh Giải phóng” ra đời không phải ngẫu nhiên, nó là sản
phẩm tất yếu do bàn tay, khối óc của hàng ngàn chị em phụ nữ Bến Tre tạo nên suốt
mấy tháng dưới gầm trời đầy bom đạn. Đây là những dòng kênh đánh dấu mốc son chói
lọi của truyền thống trung hậu, đảm đang, chịu đựng gian khổ ở người phụ nữ Bến Tre.
Nếu dòng “Kênh phụ nữ” có ý nghĩa đặc biệt trong việc mở ra con đường giao thông an
toàn cho cách mạng, thì dòng “Kênh Giải phóng” cũng có ý nghĩa không kém phần
quan trọng. Tuyến đê chạy dài theo dòng kênh là phòng tuyến vững chắc ngăn chặn
bước tiến xe tăng địch và bảo vệ an toàn cho khu căn cứ cách mạng. Sự đóng góp to lớn
đó của phụ nữ Bến Tre không phải là ở số lượng công trình mà ở sự giỏi giang, gánh
vác những công việc nặng nhọc chẳng kém gì nam giới.
truyền thống trung hậu, đảm đang còn là sự hy sinh thầm lặng của những người
con gái, người vợ, người mẹ Bến Tre. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và triền miên,
người phụ nữ nơi đây càng phát huy cao độ đức hy sinh ấy. Họ đã bình tĩnh, trầm lặng
hiến dâng những 2-3 thế hệ người thân yêu nhất của mình cho quê hương, đất nước. Có
những người mẹ đã tiễn 5-7 người thân mà không một lần đón họ. Cái gì đã khiến mẹ
phải hy sinh cả hạnh phúc riêng của mình như thế ? Chỉ có thể lý giải điều đó bằng tình
yêu quê hương, đất nước, lòng khát khao cháy bỏng độc lập tự do ở người phụ nữ Bến
Tre. Tiêu biểu cho đức hy sinh cao cả ấy là tấm gương sáng ngời của mẹ Việt Nam anh
hùng Phan Thị Đầy ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày. Mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc 12
người thân yêu nhất của mình. Cuộc đời của mẹ nỗi đau chồng chất những nỗi đau
tưởng chừng không thể nào chịu đựng nổi, nhưng mẹ đã vượt lên tất cả những nỗi đau,
sống vì một lý tưởng cao đẹp nhất.
Chiến tranh qua đi, hạnh phúc đến với hàng triệu con người nhưng vết thương
lòng mẹ không gì hàn gắn được. Con số 2.067 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở vùng đất cù
lao đã chứng minh cho sự hy sinh to lớn của những người phụ nữ nơi đây. Tuy nhiên, so
với con số 35.000 liệt sĩ và hơn 18.000 thương binh của vùng đất này vẫn chưa phản
ánh đầy đủ sự cống hiến lớn lao của hàng vạn người mẹ Bến Tre. Còn có biết bao
những bà mẹ liệt sĩ, tuy không nằm trong tiêu chí qui định "lạnh lùng" về những người
thân hy sinh, nhưng các mẹ vẫn là những tấm gương tuyệt vời về đức hy sinh cao cả, vì
độc lập tự do của Tổ quốc.
Có thể thấy rằng, sự cống hiến vô giá của người mẹ cũng chính là niềm tự hào
nhưng ẩn chứa trong đó lớp lớp nỗi đau. Nếu năm tháng không làm giảm đi niềm tự hào
về sự hy sinh của mỗi người mẹ Bến Tre thì cũng không thể xoá đi những nỗi đau gần
như triền miên trong lòng mẹ.
Và vẫn còn đó lớp lớp nữ thanh niên đã tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân
của mình cho Tổ quốc. Họ đã góp phần làm rạng rỡ trang sử hào hùng của quê hương.
Nhưng riêng những người con gái ấy đã trở nên “quá lứa lỡ thì”, sống cô đơn với khát
khao mãnh liệt một cuộc sống rất đời thường: được làm vợ, làm mẹ nhưng không thể có
được. Đó là một thực tế đúng với câu ca dao:
“Bến Tre nhiều gái chưa chồng
Không tin xuống chợ Mỹ Lồng mà xem”.
Nói đến đức hy sinh của người phụ nữ, chúng ta không thể quên những tấm
gương đã hy sinh trong ngậm ngùi cay đắng, trong sự khinh miệt của mọi người. Đó là
những người phụ nữ không có niềm vinh dự lớn lao của người vợ, người mẹ liệt sĩ, họ
bị coi là “phản bội ” chồng con, “phản bội” quê hương. Mấy ai biết rằng, đằng sau
những thắng lợi vẻ vang là sự hy sinh to lớn của người phụ nữ, họ đã âm thầm gánh
chịu những nỗi đau, đánh đổi cái quý giá của đời mình để giành lấy cái quí hơn tất cả:
độc lập, tự do cho dân tộc.
Chiến tranh nào không mất mát đau thương, nhưng mất mát lớn lao nhất bao giờ
cũng thuộc về phụ nữ. Đó là một thực tế lịch sử sinh động về đức hy sinh cao cả, sự
nhẫn nại, chịu đựng gian khổ của người phụ nữ Bến Tre. những đức tính ấy luôn thường
trực ở mỗi con người nơi vùng đất đầy mưa bom bão đạn. Có thể nói, Bến Tre là một
trong những tỉnh bị chiến tranh tàn phá khốc liệt nhất ở Nam Bộ. Nếu tính trước ngày
đất nước được thống nhất thì mảnh đất này hầu như chưa có ngày nào bình yên. Chính
trong hoàn cảnh lịch sử đó của quê hương, đã sản sinh ra những thế hệ phụ nữ đảm
đang, nhân hậu, chịu đựng gian khổ với một sức bền kỳ diệu không phải người phụ nữ ở
nơi nào cũng có. Truyền thống ấy ngày càng được phát huy mạnh mẽ, làm phong phú
thêm trang sử hào hùng của vùng đất ba dải cù lao.
truyền thống anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Bến Tre
Nếu trong khai hoang mở đất, cùng với nam giới, phụ nữ Bến Tre không lùi bước
trước mọi khó khăn, trở ngại của tự nhiên thì trong cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, họ
không bao giờ khuất phục trước sức mạnh phi nghĩa của kẻ thù. Có thể nói, khí phách
anh hùng, bất khuất, kiên cường là đức tính phổ biến của người phụ nữ Bến Tre. Bởi lẽ,
khi cuộc sống mới nơi đây vừa ổn định thì đó cũng là lúc người dân Bến Tre hết sống
trong cảnh nội chiến đến chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Người phụ nữ yêu nước
không thể thụ động trước tình cảnh đó. Họ thoát khỏi “phòng the”, vượt lên trên tất cả
những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, tham gia các phong trào yêu nước chống giặc
ngoại xâm, đấu tranh cho dân sinh, dân chủ và giải phóng dân tộc. ở đâu có phong trào