Tải bản đầy đủ (.doc) (48 trang)

Lối sống người dân làng chài hiện nay (nghiên cứu trường hợp tại xã đoàn xá, huyện kiến thụy và phường ngọc sơn, quận kiến an, hải phòng)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (381.73 KB, 48 trang )

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Lối sống của các cộng đồng cư dân là đề tài được các tác giả trong và ngoài nước
quan tâm nghiên cứu từ lâu dưới các góc độ khác nhau. Các nhà nghiên cứu Dân tộc học/
Nhân học và Văn hóa học đã chỉ ra rằng, lối sống tùy thuộc vào các điều kiện sống, các yếu
tố lịch sử - văn hóa… của cộng đồng cư dân và lối sống cũng biểu hiện các dạng thức khác
nhau từ các yếu tố trên. Hình thành từ phương thức mưu sinh và trở lại phục vụ phương
thức mưu sinh đó. Nghiên cứu lối sống là nghiên cứu cốt lõi văn hóa của các tộc người.
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt và vùng biển, hải đảo rộng lớn trải dài trên 3200
km, chứa đựng nguồn lợi tự nhiên phong phú, dọc bờ biển Việt Nam từ xưa đã hình thành
nhiều cộng đồng ngư dân làm nghề đánh bắt thủy, hải sản, sống trong các làng chài. Nhìn
chung, trước năm 1954 và ở nhiều nhóm thuộc một số địa phương hiện nay, ngư dân có cuộc
sống rất nghèo khó, họ có xu thế tách khỏi các cộng đồng làng xã chính thống, sống biệt lập
trên những chiếc thuyền, không có đất làm nhà, tập hợp lại thành các làng chài, vạn chài.
Từ sau năm 1954, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới đến nay, Đảng và
Chính phủ đã có nhiều chính sách đối với ngư dân và sự nỗ lực vươn lên của các cộng đồng
đã giúp cho cuộc sống của ngư dân từng bước được cải thiện; là cơ sở để lối sống của họ có
những chuyển biến trên nền của lối sống truyền thống. Sự chuyển biến này được biểu hiện
khác nhau ở từng cộng đồng ngư dân mỗi vùng, miền, phụ thuộc vào đặc điểm của môi
trường cư trú cùng một số yếu tố khác, cần được đi sâu nghiên cứu.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, cuộc sống của ngư dân các vùng miền ở nước
ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, nguồn lợi tự nhiên đang bị khai thác quá
mức, dẫn đến cạn kiệt, ảnh hưởng tới nguồn sống lâu dài; tình trạng thấp kém về giáo dục
và đời sống văn hóa - tinh thần…
Với những lí do trên, tôi chọn vấn đề “Lối sống người dân làng chài hiện nay”
(nghiên cứu trường hợp tại làng chài Nam Hải, huyện Kiến Thụy và làng chài Ngọc Sơn,
quận Kiến An, Hải Phòng) làm đề tài luận án tiến sĩ ngành Nhân học, với mong muốn
nghiên cứu lối sống của cộng đồng ngư dân nhằm chỉ ra những đặc điểm văn hóa của ngư
dân. Tạo cơ sở khoa học để đề ra các chính sách, các giải pháp giúp ngư dân phát triển theo
hướng bền vững, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là bảo vệ vững
chắc vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


1
2. Mục đích nghiên cứu của luận án
Luận án chỉ ra một số dạng thức chủ yếu trong lối sống của ngư dân hai làng chài
Nam Hải và Ngọc Sơn (Hải Phòng), chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong lối
sống, văn hóa, tín ngưỡng giữa hai cộng đồng này. Từ đó, cung cấp cơ sở khoa học cho việc
đề ra các giải pháp giúp các cộng đồng ngư dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật
chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong điều kiện hiện nay.
3. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là một số dạng thức chính trong lối sống (ăn, ở,
mưu sinh, phương tiện đi lại, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tổ chức xã hội).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
* Về thời gian: luận án nghiên cứu lối sống hiện nay của hai cộng đồng ngư dân, có
so sánh với một số yếu tố của lối sống ngư dân Nam Hải trước định cư (trước 1955); lối
sống ngư dân Ngọc Sơn trước khi được học chữ (trước 1998).
* Về không gian: luận án chọn hai làng chài để nghiên cứu là làng Ngọc Sơn (phường
Ngọc Sơn, quận Kiến An) và làng Nam Hải (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy). Đây là hai
làng chài khác nhau về môi trường cư trú (làng Ngọc Sơn nằm ven sông Lạch Tray, đồng
thời là làng Công giáo; làng Nam Hải nằm gần cửa sông Văn Úc đổ ra biển).
* Về nội dung: luận án nghiên cứu lối sống của hai nhóm ngư dân ở cửa sông và
trong sông qua các trục cơ bản: đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đời sống xã hội. Qua
đó góp phần vẽ lên bức tranh chung về lối sống ngư dân.
4. Đóng góp của luận án
- Luận án là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên
nghiên cứu về ngư dân. Đây là công trình nghiên cứu có tính hệ thống, chuyên sâu, cung cấp cho
Nhân học nguồn tư liệu, chi tiết phong phú, có độ tin cậy về lối sống của ngư dân tại 2 điểm
nghiên cứu là xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy và phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng.
Luận án đã làm rõ những đặc trưng trong lối sống; điểm tương đồng và khác biệt trong lối sống
của hai cộng đồng ngư dân có nguồn gốc, môi trường cư trú khác nhau; biến đổi trong lối sống
của ngư dân trong bối cảnh hiện nay đồng thời đề cập đến những thách thức với họ về vấn đề cạn

kiệt nguồn lợi, về các tác động đến môi trường sống và sự phai nhạt lối sống văn hóa.
2
- Luận án tạo cơ sở khoa học để cấp ủy, chính quyền địa phương tham khảo trong
việc đề ra các giải pháp giúp cộng đồng ngư dân hai làng chài khắc phục khó khăn, phát huy
thuận lợi, phát triển theo hướng bền vững.
5. Nguồn tài liệu của luận án
Tài liệu được sử dụng chính trong Luận án là các tài liệu điền dã, khảo sát gồm: tài
liệu phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, các ghi chép được từ quan sát; báo cáo tổng kết của các
ban ngành đoàn thể và số liệu thống kê của hai địa phương khảo sát; kế thừa nguồn tài liệu
đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước công bố.
6. Bố cục luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được chia thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tài liệu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Chương 2: Lối sống của ngư dân làng chài Nam Hải
Chương 3: Lối sống của ngư dân làng chài Ngọc Sơn
Chương 4: Kết quả và bàn luận
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT
VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu ngoài nước
1.1.1.1. Nghiên cứu về lối sống
Thuật ngữ “lối sống” lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà tâm lý học người Áo Alfred
Adler (1870-1937). Lối sống hay phong cách sống, nếp sống là những nét điển hình, được
lặp đi lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống cá nhân, nhóm xã hội,
dân tộc, hay cả một nền văn hóa.
Trên thực tế, từ khoảng giữa thế kỷ XIX, vấn đề lối sống đã được nhiều nhà khoa học
thuộc các ngành khác nhau nghiên cứu, phản ánh được hiện thực của đời sống văn hóa - xã
hội của mỗi nước, mỗi vùng, mỗi dân tộc hay mỗi nhóm, giai tầng xã hội.
Trong Nhân học, những nghiên cứu về văn hóa của L.H.Morgan; E.B.Tylor;

B.K.Malinowski; C.L.Strauss tuy không đề cập đến một cách trực tiếp lối sống nhưng đã
nhấn mạnh những dạng thức của nó như tập quán, truyền thống, tâm lý tộc người, mô thức
các hành vi biểu hiện bên ngoài hoặc tiềm ẩn bên trong… Các nhà Nhân học đưa ra quan
3
điểm khác nhau, nhưng những nghiên cứu của họ đều đi đến khẳng định những biểu hiện
phong phú của văn hóa hay cũng chính là lối sống làm cơ sở lý thuyết trong Nhân học, đặc
biệt khi nghiên cứu một cộng đồng, tộc người hay một nhóm nào đó.
1.1.1.2. Nghiên cứu về ngư dân
Nghiên cứu về ngư dân trên thế giới tập trung vào tìm hiểu những vấn đề trong nghề cá, dưới
nhiều góc độ khác nhau. Trong Nhân học biển (Maritime Anthropology), có thể nêu một số tác
phẩm nghiên cứu về ngư dân và nghề cá: James M. Acheson (1981), với bài viết Anthropology of
fishing ; James R. Mc Goodwin (1990) viết cuốn Crisis in the wold

s fisheries: people, problems,
and policies; Edward W.Glazier (2006) viết cuốn Hawaiian fishermen (casse tudies in cultural
anthropology; Ricardo Perez (2006) trong cuốn The State and small - scale fisheries in Puerto
Rico.
Những công trình nghiên cứu của các tác giả nói trên phản ánh các khía cạnh của nghề cá
quy mô nhỏ và lớn; từ các nghiên cứu trường hợp đến tầm quốc gia, quốc tế về ngư dân, sinh thái
biển, quản lý nguồn thủy, hải sản; tạo cơ sở khoa học cho những nhà hoạch định chính sách và
quản lý nghề cá, giúp phát triển bền vững nghề cá ở từng cấp độ, là tham khảo cả về mặt lý luận
và thực tiễn đối với các nhà Nhân học biển Việt Nam khi nghiên cứu về nghề cá và ngư dân.
1.1.2. Nghiên cứu trong nước
1.1.2.1. Nghiên cứu về lối sống
Lối sống được các nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm từ lâu với nhiều cách tiếp cận
khác nhau. Nếu hiểu lối sống gồm các thành tố: đời sống vật chất (sinh kế, sinh hoạt vật
chất: ăn, mặc, ở, phương tiện đi lại); đời sống xã hội (gia đình, dòng họ, tập quán pháp) và
đời sống tinh thần (tín ngưỡng, tôn giáo, hội hè, đình đám, văn hóa nghệ thuật) thì lối sống
được trình bày trong các giản chí Dân tộc học về các tộc người, các cộng đồng cư dân.
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, các nghiên cứu về lối sống được đẩy mạnh. Ngoài các

tác phẩm bàn về lối sống dưới các góc độ Chính trị học, Triết học, Đạo đức học bàn đến lý luận
về lối sống, đặc trưng lối sống Việt Nam, giải pháp giữ gìn và phát huy những nét đẹp, loại bỏ
những hủ tục trong lối sống giúp người dân thích nghi với sự phát triển trong thời kỳ công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, còn có một lượng lớn công trình khảo cứu về từng lĩnh vực cụ thể của
lối sống, như tín ngưỡng, tục lệ, nghi lễ trong tang ma, cưới xin, sinh đẻ, thiết chế xã hội.
4
1.1.2.2. Nghiên cứu về ngư dân
Từ năm 1985 trở về trước, nghiên cứu về ngư dân ở Việt Nam còn lẻ tẻ, được lồng
vào nghiên cứu chung, chưa được tách ra độc lập. Từ những năm 90 trở đi, nghiên cứu về
văn hóa biển, về cộng đồng ngư dân được đẩy mạnh, nhiều tác phẩm về biển được xuất bản,
như Biển trong văn hóa người Việt, các công trình nghiên cứu về các làng quê, các vùng
biển, chủ yếu dưới góc độ văn hóa dân gian và các công trình nghiên cứu về các khía cạnh
chuyên sâu của ngư dân ở các vùng ven biển.
Nhìn chung, các công trình đã công bố đã đề cập đến quá trình hình thành cộng đồng ngư
dân ở Việt Nam; các nhóm ngư dân ở môi trường cư trú và cảnh quan khác nhau đều có đời sống
khác nhau; ngư dân ở các làng chài ven biển có đời sống văn hóa hết sức đặc thù
Những vấn đề về ngư dân mà các công trình nghiên cứu nói trên chưa đề cập đến đó
là: Lối sống của ngư dân mới chỉ được đề cập đến trong các khảo cứu Dân tộc học, chưa
được tách ra là một nghiên cứu độc lập; Chú trọng nghiên cứu các vấn đề truyền thống của
ngư dân, chưa lưu tâm đến các vấn đề của xã hội hiện đại, nhất là những bức xúc của ngư
dân trong bối cảnh kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu…hiện nay; Chưa đi sâu nghiên cứu mối
quan hệ giữa thay đổi của môi trường cảnh quanh với sự biến đổi về văn hóa - xã hội của
ngư dân; Các nhóm ngư dân theo Công giáo chưa được chú ý nghiên cứu nhiều.
Như vậy, có thể nói, các nghiên cứu về lối sống, đặc biệt là lối sống của cư dân làng
chài ở Hải Phòng còn thiếu vắng, còn nhiều điểm bỏ ngỏ… song vẫn là tư liệu quý để chúng
tôi tham khảo cho luận án này.
1.2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Một số khái niệm đã được làm rõ trong luận án như: Lối sống; Biến đổi lối sống;
Thích nghi; Ngư dân; Làng chài; Lối sống người dân làng chài.
Hướng tiếp cận nghiên cứu chính của luận án là Nhân học; hướng tiếp cận này cho

phép nghiên cứu sinh có thể phản ánh và phân tích những đặc trưng trong lối sống của hai
nhóm ngư dân cũng như chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt về đời sống vật chất,
đời sống văn hóa và đời sống xã hội của họ.
Ba lý thuyết chủ yếu được vận dụng trong phân tích của luận án đó là thuyết sinh
thái văn hóa; không gian xã hội và biến đổi văn hóa.
Luận án kết hợp giữa các phương pháp: điền dã dân tộc học (quan sát, quan sát tham dự,
phỏng vấn, thảo luận nhóm), nghiên cứu so sánh và thống kê; tham khảo ý kiến chuyên gia; bảng hỏi.
5
1.3. Khái quát về địa bàn nghiên cứu
1.3.1. Làng chài Nam Hải (huyện Kiến Thụy)
1.3.1.1. Đặc điểm địa lý - tự nhiên
Làng chài Nam Hải là 1 trong 10 thôn của xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy. Xã Đoàn
Xá về phía Đông giáp với xã Đại Hợp, phía Nam giáp với cửa sông Văn Úc, phía Bắc giáp với
xã Tân Phong, Tú Sơn, Ngũ Đoan, phía Tây giáp với xã Tân Trào.
Làng kéo dài khoảng 2km, nằm dọc theo triền đê biển II thuộc cửa sông Văn Úc.
Làng có điều kiện tự nhiên của vùng cửa sông giáp với biển. Thủy triều cửa sông Văn Úc
lên xuống một ngày một lần. Mỗi tháng có hai con nước, riêng tháng Hai và tháng Tám có
ba con nước. Các con nước đều rơi vào ngày lẻ. Con nước mỗi năm chia thành hai kỳ, một
kỳ từ tháng Giêng đến tháng Sáu; kỳ sau từ tháng Bảy đến tháng Chạp. Con nước trong các
tháng lần lượt của mỗi kỳ tương ứng nhau.
1.3.1.2. Đặc điểm dân cư
Theo các bậc cao niên ở làng Nam Hải hiện nay và cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đoàn Xá,
khoảng những năm 1912 - 1913 có hơn 10 gia đình ngư dân thuộc nhóm “thủy cư” ở làng (xã)
Thượng Triệt, tổng Thượng Triệt, phủ Nam Sách (làng này nay thuộc xã Thượng Đạt, thành phố Hải
Dương, tỉnh Hải Dương) chuyển đến mưu sinh ở ngoài bãi gần bờ sông thuộc thôn Đông Tác, tổng
Đại Lộc, phủ Kiến Thụy (nay là xã Đại Hợp huyện Kiến Thụy). Sau một thời gian, các thuyền của ngư
dân chuyển về Đồng Cống, Cổ Trai (xưa là Đoan Xá, nay là Đoàn Xá), nơi giáp với cửa sông Văn Úc.
Những gia đình này không có đất trên bờ làm nhà, phải ở trên thuyền, sống bằng chài lưới và đăng đáy
trên sông, hình thành vạn Đồng Cống. Sau này, người quản vạn là Đỗ Văn Vổ tự đổi tên thành vạn
Thượng Hải. Vào khoảng những năm 1940 của thế kỷ XX, vạn Thượng Hải được đổi thành Nam Hải.

Từ năm 1955, được phân đất trên bờ, vạn Nam Hải chuyển lên bờ sinh sống hình thành làng Nam Hải
của xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy ngày nay.
1.3.2. Làng chài Ngọc Sơn (quận Kiến An)
1.3.2.1.Đặc điểm địa lý - tự nhiên
Làng chài Ngọc Sơn nằm trên một đoạn của bãi bồi sông Lạch Tray chảy qua địa
phận phường Ngọc Sơn. Từ con đường chính Hoàng Quốc Việt của quận Kiến An đi xuống
làng chài chưa đến 0,5km.
6
1.3.2.2. Đặc điểm dân cư
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, một số gia đình ngư dân gốc từ các huyện Kim
Thành và Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đi chài lưới trên sông Lạch Tray, chọn khu vực bãi
bồi của sông này (dân gọi đây là bãi cói) thuộc địa phận phường Ngọc Sơn làm nơi tránh
mưa bão, ngư dân gọi là âu bè hay ủng bè. Sau đó, một số gia đình đậu thuyền hẳn ở đây để
sinh sống, họ vừa cắm đăng tre tại nơi đậu thuyền, vừa chèo thuyền đi chài lưới ở các khúc
sông. Ngư dân có đặc điểm của dân “thủy cư” là những người “vô hữu điền địa”, “tứ
không”, mọi sinh hoạt gần như bị tách rời với cuộc sống của cư dân trên bờ.
Từ năm 1998, trẻ em được đưa lên bờ học chữ trong lớp học tình thương đã thay đổi
nhận thức của ngư dân về việc cho con đi học và trẻ em trong làng đã biết chữ. Cũng từ đây,
ngư dân nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân về vật chất và tinh thần để cải thiện
cuộc sống. Hiện nay, ngư dân làng chài Ngọc Sơn phải sống trong những căn nhà tạm ngay
mép sông Lạch Tray. Làng có 23 hộ với gần 100 khẩu, trẻ em sinh ra đã có giấy khai sinh,
đến tuổi đi học được đưa vào trường học hòa nhập với trẻ em trên bờ. Các gia đình vẫn sống
chủ yếu bằng nghề chài lưới. Ngư dân đã có điện, nước sạch để sinh hoạt.
Tiểu kết chương 1
Lối sống là lĩnh vực được nghiên cứu từ giữa thế kỷ XIX. Ban đầu những nghiên cứu về
lối sống được lồng vào nghiên cứu về chính trị hay là những ghi chép về phong tục, tập quán…
Từ cuối thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu về lối sống theo các cách tiếp cận, các
quan điểm và phương pháp khác nhau.
Nghiên cứu về ngư dân ở thế kỷ XX được các nhà nhân học trên thế giới tập trung vào
nghề cá quy mô nhỏ và lớn. Ở Việt Nam, ban đầu chủ yếu là những khảo cứu Dân tộc học, phản

ánh về lao động, thiết chế xã hội và đời sống của ngư dân. Những nghiên cứu về lý thuyết cho
thấy, lối sống và văn hóa của ngư dân hòa quyện với nhau.
Luận án vận dụng một số khái niệm như lối sống, biến đổi lối sống, thích nghi và các lý
thuyết về Sinh thái học văn hóa, Không gian xã hội, Biến đổi văn hóa, sử dụng các phương
pháp điền đã, mô tả, phân tích, thống kê… để nghiên cứu về lối sống của ngư dân hai làng chài,
một làng ở cửa sông cửa biển Văn Úc (nhóm ngư dân ở cửa sông), một làng trong sông Lạch
Tray thuộc thành phố Hải Phòng (nhóm ngư dân ở trong sông) để thấy được sự tương đồng và
khác biệt giữa hai nhóm ngư dân này.
7
CHƯƠNG 2
LỐI SỐNG NGƯ DÂN LÀNG CHÀI NAM HẢI
2.1. Lối sống của ngư dân qua phương thức mưu sinh và đời sống vật chất
2.1.1. Lối sống của ngư dân qua phương thức mưu sinh
2.1.1.1. Phương thức mưu sinh của ngư dân trước năm 1955
Đối với ngư dân, việc nhận biết về môi trường sống, về các hiện tượng thời tiết, bão
gió đặc biệt quan trọng bởi có liên quan trực tiếp đến nguồn sống và sinh hoạt của họ.
*Nhận thức của ngư dân về môi trường sống
Bao đời gắn bó với cửa sông, cửa biển và biển khơi, ngư dân Nam Hải đã nhận biết được
các hiện tượng mang tính quy luật của tự nhiên, từ đó đúc kết thành kinh nghiệm để có một thế
ứng xử đúng nhằm tổ chức cuộc sống và truyền lại cho thế hệ sau. Cụ thể, ngư dân đã nhận biết
dòng nước thủy triều tại khu vực cửa sông văn Úc; Nhận biết về bão gió; Buộc thuyền tránh bão;
Cản bớt sức gió, tận dụng sức đẩy của dòng nước chảy xuôi khi thuyền đi xuôi dòng Văn Úc
*Các hình thức đánh bắt cá
Nhờ nhận biết được các hiện tượng tự nhiên, ngư dân đã lựa chọn cách ứng xử để mưu sinh.
Đó là khai thác nguồn lợi ở khu vực cửa sông Văn Úc bằng nghề đáy , nghề xăm và bắt cá ăn vụng.
Nghề đáy sử dụng hình thức giữ cho cọc đáy đứng được giữa lòng sông kết hợp với
chăng lưới để đánh bắt các loại cá.
Xăm, về hình thức cấu tạo gần giống như đáy nhưng bả lưới dùng cho xăm có mắt
nhỏ hơn. Xăm, chủ yếu đánh tép trắng.
Nghề bắt cá ăn vụng là việc sử dụng lưới đáy để bắt những cá to như cá vược, cá sủ… Đặc

biệt là cá sủ (sủ đất, sủ vàng) - loại cá chuyên sống ở biển, nặng vài kg, có con hàng chục kg.
Phân công lao động, các công việc trong nghề làm đáy, xăm được phân chia một cách tương
đối cho các thành viên trong gia đình. Chồng và các con trai lớn thường đảm nhận những việc nặng
nhọc như đóng đáy, kéo lưới… Vợ, con gái và con trai nhỏ làm những việc nhẹ nhàng hơn như gỡ
tôm cá, đan lưới, vá lưới.
Tiêu thụ sản phẩm, đánh bắt được tôm cá, ngư dân bán cho các chân buôn. Họ cấp
tiền cho ngư dân vay sắm sửa đồ nghề, kiêm bán các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân
(trả tiền ngay hoặc bán chịu bù vào tiền bán cá). Khi đánh được cá, ngư dân phải bán cho
họ. Mỗi gia đình thường có hai đến ba chân buôn.
8
Ngoài ra, ngư dân Nam Hải còn di chuyển đến Cát Hải để đánh bắt tép. Hình thức
đánh bắt này thường tiến hành từ khi có lũ tiểu mãn (khoảng cuối tháng 5), lũ về, ngư dân
không thể khai thác ở cửa sông Văn Úc, để đi đến Cát Hải.
2.1.1.2. Phương thức mưu sinh của ngư dân từ năm 1955 đến nay
*Từ năm 1955 đến năm 1986
Thực hiện Chỉ thị số 12 CT/TW về hợp tác hóa nghề cá của Đảng và Nhà nước, từ cuối
năm 1958, ngư dân được đưa vào làm ăn tập thể trong HTX đánh cá Đoàn Long. HTX chia
thành các tổ sản xuất (tổ đi khơi, tổ xăm đáy, tổ vá lưới). Ngư dân từ chỗ tự mình khai thác
nguồn lợi thủy sản ở khu vực cửa sông, đến đây được Sở Thủy sản cử cán bộ về trang bị thêm
những kiến thức và kỹ thuật đánh bắt cá ở khu vực ven bờ và ngoài khơi. Ngư dân được tính
ngày công lao động theo công điểm. Dựa vào số ngày công trong một tháng được Nhà nước trả
tem phiếu để đong gạo và mua các thực phẩm đồ dùng thiết yếu theo giá bao cấp.
Với việc thành lập HTX, các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân đã có những thay
đổi căn bản. Trước hết, ngư trường khai thác thủy, hải sản không còn ở phạm vi cửa sông
Văn Úc mà ở cả những ngư trường ngoài khơi, như Nam Bạch Long Vĩ, Hòn Gai, Cẩm Phả,
Cát Bà, Đông Dáu, Nam Dáu.Thuyền để đánh bắt thủy, hải sản thay đổi từ thuyền gỗ nhỏ,
chèo tay, sang thuyền buồm, chạy bằng sức gió. Từ hình thức đánh bắt bằng đáy và xăm, từ
năm 1958 trở đi, ngư dân thay bằng các loại lưới: Lưới Rê, Lưới Rê bay hay là lưới Ba màn
và mở rộng một số hình thức đánh bắt sử dụng thuyền và lưới như Đi phàng.
Qua kết quả phản ánh về phương thức mưu sinh của ngư dân từ năm 1955 đến năm 1986

cho thấy có những biến đổi. Ngư dân không chỉ khai thác nguồn lợi ở cửa sông, họ đã mở rộng
phạm vi đánh bắt cá ra khu vực biển gần bờ. Số lượng cá đánh bắt được nhiều hơn khi chỉ khai
thác ở cửa sông. Lao động của ngư dân đòi hỏi sự liên kết của nhiều người mới thực hiện công
việc. Phương thức mưu sinh của ngư dân còn tiếp tục có những thay đổi từ năm 1986 đến nay.
* Từ năm 1986 đến nay
Từ sau khi Nhà nước đổi mới nền kinh tế (1986), cùng với nhiều HTX nông nghiệp, ngư nghiệp
trong cả nước, HTX đánh cá Nam Hải không còn phát huy tác dụng và giải thể, kinh tế tập thể nhường
chỗ cho kinh tế tư nhân, từ đó xuất hiện các hình thức hợp tác, làm ăn mới: Đi bạn; Cụm tàu an toàn.
Trong làng xuất hiện các hoạt động dịch vụ như: Thu mua sản phẩm; Chở thuê sản phẩm đánh bắt của
9
ngư dân; Đan, vá lưới thuê hoặc để bán; Dịch vụ, buôn bán nhỏ; Nghề cơ khí. Ngư dân còn duy trì
nghề chế biến thủy hải sản. Hai nghề gắn với sản phẩm có tiếng là: Mắm chắt; Chế biến sứa.
Qua nội dung phản ánh trên cho thấy, từ năm 1986 đến nay, ngư dân Nam Hải đã có những
biểu hiện thích nghi với quá trình đổi mới. Đó là việc ngư dân mua sắm tàu, ngư lưới cụ để đánh
bắt cá, liên kết nghề nghiệp với nhau qua hình thức đi bạn. Trong những năm gần đây, ngư dân có
xu hướng bỏ nghề đánh cá chuyển sang nghề buôn bán, dịch vụ hoặc lao động phổ thông. Việc
chuyển nghề của ngư dân còn mang tính chất tự phát, manh mún, dựa trên tiềm lực kinh tế của gia
đình. Những gia đình lựa chọn nghề thu nhập thấp bởi không có vốn và không còn cách nào khác.
2.1.1.3. Nhận xét về biến đổi phương thức mưu sinh của ngư dân trước đây và hiện nay
Trong quá trình mưu sinh, từ khi là vạn chài dưới sông cho đến lên bờ định cư, thành lập hợp
tác xã đánh cá và đến hiện nay, ngư dân có những biến đổi căn bản trong phương thức mưu sinh.
Trước năm 1955, ngư dân sử dụng những công cụ thô sơ như cọc, lưới ngư dân đã sử dụng
những hình thức bắt được nhiều cá. Sau khi định cư (sau 1955) đến năm 1986, dưới hình thức
HTX ngư nghiệp, phạm vi khai thác nguồn lợi của ngư dân đã mở rộng ra khu vực biển gần bờ
(biển lộng). Được trang bị thêm về kỹ thuật đi biển của Sở thủy sản Hải Phòng, ngư dân có thêm
những hình thức đánh, bắt cá đòi hỏi sự liên kết của nhiều người. Nhờ đó, ngư dân đã đánh bắt
được cá với số lượng lớn, do nhận biết khá chính xác các hiện tượng tự nhiên bất thường, bão gió
nhằm ứng phó kịp thời nên họ ít gặp thiệt hại về tài sản và tính mạng.
Từ sau khi đất nước đổi mới nền kinh tế (1986) đến nay, ngư dân có nhiều phương thức
mưu sinh khác nhau. Bên cạnh nghề đáy, nghề lộng, nghề khơi, một bộ phận ngư dân đã chuyển

hẳn hoặc kết hợp đánh bắt cá với nghề dịch vụ, buôn bán nhỏ, chế biến thủy, hải sản. Ngư dân
đã có một số thay đổi quan niệm về giá trị sống từ thay đổi phương thức mưu sinh.
* Thay đổi quan niệm về giá trị sống từ thay đổi phương thức mưu sinh
Ngư dân thay đổi quan niệm trước đây về việc sinh con trai hơn là sinh con gái. Khi làm ra
đồng tiền nhanh chóng, cuộc sống giàu lên khiến ngư dân không giữ những quan niệm, giá trị cũ,
quan niệm mới được hình thành thể hiện mong muốn hưởng thụ những nhu cầu về vật chất.
2.1.2. Lối sống của ngư dân qua đời sống vật chất
2.1.2.1. Nhà cửa
Trước năm 1955, là dân “ngụ cư”, không có đất trên bờ làm nhà nên ngư dân ở trên thuyền.
Mỗi gia đình thường có hai chiếc thuyền: thuyền to dùng để ở, thuyền bé hơn để làm nghề.
10
Thuyền dùng làm nhà ở, được bố trí: Khoang mũi là nơi để đồ nghề, có một cửa thông với
khoang giữa. Khoang giữa rộng 2m, ban thờ được đặt phía mạn lái. Ngư dân cho đậu cố định trên
bãi sông, họ đào một cái giằm và đánh thuyền vào trong đó. Chiếc thuyền này cũng được dùng để
chở cả gia đình về quê vào những dịp lễ tết.
Sau năm 1955, khi chuyển cư lên bờ, mỗi gia đình được cấp một sào đất (360m
2
) tại
khu vực gần cửa sông Văn Úc, giáp triền đê biển II. Từ cuộc sống trên con thuyền lênh đênh
nơi mặt nước, chịu đựng sóng gió, ngư dân có nhà trong làng xóm trên bờ là một cuộc đổi
đời chưa từng có. Sự thay đổi về việc ở này cũng buộc ngư dân có những ứng xử để thích
nghi. Từ nhà trát dứng, đến nhà ngói, nhà mái bằng cao tầng thể hiện ứng xử của ngư dân
phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội trong từng giai đoạn cụ thể.
2.1.2.2. Ăn uống
Một trong những yếu tố cơ bản để phản ánh đời sống vật chất của ngư dân đó là
nguồn lương thực, thực phẩm xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày. Nó không chỉ thỏa mãn
nhu cầu ăn uống của ngư dân mà còn phản ánh về đời sống của cư dân giáp biển. Việc ngư
dân bố trí bữa ăn, cách chế biến, nguồn thức ăn chứa đựng yếu tố văn hóa và tập quán
sông nước góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng.
Trước năm 1955, cách chế biến món ăn của ngư dân đơn giản, ít gia vị. Một số món ăn chính

của ngư dân: Canh nấu nhát; Cá nhệch kho với củ nâu. Do điều kiện khó khăn nên xưa kia, bữa ăn
hàng ngày của ngư dân gồm có cơm, cá và rau. Cá được chế biến đơn giản, thường được kết hợp với
tai chua và ớt để khử mùi tanh hoặc được nấu với nguyên liệu dễ có. Chỉ trong các ngày lễ, tết, ngư
dân mới được ăn thịt lợn nhưng cách nấu nướng không cầu kỳ, chủ yếu là món luộc.
Sau năm 1955, khi mới định cư, cuộc sống chưa ổn định hẳn, thu nhập chủ yếu của
các gia đình dựa vào nghề đáy và xăm ở cửa sông nên ăn uống của ngư dân vẫn còn kham
khổ. Sau một thời gian định cư (khoảng những năm 1970), tham gia lao động trong HTX, có
tàu đánh ven bờ nên nguồn lợi khá phong phú. Sau khi bán đủ sản phẩm cho HTX, ngư dân
được sử dụng một số loại thủy, hải sản để chế biến các món ăn hàng ngày như: Canh cá
khoai; Canh cua biển; Gỏi cá mai; Bong bóng cá sủ nấu bánh đa; Mắm chắt.
Hiện nay, các món ăn hàng ngày của ngư dân ngoài cá còn có thịt, đậu, trứng… Bên
cạnh một số món mang đặc trưng riêng như món canh và món gỏi, ngư dân chế biến các món ăn
gần giống cư dân trong nội đồng. Tuy nhiên, các món ăn từ cá vẫn chiếm tỉ lệ nhiều hơn.
11
Từ chỗ chưa chuyển cư, ngư dân tắm rửa, giặt giũ bằng nước sông. Sau khi chuyển
cư, việc sử dụng nước ăn của ngư dân đã thay đổi căn bản. Khi chưa có nước máy, hầu hết
các gia đình xây bể gạch đựng nước mưa, đào Giếng khơi. Cách khai thác, bảo quản và sử
dụng nguồn nước của ngư dân giống như cư dân nội đồng. Điều này cho thấy, khi chuyển cư lên
bờ, các điều kiện sống thay đổi, ngư dân đã ứng xử một cách hợp lý để thích nghi.
2.1.2.3. Phương tiện đi lại
Trước năm 1955, khi còn sống dưới sông, việc đi lại của ngư dân chủ yếu bằng
thuyền. Con thuyền là “ngôi nhà”, tài sản và phương tiện để đi lại trên sông của ngư dân.
Sau năm 1955, sau khi chuyển cư lên bờ, bên cạnh việc đi lại bằng thuyền dưới
sông, ngư dân đã sử dụng phương tiện bằng xe đạp. Vào khoảng những năm 1970, nhờ có
sản lượng đánh bắt cao, đời sống ổn định, không ít gia đình trong làng đã mua được xe đạp
và trở thành phương tiện chính đi lại trên bờ của ngư dân. Hiện nay, phương tiện đi lại chính
của ngư dân dùng đi lại trên bờ là xe máy.
Nhìn chung, hiện nay đời sống vật chất của ngư dân có nhiều biến đổi so với trước đây.
2.2. Lối sống của ngư dân qua phong tục, tập quán và đời sống tinh thần
2.2.1. Lối sống của ngư dân qua một số phong tục

2.2.1.1. Cưới xin
Trước năm 1955, cuộc sống của ngư dân hoàn toàn trên thuyền, việc cưới xin của ngư
dân cũng được diễn ra đơn giản phù hợp với điều kiện sống, không có tục hỏi trầu, đón dâu. Các
thuyền đến dự đám cưới cùng nhau ăn uống thể hiện cố kết của những người họ hàng với nhau;
Sau khi người con trai kết hôn, bố mẹ gây dựng cho vợ chồng người con nghề ban đầu.
Sau năm 1955, ngư dân chuyển lên bờ, tục cưới xin từng bước hòa nhập với
tục của cư dân trong đồng, được “cải biến” theo đời sống mới. Các thủ tục trong đám
cưới: hỏi trầu, đón dâu, dựng rạp trước một hôm tổ chức lễ cưới, làm cỗ mời các gia
đình trong làng đến ăn uống, người đến dự có tiền mừng cho gia đình nhà đám
Do đã có đất và nhà trên bờ nên sau khi lấy vợ, người con trai ở chung với bố mẹ nhưng
được bố mẹ sắm cho nghề để làm riêng. Sau một thời gian làm ăn, có được tiền, vợ chồng người
con được bố mẹ chia cho một phần đất xây nhà. Những gia đình có nhiều con trai, đến tuổi trưởng
thành thường được bố mẹ lo lấy vợ, dựng nghề và lần lượt cho các con ra ở riêng.
12
2.2.1.2. Tang ma
Trước năm 1955, theo luật bất thành văn, ngư dân sống dưới sông không được chôn người
chết ở trong đồng, chỉ được chôn ở sát mép sông. Khi có người thân qua đời nếu ở quê cũ còn họ
hàng, ngư dân thường đóng mảng chuối để đặt linh cữu dùng thuyền kéo về quê để chôn.
Sau năm 1955, việc chôn người chết không vất vả như trước, ngư dân không phải đưa người
quá cố về quê cũ để chôn mà chôn tại quê mới; song do có nhà cửa gắn với khuôn viên rộng, nên việc tổ
chức tang lễ đàng hoàng hơn. Các nghi thức của tang lễ được thực hiện theo “Thọ Mai gia lễ”.
Khi các điều kiện sống thay đổi, các mối quan hệ làng xóm, phong tục, sinh hoạt và
hỗ trợ trong dòng họ có những biến đổi. Điều đó nói lên sự thích ứng của ngư dân từ chỗ là
vạn chài đến làng ngư nghiệp để hòa nhập với cuộc sống trên bờ.
2.2.2. Lối sống ngư dân qua tín ngưỡng
Cuộc sống mưu sinh vất vả, phải ứng phó với những nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ nên
ngư dân tin tưởng vào sự che trở của thần linh. Điều đó tạo nên tín ngưỡng, một số phong tục và
kiêng kỵ của ngư dân. Ngư dân Nam Hải cũng như nhiều nhóm ngư dân khác, có những nét
chung của tín ngưỡng giống cư dân nội đồng, đó là thờ cúng tổ tiên và thành hoàng làng. Tuy
nhiên, thờ cúng tổ tiên và thành hoàng của ngư dân vẫn mang sắc thái riêng.

2.2.2.1. Thờ cúng tổ tiên
Dù sống lênh đênh trên thuyền, ngư dân vẫn bố trí nơi thờ cúng tổ tiên của mình.Trên con
thuyền là ngôi nhà của ngư dân, họ để một ban thờ trong khoang giữa bên mạn lái (bên phải) và
thờ cúng ông bà, cha mẹ. Cuộc sống dưới sông khó khăn đồ lễ trên ban thờ chủ yếu là hương, hoa
hoặc có thêm quả. Đến ngày kỵ của ông bà, cha mẹ, con cháu làm mâm cơm cúng trên thuyền,
thực phẩm dùng trong ngày giỗ chủ yếu là thịt lợn. Hiện nay, ngư dân vẫn giữ được giá trị của việc
thờ cúng đó là nhớ về cội nguồn, tôn kính người đã mất. Điều đặc biệt, sức mạnh của giá trị tâm
linh, sự tin tưởng của ngư dân vào thế giới siêu nhiên - thế giới của người chết, tin vào sự phù hộ
của tổ tiên cho các con cháu làm ăn, tránh được những hiểm nguy.
2.2.2.2. Thờ thành hoàng
Ngư dân Nam Hải có tín ngưỡng giống như nhiều làng xã Việt, thờ thành hoàng có nguồn
gốc từ Nhân thần. Tìm hiểu nguồn gốc thờ thành hoàng của ngư dân làng Nam Hải cho thấy: tại quê
gốc của ngư dân Nam Hải là làng Thượng Triệt thờ Yết Kiêu, danh tướng thời Trần. Hàng năm, dân
làng phải về quê gốc để bái tạ thành hoàng và tham gia hội làng (23 tháng Một).
13
Sau hòa bình lập lại, việc thờ cúng, hội hè tại quê cũ hầu như không còn được duy
trì. Ngư dân đã mua lại nhà kho của HTX, sửa sang lại thành ngôi đền làm nơi thờ thành
hoàng làng. Đền có ba gian, gian giữa thờ Yết Kiêu, gian phải thờ mẫu và bên trái thờ các
quan. Với chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2011, ngư dân được cấp một khu đất
xây lại đền. Các gia đình trong làng và những người con của làng đang sống ở nước ngoài
đã góp tiền của, công sức xây dựng ngôi đền thờ thành hoàng khang trang.
Hội đền Yết Kiêu với trung tâm là đua thuyền rồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của
ngư dân, đồng thời thể hiện cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng. Qua lễ hội, ngư dân
góp phần bảo tồn và phát triển các yếu tố văn hóa truyền thống, làm phong phú những giá
trị văn hóa làng ven biển.
2.2.2.3. Lễ ở miếu thờ Quan Chánh
Gần làng chài, phía bên kia bờ sông có ngôi miếu do những người làm nghề sông,
biển tại khu vực cửa sông lập nên thờ vị thần có tên Quan Chánh. Tàu thuyền đi qua lại nơi
đây vẫn vào miếu lễ để cầu mong gặp may mắn. Ngư dân ở những làng quanh đó cũng
thường đến miếu lễ. Từ khi định cư, vào ngày rằm, mùng một, cuối năm, đầu năm, ngư dân

thường mang đồ lễ đến miếu cúng khấn cầu mong vị thần che trở cho họ.
2.2.2.4. Thờ Phật
Trước 1955, tín ngưỡng thờ Phật chưa có đối với ngư dân. Như đã nói, ngư dân tham dự
lễ hội tại đình làng, chưa đi lễ ở chùa. Chỉ có những người đàn ông tham gia lễ hội tại đình.
Sau 1955, cùng với việc thờ thành hoàng, trong những năm gần đây, một số cư dân
làng Nam Hải còn thờ Phật, xuất phát từ mong muốn những điều tốt lành, không gặp những
rủi ro bất trắc khi làm nghề. Đội Pháp hoa (Hội quy) của làng gồm những người phụ nữ độ
tuổi từ trung niên trở lên theo tín ngường thờ Phật. Những thành viên trong đội Pháp hoa
thường đi lễ tại chùa gần làng và một số chùa trên địa bàn huyện.
2.2.3. Những điều kiêng kỵ
Cùng với các lễ thức thờ cúng các vị thần, ngư dân còn có những điều kiêng kỵ riêng,
với quan niệm tránh gặp những điều không may trong cuộc sống. Một số kiêng kỵ điển hình
là: Kiêng phụ nữ có mang xuống thuyền; Đi thăm bà đẻ về không xuống thuyền
2.3. Lối sống ngư dân qua đời sống xã hội
2.3.1. Lối sống ngư dân qua đời sống gia đình
2.3.1.1. Đời sống gia đình ngư dân trước năm 1955
14
Quan hệ bố mẹ - con cái trước kia tương đối đồng thuận. Bố mẹ có trách nhiệm nuôi
con, truyền đạt cho con kinh nghiệm lao động, lo dựng vợ gả chồng cho con cái.
Quan hệ vợ chồng được xây dựng trên cơ sở tôn trọng nhau và cùng lo toan gánh vác
công việc nên gia đình có cuộc sống khá êm ấm. Mặc dù có sự phân biệt về quyền lực giữa vợ và
chồng nhưng không tạo nên những áp lực trong đời sống gia đình. Tuy người đàn ông có vai trò
lớn nhất trong gia đình nhưng sự cần cù, chịu khó để mưu sinh đã hình thành sự cảm thông, chia
sẻ với người vợ một nắng hai sương cùng họ. Tất cả những điều này đã góp phần tạo nên phong
cách của những gia đình ngư dân nơi cửa sông Văn Úc: gia đình yên ấm, vợ chồng, con cái bảo
ban nhau chịu khó làm ăn, tích cóp để hy vọng có sự đổi đời đến với họ.
2.3.1.2. Đời sống gia đình của ngư dân từ năm 1955 đến 1986
Quan hệ giữa bố mẹ và con cái vẫn giữ được tính chất như giai đoạn trước. Con cái tôn
trọng bố mẹ, bố mẹ lo dựng vợ gả chồng cho con. Quan hệ vợ - chồng có một chút biến đổi so
với giai đoạn trước. Người đàn ông vẫn giữ vai trò chính trong gia đình nhưng người phụ nữ cũng

có vai trò quyết định. Việc làm ăn tập thể trong HTX khiến cho cả phụ nữ và nam giới đều phải
tham gia công việc chung. Điều này đặt người phụ nữ có vị trí, vai trò trong tập thể không kém gì
so với nam giới. Từ đó, ít nhiều đã ảnh hưởng đến vị trí của người phụ nữ trong gia đình.
2.3.1.3. Đời sống gia đình của ngư dân từ năm 1986 đến nay
Ngày nay, do đã có đất và nhà trên bờ nên sau khi lấy vợ, người con trai vẫn ở chung
với bố mẹ và được bố mẹ sắm cho bộ đồ nghề để làm riêng. Sau một thời gian làm ăn, có
vốn liếng, được bố mẹ chia cho một phần đất xây nhà. Giữa bố mẹ và con cái đang có những
khoảng cách về suy nghĩ, về giá trị của cuộc sống. Mối quan hệ vợ - chồng của ngư dân có
nhiều biến đổi so với trước đây. Trong những gia đình làm dịch vụ, buôn bán (thường là
gia đình hạt nhân trẻ) thì người phụ nữ thay chồng quyết định mọi công việc.
Nhìn chung, đời sống gia đình ngư dân trước đây so với hiện nay có nhiều điểm biến đổi, đó
là trong mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái; giữa vợ và chồng. Mối quan hệ truyền thống trong gia
đình về cơ bản vẫn giữ được như con cái tôn trọng ông bà, bố mẹ. Song do những ảnh hưởng từ điều
kiện xã hội nên thế hệ trẻ thiên về lối sống hưởng thụ, bị cuốn theo những giá trị vật chất dẫn đến sự
khác biệt lớn giữa các thế hệ trong gia đình về quan điểm và thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống.
2.3.2. Quan hệ dòng họ
15
Trước năm 1955, chưa có dòng họ nào có nhà thờ họ, các chi trong dòng họ cắt cử phiên
nhau làm cỗ để tế đám ở đình làng. Nếu đến lượt chi của họ mình làm cỗ, ngư dân phải về quê từ
tháng Một, Chạp để chuẩn bị.
Sau năm 1955, sau khi được chuyển cư lên bờ, các sinh hoạt dòng họ không còn tổ
chức ở quê cũ nữa mà chuyển tại nơi lập cư mới; song do điều kiện kinh tế khó khăn
cùng các nguyên nhân khác, các dòng họ chưa xây dựng được nhà thờ.
Quan hệ dòng họ sau định cư cho thấy xu hướng cố kết dòng họ của ngư dân qua giỗ tổ
(chạp họ), xây nhà thờ họ, hỗ trợ nhau khi gia đình trong họ có công việc lớn (tang ma, cưới xin ),
hỗ trợ kinh tế bằng hình thức cho vay quỹ họ Có thể nói, đây là mặt tích cực trong đời sống xã hội
của ngư dân góp phần vào việc xây dựng bộ mặt văn hóa của nông thôn mới hiện nay.
2.3.3. Phân tầng xã hội và quan hệ xã hội trong cộng đồng ngư dân
Từ năm 1990, với kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường làm cho sự phân tầng
trong cộng đồng ngư dân làng chài bộc lộ và ngày càng nới rộng khoảng cách giữa các hộ giàu;

hộ khá; hộ trung bình; hộ nghèo.
Sự phân tầng xã hội và quan hệ cộng đồng của ngư dân trước đây và hiện nay có sự
khác biệt rất rõ ràng. Trước đây, các gia đình có mối quan hệ hòa đồng, thân thiện nên
không có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Hiện nay, mỗi gia đình có thế mạnh riêng với: tiềm
lực kinh tế; thu nhập; mức sống; khác nhau dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong làng thể
hiện rõ nét, cố kết cộng đồng giảm dần làm mờ đi mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.
Tiểu kết Chương 2
Ngư dân Nam Hải có gốc từ làng Thượng Triệt, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, vì
nhiều lý do đã “trôi giạt” xuống khu vực cửa sông - cửa biển Văn Úc để mưu sinh bằng
nghề đáy, xăm, bắt cá ăn vụng và đánh tép. Phương thức mưu sinh này gắn chặt ngư dân với
con thuyền lênh đênh tháng ngày ở cửa sông, cửa biển, quy định diện mạo về nếp ăn, nếp ở,
các phong tục, tín ngưỡng của ngư dân.
Từ những người ngụ cư, thân phận thấp kém, ngư dân được chuyển lên bờ, xây dựng
thành xóm làng đông đúc, hình thành hệ thống chính trị của một thôn làng độc lập, ngang
bằng với các làng trên bờ. Các sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống được duy trì với các di
tích riêng, kết hợp với các yếu tố của quê gốc với các yếu tố văn hóa của vùng ven biển.
16
CHƯƠNG 3
LỐI SỐNG NGƯ DÂN LÀNG CHÀI NGỌC SƠN
3.1. Lối sống của ngư dân qua phương thức mưu sinh và đời sống vật chất
Mang đặc điểm của dân “thủy cư” nhưng đời sống vật chất của ngư dân Ngọc Sơn trước
và sau năm 1998 có một số điểm biến đổi. Bắt đầu từ năm 1998, lần đầu tiên, ngư dân được đưa
lên bờ học chữ và nhận được sự hỗ trợ từ dự án của tổ chức Tầm nhìn thế giới. Qua phản ánh và
phân tích về đời sống vật chất cho thấy phần nào lối sống ngư dân và sự biến đổi của nó.
3.1.1. Lối sống của ngư dân qua phương thức mưu sinh
3.1.1.1. Phương thức mưu sinh của ngư dân trước năm 1998
Trước năm 1998, với điều kiện của dân “thủy cư”, ngư dân sống hoàn toàn dưới
sông, sử dụng các công cụ đánh bắt khá đơn giản: Đăng tre; Đăng lưới, Xiếc; Quăng chài;
Đăng đọn;Xăm rươi. Trước năm 1998, công cụ mưu sinh của ngư dân chủ yếu làm từ tre và
lưới cước, hình thức đánh bắt thủ công, manh mún. Điều kiện sống eo hẹp, cùng với hạn chế

trong nhận thức, ngư dân chỉ quanh quẩn kiếm ăn ở ven bờ sông, không vươn ra cửa sông,
cửa biển nên đời sống kinh tế của các gia đình khó khăn, mức sống thấp.
3.1.1.2. Phương thức mưu sinh của ngư dân từ năm 1998 đến nay
Nhờ một số chương trình, dự án phát triển của chính quyền và các tổ chức xã hội
trong và ngoài nước với sự hỗ trợ về vốn, nhiều gia đình đã mua thêm một số loại ngư lưới
cụ để mở rộng hình thức mưu sinh:Lờ bát quái; Lặn.
Hiện nay, ngư dân sử dụng lưới trong đánh bắt là phổ biến, họ đã tính toán các loại
lưới cho phù hợp với: các loại cá, nơi đánh, thời điểm đánh cá. Cách tính toán này giúp ngư
dân đánh được cá và tránh bị hỏng lưới. Hỗ trợ cho lưới, ngư dân sử dụng kích điện để bắt
cá. Bên cạnh mưu sinh chủ yếu bằng chài lưới, ngư dân làm thêm một số nghề phụ: Buôn
than vét; Buôn dầu;Lặn thuê; Vớt phế liệu trên sông.
3.1.1.3. Một số công việc như những nghề phụ
Bên cạnh mưu sinh chủ yếu bằng chài lưới, một bộ phận ngư dân trong làng còn làm
thêm một số công việc như buôn than vét, buôn dầu, vớt phế liệu trên sông, tuy thu nhập
không cao nhưng cũng góp phần giúp ngư dân trang trải cuộc sống.
Nhìn chung, mưu sinh của ngư dân từ trước và sau năm 1998 có nhiều biến đổi.
Nguyên nhân của sự biến đổi ấy là do điều kiện tự nhiên thay đổi; ảnh hưởng của một số
17
yếu tố xã hội (sự hỗ trợ bằng vật chất của các tổ chức, cá nhân; trẻ em được học chữ ); nhu
cầu vật chất và tinh thần của ngư dân ngày càng nhiều.
3.1.2. Lối sống của ngư dân qua đời sống vật chất
3.1.2.1. Lối sống của ngư dân qua nơi ở
Con thuyền vừa là công cụ sản xuất, vừa là ngôi nhà của ngư dân. Từ trước đến nay, ngư dân
đã lựa chọn các chất liệu làm thuyền khác nhau: Thuyền nan (mủng tre, mủng ba thang), Thuyền gỗ,
Thuyền sắt, Thuyền xi măng. Thuyền có chiều dài khoảng 3,5 - 5m, rộng 2,5m, được chia làm ba
khoang: khoang mũi, khoang giữa và khoang lái. Khoang mũi để nghề và nước ăn, khoang giữa để
ngủ, nghỉ và là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình, khoang lái để đun nấu. Số lượng người sinh sống
trên thuyền từ 4 đến 9 người. Khoang mũi và khoang lái đều có mui để che mưa che nắng (mui thuyền
có thể tháo ra khi cần thiết). Sàn thuyền được ghép bằng các tấm gỗ. Dưới sàn của các khoang được tận
dụng chứa các đồ đạc, vật dụng sinh hoạt của gia đình.

Từ năm 1998 đến đầu những năm 2000, ngư dân vẫn ở trên những con thuyền xi
măng đậu trên bãi lầy của sông Lạch Tray, mọi sinh hoạt chủ yếu vẫn diễn ra trên thuyền.
Để đi được lên bờ, ngư dân phải bắc cầu kiểu độc mộc nối từ thuyền lên bờ đê sát bãi sông.
Từ năm 2011, tùy từng điều kiện của gia đình, mỗi hộ trong làng chài dựng một căn
lều nhỏ khoảng trên dưới 10m
2
trên bãi bồi của sông Lạch Tray, đưa con cái lên đó ăn ngủ,
đi học. Sự dịch chuyển từ con thuyền dưới sông đến những căn lều tạm ngay sát mép sông
chưa thể thay đổi cuộc sống ngư dân.
3.1.2.2. Lối sống của ngư dân qua việc ăn
Trước năm 1998, nguồn thức ăn chủ yếu của ngư dân từ sản phẩm đánh bắt được. Hàng
ngày, ngư dân chài lưới được con gì thường mang lên bờ đổi lấy gạo, họ chỉ để lại một ít tôm, cá
nhỏ để làm thực phẩm trong bữa ăn. Cuộc sống lênh đênh sông nước để chài lưới, kiếm ăn nhưng
ngư dân không được thưởng thức món ăn ngon từ những con cá to do chính họ đánh bắt được.
Nhu cầu được ăn no của các thành viên trong gia đình còn chưa được đảm bảo nên việc được ăn
ngon cũng chỉ xuất hiện trong suy nghĩ của họ chứ khó trở thành hiện thực.
Sau năm 1998, nhờ có sự hỗ trợ bằng vật chất của các tổ chức, cá nhân trên bờ nên thỉnh
thoảng ngư dân được hỗ trợ gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm,… Vì vậy, bữa ăn của ngư dân có
nhiều điểm khác so với trước. Một số loại thực phẩm như đậu, thịt thỉnh thoảng cũng xuất hiện
trong bữa ăn của ngư dân. Cuộc sống của ngư dân đã khá hơn trước một chút nên những khi có
18
công to việc lớn ngư dân thường làm vài món mời anh em, họ hàng. Việc ăn của ngư dân phần
nào thể hiện đời sống vật chất nghèo nàn, nhu cầu ăn ngon chưa được thỏa mãn.
3.1.2.3. Lối sống của ngư dân qua phương tiện sinh hoạt và đi lại
Trước 1998, ngoài con thuyền dùng để ở và làm nghề, ngư dân không có phương tiện
sinh hoạt nào có giá. Thuyền để làm nghề và cũng là phương tiện đi lại chính của ngư dân.
Họ không có xe đạp, xe máy đi lại khi có công việc cần thiết trên bờ.
Từ năm 1998, nhờ chính quyền phường Ngọc Sơn tạo điều kiện và sự giúp đỡ ban
đầu của các tình nguyện viên trong một số chương trình, dự án của các tổ chức trong và
ngoài nước, cùng sự tích lũy của ngư dân, nhiều gia đình bắt đầu có một số phương tiện sinh

hoạt, phương tiện đi lại, sử dụng điện nước sạch trong sinh hoạt.
Đời sống vật chất của ngư dân hiện nay so với trước đây đã có thay đổi đáng kể. Điều kiện
ăn, ở, đi lại đã tốt hơn. Tuy nhiên, với điều kiện sống và lao động dưới sông nên cuộc sống của
ngư dân rất bấp bênh, phụ thuộc vào nguồn lợi, vào dòng nước và may rủi.
3.2. Lối sống của ngư dân qua đời sống tinh thần
3.2.1. Lối sống của ngư dân qua các lễ tiết trong năm
Việc tham dự các buổi lễ tại Thánh đường là một phần trong cuộc sống của ngư dân.
Thực hành các nghi lễ trong năm thể hiện đức tin của mỗi cư dân trước chúa, niềm tin của
ngư dân vào đấng tối cao, vào sức mạnh của Chúa giúp họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các lễ tiết trong năm của ngư dân làng chài Ngọc Sơn: Lễ Tro; Lễ lá (13/2);Lễ Phục sinh;
Lễ Thánh Quan Thầy họ đạo; Lễ Cầu hồn; Lễ Giáng Sinh.
Việc tham gia vào các lễ tiết trong năm và thực hành các bí tích của ngư dân từ trước và sau
khi đậu thuyền cố định và hình thành họ đạo có những biến đổi căn bản. Là một họ đạo trong Hội
đồng giáo xứ Cựu Viên, việc hành lễ của ngư dân gắn với các hoạt động tại nhà thờ cùng các họ
đạo khác theo đúng giáo luật, có tổ chức và mang tính cộng đồng. Điều đó nói lên tính cố kết cộng
đồng của ngư dân theo tín ngưỡng chặt chẽ hơn trước cũng như việc giao tiếp, giao lưu văn hóa
với giáo dân trên bờ sâu hơn. Việc thực hành tín ngưỡng của ngư dân không chỉ là biểu hiện của
niềm tin tôn giáo mà còn chứa đựng nhu cầu được giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ.
3.3. Lối sống ngư dân qua đời sống xã hội
3.3.1. Lối sống của ngư dân qua mối quan hệ trong họ đạo
Sự hình thành họ đạo riêng và tham gia một cách có tổ chức các hoạt động tại nhà thờ 50
và nhà thờ xứ Cựu Viên không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn phản ánh các mối quan hệ xã
19
hội của ngư dân. Trong mối quan hệ với giáo dân trên bờ, ngư dân được giao lưu, chia sẻ những
khó khăn về vật chất và tinh thần. Trong điều kiện cuộc sống thiếu thốn, bế tắc, ngư dân mong
được những người xung quanh đồng cảm, giúp đỡ, mong được nói lên tiếng nói dù là yếu ớt của
mình, phần nào thỏa mãn được nhu cầu giao lưu, chia sẻ những khó khăn của cuộc sống.
3.3.2. Lối sống của ngư dân qua bí tích rửa tội
Đối với ngư dân Ngọc Sơn, rửa tội là một nghi thức không thể thiếu trong cuộc đời
của họ. Bí tích này tiến hành khi đứa trẻ chào đời được một tháng. Cha mẹ đứa trẻ phải thông

báo cho Hội đồng giáo xứ, để trình cha xứ định ngày rửa tội. Đích thân cha mẹ, đặc biệt là người
mẹ, phải đưa con đến nơi rửa tội. Khi rửa tội cần có người đỡ đầu, thường là một người giáo
dân tốt, được lựa chọn trước. Cha cố lấy nước lã tinh khiết dội lên da đầu và trán đứa trẻ,
vừa đổ vừa đọc“Rửa con, nhân danh cha, con và thánh thần”, như là bước đầu tiên để
người chịu lễ vào Hội thánh và chịu các bí tích khác.
3.3.3. Lối sống của ngư dân qua mối quan hệ trong cưới xin
Những người theo Công giáo khi xây dựng gia đình phải thực hành nghi thức cưới tại
nhà thờ. Trong sách Công giáo có quy định cụ thể về “Các thủ tục và nghi lễ hôn phối”. Đó là
phải tiến hành các thủ tục theo “giáo luật”. Trước đây, lễ cưới của ngư dân chỉ có những người
cùng chài lưới tham dự. Hiện nay, lễ cưới của ngư dân tại nhà thờ không chỉ có cư dân trong
làng chài mà còn có cả giáo dân trên bờ và người quen, bạn bè là những bên Lương đến dự.
3.3.4. Lối sống của ngư dân qua mối quan hệ trong tang ma
Khi một gia đình trong làng có tang, bên cạnh người thân, con cháu tiến hành các
công việc cần thiết, những thành viên trong Ban hành giáo họ như ông trùm, bà trương là
những người có vai trò đảm nhận những công việc với cha và nhà thờ để tiến hành nghi lễ
với người chết. Do phải mang đi nơi khác chôn nên chỉ có người thân và một số người trong
làng đi cùng linh cữu người chết. Sau khi chôn người chết, gia đình tang chủ không tổ chức
cúng 3 ngày hay 49 ngày, không tổ chức ăn uống như ngư dân không theo đạo.
3.3 5. Những biến đổi về xã hội và văn hóa của ngư dân
Trước năm 1998, ngư dân sống như một “thế giới riêng”, biệt lập với cư dân trên bờ. Trẻ
đẻ ra không có giấy khai sinh, vợ chồng lấy nhau không đăng ký kết hôn. Người lớn và trẻ con
đều không biết chữ. Từ năm 1998, với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở trên bờ, lối sống của
ngư dân Ngọc Sơn có những thay đổi rõ rệt: Ngư dân biết nhận mặt chữ, trẻ em được học hết
20
chương trình tiểu học. Nhờ tham gia vào lớp học tình thương, ngư dân được giao lưu, tiếp xúc
với các tình nguyện viên, với một số cư dân trên bờ. Trẻ em trong làng đến tuổi đi học được đưa
lên bờ học hòa nhập, được làm giấy khai sinh, hưởng dịch vụ chăm sóc y tế, được tham gia vào
câu lac bộ “Ước mơ”, có sân chơi tại làng ; người dân được tham gia hoạt động như Tết cho
dân chài, khi xây dựng gia đình được đăng ký kết hôn
Nhìn chung, đời sống văn hóa, xã hội của ngư dân bước đầu đã có những thay đổi nhưng

họ vẫn chưa thể hòa nhập được với cuộc sống trên bờ bởi còn thiếu và yếu về mọi mặt.
Tiểu kết chương 3
Đến mưu sinh tại Ngọc Sơn từ những năm 90 của thế kỷ XX, ngư dân không có đất
và nhà ở trên bờ, phải sống trên thuyền, cuộc sống tách biệt hẳn với cuộc sống trên bờ, mưu
sinh chủ yếu là chài lưới, với các hình thức nhỏ, thủ công. Nguồn tôm, cá trong sông ngày
càng ít đi làm cho cuộc sống của ngư dân bấp bênh, nghèo khó. Trẻ em, người lớn thất học,
hạn chế kỹ năng giao tiếp, ít có cơ hội giao lưu, tìm kiếm việc làm trên bờ, tính cộng đồng
không cao, khó hòa nhập cuộc sống cùng cư dân bản địa.
Với việc theo đạo Thiên chúa, làng chài là một họ đạo thuộc giáo xứ Cựu Viên. Các
sinh hoạt văn hóa của ngư dân diễn ra theo nghi lễ nhà thờ. Qua tham dự các nghi lễ, ngư
dân được thỏa mãn nhu cầu về tôn giáo, tín ngưỡng, có cơ hội giao lưu với giáo dân trên bờ.
Từ năm 1998 đến nay, ngư dân bắt đầu nhận được sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của
chính quyền phường Ngọc Sơn, các tổ chức, cá nhân trên bờ nên cuộc sống của họ bước đầu đã
có những biến đổi. Tuy vậy, khả năng tự lực của nhóm ngư dân trong sông còn rất yếu. Với trình
độ và vốn xã hội của mình, ngư dân không thể tự tìm kiếm việc làm ổn định trên bờ.
CHƯƠNG 4
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
4.1.Kết quả
4.1.1. Luận án vận dụng những vấn đề lý luận về lối sống để nghiên cứu lối sống của
ngư dân
Luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận về lối sống, tổng hợp các quan điểm chính
trong nghiên cứu về lối sống, xác định các chỉ báo của lối sống. Đây là cơ sở để tác giả
nghiên cứu lối sống ngư dân ở hai địa bàn nghiên cứu theo các trục cụ thể mà trước đó chưa
có tác giả nào trong và ngoài nước bàn đến.
21
4.1.2. Luận án nghiên cứu xu hướng biến đổi lối sống của ngư dân
Trên cơ sở phánh ánh và phân tích về lối sống và sự biến đổi lối sống của hai nhóm ngư dân ở thời
điểm trước đây và hiện nay, luận án đã chỉ ra xu hướng biến dỏi lối sống của hai nhóm ngư dân này. Cụ
thể, luận án chỉ ra xu hướng biến đổi về đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đời sống xã hội.
4.2. Bàn luận

4.2.1. Những điểm tương đồng
Có thể nói, dù có xu hướng biến đổi lối sống khác nhau, xét về nguồn gốc và một số
điều kiện mưu sinh, hai nhóm ngư dân vẫn có những điểm tương đồng. Luận án đã chỉ ra
điêm giống nhau về nguồn gốc xuất thân, sự phụ thuộc vào nguồn lợi trong tự nhiên, sự đúc
kết kinh nghiệm qua quá trình mưu sinh, sự may rủi của mỗi mẻ lưới, sự tin tường vào đáng
tối cao và những khó khăn, thách thức đặt ra với hai nhóm ngư dân
4.2.2. Những điểm khác biệt
Trên cơ sở những nội dung phản ánh khá chi tiết, đầy đủ về lối sống của mỗi nhóm
ngư dân, luận án đã chỉ ra sự khác biệt giữa họ. Đó là sự khác nhau về: thân phận, ứng xử,
đời sống văn hóa, xã hội, về ảnh hưởng của chính sách.
4.3.Khuyến nghị
Với những vấn đề đã được nghiên cứu, phân tích, làm rõ, so sánh về lối sống của hai nhóm
ngư dân, luận án đã đưa ra những khuyến nghị góp phần giúp có những chính sách phù hợp với từng
nhóm ngư dân, là cơ sở đảm bảo mỗi nhóm ngư dân có lối sống phù hợp, phát triển được bền vững.
Cụ thể: Hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước; Tìm kiếm việc làm trên bờ; Mở rộng đối tượng kết hôn;
Hộ khẩu cho ngư dân trong sông; Cải thiện mối quan hệ của ngư dân trong sông.
4.4. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
Với hai nhóm ngư dân, một ở cửa sông giáp biển, một ở trong sông mà luận án chọn
làm điểm nghiên cứu là một bộ phận trong cộng đồng ngư dân Việt Nam. Để tiếp tục phản
ánh về lối sống ngư dân, quá trình biến đổi lối sống, những điểm tương đồng và khác biệt
trong lối sống của các nhóm ngư dân, luận án đã đưa ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên
cứu, đó là: so sánh làng thủy cư ở sông và làng thủy cư ở biển, khảo sát thêm một số làng
đánh cá chuyển lên bờ, nghiên cứu những làng không thoát ly khỏi nghề đánh cá.
22
KẾT LUẬN
1. Những nghiên cứu về lối sống có cả ở phương Đông và phương Tây. Ở Việt Nam,
lối sống đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tiếp thu các kết quả của các
công trình đã công bố, luận án giới hạn một số trục cơ bản của lối sống là đời sống vật chất,
đời sống tinh thần, đời sống xã hội để nghiên cứu.
2. Cư dân làng chài Nam Hải có nguồn gốc từ nhóm “thủy cư” ở làng Thượng Triệt, tổng

Thượng Triệt, phủ Nam Sách, Hải Dương (nay là xã Thượng Đạt, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải
Dương). Với điều kiện tự nhiên và xã hội ở khu vực cửa sông giáp biển đã ảnh hưởng có tính chất
quyết định đến lối sống của cư dân trong làng. Trước định cư (trước 1955), ngư dân phải sống lênh
đênh trên thuyền, tách khỏi làng xã để kiếm ăn. Phương thức mưu sinh gắn chặt ngư dân với con
thuyền đã quy định diện mạo về nếp ăn, nếp ở, các phong tục, tín ngưỡng của ngư dân. Nhờ có chính
sách định cư của Nhà nước (năm 1955), ngư dân chuyển lên bờ sinh sống, từ ở thuyền dưới sông
chuyển lên ở nhà trên bờ đã tạo ra những thay đổi trong nếp ăn, nếp ở. Với sự hỗ trợ của Sở Thủy sản
Hải Phòng, ngư dân đã linh hoạt mở rộng hình thức mưu sinh, vươn ra khai thác nguồn lợi ngoài khơi
giúp họ có được đời sống vật chất; đời sống tinh thần và đời sống xã hội phong phú. Đặc biệt, lễ hội
đền Yết Kiêu giáo dục thế hệ sau về truyền thống của làng, thu hút khách các nơi về thưởng thức và
giao lưu tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa khá phong phú và đa dạng, góp phần vào việc bảo
lưu và phát triển văn hóa làng ven biển. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lợi ven bờ suy giảm, sự biến đổi
khí hậu, giá xăng dầu tăng làm ngư dân đang gặp khó khăn trong hoạt động đánh bắt. Ngư dân Nam
Hải đang biến đổi lối sống theo hướng nhạt phai một số giá trị truyền thống.
3. Với nguồn gốc là những cư dân nông nghiệp bị thất thế, phải tách khỏi làng xã, sống
lênh đênh trên thuyền tìm đến những khúc sông mưu sinh bằng chài lưới. Ngư dân làng chài Ngọc
Sơn mang đặc điểm của dân “thủy cư - tứ không”. Mức sống thấp, chất lượng sống không đảm
bảo là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe ngư dân và cảnh quan môi trường. Từ năm 1998, ngư
dân bắt đầu nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trên bờ giúp họ cải thiện một số điều
kiện vật chất và tinh thần. Tuy vậy, khả năng tự lực vươn lên của ngư dân Ngọc Sơn là rất yếu với
tiềm lực kinh tế hạn chế về nhiều mặt, việc ngư dân tự định cư là không thể thực hiện. Ngư dâ. Dù
đã cố gắng để thích nghi nhưng ngư dân vẫn hình thành lối sống tù túng, bế tắc.
4. Điều kiện môi trường cư trú khác nhau quy định lối sống của hai nhóm ngư dân (một ở
trong sông và một ở cửa sông). Ngoài những điểm tương đồng như nguồn gốc xuất thân, sự may rủi
trong đánh bắt, khó khăn thách thức do nguồn lợi cạn kiệt thì sự khác biệt về lối sống của hai cộng
23
đồng ngư dân hiện nay là rất rõ ràng. Ngư dân cửa sông đã có vị trí xã hội và tiếng nói trong cộng
đồng, bảo lưu và tích lũy các giá trị văn hóa thể hiện đậm nét văn hóa truyền thống của làng chài cửa
sông giáp biển. Trong khi nhóm ngư dân trong sông không có tiếng nói, vị trí trong cộng đồng, chưa
thay đổi được thân phận, hạn chế cơ hội được tiếp cận với dịch vụ xã hội Để ngư dân phát triển bền

vững, giữ gìn hệ sinh thái biển, giúp bảo vệ nguồn lợi ven bờ, đồng thời bảo tồn được những kinh
nghiệm về biển, về nghề cá thì vấn đề phát triển nghề nghiệp của ngư dân một cách quy mô, có tính
chiến lược là vô cùng cần thiết.
5. Hiện nay, biến đổi các điều kiện tự nhiên và xã hội đang đặt cả hai nhóm ngư dân
trước những khó khăn về vật chất và tinh thần, đặt ra những vấn đề trước mắt và lâu dài cần
được Nhà nước, cụ thể là cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết. Với
nhóm ngư dân ở cửa sông, việc bị mai một nghề đánh cá là rất rõ ràng. Ngư dân trẻ bỏ nghề
vì công việc vất vả, không đảm bảo được cuộc sống. Giúp ngư dân cửa sông có điều kiện
đánh bắt xa bờ là vấn đề vừa để giải quyết phương thức mưu sinh vừa bảo tồn nghề biển,
đặc biệt gắn với việc góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ quyền biển đảo.
6. Mỗi nhóm ngư dân biến đổi lối sống theo xu hướng riêng. Nhóm ngư dân cửa sông có xu
hướng bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống mà cụ thể là những yếu tố văn hóa làng ven biển.
Nhóm ngư dân trong sông có xu hướng chuyển lên bờ sinh sống nhưng hạn chế về nhiều mặt.
7. Ảnh hưởng từ chính sách của Nhà nước đến việc nâng cao đời sống của các nhóm ngư dân
là rất rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng giúp mỗi nhóm ngư dân phát huy nội lực, biến đổi lối sống
phù hợp với các điều kiện sống, góp phần xây dựng đất nước bình đẳng, văn minh, tiến bộ. Do vậy,
Nhà nước cần kịp thời có chính sách hợp lý đối với cả nhóm ngư dân ở cửa sông và trong sông nhằm
ổn định các mặt của đời sống, đặc biệt là giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
8. Việc vận dụng các thuyết sinh thái học văn hóa, không gian xã hội và biến đổi văn hóa
trong luận án giúp phân tích và phác họa một cách chi tiết lối sống của hai nhóm ngư dân, trong đó đã
chỉ ra lối sống của ngư dân chịu ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản: điều kiện tự nhiên, xã hội; chính
sách của Nhà nước; nhận thức, năng lực, trình độ, vốn xã hội và hoạt động sống của ngư dân… Phát
triển nghề cá ở Việt Nam nói chung và từng địa vực nói riêng cần thiết phải gắn với ổn định đời sống
ngư dân, định hướng lối sống ngư dân gắn với ngư nghiệp và các giá trị văn hóa của làng chài.
24
PREAMBLE
1. The urgency of the theme of the thesis
The lifestyle of the communities is the theme for which the authors both at home and
abroad have long been interested in researching under different angles. Researchers of
Ethnology/Anthropology and Cultural study have pointed out that the lifestyle depends on the

living conditions, historical and cultural factors of the communities and the lifestyles also have
manifested themselves in different forms from the above factors. Formed from subsistence mode
and conversely it serves such livelihood Research of the life style research means studying the
core of the culture of the ethnicity.
With a vast river system and the sea, large islands stretching over 3200 km, having abundant
natural resources, along the coast of Vietnam since ancient time communities there have formed up
many communities of fishermen living in the fishing villages. Generally, before 1954, and in some
groups of local fisherman at current time whose life is very poor, they tend to be separated from the
mainstream village communities, living in isolation on the boat, without having land to build house,
incorporated into the fishing villages.
Since 1954, especially since the implementation of reforms so far, numerous policies
towards the fishermen adopted by the Party and the Government as well as the efforts taken by the
communities have helped gradually improve the lives of fishermen; this is the basis for the positive
changes of their lifestyle based on the traditional way of life. This shift is manifested differently in
each fishermen community, in each region, depending on the characteristics of the habitat and a
number of other factors that should be studied in depth. Besides the positive changes, the life of the
fishermen in the regions in our country is facing many difficulties and challenges. That is, the
natural resources are being overexploited, leading to exhaustion, affecting long-term source of
subsistence; the low level of education and cultural and spiritual life.
For the above reasons, I selected the theme " The life style of the fishing village today"
(case study in the Nam Hai fishing village and Kien Thuy district and Ngoc Son fishing village,
Kien An district, Hai Phong) as a these for PhD on Anthropology, with a desire to study on the
lifestyle of the fishermen community aimed at pointing out the cultural characteristics of fishermen
and to establish scientific basis for proposing policies and measures to help the fishermen with a
sustainable development, contribute to the cause of national construction and defense, especially
firmly safeguard the sacred waters and islands of the Homeland.
25

×