NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
Lê Thị Hoài Thương
Mùi khói nhang toả hương ngào ngạt, tôi ngẹn ngào thắp lên bàn
thờ ba. Nhẹ nhàng vén tấm nhiễu điều, hình ảnh ba tôi với quá khứ
hiện về đong đầy trong tâm tưởn . Quên làm sao được một thời ấu thơ
hiếu động và nông nổi của chị em tôi từng ngày được ba chăm sóc, dạy
bảo.Tuổi thơ tôi lớn dần theo những câu chuyện cổ tích với giọng kể
thật hấp dẫn pha chút hài hước của ba. Rồi nhiều đêm học bài xong
lại được ba thưởng bằng một câu chuyện thời ba đi đánh giặc hoặc
chuyện ba dạy lớp xoá mù ở Quảng Bình thời chống Mỹ.
Ba tôi thường bảo: “ Chiến tranh lâu thì khát vọng hoà bình, chia
cách nhhiều thì khát vọng đoàn viên, mồ hôi khát vọng mùa màng và
con chim chiền chiện thì khát vọng mặt trời lên. Con ạ! Bây giờ chiến
tranh đã qua đi, đất nước đã hoà bình nhưng với ba thì nỗi đau còn
phải gánh đi mãi theo suốt cuộc đời…”
Ba chỉ lên những vết thương tật nguyền trên cơ thể. Một vết thương
ở đầu ba khá nặng mà mỗi lần nhổ tóc bạc cho ba, chị em tôi vẫn cảm
thấy sờ sợ. Đứa em gái tôi thường sờ vào đó mà hỏi:
- Ba có còn đau không hả ba?
Ba trả lời:
- Những lúc các con không biết vâng lời, làm cho ba buồn thì ba lại
thấy đau lắm đấy! Ba biết các con của ba ngoan, học giỏi nhưng các
con phải biết cố gắng hơn nữa. Dẫu rằng gia đình mình còn nhiều khó
khăn, thiếu thốn vì ba không còn đủ sức làm việc nuôi các con ăn học,
gia đình ta nhờ cả vào đôi vai tảo tần của mẹ. Ấy thế mà vẫn còn
sướng hơn gấp ngàn lần so với ngày trước con ạ! Các con có biết hồi
ba ra hoạt động và dạy lớp xoá mù ở Quảng Bình, người dân rất thèm
muốn được đi học nhưng đâu có được cắp sách đến trường như các
con. Ngày đêm giặc thả bom bắn phá dữ dội, lớp học ở dưới hầm với
ánh đèn leo lắt nhưng họ học tập chăm chỉ lắm, học một cách ngấu
nghiến như sợ sẽ không còn có cơ hội để học…”
Ba chỉ lên vết thương ở đầu và kể: “ Đây là vết tích của một lần vượt
ngục, ba được các đồng đội ở trong tù tổ chức cho ba vượt ngục tiếp
tục ra hoạt động ở tuyến ngoài. Khi phát hiện ra, địch đã truy tìm, bắn
phá khắp làng. Chúng treo thưởng lớn cho ai tìm ra ba. Ba đã bị
thương, nhưng nhờ có sự che chở của dân làng Ái Tử- Triệu Phong-
Quảng Trị, Ba được nuôi dấu, chăm sóc an toàn và tiếp tục hoạt động.
Lần đó, không tìm được ba tôi, bọn giặc điên tiết lên, chúng hành
hung bà nội tôi và một số người dân Ái Tử vì bị nghi ngờ là nuôi dấu
cán bộ Cách mạng. Họ vẫn một mực không khai. Không chịu nổi cực
hình tra tấn, bà nội tôi đã trút hơi thở cuối cùng trong lúc ba tôi đang
làm nhiệm vụ không về được để thắp nén nhang tiễn biệt mẹ già.
Ba đã từng nói trong nghẹn ngào: “Con ạ, Chiến tranh, chiến
trường đồng nghĩa với đạn bom khốc liệt. Cuộc sống của những người
lính như ba từng phút từng giây cận kề với cái chết. Bao nhiêu đồng
đội của ba đã hy sinh ngoài chiến trường để đôi lấy sự bình yên cho Tổ
quốc. Riêng ba dẫu có tật nguyền nhưng cũng còn may mắn được sống
để thấy ngày đất nước đổi thịt thay da. Rồi ba còn có các con ngoan,
học giỏi nữa. Tuy rằng ba không còn đủ sức lực để tiếp tục đứng trên
bục giảng. Tiếc lắm. Nhưng ba sẽ xứng đáng là người thầy đầu tiên
của các con!”
Tôi thỏ thẻ:
- Ba ơi! Hai bức tường kia treo huân chương của ba, mẹ và giấy
khen của chị em con đã kín rồi. Sắp tới, chị em con nhận tiếp giấy
khen về dán ở đâu ba nhỉ?
Ba chưa kịp trả lời, đứa em gái tôi nhanh miệng:
- Ba ơi! Bảo chị Thương dán ở chỗ này. Nó vừa đẹp lại vừa che lấp
được chỗ phên thủng ấy, ba nhé!
Ba không nói gì. Nước mắt ba lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo xạm
nắng. Xoa đầu chị em tôi rồi ba gượng cười, nụ cười thật hiền hậu.
Mắt ba dõi ra xa phía chân trời như ao ước điều gì…
Còn tôi, tôi chỉ biết im lặng. Tôi thấy tim mình đập nhanh hơn, hai
má nóng ran và đôi mắt cay cay. Tôi ôm lấy ba rồi lim dim ngủ. Tôi đã
mơ thật nhiều về ba. Giấc mơ thật ngọt ngào. Rằng ba không còn đau
ốm, bệnh tật nữa. Và từng đêm, ba miệt mài bên trang giáo án. Ngày
ngày, chị em tôi lại được ba đưa đón tới trường…
Và hôn nay, tôi lại trở về căn nhà xưa cũ ấy. Vẫn hai tấm huân
chương và những tờ giấy khen cũ kĩ dán kín tường. Nhưng tôi đâu còn
bé bỏng ngây thơ như ngày xưa ấy nữa. Hình ảnh ba vẫn mãi khắc
sâu trong trái tim tôi. Hành trang ba sắm cho tôi vào đời là bài học từ
những câu chuyện cổ tích, là những lời khuyên mộc mạc tôi đã chắt
chiu từ thời thơ bé cho đến tận bây giờ.
Giờ đây, tôi càng hiểu sâu sắc hơn câu nói của G.Bê- cơn: “ Đức
hạnh và uy tín của người cha là di sản quý nhất cho con cái.”