Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Nửa thế kỉ giới thiệu những tư tưởng mĩ học và lí luận văn học nước ngoài ở Việt Nam potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (246.08 KB, 15 trang )

Nửa thế kỉ giới thiệu những
tư tưởng mĩ học và lí luận văn
học nước ngoài ở Việt Nam
ừ năm 1954 trở về trước, trong hệ thống văn nghệ của nước ta, lý
luận văn học trên thực tế chưa phải là một bộ phận độc lập. Có sáng tác
như một bộ phận độc lập, có phê bình như một bộ phận độc lập, có công
chúng đọc văn học viết như một bộ phận độc lập, song lý luận văn học như
một bộ phận độc lập thì chưa có. Nói đến lí luận (chí ít là như cách chúng ta
hiểu hiện nay) là nói đến một nhãn quan hệ thống, đến lối tư duy bằng các
khái niệm, các phạm trù và được thể hiện bằng một thứ siêu ngôn ngữ
riêng- ngôn ngữ suy lí cố gắng tẩy bỏ những "tạp chất" có tính cảm xúc,
cảm giác, kinh nghiệm chủ quan. Trong văn học truyền thống của ta, những
nhân tố lí thuyết văn học chỉ mới ở dạng manh nha, hoặc là những "mảnh
vỡ" lí luận được mang tới từ một nền văn hóa khổng lồ, toàn vẹn và tự tại -
văn hoá Trung Hoa (trong văn học trung đại), lẫn vào phê bình văn học.
Đầu thế kỷ XX, trên báo Nam Phong có một số bài viết của Phạm Quỳnh về
các thể loại văn học: Bàn về tiểu thuyết, Khảo về diễn kịch, Thơ là gì? ,
Hải Triều nhà phê bình văn nghệ, nhà tuyên truyền cách mạng, trong một
số bài viết của mình vào cuối những năm 30 đôi lúc có giới thiệu một số
luận điểm mácxit về văn nghệ. Đáng kể hơn cả là vào năm 1944 xuất hiện
cuốn sách Văn học khái luận của Đặng Thai Mai giới thiệu sơ giản một số
phạm trù lý luận văn học. Dù ít ỏi và lẻ tẻ, song đó là những tiền đề đầu tiên
cho việc hình thành bộ môn lý luận văn học sau này. Còn giờ đây, lý luận
văn học đã thành một bộ môn được giảng dạy ở Đại học, một chuyên
ngành trong số các chuyên ngành của khoa học xã hội - nhân văn, đã có
một loại ấn phẩm báo chí, sách vở chuyên về lý luận với siêu ngôn ngữ đặc
thù, có cả một Hội đồng lý luận Trung ương. Điều đó đủ thấy cả trong ý
thức lẫn trên thực tế, lý luận văn học không chỉ đã thành một bộ phận độc
lập mà còn được xã hội và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây là kết quả của
sự phát triển trong suốt nửa thế kỉ, qua mấy chặng khác nhau với nỗ lực
của nhiều học giả và dịch giả. Hệ thống lý luận văn học của ta được hình


thành từ ba nguồn: đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng và Nhà nước
qua các văn kiện đòi hỏi được thực thi, những đúc rút từ các sáng tác văn
học của các nhà văn trong nước cũng như nước ngoài và rất quan trọng,
thậm trí quan trọng nhất là từ sự tiếp thu các thành tựu mĩ học và lý luận
văn học thế giới trong đó việc dịch thuật, giới thiệu các công trình lý luận
nghiên cứu của các học giả nước ngoài có ý nghĩa trực tiếp. Bài viết này
của chúng tôi chủ yếu xem xét mạch nguồn thứ ba này tức là sự giới thiệu
và tiếp nhận các tư tưởng lý luận văn học nước ngoài ở Việt Nam trong
nửa thế kỷ qua.
Năm 1955 xuất hiện một cuốn sách rất quan trọng trong lịch sử truyền
bá lý luận văn nghệ mácxit ở nước ta, đó là cuốn Bàn về văn học
nghệ thuật(1) của Mao Trạch Đông, do Nam Mộc dịch, Nhà xuất bản Văn
nghệ ấn hành. Nó được coi là quan trọng vì những tư tưởng trong đó có
ảnh hưởng lớn đến việc chỉ đạo đường lối văn nghệ và xây dựng lý luận
văn học nghệ thuật ở nước ta. Cuốn sách tập hợp hai bài diễn văn của Mao
Trạch Đông đọc tại Hội nghị văn nghệ Diên An tháng 5 năm 1942: bài khai
mạc và bài bế mạc hội nghị. Thực ra thì ngay từ năm 1949 hai bài này đã
được giới thiệu song chắc là chỉ lưu hành trong một phạm vi hẹp do hoàn
cảnh cách mạng nước ta lúc đó. Trong hai bài đó, bài diễn văn bế mạc
quan trọng hơn bởi vì ở đây nêu lên một loạt vấn đề cơ bản của văn nghệ
được quy chuẩn theo tinh thần của một nền văn học và nghệ thuật mới, văn
học và nghệ thuật mácxit : chức năng của văn nghệ, vấn đề phận sự của
nhà văn (Chẳng hạn "quan hệ giữa công tác và sáng tác"), vấn đề văn nghệ
và chính trị (Đó là: "thống nhất giữa chính trị cách mạng và nghệ thuật thật
cao , nhưng hiện nay vấn đề quan trọng hơn vẫn là về mặt chính trị"), nội
dung và hình thức, vấn đề "cải tạo tư tưởng" (tiểu tư sản). Cần chú ý rằng,
bài diễn văn này ra đời trong hoàn cảnh kháng chiến, tại khu căn cứ địa
cách mạng Diên An, do vậy lẽ dĩ nhiên là nó đáp ứng những yêu cầu của
thực tiễn cách mạng Trung Quốc khi ấy. Mô hình lí luận văn nghệ trong đó
cũng có thể hữu ích đối với hoạt động văn hóa văn nghệ kháng chiến của

Việt Nam, song chắc là sẽ bất cập khi dùng nó để hướng đạo và đánh giá
văn học thời bình. Tiếc rằng trong thực tế điều đó đã xảy ra, thậm chí người
ta còn định lấy đó làm tiêu chí phổ quát cho nền "văn học toàn thế giới
tương lai”. Cuốn sách có vị trí quan trọng còn vì nó mở đầu cho loại "sách
kinh điển" của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn học nghệ thuật ở nước ta. Từ
sau năm 1960, loại "sách kinh điển" này thường xuyên được dịch và biên
soạn lại từ các bộ trước tác của Mác, Ăngghen, Lênin, chẳng hạn như:
Marx, Engels, Lénine và văn học nghệ thuật của J. Fréville, một tác giả
người Pháp (1962), C. Mác, Ph. Ăngghen, V. Lênin: Về văn học và nghệ
thuật (1977) Trong số những tư tưởng của các nhà triết học mácxit này thì
luận điểm và cách diễn giải về tính giai cấp và tính Đảng của văn học nghệ
thuật (bài Tổ chức của Đảng và văn học Đảng - V. Lênin), về tính hiện thực
của văn học (bài Thư gửi Hác-cơ-nét-xơ của Ph. Ăngghen, nhận xét của V.
Lênin về L. Tolstoi ) có ảnh hưởng lớn hơn cả đến giới lý luận phê bình
văn học.
Cần nói rõ ở đây rằng từ quãng năm 1955 đến cuối những năm 80
của thế kỉ XX, việc giới thiệu, dịch thuật những công trình lý luận văn học và
nghệ thuật theo quan điểm mácxit được tiến hành thường xuyên ở miền
Bắc. Số lượng những công trình (các chuyên luận và tiểu luận) thuộc loại
như vậy mặc dù không phải đã thật đồ sộ song rõ ràng chiếm vị thế áp đảo
hoàn toàn. Cũng có những công trình lý luận văn nghệ theo thế giới quan
khác được giới thiệu và dịch song chủ yếu để phê phán, hoặc chỉ "lưu hành
nội bộ" dưới dạng bản đánh máy, chẳng hạn như công trình Mĩ học của F.
Hegel do Phan Ngọc dịch thường xuyên được chuyền tay nhau đọc trong
giới đại học hay các nhà nghiên cứu ở các Viện. Mấy cuốn lý luận "phi
mácxit" được dịch trọn vẹn và gây được dư luận như Thi học của Arixtốt,
Tâm lý học nghệ thuật của L. Vygotski, thì cuốn đầu thuộc về thời cổ đại xa
xưa, cuốn sau đã được thừa nhận và đánh giá cao ở Liên Xô và tác giả của
nó cũng đã mất. Cũng không phải mọi xu hướng lý luận văn nghệ mácxit
trên thế giới đều được giới thiệu. Trào lưu lý luận văn nghệ mácxit vốn có

nhiều chi lưu, nhiều phương án khác nhau ở các nước khác nhau. Việc giới
thiệu dịch thuật thực ra chủ yếu chỉ gồm các công trình đã được kiểm định
qua giới học thuật chính thống của Liên Xô và phần nào của Trung Quốc.
Các tác phẩm lý luận theo thế giới quan mácxit của G. Lukács. (Hunggari),
L. Goldmann (Pháp), W. Benjamin (Đức), C. Caudwell (Anh), các nhà
nghiên cứu văn học của ta hầu như còn ít nghe nói đến (trừ sự phê phán
đối với G. Lukács) chứ nói chi đến việc dịch thuật. Lý do cũng dễ hiểu: đó là
những tác phẩm "xét lại" cần bị phê phán chứ không phải cần được quảng
bá. Có thể nói rằng, việc giới thiệu lý luận văn nghệ mácxit của thế giới khá
phiến diện và đã làm tổn hại đến một trào lưu lý thuyết về văn học nghệ
thuật chứa đựng nhiều chân lý và sáng tạo.
Vậy đó là loại sách lý luận về văn học nghệ thuật thứ nhất được giới
thiệu ở nước ta, chính xác hơn là ở miền Bắc giai đoạn này: sách của các
nhà "kinh điển" của chủ nghĩa Mác và lãnh tụ Cách mạng.
Loại thứ hai là sách bàn về kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn
nước ngoài, chủ yếu là của các nước xã hội chủ nghĩa. Thực ra thì đây
không phải là sách lý luận văn nghệ, tuy nhiên bởi vì các nhà văn khi bàn
về việc viết lách thường đồng thời trình bày quan điểm của mình về thể loại,
về đối tượng và phương pháp sáng tác, do vậy các nhà nghiên cứu lý luận
của ta trong buổi đầu xây dựng nền lý luận văn nghệ dân tộc cũng thường
dựa vào đó để định hướng và lấy dữ liệu cho việc xác lập hệ thống của
mình. Trong thực tế chúng đã có một ý nghĩa nhất định. ở thập kỷ 60 thấy
khá nhiều cuốn sách loại này. Có thể kể một vài cuốn trong số đó như: Nói
về viết tiểu thuyết của ba tác giả Trung Quốc: Ngô Cường, Nguỵ Kim Chi và
Mao Thuẫn (1960), Kinh nghiệm viết kịch cũng của các tác giả Trung Quốc
là Đỗ ấn, Tôn Vu, Lão Xá (1960), Viết ký sự của B.Polevoi, (1961), Công
việc của nhà văn của I. Erenbua (1966)(2). Những cuốn kinh nghiệm viết
văn đó có lẽ trước hết nhắm đến các nhà văn, ở đầu thập kỷ 60 này đang
chuẩn bị hành trang cho những chuyến đi thực tế xuống cơ sở với mong
muốn sáng tạo nên nền văn học mới theo tinh thần: phản ánh cái "hiện

thực xã hội chủ nghĩa" đang được xây dựng trên miền Bắc lúc đó. Nói về
việc viết văn cũng phải kể đến hai tập sách Kinh nghiệm viết văn của A.
Xâytlin do Hoài Lam và Hoài Li dịch được ra mắt vào các năm 1967, 1968.
Có ảnh hưởng nhất đến các nhà lý luận của ta trong loại sách này phải kể
đến tập tiểu luận của nhà văn Xô Viết M. Gorki Bàn về văn học, bản dịch
được xuất bản lần đầu năm 1965, sau đó Nhà xuất bản Văn học cho tái bản
(bổ sung thành hai tập) năm 1970. Các luận điểm về lập trường giai cấp
của nhà văn (như "Nhà văn là tiếng nói, là tai mắt của giai cấp"), về chủ
nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn (chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực và
chủ nghĩa lãng mạn tích cực), về điển hình hoá của văn học hiện thực chủ
nghĩa, về vai trò của vốn sống và tưởng tượng của nhà văn trong sáng tạo
được trình bày trong các tiểu luận Tôi đã học viết như thế nào, Bàn về hiện
thực, Các ông đứng về phía ai, hỡi các bậc thầy văn hoá?, Văn học Xô
Viết(3) luôn là những điểm tựa cho các nhà lý luận của ta khi luận giải về
văn học nghệ thuật, nhất là "văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa". Những
tư tưởng về nghệ thuật của M. Gorki được các nhà lý luận phê bình của ta
coi trọng gần ngang bằng với tư tưởng về nghệ thuật của Mác, Ăngghen,
Lênin. Không có một nhà văn thứ hai nào có được vị trí như vậy. Các tiểu
luận của M. Gorki được Cao Xuân Hạo và Hồng Minh thể hiện lại bằng một
thứ tiếng Việt trong sáng, chắc nịch, căng đầy sức sống mà lại rất biểu cảm.
Loại sách thứ ba là các giáo trình lý luận văn học được soạn để giảng
dạy tại các trường Đại học ở Liên Xô. Chúng được dịch để cho các giảng
viên đại học và sinh viên của ta tham khảo. Đồng thời đây cũng là những
mô hình mà các nhà lý luận Việt Nam đã dựa vào để xây dựng hệ thống lý
luận văn học cơ sở của mình. Loại sách này rất quan trọng, bởi vì ở nước
ta việc phổ biến tri thức qua con đường trường ốc thường rất hữu hiệu do
truyền thống tiếp thu thụ động, học để thi cử, hơn nữa lúc này cũng không
có nhiều thông tin để mà đối sánh. Phần lớn sinh viên văn khoa của ta
những năm 60, 70 về lý thuyết văn học chỉ với hành trang gồm bộ lý luận
văn học của Nguyễn Lương Ngọc và bộ sách lý luận được dịch của L.

Timophiep là ra giảng dạy văn học, sáng tác văn học, chỉ đạo đường lối văn
nghệ với những trọng trách không nhỏ, mà sau này cũng không có điều
kiện học thêm. Những công trình thuộc loại này ở thập kỷ 60 có Nguyên lý
lý luận văn học của L. Timophiep, hai tập, do Cao Xuân Hạo, Lê Đình Kị
và một số người nữa dịch, bộ Nguyên lý mĩ học Mác - Lênin của Viện Hàn
lâm khoa học Liên Xô và Những phạm trù mĩ học cơ bản của I. Borep đều
do Hoàng Xuân Nhị dịch. Như phần mở đầu các cuốn sách đã nói rõ, đây là
loại sách giáo khoa: Cuốn Nguyên lý lý luận văn học của L. Timophiep
"được Bộ giáo dục Cao đẳng và Chuyên nghiệp trung cấp nước Cộng hoà
liên bang Nga dùng làm sách giáo khoa cho khoa văn các trường đại học
tổng hợp và đại học sư phạm ở Liên Xô"(4); còn cuốn Mĩ học của Viện Hàn
lâm khoa học dùng cho việc "học tập những vấn đề mĩ học trong hệ thống
các trường Đảng, cho những sinh viên nghệ thuật và những nghệ sĩ trẻ tuổi
đang bước vào con đường phục vụ nhân dân", nói chung là cho các Đảng
viên và những người có thể gọi ước lệ là "cảm tình Đảng"(5). Hệ thống
nguyên lí trong những cuốn giáo khoa ấy dĩ nhiên biểu hiện các quan điểm
lý luận văn nghệ chính thống. Đáng chú ý là những cuốn lý luận văn học
của chúng ta được biên soạn ở các trường đại học dường như là sự kết
hợp hai bộ sách này lại. Kết cấu của chúng thường gồm hai phần: Phần
một, các vấn đề nguyên lý chung (tính đảng, tính nhân dân, tính giai cấp,
bản chất và chức năng của văn học và nghệ thuật ) là sự vay mượn từ
cuốn Nguyên lý mĩ học Mác - Lênin. Phần hai đi sâu vào đặc tính của văn
học (Văn học và hiện thực, hình tượng văn học, nội dung và hình thức, kết
cấu và ngôn ngữ ) là sự "tham khảo" rõ ràng cuốn Nguyên lý lý luận văn
học. Cho đến hiện nay mô hình giáo trình lý luận văn học được thiết kế như
thế này vẫn chưa có sự thay đổi căn bản.
Đầu thập kỷ 80, một số cuốn sách giáo khoa lý luận văn học nữa, với
mức độ khoa học chuyên sâu hơn tiếp tục được dịch nhằm nâng cao chất
lượng giảng dạy ngữ văn ở đại học như Lý luận văn học của A.N. Gulaep
do Lê Ngọc Tân dịch (1982), Dẫn luận nghiên cứu văn học, hai tập, do

nhóm các nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà dịch
(1985). Nói chung có thể quan sát thấy sự đồng hành giữa việc xuất hiện
bản dịch những bộ giáo trình lý luận văn học của nước ngoài với việc biên
soạn những bộ giáo trình lý luận văn học dùng cho các trường đại học của
ta. Một sự so sánh không cần công phu lắm cũng sẽ thấy ngay đâu là sự
vay mượn, đâu là sự "sáng tạo" của các nhà lý luận văn học Việt Nam. Tất
nhiên phải công bằng mà nói việc kế thừa ở đây có sự hợp lý nhất định bởi
vì lý luận văn học cũng là một chuyên ngành khoa học, nó có những
nguyên lý chung, phổ biến cho mọi nền văn hoá.
Loại thứ tư là những công trình nghiên cứu, lý luận có tính chất hàn
lâm về văn học và nghệ thuật theo quan điểm mácxit. Số lượng những ấn
phẩm thuộc loại này tuy không nhiều, song ý nghĩa của chúng đối với giới
nghiên cứu lý luận văn học của ta khá quan trọng vì dù sao đó cũng là
những tác phẩm khoa học mà chất lượng đã được kiểm định trong môi
trường học thuật của những nước có trình độ khoa học cao như Liên Xô, và
một số nước xã hội chủ nghĩa khác. Trong số đó có những cuốn nổi bật
như Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực, hai tập của Viện sĩ thông tấn
Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô B. Xuskop (1980, 1982) do Hoàng Ngọc
Hiến, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Hải Hà dịch. Đây là một chuyên luận bề thế
về chủ nghĩa hiện thực, theo nhận xét của người giới thiệu thì "thuộc vào
loại những thành tựu ưu tú nhất của khoa nghiên cứu văn học Xô Viết". Nó
đã được dịch ra các tiếng Anh, Pháp, Đức Ngoài ra còn phải kể đến bản
dịch những công trình như Tâm lý sáng tạo của A. Naudop, một tác giả
Bungari, Điển hình hoá trong nghệ thuật của A. Drenop Chiếm vị trí nổi
bật trong số các ấn phẩm khoa học loại này chắc chắn là những công trình
lý luận văn học của Viện sĩ M.B.Khraptrenko: Cá tính sáng tạo của nhà văn
và sự phát triển của văn học (1978)(6), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con
người (1985), hai tập(7). Cả hai công trình đều được giải thưởng của Nhà
nước Liên Xô. Chất lượng khoa học của chúng, tư thế của người viết, sự
uyên bác và sắc sảo trong tranh luận, cả sự truyền đạt sáng rõ của bản dịch

đã khiến cho các nhà nghiên cứu, lý luận văn học của ta, kể cả những
người khó tính lúc đó "tâm phục khẩu phục". Những cuốn sách ấy đã thành
sự kiện trong đời sống học thuật và đã xuất hiện một phong trào trích dẫn
Khraptrenko khá sôi nổi. Các nhà lý luận của ta đã tìm được ở đây "lời giải"
cho một loạt vấn đề: cá tính văn học và phong cách nghệ thuật, phân tích
văn học theo phương pháp hệ thống và theo phương pháp loại hình, thái độ
"đúng đắn" (tức là theo quan điểm mácxit) đối với các lý thuyết văn học
"hiện đại" như cấu trúc luận, ký hiệu học Cùng với thời gian, dần dần
người ta cũng đã nhận ra những điều bất cập trong đó chẳng hạn ở các tiểu
luận phê phán việc sử dụng phương pháp ký hiệu học trong nghiên cứu văn
học, nghệ thuật. Dù sao thì đấy cũng là những công trình mĩ học và lý luận
văn học theo khuynh hướng mácxit điển hình, có trình độ khoa học cao.
Việc giới thiệu và tiếp thu các tư tưởng mĩ học và lý luận văn học
nước ngoài ở ta cho đến cuối thập kỷ 80 là như vậy.
Trước năm 1990 ngoài các ấn phẩm lý luận văn nghệ được xuất bản
chính thức như vừa kể trên, còn có loại sách "lưu hành nội bộ" trong giới
nghiên cứu lý luận phê bình ở khoa Ngữ văn các trường đại học hoặc ở
Viện nghiên cứu. Hội Nhà văn cũng có tạp chí Văn học nước ngoài dành
cho các nhà văn với số lượng hạn chế, kỹ thuật in ấn kém chất lượng. Loại
ấn phẩm để "tham khảo" thường in rôneo hoặc chỉ ở dạng đánh máy và
chất lượng bản dịch cũng không đảm bảo này thường giới thiệu những
công trình lý luận của các tác giả có quan điểm ngoài chủ nghĩa Mác. Bản
dịch Về một chủ nghĩa hiện thực không bờ bến của Garôdi, Mĩ học của F.
Hegel, một số bài viết của R. Jakovson, M. Bakhtin là thuộc loại như vậy.
Tác động của chúng không lớn lúc đó, song lại là tiền đề quan trọng cho
thời kỳ sau; cô lọ lem sẽ thành nàng công chúa sau năm 1990. Cũng phải
nói thêm rằng, trước năm 1975, một số lý thuyết văn học phương Tây đã
được giới thiệu ở miền Nam trong giới văn nghệ thành thị như chủ nghĩa
cấu trúc, chủ nghĩa hiện sinh. Những tên tuổi như R. Barthes, C. Lévi -
Strauss, J. Sartre cũng được nhiều người làm khoa học xã hội biết đến. Tuy

nhiên việc giới thiệu và tiếp nhận phần nhiều do sở thích cá nhân, không có
tính hệ thống và một cơ chế giúp cho việc truyền bá sâu rộng, lại bị phủ
định triệt để sau 1975 nên ít có ảnh hưởng.
Đầu thập kỷ 90 xuất hiện bản dịch tiếng Việt hai công trình quan trọng
của nhà nghiên cứu và lí luận văn học có lẽ là lớn nhất thế kỉ XX, M.
Bakhtin: Lý luận về thi pháp tiểu thuyết (1992)(8) và Những vấn đề thi
pháp Đôxtôiepxki (1993)(9). Đây là những tín hiệu mới thực sự, thậm chí
có thể coi là sự kiện có tính chất vạch giai đoạn, bởi vì như ta biết những
công trình này đều được tác giả viết không hoàn toàn theo tinh thần
mácxit, do vậy mà ở Liên Xô chúng chỉ được in lại sau thời điểm "cải tổ" (ta
gọi là "xét lại") của N. Khrutsôp. Giờ đây có người coi việc tái xuất hiện của
M. Bakhtin khi đó là hiện tượng "cùng loại" với sự xuất hiện của
Xonzenitsưn. Suốt một thời kì dài, thậm chí cả đến lúc đã tái xuất hiện, M.
Bakhtin không được giới mĩ học và lý luận văn học chính thống ở Liên Xô
đề cao: hoặc là bị phê phán hoặc là bị lờ đi một cách cố ý, nhưng trong giới
khoa học, đơn lẻ vẫn có những người tín mộ. Đúng là chỉ có với cuộc đổi
mới, những công trình khoa học này mới được dịch ra tiếng Việt hơn nữa
lại được các dịch giả đặc biệt tôn vinh mà không cần một sự e dè rào đón
nào ("M. Bakhtin - nhà lý luận văn học lớn nhất văn học thế kỷ XX", "một
bậc Đại trí, Đại dũng" - Đó là vài nhận xét thuộc phần Lời giới thiệu).
Cũng đáng lưu ý là cả lời giới thiệu lẫn bản dịch tiếng Việt những công trình
của M. Bakhtin này đều rất có chất lượng. Cuốn thứ nhất được giới thiệu và
dịch bởi nhà nghiên cứu văn học Nga, dịch giả Phạm Vĩnh Cư. Ông chắc
chắn là người hiểu M. Bakhtin sâu sắc và nhiều mặt nhất ở nước ta hiện
nay. Cuốn thứ hai do một tập thể dịch giả thực hiện và do nhà thi pháp học
Trần Đình Sử viết lời giới thiệu. Số phận khác thường của tác giả, tư tưởng
khoa học mới mẻ trong các công trình, cả những lời tôn vinh của người giới
thiệu đã tác động mạnh đến giới lý luận văn học của chúng ta lúc này đang
mong muốn đổi mới. Một loạt luận điểm của M. Bakhtin đã được hưởng
ứng. Từ quan điểm của M. Bakhtin coi thể loại như nhân vật chính của lịch

sử văn học mà nhiều nhà nghiên cứu văn học của ta đề nghị viết lịch sử
văn học theo thể loại: lịch sử văn học là lịch sử của những chuyển đổi hệ
thống thể loại. Một số nhà nghiên cứu đã có những thành công nhất định
khi vận dụng cách nhìn của M. Bakhtin về vai trò của lễ hội Carnaval trong
chuyên khảo của ông về Ph. Rabơle để nghiên cứu Hồ Xuân Hương(10).
Nhiều người nói đến "tính đa thanh" của tiểu thuyết, dựa theo nghiên cứu
của tác giả về Dostoievski. Hành trình chinh phục và vận dụng những tư
tưởng mĩ học và lý luận văn học của M. Bakhtin cho đến nay vẫn đang
được tiếp tục.
Trong khoảng vài năm trở lại đây, việc giới thiệu các trường phái lý
luận nước ngoài được tiến hành ráo riết dưới nhiều hình thức: dịch thuật,
lược thuật, miêu thuật. Đặc biệt từ khi tờ tạp chí "Văn học nước ngoài" của
Hội Nhà văn Việt Nam được nâng cấp thì việc giới thiệu càng thường
xuyên có kế hoạch hơn, không có định kiến với bất kì trường phái nào,
nghĩa là tính khách quan, cầu thị đã tăng lên. Mặc dù số lượng sách dịch
còn chưa phải nhiều song một số trường phái lớn đã được giới thiệu: Cấu
trúc và ký hiệu học, Chủ nghĩa hình thức Nga, Phân tâm học nghệ thuật, Mĩ
học tiếp nhận và hiện tượng học, Chủ nghĩa hậu hiện đại
Về cấu trúc và ký hiệu học (Structuralism - semiotics): Trong số
các trường phái phi mácxit thì cho đến nay, cấu trúc luận và kí hiệu học
được giới thiệu chu đáo hơn cả. Chủ nghĩa cấu trúc, như ta biết là trào lưu
khoa học lớn của thế kỷ XX, nó bao trùm hầu hết các lĩnh vực khoa học, sự
hình thành và phát triển của nó kéo dài gần hết thế kỷ . Trong lĩnh vực các
khoa học nhân văn, thế kỷ XX trong một chừng mực nào đấy có thể coi là
thế kỷ của cấu trúc luận. Các đại diện tiêu biểu có thể kể: R. Jakobson
(ngôn ngữ học), J. Mukarovski (mĩ học), C. Lévi - Strauss (nhân chủng học),
J. Lacan (tâm lý học), M. Foucault (triết học), R. Barthes, Iu. Lotman, Tz.
Todorov (phê bình văn học) Các tác phẩm của họ được truyền bá ở hầu
hết các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, cấu trúc luận được đề cập đến từ
trước năm 1975 ở miền Nam. Những người nhiệt tình quảng bá cho nó là

Nguyễn Văn Trung, Trần Thiện Đạo, Trần Thái Đỉnh. Tuy nhiên hầu như
chưa có một công trình tiêu biểu nào được trực dịch. Còn ở miền Bắc, cho
đến cuối thập kỷ 80 chủ nghĩa cấu trúc nói chung là bị phê phán. Điều này
phù hợp với thời tiết tư tưởng học thuật ở Liên Xô, nơi mà mặc dù có
những nhà cấu trúc luận nổi tiếng được thế giới thừa nhận, song lập trường
chính thống vẫn giữ thái độ phê phán. Cuốn "Chủ nghĩa cấu trúc "đồng tình"
và "phản đối"(11) ra mắt vào giữa thập kỷ 70 ở Moskva đã phản ánh sự trái
chiều nhau trong giới học thuật Xô Viết về trường phái lý luận này.
Năm 2002, tác giả Trần Thiện Đạo cho in lại những bài viết trước
1975 của mình về chủ nghĩa cấu trúc tại Nhà xuất bản Văn học. Cũng tại
năm đó và ở chính Nhà xuất bản này đã ra mắt một công trình giới thiệu
tương đối có hệ thống về chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học: Chủ
nghĩa cấu trúc và văn học. Ngoài phần giới thiệu về những nguyên lý của
chủ nghĩa cấu trúc, lịch sử của nó, từ điển các thuật ngữ cơ bản, phần
chính của cuốn sách là bản dịch những công trình tiêu biểu của các nhà
cấu trúc luận: Ngôn ngữ học và thi pháp học, Những con mèo của Charles
Baudelaire (R. Jakolson), Cơ sở của kí hiệu học (R. Barthes), Cấu trúc thần
thoại (C. Lévi - Strauss), Thi pháp học (Tz. Todorov)(12) Cũng như chủ
nghĩa cấu trúc, trước thập kỷ 90, ký hiệu học được giới thiệu chủ yếu để
phê phán. Có thể thấy rõ điều này trong hai cuốn sách: Về tư tưởng và văn
học phương Tây hiện đại của Phạm Văn Sĩ (1986) và Ký hiệu, nghĩa và phê
bình văn học của Hoàng Trinh (1980). Tác giả của cuốn sách thứ hai mặc
dù đã có công giới thiệu sơ bộ về chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học, song
cảm hứng phê phán chúng cũng rất mạnh mẽ (xem bài: Chủ nghĩa cấu trúc
một biến dạng của triết học duy tâm hiện đại trong cuốn sách trên)(13). Mấy
năm gần đây, hai lý thuyết này được giới thiệu tích cực và khách quan hơn.
Chẳng hạn với việc dịch các công trình nổi tiếng: Độ không của lối viết của
R. Barthes, Cấu trúc văn bản nghệ thuật của Iu. Lotman, Thi pháp huyền
thoại của E. Meletinski.
Ngoài lý thuyết cấu trúc - ký hiệu học ra, các trường phái lý luận văn

học khác cũng đang được tiếp tục giới thiệu nhờ sự năng nổ của một số
nhà lý luận và phê bình văn học có chuyên môn và ngoại ngữ. ở các nền
khoa học phát triển giới những người làm "dịch vụ khoa học" cũng có trình
độ chuyên môn rất cao, họ đủ sức dịch các công trình khoa học chuyên
ngành. Những nhà lý luận ít khi phải đảm nhiệm cả việc dịch thuật văn bản.
ở ta thì kiểu nhà khoa học kép này luôn thấy ở mọi thời kỳ.
Cũng như cấu trúc luận, chủ nghĩa hình thức (formalism) trước đây
luôn bị chỉ trích và những người làm nghiên cứu của ta luôn sợ bị quy cho
là "đã sa vào chủ nghĩa hình thức". Các bài viết, các công trình nghiên cứu
văn học chỉ dành một phần rất khiêm tốn ở cuối để nói về "mấy vấn đề nghệ
thuật", còn phần chủ yếu là đề cập đến nội dung. Năm 2001, Nhà xuất bản
Hội Nhà văn cho ra mắt cuốn Nghệ thuật như là thủ pháp do Đỗ Lai Thuý
biên soạn. Chủ nghĩa hình thức Nga được giới thiệu một cách trân trọng
cùng với việc công bố bản dịch một số công trình tiêu biểu của các nhà hình
thức luận: V. Shklovski, B. Eikhenbaum, Iu. Tynianov, B. Tomasevski Mặc
dù những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa hình thức, ý nghĩa cách mạng
của chúng trong lịch sử mĩ học và lí luận văn học, phần đông những người
làm văn học của ta còn chưa nhận thức được thực thấu đáo, song ít ra "sự
kiện"này cũng đã chấm dứt nỗi sợ chủ nghĩa hình thức và từ đây ý nghĩa
của hình thức trong nghệ thuật sẽ được coi trọng hơn và việc nghiên cứu
văn học theo cách tách rời nội dung và hình thức cũng tỏ rõ là đã lỗi thời.
Cũng nên biết rằng, tác giả của cuốn sách về chủ nghĩa hình thức Nga vừa
nói trên là một trong những người năng nổ nhất hiện nay đối với việc giới
thiệu các lí thuyết mới đặc biệt là khuynh hướng lí giải nghệ thuật theo phân
tâm học. Ngoài cuốn Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, ông còn tổ
chức một loạt cuốn sách theo hướng này như: Phân tâm học và văn học
nghệ thuật, Phân tâm học và văn hóa tâm linh Viết bài, dịch thuật, Đỗ Lai
Thuý còn là người tổ chức chính cho diễn đàn giới thiệu những công trình lí
luận văn học trên tờ tạp chí Văn học nướcngoài. Lâu nay, ở ta, phân tâm
học vẫn bị phê phán vì nó coi nhẹ phương diện xã hội công cộng ở con

người, trong khi đó theo C. Mác "con người về bản chất là tổng hòa của các
quan hệ xã hội". Trước Cách mạng, Nguyễn Bách Khoa cũng đã thử vận
dụng phân tâm học vào phân tích Truyện Kiều song đã không thành công,
gây nên nhiều ngờ vực. Nhiệm vụ đầu tiên của những ai muốn quảng bá lí
thuyết này ở Việt Nam trước hết phải khắc phục cho được hai định kiến đó.
Dù sao thì ở đây cũng đang hứa hẹn một sự giải thích rất sâu về nghệ thuật
và văn hóa. Cùng với việc chú ý đến cấu trúc văn bản, sự quan tâm đến vai
trò của người đọc cũng tăng lên nhờ sự giới thiệu Lý thuyết tiếp nhận
(Reception theory). Lý thuyết tiếp nhận cho rằng tác phẩm nảy sinh, được
hiện thực hoá chỉ trong qúa trình tiếp xúc của văn bản với độc giả và đến
lượt mình, độc giả lại tác động đến tác phẩm; độc giả quyết định đến sự tồn
tại của tác phẩm. Người có thành tích nhất trong việc giới thiệu lí thuyết này
ở ta cho đến hiện nay là Trương Đăng Dung. Ông đã dịch một số nghiên
cứu lý thuyết của R. Ingarden, của Hans Robert Jauss (chẳng hạn Lịch sử
văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học)(14). Ngoài ra
Trương Đăng Dung còn trực tiếp viết một số bài mới đây được tập hợp
thành cuốn chuyên luận: Tác phẩm văn học như là qúa trình (2004). Việc
giới thiệu các trường phái mĩ học và lý luận văn học thế giới đang được
triển khai sâu vào trong nhà trường, trước hết là tại khoa Ngữ văn các
trường đại học(15), đồng thời được phổ cập hoá dần với việc dịch và biên
soạn các sách chỉ dẫn. Tiêu biểu cho loại sau là cuốn sách mới ra mắt gần
đây: Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở
Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX của hai nhà nghiên cứu Nga: I.P. Ilin và E.A.
Tzurganova. Quá trình phổ cập hoá này đang tiến triển, trước mắt độc giả
của chúng ta, những chân trời mĩ học và lý luận văn nghệ đang mở ra mỗi
ngày về nhiều phía(16).
Ở trên là sự tổng thuật, cố gắng khách quan, một giai đoạn truyền bá
mĩ học và lí luận văn học nước ngoài của chúng ta, mà cũng chỉ giới hạn
trong phạm vi hình thức dịch thuật trực tiếp. Đó tất nhiên là nhiệm vụ chính
của bài tiểu luận. Liên quan đến chủ đề này, dưới đây tôi có mấy ý nghĩ chủ

quan xuất phát từ thực tế hoạt động lí luận, nghiên cứu văn học hiện nay.
Thứ nhất, chúng ta nên biết rằng con đường của tư tưởng phương Tây (mà
rõ nhất là từ thời cận đại đến nay), phát triển theo nguyên tắc phủ định
(chính đề - phản đề). Mỗi lí thuyết mới ra đời đã hàm chứa trong mình nhân
tố phủ định nó để rồi vào một ngày nào đó xuất hiện một lí thuyết đối lập.
Chủ nghĩa cấu trúc là sự phản ứng lại chủ nghĩa hiện sinh, rồi tiếp theo là
chủ nghĩa giải cấu trúc phủ định chủ nghĩa cấu trúc Đối với người phương
Đông chúng ta một câu hỏi sẽ ngay lập tức xuất hiện ở đây là: vậy thì cần
đến một lí thuyết như thế để làm gì một khi mai đây nó sẽ tỏ ra là sai lầm,
hay chí ít cũng là bất cập? Đâu là mục đích của qúa trình tư tưởng một khi
hành động tìm kiếm lại quan trọng hơn đối tượng tìm kiếm, "cái đẹp" của
phương pháp phê bình lại quan trọng hơn cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật
đòi hỏi được phát hiện? Đây là những câu hỏi khó cho nên cần phải tiếp tục
suy nghĩ về những vấn đề này, nhưng thực tế hơn cả hiện nay là đồng thời
với việc đẩy mạnh hơn việc giới thiệu những lí thuyết mĩ học và lí luận văn
học nước ngoài (đào tạo những chuyên gia hiểu biết thật thấu đáo về mỗi lí
thuyết), trong khi học hỏi những nền học thuật phát triển hơn ta cần có một
bản lĩnh tiếp nhận: bản lĩnh của mỗi người và bản lĩnh của một nền học
thuật. Làm sao để nền học thuật có bản lĩnh? Một phần quan trọng của câu
trả lời theo tôi là ở ý nghĩ tiếp theo đây. Thứ hai, cần phải đẩy mạnh nghiên
cứu văn học sử, nhất là lịch sử văn học thế giới: nghiên cứu những nền văn
học tiêu biểu và nghiên cứu so sánh văn học. Văn học Việt Nam dù quan
thiết với chúng ta đến đâu chăng nữa trong hệ thống văn học thế giới vẫn
cứ là một nền văn học không điển hình (không điển hình về quy mô, về
chiều sâu và sự đa dạng của truyền thống, về con đường phát triển), chỉ
dựa vào đó để khái quát lí thuyết hay kiểm nghiệm lí thuyết thì đều chưa đủ
tin cậy. Khi có một kiến văn rộng rãi về thực tế văn học sử thế giới ta sẽ cởi
mở và điềm tĩnh hơn trước các lí thuyết và trào lưu nghệ thuật. Cởi mở và
điềm tĩnh trước các lí thuyết và trào lưu nghệ thuật mới, đó là phong cách
cần thiết và đáng yêu của Khoa học Hàn lâm./.

×