Xây dựng và bảo vệ Chính quyền
Nhân dân (9/1945 – 12/1946)
Từ sự đánh giá trên đây, Trung ương Đảng đề ra chủ trương mới: nhân
nhượng hoà hoãn với Pháp, để cho quân Pháp vào miền Bắc nhằm đẩy
nhanh quân Tưởng về nước, bớt đi một kẻ thù nguy hiểm, tận dụng khả
năng hoà bình để xây dựng lực lượng cách mạng về mọi mặt, chuẩn bị
cuộc chiến đấu mới.
Chỉ thị phê phán khuynh hướng không muốn đàm phán, muốn "đánh đến
cùng" và chỉ rõ "vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn
đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những
điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng".
Chỉ thị nhấn mạnh lập trường của Đảng ta: Nếu Pháp chỉ thừa nhận
quyền tự trị của Việt Nam thì nhất định đánh, nếu Pháp công nhận quyền
tự chủ thì có thể hoà.
Theo chủ trương mới, Chính phủ ta đã đàm phán và ký với đại diện
Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Hiệp định quy định : Chính
phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có nghị viện, chính
phủ, quân đội và tài chính riêng nằm trong Liên bang Đông Dương và
Liên hiệp Pháp; Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc
thay thế quân Tưởng, sau 5 năm phải rút hết về nước; hai bên đình chỉ
xung đột ở miền Nam để mở cuộc đàm phán đi đến ký Hiệp định chính
thức.
Ngày 9-3-1946, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thịHoà để tiến. Chỉ
thị phân tích chủ trương hoà hoãn với Pháp để:
"1. Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều
lực lượng phản động (thực dân Pháp, Tàu trắng, bọn phản cách mạng
trong nước), chúng sẽ đúc thành một khối và được bọn đế quốc Anh, Mỹ
giúp sức để đánh ta
2. Bảo toàn thực lực dành lấy giây phút nghỉ ngơi và củng cố vị trí mới
đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi
dưỡng và củng cố phong trào. Tóm lại để chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội
tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới".
Chỉ thị nhắc nhở cán bộ đảng viên và nhân dân tránh những việc làm
nông nổi, vô tổ chức, vô chính phủ dễ bị kẻ thù khiêu khích, nhưng cũng
không ngây thơ tin rằng Hiệp định sơ bộ đã làm cho dân tộc ta tránh
được mọi khó khăn, cần phải nêu cao cảnh giác, chuẩn bị đối phó với
mọi bất trắc, kể cả khi thực dân Pháp bội ước, đồng thời triệt để lợi dụng
thời gian hoà hoãn để đẩy mạnh xây dựng Đảng và các tổ chức quần
chúng, đào tạo cán bộ, đưa cán bộ vào gây cơ sở trong các thành phố bị
chiếm đóng ở miền Nam, củng cố phong trào quần chúng.
Hai bản Chỉ thị Tình hình và chủ trương và Chỉ thị Hoà để tiến là sự
chuyển hướng chỉ đạo chiến lược hết sức đúng đắn, nhạy bén phù hợp
với sự chuyển biến của tình hình đất nước, ứng phó kịp thời và có hiệu
quả với âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù.
2. Tận dụng khả năng hoà hoãn, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho
cuộc kháng chiến toàn quốc
Tình hình đất nước sau Hiệp định sơ bộ còn nhiều phức tạp, đòi hỏi
Đảng ta phải lãnh đạo nhân dân thống nhất ý chí, hành động trên hai
phương diện: đấu tranh ngoại giao và đấu tranh chính trị đòi thực dân
Pháp phải thi hành Hiệp định sơ bộ, đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi
hành động phản bội của địch, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến
toàn quốc.
Cuối tháng 3-1946, Chính phủ Pháp phải thoả thuận: Quốc hội Việt Nam
cử một phái đoàn sang Pháp và Pháp cử một phái đoàn sang Việt Nam
để chuẩn bị điều kiện cho việc ký Hiệp định chính thức ở Pari.
Ngày 19-4-1946, Hội nghị trù bị Đà Lạt được tiến hành để chuẩn bị cho
cuộc đàm phán chính thức tại Pháp. Hội nghị thảo luận ba vấn đề: những
mối liên hệ ngoại giao của Việt Nam; chế độ tương lai của Đông Dương;
quyền lợi văn hoá của người Pháp ở Việt Nam. Quan điểm của Đảng và
nhân dân ta là: nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia sẻ,
ba kỳ phải theo chung một chế độ cộng hoà dân chủ. Nước Việt Nam là
một nước tự chủ; có Chính phủ riêng tổ chức theo đúng Hiến pháp của
mình, có nghị viện riêng, tổ chức theo lối phổ thông tuyển cử; có quân
đội riêng dưới quyền chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh; có tài chính riêng
nghĩa là có ngân hàng quốc gia, có quyền phát hành giấy bạc và thuế
quan độc lập; có quyền ngoại giao trực tiếp với nước ngoài, gửi đại sứ
hoặc lãnh sự đến các nước khác và được gia nhập Liên hợp quốc. Quân
đội Pháp ở Đông Dương trên vĩ tuyến 16 hay dưới vĩ tuyến 16 phải có
giới hạn về số lượng và sau 5 năm chỉ đóng lại một số rất ít ở một vài
hải cảng. Phía Pháp ngoan cố giữ lập trường thực dân nên Hội nghị trù
bị Đà Lạt đã bế tắc.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu
đi thăm nước Pháp từ ngày 16-4 đến ngày 16-5-1946. Đoàn đã giải thích
cho nhân dân và những người có thiện chí trong chính giới ở Pháp hiểu
rõ và đồng tình với mục tiêu giành độc lập hoàn toàn của dân tộc Việt
Nam.
Ngày 31-5-1946, theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đi thăm chính thức nước Pháp.
Cuộc đàm phán Việt - Pháp được mở ra ở Phôngtennơblô ngày 6-7-1946
và đến ngày 10-9-1946 mới chấm dứt, vì thái độ ngoan cố của thực dân
Pháp. Chúng vẫn chủ trương thông qua cơ cấu Liên bang Đông Dương
để buộc Việt Nam phải lệ thuộc Pháp và vẫn coi Nam Bộ là đất của
chúng.
Trong thời gian thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với hầu
hết các đảng phái chính trị, tổ chức quần chúng ở Pháp, đại diện các tổ
chức quần chúng quốc tế, nói rõ lập trường hoà bình, hữu nghị của Việt
Nam với nước Pháp. Người nhấn mạnh một nguyên tắc: “Kỷ sở bất dục,
vật thi ư nhân” nghĩa là điều mà mình không muốn thì đừng làm cho
người khác; với sự thành thực và tin cậy lẫn nhau thì có thể san phẳng
mọi trở ngại và giải quyết được những vấn đề khó khăn nhất.
Để giành thêm thời gian xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng
chiến, trước khi rời nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính
phủ Pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946, thoả thuận một số điều về quan
hệ kinh tế, văn hoá giữa hai nước, đình chỉ xung đột quân sự ở miền
Nam và sẽ tiếp tục đàm phán vào tháng 1-1947.
Chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn đàm phán
của Chính phủ ta tuy không đạt được mục đích ký một hiệp định chính
thức, nhưng đã làm cho nhân dân Pháp hiểu và ủng hộ nhân dân ta, làm
cho dư luận quốc tế chú ý đến Việt Nam và hiểu nguyện vọng hoà bình
tha thiết của dân tộc Việt Nam.
Khi qua Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố tán thành sáng kiến
của Ấn Độ triệu tập một cuộc Hội nghị Liên Á nhằm đoàn kết các dân
tộc bị áp bức châu Á chống chủ nghĩa thực dân.
Tận dụng thời gian hoà hoãn, Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát
triển lực lượng về mọi mặt, chủ động đối phó với khả năng chiến tranh
xảy ra trên phạm vi cả nước.
Về kinh tế, các công việc đẩy mạnh sản xuất, tích trữ lương thực được
tiến hành để chuẩn bị hậu phương cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Về quân sự, vũ trang toàn dân, xây dựng dân quân, tự vệ. Theo Sắc lệnh
số 71/SL ngày 22-5-1946, Vệ quốc đoàn chuyển thành Quân đội quốc
gia Việt Nam. Đến cuối năm 1946, bộ đội thường trực đã có 80.000
người, dân quân, tự vệ đã có gần 1 triệu người.
Về chính trị, Đảng xúc tiến tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Tháng
5-1946,Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt Liên Việt) ra đời, nòng
cốt là Mặt trận Việt Minh.