Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

U-Trung-Biểu-Mô (Mesothelioma) docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (144.9 KB, 9 trang )

U-Trung-Biểu-Mô
(Mesothelioma)

(Vì từ ngữ Việt nam về Y khoa chưa thống nhất, để tiện cho người
đọc, một số thuật ngữ đã được kèm theo từ chuyên môn bằng Anh ngữ)
Ngày 20 May 2002, Khoa học gia Stephen Jay Gould, Giáo sư Đại
học Harvard, USA, đã từ trần. Ông để lại một di sản quý báu cho hậu thế,
một bài học quý báu và một gương sáng về phấn đấu chống ung thư. Nhờ
quyết tâm cao, biện pháp tốt, Ông đã hoàn toàn bình phục sau khi được chẩn
đoán mắc U Trung Biểu Mô Màng Bụng (UTBMMB - Peritoneal
Mesothelioma) non 20 năm về trước, vào tháng July 1982. Ông mất đi
không vì U Trung Biểu Mô Màng Bụng (UTBMMB - Peritoneal
Mesothelioma) mà vì Ung thu phổi có di căn lên não.
Gần đây hơn, ngày 27 tháng 11 năm 2007, tại NSW, Úc, Ông Bernie
Banton, một thời đã phải làm việc trong môi trường ô nhiễm vì asbestos,
cũng vĩnh viễn ra đi. Ông Bernie Banton đã đuợc vinh danh và quốc táng vì
đã tranh đấu trước pháp luật cho quyền lợi của những người mắc bệnh nghề
nghiệp liên quan đến chất asbestos, và đã phấn đấu chống bạo bệnh
asbestosis rồi U Trung Biểu Mô Màng Bụng (UTBMMB - Peritoneal
Mesothelioma) - chỉ mới được chẩn đoán vào khoảng tháng 8 năm 2007
này.
Hai sự ra đi vĩnh viễn của 2 nhân vật trên đây, dù ở 2 thời điểm và
không gian khác nhau, đã gợi thêm sự chú ý đến bệnh U Trung-Biểu-Mô
(Mesothelioma).
U Trung-Biểu-Mô (Mesothelioma) là gì? Do đâu mà có? Tác hại như
thế nào? Chẩn đoán và điều trị ra làm sao? Có tiên lượng tốt đẹp chăng?
Sau đây là tóm lược các giải đáp.
U Trung Biểu Mô (UTBM) là gì?
Trong cơ thể bình thường, trung biểu mô (mesothelium) là mô cấu tạo
nên các màng bao bọc nội tạng - như màng tim, màng phổi, màng bụng.
U Trung Biểu Mô (UTBM) là loại U gây bệnh ở các màng này.


UTBM có thể là ác tính hoặc lành tính.
U ác tính ở trung biểu mô là một loại ung thư hiếm. Khi nói đến tên U
trung biểu mô (Mesothelioma), người ta thường hàm chỉ U ác tính của trung
biểu mô (mesothelium).
Ở người bị loại ung thư này, màng phổi, màng tim, màng bụng thường
bị tế bào ung thư xâm lăng và gây tác hại nặng nhẹ khác nhau.
U Trung Biểu Mô Màng Phổi (UTBMMP - Pleural Mesothelioma) đôi
khi bị nhầm với Ung thư phổi do asbestos hoặc với bệnh mang tên
Asbestosis. Thật ra, U Trung Biểu Mô Màng Phổi (UTBMMP) là bệnh khởi
đầu từ màng phổi; ngược lại, bệnh Ung thư phổi hoặc Asbestosis là bệnh
thật sự thuộc về phổi.
Theo thứ tự, thường gặp nhiều nhất là U Trung Biểu Mô Màng Phổi
(UTBMMP - Pleural Mesothelioma), kế đến là U Trung Biểu Mô Màng
Bụng (UTBMMB - Peritoneal Mesothelioma), và hiếm gặp nhất là U Trung
Biểu Mô Màng Tim (UTBMMT - Pericardial Mesothelioma).
U Trung Biểu Mô Màng Tim (UTBMMT - Pericardial
Mesothelioma)
UTBMMT là loại gây tử vong cao nhưng may là hiếm thấy hơn hai
loại trên (dưới 10% các trường hợp UTBM).
Dù có sự liên hệ giửa UTBMMT và sự tiếp xúc với chất asbestos,
người ta vẫn chưa rõ cơ chế làm cho sợi asbestos xâm nhập vào màng tim,
mà chỉ biết rằng sợi asbestos đã gây nên tình trạng viêm màng tim mạn tính
và từ đó đưa đến ung thư màng tim. Thời gian tiềm ẩn của UTBMMT - từ
lúc tiếp nhiễm asbestos đến lúc có biểu hiện - cũng chưa được xác định rõ.
Sự phát triển nhanh của UTBMMT có thể gây tràn dịch trong màng
tim làm trở ngại chức năng của tim, và do đó, làm cho bệnh nhân cảm thấy
đau ngực. Khó thở, hồi hộp, và ho cũng có thể xảy ra.
Chẩn đoán của UTBMMT có thể bằng X quang, CT Scan hoặc MRI.
Nhưng xác định bệnh và tiên lượng bệnh cần dựa vào sinh thiết màng tim.
Tiên lượng bệnh của UTBMMT tùy thuộc vào loại tế bào ung thư đã xâm

nhập màng tim: loại hỗn hợp (mixed/biphasic) nặng hơn hai loại epitheloid
và sarcomatoid. Sau khi xác định bệnh, còn cần xác định giai đoạn (Stage)
của bệnh vì phương án điều trị tùy thuộc vào giai đoạn của UTBM. UTBM ở
giai đoạn I có thể hy vọng chữa được bằng phẫu thuật; qua các giai đoạn sau,
UTBM chỉ có thể chữa bằng xạ trị và hoá trị.
U Trung Biểu Mô Màng Bụng (UTBMMB - Peritoneal
Mesothelioma)
Loại UTBMMB gồm chừng 1/5 đến 1/3 các trường hợp UTBM và
thường có sự liên hệ với sự tiếp nhiễm với chất asbestos. Cơ chế làm thớ sợi
asbestos vào màng bụng và đưa đến UTBMMB có thể là do thớ sợi asbestos
dính vào nước nhờn của khí quản và phế quản rồi được nuốt và chuyển đến
màng bụng qua thành ruột. Thớ sợi khi bị hít vào phổi cũng có thể được
chuyển đến màng bụng qua hệ bạch huyết.
Thời gian tiềm ẩn của UTBMMB - từ lúc tiếp nhiễm asbestos đến lúc
có biểu hiện - có khi lên đến 20 – 30 năm.
Triệu chứng và dấu hiệu UTBMMB gồm một số triệu chứng không
đặc thù như
mệt mỏi, ăn kém ngon, suy nhược và sụt cân nặng, xáo trộn tiêu hóa,
đau bụng hoặc sưng bụng, sưng chân…
Trong một số trường hợp khác, UTBMMB không gây triệu chứng
hoặc dấu hiệu gì và chỉ được phát hiện khi người bệnh đi thăm khám vì một
vấn đề khác liên quan đến túi mật, thoát vị (hernia) hoặc khối u ở vùng chậu
(pelvic mass).
Khi phát triển nặng hơn, UTBMMB sẽ gây tắc ruột và tràn dịch màng
bụng (ascites). Về lâu dài, các triệu chứng suy nhược càng nặng hơn.
Việc chẩn đoán UTBMMB có thể khó và thường cần đến CT scan để
phân loại UTBMMB "khô" hoặc "ướt" và phát hiện khối u (nodules) hoặc
tràn dịch. Việc xét nghiệm thử nước tràn dịch cũng chỉ có giá trị định bệnh
rất hạn chế. Việc định bệnh chính xác thường căn cứ vào sinh thiết qua
màng bụng.

Những năm gần đây, việc điều trị UTBMMB cần sự kết hợp nhiều
phương cách. Giải phẫu hoặc hoá trị trực tiếp trong màng bụng đôi khi
không đem lại kết quả mong muốn. Giải phẫu nhằm vào sự cắt bỏ các khối u
thấy được còn cần kết hợp với xạ trị và hóa trị trong màng bụng có tăng
nhiệt - Intra-Peritoneal Hyperthermic Chemotherapy (IPHC).
U Trung Biểu Mô Màng Phổi (UTBMMP - Pleural Mesothelioma)
Loại UTBMMP này thường gặp và chiếm 75% các trường hợp
UTBM. Trong loại này, tế bào ung thư xâm nhập màng phổi ban đầu dưới
dạng các khối u nhỏ; về sau khối u tăng nhiều hơn, làm cho màng phổi dày
hơn hoặc gây tràn dịch màng phổi, và từ đó gây khó khăn cho hô hấp.
Thời gian tiềm ẩn của UTBMMP có thể lên đến trên 30 năm.
Triệu chứng ban đầu thường không đặc thù đủ để báo động. Ban đầu
chỉ là những triệu chứng mơ hồ làm người bệnh tưởng là do tuổi tác khá cao
hoặc làm việc quá vất vả. Chức năng của phổi lúc bị giảm sẽ gây khó thở.
Ban đầu bệnh nhân chỉ thấy khó thở khi hoạt động. Càng về sau, mức khó
thở càng tăng, và người bệnh thấy khó thở ngay cả lúc nghỉ ngơi. Khi lan
vào trong, khối u từ màng phổi sẽ ép lên phổi; khi lan ra ngoài, khối u xâm
chiếm sườn và thành ngực và thường gây đau đớn. Một số triệu chứng
không đặc thù khác gồm: ho khang, mệt mỏi, sụt ký, mồ hôi nhiều về đêm.
Chẩn đoán cần phân biệt UTBMMP với Ung thư phổi, vì đây là 2
bệnh khác nhau dù cách điều trị có đôi phần giống nhau.
Chẩn đoán bằng X-quang có thể giúp phát hiện tràn dịch màng phổi
trong từ 80% đến 90% các trường hợp UTBMMP.
CT scan không những cho thấy rõ tràn dịch mà còn cho thấy rõ hơn
các khối u và hạch bạch huyết.
Phương pháp dùng MRI thường nhạy hơn trong việc xác định mức lan
ra thành ngực và qua hoành cách mô vào bụng.
PET (positron emission tomography) có thể giúp phân định giai đoạn
(Stage) của bệnh và quyết định phương án điều trị.
Thử nghiệm nước màng phổi và Sinh thiết dùng kim chích (needle

biopsy) cũng giúp cho việc chẩn đoán trong một số trường hợp.
VATS (Video-Assisted-ThoracoScopy) có thể giúp chẩn đoán trong
95% các trường hợp và làm sinh thiết màng phổi, rút nước màng phổi, đồng
thời chủ động làm dính phế mạc trong điều trị.
Để điều trị UTBMMP, đã có nhiều biện pháp – dùng riêng riêng lẻ
hoặc phối hợp – như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, miễn nhiễm trị liệu
(immunotherapy).
Tóm lại:
1. UTBM tuy 1 mà 3 (1 tên UTBM nhưng có 3 thể dạng). Khi nói
đến U Trung Biểu Mô (UTBM - Mesothelioma), cần minh định U Trung
Biểu Mô (UTBM - Mesothelioma) thuộc thể loại nào.
2. UTBM tuy 3 mà 1, cả 3 thể dạng đều có liên quan đến sự tiếp
nhiễm với chất asbestos đã được dùng trong kỹ nghệ xây cất và vật cách
nhiệt. Việc phòng ngừa cho cả 3 thể dạng, do đó cũng nhắm vào việc tránh
tiếp nhiễm asbestos.
3. Việc điều trị cho cả 3 thể dạng cũng gần giống nhau như một.
Điều trị có thể kết hợp phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, và miễn nhiễm trị liệu. Mỗi
phương thức trị liệu, dù có mặt hạn chế trong trường hợp cá biệt và giai đoạn
(Stage), đều được ngày một cải tiến.
4. Tiên lượng bệnh UTBM, trong từng thể loại UTBM, còn tùy
vào thể loại đặc biệt. Dù UTBM ở màng tim, màng phổi hay màng bụng, thể
loại "epithelioid" có tiên lượng tốt hơn thể loại "sarcomatoid" hoặc thể loại
hỗn hợp (mixed/biphasic). Không phải tất cả UTBM đều vô phương cứu
chữa. Giáo sư Stephen Jay Gould dù bị UTBMMB từ tháng July 1982, vẫn
sống đời đáng sống cho đến ngày 20 May 2002. Gương sáng này của cố
Giáo sư S. Gold có thể là nguồn sức mạnh cho Ông Bernie Banton gần đây
và rất nhiều người sau này trong cuộc đối đầu với 3 D (Death, Disease,
Disability) - Tử vong. Bệnh hoạn và Tàn phế.§
Bs Nguyễn Nguyên


×