Những lưu ý đối với người bệnh Viêm
loét Dạ dày Tá tràng
(Kỳ 2)
B. LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG
1. Những điều cần biết
- Loét là một vết lở trên bề mặt niêm mạc ống tiêu hoá. Đa số các ổ loét đều
ở dạ dày hoặc phần đầu của ruột non (tá tràng). Acid dạ dày tiếp xúc với ổ loét sẽ
gây đau nhiều. Khi điều trị đúng cách, đa số các ổ loét sẽ lành sau 1 đến 2 tháng.
Những biến chứng nghiêm trọng xảy ra khi loét gây xuất huyết tiêu hoá, hoặc gây
thủng thành dạ dày hoặc tá tràng.
- Nguyên nhân: Đa số các trường hợp loét đều do vi trùng H. pylori. Dư
thừa chất chua khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Một số thuốc men, như các thuốc
kháng viêm không steroid (NSAID) dùng cho viêm khớp có thể gây loét. Hút
thuốc, uống rượu, dùng quá nhiều chất cafein (từ càfê, trà, coca, pepsi, nước uống
tăng lực v.v.), stress cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành loét dạ
dày tá tràng.
- Triệu chứng: Triệu chứng thường gặp là đau vùng thượng vị (vùng quanh
dạ dày), nhất là khi dạ dày trống. Cũng có khi đau sau khi ăn, nhất là khi ăn những
thức ăn gây khó chịu dạ dày. Các triệu chứng khác có thể bao gồm buồn nôn, nôn
ói, và ợ hơi.
Hình ảnh loét dạ dày và loét tá tràng (đầu ruột non)
Hình ảnh loét dạ dày biến chứng xuất huyết tiêu hoá
- Chăm sóc: Đa số các trường hợp loét đều có thể được điều trị ngoại trú.
Tuy nhiên khi loét có biến chứng xuất huyết thì cần phải nhập viện.
- Nguy cơ: Với điều trị, loét thường lành mà không để lại vấn đề gì nghiêm
trọng. Nếu không được chăm sóc đúng mức, loét có thể gây xuất huyết hoặc thủng
và cần được điều trị ngoại khoa.
2. Những điều nên làm
- Bác sĩ có thể kê toa kháng sinh, các thuốc ức chế tiết acid và thuốc kháng
acid thông thường. Bạn sẽ phải dùng nhiều loại thuốc vào những thời điểm khác
nhau trong ngày. Hãy tuân thủ đúng các chỉ định. Đừng tự ý ngưng thuốc, ngay cả
khi đã cảm thấy bớt nhiều.
- Bạn có thể dùng các loại thuốc kháng acid được bán tự do, nhưng chỉ nên
dùng chúng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Hãy cố gắng đừng để dạ dày trống. Dùng nhiều bữa ăn nhỏ chia đều trong
ngày. Bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường sẽ làm cho các triệu chứng nặng thêm.
- Tránh những thực phẩm và thức uống gây khó chịu dạ dày: Đó là những
loại thức ăn chua, nước ngọt có gaz, bia, các thức uống có rượu cồn, trà, và càfê.
- Không được dùng aspirin hoặc ibuprofen. Chúng có thể gây xuất huyết dạ
dày. Nếu cần thiết, bạn có thể dùng acetaminophen (paracetamol).
- Không nên hút thuốc. Người hút thuốc lá dễ bị loét dạ dày, loét thường
lành chậm và rất dễ tái phát.
- Hãy cố gắng giảm stress trong cuộc sống. Nếu cần hãy tìm lời khuyên của
bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh.
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Có thể trở lại với công việc bình thường
nếu bạn cảm thấy khá hơn
Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng cần tránh các thực phẩm gây kích ứng
niêm mạc dạ dày như: Gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi), các thức ăn chua (cam, chanh,
me, xoài, trái cóc, ổi, bưởi, quít, khóm v.v.), thức ăn cay, thuốc lá, các thức uống
như cà phê, , bia rượu, nước tăng lực và các dược phẩm như: aspirin, thuốc kháng
viêm không steroid, các thuốc bổ có chứa vitamin C liều cao v.v…
- Hãy báo cho bác sĩ ngay nếu:
+ Phân đen, có máu, hoặc có màu hắc ín.
+ Tiêu chảy hoặc táo bón gây ra bởi thuốc kháng acid.
+ Nếu các triệu chứng không cải thiện sau vài tuần.
- Hãy đi khám cấp cứu ngay nếu:
+ Nôn ra máu hoặc chất giống bã cà phê.
+ Đau bụng dữ dội.
+ Da lạnh, toát mồ hôi, cảm giác yếu mệt hoặc ngất xỉu.
BS. ĐỒNG NGỌC KHANH - BV Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn