Tai hại vì giáo dục giới tính cho con muộn
Hiện nay, kiến thức từ trường học còn chưa đáp ứng được nhu cầu về
thông tin giới tính, sức khỏe sinh sản. Vì vậy, trước khi chờ đợi sự cải
cách về giáo dục giới tính trong trường học, các bậc cha mẹ cần chủ động
trang bị cho con cái mình những kiến thức để lấp đầy những thiếu sót đó.
Và thời điểm tốt nhất là trước khi trẻ bước vào tuổi dậy thì – ông Trần
Trọng Tuân, Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình chia sẻ.
Cấm đoán, ngại chia sẻ = tai hại
Cấm đoán hoặc ngại chia sẻ những kiến thức liên quan đến giới tính, sức
khỏe sinh sản hiện vẫn là cách giáo dục tồn tại phổ biến trong phần lớn các
gia đình Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị T. lặn lội đưa con từ Quảng Ninh lên Hà Nội để phá thai vì
cái thai trong bụng con gái chị đã quá to, đã sang tháng thứ 6 trong khi con
gái chị còn quá nhỏ để làm mẹ (mới 16 tuổi). Đến giờ, chị vẫn biết được tác
giả của cái thai trong bụng con gái chị là ai. Vừa đau khổ, vừa thường con,
chị đành cắn răng, bấm bụng đưa con đi xa hàng trăm cây số để “giải quyết”
dù tốn kém, phần vì tin tưởng tay nghề bác sĩ ở thành phố, phần để “kín
tiếng” với bà con hàng xóm.
Chị T. chỉ tiếc và canh cánh một nỗi buồn xen lẫn ân hận, giá như chị quan
tâm và chịu khó chia sẻ với con hơn thì đã không đến nông nỗi này. Cách
đây hơn 4 tháng, chị đã thấy con có vẻ khang khác, nhưng vì con gái chị vốn
hơi đậm người nên chị chủ quan chỉ nghĩ là nó vẫn béo tốt và dạo này chắc
béo hơn một tí. Chỉ đến gần đây, một lần bắt gặp con trong nhà tắm chị mới
té ngửa, vội lôi con ra hỏi thì mới biết con đã có bầu. Lúc này chị vừa giận,
vừa thương con bé. Chị xót xa lo lắng “liệu không biết phá cái thai to thế nó
có mệnh hệ gì không”. Ngẫm lại chị mới giật mình ân hận mình chưa từng
một lần cởi mở nói chuyện với con gái về giới tính, về việc sinh nở của phụ
nữ.
Những hoàn cảnh tương tự như của chị T. không phải là hiếm. Vợ chồng chị
H. ở Hà Nam cũng dở khóc, dở cười vì cô con gái cưng 15 tuổi của mình.
Vốn thường con bé nhà anh chị tỏ vẻ rất ngoan ngoãn, đi học đều đặn và rất
đúng giờ. Nhưng mỗi lần con hỏi một vấn đề liên quan nào đó đến sự dậy thì
hay “chuyện kiểu người lớn” là chị lại gạt phắt đi và bảo “trẻ con, biết gì mà
hỏi, bố mẹ cấm con tò mò chuyện ấy”. Rồi cả hai vợ chồng anh chị không
ngờ khi con họ đã có thai hơn 2 tháng. Lúc này anh chị chỉ còn biết đưa con
đi giải quyết hậu quả.
Không chỉ với những bé gái, chuyện các bé trai cũng khiến bố mẹ phải vất
vả, lo lắng nhiều. Chuyện chị P. công tác ở Bộ Nội vụ là một bài học kinh
nghiệm cho các ông bố, bà mẹ có toàn con trai. Cậu con chị đẹp trai, chăm
học nhưng hiền lành, nhút nhát. Đang học lớp 12 thì có bạn gái thích. Chị thì
chỉ nghĩ chuyện trẻ con mới lớn, cộng với việc là phụ nữ chị cũng ngại tâm
sự với con về chủ đề của đàn ông. Hậu quả làm chị “choáng” là bạn gái của
con trai có bầu. Cuối cùng, vợ chồng chị đành ngậm ngùi tổ chức cưới cho
con và tiếp tục nuôi cả con trai, con dâu để chúng còn học hành tiếp sau này
mới mong mà tự kiếm sống. Đã thế lúc con dâu sinh nở, vợ chồng chị lại
phải gánh vác việc trông nuôi đứa cháu nội nữa. Tình máu mủ, thương con,
thương cháu chị đành chịu vất vả!
Cần giáo dục giới tính trước khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. (Ảnh Internet)
Cần giáo dục giới tính trước khi trẻ dậy thì
Theo ông Trần Trọng Tuân, Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình, việc cấm
đoán hoặc ngại chia sẻ giữa bố mẹ với con cái chính là một trong những lý
do khiến vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên đang ở tình trạng báo động
với những con số đáng lo ngại.
Qua các con số thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ
lệ nạo hút thai cao trên thế giới. Theo Niên giám thống kê y tế năm 2006, số
ca nạo hút thai hàng năm ở mức từ 500.000 – 600.000 ca. Còn theo Điều tra
Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam cho thấy, 7,6% số người
trong độ tuổi này có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Đó là còn chưa kể tới
rất nhiều ca nạo phá thai tại những cơ sở y tế tư nhân nhưng không thể kiểm
soát và thống kê được.
Chính vì vậy, cha mẹ không nên chờ đợi con cái của mình thắc mắc về
những thay đổi của cơ thể ở tuổi vị thành niên mà cha mẹ nên chủ động bắt
đầu cuộc trò chuyện đó và tốt nhất là trước khi trẻ bước vào tuổi dậy thì.
Đối với bé gái, cha mẹ bắt buộc phải nói chuyện với con về kinh nguyệt
trước khi trẻ xuất hiện kỳ kinh lần đầu tiên. Nếu không biết điều gì đang xảy
ra, bé có thể hoảng sợ. Hầu hết các bé gái có kinh nguyệt lần đầu tiên khi
chúng 12 – 13 tuổi, cá biệt có bé bắt đầu hành kinh lúc lên 8 tuổi hoặc mãi
đến khi 16 tuổi. Trong khi đó, các bé trai bắt đầu bước vào tuổi dậy thì trễ
hơn bé gái một thời gian.
Ngoài ra, cha mẹ cũng phải trao đổi về những sự thay đổi của bé khác giới
như thế nào trong tuổi dậy thì. Cho chúng biết được những thay đổi đó trong
tuổi dậy thì là điều bình thường.
Theo nhiều chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ là người thường xuyên gần gũi
con cái, vì vậy vai trò của cha mẹ hết sức quan trọng. Nên quan tâm trao đổi
cởi mở với con cái các vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản, bởi đó là phương
thức tốt nhất để trẻ có cuộc sống lành mạnh tự bảo vệ mình. Nhưng trước hết
cha mẹ cần tự tìm hiểu những kiến thức về sức khỏe sinh sản và sức khỏe
tình dục… Có như vậy, cha mẹ mới là chỗ dựa tin cậy cho con cái tâm sự và
chia sẻ.
Đối với những vấn đề cha mẹ cảm thấy băn khoăn chưa tìm được lời giải
thích hợp lý, tế nhị thì nên “hoãn binh” để tham khảo những lời tư vấn, câu
trả lời tốt nhất và nhất thiết phải trả lời lại cho các em biết khúc mắc đó.