Can thiệp phòng lây nhiễm HIV trong trại giam ở nước ta
Cần những giải pháp đồng bộ, thiết thực
Tại Hội nghị chuyên đề can thiệp giảm tác hại trong các cơ sở
khép kín do Dự án phòng, chống HIV/AIDS khu vực châu Á
tại Việt Nam vừa tổ chức, TS. Phan Xuân Sơn, Phó Cục trưởng
Cục Giáo dục cải tạo và Hòa nhập cộng đồng, Tổng cục VIII -
Bộ Công an cho biết, tại các trại giam, trại tạm giam (cơ sở
khép kín), số người đã sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm và
có các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV khác rất cao. Họ mang
theo nhiều bệnh truyền nhiễm như lao, viêm gan B, C và đặc
biệt là nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều lần so với
cộng đồng. Vì vậy, việc can thiệp dự phòng lây nhiễm
HIV/AIDS ở đây là hết sức cần thiết.
Chủ yếu vẫn là tuyên truyền, giáo dục
Thời gian qua, các hoạt động can thiệp trong các trại giam, tạm
giam chủ yếu là thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận
thức cho cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân trong lĩnh vực này như:
dùng loa phát thanh, truyền thông trực tiếp, thi tìm hiểu, hội diễn
văn nghệ, báo tường, cấp phát tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, tạp chí),
sử dụng tranh, áp phích Đặc biệt, những năm qua, Cục V26 nay
là Tổng cục VIII đã có kế hoạch phối hợp với Trung ương Hội liên
hiệp Thanh niên Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức
nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng, chống ma túy,
HIV/AIDS gắn với hoạt động “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” tạo
nên cuộc vận động lớn trong đoàn viên thanh niên và phạm nhân,
góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng, chống
HIV/AIDS cho cả cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân.
Việc dự phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục cũng đã được
triển khai thông qua hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn kết
hợp giám sát các quan hệ đồng tính luyến ái của phạm nhân. Các
nhà thăm gặp ở trại giam đều có “buồng hạnh phúc”. Những phạm
nhân được gặp vợ hoặc chồng tại buồng riêng ở nhà thăm gặp đều
được tư vấn và cấp bao cao su để đảm bảo sinh đẻ có kế hoạch và
phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó có
HIV/AIDS.
Ngoài ra, các can phạm, phạm nhân ốm đau được khám và điều trị
kịp thời. Đối với người nghiện ma túy khi vào được điều trị hỗ trợ
cắt cơn theo phác đồ của Bộ Y tế. TS. Phan Xuân Sơn cho biết, các
trại giam, trại tạm giam còn thường xuyên phối hợp với các cơ
quan y tế địa phương trên địa bàn (trung tâm y tế dự phòng, trung
tâm phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh viện ) trong việc triển
khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Các hoạt động truyền thông, tư vấn phòng,
chống HIV/AIDS được triển khai tại các
“buồng hạnh phúc” ở trại giam.
Thận trọng áp dụng các biện pháp can thiệp
Ở nước ta, các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây
nhiễm HIV như chương trình bơm kim tiêm; bao cao su; điều trị
thay thế bằng chất dạng thuốc phiện (methadon) đã và đang được
triển khai có hiệu quả ngoài cộng đồng. Các chương trình này cũng
đang được áp dụng trong các nhà tù trên thế giới (BS. David Jacka,
cán bộ y tế - dự phòng lây nhiễm HIV toàn diện của WHO cho
biết). Tuy nhiên, để áp dụng các biện pháp này trong các cơ sở
khép kín ở nước ta theo TS. Phan Xuân Sơn cần được nghiên cứu,
xem xét thận trọng, nhất là với chương trình bơm kim tiêm và bao
cao su. TS. Sơn chia sẻ: Nếu phát bơm kim tiêm chotừng phạm
nhân có thể góp phần phòng chống lây lan các bệnh truyền nhiễm
nhưng mặt khác sẽ tạo ra khả năng gây mất an toàn cho phạm nhân
khi có xung đột xảy ra trong buồng giam.
Với chương trình điều trị methadon, việc đưa vào các trại giam,
trại tạm giam chưa được pháp luật nước ta quy định nhưng theo TS
Sơn có thể nghiên cứu, đề xuất. Trước hết có thể làm thí điểm ở
một số trại giam, trại tạm giam - nơi địa phương đang triển khai
chương trình này để gắn trại giam với cộng đồng, đảm bảo cho
bệnh nhân AIDS được điều trị liên tục ngay cả khi bị bắt.
Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong các cơ sở
khép kín là hệ thống các biện pháp can thiệp nhằm hạn chế sự lây
truyền của người nhiễm HIV sang người khác và cộng đồng. TS.
Sơn cho biết, có rất nhiều biện pháp và giải pháp cụ thể cần áp
dụng trong môi trường sống tập thể, đông người và có nguy cơ lây
nhiễm HIV cao nhưng phải đồng bộ, thiết thực và hiệu quả trong
đó có cả vấn đề pháp lý; nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ y tế;
tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, lao động, học tập,
phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho can phạm,
phạm nhân mới có thể làm tốt công tác phòng, chống ma túy, các
bệnh truyền nhiễm nói chung và can thiệp giảm tác hại dự phòng
lây nhiễm HIV ở đây nói riêng.