1
MỞ ĐẦU (8 trang)
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Tự sự học - một khuynh hướng nghiên cứu giàu tiềm năng
- Từ khi được giới thiệu vào Việt Nam, tự sự học đã được hưởng ứng
rộng rãi của giới nghiên cứu, đặc biệt ở các trường đại học và viện nghiên
cứu. Nhờ vai trò quan trọng trong việc giải mã văn chương dưới một hệ
hình mới, tự sự học trở thành ngành nghiên cứu hứa hẹn thành tựu lớn lao
trong việc khám phá tầng sâu cấu trúc văn bản truyện kể.
- Luận án tập trung vận dụng những phương diện căn bản của nghệ
thuật tự sự như người kể chuyện, điểm nhìn, thời gian, kết cấu, diễn ngôn
và các chiến lược tự sự vào nghiên cứu, khám phá sự đổi mới tư duy,
phương thức tự sự của một trong những thể tài văn học nổi bật nhất sau
Đổi mới ở Việt Nam - tiểu thuyết lịch sử.
1.2. Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 - đổi mới và thành tựu
- Với việc tự do sáng tác, tinh thần dân chủ được khuyến khích mở
rộng, không gian giao lưu văn hóa đa chiều, đa phương, cùng nhu cầu
đổi mới tự thân của văn học, lĩnh vực đề tài lịch sử như được hồi sinh và
trở thành thể tài chủ chốt được nhiều nhà văn quan tâm.
- Cùng với thành tựu nổi bật trên nhiều phương diện được giới
nghiên cứu và độc giả ghi nhận, vẫn còn đó những tác phẩm, những vấn
đề lí luận sáng tác lôi kéo sự chú ý của dư luận với các quan điểm tranh
cãi trái chiều, luận bàn không ngớt, diễn biến phức tạp và bất ngờ của
quá trình tiếp nhận, thưởng thức
- Trong tình hình đó, việc vận dụng lí thuyết tự sự học vào nghiên
cứu tiểu thuyết lịch sử là một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn và giá trị khoa
học. Cách tiếp cận này góp phần giải mã hiện tượng văn học bằng sự
khám phá, luận giải nét độc đáo, đặc sắc trong tư duy thể loại, mô thức
tự sự lịch sử. Kết quả của đề tài như là sự tham góp trên tinh thần khoa
học, kế thừa và đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ phương
diện lí luận sáng tác, lí luận thể loại.
2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lí thuyết
Trong bức tranh đa nguyên, phức tạp của lí thuyết tự sự học, chúng tôi
lựa chọn hệ thống lí thuyết của các nhà tự sự học Pháp, Anh, Mĩ, Nga…
Sau khi phân tích các quan niệm đa dạng của các nhà tự sự học, chúng tôi
2
dựa trên những nét tương đồng cơ bản và tương đổi ổn định trong quan
niệm về các phạm trù tự sự, làm cơ sở để tiến hành phân tích, kiến giải một
số vấn đề nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của tiểu thuyết lịch sử Việt
Nam sau năm 1986.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Để đáp ứng mục tiêu, nội dung của luận án, chúng tôi sử dụng kết
hợp nhiều phương pháp và thao tác nghiên cứu sau: phương pháp tiếp
cận từ lý thuyết tự sự học, phương pháp loại hình, phương pháp cấu trúc
- hệ thống, phương pháp so sánh đồng đại và lịch đại, phương pháp
thống kê - phân loại, phương pháp liên ngành.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án khảo sát toàn diện các tiểu thuyết lịch sử xuất bản ở Việt
Nam sau năm 1986. Trong đó, vấn đề nghiên cứu của luận án là các bình
diện tự sự của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại, tức dùng lí thuyết
tự sự học để khảo sát, đánh giá những thành công và hạn chế của tiểu
thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn Đổi mới.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Khối lượng tác phẩm tiểu thuyết lịch sử ở Viêt Nam sau 1986 là
khá lớn, với hơn một trăm cuốn (xem thêm Danh mục tiểu thuyết lịch sử
sau năm 1986). Vì vậy, để thuận lợi cho việc nghiên cứu, đánh giá,
chúng tôi chỉ lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu cho mỗi khuynh hướng
sáng tác về đề tài lịch sử. Những tác phẩm này một mặt thể hiện được
diện mạo của tiểu thuyết lịch sử sau năm 1986 và mang một số đặc trưng
nổi bật cho từng khuynh hướng, mặt khác là những tác phẩm tiêu biểu
cho hiệu quả tự sự của văn học đương đại ở Việt Nam.
Lý thuyết tự sự hiện đại quan tâm nhiều bình diện. Trong luận án,
chúng tôi tập trung khảo sát, phân tích một số bình diện chính: người kể
chuyện, điểm nhìn tự sự, thời gian tự sự, kết cấu tự sự, diễn ngôn tự sự
và các chiến lược tự sự nổi bật, độc đáo.
4. Đóng góp của luận án
Thứ nhất, chúng tôi giới thuyết tương đối ngắn gọn, hệ thống về các
bình diện lí thuyết tiêu biểu cũng như quan điểm của một số đại biểu
quan trọng cho các khuynh hướng nghiên cứu tự sự trên thế giới.
Thứ hai, phác họa tiến trình vận động, diện mạo, sự đổi mới tư duy,
cảm thức của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986.
3
Thứ ba, vận dụng lí thuyết tự sự học ở các phạm trù cơ bản để làm
rõ những cách tân, đổi mới về nghệ thuật tự sự của mỗi nhà văn.
Thứ tư, từ những kết quả đã đạt được, chúng tôi bước đầu nhận
diện, đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế của tiểu thuyết lịch sử
Việt Nam sau năm 1986.
5. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phần Nội dung
của luận án được triển khai thành 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2. Người kể chuyện và điểm nhìn tự sự trong tiểu thuyết
lịch sử Việt Nam sau năm 1986
Chương 3. Nghệ thuật tổ chức thời gian và kết cấu tự sự trong tiểu
thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986
Chương 4. Diễn ngôn tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau
năm 1986
NỘI DUNG
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU (14 trang)
1.1. Tình hình nghiên cứu và vận dụng lí thuyết tự sự học
1.1.1. Khái lược diễn trình và thành tựu nghiên cứu tự sự học trên thế giới
- Từ khi xuất hiện đến nay, lí thuyết tự sự học không ngừng được
các nhà nghiên cứu quan tâm. Những thay đổi về phương pháp, đối
tượng nghiên cứu và sự ra đời của các hệ hình lí thuyết đã cho thấy quá
trình vận động cũng như sự triển nở mạnh mẽ của ngành học (tự sự học
kinh điển, tự sự học hậu kinh điển, tự sự học đương đại).
- Tự sự học là một khuynh hướng nghiên cứu “mở”, giàu tiềm năng.
Mặc dù còn tồn tại một số bất đồng (và bất cập) ở các thế hệ nghiên cứu
F2, F3, F4…, song cùng với các hệ hình lí thuyết khác, tự sự học đã,
đang và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng làm phong phú diện mạo nghiên
cứu văn chương nói riêng và các ngành khoa học xã hội nói chung.
1.1.2. Quá trình vận dụng lí thuyết tự sự học vào nghiên cứu văn học
Việt Nam
4
- Hệ thống lí luận về tự sự học xuất hiện trên thế giới vào khoảng những
năm 60 của thế kỷ XX nhưng ở Việt Nam mãi đến những năm cuối thế kỉ
XX, đầu thế kỷ XXI mới được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức.
- Bên cạnh những công trình dịch thuật và nghiên cứu lí thuyết, việc
vận dụng tự sự học vào nghiên cứu các hiện tượng văn học ngày càng
nhiều, trong đó có không ít tìm tòi, khám phá đáng chú ý. Tuy nhiên,
những công trình khoa học dày dặn, hệ thống vẫn còn hiếm hoi, mức độ
minh họa, giản lược khá nhiều.
2.2. Những công trình nghiên cứu về thể tài tiểu thuyết lịch sử và
tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986
2.2.1. Những công trình nghiên cứu về đặc trưng thể tài tiểu thuyết
lịch sử
- Các công trình chuyên khảo mang tính lí luận về tiểu thuyết nói
chung và thể tài tiểu thuyết lịch sử nói riêng còn khá thưa thớt. Trong
bối cảnh của đời sống văn học đương đại, khi mà tiểu thuyết lịch sử
đang được dư luận đặc biệt dõi theo và giới sáng tác nhiệt tình hưởng
ứng thì giới lí luận, nghiên cứu gần như chưa bắt kịp với sự hồi sinh
mạnh mẽ này.
- Bên cạnh những công trình dịch thuật, một số nhà nghiên cứu, nhà
văn cũng dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tìm hiểu về đặc trưng thể tài
tiểu thuyết lịch sử (Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Trương Đăng Dung,
Nguyễn Huy Thiệp, Nam Dao, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân
Khánh…). Các vấn đề lí luận mà họ quan tâm đều xoay quanh bàn thảo, lí
giải nhiều đặc trưng cơ bản, nổi bật của thể tài tiểu thuyết lịch sử.
2.2.2. Những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau
năm 1986
- Sau “hiện tượng” Nguyễn Huy Thiệp “đại náo làng văn” với chùm
truyện ngắn về đề tài lịch sử, văn đàn tiếp tục được khuấy động với
những hiện tượng thú vị. Cùng với đó, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo
được tổ chức quy mô, thu hút sự bàn luận của dư luận độc giả.
- Bên cạnh đó, bức tranh nghiên cứu đa chiều về thể loại văn học
lịch sử còn được tô điểm bằng nhiều bài nghiên cứu, luận văn, luận án
có chất lượng về các hiện tượng tiêu biểu, độc đáo, “có vấn đề”.
- Những công trình thường xoay quanh các vấn đề cơ bản: mức độ
khách quan, chân thực trong tác phẩm hư cấu về lịch sử so với sự thật lịch sử
được ghi trong chính sử; vai trò sáng tạo cá nhân - trung tâm tự sự so với hiểu
biết, quan điểm chung của cộng đồng; nghệ thuật xây dựng nhân vật lịch sử;
5
lằn ranh giữa hư cấu, tưởng tượng và “bịa đặt”, làm “méo mó” sự kiện lịch
sử, giữa “giải thiêng” và “bôi nhọ” thần tượng dân tộc…
2.2.3. Những công trình vận dụng lí thuyết tự sự học nghiên cứu tiểu
thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986
- Qua khảo sát, tìm hiểu chúng tôi nhận thấy mặc dù không tập
trung nghiên cứu trong một công trình cụ thể, nhưng một số bình diện
của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết lịch sử đã được quan tâm khai thác
như diễn ngôn lịch sử và tư duy nghệ thuật, thủ pháp tự sự, kết cấu tự sự,
người kể chuyện và điểm nhìn tự sự…
- Tuy nhiên, phần lớn các bài viết dừng lại phân tích đặc trưng ở
phương diện thể loại chứ chưa tập trung nghiên cứu kĩ lưỡng và hệ
thống về nghệ thuật tự sự với các phạm trù quan trọng cùng những chiến
lược, thủ pháp tiêu biểu. Một số công trình mới chỉ khảo sát ở từng tác
phẩm hoặc nhóm tác phẩm cụ thể, hoặc chọn một bình diện của nghệ
thuật tự sự soi chiếu vào tác phẩm, chứ chưa có cái nhìn toàn diện về
bức tranh tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986.
* Từ đó, chúng tôi xác định được khoảng trống để triển khai đề tài của
mình. Thông qua đề tài này, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần mang đến cái
nhìn/cách nhìn mới, bổ sung cho những thành tựu nghiên cứu của người đi
trước về tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam.
Chương 2
NGƯỜI KỂ CHUYỆN VÀ ĐIỂM NHÌN TỰ SỰ TRONG
TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM SAU NĂM 1986
(41 trang)
2.1. Sự độc đáo của người kể chuyện trong tiểu thuyết lịch sử Việt
Nam sau năm 1986
2.1.1. Một vài giới thuyết về người kể chuyện và các loại hình người
kể chuyện trong văn xuôi tự sự
- Nhìn lại quá trình hình thành tự sự học đến nay, mặc dù có những thay
đổi về hệ hình lí thuyết, phương pháp tiếp cận song các nhà nghiên cứu ở mỗi
khuynh hướng vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt để diễn giải về nhân tố
trung tâm nhất của tự sự học - người kể chuyện.
- Có rất nhiều tiêu chí được các nhà nghiên cứu dựa vào để phân
loại người kể chuyện: uy quyền và sự chi phối của người kể chuyện
trong truyện kể (R.Scholes và R.Kellogg), mối quan hệ giữa người kể
chuyện với điểm nhìn (M.H.Abrams, K.Wales), khoảng cách giữa
6
người kể chuyện và tác giả hàm ẩn - “cái tôi thứ hai” của nhà văn
(W.Booth), mối quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện mà anh ta
kể lại (G.Genette)…
2.1.2. Đổi mới hình thức kể chuyện từ ngôi thứ ba
2.1.2.1. Hình thức kể chuyện từ ngôi thứ ba toàn tri
- Tiểu thuyết lịch sử trước năm 1986 đa phần sử dụng người kể
chuyện ngôi thứ ba toàn tri. Lối kể này đã định hướng việc cảm thụ tác
phẩm cho độc giả, khiến độc giả bị áp đặt sự yêu ghét, buồn vui theo cảm
xúc của người kể. Tính đối thoại giữa độc giả và tác phẩm, giữa người kể
chuyện và câu chuyện dường như bị giảm thiểu.
- Với ưu thế vượt trội về khả năng bao quát, chiếm lĩnh cuộc sống,
hình thức kể chuyện toàn tri vẫn là sự lựa chọn của một số nhà văn sau
năm 1986 trong những câu chuyện dài hơi, có bối cảnh rộng lớn, kết cấu
phức tạp, nhiều tuyến nhân vật đan xen: Ngô Văn Phú, Cư sĩ Yên Tử
Trần Đại Sỹ, Vũ Ngọc Đĩnh, Lê Đình Danh, Hàn Thế Dũng, Nguyễn
Khắc Phục
- Không gian lịch sử, bối cảnh văn hóa của nhiều thời kì lịch sử, triều đại
phong kiến được tái hiện chân thực, sắc nét nhờ cái nhìn toàn tri của người kể
chuyện. Với chức năng chủ yếu là giới thiệu, dẫn dắt câu chuyện, người kể
chuyện đã chọn cho mình vị trí đứng tối ưu có thể bao quát toàn bộ diễn biến
của các sự kiện cũng như chân dung nhân vật lịch sử.
- Nhìn chung, những tác giả theo xu hướng này đã cố gắng thực
hiện nhiệm vụ tái hiện các sự kiện lịch sử theo tinh thần khách quan,
cảm thức ngưỡng vọng, ít có sự can thiệp trực tiếp từ người viết. Sức
hấp dẫn nằm ở các sự kiện, tình tiết và hành động chứ không phải ở yếu
tố bình luận của tác giả hay chiều sâu thế giới nội tâm nhân vật.
2.1.2.2. Hình thức kể chuyện từ ngôi thứ ba hạn định
- Hình thức kể chuyện ngôi thứ ba - không toàn năng (hạn định) vẫn
sử dụng người kể chuyện ở ngôi ba, nhưng bị hạn chế tầm nhìn bởi nhân
vật. Câu chuyện được kể chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật. Sự gia tăng,
gấp bội điểm nhìn và rất khó xác định rõ ràng giọng điệu người kể
chuyện là những đặc tính nổi trội của hình thức này. Đây là sự chuyển
biến, đột phá trong tư duy, phương thức tự sự của thể loại văn học về đề
tài lịch sử.
7
- Khác với cách kể chuyện truyền thống, vai trò của người kể chuyện
trở nên năng động, khiến khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, người kể
chuyện và nhân vật, câu chuyện và độc giả được rút ngắn đáng kể. Người
kể chuyện không kể theo lối thông sử biên niên của các triều đại mà lựa
chọn những “lát cắt ngang” gay cấn làm nền cho việc triển khai cốt truyện.
- Không chỉ tái hiện lịch sử trên “bề mặt” của các sự kiện, biến cố,
người kể chuyện còn đi sâu khám phá những khuất lấp của lịch sử, góc
tối trong đời sống nội tâm nhân vật. Hơn nữa, thông qua người kể
chuyện, tác giả luận giải, đối thoại những vấn đề từ quá khứ, nối kết với
thực tại hôm nay; kiếm tìm những giá trị nền tảng đảm bảo cho sự trường
tồn của văn hóa dân tộc trong mối xung đột với văn hóa ngoại lai; khám
phá số phận con người trong dòng chảy lịch sử…
- Bằng cách đan cài, tạo dựng nhiều chủ đề như tình yêu và ước mơ
hạnh phúc, khát vọng tự do, giải phóng bản năng, ý chí quyền lực, các
nhà văn đã thể hiện cảm quan về cuộc sống đa chiều, ngổn ngang cùng
quan niệm về con người đa diện, phức tạp. Lịch sử được “đời thường
hóa” từ giác độ nhân bản và được nhìn ngắm dưới tọa độ đời tư - thế sự.
2.1.3. Thể nghiệm hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất
2.1.3.1. Hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất đan xen với ngôi thứ ba
- Sau năm 1986, trong nỗ lực làm mới thể loại, các tác giả đã bắt đầu tìm
tòi, sáng tạo hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất. Chiến lược đan cài hình
thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất với hình thức kể chuyện từ ngôi thứ ba
của Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Bùi Anh Tấn đã mang
lại hiệu quả tự sự độc đáo cho tác phẩm. Tham dự trực tiếp vào câu chuyện
với tư cách là một nhân vật hành động là đặc điểm chung của người kể
chuyện trong các tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Thế kỉ bị mất,
Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng.
- Với cái “tôi” tự thuật ấy, giờ đây câu chuyện lịch sử được đặt cùng
thời với người kể. Khi cái “tôi” kí ức, cái “tôi” nếm trải, chiêm nghiệm tự
cất lên tiếng nói thầm kín bên trong, chúng ta mới cảm thấy hết các sâu xa,
thăm thẳm trong tâm hồn, tính cách, số phận con người. Lịch sử được soi
rọi và luận giải từ chính cái “tôi” cá nhân, chủ quan của người kể chuyện.
- Bên cạnh người kể chuyện xưng “tôi” là một nhân vật lịch sử có
thật (Hồ Nguyên Trừng - Hồ Quý Ly), trong một số tiểu thuyết, các nhà
văn sáng tạo cái “tôi” tự thuật là nhân vật hư cấu hoàn toàn (bà ba Váy
8
- Mẫu Thượng Ngàn, Cả Hinh - Thế kỉ bị mất). “Tôi” không ngừng ẩn
hiện giữa lịch sử và hư ảo, giữa biến cố dân tộc lớn lao và cuộc sống
riêng tư thầm kín, tạo nên trường đối thoại giữa lịch sử và hiện tại,
chuyển tải thể nghiệm của cá nhân người nghệ sĩ đối với quá khứ.
2.1.3.2. Hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất xuyên suốt và tự sự nhiều
người kể
- Nếu như ở các tác phẩm trên, bên cạnh sử dụng người kể chuyện
ngôi thứ nhất, tác giả còn đan xen ngôi kể thứ ba, thì trong sáng tác của
Bùi Anh Tấn, nhà văn đã thể nghiệm hai hình thức kể chuyện khá hiện
đại: (1) lối kể chuyện từ ngôi thứ nhất xuyên suốt (Oan khuất), (2) kiểu
kể chuyện tiếp sức, luân phiên (Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng).
- Trong Oan khuất, Bùi Anh Tấn sáng tạo Nguyễn Trãi xưng “ta”
kể chuyện duy nhất, xuyên suốt câu chuyện. Với giọng điệu nếm trải,
chiêm nghiệm, tự vấn, pha lẫn xót thương, nhiều sự kiện trọng đại của
dân tộc cùng các biến cố trong cuộc đời nhân vật đều được kể bởi cái
“tôi” kí ức, cái “tôi” nội cảm của nhân vật.
- Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng có năm người kể chuyện xưng
“tôi” (“ta”, “thần”…). Vai kể chia cho nhiều nhân vật tạo nên tính chất đa
tầng bậc độc đáo. Năm người kể chuyện với điểm nhìn, mức độ chiếm lĩnh
hiện thực và giọng điệu khác biệt không chỉ kiến tạo những gam màu đa
chiều cho bức tranh lịch sử dưới triều đại Lí, Trần mà còn luận giải, đối
thoại về các sự kiện, nhân vật, về bản sắc văn hóa, dân tộc, tôn giáo.
2.2. Sự đa dạng hóa điểm nhìn tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt
Nam sau năm 1986
2.2.1. Một số vấn đề về điểm nhìn và các loại hình điểm nhìn trong văn
xuôi tự sự
- Là một thuật ngữ của nghệ thuật hội họa, về sau điểm nhìn đã trở
thành một trong những phạm trù quan trọng của ngành tự sự học, đặc
biệt trong việc khám phá nghệ thuật tự sự của truyện kể. Nó mang ý
nghĩa đặc biệt trong việc tổ chức mô thức tự sự.
- Từ khi ra đời cho đến nay, trong nghiên cứu văn học và thi pháp
học, điểm nhìn luôn là khái niệm gây ra nhiều tranh luận nhất trong thế kỉ
XX với tên gọi, nội hàm, cách sử dụng khác nhau. Đồng thời cũng đã xuất
hiện các tiêu chí phân loại và các loại hình điểm nhìn khác nhau.
2.2.2. Điểm nhìn phức hợp của hình thức tự sự từ ngôi thứ ba
9
2.2.2.1. Điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện ngôi thứ ba
- Điểm nhìn bên ngoài (điểm nhìn khách quan) của người kể chuyện
ngôi thứ ba được phần lớn tiểu thuyết lịch sử trước năm 1986 sử dụng. Tiểu
thuyết giai đoạn này chủ yếu chỉ sử dụng một điểm nhìn đơn nhất của người
kể chuyện. Cho nên tính đối thoại, luận giải từ/của điểm nhìn rất hạn chế.
- Sau năm 1986, dạng thức này vẫn còn tiếp tục trong các tác phẩm
theo khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử chương hồi khách quan (Yên Tử cư
sĩ Trần Đại Sỹ, Lê Đình Danh, Vũ Ngọc Đĩnh, Ngô Văn Phú, Hoàng Công
Khanh, Hàn Thế Dũng, Nguyễn Khắc Phục) Với điểm nhìn này, người kể
chuyện đã thể hiện cái nhìn bao quát về các thời kì lịch sử, không gian văn
hóa, tinh thần thời đại của nhiều giai đoạn trong quá khứ.
- Tuy vậy, điểm nhìn này ít khi tập trung miêu tả đời sống nội tâm,
chuyển biến trong tâm trạng nhân vật. Tính đối thoại và luận giải bị
giảm thiểu, lời đối thoại của nhân vật bị áp chế bởi cái nhìn toàn tri của
người kể chuyện ngôi thứ ba thông suốt, tiểu thuyết thiên về mô tả, minh
họa hơn là phân tích, lí giải.
2.2.2.2. Sự dịch chuyển điểm nhìn vào bên trong nhân vật
- Dịch chuyển, gấp bội điểm nhìn là biểu hiện độc đáo trong nỗ lực đa
dạng hóa điểm nhìn, gia tăng hiệu quả tự sự của các tiểu thuyết gia viết về đề
tài lịch sử sau năm 1986. Nó đã giúp tiểu thuyết vượt thoát tính đơn thanh,
độc thoại một chiều của mô hình tự sự truyền thống.
- Với sự gia tăng điểm nhìn trên nguyên tắc đối thoại, nhiều tác phẩm có
khả năng luận giải cao, đem lại những khám phá thú vị qua cái nhìn/cách nhìn
mới/khác về các sự kiện, nhân vật quen thuộc trong kinh nghiệm, hiểu
biết cộng đồng. Thế giới nội tâm phức tạp và tấn bi kịch tâm hồn, đời thường
của vĩ nhân được trình hiện bởi chính điểm nhìn nội cảm của nhân vật.
- Chính nhờ đổi mới trong cách thức tổ chức điểm nhìn trần thuật, các
vấn đề của lịch sử, văn hóa được soi rọi, đối thoại từ nhiều giác độ: dân tộc -
cá nhân, khách quan - chủ quan, đời tư - thế sự - nhân văn…
- Tinh thần dân chủ hóa xã hội, khai phóng ý tưởng cá nhân,
khuyến khích đối thoại, chống độc quyền chân lí cùng với đó là ý thức
hoài nghi mang cảm quan hiện đại/hậu hiện đại đã tạo cơ sở quan trọng
cho cái nhìn bình đẳng trong nghệ thuật, kể cả những tín điều, chân lí
lịch sử. Đó chính là một trong những biểu hiện sâu sắc về sự thức tỉnh của
10
cái tôi và chủ thể sáng tạo làm nên dấu ấn đặc biệt của tiểu thuyết lịch sử
Việt Nam sau năm 1986.
2.2.3. Điểm nhìn đơn tuyến và đa tuyến của hình thức tự sự từ ngôi
thứ nhất
2.2.3.1. Điểm nhìn đơn tuyến
- Tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến là hình thức tự sự
mà ở đó tác giả chọn một nhân vật xưng “tôi” để kể chuyện. Dạng thức
này xuất hiện trong tiểu thuyết sử dụng một người kể chuyện ngôi thứ
nhất duy nhất (Oan khuất) hay những tác phẩm có xuất hiện người kể
chuyện ngôi thứ nhất đan xen ngôi thứ ba (Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng
Ngàn, Thế kỉ bị mất). Điểm nhìn của nhân vật vừa có khả năng quan sát
và kể chuyện trong tư thế người kể chuyện, vừa có thể bộc lộ cảm xúc,
quan điểm ở vị trí nhân vật trung tâm của câu chuyện.
- Với điểm nhìn này, sự kiện lịch sử được cá thể hóa vào đời sống
cá nhân, được khúc xạ qua cuộc đời, số phận mỗi người. Lịch sử không
chỉ được khám phá qua hàng loạt chuỗi sự kiện tâm lí, biến cố cuộc đời
riêng của những con người đã chứng kiến, dự phần vào thời kì ấy mà
còn được luận giải, đối thoại bằng cái cái “tôi” nếm trải, nghiệm suy.
- Điểm nhìn đơn tuyến gắn với nguyên tắc đối thoại, luận giải lịch
sử là một trong những phương thức giúp nhà văn khám phá, thể hiện
chiều sâu thế giới nội tâm nhân vật. Các vấn đề lịch sử và số phận cá
nhân được soi chiếu, luận giải qua “bộ lọc” tâm hồn khiến lịch sử mang
“gương mặt người” chân thực và nhân bản.
2.2.3.2. Điểm nhìn đa tuyến
- Tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến là hình thức tự sự mà
ở đó điểm nhìn không bị hạn chế trong giới hạn phạm vi ý thức của một
người kể chuyện xưng “tôi”, mà có sự dịch chuyển trên hai hay nhiều
người kể chuyện. Có thể gọi đây là lối tự sự nhiều người kể, gắn với đa
điểm nhìn.
- Theo ghi nhận của chúng tôi chỉ duy nhất tiểu thuyết Đàm đạo về
Điều Ngự Giác Hoàng của Bùi Anh Tấn mang hình thức tự sự đa chủ
thể, với năm người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Số người kể chuyện trong
tác phẩm tăng dần theo diễn tiến của truyện. Đồng thời với sự tăng thêm của
người kể chuyện là sự di động điểm nhìn tự sự, làm tăng thêm bề rộng và
chiều sâu cho bức tranh hiện thực của tác phẩm. Và quan trọng hơn nữa là ở
11
đó diễn ra đối thoại, tranh biện của các diễn ngôn (cá nhân/cộng đồng, tiền
bối/hậu thế) về nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa.
* Người kể chuyện và điểm nhìn tự sự là những phương thức quan
trọng trong chiến lược tổ chức tự sự của nhà văn. Với những đặc trưng
riêng của thể loại, tiểu thuyết lịch sử đã có những thể nghiệm, đột phá mới
mẻ nhằm làm mới thể loại. Tiểu thuyết giai đoạn này đã vượt qua tâm lí,
kinh nghiệm cộng đồng, để đối thoại, thức nhận lại lịch sử; nối kết với
thực tại và thụ hưởng lịch sử trên tâm thế cá nhân và điểm tựa nhân bản.
Chương 3
NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC THỜI GIAN VÀ KẾT CẤU TỰ SỰ
TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM SAU NĂM 1986
(40 trang)
3.1. Nghệ thuật tổ chức thời gian trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau
năm 1986
3.1.1. Vấn đề thời gian nhìn từ lí thuyết tự sự học và trong thể tài
tiểu thuyết lịch sử
3.1.1.1. Vấn đề thời gian nhìn từ lí thuyết tự sự học
- Thời gian là một trong những phạm trù mĩ học của văn học, là
nhân tố cấu trúc của truyện kể được các nhà lí luận quan tâm đặc biệt
trong quá trình xây dựng hệ thống lí thuyết về thể loại tiểu thuyết.
- Các nhà tự sự học luôn chú ý đến vấn đề thời gian trần thuật trong
truyện kể (R.Barthes, Tz.Todorov, P.Ricoeur, K.Hamburger, G.Genette,
M.Bal…). Trong số đó, G.Genette là một trong những nhà nghiên cứu đi đầu
và đạt được nhiều thành tựu nhất trong việc khám phá vấn đề thời gian trần
thuật của truyện kể. Hệ thống lí thuyết về thời gian của G.Genette là công cụ
hữu ích giúp người nghiên cứu khám phá sách lược tổ chức thời gian tự sự
của nhà văn.
3.1.1.2. Vấn đề thời gian trong thể tài tiểu thuyết lịch sử
- Thời gian trong tiểu thuyết lịch sử chính là “vật liệu” được nhà văn
sử dụng để sáng tạo, do đó trong tác phẩm, nó cũng là một nhân tố hoàn
toàn hư cấu theo ý đồ của tác giả.
- Với đặc trưng của thể loại, câu chuyện phải được kể ở một thời
điểm nhất định trong lịch sử, có thể những sự kiện hoặc nhân vật lịch sử
12
là hư cấu nhưng nguyên tắc của nhà văn là phải khiến cho người đọc tin
được rằng thời kì đó đã từng xảy ra trong lịch sử.
- Đặt lại vấn đề thời gian cũng đồng nghĩa với việc tư duy lại bản
chất của thể loại tiểu thuyết. Trong nỗ lực tiếp cận, giải mã hiện thực
lịch sử và con người, các tiểu thuyết gia sau năm 1986 đã sáng tạo ra
nhiều phương thức tổ chức thời gian độc đáo.
3.1.2. Phá vỡ trật tự thời gian tuyến tính bằng hình thức đảo thuật
và dự thuật
3.1.2.1. Đảo thuật - thời gian của kí ức
- Hình thức đảo thuật được các nhà văn viết về đề tài lịch sử sau
năm 1986 ưu tiên sử dụng nhằm phá vỡ trục thời gian tuyến tính, tạo tiền
đề cho những khám phá đa chiều, đa diện hiện thực cuộc sống và bản
chất con người. Nếu lối tổ chức thời gian này xuất hiện ít ỏi trong tiểu
thuyết lịch sử giai đoạn trước, thì đến nay tần số xuất hiện của nó lại khá
dày đặc với nhiều biến thể đa dạng.
a. Đảo thuật xác định là hình thức hồi cố về lai lịch nhân vật, về các
sự kiện, biến cố trong tác phẩm. Sau năm 1986, nhiều tác phẩm sử dụng
hình thức đảo thuật thời gian sinh mệnh như một cách trình hiện lai lịch
nhân vật theo dòng hồi cố (Vằng vặc sao Khuê, Tám triều vua Lý, Hội
thề…). Tuy nhiên cách thức xử lí của các nhà văn vừa có chỗ giống vừa
có chỗ khác so với mô hình tự sự truyền thống.
- Những tiết đoạn đảo thuật xác định không chỉ tái hiện nhiều sự
kiện lịch sử quan trọng mà còn dẫn dụ người đọc khám phá, lí giải tính
cách đa diện của nhân vật (Hồ Quý Ly, Sông Côn mùa lũ, Thế kỉ bị mất,
Minh sư ).
b. Đảo thuật không xác định là hình thức hồi cố nhằm khắc họa tâm
lí, nội tâm cùng những chuyển biến tế vi trong tâm trạng của nhân vật.
Lúc này thời gian bị xáo trộn, ngắt quãng, câu chuyện không diễn ra
theo mạch tuyến tính của thời gian tự nhiên mà luôn có sự đan xen giữa
quá khứ và hiện tại, sự kiện trước và sự kiện sau.
- Đảo thuật thời gian lịch sử gắn liền với sinh mệnh con người cho
thấy nỗ lực, ý hướng văn chương của tác giả nhằm khám phá, lí giải tấn
bi kịch nhân sinh của con người (Hội thề, Đất trời, Hồ Quý Ly, Mẫu
Thượng Ngàn, Sông Côn mùa lũ, Giàn thiêu…).
13
- Ngoài ra, hình thức này còn được biểu hiện khá độc đáo trong các tiểu
thuyết có xuất hiện người kể chuyện ngôi thứ nhất. Mốc thời gian được lựa
chọn để bắt đầu hình thức đảo thuật đều gắn với những biến cố mang tính
chất bước ngoặt đối với con người và lịch sử. Nó có một khả năng rất lớn
trong việc kích thích đối thoại (Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng), gây sự
tò mò, hứng thú khám phá (Oan khuất), nối kết lịch sử với hiện tại, thụ hưởng
lịch sử (Thế kỉ bị mất).
3.1.2.2. Dự thuật - thời gian mang sự kiện tiên báo
- Nếu đảo thuật với đặc trưng thời gian trong quá khứ được hồi
tưởng và kể lại thì ngược lại, dự thuật sẽ hướng tới thời gian của tương
lai, thời gian mang sự kiện dự báo, tiên cảm. Điều này sẽ tạo nên “tính
mở” cho trí tưởng tượng và khả năng “đồng sáng tạo” của người đọc chứ
không mang tính “khép kín”, hoàn tất.
- Vừa kế thừa truyền thống vừa cách tân theo hướng hiện đại, trong
nỗ lực tiếp cận, luận giải hiện thực lịch sử, bản chất con người, các nhà văn
viết về đề tài lịch sử sau năm 1986 đã sáng tạo nhiều hình thức thời gian dự
thuật độc đáo: hình thức dự thuật được khoác dưới dạng lời tiên đoán thông
qua sự ra đời kì lạ của nhân vật (Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật,
Thăng Long nổi giận, Oan khuất, Hội thề, Vạn Xuân), dạng điềm báo từ
những giấc mơ, cơn mộng mị (Huyền Trân công chúa, Đất trời, Vạn Xuân,
Giàn thiêu ).
- Thời gian đảo thuật không chỉ dự báo về các sự kiện lịch sử mà
còn là nỗi ám ảnh, dự cảm về các biến cố nghiệt ngã, tấn bi kịch đời tư
trong cuộc đời mỗi con người.
3.1.3. Tạo dựng nhịp độ thời gian bằng hình thức đoạn ngưng
3.1.3.1. Miêu tả thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, văn hóa
- Trong sáng tác của Thái Bá Lợi, Nguyễn Thế Quang, Nguyễn
Quang Thân, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện nhiều
trang miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín
ngưỡng sinh động, chân thực.
- Nó không đơn thuần khiến mạch truyện bị ngưng trệ, mà đó vừa là
phương thức nhằm tạo không gian sống, bối cảnh thời đại, không khí
lịch sử, vừa là nơi nhà văn luận giải, đối thoại về các vấn đề lịch sử, văn
hóa, con người.
14
3.1.3.2. Tập trung khắc họa thế giới nội tâm nhân vật
- Đoạn ngưng còn xuất hiện khi nhân vật bộc lộ tiếng nói bên trong,
những ý nghĩ thầm kín, nó giúp tác giả lí giải nguyên nhân sâu xa từ bên
trong hành động cũng như tính cách đa diện của nhân vật (Hồ Quý Ly,
Giàn thiêu), xoáy sâu vào bi kịch nội tâm của con người (Hội thề, Sông
Côn mùa lũ, Oan khuất) Đó là cách thức đổi mới nguyên tắc cảm
nhận, quan niệm về con người của các nhà văn.
- Những giấc mơ mộng mị, ám ảnh vô thức, lồng ghép cùng độc
thoại nội tâm cũng khiến cốt truyện không phát triển, tạo điều kiện để
người đọc khám phá góc khuất thẳm sâu bị lịch sử quên lãng trong tính
cách nhân vật (Thế kỉ bị mất, Hội thề, Giàn thiêu, Nguyễn Du…).
3.1.3.3. Tăng cường miêu tả chân dung ngoại hình, giới thiệu lai lịch
nhân vật
- Sau năm 1986, việc miêu tả ngoại hình nhân vật được một số nhà
văn chú trọng như là nguyên tắc xây dựng nhân vật và thể hiện quan
niệm mới về con người. Thông qua nhân/chân tướng, các tiểu thuyết gia
không chỉ khám phá tính cách, lí giải số phận, khắc họa chân dung thời
đại mà còn là phương thức đối thoại, tranh biện với cái nhìn/cách nhìn
truyền thống về con người.
- Các nhà văn đã đa dạng hóa việc miêu tả chân dung nhân vật bằng
nhiều bút pháp hiện đại: hiện thực, ước lệ tượng trưng, huyền ảo, châm
biếm, giễu nhại.
- Khiến nhịp vận động chậm lại hoặc không vận động là cách thức
để mỗi nhà văn chiêm nghiệm, thụ hưởng lịch sử trên tinh thần nhân
văn, tâm thế đối thoại.
3.2. Nghệ thuật tổ chức kết cấu trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau
năm 1986
3.2.1. Kết cấu “khung”
- Nhiều tác giả viết về đề tài lịch sử sau năm 1986 đang có xu hướng
quay trở lại với cách dựng “khung” của mô hình tiểu thuyết truyền thống.
Tuy nhiên so với mô hình truyền thống, các nhà văn đã có sự tìm tòi, đổi
mới nhằm tạo nên tính đa dạng và khác biệt. Sự khác biệt này gắn liền với
cách thức sử dụng chất liệu ngôn từ. Mặt khác, nguyên tắc dựng khung
của truyện kể hiện đại cũng rất khác với truyện kể trung đại.
15
- Tiểu thuyết sau năm 1986 phá bỏ nguyên tắc thống nhất hành động
của khung truyện kể trung đại trên nguyên tắc luận giải, đối thoại. Nhìn vào
hệ thống tiêu đề các phần, chương của một số tác phẩm, chúng ta thấy ngay
sự thiếu vắng của một hành động truyện kể trung tâm, xuyên suốt (Hồ Quý
Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Giàn thiêu, Đất trời, Nguyễn Du, Hội thề ).
- Sự phá vỡ nguyên tắc thống nhất, xuyên suốt của hành động trung
tâm không những đã giúp những thiên tiểu thuyết của các nhà văn mở rộng
khung, kiến tạo không gian truyện kể đa tầng, nhiều cấp độ, mà còn là cách
để nhà văn thể hiện được quan niệm của mình về lịch sử, một lịch sử không
khép kín, không bất biến mà luôn vận động, tiếp diễn.
3.2.2. Kết cấu lắp ghép, đồng hiện, đa tầng bậc
- Với xu hướng tiếp cận tính phức tạp của cuộc sống trong thế giới
hiện đại, tiểu thuyết đương đại nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng
đã tìm tòi hình thức tổ chức kết cấu phân mảnh, đồng hiện, đa tầng bậc.
- Những tác phẩm tiêu biểu cho lối kết cấu này: Giàn thiêu, Người đi
vắng, Mẫu Thượng Ngàn, Minh sư, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng.
Giàn thiêu được kết cấu theo phương thức phi tuyến tính, khiến cho các lớp
thời gian bị xáo trộn, đan bện hiện tại - quá khứ, xuyên từ kiếp trước đến kiếp
sau, cốt truyện có vẻ khó nắm bắt, khó kể lại. Mẫu Thượng Ngàn là sự tạo
tác, đồng hiện của nhiều lớp không gian, thời gian khác nhau. Người đi vắng,
Minh sư và Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng là sự lồng ghép nhiều câu
chuyện (kết cấu truyện lồng truyện), đan xen đồng thời nhiều mảng không
gian và thời gian.
- Kiểu kết cấu lắp ghép, đồng hiện, đa tầng bậc gắn với thủ pháp độc
thoại nội tâm, gấp bội điểm nhìn thể hiện rõ nét những thử nghiệm, sáng tạo
của các tiểu thuyết gia trong hành trình kiếm tìm hình thức mới cho tiểu
thuyết. Nó góp phần mở rộng đường biên thể loại, giúp nhà văn có điều
kiện khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau, gia tăng tính chất đối
thoại, luận giải của tiểu thuyết.
3.2.3. Sự dung hợp thể loại và loại hình nghệ thuật
- Từ đặc trưng thể loại cùng thực tiễn sáng tác của tiểu thuyết lịch
sử Việt Nam sau 1986, chúng tôi nhận ra rằng, mỗi sáng tạo về đề tài
lịch sử luôn chứa đựng trong nó những mã lịch sử, mã văn hóa, mã diễn
ngôn gắn với tinh thần, khung tri thức thời đại, thị hiếu thẩm mĩ Độc
giả dễ dàng nhận ra sự tương tác, xếp chồng trong một văn bản nhiều
16
văn bản thể loại, loại hình nghệ thuật và phi nghệ thuật (thơ, kinh điển
tôn giáo, điển cố, điển tích, các văn bản chính luận: hịch, chiếu, biểu,
cáo…, các thể loại văn học trung đại: phú, hát nói, ngâm khúc, truyện
truyền kì…, các loại hình nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa truyền
thống: điêu khắc, hội họa, kiến trúc, âm nhạc, diễn xướng dân gian…).
- Dưới ảnh hưởng của các nhà lí luận thuộc chủ nghĩa cấu trúc và
hậu cấu trúc, rốt cuộc tất cả mọi thứ: văn học, văn hoá, xã hội, lịch sử,
bản thân con người, đều được khảo sát và được “đọc” như văn bản. Tác
phẩm của Võ Thị Hảo, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Nam
Dao… là sự chồng xếp nhiều lớp trầm tích: lịch sử, huyền thoại, tôn giáo.
Trong tác phẩm của các tác giả, biểu tượng, cổ mẫu không chỉ là phương
tiện mà là một thành tố trong tư duy nghệ thuật.
* So với giai đoạn trước, tiểu thuyết lịch sử sau năm 1986 có nhiều
thể nghiệm mới lạ trong tổ chức thời gian và kết cấu tự sự. Từ truyền
thống đến hiện đại/hậu hiện đại, tác phẩm của các nhà văn là những đổi
mới, cách tân nhằm làm mới loại hình thể loại.
Chương 4
DIỄN NGÔN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ
VIỆT NAM SAU NĂM 1986 (41 trang)
4.1. Quan niệm về diễn ngôn và diễn ngôn trong lịch sử
4.1.1. Quan niệm mới về lịch sử và diễn ngôn trong lịch sử
- Trên thế giới, cùng với sự ra đời các trường phái lí thuyết triết - mĩ, các
nhà lí luận càng có nhiều lí do để làm một cuộc cách mạng trong quan niệm
về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử. Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc, từ
hậu cấu trúc đến chủ nghĩa tân lịch sử cùng tinh thần hoài nghi hậu hiện đại,
người ta tin rằng lịch sử đầy rẫy sự ngụy tạo, đáng ngờ vì được viết theo quan
điểm cá nhân của người làm sử (quan niệm của H.White, K.Popper,
M.Foucault, J.Rusen…).
- Lịch sử và diễn giải lịch sử luôn là mối quan tâm của con người, nhất là
khi có một độ lùi nhất định về thời gian và con người có nhu cầu “nhận thức
lại”, “định giá lại” lịch sử. Suy cho cùng, lịch sử là sự diễn giải, là cách hình
dung, là lối tự sự, là diễn ngôn của chủ thể (sử gia/tiểu thuyết gia, cá nhân/cộng
đồng) hướng về quá khứ, nối kết thực tại, khai phóng tương lai.
4.1.2. Diễn ngôn và một số hướng tiếp cận diễn ngôn cơ bản
17
- Diễn ngôn có phạm vi nghĩa khả hữu rộng nhất so với bất cứ thuật ngữ
nào khác thuộc lí luận văn hóa/văn học. Từ khi thuật ngữ diễn ngôn ra đời
đến nay có các hướng nghiên cứu cơ bản sau:
Thứ nhất, hướng nghiên cứu diễn ngôn của các nhà ngôn ngữ học,
tiêu biểu là F.de Saussure, Emil Benveniste, Zeling Harris
Thứ hai, hướng nghiên cứu diễn ngôn dựa vào bản chất xã hội của
ngôn ngữ, tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là M.Bakhtin và
M.Foucault.
Thứ ba, hướng nghiên cứu đột phá vào cấu trúc văn bản tự sự của các
nhà tự sự học, với các đại diện tiêu biểu: G.Genette, Tz.Todorov,
R.Barthes, Iu.Lotman
- Trong khuôn khổ của luận án này, chúng tôi vận dụng chủ yếu
hướng nghiên cứu của các nhà tự sự học - cấu trúc. Trong đó, chúng tôi
tập trung khám phá cấu trúc diễn ngôn tự sự trên hai bình diện: diễn
ngôn của người kể chuyện và diễn ngôn của nhân vật.
- Khi đặt vấn đề nghiên cứu DN, chúng tôi không chỉ khám phá đặc
trưng ngôn từ mà còn quan tâm đến các thiết chế xã hội hữu thức hoặc
vô thức, ẩn ngầm hoặc công khai chi phối đến cấu trúc và sự vận hành
của DN.
4.2. Diễn ngôn người kể chuyện trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam
sau năm 1986
- Với đặc thù riêng của thể loại, TTLS được xem như một diễn
ngôn về lịch sử, văn hóa; là cách diễn giải của cá nhân/cộng đồng về
những vấn đề trong quá khứ. Ẩn đằng sau sự diễn giải ấy là hệ hình ý
thức xã hội và môi trường, cơ chế văn hóa ảnh hưởng đến cảm thức,
quan niệm nghệ thuật, nội dung và cách thức diễn giải. Cơ chế ấy sẽ chi
phối đến cấu trúc và sự vận hành của các thành phần DN trong TTLS
Việt Nam sau năm 1986.
4.2.1. Thành phần thuật chuyện
- Thành phần thuật chuyện được hiểu là lời thuyết minh, lời dẫn
truyện của người kể chuyện, giới thiệu về nhân vật, sự kiện, bối cảnh
trong truyện.
- Trong tiểu thuyết của các nhà văn, lời kể có sự kết hợp hài hòa ngôn
ngữ cô đọng, súc tích bám sát các sự kiện lịch sử, tinh thần thời đại với
ngôn ngữ tiểu thuyết giàu sắc thái biểu cảm.
- Bên cạnh lời kể mang tính khách quan, chân xác về lịch sử, còn
xuất hiện lời kể đậm chất kì ảo, hoang đường, huyền thoại (Mẫu Thượng
18
Ngàn, Đàn đáy, Bí mật kho vàng Ninh Tốn, Huyền thoại về đứa con cá
ông Voi, Giàn thiêu, Bí mật hậu cung…).
- Để tăng thêm sắc thái trong lời kể chuyện, một số nhà văn đã
dùng các biện pháp nghệ thuật thú vị: dùng các tính từ có tính gợi mở,
động từ gây cảm giác mạnh, rùng rợn, phó từ có tính chất đột biến, bất
bình thường…
4.2.2. Thành phần miêu tả
- Trong truyện kể, ngoài lời kể còn có lời tả, hỗ trợ cho việc kể.
Nhờ miêu tả, không gian lịch sử, văn hóa được hiện lên sinh động và
giàu sức sống. Từ cảnh sắc thiên nhiên, đời sống cung đình, khung cảnh
làng quê đến sinh hoạt văn hóa được phục hiện sắc nét thông qua miêu tả
của người kể chuyện.
- Những tiết đoạn miêu tả thiên nhiên, đời sống văn hóa, khắc họa vẻ
đẹp cơ thể, hoạt động tính giao của con người, một mặt vẫn mang nhiệm vụ
tạo dựng không gian sống cho nhân vật, soi sáng tâm hồn, tính cách đa diện,
mặt khác nhiều nhà văn đã lồng vào đó tính đối thoại cùng những suy tư minh
triết (Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Thế Quang, Thái Bá Lợi…).
- Các tác giả còn sử dụng nhiều biện pháp tu từ độc đáo nhằm gia
tăng sắc thái biểu cảm của lời tả: sử dụng những tính từ miêu tả gam
màu nóng pha trộn với gam màu lạnh (Giàn thiêu), thủ pháp ước lệ, so
sánh (Mẫu Thượng Ngàn, Giàn thiêu, Hội thề, Đất trời…).
4.2.3. Thành phần bình luận, đánh giá
- Với nhu cầu và cảm hứng nhận thức lại lịch sử từ điểm nhìn văn
hóa, triết học lịch sử và tinh thần nhân bản hiện đại, tiểu thuyết gia
không chỉ tiếp cận, khám phá hiện thực lịch sử mà còn lí giải và đối
thoại với những vấn đề, nhân vật trong quá khứ. Do đó, tính chiêm
nghiệm, triết thuyết là một trong những đặc trưng quan trọng trong sắc
thái diễn ngôn người kể chuyện.
- Nhiều vấn đề được đặt ra và soi sáng dưới một giác độ mới, kinh
nghiệm cá nhân bên cạnh hiểu biết cộng đồng, và được kết tinh thành
những triết thuyết, bài học lịch sử sâu sắc: quyền lực và những hệ lụy
của nó đối với con người cũng như tiến trình lịch sử (Oan khuất, Đất
trời, Nguyễn Du…); bản sắc văn hóa với trước sự xâm thực, ảnh hưởng
của văn hóa ngoại lai (Đất trời, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn…); sứ
mệnh của người nghệ sĩ và sức mạnh của văn chương, nghệ thuật trong
tiến trình vận động của lịch sử (Nguyễn Du, Đất trời, Đàn đáy…); suy tư
19
cá nhân về sức mạnh, thành bại, hưng vong của dân tộc (Vương triều
sụp đổ, Con đường định mệnh, Oan khuất, Minh sư,…); khắc khoải về
thân phận con người trong lịch sử (Giàn thiêu, Sông Côn mùa lũ, Thế kỉ
bị mất, Hồ Quý Ly…).
4.3. Diễn ngôn nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986
4.3.1. Ngôn ngữ đối thoại
- Lời thoại xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam
sau năm 1986, thậm chí có một số tác phẩm, dung lượng của lời thoại
chiếm phần lớn. Nếu lời thoại trong tiểu thuyết những năm đầu thế kỉ
XX vẫn mang nhiều dấu ấn của tự sự trung đại qua ý thức sử dụng câu
văn biền ngẫu, thì sau năm 1986, lời thoại đã được viết bởi thứ ngôn ngữ
thuần Việt gần gũi, tràn đầy sức sống, mang hơi thở cuộc sống hiện đại.
- Lời thoại không chỉ khắc họa tính cách, tâm trạng mà trong sáng
tác của Nguyễn Xuân Khánh, Nam Dao, Phạm Ngọc Cảnh Nam,
Nguyễn Thế Quang, Võ Thị Hảo, Hoàng Quốc Hải… hầu hết các tiết
đoạn đối thoại đều là đối thoại về tư tưởng, văn hóa, triết học.
- Viết về thần tượng của dân tộc, một số tác giả đã khước từ diễn
ngôn ca ngợi, chiêm bái một chiều để lựa chọn diễn ngôn phân tích,
“giải thiêng”. Lúc này, lời thoại là hình thức để nhà văn lí giải những bí
ẩn, khơi mở những xung đột, “giải thiêng hóa” huyền thoại.
4.3.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm
- Độc thoại nội tâm là một trong những hình thức giúp nhà văn
khám phá, trưng bày khuất lấp, xung đột trong tính cách nhân vật. Bằng
cách để nhân vật độc thoại nội tâm, nói lên ý nghĩ thầm kín của mình,
các nhà văn đã khám phá nhiều góc tối của lịch sử, lí giải những bi kịch
nội tâm của nhân vật.
- Đời sống cá nhân, nội tâm của nhân vật tuy không được nhắc đến
trong chính sử nhưng đối với mỗi nhà văn thì những điều đó lại có ý
nghĩa quan trọng để hiểu thấu đáo hơn về lịch sử và con người. Đó chính
là điểm tựa nhân bản cho sự thay đổi nguyên tắc cảm nhận lịch sử và
xây dựng nhân vật của nhà văn.
4.4. Cách thức tổ chức diễn ngôn tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt
Nam sau năm 1986
- Nghiên cứu diễn ngôn tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau
năm 1986, chúng tôi ghi nhận nỗ lực sáng tạo, vượt thoát của các tác giả
20
nhằm gia tăng hiệu quả tự sự bằng một số phương thức như sự đan cài
lời kể và lời tả, lời kể và lời bình luận, sự phối kết lời kể và lời đối thoại,
lời kể và lời độc thoại, lời gián tiếp tự do…
4.4.1. Đan cài đối thoại của nhân vật trong lời người kể chuyện
- Tiểu thuyết sau năm 1986 có xu hướng giảm thiểu đối thoại trực
tiếp, biến lời thoại của nhân vật thành lời của người kể chuyện. Nhà văn
đã tổ chức lời thoại nhân vật trong ngôn ngữ người kể chuyện khá sinh
động với những cách thức khác nhau. Trường hợp thường gặp nhất là tác
giả lược lại lời thoại của nhân vật bằng câu kể (Hồ Quý Ly, Bão táp triều
Trần, Thế kỉ bị mất ). Thậm chí có lúc không xuất hiện cả lời dẫn của
người kể chuyện, cứ thế ngôn ngữ của người kể chuyện, ngôn ngữ của
nhân vật cứ xô vào nhau, đan bện tạo thành sự đa thanh trong diễn ngôn
truyện kể (Đất trời, Hồ Quý Ly…).
- Dạng thức đối thoại trong lời kể phổ biến ở tiểu thuyết có người
kể chuyện ngôi thứ nhất. Lúc này anh ta đóng hai vai, vai kể và vai hành
động, giao tiếp (Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Thế kỉ bị mất, Oan
khuất, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng).
- Việc tạo dựng đối thoại trong diễn ngôn người kể chuyện thể hiện
tính đa thanh, nhiều giọng vốn là đặc trưng của tiểu thuyết. Nhờ đó, nhà
văn có thêm một cách thức hữu hiệu tiếp cận, khám phá tính đa chiều
của đời sống và sự bí ẩn, phức tạp trong tâm hồn con người.
4.4.2. Gia tăng lời gián tiếp tự do
- Lời gián tiếp tự do (hay còn được gọi là lời nửa trực tiếp) được sử
dụng khá phổ biến trong tác phẩm tự sự, gây ấn tượng về sự hiện diện
của ý thức nhân vật và cho phép người đọc thâm nhập vào ý nghĩ thầm
kín của nhân vật (Giàn thiêu, Hồ Quý Ly, Sông Côn mùa lũ, Đất trời,
Nguyễn Du, Bão táp cung đình ).
- Không trùng khít với dòng độc thoại nội tâm nhưng lời gián tiếp
tự do lại luôn gắn với ngôn ngữ độc thoại và dòng tâm tư của nhân vật.
Cùng với sự “dời chỗ” điểm nhìn vào nhân vật, hình thức này như là
phương diện hữu hiện để khám phá đời sống nội tâm, những bí ẩn, khuất
lấp trong tính cách nhân vật.
21
* Quan sát diện mạo của TTLS Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay,
chúng ta dễ dàng nhận thấy vận động và tìm tòi những hình thức thể
hiện mới, những diễn giải mới về lịch sử. Trong mỗi thời đại khác nhau
luôn tồn tại những nguyên tắc tổ chức, kiến tạo ngôn từ đặc trưng; đồng
thời có những yếu tố chi phối sáng tác, đến quá trình vận hành của diễn
ngôn TTLS Việt Nam.
* Cấu trúc diễn ngôn của thể loại này đã vượt thoát mô hình truyện
kể truyền thống chỉ thiên về ngôn ngữ đối thoại, đơn âm, một bè. Nhờ
vậy, tiểu thuyết đã trở về với đặc tính đa thanh, đa âm, phức điệu vốn có
của nó.
KẾT LUẬN (4 trang)
1. Từ khi xuất hiện với tư cách là một bộ môn khoa học độc lập, tự
sự học đã trải qua nhiều biến đổi từ hệ hình lí thuyết đến đối tượng
nghiên cứu và phương pháp tiếp cận. Ngành học này đang ngày càng
phát huy được tiềm năng, khẳng định vị trí to lớn trong việc khám phá
các giá trị văn chương từ tầng sâu cấu trúc văn bản tự sự. Mặc dù chủ
nghĩa cấu trúc và tiền thân của nó là chủ nghĩa hình thức Nga đã làm cho
lí thuyết tự sự trở thành hệ thống chặt chẽ; song nó đã trải qua quá trình
phát triển lâu dài, hệ hình lí thuyết này được phân chia theo nhiều xu
hướng khác nhau, đang vận động và có những khác biệt rất lớn từ tự sự
học kinh điển đến tự sự học hậu kinh điển. So sánh với kho tàng tự sự
học thế giới, những công trình lí thuyết được dịch ở Việt Nam không
nhiều. Đặc biệt, một số thuật ngữ vẫn chưa thống nhất trong nội hàm
khái niệm và cách thức sử dụng. Vận dụng lí thuyết tự sự học vào
nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986, tuy đã đạt được
những kết quả nhất định trong quá trình phân tích văn bản truyện kể
dưới một hệ hình mới, phát hiện, định giá những cách tân, đổi mới trong
tư duy, phương thức tự sự của các nhà văn; song do tập trung nghiên cứu
cấu trúc tự sự trong thế tĩnh tại, khép kín, mà luận án chưa có điều kiện
đi sâu tìm hiểu cơ chế vận động của tự sự trong ngữ cảnh tiếp nhận và
bối cảnh văn hóa.
2. Sự đổi mới và sáng tạo trong không gian văn hóa mới, trong
những tác động của yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã truyền được cảm
hứng, tạo môi trường lí tưởng cho những khát khao của người nghệ sĩ
thăng hoa, kết tinh thành tác phẩm nghệ thuật có sức sống mạnh mẽ.
22
Hơn nữa, bản thân văn học cũng đặt ra những nhu cầu đổi mới tự thân.
Nhu cầu ấy gắn liền với ý thức vượt thoát khỏi cái cũ, kiếm tìm những
không gian văn học/văn hóa mới mang tính thời đại, phù hợp với thị
hiếu tiếp nhận của công chúng và tâm thức hiện đại/hậu hiện đại. Cùng
với đó, sự chuyển đổi trong hệ hình ý thức nhà văn gắn với đổi mới quan
niệm về thể loại, nguyên tắc tiếp cận, lí giải hiện thực đã làm nên những
bước chuyển mình cho những sáng tạo văn học về đề tài lịch sử. Đó
chính là tiền đề quan trọng để mỗi tác giả khai phóng trong ý tưởng, phiêu
lưu trong bút pháp, thể nghiệm trong nghệ thuật tự sự tạo nên bức tranh đa
chiều, sinh động của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986. Cái nhìn
về lịch sử của nhà văn giai đoạn này mang màu sắc và kinh nghiệm cá
nhân rõ nét. Các tiểu thuyết gia thiên về luận giải lịch sử hơn là mô tả,
minh họa lịch sử. Sự diễn giải ấy bao chứa quan niệm mới về lịch sử và
diễn ngôn về lịch sử. Không có một thứ chân lí lịch sử duy nhất, không
có một diễn ngôn thống trị, trung tâm, mà chỉ có lịch sử trong cảm nhận,
hình dung chủ quan của nhà văn, và sự tồn tại đa dạng của các diễn ngôn
về lịch sử. Từ đây mở ra chân trời mới cho những tưởng tượng và diễn
giải lịch sử, làm xuất hiện nhiều khuynh hướng, cùng những lối viết rất
khác biệt.
3. Nghiên cứu phương thức tự sự trong tiểu thuyết lịch sử là cách
nhận diện những đổi mới trong hệ hình tư duy tự sự hiện đại, khẳng định
tham vọng khắc phục/vượt qua những mô hình truyền thống nhằm đưa
tiểu thuyết tiệm cận/hòa nhập vào quỹ đạo chung của văn học thế giới.
So với giai đoạn trước, tiểu thuyết lịch sử sau năm 1986 có những đổi
mới trong tư duy và phương thức tự sự lịch sử trên nguyên tắc đối thoại,
luận giải. Các nhà văn đã đột phá vào tầng sâu cấu trúc truyện kể, vượt
thoát mô hình tự sự truyền thống bằng những mô hình/phương thức tự
sự mới lạ, độc đáo. Nhiều tác giả đã đổi mới hình thức kể chuyện từ ngôi
thứ ba, thể nghiệm hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất. Cùng với đó,
việc tổ chức điểm nhìn cũng trở nên đa dạng với điểm nhìn phức hợp,
gia tăng, gấp bội điểm nhìn bên trong nhân vật. Nhờ vậy, những vấn đề
từ lịch sử, nhân vật lịch sử được soi rọi dưới nhiều giác độ trở nên sinh
động, sắc nét. Nằm trong nỗ lực tiếp cận, khám phá, luận giải lịch sử có
chiều sâu, các tiểu thuyết gia trong giai đoạn này còn tìm tòi nhiều cách
thức tổ chức thời gian, mở rộng biên độ thể loại bằng các hình thức kết
23
cấu linh hoạt. Mô hình tự sự theo khung truyền thống bị phá vỡ, nhờ đó,
hình hài, diện mạo của tiểu thuyết lịch sử có sự biến đổi. Các tác phẩm
cũng bắt đầu có sự chuyển dịch về cấu trúc diễn ngôn, hình thái diễn
ngôn phù hợp với sự thay đổi của lịch sử, xã hội, văn hóa, thị hiếu thẩm
mĩ và khung/trường tri thức thời đại. Diễn ngôn về lịch sử đang không
ngừng vận động, có sự đan xen giữa diễn ngôn cũ và diễn ngôn mới,
diễn ngôn quan phương và diễn ngôn phi quan phương, diễn ngôn trung
tâm và diễn ngôn bên lề. Ẩn đằng sau lớp diễn ngôn ấy là hệ hình ý thức
thời đại, là dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ thể hiện qua cảm thức,
quan niệm nghệ thuật, nội dung và hình thức diễn giải lịch sử.
4. Viết trong “khí hậu” dân chủ, bối cảnh hiện đại/hậu hiện đại, các
tiểu thuyết gia đã thể hiện khát vọng khám phá, giải mã, đối thoại, thụ
hưởng lịch sử. Nhà văn trở thành “nhà thám hiểm cuộc sống”, khơi dậy
những khuất lấp, nhìn vào “bề sâu, bề sau, bề xa” của quá khứ để nối kết
thực tại, gửi gắm niềm tin và sức mạnh vào tương lai. Để thực hiện trọn
vẹn sứ mệnh ấy, các tác giả khi chọn đề tài lịch sử trong các sáng tác của
mình buộc phải tìm kiếm hình thức mới cho thể loại và không ngừng
cách tân tư duy/phương thức tự sự lịch sử. Bằng tất cả những thể nghiệm,
đổi mới quan trọng trên phương diện nghệ thuật tự sự, tiểu thuyết lịch sử
ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong tiến trình vận
động và đổi mới tự thân của văn học đương đại. Có thể nói, thể loại này
đang hồi sinh và trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi con người có một
độ lùi nhất định, khát vọng muốn khám phá, giải mã lịch sử, truy tìm
những giá trị/bản sắc văn hóa là nhu cầu tất yếu, thể hiện sự thay đổi trong
nhận thức và tư duy tiểu thuyết. Tác phẩm như là những tiếng nói đối
thoại với quá khứ và cuộc sống hôm nay về các vấn đề nóng bỏng của
thực tại và con người. Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử
trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận, đối thoại bằng điểm
nhìn văn hóa, triết học lịch sử và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện
đại.
5. Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 đã có nhiều sự đột
phá, độc đáo tuy chưa đồng đều ở các tác giả, tác phẩm. Song chính
những thử nghiệm, cả thành công lẫn thất bại, đã mang lại cho thể tài
này sự đa dạng trong phong cách, sự phong phú trong phương thức thể
hiện, sự mới mẻ trong bút pháp. Nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử Việt
24
Nam sau năm 1986 dưới góc nhìn tự sự học, chúng tôi tập trung vào
những bình diện tiêu biểu của nghệ thuật tự sự thể hiện ý thức tìm tòi,
đổi mới của các nhà văn so với những giai đoạn trước. Tuy vậy, vẫn còn
những phương diện quan trọng khác mà luận án chưa có điều kiện để
tiếp cận, phân tích như nghệ thuật tổ chức không gian của truyện kể và
không gian của diễn ngôn, giọng điệu tự sự… Để khắc phục hạn chế đó,
trong quá trình nghiên cứu về người kể chuyện, tổ chức điểm nhìn tự sự,
xây dựng kết cấu, thời gian và kiến tạo diễn ngôn tự sự, chúng tôi đã đan
cài nhận diện những yếu tố trên. Ở một khía cạnh khác, trong cách thức
tư duy về thời gian, kiếm tìm hình thức kết cấu, các nhà văn luôn gắn
liền với ý hướng tạo dựng không gian, bối cảnh cho câu chuyện. Ứng
với thủ pháp đan xen, đồng hiện thời gian là sự dịch chuyển không gian;
cùng với sự đa dạng của hình thức kết cấu là sự đa tầng, nhiều lớp không
gian. Điều này đã được chúng tôi khẳng định và tường giải xuyên suốt
trong quá trình khai thác các thành tố tạo lập văn bản truyện kể. Đây là
một trong những vấn đề thú vị, gợi mở và sẽ trở lại trong một nghiên
cứu khác của chúng tôi.
Như đã nói, luận án mới tiếp cận lí thuyết tự sự học kinh điển,
nghiên cứu cấu trúc nội tại, bề sâu của văn bản, mà chưa mở rộng và đặt
tiểu thuyết lịch sử trong mối quan hệ với ngữ cảnh (văn hóa, xã hội,
trường/khung tri thức), người đọc, các loại hình nghệ thuật sáng tạo về
đề tài lịch sử khác. Đây cũng sẽ là một khoảng trống cho nhiều hướng
tiếp cận sau này. Ở phương diện này, chúng tôi xin đề xuất hai hướng
triển khai như sau: một là, bằng phương pháp điều tra xã hội học, chúng
ta có thể tìm hiểu về tâm thế, thị hiếu của công chúng tiếp nhận tiểu
thuyết lịch sử Việt Nam sau thời kì Đổi mới; hai là, chúng ta cũng có thể
so sánh, đối chiếu phương thức thể hiện hiện thực và nghệ thuật xây
dựng nhân vật giữa tiểu thuyết và các loại hình nghệ thuật khác cùng
sáng tạo về đề tài lịch sử như điện ảnh, hội họa, âm nhạc, điêu khắc…
Khi nghiên cứu đề tài này, chúng tôi xác định đây chỉ là một trong
nhiều hướng tiếp cận về một hiện tượng văn học vốn dung chứa những
vấn đề phức tạp, thú vị. Các hệ thống lí thuyết luôn có tính mở, các sinh
thể nghệ thuật luôn trong tư thế vận động, đổi mới không ngừng. Vì vậy,
sẽ không có bao giờ có tiếng nói cuối cùng, hoàn kết, mà mỗi cách làm,
25
mỗi kết quả mang ý nghĩa như là sự mời gọi và kích thích những tìm
kiếm mới trên tinh thần kế thừa và đối thoại.
6. Có thể nói thể tài tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 với
dòng chảy gần 30 năm, khoảng thời gian ấy chưa dài để có thể định
danh/định giá một hiện tượng, song cũng đủ giúp chúng ta có một cái
nhìn bao quát những thành tựu và hạn chế bước đầu của nó. Những tìm
tòi về hình thức thể hiện có cái tới đích, có cái còn dang dở, cần được
tiếp tục tranh luận và đào sâu hơn nữa. Có lẽ quan trọng hơn cả, với tinh
thần dân chủ được phát huy, không gian sáng tạo và sinh thái tinh thần
xã hội được mở rộng, cái tôi và chủ thể sáng tạo được thức tỉnh, khát
khao sáng tạo, ý thức đổi mới của nhà văn hứa hẹn sẽ kết tinh thành
những sinh thể nghệ thuật giàu sức sống. Những sinh thể ấy cần phải
được sản sinh trong không gian văn hóa/văn học dân chủ, lành mạnh,
được hít thở trong không khí khoa học khách quan và luôn không ngừng
tự làm mới, làm khác trên tinh thần/tư duy đối thoại đa chiều. Có như
vậy, thể tài về lịch sử nói riêng, đời sống văn học nước nhà nói chung
mới mong tìm ra những đỉnh cao trong sáng tạo và nghiên cứu, có sức
lan tỏa mạnh mẽ và bền vững trong đời sống tinh thần dân tộc.