Khuynh hướng tiểu thuyết hóa
lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử
Việt Nam sau 1975
Khảo sát những tiểu thuyết lịch sử Việt Nam được xuất bản sau 1975, chúng tôi
nhận thấy, các nhà văn xử lí chất liệu lịch sử theo hai khuynh hướng chính: khuynh
hướng lịch sử hoá tiểu thuyết và tiểu thuyết hoá lịch sử. Trong bài viết này, chúng tôi
tập trung đề cập đến khuynh hướng tiểu thuyết hoá lịch sử.
Tiểu thuyết vốn đề cao tính chất hư cấu, sáng tạo chủ quan, còn lịch sử lại đòi
hỏi sự chính xác, khách quan khi lưu giữ những tư liệu liên quan đến số phận của một
dân tộc. Tiểu thuyết hoá lịch sử nghĩa là nhà văn biến những tư liệu chính xác của lịch
sử thành tiểu thuyết, thành những sản phẩm hư cấu, tưởng tượng của cá nhân nghệ sĩ.
Khi đó, lịch sử trở thành chất liệu, thậm chí là phương tiện để nhà văn viết tiểu thuyết.
Nhiều khi nhà văn chỉ mượn lịch sử làm đường viền trang trí chứ không phản ánh
trung thực một thời kì lịch sử cụ thể. Nói như nhà văn Alexandre Dumas, lịch sử chỉ
như cái đinh đóng vào tường để người viết có thể tuỳ thích treo vào đó những bức
hoạ của riêng mình. Đó là thứ lịch sử đã được nhào nặn, thiết kế lại. Và nhà văn viết
tiểu thuyết lịch sử là sáng tạo một lịch sử khác, đến lượt người đọc, họ cũng hưởng thụ
lịch sử theo cách của riêng mình. Với khuynh hướng sáng tạo này, nhà văn có thể phán
xét cả lịch sử, chưng cất lại lịch sử, cãi ngầm với sử học về nhân sinh, thế sự để giúp
nhận thức thêm, nhận thức lại lịch sử. Đọc những cuốn tiểu thuyết lịch sử được viết
theo khuynh hướng này, ấn tượng về lịch sử dù vẫn tồn tại, và vẫn cần thiết như một
không gian toàn thể nhưng đã không còn ở bình diện thứ nhất mà nổi lên trước hết là
ấn tượng của tiểu thuyết với bao vấn đề thế sự, đời thường cùng những sáng tạo mới
mẻ, riêng biệt. Theo Bakhtin đó là ấn tượng về cái “hiện tại chưa hoàn thành” - hiện tại
ấy trở thành đối tượng ưu tiên của tiểu thuyết để người viết tiểu thuyết “có thể miêu tả
những sự việc có thật trong đời mình hoặc nói ám chỉ đến chúng, có thể can thiệp vào
cuộc trò chuyện giữa các nhân vật, có thể bút chiến công khai với các địch thủ văn học
của mình ”
(1)
. Tính dân chủ vốn là yếu tính của tiểu thuyết có dịp được thể hiện trong
mọi cấp độ nội dung và hình thức của tác phẩm. Độc giả không thể tìm thấy trong tiểu
thuyết lịch sử những phán xét duy nhất đúng về các chân lí mà là những giả thuyết về
đời sống của nhà văn. Hơn thế nữa, trên con đường tiểu thuyết hóa lịch sử, ở những
phóng thoát xa nhất của tư duy tự sự lịch sử mang cảm quan nghệ thuật hậu hiện đại,
tiểu thuyết càng thoát dần cái nhìn toàn trị của tư duy đại tự sự để hướng đến cái nhìn
tiểu tự sự. Ảnh hưởng tiếng gọi của trò chơi, tiểu thuyết lịch sử trở thành mảnh đất để
nhà văn tự do sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, tiến hành các thử nghiệm
khác nhau miễn là trình bày cảm nhận thế giới của mình một cách hiệu quả nhất.
Lịch sử nhìn từ góc độ khoa học là cái đã có, đã xong xuôi, tất yếu. Tiểu thuyết
lại chú trọng sự sáng tạo, quan tâm đến những khả năng có thể của lịch sử, do đó lịch
sử được hiện diện trong sự vận động không ngừng, không khép kín. Nhà văn sáng tạo
lại lịch sử và gieo vào lòng độc giả những câu hỏi, những vấn đề đối thoại trong trang
viết để cùng nghiền ngẫm, liên tưởng, tìm mối thông cảm và chia sẻ với những con
người trong câu chuyện xưa mà nay chỉ còn là vài dòng khắc trên bia đá. Khuynh
hướng tái tạo lịch sử này được thể hiện trên nhiều cấp độ:
1. Phục hiện kiểu tiểu thuyết khiến lịch sử trở nên sinh động
Có thể xem đây như bước đầu tiên để tiểu thuyết lịch sử vượt thoát khỏi mô hình
truyện kể lịch sử. Nhà văn sẽ dùng quyền sáng tạo và hư cấu để bổ sung thêm những
chi tiết, phục dựng lại những thời kì mà sách lịch sử không nói đến. Đời sống riêng,
tâm lí các nhân vật không được nhắc đến trong các tư liệu lịch sử nhưng nhà tiểu
thuyết sẽ huy động tối đa năng lực tưởng tượng để bổ sung, lấp đầy những khoảng
trống này để lịch sử trở nên đầy đặn hơn, sinh động hơn. Bằng một vài điểm níu mỏng
manh từ lịch sử, nhà tiểu thuyết sẽ sáng tạo ra cả một thế giới. Tiêu biểu cho cấp độ xử
lí chất liệu lịch sử này là những cuốn tiểu thuyết: Khúc khải hoàn dang dở (Hà
Ân), Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp
đổ (Hoàng Quốc Hải), Kinh đô Rồng, Một mất một còn, Thời vàng son (Nguyễn Khắc
Phục)
Trong tiểu thuyết Huyền Trân công chúa, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dựa vào
vài dòng ngắn ngủi được ghi lại trong Đại Việt sử kí toàn thư: “Mùa hạ, tháng 6, gả
công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân. Trước đây, thượng
hoàng đi chơi các địa phương sang nước Chiêm Thành, đã trót hứa gả con gái cho. Các
văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn điển vua nhà Hán đem Chiêu Quân gả
cho Hung Nô làm lời thơ bằng quốc ngữ để chê cười”
(2)
. Từ chi tiết này của lịch sử, tác
giả đã hư cấu, tưởng tượng để viết nên cuốn tiểu thuyết trên 300 trang, miêu tả cụ thể
về cô công chúa Huyền Trân - con gái yêu của vua Trần Nhân Tông, đặc biệt là diễn
biến tâm lí của nàng từ lúc nghe tin mình được gả sang Chiêm Thành cho tới khi đã trở
thành vợ của vua Chiêm - Chế Mân. Việc Huyền Trân chấp thuận làm vợ Chế Mân,
bên ngoài ai cũng nghĩ nàng là một người con thuận hảo, ý thức được trọng trách đối
với quốc gia, nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, việc đó còn là một sự “trả thù”,
nàng cố vùi nén, quên đi tình yêu với người anh hùng đã lớn tuổi Trần Khắc Chung.
Mặc dù vậy, khi làm vợ Chế Mân, Huyền Trân là người phụ nữ biết hy sinh vì nghĩa
cả, có trí tuệ sáng suốt, biết khuyên chồng khuyên vua lo việc trị nước an dân, giữ bổn
tâm thiện đức làm gương cho trăm họ. Huyền Trân thực sự trở thành một nhân vật
sống động, đầy sức thuyết phục trước độc giả chứ không chỉ còn là một cái tên trong
sử sách. Nhà văn đã xây dựng được Huyền Trân thành một trang nữ kiệt về văn hoá,
đạo đức, đẩy nhân vật ra xa khỏi quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ. Nàng kiên
nghị, sáng suốt có ý thức xây dựng và củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt -
Chiêm vì hoà bình lâu dài của khu vực, lại biết khuyên Chế Mân lo việc chấn hưng đất
nước, mang lại hạnh phúc cho dân. Kiểu phục hiện lịch sử này khiến cho tác phẩm của
Hoàng Quốc Hải có một chủ đề tư tưởng sâu sắc. Đồng thời đặt trong bối cảnh đổi mới
đất nước, mở rộng giao lưu văn hoá-ngoại giao hôm nay, nhân vật Huyền Trân ít nhiều
có thêm được hơi thở của cuộc sống đương đại.
Dựa vào nguồn sử liệu của Đại Việt sử kí toàn thư viết về vị vua đầu triều
Lý - Lý Công Uẩn (1010-1028), tất cả gồm 26 trang
(3)
, nhà văn Nguyễn Khắc Phục
đã hư cấu, tưởng tượng để viết nên cuốn tiểu thuyết Kinh đô Rồng với độ dày gần
600 trang, miêu tả chi tiết về vị vua khai sáng ra triều Lý. Độc giả sẽ tìm thấy
trong cuốn sách những kiến thức lịch sử- văn hoá- xã hội sâu rộng và những con
người Thăng Long bằng xương bằng thịt sống động, phong phú với những buồn
vui, chiến công và mất mát, dằn vặt và dấn thân, hạnh phúc và bi kịch , đặc biệt
là âm hưởng anh hùng ca về vị vua tài danh Lý Công Uẩn. Đó là một thời kì lịch
sử rất xa ngày nay, với khoảng cách hàng ngàn năm, gắn liền với sự ra đời của nhà
nước Đại Việt, triều Lý và dĩ nhiên có cả sự kiện trọng đại của cuộc dời đô khỏi
Hoa Lư ra định đô ở Thăng Long, mở ra một thời đại mới cho sự phát triển của đất
nước Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết cho người đọc được sống lại với bao nhiêu
huyền thoại của đất Thăng Long: nguồn cội của thành Luy Lâu, bài ca Việt cổ xưa
nhất, những giai thoại huyền bí về con chồn tinh chín đuôi chuyên ăn thịt người
gần chùa Khai Quốc và hồ Lãng Bạc (Hồ Tây ngày nay) Đó còn là nguồn gốc ra
đời đầy bí ẩn của cậu bé Lý Công Uẩn, rồi những năm tháng ấu thơ cậu bé được
sống trong sự yêu thương dạy dỗ của sư Vạn Hạnh. Thời trai trẻ tài ba, công thành
danh toại nhưng trong sâu thẳm trái tim chàng trai ấy vẫn không thôi tiếc nuối về
một tình yêu không trọn vẹn. Để rồi cho đến khi đã ở vị trí nghiêng lệch thiên hạ,
Lý Thái Tổ vẫn không thôi day dứt về tình yêu với tiểu thư Bích Đào Nguyễn
Khắc Phục đã bồi da đắp thịt để những sự kiện và nhân vật lịch sử trở nên sống
động, hấp dẫn, đang song hành cùng người đương thời chứ không chỉ là những con
số, những sự kiện được “ướp lạnh” của lịch sử.
Rõ ràng, dưới hình thức tiểu thuyết, lịch sử đã được phục sinh. Lịch sử trở nên
cụ thể hoá, sinh động hoá. Nhà tiểu thuyết đã dùng khả năng tưởng tượng của mình
để lấp đầy chỗ trống giữa những dòng sử biên niên khô khan mà sử quan ngày xưa để
lại. Điều đó khiến lịch sử được tái hiện không chỉ là những sự kiện hàn lâm mà là lịch
sử sống động của cõi nhân sinh. Đây là sức hấp dẫn riêng của những trang sách tiểu
thuyết so với những trang sách lịch sử.