LỜI CẢM ƠN
Khóa luận tốt nghiệp của em được hoàn thành ngoài sự nỗ lực của bản
thân, em còn nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều thầy cô, cán bộ địa phương,
các bạn học sinh, phụ huynh học sinh và gia đình.
Nhân dịp này, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới:
Các thầy cô giáo Khoa Công tác xã hội trường Đại học Lao động xã hội
đã truyền đạt cho em những tri thức và kinh nghiệm để thực hiện đề tài này.
Ths Lê Thị Thủy là người đã trực tiếp hướng dẫn em ngay từ lúc ban đầu
cũng như trong suốt quá trình thu thập thông tin và hoàn thiện báo cáo nghiên
cứu này.
Gia đình(bố mẹ và các anh chị) đã động viên em rất nhiều trong suốt thời
gian làm khóa luận tốt nghiệp.
Bạn bè Đại học khóa 3, khoa Công tác xã hội đã có nhiều ý kiến đóng
góp chân thành cũng như những thông tin quý giá trong quá trình học tập và
thực hiện đề tài này.
Ban lãnh đạo, cán bộ giáo viên trường THPT Yên Dũng I cán bộ địa
phương cùng các bạn học sinh và phụ huynh học sinh trường THPT Yên Dũng I
đã nhiệt tình giúp đỡ tác giả trong suốt quá trình thu thập thông tin, điều tra và
hoàn thiện khóa luận.
Tác giả khóa luận
Sinh viên
Bùi Thị Bích Ngọc
i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi;
Các số liệu, kết quả trong khóa luận tốt nghiệp là trung thực và xuất phát
từ tình hình thực tế của đơn vị.
Tác giả khóa luận
Bùi Thị Bích Ngọc
ii
DANH MỤC BẢNG
Bảng 1 : Phân bố giới tính và tuổi số VTN được điều tra 22
Bảng 2 : Số lượng VTN nghe nói – tìm hiểu về CSSKSS VTN 24
Bảng 3 : Số lượng VTN hiểu biết về CSSKSS 25
Bảng 4 : Nguồn thông tin về CSSKSS VTN mà VTN thường xuyên
tìm hiểu
27
Bảng 5 : Hiểu biết về sự thay đổi thể chất của cơ thể VTN 31
Bảng 6 : Hiểu biết về đặc điểm sinh lý của lứa tuổi VTN 31
Bảng 7 : Hiểu biết về đặc điểm tâm lý của lứa tuổi VTN 36
Bảng 8 : Quan điểm của VTN về sự cần thiết của việc có bạn/người
yêu ở tuổi VTN
42
Bảng 9 : Số lượng VTN hiểu biết về tình dục an toàn 46
Bảng 10 : Hiểu biết về các BLTQĐTD của VTN 49
Bảng 11 : Hiệu quả các chương trình CSSKSS VTN qua đánh giá của
VTN
58
Bảng 12 : Mức độ tham gia các chương trình CSSKSS VTN của VTN 60
DANH MỤC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 1 : Mức độ nhận thức về ý nghĩa của CSSKSS VTN 26
Biểu đồ 2 : Nhận thức về tầm quan trọng của CSSKSS VTN theo giới 26
iii
tính
Biểu đồ 3 : Cách thức CSSKSS cho bản thân của VTN 33
Biểu đồ 4 : Hiểu biết về đặc điểm tâm lý lứa tuổi của VTN 37
Biểu đồ 5 : Nhóm bạn chơi cùng 38
Biểu đồ 6 : Mức độ chia sẻ về vấn đề CSSKSS với bạn/nhóm bạn chơi
cùng
39
Biểu đồ 7 : Số lượng VTN có người yêu 40
Biểu đồ 8 : Tỷ lệ VTN có người yêu 40
Biểu đồ 9 : Tỷ lệ VTN có người yêu theo tuổi và giới tính 41
Biểu đồ 10 : Cách thức giải quyết của VTN khi gặp vấn đề về tình bạn,
tình yêu
43
Biểu đồ 11 : Tỷ lệ hiểu biết về các BPTT của VTN 47
Biểu đồ 12 : Tỷ lệ hiểu biết về tính dễ/khó chữa trị của BLTQĐTD 50
Biểu đồ 13 : Tỷ lệ tán thành QHTD ở tuổi VTN 51
Biểu đồ 14 : BPTT VTN sẽ sử dụng khi QHTD 53
Biểu đồ 15 : Cách thức phòng tránh BLTQĐTD của VTN 54
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
BCH : Ban chấp hành
BCS : Bao cao su
BLTQĐTD : Bệnh lây truyền qua đường tình dục
BPTT : Biện pháp tránh thai
CSSK : Chăm sóc sức khỏe
CSSKSS : Chăm sóc sức khỏe sinh sản
ICPD : Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển
iv
KHHGĐ : Kế hoạch hóa gia đình
PTTH : Phổ thông trung học
PTTTĐC : Phương tiện thông tin đại chúng
QHTD : Quan hệ tình dục
SKSS : Sức khỏe sinh sản
SL : Số lượng
TD : Tình dục
THPT : Trung học phổ thông
TL : Tỷ lệ
TN : Thanh niên
TV : Tư vấn
UNAIDS : Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS
UNFPA : Quỹ dân số Liên hợp quốc
VTN : Vị thành niên
WHO : Tổ chức Y tế thế giới
v
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ năm 1994, việc CSSKSS VTN đã được hội nghị quốc tế về dân số và
phát triển Cairo là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu. Vấn đề này ngày
càng được quan tâm ở cả trên thế giới và Việt Nam. Nhiều chương trình hành
động, nhiều nội dung về CSSKSS VTN đã trở thành chủ đề chính trong các buổi
thảo luận, trong các buổi thảo luận, hội thảo chuyên đề.
Ở nước ta, CSSKSS VTN đã và đang trở thành một vấn đề quan trọng
trong chiến lược phát triển con người, đầu tư cho thế hệ tương lai.
Theo thống kê của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về
HIV/AIDS(UNAIDS), tổng số thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-24 tuổi là 26
triệu(khoảng 30% dân số và 55% lực lượng lao động, trong đó 51,5% là nam và
49,5% là nữ). Đây là thế hệ đang bước vào tuổi trưởng thành, chiếm một vị trí
hết sức quan trọng quyết định đến tương lai, vận mệnh của đất nước. CSSKSS
VTN là một việc làm quan trọng liên quan đến tương lai nòi giống, chất lượng
con người Việt Nam mai sau. Nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng và
Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm sóc SKSS cho trẻ VTN. Tuy nhiên
trong xã hội hiện đại, hàng triệu trẻ em VTN đang phải đối đầu với nhiều nguy
cơ thách thức. Đó là tình trạng tảo hôn, sinh con sớm còn khá phổ biến; tình
trạng lây nhiễm HIV/AIDS ngày một gia tăng và tình trạng nạo phá thai đang ở
mức báo động… Mặt khác, ngày nay, dưới tác động của cơ chế thị trường với
mặt trái của nó, những ảnh hưởng tiêu cực từ phim ảnh, nền văn hóa phương
Tây cũng như sự tiếp cận các nguồn thông tin không đầy đủ và đúng đắn về việc
CSSKSS của VTN…
Thống kê của Hội KHHGĐ Việt Nam và Viện nghiên cứu giáo dục cho
thấy, ở Việt Nam, hiện có hàng loạt vấn đề SKSS/TD VTN và TN như: thiếu
kiến thức và thông tin về SKSS kết hợp với những thay đổi về văn hóa, kinh tế -
xã hội đã dẫn đến những hành vi có nguy cơ cao ở nhóm đối tượng này. Thực tế
cho thấy phần lớn số VTN và TN từng có QHTD trước hôn nhân đã không sử
dụng bất kỳ một BPTT nào. Hậu quả là trung bình mỗi năm cả nước có khoảng
300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi từ 15 đến 19, nhiều em đã nạo hút thai nhiều
lần(theo thống kê mới nhất của Hội KHHGĐ Việt Nam, 2010).
1
Theo thống kê được công bố năm 2010 của Hội KHHGĐ, Việt Nam là
một trong năm nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và có tỷ lệ phá thai ở
độ tuổi sinh sản cao nhất ở Đông Nam Á, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam nạo
phá thai 2,5 lần trong đời. Trong khi đó, tuổi trung bình có QHTD lần đầu đã hạ
xuống 17,8 tuổi, sớm hơn so với thanh niên cùng lứa tuổi trong điều tra cách đây
5 năm là 19,6 tuổi.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc nhận định, không phải tất cả người dân Việt
Nam đều dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ về SKSS, đặc biệt là VTN/TN
chưa lập gia đình và người dân sống ở vùng sâu vùng xa. Tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi
sinh sản mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản là 20% và BLTQĐTD cao –
25%. Đóng góp của y tế công góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và con, tuy
nhiên tử vong mẹ vẫn còn ở mức cao(29,9/1.000), đặc biệt là ở miền Trung, cao
nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sau 5 năm triển khai thực hiện dự án chăm
sóc sức khỏe sinh sản, đã tạo được dư luận trong xã hội và có nhiều người quan
tâm, cùng với sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội, các cơ quan như y tế, Đoàn
thanh niên, các cấp hội phụ nữ song kết quả đạt được còn khoảng cách khá xa
so với yêu cầu. Theo số liệu thống kê của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản
tỉnh, năm 2009, trong toàn tỉnh số phụ nữ có thai là hơn 26.000 người, nhưng
trong đó có hơn 1000 người có thai là ở tuổi vị thành niên, điều đáng nói hơn là
trong đó 5.070 người nạo phá thai thì có 59 người phải chịu hậu quả của các tai
biến sản khoa.
Những con số nêu trên đã phần nào phản ánh thực trạng CSSKSS của
VTN ở nước ta. Hiểu biết, thái độ và hành vi của các em về vấn đề này còn tồn
tại những sai lệch và chưa thật đúng đắn. Điều này đã, đang và sẽ làm ảnh
hưởng đến cuộc sống, đến tương lai của VTN nói riêng và chất lượng của con
người Việt Nam mai sau nói chung.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài “ Thực trạng
chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên trường THPT Yên Dũng I”
nhằm tìm hiểu hiểu biết, thái độ và hành vi của VTN về CSSKSS để đánh giá
được thực trạng CSSKSS của các em học sinh VTN, qua đó đề xuất một số giải
pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả CSSKSS của VTN.
2
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu thực trạng CSSKSS của VTN trường THPT Yên Dũng I
nhằm nắm bắt được thực trạng CSSKSS của VTN như thế nào để đánh giá và có
biện pháp CSSKSS phù hợp cho VTN
3. Đối tượng nghiên cứu
Thực trạng CSSKSS của VTN qua hiểu biết, thái độ và hành vi CSSKSS
của VTN.
4. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi đối tượng là thực trạng CSSKSS của VTN
- Phạm vi khách thể:
+ VTN đang là học sinh của trường THPT Yên Dũng I
+ Giáo viên trường THPT Yên Dũng I
+ Cán bộ trên địa bàn xã Nham Sơn
+ Bố mẹ VTN đang là học sinh của trường THPT Yên Dũng I
- Phạm vi thời gian: từ tháng 3/2011 đến tháng 5/2011
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp quan sát
Là phương pháp sử dụng trực quan của mắt để nhìn nhận sự việc diễn ra
xung quanh. Quan sát đặc biệt cần thiết trong quá trình điều tra, nghiên cứu tâm
sinh lý, nhận thức của con người. Trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu, quan
sát được sử dụng để đánh giá thực trạng CSSKSS của VTN thông qua hiểu biết,
thái độ và hành vi CSSKSS. Ví dụ: quan sát thái độ, cảm xúc của VTN khi đề
cập đến các vấn đề liên quan đến SKSS… Người quan sát cần nhạy bén mới có
thể quan sát đối tượng được đúng và chân thực.
- Phương pháp phân tích tài liệu có sẵn
Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành phân tích một số tài liệu liên
quan đến vấn đề nghiên cứu như: sách báo, tạp chí nghiên cứu chuyên sâu và
một số công trình nghiên cứu về nội dung liên quan đến SKSS đã xuất bản và
công bố.
- Phương pháp phân tích: nghiên cứu chủ yếu sử dụng phương pháp phân
tích mô tả để trình bày các kết quả nghiên cứu thu được thông qua các so sánh
như hiểu biết, thái độ và hành vi về SKSS của nam VTN với nữ VTN; hiểu biết,
thái độ, hành vi của lứa tuổi này với lứa tuổi khác…
3
- Phương pháp phỏng vấn
+ Phương pháp phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi thiết kế sẵn
Các thông tin phục vụ mục đích nghiên cứu được thu thập theo phương
pháp phỏng vấn trực tiếp dựa vào bảng hỏi được thiết kế sẵn.
+ Phương pháp phỏng vấn sâu cá nhân
Nghiên cứu tiến hành phỏng vấn sâu bao gồm: 06 VTN, 10 cán bộ giáo
viên trường THPT Yên Dũng I, 03 cán bộ địa phương và 03 phụ huynh VTN.
Phương pháp phỏng vấn sâu cá nhân nhằm thu thập những thông tin định tính về
hiểu biết, thái độ, hành vi của VTN đối với các vấn đề liên quan đến SKSS của
VTN nhằm bổ sung những thông tin mà phương pháp định lượng không thực
hiện được; phỏng vấn sâu cũng thu thập được những thông tin ảnh hưởng tới
việc CSSKSS VTN từ phía nhà trường, địa phương và gia đình.
- Phương pháp thống kê toán học
Thống kê toán học là một phương pháp khoa học phân tích và xử lý
dữ liệu có được nhờ các thí nghiệm. Những dữ liệu ở đây có thể là những
đặc tính định tính, cũng có thể là những đặc tính định lượng. Từ những dữ
liệu thu thập được, dựa vào các quy luật xác suất để đưa ra những quyết
định, những đánh giá và các dự báo về những hiện tượng đang được thí
nghiệm hoặc đang được quan sát.
Sau khi tiến hành điều tra sẽ đến bước tổng hợp lại những phiếu điều
tra dưới dạng bảng hỏi để lấy kết quả. Thống kê cần tiến hành cẩn thận và
chính xác.
4
NỘI DUNG
CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ CSSKSS CỦA VTN
1.1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
1.1.1. Một số nghiên cứu về SKSS VTN trên thế giới
Nghiên cứu về SKSS VTN được tiến hành rất sớm trên thế giới, nhất là ở
các quốc gia phát triển, nhưng thường được gọi với những tên khác nhau, chẳng
hạn như sức khỏe VTN hay giới tính, tình dục thanh thiếu niên. Từ sau hội nghị
quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) tại Cairo (tháng 4/1994), sau khi định
nghĩa chính thức về SKSS được thống nhất phổ biến đến mọi quốc gia trên thế
giới thì mối quan tâm của không chỉ các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các nhà
quản lý xã hội mà cả các bậc cha mẹ đối với vấn đề SKSS VTN được đẩy lên một
trình độ mới.
Theo thống kê của Quỹ dân số Liên hợp quốc(UNFPA), hiện nay trên thế
giới có khoảng 1/5 dân số thuộc tuổi VTN, như thế nghĩa là hiện đang có khoảng
hơn 1 tỷ người đang ở tuổi VTN.
Các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực QHTD, nạo hút thai, sinh đẻ ở VTN
trên thế giới gây nhiều điều bất ngờ và đáng lưu tâm. Theo Tổ chức Y tế thế
giới(WHO), hàng năm có khoảng 20 triệu ca nạo phá thai không an toàn. Theo
UNFPA, hiện nay có khoảng 15 triệu VTN nữ sinh con, chiếm 10% số phụ nữ
sinh con trên thế giới. Mỹ là quốc gia có tỷ lệ nữ VTN mang thai sớm cao nhất ở
các nước phát triển. Tại Mỹ có khoảng 20% số phụ nữ sinh nở trước tuổi 20. (4).
Các nghiên cứu cụ thể cho thấy, ở Châu Phi có thai ngoài dự định dao động từ 50-
90% trong số VTN chưa chồng và 25 – 40% trong số VTN có chồng (1), ở Kênia,
số VTN có thai ngoài dự định trong nhóm chưa kết hôn là 74% so với nhóm đã
kết hôn là 47%, còn ở Pêru số VTN có thai ngoài dự định trong nhóm chưa kết
hôn là 69% và nhóm kết hôn là 51%. Nhìn chung, số VTN mang thai ngoài dự
định ở các nước Mỹ - Latinh dao động từ 20-52%. Với tình trạng mang thai ngoài
dự định như trên mỗi năm có tới 4,4 triệu ca nạo phá thai của VTN, đây là một
trong những nguyên nhân cơ bản tàn phá SKSS VTN hiện nay.
Các số liệu tổng hợp về tình trạng VTN sinh con ngoài ý muốn ở một số
khu vực có tỷ lệ cao là: Mỹ - Latinh(40 - 50%) (1), Bắc Phi và Tây Á(15 - 23%),
Ấn Độ và Pakistan(16%), Philippin, Bangladesh, Srilanka và Thailand(23 - 41%)
…(5).
5
Tình trạng QHTD sớm và mắc các BLTQĐTD ở VTN là một nguy cơ
mang tính toàn cầu và thực sự phải được báo động đỏ trong mọi quốc gia. QHTD
sớm thường để lại hậu quả xã hội nghiêm trọng về mang thai, nạo hút thai ngoài ý
muốn và các bệnh LTQĐTD, đặc biệt là mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Một nghiên cứu cho thấy, VTN ở Mỹ, ở tuổi 15 có khoảng 27% nữ và 33%
nam đã có QHTD, đến tuổi 17 tỷ lệ này tăng lên 50% và 66%.(1). Nếu tính riêng
trong nhóm VTN học sinh thì có đến 72% học sinh Mỹ có QHTD khi bước vào
năm cuối PTTH, trong số đó có tới 40% các học sinh ở tuổi 15.(3). Theo ước tính
của Văn phòng thông tin dân số Mỹ về SKSS VTN thì có ít nhất 80% số người
bước vào tuổi 20 ở vùng cận sa mạc Shahara(Châu Phi) đã từng QHTD. Vì thế
nên đây cũng là nơi mắc BLTQĐTD lớn nhất, chẳng hạn như HIV/AIDS theo
UNAIDS thì ở đây số người mắc HIV/AIDS chiếm 2/3 bệnh nhân này của thế
giới.(6). Ở Thái Lan, ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, các nghiên cứu đã
cho thấy có tới 60% VTN nam có QHTD trong đó có một số không nhỏ mới ở
tuổi 13; ở Trung Quốc các thống kê mới đây khẳng định có 20% nữ học sinh có
QHTD; ở Bangladesh 25% và Nêpan 34% VTN nữ 14 tuổi đã kết hôn(1); Châu
Phi là lục địa có tỷ lệ VTN có QHTD và mắc các bệnh LTQĐTD lớn nhất thế
giới. Các nghiên cứu cụ thể cho thấy, ở Bostwana có 41% nữ và 15% nam ở tuổi
15-16 đã có QHTD(6); ở Cameroon 55% nữ và 70% nam đã có QHTD ở tuổi 15,
nghiên cứu này còn khẳng định, VTN càng lớn tuổi mức độ QHTD càng tăng và
có tới 5% nữ và 16% nam ở tuổi từ 12-17 đã có trên hai bạn tình thường xuyên.
(6)
Theo ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng 20 triệu người mắc các
BLTQĐTD, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao thứ hai sau nhóm 20-24
tuổi. Sở dĩ nhóm thanh niên mắc các BLTQĐTD cao là do khi QHTD nhóm này
thường không sử dụng BPTT an toàn là bao cao su.(6)
Cùng với tình trạng QHTD sớm, có thai, nạo hút thai và sinh đẻ sớm, mắc
các BLTQĐTD gia tăng nhanh, thực trạng VTN dính líu và tham gia vào các tệ
nạn xã hội như tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm, trộm cắp… đang đòi hỏi cấp bách
và cần có chiến lược mang tính toàn cầu về SKSS VTN. Đó cũng là nội dung
xuyên suốt các nghiên cứu nói trên.
6
1.1.2. Một số nghiên cứu về SKSS VTN tại Việt Nam
Ở Việt Nam, nghiên cứu SKSS của VTN/TN được nhiều công trình đề cập.
Nội dung SKSS trong các nghiên cứu này thường bao gồm các vấn đề về tình
bạn, tình yêu, tình dục, QHTD, sử dụng các BPTT, có thai sớm và nạo hút thai
trong lứa tuổi VTN, nhận thức về HIV/AIDS và các BLTQĐTD.
Cuộc Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam(SAVY 1)
năm 2003 do Bộ Y tế và Tổng cục thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài
chính của WHO và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc(UNICEF). Tổng điều tra mẫu là
7.584 đối tượng VTN/TN nam và nữ đã có vợ/chồng và chưa có vợ/chồng, độ
tuổi từ 14-25 sống trong hộ gia đình trên toàn quốc, phân bố trên cả 8 vùng lãnh
thổ, khu vực thành thị, nông thôn. Kết quả cho thấy: 1) Hiểu biết về SKSS: TN
còn thiếu kiến thức về thời điểm thụ thai trong chu kỳ kinh nguyệt, chỉ có 27,8%
trả lời đúng, trong đó nữ hiểu biết cao hơn nam (33,3% so với 21,1%). Điểm hiểu
biết các BLTQĐTD của thanh thiếu niên thấp, đạt 3/9 điểm. Hầu hết thanh thiếu
niên(97%) đều biết ít nhất một BPTT và trung bình đạt 5,6/10 biện pháp, nhóm
22-25 tuổi có mức độ nhận thức về các BPTT cao hơn nhóm trẻ tuổi hơn…;
2) Hiểu biết và nguồn thông tin về HIV: 97% thanh thiếu niên được phỏng vấn
cho biết có nghe nói về HIV/AIDS. Gần một nửa số thanh niên được hỏi(49,3%)
cho biết họ có tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về HIV/AIDS(nghĩa là tiếp cận
được với từ 7-9 nguồn thông tin), trong đó các PTTTĐC là nguồn thông tin phổ
biến nhất(96,5%), không có sự chênh lệch giữa nam và nữ, giữa thành thị và nông
thôn ở tất cả các nhóm tuổi; nguồn thông tin quan trọng thứ 2 là từ gia
đình(88,2%), tiếp đến là nhóm chuyên môn(giáo viên, nhân viên y tế) (85,5%) và
các tổ chức xã hội(68,2%). Mức độ hiểu biết của TN về HIV cách phòng tránh
HIV tương đối cao.
Điều tra cuối kỳ (năm 2006) chương trình sáng kiến sức khỏe sinh sản cho
thanh thiếu niên châu Á(RHIYA) về kiến thức, thái độ, hành vi SKSS của thanh
thiếu niên được thực hiện bởi Viện dân số và các vấn đề xã hội(IPSS) – Trường
đại học kinh tế quốc dân với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNFPA. Đối
tượng điều tra là các em nam, nữ VTN/TN từ 15-24 tuổi đang sống tại gia đình,
thuộc 7 tỉnh(Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh
Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh). Tổng số đối tượng VTN/TN trong mẫu khảo sát
là 1216 người, trong đó có 50,2% nam và nữ. Kết quả điều tra như sau: 1) Kiến
thức về SKSS: Kiến thức về khả năng thụ thai của VTN/TN vẫn còn thấp, chỉ có
7
21,3% được đánh giá là có kiến thức đúng; tỷ lệ VTN/TN biết nơi mua/nhận các
BPTT khá cao 90,4%. Tỷ lệ VTN/TN nêu được tên của ít nhất hai BPTT là
80,4%. BPTT được VTN/TN biết đến nhiều nhất là bao cao su(96,1%) và viên
thuốc tránh thai(78,7%); HIV/AIDS là khối kiến thức tốt nhất của VTN/TN, tỷ lệ
có hiểu biết đúng về khối kiến thức này lên tới 99,3%. Kiến thức về từng nội dung
trong SKSS khá cao, tuy nhiên kiến thức tổng hợp về SKSS của các em còn chưa
sâu, chỉ có 32,6% các em có kiến thức đúng về khối kiến thức này và VTN/TN nữ
có kiến thức tổng hợp về SKSS tốt hơn nam rất nhiều; 2) Thái độ đối với SKSS:
Hầu hết TN(91,2%) đánh giá việc nhận thông tin về các BPTT là rất quan trọng,
89,6% VTN/TN cho rằng việc tiếp cận thông tin về các BPTT là khá dễ dàng. Đối
tượng chủ yếu được TN tìm đến thảo luận về BPTT, HIV/AIDS và các bệnh
LTQĐTD là bạn bè(khoảng từ 60% đến 70%); 3) Hành vi liên quan đến
SKSS/TD: tỷ lệ nam TN có QHTD trước hôn nhân nhiều hơn nữ (70 nam/10 nữ
cho biết đã có QHTD trước hôn nhân). Đại bộ phận VTN/TN nam có QHTD lần
đầu với bạn gái của mình, còn đại bộ phận VTN/TN nữ có QHTD lần đầu với
chồng chưa cưới. Tỷ lệ VTN/TN sử dụng bao cao su khi QHTD khá cao 94,6%.
Luận văn thạc sỹ y tế công cộng của Phạm Thị Phương Dung, trường Đại
học Y tế công cộng, Hà Nội, 2006 nghiên cứu về “Kiến thức, thực hành phòng
chống bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS của nữ sinh viên một
trường cao đẳng tại quận Tây Hồ, Hà Nội năm 2006”, cỡ mẫu khảo sát là 402
trường hợp là những nữ sinh viên chưa có chồng tại một trường cao đẳng tại quận
Tây Hồ - Hà Nội. Nghiên cứu tập trung tìm hiểu kiến thức của sinh viên về các
BLTQĐTD và HIV/AIDS(QHTD trước hôn nhân). Kết quả nghiên cứu cho thấy,
tỷ lệ nữ sinh viên đạt yêu cầu về kiến thức các bệnh LTQĐTD là 70,6% nhưng
kiến thức cụ thể còn chưa tốt: 23,1% không kể được một bệnh LTQĐTD nào,
dưới 70% biết được một số triệu chứng của bệnh, gần 40% không biết nguyên tắc
điều trị các bệnh LTQĐTD; chỉ có 40,5% nữ sinh viên đạt yêu cầu và kiến thức
HIV…
Luận văn thạc sỹ xã hội học của Bùi Thị Hạnh, trường Đại học Khoa học
xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009 nghiên cứu về “Thực trạng
hiểu biết, thái độ và hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản của sinh viên hiện nay –
Qua khảo sát tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trường Đại học
Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Bách khoa Hà Nội”, tổng số mẫu điều tra
định lượng gồm 306 sinh viên hệ chính quy và phỏng vấn sâu cá nhân được thực
8
hiện trên nhóm đối tượng là sinh viên(5 nam và 5 nữ). Kết quả nghiên cứu đã đưa
ra một bức tranh khá tổng quát về hiểu biết, thái độ và hành vi chăm sóc SKSS
của sinh viên 3 trường khảo sát: 1) Kiến thức tổng hợp của sinh viên về SKSS/TD
VTN/TN, bao gồm kiến thức về khả năng thụ thai, các biện pháp tránh thai, nơi
cung cấp các BPTT, HIV/AIDS và các BLTQĐTD, chỉ ở mức độ trung
bình(26,93 điểm/49 điểm); 2) Đa số sinh viên đều có thái độ đúng đối với vấn đề
nạo phá thai, đó là nạo phá thai không phải là một biện pháp của KHHGĐ, nạo
phá thai có hại cho sức khỏe, nạo thai có thể dẫn đến nguy cơ vô sinh hay nạo thai
dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Phần lớn sinh viên không chấp nhận nạo phá
thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, vẫn còn trên dưới 10%
sinh viên có quan điểm sai cho rằng nạo thai là một biện pháp KHHGĐ(13,7%),
nạo thai có thể chấp nhận được trong trường hợp cặp vợ chồng muốn có con trai
nhưng siêu âm cho thấy thai nhi là nữ (9,5%), nạo thai có thể chấp nhận được
trong trường hợp cặp vợ chồng muốn có con gái nhưng siêu âm cho thấy thai nhi
là nam(8,2%); 3) Hành vi CSSKSS của sinh viên vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố
nguy cơ không an toàn: khoảng 6% sinh viên trong mẫu khảo sát đã từng có
QHTD, trong đó có 16 người QHTD lần đầu tiên với người yêu(bạn trai/bạn gái),
còn lại có QHTD lần đầu tiên với chồng/vợ sau khi cưới và chồng/vợ trước khi
cưới. Gần 50% số sinh viên đã từng có QHTD đã không sử dụng bất kỳ một
BPTT nào trong lần QHTD đầu tiên. QHTD không an toàn là một hành vi nguy
cơ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân sinh viên, đặc
biệt là sinh viên nữ. Chỉ có 3 sinh viên trong số 306 sinh viên trong mẫu khảo sát
đã từng mắc một trong số các bệnh LTQĐTD. Tất cả họ đều chữa trị tại các cơ sở
y tế công(bệnh viện/trạm y tế/phòng khám). Đây là hành vi tích cực cần khuyến
khích trong CSSKSS cho sinh viên. BCS là BPTT được đa số(73,2%) sinh viên
lựa chọn sử dụng khi có QHTD trong tương lai.
Nghiên cứu về SKSS VTN học sinh, có một số đề tài nghiên cứu như: Ban
Giáo dục dân số - KHHGĐ thuộc Bộ giáo dục và đào tạo năm 2001 có đề tài
“Giáo dục dân số trong các trường ở Việt Nam, vấn đề và giải pháp” đã đánh giá
việc thực hiện các chương trình giáo dục dân số tại các trường THCS và THPT
cho thấy không có giáo viên giảng dạy chuyên sâu, chủ yếu lồng ghép vào buổi
học ngoại khóa môn giáo dục công dân, sinh học và địa lý, vì vậy việc truyền tải
kiến thức cho học sinh rất sơ sài và giáo viên gặp lúng túng khi giảng dạy, học
sinh thì không dám nêu ý kiến hay hỏi han gì sợ cô cho là “bậy bạ”, về phía giáo
9
viên thì không có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực này nên luôn lảng tránh câu
hỏi của học sinh.
Luận văn thạc sỹ xã hội học của Trương Thị Kim Hoa, trường Đại học
Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, nghiên cứu về
“Nhu cầu giáo dục SKSS VTN tại các trường THCS trên địa bàn quận Tây Hồ”
cho thấy tỷ lệ học sinh biết đến các nội dung của CSSKSS VTN chiếm 92,2%,
tuy nhiên chỉ có 15,7% các em biết đến nội dung SKSS từ thầy, cô giáo. Điều này
cho thấy nguồn thông tin các em tiếp nhận từ các thầy cô giáo là rất thấp. Có đến
81,6% các em biết nội dung SKSS được giảng dạy từ sách giáo khoa sinh học lớp
8. Tất cả những điều này nói lên rằng: nhà trường ảnh hưởng lớn đến việc
CSSKSS của các em.
Luận văn thạc sỹ xã hội học của Nguyễn Hoàng Anh, trường Đại học Khoa
học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, nghiên cứu về “Nhu cầu
giáo dục SKSS VTN của học sinh THPT hiện nay(nghiên cứu tại trường THPT
Yên Hòa – Cầu Giấy - Hà Nội và trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Gia Lâm – Hà
Nội” cho thấy học sinh đã nhận thức được những nội dung cơ bản về SKSS VTN,
nhưng nhận thức còn chưa đầy đủ và chính xác, nhất là về BLTQĐTD và cách
phòng tránh BLTQĐTD, BPTT, nạo hút thai… Số học sinh đã yêu đánh giá mức
độ hiểu biết của mình về SKSS lớn hơn số học sinh chưa yêu. Phần lớn học sinh
được hỏi cho rằng không nên QHTD khi ở lứa tuổi VTN do làm ảnh hưởng đến
học tập và gặp phải những nguy cơ về sức khỏe, mang thai ngoài ý muốn.
Tóm lại, nghiên cứu về vấn đề SKSS/TD VTN và TN đã được nhiều nhà
nghiên cứu trong nước đề cập tới bằng phương pháp điều tra xã hội học. Chủ đề
xuyên suốt các nghiên cứu này là về vấn đề thực trạng hiểu biết, thái độ, hành vi
của VTN đối với SKSS. Những nội dung thường được đề cập đến là tình bạn, tình
yêu, QHTD, sử dụng các BPTT, có thai sớm và nạo hút thai trong lứa tuổi VTN;
nhận thức về HIV/AIDS. Đối tượng nghiên cứu là VTN và TN độ tuổi từ 15-24.
Các nghiên cứu trên hầu hết chỉ tập trung vào việc tìm hiểu hiểu biết, thái độ,
hành vi hay nhu cầu của VTN về CSSKSS mà chưa có nhiều nghiên cứu sâu vào
lĩnh vực CSSKSS của VTN. Nhất là VTN tại các trường THPT ở khu vực nông
thôn và miền núi. Bài nghiên cứu này của chúng tôi nhằm tập trung tìm hiểu thực
trạng CSSKSS của VTN độ tuổi từ 16-18, ở khu vực trung du miền núi(Yên
Dũng, Bắc Giang) thông qua hiểu biết, thái độ và hành vi CSSKSS của VTN đang
học tại trường THPT Yên Dũng I.
10
1.2. Một số khái niệm công cụ
1.2.1. Chăm sóc sức khỏe sinh sản
Sức khỏe
Sức khỏe được định nghĩa trong mối liên hệ với chuẩn mực sức khỏe và lệch
chuẩn hay bệnh tật. Theo định nghĩa của tổ chức WHO: “Sức khỏe là một trạng thái
hoàn hảo về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không đơn thuần là không có bệnh tật
hay không có tàn tật”.
Sức khỏe sinh sản
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam không thấy đề cập đến khái niệm
SKSS mà chỉ nói đến sức khỏe, giới tính và tình dục. Khái niệm SKSS được du
nhập từ các nước phương Tây vào nước ta trong thời gian gần đây. SKSS không
phải là cái gì xa lạ mà nó là một phận của sức khỏe con người nói chung.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều định nghĩa, cách hiểu khác nhau về SKSS.
Chẳng hạn, có quan điểm cho rằng, SKSS chỉ liên quan đến bộ máy sinh sản và
quá trình sinh sản của con người. Quan điểm khác lại chỉ đề cập đến SKSS như
là hoạt động tình dục hoặc là sự khỏe mạnh về thể chất, thể lực…
SKSS được nêu ra một cách chính thức từ Hội nghị quốc tế về dân số và
phát triển tại Cairo(Ai Cập) năm 1994. Tại Hội nghị này SKSS được định nghĩa
như sau: “Reproductive health is a state of complete physical, mental and social
well – being, and not merely the absence of reproductive disease or infirmity.
Reproductive health deals with the reproductive processes, functions and system
at all stages of life” tạm dịch:“SKSS là trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn về thể
chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ là bệnh tật hay ốm yếu, trong tất cả mọi
thứ liên quan đến hệ thống sinh sản, các chức năng và quá trình của nó”.
Trong kế hoạch hành động sau Hội nghị Cairo của UNFPA, SKSS bao
gồm 6 nội dung chính:
(1) Tư vấn, giáo dục, truyền thông và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả
và chấp nhận tự do lựa chọn của khách hàng, kể cả nam giới.
(2) Chú trọng SKSS VTN ngay từ lúc bước vào tuổi hoạt động tình dục và
sinh sản
(3) Giáo dục sức khỏe và CSSK bà mẹ, trẻ sơ sinh bao gồm cả chăm sóc
trong lúc có thai, khi đẻ và sau đẻ.
(4) Phòng ngừa và điều trị bệnh viêm nhiễm qua đường sinh dục và các
bệnh LTQĐTD
11
(5) Điều trị vô sinh
(6) Xử trí các vấn đề sức khỏe phụ nữ như các bệnh phụ khoa, giáo dục
tình dục học cho cả nam và nữ, huy động nam giới có trách nhiệm trong mỗi
hành vi tình dục và sinh sản.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản
Theo “Một số nghiên cứu về SKSS tại Việt Nam sau Cairo”: “CSSKSS là
một tổng thể các biện pháp kỹ thuật và dịch vụ góp phần nâng cao sức khỏe và
hạnh phúc bằng cách phòng ngừa và giải quyết các vấn đề về sức khỏe sinh sản.
Nó cũng bao gồm cả sức khỏe tình dục với mục đích là đề cao cuộc sống và các
mối quan hệ riêng rư, chứ không chỉ là việc tư vấn và chăm sóc liên quan đến
sinh sản và các BLTQĐTD”. Định nghĩa này ngụ ý nói về quyền của phụ nữ và
nam giới được thông tin và tiếp cận các biện pháp KHHGĐ an toàn, hiệu quả, dễ
dàng và thích hợp tùy theo sự lựa chọn của họ cũng như được lựa chọn những
phương pháp thích hợp nhằm điều hòa việc sinh đẻ không trái với pháp luật,
quyền được tiếp cận với các dịch vụ CSSK thích hợp giúp cho người phụ nữ trải
qua thai nghén và sinh đẻ an toàn, và tạo cho các cặp vợ chồng những điều kiện
tốt nhất để có đứa con khỏe mạnh.
Cũng có ý kiến cho rằng: CSSKSS là hiểu biết, thái độ, hành vi, nhằm đạt
được sự khỏe mạnh, hài hòa về thể chất, tinh thần và xã hội trong tất cả mọi khía
cạnh liên quan đến hệ thống sinh sản, các chức năng và quá trình sinh sản chứ
không phải chỉ là không có bệnh tật hay tổn thương hệ thống sinh sản.
Như vậy, CSSKSS không chỉ là hiểu biết, thái độ, hành vi nhằm đạt được
sự khỏe mạnh, hài hòa về thể chất, tinh thần và xã hội trong tất cả mọi khía cạnh
liên quan đến hệ thống sinh sản mà còn là cách tiếp cận và hưởng lợi từ các biện
pháp kỹ thuật và dịch vụ góp phần nâng cao sức khỏe và hạnh phúc phòng ngừa
và giải quyết các vấn đề về SKSS.
1.2.2. Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên
Vị thành niên
a, Khái niệm VTN
VTN là giai đoạn đặc biệt của cuộc đời con người. Đây là thời kỳ mà
VTN chưa được coi là người lớn song cũng không còn là trẻ con. Có nhiều quan
điểm khác nhau về tuổi VTN. Sự phân chia độ tuổi VTN ở các quốc gia, các
chủng tộc và các khu vực có khác nhau. Tuy nhiên có một điểm thống nhất là
VTN nghĩa là người chưa trưởng thành và còn do người lớn giám hộ.
12
Theo WHO, VTN có độ tuổi từ 10-19 tuổi. Trên cơ sở quan niệm này,
người ta thường phân chia VTN thành ba nhóm: VTN sớm: 10-14 tuổi, VTN
trung: 15-17 tuổi, VTN muộn: 18-19 tuổi.
Ở Việt Nam, pháp luật quy định từ 18 tuổi trở lên được coi là công dân đã
trưởng thành. Nghĩa là khi đó họ không còn là VTN nữa. Như thế, VTN ở nước
ta thường được xác định trong độ tuổi từ 10 đến trước 18 tuổi. Đây là một điểm
rất đáng lưu tâm trong nghiên cứu so sánh các chỉ báo về VTN ở nước ta và các
nước trên thế giới.
Trong nghiên cứu này, đối tượng là VTN từ 16 đến 18 tuổi. Đây là đối
tượng diễn ra rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì, đồng thời chịu sự
chi phối của các mối quan hệ trong cuộc sống và những tác động mạnh mẽ của
những yếu tố xã hội. Điều đặc biệt là các em có tâm lý muốn làm người lớn,
thích được sống độc lập, thích tự khẳng định mình.
Đối với nhóm tuổi này đang trong giai đoạn học sinh, đây cũng là thời kỳ
mà nhận thức xã hội của các em đang dần trưởng thành, va chạm với xã hội tăng
lên, sức ép từ môi trường xung quanh và nhiệm vụ học tập cũng nặng nề hơn
những năm phổ thông trước đó.
b, Đặc điểm tâm sinh lý VTN đang trong độ tuổi THPT(16 -18 tuổi)
Ở tuổi này đang có những biến đổi to lớn cả về tâm sinh lý và tình cảm,
đặc biệt là tâm lý “muốn được làm người lớn” và sự xuất hiện, nảy nở một loại
tình cảm đặc biệt, đó là tình yêu nam nữ. Sự phát triển về tính dục trong giai
đoạn này của các em dẫn đến nhu cầu về tình dục và sự hấp dẫn giới tính giữa
hai người khác phái. Đặc điểm chung của VTN là:
- Sự phát triển về mặt sinh lý:
+ Nhịp độ tăng trưởng về chiều cao và trọng lượng đã chậm lại. Sức
mạnh, sức bền, sự dẻo dai được tăng cường.
+ Về hệ thần kinh: cấu tạo và chức năng của hệ thần kinh phức tạp hơn
các lứa tuổi trước. Vì vậy, tư duy, ngôn ngữ và những phẩm chất ý chí có điều
kiện phát triển.
+ Về mặt giới tính: đa số các em đã qua thời dậy thì, dấu hiệu giới tính đã
phát triển rõ rệt làm cho cơ thể của các em có sự thay đổi rõ ràng.
- Sự phát triển về mặt xã hội:
+ Trong gia đình: cương vị của lứa tuổi thanh niên được nâng cao rõ rệt
so với lứa tuổi thiếu niên. Các em cảm thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, đồng
13
thời, nếp sống của gia đình, sự giáo dục của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến bộ mặt
tâm lý của lứa tuổi này.
+ Ở nhà trường: ở lứa tuổi này ý thức được rằng mình đang đứng trước
ngưỡng cửa của cuộc đời nên thái độ tự giác của các em tăng lên. Chính vì vậy,
hoạt động học tập mang ý nghĩa sống trực tiếp với các em.
+ Ngoài xã hội: hoạt động giao tiếp của lứa tuổi này phát triển mạnh, vai
trò xã hội và hứng thú xã hội được mở rộng(vai trò độc lập và có trách nhiệm, có
ý thức với việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Các em có khả năng và uy
tín để tham gia công tác xã hội như: tuyên truyền, bổ túc văn hóa, hiến máu
nhân đạo, tình nguyện…)
- Sự phát triển của quá trình nhận thức:
+ Tri giác: thời kỳ này có độ nhạy cảm cao nhất với tri giác nhìn và tri
giác nghe.
+ Trí nhớ: ghi nhớ có logic, ghi nhớ có chủ định phát triển mạnh và giữ
vai trò chủ đạo trong hoạt động nhận thức.
+ Tư duy: ở giai đoạn này, các em có khả năng tư duy lý luận, tư duy trừu
tượng một cách độc lập, sáng tạo. Tư duy chặt chẽ hơn, có căn cứ và nhất quán hơn.
+ Tưởng tượng: tưởng tượng sáng tạo và tái tạo đều phát triển nhưng dần
dần tưởng tượng sáng tạo chiếm ưu thế.
- Sự phát triển nhu cầu:
+ Nhu cầu giao tiếp: quan hệ với bạn bè chiếm vị trí lớn hơn hẳn so với
quan hệ với người lớn tuổi hơn hoặc ít tuổi hơn. Điều này thể hiện lòng khát
khao có vị trí bình đẳng trong cuộc sống. Cùng với sự trưởng thành về nhiều
mặt, quan hệ dựa dẫm, phụ thuộc vào cha mẹ dần dần cũng được thay thế bằng
quan hệ bình đẳng, tự lập.
Sự mở rộng phạm vi giao tiếp và sự phức tạp hóa hoạt động riêng của lứa
tuổi này khiến cho số lượng nhóm quy chiếu của các em tăng lên rõ rệt. Sự tham
gia vào nhiều nhóm sẽ dẫn đến sự khác nhau về quan điểm, định hướng giá trị…
và có thể xung đột vào vai trò nếu cá nhân phải lựa chọn các vai trò khác nhau ở
các nhóm.
Trong công tác giáo dục cần chú ý ảnh hưởng của nhóm, hội tự phát ngoài
nhà trường… bằng cách tổ chức các hoạt động tập thể phong phú, sinh động
khiến cho các hoạt động đó phát huy được tính tích cực của các em.
14
+ Nhu cầu xác định vị trí xã hội: đây là biểu hiện của nhu cầu tự khẳng
định, các em đòi hỏi xã hội công nhận các quyền lợi, nghĩa vụ xã hội của mình
như: quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tham gia các đoàn thể xã hội… Sự
đòi hỏi không chỉ dừng lại ở chỗ được xã hội thừa nhận về mặt thủ tục hành
chính mà chủ yếu là sự tôn trọng của xã hội đối với các em trong việc thực hiện
quyền lợi và nghĩa vụ đó.
Do vị thế của người học sinh, vị thế xã hội, gia đình được tăng cường nên
các em xuất hiện nhu cầu xác định vị trí xã hội. Biểu hiện của nhu cầu này là:
* Các em quan tâm nhiều hơn đến tình hình kinh tế, chính trị và xã hội
trên thế giới và trong nước.
* Các em sẵn sàng tham gia hoạt động xã hội phù hợp với hứng thú và sở
trường của mình. Tâm lý chung là các em thích tham gia vào những công việc
lớn, muốn thử sức mình trong những công việc có nhiều khó khăn, thậm chí
nguy hiểm mà không thích làm những công việc nhỏ đời thường.
Với mong muốn xác định vị trí xã hội của mình, các em cố gắng không
ngừng để tìm cách được sự tôn trọng và tin tưởng của người lớn.
- Đời sống tình cảm: đời sống xúc cảm, tình cảm của lứa tuổi này rất
phong phú và đa dạng. Những đặc điểm nổi bật về tình cảm ở độ tuổi này biểu
hiện tập trung ở những đặc điểm:
+ Tình bạn ở độ tuổi này đã có cơ sở, có lý trí và bền vững hơn lứa tuổi
thiếu niên: các em mong muốn sự chân thành, sự tin tưởng, hiểu biết và tôn
trọng, sẵn sàng giúp đỡ lần nhau. Tình bạn rất bền vững, nguyên nhân kết bạn
phong phú.
+ Đối với cha mẹ: các em thường biểu hiện tính tự lập. Các em có tâm lý
cho rằng người lớn thường đánh giá không đúng đắn, nghiêm túc những điều mà
các em nghĩ, những việc các em làm cũng như sự trưởng thành của các em. Bởi
vậy, các em dễ có xu hướng xa lánh người lớn mà tìm sự đồng tình, đồng cảm ở
các bạn cùng lứa tuổi.
+ Có sự phân hóa tình cảm cấp cao, có ý thức rõ rệt về ranh giới, phạm vi
và nội dung của mỗi loại tình cảm.
Tình cảm đạo đức được bộc lộ rõ như: sự khâm phục, kính trọng những
con người dũng cảm, kiên cường. Những tình cảm cao đẹp khác về trí tuệ, thẩm
mỹ cũng được hình thành sâu sắc: sự say mê văn học, nghệ thuật hoặc những
môn khoa học… và phấn đấu vì nó không mệt mỏi.
15
- Sự phát triển nhân cách:
+ Sự phát triển của tự ý thức: sự phát triển của tự ý thức là một đặc điểm
nổi bật trong sự phát triển nhân cách ở lứa tuổi này. Hơn bất cứ tuổi nào, lứa
tuổi này đánh giá “hình ảnh bản thân” một cách tỉ mỉ, nghiêm khắc. Từ đó hình
thành “hình ảnh bản thân”. Hình thành này là một thành tố quan trọng của sự tự
ý thức ở lứa tuổi đầu thanh niên.
Ở lứa tuổi này, quá trình phát triển tự ý thức diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi và có
tính chất đặc thù riêng: nhu cầu tìm hiểu và đánh giá những đặc điểm tâm lý của
mình theo quan điểm và mục đích sống của mình. Chính điều này làm cho các em
quan tâm sâu sắc đến đời sống tâm lý, phẩm chất, nhân cách và năng lực riêng.
Từ sự ý thức phát triển mà sự đánh giá ở lứa tuổi này cũng khá phát triển.
Lứa tuổi này thường có xu hướng cường điệu trong khi tự đánh giá. Hoặc là
đánh giá thấp cái tích cực, tập trung phê phán cái tiêu cực; hoặc là đánh giá quá
cao nhân cách của mình. Vì vậy, cần giúp đỡ các em để các em hình thành một
biểu tượng khách quan về nhân cách của mình.
+ Sự hình thành thế giới quan: các em quan tâm nhiều đến các vấn đề liên
quan đến con người, giữa quyền lợi và nghĩa vụ và tình cảm. Tuy nhiên thời kỳ
này một số em do chưa được giáo dục đầy đủ nên thế giới quan của các em còn
chịu ảnh hưởng của những yếu tố tiêu cực như say mê văn hóa phẩm không lành
mạnh, đánh giá cao cuộc sống hưởng thụ…
Như vậy, nhìn một cách chung nhất, trong giai đoạn không còn là trẻ con
nhưng chưa trở thành người lớn này, đặc trưng cơ bản của nhóm xã hội này là sự
tăng trưởng nhanh về mặt thể chất với việc hoàn thiện cơ quan sinh sản và sự
trưởng thành nhanh chóng về xã hội. Chính trong thời điểm này, ở tuổi VTN
diễn ra một sự đổ vỡ và khủng hoảng trong tâm lý và tình cảm. Các em hầu như
rơi vào tâm trạng đảo lộn các chuẩn mực giá trị và thẩm mỹ. Và sự đảo lộn ấy sẽ
càng gay gắt hơn trong một môi trường nhiều biến động và sự thay đổi mạnh mẽ
như xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Vì vậy, người lớn cần có thái độ
nghiêm túc, tôn trọng các em, đồng thời phải quan tâm, giúp đỡ các em trong
cuộc sống để các em phát triển một cách tốt nhất.
16
Sức khỏe sinh sản vị thành niên
SKSS VTN là khái niệm mới được du nhập từ phương Tây: “Adolescents
reproductive health is a state of complete physical, mental and not merely the
absence of disease or infirmity, in all matters relating to the reproductive
system of people between the ages of 10 and 19”.(7)
Tác giả tạm dịch: SKSS VTN là một trạng thái hoàn toàn về thể chất, tinh
thần và xã hội chứ không chỉ là bệnh tật hay ốm yếu, trong tất cả mọi thứ liên
quan đến hệ thống sinh sản, các chức năng và quá trình của con người trong độ
tuổi từ 10 đến 19.
Bên cạnh khái niệm trên, cũng có ý kiến cho rằng: SKSS VTN là những
nội dung liên quan đến lứa tuổi VTN, bao gồm sức khỏe và dinh dưỡng, nhất là
đối với VTN nữ. Những hiểu biết về cách giữ gìn sức khỏe khi có thai, biến đổi
của cơ thể trong giai đoạn phát triển quan trọng này của mỗi con người, phát
triển hiểu biết về tình dục và “sức khỏe tình dục” là những mặt quan trọng của
SKSS trong suốt đời người. Ngoài ra, những vấn đề khác của tuổi VTN còn có
vấn đề tình yêu, QHTD, phòng tránh thai, nạo hút thai, sinh đẻ ở tuổi VTN,
viêm nhiễm đường sinh sản, các bệnh LTQĐTD, HIV/AIDS.(8)
Chăm sóc sức khỏe sinh sản VTN: bao gồm tư vấn về tuổi dậy thì, vệ
sinh kinh nguyệt, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và phòng tránh các bệnh
LTQĐTD bao gồm cả HIV/AIDS. (8)
Như vậy, chăm sóc sức khỏe sinh sản của VTN không chỉ là hiểu biết, thái
độ, hành vi nhằm đạt được sự khỏe mạnh, hài hòa về thể chất, tinh thần và xã
hội trong tất cả mọi khía cạnh liên quan đến hệ thống sinh sản mà còn là cách
tiếp cận và hưởng lợi từ các biện pháp kỹ thuật và dịch vụ góp phần nâng cao
sức khỏe và hạnh phúc phòng ngừa và giải quyết các vấn đề về SKSS.
1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến CSSKSS VTN
1.3.1. Yếu tố khách quan
a - Gia đình
Tuổi dậy thì diễn ra với các thay đổi về nội tiết, dinh dưỡng và cơ thể nói
chung. Dậy thì ngày nay diễn ra ngày càng sớm. Bác sỹ Huỳnh Thị Thu Thủy,
phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh cho biết các bé gái ngày
càng có xu hướng dậy thì sớm. Trước đây, trung bình tuổi dậy thì ở nữ giới là 14
– 15 tuổi, thì theo một thống kê của Bệnh viện trong năm 2005, tuổi dậy thì
17
trung bình hiện nay của nữ giảm xuống chỉ còn 11 – 12 tuổi, thậm chí trong thực
tế có các bé gái dậy thì khi mới được 8 – 9 tuổi.
Dậy thì sớm, làm tăng khoảng thời gian sinh sản của người phụ nữ. Khả
năng có con về mặt sinh học diễn ra sớm hơn khi các em chưa trường thành về
mặt trí tuệ, tâm lý và xã hội để có thể làm mẹ.
Chính những thay đổi về sinh lý sớm của trẻ kéo theo việc trẻ cần nhận
được sự quan tâm đúng mực từ gia đình trong việc giáo dục về giới tính cũng
như SKSS, sức khỏe TD. Người xưa thường cho rằng con cái muốn trở thành
thương nhân thì nên ở gần chợ, muốn con hay chữ thì ở gần trường học, còn nếu
gần bọn trộm cướp thì cũng sớm vào tù ra khám. “Gần mực thì đen, gần đèn thì
rạng”, câu tục ngữ mang tính giáo dục này đến nay vẫn hoàn toàn đúng. Nếu gia
đình không thường xuyên bảo ban và giáo dục con cái theo đúng hướng thì trẻ
sẽ nhận thức sai lầm từ trong gia đình, sau đó ra ngoài xã hội trẻ vẫn tiếp tục các
lối sống đã hình thành trong gia đình. Những nhận thức và hành động sai lầm đó
sẽ không tốt cho cuộc sống của trẻ. Do vậy, gia đình – môi trường giáo dục đầu
tiên – luôn luôn cần thiết là cái nôi để nuôi dậy trẻ, giúp các em hình thành
những nhận thức ban đầu đúng đắn. Đặc biệt, hiện nay trong phần lớn các gia
đình cha mẹ vẫn còn quan niệm rằng không nên cho trẻ biết về vấn đề liên quan
đến tình yêu, tình dục, sợ trẻ học đòi và cho rằng “vẽ đường cho hươu chạy” sẽ
hư. Chính điều đó làm trẻ không nhận thức đúng vấn đề, tự mình tìm hiểu và
dẫn đến những nhận thức, thái độ, hành vi sai lầm đối với chính sức khỏe bản
thân và cuộc sống của trẻ.
Vì vậy, những người thân trong gia đình cần quan tâm, tìm hiểu tâm tư
nguyện vọng của các em để giúp các em có được những thông tin chính xác,
hành vi CSSKSS phù hợp với lứa tuổi các em.
b – Nhà trường
Nhà trường góp phần giáo dục không nhỏ cho trẻ. Ngoài gia đình thì nhà
trường là nơi trẻ học tập, vui chơi giải trí chủ yếu, thời gian trẻ ở nhà trường rất
nhiều. Trong nhà trường các em sẽ có sự hòa nhập và hình thành nhận thức rất
lớn. Tuy nhiên nhà trường mới chỉ dừng lại ở vai trò cung cấp những kiến thức
sách vở cho các em mà thiếu hẳn một mảng cung cấp cho các em kiến thức cụ
thể về đời sống, những vấn đề liên quan đến SKSS. Hầu hết những bài giảng về
SKSS được lồng ghép trong các môn học khác mà chưa được coi là môn học
chính. Chính vì vậy cũng chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác
18
truyền tải những nội dung về SKSS hay giới tính cho các em. Điều này ảnh
hưởng rất lớn đến nhận thức của trẻ về vấn đề SKSS. Điều này đặt ra vấn đề cần
nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy về giáo dục giới tính, kỹ năng
sống cho học sinh trong nhà trường.
c – Cộng đồng và xã hội
Ở lứa tuổi VTN, các em dễ nhạy cảm với những vấn đề mới, suy nghĩ
chưa chín chắn, chưa tự mình nhận định vấn đề nào là đúng hay sai, chịu sự tác
động mạnh của xung quanh nên các em hay có biểu hiện đua đòi. Trẻ đến trường
và chơi với chúng bạn, trẻ ảnh hưởng từ các bạn rất nhanh, vì cùng lứa tuổi,
cùng vui đùa nên trẻ hay tự hoàn thiện mình bằng cách học theo bạn, bạn làm gì,
có gì trẻ cũng học tập và làm theo bằng được. Điều đó dẫn đến đến trẻ sẽ ảnh
hưởng cả tích cực và tiêu cực từ phía bạn bè. Vì vậy, cộng đồng và xã hội cần có
những chương trình, chính sách phù hợp với lứa tuổi VTN.
d – PTTTĐC
Thông tin đại chúng hiện nay là nguồn mà các bạn trẻ rất dễ tiếp cận, nhất
là hiện nay đang trong thời kỳ phát triển mạnh của công nghệ thông tin, các
phương tiện như báo, tạp chí, sách cũng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên chưa
có một điều tra chính thức nào đánh giá về chất lượng của các nguồn thông tin
đại chúng hiện nay. Chất lượng có chăng chỉ là ở một số kênh thông tin chính
thức từ: Ti vi, đài phát thanh và truyền hình trung ương. Ở lứa tuổi VTN các em
rất hay tò mò lại chưa có sự phân loại thông tin chính xác nên các em gặp khó
khăn trong việc tiếp cận những thông tin có ích. Chính vì vậy PTTĐC tuy rất
phổ biến nhưng thực tế lại chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu vể
SKSS của VTN. Thế nên việc quản lý và sàng lọc các thông tin trên các
PTTTĐC cũng là việc làm hết sức cần thiết.
1.3.2. Yếu tố chủ quan
Yếu tố chủ quan xét đến ở đây chính là bản thân trẻ VTN. Hiện nay, trẻ
em có cơ hội được học tập và tiếp cận với nền giáo dục đang ngày một tiên tiến
và hoàn thiện không chỉ về mặt kiến thức mà cả về nội dung kỹ năng sống. Tuy
nhiên bên cạnh những em có thái độ tích cực tìm hiểu kiến thức, nâng cao kiến
thức thì lại có những em trì trệ, không hề nghiên cứu hay tìm hiểu bất kỳ thông
tin nào, không trau dồi kỹ năng sống và làm việc. Vậy nên những em này hạn
chế về hiểu biết.
19
Kéo theo đó, các em này sẽ có thái độ và hành vi tiêu cực. Ví dụ: các em
có thái độ thờ ơ với mọi người xung quanh, các em sống theo bản năng và
không tôn trọng đạo đức, truyền thống xã hội dẫn tới lối sống buông thả thậm
chí không biết chăm sóc bản thân. Mặc dù các em có lối sống không lành mạnh
không phải là đa số nhưng đây cũng là điều đáng lưu ý của xã hội. Bởi lẽ ở tuổi
VTN các em rất dễ bị ảnh hưởng từ bạn bè, nhóm xã hội bên ngoài hay các
luồng thông tin trên các PTTTĐC. Chính vì vậy, gia đình, nhà trường và xã hội
cần có những chương trình và hành động cụ thể để quan tâm tới VTN hơn nữa.
20