Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

BÀI 20. XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ DÂN TỘC TRONG CÁC THẾ KỈ X - XV

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.82 KB, 3 trang )

BÀI 20. XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ DÂN TỘC
TRONG CÁC THẾ KỈ X - XV
Trong các thế kỉ X - XV, cùng với sự nghiệp chính trị, quân sự và phát triển kinh
tế, nhân dân Việt Nam đã từng bước xây dựng cho mình một nền văn hoá mang
đậm bản sắc dân tộc. Những thành tựu văn hoá đạt được, vừa là sản phẩm của sự
nghiệp chung nói trên, vừa đặt nền móng vững chắc lâu dài cho dân tộc.
I - TƯ TƯỞNG, TÔN GIÁO
Bước sang thời độc lập, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo vốn được du nhập vào
nước ta từ thời Bắc thuộc, có điều kiện phát triển.
Nho giáo dần dần trở thành hệ tư tưởng chính của giai cấp phong kiến thống trị,
được đặt thành những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ vua - tôi, cha - con, chồng - vợ
và là tư tưởng chi phối nội dung giáo dục, thi cử. Tuy nhiên, ở các thế kỉ X - XIV, trong
nhân dân, ảnh hưởng của Nho giáo còn ít, đạo Phật còn giữ một vị trí đặc biệt quan
trọng và rất phổ biến. Các nhà sư được triều đình tôn trọng, có lúc đã tham gia bàn việc
nước. Vua, quan nhiều người theo đạo Phật, góp tiền xây dựng chùa, đúc chuông, tô
tượng, viết giáo lí nhà Phật.
Sử cũ viết: "Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tôn miếu chưa dựng, xã tắc
chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức… cấp độ điệp cho hơn 1000
người ở kinh sư làm tăng".
(Đại Việt sử kí toàn thư)
Chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi, nhiều người theo đạo Phật, đến nỗi một vị
quan thời Trần đã nhận xét: "Thiên hạ năm phần thì sư tăng chiếm một", hoặc
"chỗ nào có người ở đều có chùa thờ Phật".
Đạo giáo tuy không phổ cập nhưng hoà lẫn với các tín ngưỡng dân gian. Một số
đạo quán được xây dựng.
Từ cuối thế kỉ XIV, Phật giáo và Đạo giáo suy dần. Thời Lê sơ, Nho giáo được
chính thức nâng lên địa vị độc tôn và vị trí đó được duy trì cho đến cuối thế kỉ XIX. Số
người theo đạo Phật, Đạo giáo giảm bớt. Nhà nước phong kiến ban hành nhiều điều
lệnh nhằm hạn chế sự phát triển của Phật giáo, thiết lập tôn ti trật tự xã hội của Nho
giáo trong nhân dân. Sự phát triển của giáo dục Nho học cũng góp phần củng cố vị trí
của Nho giáo.


II - GIÁO DỤC, VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC - KĨ THUẬT
1. Giáo dục
Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu. Năm 1075, khoa thi quốc gia
đầu tiên được tổ chức ở kinh thành.
Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV, giáo dục Đại Việt từng bước được hoàn thiện và phát
triển, trở thành nguồn đào tạo quan chức và người tài cho đất nước. Nội dung học tập
được quy định chặt chẽ. Thời Lê sơ, quy chế thi cử được ban hành rõ ràng: cứ 3 năm có
một kì thi Hội, chọn Tiến sĩ. Riêng thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã tổ chức
12 khoa thi Hội. Số người đi học ngày càng đông, dân trí do đó được nâng cao. Năm
1484, nhà nước quyết định dựng bia, ghi tên Tiến sĩ.
Hàng loạt trí thức tài giỏi được đào tạo đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng
và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, giáo dục Nho học không tạo điều kiện cho sự phát triển
kinh tế.
2. Văn học
Sự phát triển giáo dục góp phần phát triển văn học.
Ban đầu, văn học mang nặng tư tưởng Phật giáo. Từ thời Trần, văn học dân tộc
ngày càng phát triển. Hàng loạt bài thơ, bài hịch, bài phú nổi tiếng như Nam quốc sơn
hà, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô đại cáo,… cùng hàng loạt tập thơ
chữ Hán đã ra đời, vừa thể hiện tài năng văn học vừa toát lên niềm tự hào dân tộc và
lòng yêu nước sâu sắc. Văn thơ phát triển đến mức, cuối thế kỉ XIV, Trần Nguyên Đán
đã thốt lên:
Tướng võ, quan hầu đều biết chữ
Thợ thuyền, thư lại cũng hay thơ
(Thơ văn Lý - Trần)
Ở thế kỉ XV, văn học chữ Hán và chữ Nôm (được sáng tạo từ thế kỉ XI - XII) đều
phát triển với sự xuất hiện của hàng loạt tập thơ của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lý
Tử Tấn,… có nội dung ca ngợi đất nước phát triển.
3. Nghệ thuật
Nghệ thuật cũng có những bước phát triển mới. Trong các thế kỉ X - XIV, những
công trình nghệ thuật Phật giáo được xây dựng ở khắp mọi nơi như chùa Một Cột (Diên

Hựu), chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm, tháp Báo Thiên, tháp Phổ Minh. Chuông,
tượng cũng được đúc, tạc rất nhiều. Cuối thế kỉ XIV, thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc - Thanh
Hoá) được xây dựng và trở thành một điển hình của nghệ thuật xây thành ở nước ta. Ở
phía nam, nhiều đền tháp Chăm được xây dựng thêm, mang phong cách nghệ thuật đặc
sắc.
Xuất hiện nhiều tác phẩm điêu khắc mang những hoạ tiết hoa văn độc đáo như
rồng mình trơn cuộn trong lá bồ đề, bông cúc nhiều cánh, bệ chân cột hình hoa sen
nở… cùng nhiều bức phù điêu có hình các cô tiên, các vũ nữ vừa múa vừa đánh đàn.
Nghệ thuật sân khấu như chèo, tuồng, ra đời sớm và ngày càng phát triển. Múa rối
nước là một nghệ thuật đặc sắc, phát triển từ thời Lý.
Văn bia Sùng Thiện diên linh (ở Hà Nam, khắc năm 1121) viết: "Hàng nghìn
chiếc thuyền bơi giữa dòng nhanh như chớp… Làn nước rung rinh, rùa vàng nổi
lên đội ba quả núi… lộ vân trên vỏ và xoè bốn chân, nhe răng trợn mắt… Các
thần tiên xuất hiện, nét mặt nhuần nhị thanh tâm há phải đâu vẻ đẹp của người
trần thế, tay nhỏ nhắn mềm mại múa điệu hồi phong…"
Âm nhạc phát triển với nhiều nhạc cụ như trống cơm, sáo, tiêu, đàn cầm, đàn
tranh, chiêng cồng… Các nghệ nhân sáng tác nhiều bản nhạc để tấu hát trong các buổi
lễ hội.
Ca múa nhạc được tổ chức trong các lễ hội, ngày mùa ở khắp các làng bản miền
xuôi cũng như miền ngược. Cùng với các điệu ca, điệu múa, còn có các cuộc đua tài
như đấu vật, đua thuyền, đá cầu…
4. Khoa học - kĩ thuật
Cùng với sự phát triển của giáo dục và ý thức dân tộc, nhiều ngành khoa học - kĩ
thuật cũng đạt được những thành tựu có giá trị. Thời Trần, bộ Đại Việt sử kí (của Lê
Văn Hưu) - bộ sử chính thống của nhà nước - được biên soạn. Ở các thế kỉ sau, nhiều
bộ sử khác như Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử kí toàn thư… được soạn thảo. Về địa lí
có Dư địa chí, Hồng Đức bản đồ; về quân sự có Binh thư yếu lược; về các thiết chế
chính trị có bộ Thiên Nam dư hạ; về toán học có Đại Thành toán pháp của Lương Thế
Vinh, Lập Thành toán pháp của Vũ Hữu.
Nhu cầu quốc phòng đã tạo điều kiện cho các quan xưởng, dưới sự chỉ đạo của Hồ

Nguyên Trừng, chế tạo súng thần cơ và đóng các thuyền chiến có lầu. Thành nhà Hồ (ở
Thanh Hoá) cũng là một thành tựu kĩ thuật quan trọng.

×