Cách mạng Tháng 8/1945 - Việt Nam
Bài học thứ hai là vấn đề giành và giữ chính quyền. Giành chính quyền,
đó là mục tiêu của bất cứ cuộc cách mạng nào. Nhưng cái độc đáo của
cuộc cách mạng Tháng Tám, mang bản sắc Việt Nam, một sự sáng tạo
của Đảng ta là không phải đợi đến khi phát động tổng khởi nghĩa toàn
quốc mới đặt vấn đề giành chính quyền về tay nhân dân. Tin tưởng
mạnh mẽ ở lực lượng cách mạng của nhân dân, ngay từ tháng 5 năm
1941, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, Đảng ta đã chủ trương
xây dựng lực lượng vũ trang với các hình thức và quy mô thích hợp,
giành chính quyền từng bộ phận, thành lập và mở rộng các căn cứ địa
cách mạng và sẵn sàng chuyển sang hình thức tổng khởi nghĩa khi có
điều kiện.
Ngay từ đầu chúng ta đã xác định việc giành chính quyền về tay nhân
dân, xây dựng chính quyền của dân và phục vụ nhân dân, chính vì thế
Đảng đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết
toàn dân trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức, khai
thác và phát huy triệt để động lực tình thần, nêu cao "ý chí Việt Nam",
tinh thần dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng xông lên cứu nước cứu nhà, tạo
thành nguồn động lực to lớn để đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng
lợi hoàn toàn. Chính quyền lợi sống còn của cả dân tộc gắn với lợi ích
của từng tầng lớp, từng người, quyền lợi cơ bản gắn liền với quyền lợi
trước mắt đã động viên, thúc đẩy được đông đảo quần chúng kiên
trung, bất khuất, anh dũng xông lên đương đầu với những lực lượng
thù địch hung bạo nhất. Thử hỏi nếu không khơi dậy sức mạnh vô địch
của hàng chục triệu quần chúng được giác ngộ, với ý thức giành chính
quyền cho mình và của mình để rồi xây dựng chính quyền mưu lợi cho
hạnh phúc của mình thì với 5000 đảng viên thời kỳ tiền khởi nghĩa,
Đảng ta làm sao có thể làm tròn sứ mệnh lịch sử, tiến hành cuộc cách
mạng Tháng Tám thành công mau lẹ và ngoạn mục như vậy được!
Bài học lớn của việc giành chính quyền và giữ chình quyền là Đảng ta đã
biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách
mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, từ đó
làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thời cơ cách mạng
để đưa cuộc cách mạng đến thành công. Lực lượng cách mạng có được
chính là nhờ Đảng nắm bắt đúng nguyện vọng của quần chúng, biết gắn
lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc với nhau, có mục tiêu chính trị rõ ràng,
phương pháp cách mạng đúng đắn. Vận dụng những tư tưởng của chủ
nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, thể
hiện trong khẩu hiệu đấu tranh từng thời kỳ như: độc lập dân tộc,
người cày có ruộng, 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, chủ
trương phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân và hàng loạt hình thức
vận động, tập hợp lực lượng, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của quần
chúng khác. Chính vì thế Đảng ta đã tập hợp và phát huy được sức
mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên nền tảng liên minh công
nhân - nông dân và trí thức, tạo nền một nguồn động lực mạnh mẽ đưa
cách mạng tiến lên. Đảng ta đã kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và
đã biết sử dụng bạo lực cách mạng một cách thích hợp và đúng lúc để
đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra bộ máy nhà nước mới của dân, do
dân và vì dân. Bạo lực cách mạng được sử dụng ở Cách mạng Tháng
Tám chính là sử dụng lực lượng chính trị và lực lượng quân sự, gắn kết
hai hình thức đấu tranh là đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, tạo
nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng để tiến lên giành chính quyền.
Giành chính quyền đã khó nhưng việc củng cố chính quyền, bảo vệ và
xây dựng chính quyền còn khó hơn nhiều. Sau khi chính quyền về tay
nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ ra đời. Đảng ta đã
phải lãnh đạo nhân dân ta đương đầu với bao nhiêu thử thách. Ngân
khố cạn kiệt. Hai mươi vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc. Bon thực
dân Pháp núp sau lưng quân đội Anh kéo vào miền Nam. Tất cả bọn
chúng đều nhằm lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Để giữ vững
chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên
sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh thắng lợi với thù trong giặc
ngoài. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động nhân dân thực hiện
tốt 3 nhiệm vụ cách mạng: chống giắc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Chính quyền cách mạng đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm bồi
dưỡng sức dân, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thi đua
học chữ quốc ngữ, củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, lãnh đạo
cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, tổ chức đánh bạo mọi
âm mưu phản cách mạng, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh với kẻ
thù và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế
giới. Việc ta ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước
ngày 14/9/1946 cũng là một việc lamg sáng suốt để hoà hoãn với Pháp,
phá tan âm mưu của bọn Tưởng và tay sai đẩy ta vào thế cô lập, đồng
thời tranh thủ thời gian chuẩn bị cuộc chiến đấu mới bảo vệ chính
quyền cách mạng.
Bài học thứ ba là vấn đề nắm bắt thời cơ ngàn năm có một, đề ra được
những quyết định chính xác và kịp thời. Bất cứ một cuộc cách mạng nào
đều phải biết tạo ra thời cơ và nắm bắt thời cơ. Chọn đúng thời cơ là
một khoa học và một nghệ thuật. Điều này đã được thể hiện rất rõ
trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh
trong việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc
thể hiện cụ thể trong chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3
năm 1945 "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" và bản
Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi lúc 23h30 ngày
13-8-1945 hiệu triệu toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính
quyền. Chọn thời điểm 13 tháng 8 để phát động Tổng khởi nghĩa là vô
cùng sáng suốt. Bởi vì vào thời điểm đó, cách mạng đã lên tới cao trào,
lực lượng cách mạng đã lôi kéo được những tầng lớp trung gian, lưng
chừng. Lúc đó, quân Nhật bại trận, mất tinh thần cao độ, chỉ ngồi chờ
quân Đồng minh đến tước vũ khí, nguỵ quyền tay sai tan rã và đã tỏ
thái độ đầu hàng lực lượng cách mạng. Thời cơ khởi nghĩa ngàn năm có
một đã được chọn một cách chính xác trong khoảng 15 ngày trước khi
quân Tưởng và quân Anh đổ bộ vào Đông Dương. Nếu phát động Tổng
khởi nghĩa sớm hơn, nhân dân ta sẽ tổn hại nhiều xương máu. Nếu phát
động Tổng khởi nghĩa muộn hơn, khi quân Đồng minh đã vào Đông
Dương thì cách mạng Việt Nam sẽ mất đi thế chủ động của mình và sẽ
gặp nhiều khó khăn khác. Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh
của nhân dân ta trong cách mạng Tháng Tám đã được nhân lên gấp bội,
đã tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công trong phạm vi cả nước trong
thời gian ngắn.
Ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng tám
(Trích tác phẩm "Cách mạng tháng Tám" của đồng chí Cố Tổng Bí thư
Trường Chinh )
Cách mạng tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt
Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập tự do,
quyết không chịu làm nô lệ. Cách mạng tháng Tám là kết quả của tám
mươi năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực
dân Pháp. Nó cũng là một sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của nước ta từ khi
Quang Trung đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh (1789) đến nay.
Thật thế, suốt trong thời gian ấy, không có một cuộc vận động nào thể
hiện tinh thần anh dũng, quật cường và sự đoàn kết, thống nhất của
dân tộc Việt Nam bằng Cách mạng tháng Tám. Không những giật tung
được xiềng xích của bọn đế quốc phát-xít, Cách mạng tháng Tám lại lật
nhào được chế độ quân chủ thành lập trên đất nước ta hàng chục thế
kỷ, làm cho nước Việt Nam thành một nước cộng hòa dân chủ, đưa dân
tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong. Giá trị lớn lao của Cách
mạng tháng Tám chính ở chỗ đó. Và cụ Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch đầu
tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người lãnh đạo Cách mạng
tháng Tám, rất xứng đáng là anh hùng dân tộc của nước ta. Cách mạng
tháng Tám tỏ rõ tinh thần chống phát-xít và yêu chuộng dân chủ và hòa
bình của nhân dân Việt Nam. Nó kết thúc vẻ vang một cao trào chống
phát-xít Nhật, Pháp trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai.
Trước Cách mạng tháng Tám, nhân dân Việt Nam đấu tranh gian khổ để
quấy rối hậu phương và tiêu hao lực lượng của Nhật. Từ cuối năm 1944
đường biển của Nhật bị quân Đồng minh chặn đánh. Đông Dương trở
thành một cái "cầu" trên con đường Đại Đông Á của Nhật, cái "cầu" vô
cùng quan trọng về chiến lược cho quân đội Nhật vận động từ Bắc
phương đến Nam Dương. Việc chặn quân Nhật trên chiếc "cầu" ấy do
nhân dân Việt Nam đảm nhiệm. Tháng 3-1945, Đảng Cộng sản Đông
Dương ra Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta",
phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, tức là tích cực lãnh đạo
nhân dân Việt Nam đánh vào những vị trí chiến lược quan trọng của
Nhật, lãnh trách nhiệm ngăn chặn quân Nhật trên con đường Đại Đông
Á. Từ tháng 3 đến tháng 8 năm ngoái, nước Nhật bị ném bom mỗi ngày
thêm dữ dội. Quân du kích Việt Nam cũng đánh Nhật mỗi lúc một mạnh
hơn. Thành lập ở thượng du và trung du Bắc Bộ, khu giải phóng án ngữ
ngay trên con đường của Nhật từ Hoa Nam đến Đông Dương. Trong
khu ấy, dân quân du kích Việt Nam làm cho quân Nhật bị tiêu hao nặng.
Cho nên, nhân dân Việt Nam thật đã góp sức với các lực lượng liên
minh chống phát-xít làm cho Nhật mau bại và gián tiếp giúp cho Hồng
quân Liên Xô mau thắng. Không nghi ngờ gì nữa: nhân dân Việt Nam đã
góp một phần hy sinh xương máu trong cuộc chiến đấu chống phát-xít
xâm lược mấy năm vừa qua. Bọn thực dân Pháp cố ý đổ cho phong trào
giải phóng dân tộc Việt Nam là "thân Nhật", là "do Nhật cầm đầu", cốt
làm giảm ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám. Nhưng rất nhiều tang
chứng đã đập tan luận điệu gian dối ấy. Và ngày nay, ai cũng phải nhận
rằng giọng phản tuyên truyền của thực dân Pháp đối với Cách mạng
Việt Nam là giọng của kẻ "vừa đánh trống vừa ăn cướp"; không phải
chính thực dân Pháp được đế quốc Anh dung túng và giúp đỡ đã phản
công Cách mạng Việt Nam hòng giành lại địa vị và quyền lợi của chúng
ở Đông Dương đó sao? Nhân dịp phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh
không điều kiện, trong các dân tộc bị Nhật chà đạp, chỉ có nhân dân
Trung Quốc, nhân dân Triều Tiên, nhân dân Việt Nam và nhân dân Nam
Dương đã thu được nhiều kết quả nhất trong việc lợi dụng thời cơ
giành độc lập, dân chủ và tự do.
Bằng Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam đã nêu ra trước Liên hợp
quốc điều yêu sách tổng quát của mình: Các cường quốc phải thừa
nhận quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt Nam theo đúng các hiến
chương Đại Tây Dương và Cựu Kim Sơn. Chính thế, vì phát-xít Nhật đổ
thì tất cả những dân tộc thuộc địa Nhật phải được giải phóng, không kẻ
nào có thể thay chân Nhật mà áp bức, bóc lột các dân tộc ấy được.
Nhân dân Việt Nam bị Nhật thống trị từ năm 1940, lại có công đánh
Nhật bên cạnh Đồng minh, nhất định phải được độc lập! Nhân dân Việt
Nam quyết không để cho thực dân Pháp trở lại áp bức mình như trước,
cũng không chịu chế độ "quốc tế quản trị", vì nhân dân Việt Nam đã
trưởng thành rồi! Cách mạng tháng Tám và cuộc chiến đấu chống phản
động Pháp trong ngót một năm nay của nhân dân Việt Nam đã thét lớn
nguyện vọng thiết tha trên đây cho thế giới biết.
Cách mạng tháng Tám đã chọc thủng được hệ thống thuộc địa của chủ
nghĩa đế quốc ở một trong những mắt xích yếu nhất của nó, mở đầu
cho một quá trình tan rã không thể cứu vãn được của chủ nghĩa thực
dân trên thế giới. Cách mạng tháng Tám đã báo hiệu giờ giải phóng của
các dân tộc bị áp bức đến rồi. Cách mạng Việt Nam cũng như Cách
mạng Trung Quốc, cách mạng Nam Dương đang cổ vũ các cuộc vận
động giải phóng dân tộc của nhân dân Lào, nhân dân Cao Miên và nhân
dân các nước thuộc địa khác ở Đông-Nam châu Á. Bởi vậy, chúng ta rất
hiểu tại sao đế quốc Anh hết sức giúp thực dân Pháp đàn áp Cách mạng
Việt Nam trong Nam Bộ; tại sao bọn phản động quốc tế nhân nhượng
nhau để cho quân Pháp tiếp phòng quân Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ
Việt Nam. Chính trong khi chống nhau với quân Pháp từ 23 tháng 9 năm
ngoái, quân ta đã chạm trán với quân Anh - Ấn - Pháp - Nhật trong
nhiều trận.
Cuộc chiến đấu tự vệ của nhân dân ta đã bóc trần mưu mô quỷ quyệt
của phản động quốc tế. Nó đã tố cáo với dư luận thế giới rằng: Quân
Anh được Đồng minh phái vào Đông Dương tước vũ khí quân Nhật và
cho quân Nhật về nước, nhưng đặt chân lên đất Đông Dương, không
những họ đã không chịu "hồi quốc" ngay quân Nhật, lại dùng một số
khá đông lính Nhật giúp thực dân Pháp phản công Cách mạng Việt Nam
và đàn áp cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Cho nên,
nhân dân Việt Nam không phải chỉ vì riêng mình mà chiến đấu, còn vì
hòa bình, dân chủ và độc lập dân tộc trên thế giới mà chiến đấu. Sau khi
chiến tranh chống phát-xít xâm lược kết thúc, nhiệm vụ của mọi lực
lượng tiến bộ trên thế giới là đấu tranh vì độc lập dân tộc, phát triển
dân chủ, củng cố hòa bình.
Bằng cuộc Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp hiện nay, nhân dân Việt Nam đã và đang dũng cảm gánh một
phần nhiệm vụ ấy. Trong hàng ngũ các lực lượng dân chủ, tiến bộ đấu
tranh cho một thế giới tươi đẹp hơn, không vắng mặt nhân dân Việt
Nam. Dù người ta muốn hay không muốn, Cách mạng Việt Nam đã
thành một bộ phận của cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân thế giới vì
hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhân dân Việt
Nam đã hiểu nhiệm vụ quốc tế của mình trong thời kỳ sau chiến tranh
này. Nó quyết hoàn thành nhiệm vụ ấy, bất chấp mọi trở lực.