Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "TẬP TRUNG TRÍ TUỆ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIẾN PHÁP 1992 " pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.49 KB, 10 trang )

TẬP TRUNG TRÍ TUỆ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN DỰ
THẢO
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIẾN
PHÁP 1992
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức
hội nghị toàn thể cán bộ, giáo viên đóng góp ý kiến
vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến
pháp 1992. Bài thông tin dưới đây tổng thuật những ý
kiến đóng góp cơ bản trong quá trình thảo luận theo
tinh thần khoa học, thiết thực.
PHONG LAN
I. Những vấn đề chung của Dự thảo
Bản thuyết minh các nội dung cần nghiên cứu sửa
đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992
xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này chỉ tập
trung vào một số điều bức xúc về tổ chức bộ máy
Nhà nước và về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học,
công nghệ phù hợp với các nội dung mới đã được
Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định.
Một số ý kiến cho rằng không nên sửa đổi Hiến pháp
1992 trong thời gian này mà nên tập trung cho việc
nghiên cứu tổng kết thực tiễn, lý luận, từ đó mới có
thể tiến hành sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện. Các
ý kiến này xuất phát từ nhận thức rằng, những vấn đề
được nêu trong phạm vi sửa đổi, bổ sung chưa thực
sự là những vấn đề bức xúc.
Về kỹ thuật lập hiến cũng được nhiều ý kiến quan
tâm trao đổi. Theo các ý kiến này, Dự thảo còn mang
tính chất chung chung, chưa rõ. Có vấn đề cụ thể
được đề cập thì lại là những vấn đề quá nhỏ, không


mang tính chất điển hình. Nhiều đoạn sửa đổi cũng
chủ yếu là sửa đổi về từ ngữ. Những từ ngữ được sửa
đổi thực chất là sự sao chép từ ngữ của nghị quyết
của Đảng. Trong khi đó, Hiến pháp là đạo luật cơ bản
của Nhà nước, ngôn ngữ được sử dụng trong Hiến
pháp phải mang tính pháp lý – chính trị. Các ý kiến
này đề nghị nên thay thế những từ ngữ chính trị thuần
túy bằng các thuật ngữ pháp lý để bảo đảm tính chất
của Hiến pháp.
II. Những nội dung cụ thể qua các điều khoản
Về Chương I – Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam – Chế độ chính trị:
Có hai loại ý kiến đóng góp cho Điều 2. Loại ý kiến
thứ nhất đề nghị theo phương án 1 (giữ nguyên như
Hiến pháp 1992). Bởi lẽ, nếu khẳng định “Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thì chưa phù hợp với
thực tiễn nước ta hiện nay. Chúng ta chưa hoàn toàn
có một Nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của từ
này. Điều này đã được xác định trong Điều 12 của
Dự thảo rằng “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã
hội chủ nghĩa Việt Nam là trách nhiệm của mọi cơ
quan, tổ chức và công dân”. Hiểu theo tinh thần “cái
đã có” với “cái đang xây dựng” thì phải chăng giữa
Điều 2 và Điều 12 sẽ có sự mâu thuẫn? Loại ý kiến
thứ hai không đồng ý và cho rằng cần phải hiểu khái
niệm Nhà nước pháp quyền XHCN theo tinh thần
biện chứng khoa học Mác xít. Xây dựng Nhà nước
pháp quyền XHCN chính là một quá trình củng cố,
phát triển từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Vả lại,

Dự thảo xác định như thế chính là xuất phát từ tính
chất cương lĩnh của Hiến pháp. Điều 2 như Dự thảo
chính là một quy định mang tính tuyên ngôn. Còn
một số ý kiến khác đề nghị chỉ cần ghi “quyền lực
Nhà nước thuộc về nhân dân” là đủ mà không cần
thiết phải thêm cụm từ “nền tảng là liên minh giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.
Về Điều 3, có ý kiến đề nghị bỏ hai chữ “dân chủ” để
tránh cách hiểu thiên về khía cạnh chính trị. Điều 8
cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên sửa lại là “… mọi
nhân viên nhà nước…” chứ không nên quy định
trong phạm vi hạn hẹp chỉ có “cán bộ, công chức nhà
nước”. Bởi lẽ, việc “tôn trọng nhân dân, tận tụy phục
vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe
ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu
tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa
quyền, tham nhũng” là nghĩa vụ của mọi nhân viên
Nhà nước, kể cả những người làm việc theo chế độ
hợp đồng, chứ không phải chỉ là nghĩa vụ của “cán
bộ, công chức nhà nước”. Về Điều 12, các ý kiến đều
nhất trí như trong Dự thảo, chỉ đề nghị nên có đoạn
xác định rõ thêm những dấu hiệu đặc trưng của Nhà
nước pháp quyền XHCN.
Về Chương II – Chế độ kinh tế:
Cũng với tinh thần khoa học, thiết thực, nhiều ý kiến
về Điều 15 đều cho rằng cần làm rõ khái niệm “nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và
không cần đưa thêm cụm từ “đan xen, hỗn hợp” mà
chỉ cần giữ lại cụm từ “kinh doanh đa dạng” là đủ.
Bởi xét về mặt nội hàm, khái niệm “kinh doanh đa

dạng” đã bao hàm trong đó “đan xen, hỗn hợp”. Có ý
kiến còn mạnh dạn đề nghị không quy định “sở hữu
tập thể là nền tảng” vì trên thực tế, thành phần kinh tế
này không phát triển.
Đa số ý kiến trao đổi về Điều 16 cho rằng không nên
sử dụng phương pháp liệt kê khi quy định về các
thành phần kinh tế, vì sẽ gặp tình trạng, đến một giai
đoạn phát triển nào đó của nền kinh tế, danh mục liệt
kê này có thể sẽ “thiếu” thành phần nào đó phát sinh.
Hầu hết ý kiến đều đề nghị sửa đoạn đầu của Điều 16
là “… phát huy mọi tiềm năng của các thành phần
kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư
nhân và các thành phần kinh tế hỗn hợp khác”. Riêng
về khái niệm “kinh tế nhà nước”, có ý kiến cho rằng
nên thay thế bằng khái niệm “kinh tế quốc doanh”.
Về đoạn cuối của Điều 16, nhiều ý kiến đề nghị nên
xem lại khái niệm “thị trường bất động sản”, bởi nói
đến “bất động sản” thì trước hết và chủ yếu là nói đến
đất đai mà đất đai lại thuộc sở hữu toàn dân. Do đó,
nếu sửa Hiến pháp thì tất yếu phải sửa Luật đất đai
cho phù hợp. Về Điều 19, có khá nhiều ý kiến cho
rằng không nên quy định như đoạn 2 của điều này,
bởi quy định như thế là xác nhận tình trạng không
bình đẳng giữa “doanh nghiệp nhà nước” với các chủ
thể kinh doanh khác và đề nghị đoạn này nên sửa lại
là “kinh tế quốc doanh là công cụ để nhà nước định
hướng, điều tiết nền kinh tế”.
Về Chương III – Văn hóa, giáo dục, khoa học, công
nghệ:
Khi góp ý cho Điều 36, các ý kiến đều cho rằng

không nên quy định đoạn 1 như dự thảo, vì dễ dẫn
đến tình trạng các cơ quan quản lý chủ yếu quản lý
các vấn đề mang tính chất vi mô. Đoạn 2 về các hình
thức giáo dục, chỉ nên quy định gọn lại thành hai hình
thức giáo dục là trường công lập và ngoài công lập là
đủ, không cần thiết phải liệt kê từng hình thức giáo
dục. Về Điều 59, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định
học tập là quyền, không nên quy định vừa là quyền
vừa là nghĩa vụ, cũng nên giữ lại đoạn quy định “bậc
tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” như
Hiến pháp 1992.
Về Chương VI – Quốc hội:
Nhiều ý kiến thảo luận về Điều 84. Các ý kiến này
cho rằng tại khoản 7, không cần thêm vào như Dự
thảo, bởi lẽ các quyền này đã được các Luật tổ chức
Quốc hội, Chính phủ quy định. Nếu có sửa, đề nghị
nên sửa theo hướng quy định thủ tục để thực hiện các
quyền này. Một số ý kiến lại thống nhất với quy định
như trong Dự thảo.
Về Chương VIII – Chính phủ:
Về Điều 114, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định
Thủ tướng Chính phủ có quyền “… bổ nhiệm Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương trong trường hợp cần thiết quy định tại Điều
123…” vì UBND là cơ quan chấp hành của Hội đồng
nhân dân. Nếu trao quyền đó cho Thủ tướng thì phải
sửa đổi những quy định về UBND để UBND có tính
chất như Ủy ban hành chính trước đây, đồng thời
phải làm rõ “trường hợp cần thiết” là những trường
hợp nào (ví dụ trường hợp thành lập một đơn vị hành

chính mới, nâng cấp một đơn vị hành chính, khuyết
chức danh Chủ tịch: cách chức, chết…), v.v… Các ý
kiến này đều cho rằng không nên trao quyền bổ
nhiệm cho Thủ tướng mà nên quy định Thủ tướng chỉ
có quyền chỉ định Chủ tịch UBND tỉnh và thành phố
trực thuộc trung ương lâm thời.
Về Chương X – Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát
nhân dân:
Chương này, các ý kiến chỉ tập trung góp ý cho Điều
137¸, có ý kiến đồng ý với nội dung của Dự thảo,
nhưng đề nghị vẫn giữ lại chức năng kiểm sát hoạt
động ban hành văn bản quy phạm pháp luật như
trước đây để đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động
của các cơ quan Nhà nước. Lại có ý kiến đề nghị
Viện kiểm sát chỉ thực hiện chức năng công tố, đổi
tên Viện kiểm sát thành Viện công tố…
Nhìn chung, các ý kiến đóng góp diễn ra rất sôi nổi,
hào hứng. Có thể còn có những ý kiến này khác chưa
thấu đáo, nhưng điều mà phóng viên Tạp chí Khoa
học pháp lý ghi nhận được là thái độ khoa học, phát
huy trí tuệ của mỗi người. Hội nghị đóng góp ý kiến
về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến
pháp 1992 đã thể hiện một cách sinh động trách
nhiệm công dân của toàn thể cán bộ, giáo viên trường
Đại học Luật TP. HCM trước sự kiện quan trọng này
của đất nước.

×