Ba Vát - một di chỉ khảo cổ ở Bến Tre
Di chỉ khảo cổ học Ba Vát nằm ở xã Phước
Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, được
Viện khảo cổ học cùng với Sở Văn hoá-Thông tin
và Bảo tàng Bến Tre tiến hành khai quật từ ngày
24/11/2003 đến ngày 24/1/2004. Tại đây đoàn
khai quật đã tiến hành đào 2 hố khai quật có ký hiệu là 03.BV.H1, 03.BV.H2 và
một hố thám sát có ký hiệu 03.BV.TS.
1. Hiện vật phát hiện được tại hố 03.BV.H1
Hố 03.BV.H1 được mở với diện tích 30m2 (3m x 10m) nằm tại vườn sau nhà ông
Võ Văn Hòa, khu 1, ấp Phước Khánh, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh
Bến Tre. Nằm dọc theo hướng Đông – Tây, cách bờ Đông của sông Ba Vát 61,6m,
hố này được đào sâu khoảng 1,4m, điạ tầng có 4 lớp đất: Lớp mặt màu nâu nhạt
khá xốp, lớp 2 có màu xám, lớp 3 đất sét màu vàng, lớp 4 đất sét xám.
Hiện vật được phát hiện rất nhiều mảnh gốm men trắng xanh, trắng đục, men nâu.
Có tất cả 80 mảnh gốm tìm được ở độ sâu từ đất mặt đến 0,55m.
Đa số hiện vật phát hiện ở hố này có niên đại kéo dài từ cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ
19 sang đầu thế kỷ 20. Trong đó có 14 hiện vật có thể nhận diện được loại hình
như bát, đĩa, bình vôi,… được trang trí hoa văn rất đa dạng, phong phú như hoa lá
cách điệu, đường sóng gấp khúc, song hỷ, rồng, hoa cúc, cây chuối. Đây là những
mảnh gốm và đồ gốm men Việt Nam.
Đồ gốm men Trung Quốc tìm thấy ở đây cùng niên đại với đồ gốm men Việt Nam
có số lượng tương đối lớn gồm 354 mảnh gốm và 86 chiếc chén, dĩa, bát, muỗng
được tráng men trắng xanh vẽ lam, men đơn sắc, men trắng vẽ màu xanh lá cây.
Các trang trí trên đồ gốm Trung Quốc được phát hiện tại đây khá phong phú như
chữ thọ, chữ phúc tròn, song hỷ, rồng chầu mặt nguyệt, trúc lâm thất hiền, kỳ lân,
tứ quý, phong cảnh sơn thủy, hình hoa cúc. Qua kiểm kê cho thấy mô típ trang trí
hình rồng chầu mặt nguyệt rất phổ biến ở giai đoạn này.
Ngoài đồ gốm men Việt Nam và Trung Quốc được phát hiện, trong hố khai quật
này cũng đã thu được 25 mảnh sành tráng men chủ yếu là tráng men màu nâu đen,
đen và da lươn, và hơn 3.000 mảnh sành không tráng men và một số loại hiện vật
khác như sắt, đá mài, thủy tinh, xương, răng, tiền đồng, gáo dừa, cọc gỗ, san
hô,…với số lượng ít. Chúng là loại hiện vật thường được tìm thấy trong các di chỉ
cư trú.
2. Hiện vật phát hiện được tại hố 03.BV.H2
Hố 03.BV.H2 được mở với diện tích 10m2 (5m x 2m) nằm tại vườn trước nhà ông
Nguyễn Văn Thôi, khu 1, ấp Phước Khánh, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày,
tỉnh Bến Tre. Hố hình chữ nhật nằm theo hướng Bắc – Nam, cách hố 03.BV.H1 về
hướng Đông Bắc 43,3m, cách bờ Đông sông Ba Vát 70m. Đồ gốm men Việt Nam
phát hiện ở đây có tổng số 23 mảnh, có niên đại thế kỷ 19 – 20 và 14 hiện vật hồm
muỗng, chén, đĩa cùng niên đại.
Đồ gốm men Trung Quốc tìm được gồm 9 mảnh tráng men. Trong đó niên đại
cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 có 1 mảnh tráng men trắng vẽ lam, cuối thế kỷ 19
đầu thế kỷ 20 tìm được 4 mảnh men trắng xanh vẽ lam và 4 mảnh tráng men trắng
đơn sắc.
Về loại hình gốm men cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, tìm được 1 mảnh bát tráng
men trắng vẽ lam, 1 mảnh muỗng men trắng đơn sắc.
Đồ sành có hơn 100 mảnh, có tráng men và không men. Ngoài ra còn các hiện vật
khác như đá mài (1 chiếc), cọc gỗ (1 chiếc), tiền đồng (1 đồng).
3. Hố 03.BV.TS
Hố 03.BV.TS được mở tại nhà ông Trần Văn Trị, ấp Phước Khánh, xã Phước Mỹ
Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Hố có diện tích 2,25m2 (1,5m x 1,5m), nằm
cách hố 03.BV.H2 15,8m về hướng Tây – Bắc và cách bờ Đông sông Ba Vát
85,8m. Hố thám sát này không tìm thấy hiện vật, khi đào đến độ sâu khoảng 1,2m
thì nước vào nên không thể tiếp tục đào được nữa.
Dựa vào kết quả điều tra thám sát tháng 3/2003 và kết quả của đợt khai quật tại địa
điểm khảo cổ Ba Vát, đoàn khảo cổ đưa ra nhận xét:
Theo sách “Gia Định Thành Thông Chí” và “Đại Nam Nhất Thống Chí” đều chép:
Ba Việt mà nay là chợ Ba Vát vừa là lỵ sở của huyện Tân Minh vừa là một tiểu
cảng thị, phố xá đông đúc, thuyền vào ra tấp nập, được hình thành từ cuối thế kỷ
17, phát triển mạnh vào thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Ba Vát còn là một chợ lớn ven
sông, người ta lấy sông làm đường giao thông chính cho nên nhà cửa cũng bám
vào mặt sông để tiện lợi cho việc sinh hoạt cũng như buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Nơi đây diễn ra các hoạt động thương mại nhộn nhịp, trong đó có vai trò quan
trọng của các thương nhân Việt và Hoa và khu vực này thực sự đã từng là một thị
tứ phồn thịnh trong lịch sử vào giai đoạn đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19, đến
cuối thế kỷ 19 thì Ba Vát mất dần vị trí vốn có của nó. Việc phát hiện rất nhiều đồ
gốm Trung Quốc chất lượng cao ở đây cho thấy cư dân thời đó đã sử dụng và
buôn bán những mặt hàng có giá trị lớn. Dựa vào niên đại của hai hố khai quật, ta
thấy hố 03.BV.H1 có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, hố
03.BV.H2 có niên đại tập trung vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Qua đó
cho thấy cư dân Ba Vát trong giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 chủ yếu sinh
sống ở phía gần sông. Bước sang cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì mới lan rộng ra
các nơi xa sông hơn.
Ngoài ra, cũng năm 2003, trong quá trình đào ao nuôi cá, ông Nguyễn Văn Tư (ấp
Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) đã phát hiện một hũ
tiền kim loại trên phần đất nhà có diện tích 4.200 m2. Tiếp đến, vào tháng 2/2006
cũng tại nơi đây ông lại phát hiện thêm một hũ tiền khác. Tổng số tiền là 109 kg,
trong đó đợt một 69 kg, đợt hai 40 kg. Hai hũ tiền kim loại này có nhiều loại tiền
của các triều đại khác nhau, từ tiền thời Đường, Tống (Trung Quốc), tiền Nhật
Bản đến các loại tiền của Việt Nam như tiền thời Lý, Trần, Hồ, Lê, Tây Sơn,
Nguyễn,…và một số lượng lớn tiền chưa xác định được niên đại. Phát hiện này
càng khẳng định những nhận xét của các nhà khoa học là có cơ sở.