TRƯỜNG………………………….
KHOA……………………………
TIỂU LUẬN
Chính sách đối ngoại của Việt Nam
với Asean từ năm 1991 đến nay
Mục lục
Lời mở đầu
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai bắt đầu từ những năm 70 đã làm
thay đổi thế giới. Bắt nguồn từ nhu cầu phải hợp tác để cùng tồn tại và phát triển , xu
thế đối đầu giữa 2 cực Ianta trong chiến tranh lạnh tan vỡ từ những năm 80 của thế kỷ
trước.Các nước phát triển muốn tìm kiếm thị trường và nguyên liệu còn các quốc gia
đang phát triển cần có vốn và công nghệ. Chính vì vậy các mối quan hệ quốc tế dần trở
nên bớt căng thẳng khi mà các quốc gia muốn bắt tay lẫn nhau chuyển từ đối đầu sang
đối thoại và hợp tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. Trải
qua hơn 43 năm kể từ khi ra đời , Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày
nay đã trở thành một tổ chức liên minh chính trị - kinh tế vững mạnh được đánh giá cao
trong khu vực và quốc tế. Mặc dù đã từng có những bất đồng đối với Asean trong vấn
đề Campuchia và sự bất ủng hộ của một số nước Đông Nam Á trong kháng chiến chống
Mỹ , tuy nhiên cho đến Đại hội Đảng Cộng Sản năm 1986, khi Việt Nam tiến hành đổi
mới toàn diện về kinh tế , chính trị và ngoại giao với định hướng ban đầu là Đổi mới về
quan hệ hợp tác quốc tế theo hướng mở, kêu gọi hợp tác và đầu tư nước ngoài thì mối
quan hệ Việt Nam và ASEAN đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Cũng từ nhu
cầu phát triển kinh tế - xã hội chúng ta từng bước mở cửa và có những hành động tích
cực trên trường quốc tế như bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1992 và
với Hoa Kỳ vào năm 1995 , gia nhập khối ASEAN năm 1995.
Kể từ Đại hội Đại hội VII (1991), Hội nghị Trung ương 3 (khóaVII) và Đại hội
VIII (1996) , rồi Đại hội IX (2001) của Đảng chúng ta đã liên tiếp xây dựng và đổi mới
chính sách đối ngoại cho phù hợp với xu thế của thời đại.Thực hiện nhất quán đường lối
đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế.
Tuyên bố chính sách của Đại hội IX đúc kết kinh nghiệm từ các kỳ đại hội trước với
phương châm : “Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng
đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” ( Văn kiện đại hội IX )Trong
chính sách đối ngoại của mình đối với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới
chúng ta đều thể hiện được những tinh thần nêu trên. Đặc biệt đối với tổ chức Asean
bao gồm các nước trong khu vực láng giềng chúng ta có những chính sách đối ngoại
riêng phù hợp quy tắc , chuẩn mực quốc tế , chính sách đối ngoại đối với các nước
Asean của Việt Nam có vai trò quan trọng về nhiều mặt trong chiến lược Kinh tế - Xã
hội - Chính trị - Ngoại giao. Vì vậy Đề tài nghiên cứu về “Chính sách đối ngoại của
Việt Nam với Asean từ năm 1991 đến nay” có ý nghĩa rất sâu sắc về lý luận cũng như
thực tiễn
1.Một số cơ sở cho việc hoạch định chính sách đối ngoại đối với ASEAN
Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, khi Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh tại
cả hai miền Nam, bắc nước ta bằng chiến tranh cục bộ , lúc này đã có sự tham gia của
những Đồng minh của Mỹ (trực tiếp hay gián tiếp) bao gồm trong đó một số nước
ASEAN, hai bên hầu như không có thiện cảm với nhau (trừ mối quan hệ giữa Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà với Indonesia ). Vào những năm 1970, quan hệ Việt Nam - ASEAN
đã dần được thiết lập và phát triển cùng với thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng
miền Nam và thống nhất đất nước, và đặc biệt qua chuyến thăm các nước ASEAN của
Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng năm 1978, sau khi Việt Nam thống nhất và trở
thành Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các bên đã bàn đến các vấn đề hợp tác
kinh tế và an ninh chính trị như khả năng ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau.
Tuy nhiên các sự kiện tiếp theo liên quan đến Campuchia đã làm quan hệ hai
bên trở nên xấu đi, thậm chí đối đầu vào những năm 80 khi Việt Nam đóng quân tại
Campuchia, việc bất đồng với ASEAN sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho Việt Nam khi chúng
ta nằm “kẹp” trong khu vực Đông Nam Á nên rất dễ bị cô lâp bởi các thế lực thù địch .
Chính vì vậy khi tham gia vào ASEAN để tránh gặp phải những bất đồng cũng như
tranh chấp có thể tái diễn như trong quá khứ chúng ta có những chính sách đối ngoại
phù hợp trên cơ sở Hiến chương ASEAN
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội : Trong những năm 80 nền kinh tế thế giới vẫn
chưa thoát khỏi biến chứng của cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 70. Trong khi
Hệ thống xã hội chủ nghĩa có nhiều bất ổn nhìn thấy , sản xuất trì trệ tại Liên Xô và
Đông Âu báo hiệu cuộc biến động chính trị sắp xẩy ra , lúc này ta lại có mâu thuẫn với
đồng minh Trung Quốc về vấn đề Cam pu chia và nhiều vấn đề chính trị phức tạo khác
dẫn tới cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Quá trình đổi mới nền kinh tế bắt đầu từ
năm 1986 gặp rất nhiều khó khăn , nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa giảm
dần rồi cắt hẳn, hợp tác thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa cũng bị dừng lại do
khủng hoảng chính trị dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu và Liên Xô
vào những năm 1989 – 1991. Mặc dù quá trình đổi mới toàn diện đã được triển khai và
đạt được những thành tựu nhất định nhưng lúc này nền kinh tế còn rất yếu ớt, Việt Nam
vẫn chịu sự cấm vận của Mỹ , mẫu thuẫn với Trung Quốc. Chính vì vậy mục tiêu của
chính sách đối ngoại của Việt Nam lúc này là xây dựng các mối quan hệ và từng bước
đặt vấn đề hợp tác thương mại và kêu gọi đầu tư, chú trọng đầu tiên đến các nước láng
giềng khu vực bán đảo Đông Dương và Đông Nam Á nói chung, các nước xã hội chủ
nghĩa và các nước đang phát triển trên thế giới. Gia nhập Asean năm 1995 đã tạo điều
kiện cho nước ta có thể hội nhập sâu vào khu vực trên các lĩnh vực an ninh – kinh tế -
chính trị
Giai đoạn từ năm 1996 trở đi , sau khi vấn đề Cam pu Chia được giải quyết việc
đối đầu giữa hai nhóm nước khu vực Đông Đương với các nước khối ASEAN lúc đó
được xóa bỏ hoàn toàn tạo ra tình hình mới có lợi cho việc hoạch định chính sách đối
ngoại đối với khu vực ASEAN. Bên cạnh đó Châu Á và Đông nam Á tiếp tục phát triển
năng động về kinh tế , nhưng tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định như: phải khắc
phục khủng hoảng 97, bệnh dịch SARC, đòi hỏi chính sách đối ngoại vừa củng cố sự
liên kết, hợp tác trong nội bộ khối, vừa nở rộng quan hệ với bên ngoài
2.Chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Asean từ 1991 đến nay.
2.1.Chính sách đối ngoại qua các kỳ Đại hội :
Giai đoạn 1991 - 1995
Mặc dù nền kinh tế nước ta trong buổi đầu đổi mới gặp rất nhiều khó khăn nhưng
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII (1991) vẫn kiên trì thực hiện đường lối
đổi mới, bởi vì đổi mới lúc này là lối thoát duy nhất , phương hướng đổi mới lúc này tập
trung vào Chính trị bao gồm hiến pháp và tổ chức lại bộ máy nhà nước đồng thời thông
qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 nhằm bình ổn xã
hội, phát triển đất nước đưa đất nước thóat ra khỏi khó khăn , đại hội đề ra kế hoạch 5
năm 1991-1995 nhằm phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên những yêu cầu bức thiết cho
công nghiệp hóa – hiện đại hóa yêu cầu những chính sách đối ngoại phải trở nên thiết
thực và cụ thể. Chính sách đối ngoại được đề ra trong văn kiện Đại hội Đảng lần VII
( 1991 ) thể hiện mục tiêu trước hết là các đối tác truyền thống và láng giềng khu vực
Đông Nam Á :
- Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì
hòa bình, Độc lập và phát triển
- Củng cố và phát triển qua hệ hữu nghị hợp tác truyền thống với các nước Xã hội chủ
nghĩa , các nước anh em trên bán đảo Đông Dương, phát triển quan hệ với Đông
Nam Á
- Phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau với các nước đang phát triển
Trong giai đoạn này thì chính sách đối ngoại của của chúng ta là tạo quan hệ và
ấn tượng tốt đối với khối ASEAN, xóa bỏ hiểu nhầm tiến tới hợp tác và gia nhập vào
ASEAN
Giai đoạn 1996 đến nay
Tại kỳ Đại hội VIII trên cơ sở phân tích những tình hình trong nước và quốc tế
cũng đại hội đã đề ra nhiệm vụ đối ngoại cụ thể là : Hợp tác nhiều mặt, song phương và
đã phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng Độc
lâp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ , ko can thiệp công việc nội bộ của nhau ,bình đẳng
cùng có lợi, giải quyết tranh chấp bất đồng bằng thương lượng. Chính sách đối ngoại
đối với ASEAN cũng theo nhiệm vụ này để hoạch định đó là : Ra sức tăng cường quan
hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN Không ngừng củng cố
quan hệ với các nước bạn truyền thống Tại Đại hội IX ( 4/2001 ) có bổ sung trong
đường lối đối ngoại: VN sẵn sàng là bạn và là đối tác đáng tin cậy của các nước Trong
các hướng ưu tiên của Đại hội IX thì: coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác
với các nước Xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, nâng cao hiệu quả và chất
lượng hợp tác với ASEAN, được đưa lên hàng đầu.
Tại hội nghị Trung Ương VIII ( 7/2003 ): chính sách đối ngoại chúng ta tiếp tục
được bổ sung nhằm tranh thủ nguồn lực quốc tế cho sự nghiệp Công nghiệp hóa – hiện
đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế những nội dung chủ yếu của hội nghị trung
Ương VIII định hướng cho chính sách đối ngoại của ta là : “Ra sức huy nội lực, đồng
thời tranh thủ tối đa và khai thác mọi thuận lợi từ bên ngoài ;Quán triệt đường lối độc
lập tự chủ, kiên định chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa theo phương châm
“thêm bạn bớt thù”, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cố gắng gia tăng hợp tác, tránh xung
đột, đối đầu tránh bị cô lập ; Tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố quan hệ với các
nước láng giềng ; Mở rộng quan hệ với các nước đang phát triển, các tổ chức quốc tế
và khu vực.”
Tại hội nghị Trung Ương IX (1/2004) : “Tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ
hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới, các nước xã hội chủ
nghĩa và các nước trong khu vực; Tích cực chủ động góp phần giữ vững các nguyên tắc
cơ bản của ASEAN, tăng cường gắn kết trong hiệp hội, hạn chế tác động phân hóa từ
bên ngoài, đẩy mạnh hợp tác kinh tế”. Đặc biệt là tiếp tục giữ vững mối quan hệ thân
thiết bền chặt với hai nước anh em là LÀo và Campuchia
Tình hình thế giới và khu vực trong giai đoan 2006 – 2010 có nhiều diễn biến
phức tạp, tác động nhiều chiều tới an ninh và phát triển của Việt Nam. Mặc dù có nhiều
thách thức đặt ra, nhưng chúng ta đã và đang đứng trước những cơ hội và thuận lợi rất
cơ bản. Đó là thành tựu 20 năm đổi mới làm cho thế và lực Việt Nam mạnh lên nhiều;
việc mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế tạo thuận lợi cho
Việt Nam tiếp tục công cuộc đổi mới, giữ vững và củng cố môi trường hoà bình, ổn
định, để tập trung phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn Tại Đại hội X ( 2006 ) Trên
cơ sở đánh giá sâu sắc những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới,
Đại hội X khẳng định phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh
mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn
nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020
Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Chính sách đối
ngoại của nước ta với ASEAN vân được đặt lên hàng đầu đó là “tiếp tục mở rộng quan
hệ đối ngoại, củng cố và hoàn thiện khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các nước
nhất là láng giềng khu vực, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác, tạo bước
chuyển biến mới trong quan hệ hợp tác theo hướng đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào
chiều sâu, ổn định, bền vững, tạo ra sự tin cậy lẫn nhau.”
2.2.Triển khai thực hiện đường lối chính sách đối ngoại đối với ASEAN
2.2.1.Xây dựng mối quan hệ hòa bình và ổn định đối với Asean.
Giai đoạn 1991 – 1995:
Bên cạnh những thay đổi sâu sắc diễn ra trên thế giới và ở khu vực từ năm 1989,
nhận thức về lợi ích chung của Đông Nam Á, về sự liên kết cùng nhau phát triển đã đưa
đến sự thông cảm hơn giữa Việt Nam và ASEAN về lợi ích an ninh của nhau, để tiến tới
cùng chia xẻ số phận chung của các dân tộc Đông Nam Á. Chúng ta nhận thức được
tầm quan trọng của việc củng cố quan hệ và hợp tác với các nước láng giềng trong khu
vực ASEAN nên có sự chủ động trong việc giải quyết vấn đề Campuchia . Đồng thời
triển khai mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao song phương cấp cao với các nước
ASEAN
Với những cố gắng trong việc tìm giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột
Campuchia, quan hệ Việt Nam – ASEAN được cải thiện trở lại và khả năng Việt Nam
có thể tham gia tổ chức hợp tác khu vực của các quốc gia ĐNA này đã được đề cập đến
từ năm 1989 tại cuộc gặp không chính thức lần thứ hai về vấn đề campuchia ở Jakarta
( Indonexia). Tháng 7 năm 1992 Việt Nam trở thành quan sát viên của Asean và ba năm
tiếp theo đã trở thành viên chính thức của ASEAN (7/1995).
Giai đoạn 1996 đến nay :
Sau khi gia nhập ASEAN, đường lối chính sách đối ngoại của ta hướng tới mục
tiêu trước hết là tạo môi trường hòa bình , ổn định và hợp tác lâu dài với các nước
ASEAN Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc , Hoa Kỳ là động thái thể hiện
tinh thần đối ngoại “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” của chúng ta trong
mối quan hệ quốc tế, điều này giúp cho việc gia nhập ASean được thuận lợi bởi hai
cường quốc này đều có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế - chính trị đối với Khối Asean.
Việc gia nhập vào khối ASEAN đã góp phần phá thế bị bao vây, cô lập, tạo ra môi
trường hòa bình, ổn định và thuận lợi hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đưa Việt
Nam hội nhập về kinh tế với khu vực và quốc tế bởi ASEAN với “nguyên tắc làm nền
tảng cho quan hệ giữa các quốc gia và thành viên bên ngoài” và nguyên tắc bình đẳng
trong điều phối ASEAN
Mặt khác, để góp phần bảo đảm an ninh và ổn định cho đất nước, hoạt động đối
ngoại của Việt Nam đã góp phần chủ động và tích cực giải quyết những vấn đề tồn tại
với các nước láng giềng và các nước ở khu vực như đàm phán và ký Hiệp định biên giới
với Lào, thỏa thuận về khai thác chung với Ma-lai-xi-a trên vùng chồng lấn, phân định
vùng chồng lấn với Thái Lan….tiếp tục đàm phán với inđônêxia về phân định thềm lục
địa, tiếp tục đàm phán với Campuchia để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về biên
giới lãnh thổ. Chính sách đối ngoại này đối với các nước Asean cũng đã góp phần kiên
quyết đấu tranh chống âm mưu và hành động lợi dụng chiêu bài “nhân quyền” “dân
chủ” và “tự do tín ngưỡng”để can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam. Toàn bộ các
hoạt động trên đã góp phần quan trọng và thiết thực vào việc tạo dựng môi trường khu
vực tương đối ổn định và thuận lợi cho đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc.
2.2.2.Tăng cường giao lưu , hợp tác về kinh tế - khoa học kỹ thuật - Văn hóa
xã hội
Sau khi gia nhập ASEAN, Bên cạnh việc xây dựng môi trường hòa bình , ổn
định trong khối ASEAN. Chúng ta tăng cường các hoạt động giao lưu hợp tác về kinh tế
- thương mại , khoa học công nghệ, văn hóa , giáo dục, quản lý hành chính….v.v Nhằm
tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau . Tham gia vào khối ASEAN Việt Nam chúng ta tuân
thủ những quy định chung của Hiến Chương ASEAN, tham gia vào khu vực mậu dịch
tự do ASEAN ( AFTA) thực hiện biểu thuế ưu đãi có hiệu lực chung(CEPT) Tức là nhà
nước phải giảm và tiến tới xoá bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan ngăn cách buôn
bán giữa Việt Nam và các nước ASEAN, Việt Nam đã tham gia trong giai đoạn 1996 –
2006. Các hoạt động hợp tác khác ký hiệp định chung ASEAN về dịch vụ (AFAS –
1999), Hiệp định hợp tác công nghiệp ASEAN ( AICO). Ngoài những cố gắng cụ thể
tham gia vào hợp tác kinh tế ASEAN, AFTA, tham gia tích cực trong hội nghị Bộ
trưởng Kinh tế các nước ASEAN ( AEM ) , hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Việt Nam còn tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác khác của ASEAN , vào diễn
đàn khu vực Asean (ARF), Hội nghị cấp cao A' – Âu, Hội nghị ASEAN + 3 và hội nghị
ASEAN + 6 Nhiều nhà lãnh đạo các nước ASEAN và thế giới đã đánh giá cao sự
thành công của Việt Nam trong việc tham gia ASEAN.
Ngoài các hoạt động hợp tác về kinh tế - thương mại thì những hoạt động về hợp
tác khoa học – Kỹ thuật , giáo dục đào tạo , giao lưu văn hóa – xã hội cũng được Việt
Nam chú trọng.
Về hợp tác khoa học kỹ thuật, Việt Nam tham gia sâu và tích cực trong các
chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật ASEAN trong lĩnh vực nông – lâm – nghiệp
ASEAN như an toàn thực phẩm [chương trình IPM, hài hòa các tiêu chuẩn dư lượng
thuốcsâu tối đa trên rau (MRLs) của ASEAN, dự án đảm bảo an toàn chất lượng rau
quả…]; công nghệ sinh học và công nghệ biến đổi gen; hợp tác về chăn nuôi (các
chương trình nghiên cứu vắccin, xây dựng các tiêu chí kiểm dịch thú y ASEAN…); hợp
tác về khuyến nông; hợp tác về lâm nghiệp (xây dựng các tiêu chí về quản lý rừng bền
vững ASEAN, dự án hợp tác ASEAN - Đức về quản lý rừng bền vững…) Các dự án
hợp tác bảo vệ môi trường như dự án được thực hiện song song với sự tham gia của các
đối tác chiến lược của ASEAN như : Trung Quốc , Hoa Kỳ , Nhật Bản , Hàn Quốc tiêu
biểu là các “Chương trình hành động hợp tác bảo vệ môi trường Trung Quốc-ASEAN
2009 - 2019” , dự án cải tao và bảo vệ Hạ nguồn song Mê Kong của 4 nước Việt Nam ,
Lào , Campuchia, Thái Lan với sự tài trợ của Hoa Kỳ. Hội nghị quan chức cao cấp
ASEAN+3 về môi trường được tổ chức thường niên với sự tham gia đầy đủ và sâu sắc
của việt Nam mới đây nhất là chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị các quan chức
cao cấp các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) về
môi trường.
Về Giáo dục đào tạo : ASEAN có hội nghị bộ trưởng Giáo dục ASEAN là nơi
trao đổi các thông tin , chương trình và dự án liên kết Giáo dục và đào tạo giữa các
nước. bên cạnh các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường Đại học trong nước và
khu vực Đông Nam Á, hợp tác với nhau để thành lập những nhóm nghiên cứu giải
quyết các vấn đề cụ thể trong vùng, theo hội thảo đầu tiên về Nhóm hợp tác giáo dục
bậc cao và nghiên cứu tiên phong ASEAN. .Ngoài Việt Nam tham gia tích cực vào
trương chình phát triển nguồn nhân lực Asean. Hiện nay Bộ lao động thương binh – xã
hội nước ta đã và đang tham gia, đóng góp vào việc xây dựng, triển khai 12 chương
trình, dự án hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch hành động Phát triển Nhân lực thuộc
Sáng kiến hội nhập Asean. Trong đó, có một số dự án đáng chú ý như Chương trình
ASEAN – Nhật Bản về Quan hệ lao động, Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho
các quan chức Asean, dự án Nghiên cứu AFTA và các tác động của quá trình gia nhập
AFTA đối với vấn đề lao động, việc làm tại các nước ASEAN, dự án Tăng cường khả
năng công nhận tay nghề giữa các nước ASEAN…
Về các hoạt động văn hóa : Các lĩnh vực hợp tác văn hoá giữa Việt Nam với
ASEAN nằm chủ yếu ở các lĩnh vực: Hợp tác về phát thanh - truyền hình và phim -
video; Hợp tác về in ấn và thông tin công cộng; Hợp tác về văn học và nghiên cứu
ASEAN; Hợp tác về lĩnh vực nghệ thuật nghe nhìn và biểu diễn. Các hoạt động giao lưu
văn hóa nghê thuật thường niên, giải thể thao SEAGAME , giải bong đá ASEAN Cup
…v.v
2.2.3.Tham gia xây dựng và củng cố vị thế của Việt Nam tại Khu vực
ASEAN
Mặc dù mới chỉ có 15 năm tham dự vào khối ASEAN nhưng chúng ta đã từng
bước hòa nhập và xây dựng được hình ảnh của mình Trong suốt chặng đường đó Việt
Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp
tác của ASEAN cũng như trong việc xác định tương lai phát triển, phương hướng hợp
tác và các quyết sách lớn của ASEAN, góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác, nâng
cao vai trò và vị thế quốc tế của Hiệp hội, đồng thời cũng là nâng cao vi thế của Việt
Nam trên trường quốc tế.
Ngay sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực ủng hộ và thúc đẩy việc
kết nạp các nước Lào, CAmpuchi, Myanma Vào ASEAN qua đó đã hoàn tất ý tưởng về
một cộng đồng 10 quốc gia Đông Nam Á quy tụ tại ASEAN mở ra một trang mới của
đoàn kết, hữu nghị và hợp tác ở khu vực, tạo ra môi trường hòa bình, tin tưởng và thân
thiết lẫn nhau giữa các nước. Có thể khẳng định rằng, sự hình thành ASEAN-10 là một
trong những mốc phát triển quan trọng của Hiệp hội, tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN
trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở
Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương như ngày nay.
Việt Nam cũng tham gia tích cực vào tổ chức những hoạt động quan trọng cũng
như trong việc xây dựng các quyết sách lớn của ASEAN như tổ chức thành công Hội
nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (Hà Nội, tháng 12/1998). Kết quả của Cấp cao ASEAN
+ 6, nhất là việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) để thực hiện Tầm
nhìn ASEAN 2020, đã giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế
trong lúc Hiệp hội đang ở thời điểm khó khăn nhất do tác động của cuộc khủng hoảng
kinh tế tài chính năm 1997-1998. Tiếp đó, Việt Nam cũng đã đảm nhận tốt vai trò Chủ
tịch Ủy ban Thường trực ASEAN nhiệm kỳ 7/2000-7/2001, với kết quả ghi đậm dấu ấn
Việt Nam là Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển được thông qua tại
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 34 (7/2001), thể hiện nỗ lực thúc đẩy hợp tác và
tăng cường liên kết khu vực, đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững của Hiệp hội.
Những sự kiện này đã để lại trong lòng bạn bè ASEAN và quốc tế những ấn tượng sâu
sắc.
Về mặt chính trị - an ninh và quan hệ đối ngoại cũng có nhiều đóng góp cụ thể
quan trọng Đó là kết quả của sự tham gia tích cực và chủ động của các Bộ, ngành liên
quan của ta, kể cả việc đăng cai tổ chức nhiều hoạt động quan trọng của ASEAN cũng
như việc thúc đẩy các sáng kiến có giá tri.
Trong việc thúc đẩy ASEAN chuyển sang giai đoạn mới chúng ta cũng có nhiều
đóng góp quan trọng như hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm
2015 với 3 trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-xã hội, và hoạt động trên cơ
sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Vai trò tích cực và sự đóng góp quan trọng của Việt
Nam được thể hiện rõ trong quá trình hình thành ý tưởng, hoạch định chính sách, xây
dựng và triển khai các văn kiện cơ bản của ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng
đồng như Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II năm 2003, Chương trình hành động Vientian
(VAP) năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2007, Lộ trình xây dựng Cộng đồng cùng
với các Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng, và Kế hoạch công tác IAI về
Thu hẹp khoảng cách phát triển năm 2009.
Năm 2010, Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN kể từ khi gia
nhập ASEAN. Với chủ đề xuyên suốt của năm Chủ tịch ASEAN 2010 là “Hướng tới
Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”, Việt Nam đang nỗ lực hết mình trong
vai trò điều phối, thúc đẩy các hành động và biện pháp hợp tác cụ thể nhằm triển khai
hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng và Hiến chương ASEAN, đồng thời mở rộng và
làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN với các bên Đối tác, củng cố và
duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực và trong bối
cảnh một cấu trúc khu vực đang định hình. Thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN
16 (Hà Nội, tháng 4/2010) và của các Hội nghị cấp Bộ trưởng mà gần đây nhất là Hội
nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan (Hà Nội, tháng
7/2010) là minh chứng sinh động cho các nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh
hành động hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN.
Kết luận
Chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với ASEAN từ năm 1991 đến nay, xoay
quanh các vấn đề xây dựng quan hệ hài hòa , ổn định và hợp tác và phát triển.Chính
sách đối ngoại vấp phải nhiều ảnh hưởng từ quan hệ quốc tế, những biến động về tình
hình kinh tế thế giới đòi hỏi Việc mở rộng quan hệ quốc tế và lựa chọn đối tác phải hết
sức cẩn trọng. Tuy nhiên Việt Nam luôn coi ASEAN là một đối tác chiến lược quan
trọng nhất nhằm đảm bảo những mục tiêu chính trị, ngoại giao, An ninh quốc phòng và
phát triển kinh tế xã hội. Việc quán triệt chính sách đối ngoại nêu trên, Việt Nam đã tích
cực hội nhập sâu vào khu vực và tham gia vào xây dựng tổ chức ASEAN ngày càng
phát triển vững mạnh với những nội dung hơp tác ngày càng sâu rộng và thiết thực đã
giúp củng cố vị thế của Việt Nam mắt bè bạn ASEAN và Quốc tế.
Tài Liệu Tham Khảo
1. Văn kiện Đảng các kỳ ĐẠi hội VI (1986 ), VII (1991) , VIII ( 1996), IX
(2001) , X ( 2006 ) và Hội nghị Trung Ương VIII( 2003 ) ; IX ( 2004 )
2. Trang thông tin của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế Quốc tế ( NCIEC )
3. Website của Bộ Ngoại Giao Việt Nam :
4. Phạm Gia Khiêm – Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao ( 2010 ), Chặng đường 15 năm
Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Được trích từ :
/>ASEAN/20107/150596.vov