Đánh giá kết quả học tập môn Ngữ Văn của học sinh theo hướng hình thành
năng lực
THÔNG TIN CHUNG
Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Hồng Vân
Đơn vị công tác: Phòng Quản lý khoa học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Điện thoại: 0912795965
Thư ký đề tài:ThS. Phạm Bích Đào; Thành viên: PGS.TS Nguyễn Tuyết Nga; PGS. TS Nguyễn Thúy
Hồng
Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2009 đến 6/2010
Mục tiêu nghiên cứu
Bước đầu đề xuất về việc xác định tiêu chí và xây dựng công cụ đánh giá kết quả học tập môn Ngữ
văn của HS THCS theo hướng hình thành năng lực của người học.
Nội dung nghiên cứu
- Cơ sở lý luận: khái niệm năng lực, vấn đề xác định mục tiêu dạy học theo định hướng phát triển
năng lực của người học, phác thảo khung năng lực cần hình thành cho HS THCS; vấn đề đánh giá
kết quả học tập môn Ngữ văn theo hướng hình thành năng lực;
- Đề xuất việc tiêu chí hóa nội dung đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn của HS THCS theo
hướng hình thành năng lực;
- Xây dựng và thử nghiệm bộ công cụ đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn của HS THCS theo
hướng hình thành năng lực;
Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu lý luận: nghiên cứu các tài liệu liên quan để xây dựng cơ sở lí luận của
đề tài.
- Phương pháp hồi cứu tư liệu: thu thập, phân tích, tổng hợp các tư liệu khoa học trong và ngoài
nước về nội dung đánh giá theo năng lực;
- Phương pháp chuyên gia;
- Thử nghiệm để kiểm nghiệm một số kết quả mà đề tài đề xuất.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1/ Về lý luận
Xác định các khái niệm cơ bản: 1/ Đánh giá: Đánh giá trong giáo dục thường quan niệm là “quá
trình thu thập và xử lý kịp thời, có hệ thống những thông tin về hiện trạng, khả năng hay nguyên
nhân của của chất lượng và hiệu quả giáo dục căn cứ vào mục tiêu dạy học, mục tiêu đào tạo; làm
cơ sở cho những chủ trương, biện pháp và hành động giáo dục tiếp theo”. Đánh giá kết quả học tập
của HS trong các môn học là “quá trình thu thập và xử lí thông tin về trình độ khả năng thực hiện
mục tiêu học tập của HS, về tác động và nguyên nhân của tình hình đó, nhằm tạo cơ sở cho những
quyết định sư phạm của GV và nhà trường, cho bản thân HS để họ học tập ngày một tiến bộ hơn”.
2/ Năng lực và năng lực ngữ văn: + Năng lực được hiểu một cách khái quát là “ khả năng cá nhân
đáp ứng các yêu cầu phức hợp và thựuc hiện thành công nhiệm vụ trong một bối cảnh cụ thể” là
“sự tích hợp các kĩ năng tác động một cách tự nhiên lên các nội dung trong những tình huống cho
trứơc để giải quyết các vấn đề do những tình huống này đặt ra”. Theo đó năng lực được xem như
điểm hội tụ của các yếu tố tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, kinh nghiệm, tinh thần sẵn sàng hành động, trách
nhiệm đạo đức của mỗi con người được bộc lộ khi đối mặt với những vấn đề của cuộc sống. +
Năng lực ngữ văn có thể và cần thiết được xác định theo 2 cách tiếp cận, năng lực chuyên môn là
các năng lực được hình thành và phát triển theo yêu cầu đặc trưng cảu môn học; Năng lực chung là
những năng lực khác mà môn Ngữ văn góp phần vào mô hình năng lực chung của người học. Năng
lực chuyên môn trong môn Ngữ văn có thể được hiểu là khả năng chiếm lĩnh khoa học về tiếng Việt
và văn học, khả năng tư duy, diễn đạt và trình bày hiểu biết của bản thân về nhữung gì HS lĩnh hội
được qua môn học. Việc xác định năng lực Ngữ văn của HS dựa trên hai yêu cầu cơ bản của việc
dạy học Ngữ văn: tiếp nhận văn bản (năng lực đọc-hiểu, giải mã văn bản được cung cấp và các văn
bản cùng loại) và tạo lập văn bản (năng lực sản sinh ra các kiểu văn bản theo những yêu cầu cụ
thể). Năng lực chung mà môn Ngữ văn cần hình thành cho HS chính là những yếu tố nằm trong
khung cấu trúc năng lực đã được nêu trên, bao gồm: năng lực tiếp nhận thông tin đa chiều của cuộc
sống; năng lực thích ứng với những thay đổi trong thực tiễn; năng lực tham gia vào các hoạt động
giao tiếp ứng xử có văn hóa; năng lực tự học, tự đánh giá và phê phán.
Xác định hai cách tiếp cận chính về đánh giá kết quả học tập: 1/ Đánh giá dựa theo chuẩn kiến
thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, cách đánh giá này thiên về đánh giá tiếp nhận
nội dung chương trình môn học; 2/ Đánh giá dựa vào năng lực: thiên về xác định mức độ năng lực
của các nhân người học so với mục tiêu đề ra của môn học. Khi đánh giá theo hướng năng lực
cũng vẫn phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học để xác định các tiêu chí thể hiện
năng lực của người học, tuy nhiên do năng lực mang tính tổng hợp và tích hợp nên các chuẩn kiến
thức, kĩ năng cần được tổ hợp lại trong mối quan hệ nhất quán để thể hiện được các năng lực của
người học, đồng thời cần xác định những mức năng lực theo chuẩn và cao hơn chuẩn để tạo được
sự phân hóa, nhằm đo được khả năng và sự tiến bộ của tất cả đối tượng người học.
2/ Về thực tiễn
- Xác định khung năng lực và các mức độ của năng lực gồm năng lực tiếp nhận văn bản và năng
lực tạo lập văn bản.
+ Năng lực tiếp nhận văn bản
Các mức độ Năng lực đọc-hiểu, tiếp nhận văn bản
Mức độ 1: Biết một số nét sơ lược về tác giả, tác phẩm, nhận diện được các loại từ ngữ, các kiểu
câu, các phương thức biểu đạt sử dụng trong văn bản
Mức độ 2: Hiểu các chi tiết tạo nên văn bản, liên kết được các từ ngữ để hiểu được mục đích sử
dụng của chúng trong văn bản
Mức độ 3: Vận dụng những hiểu biết về tác giả, tác phẩm và cách thức tìm hiểu văn bản, khái quát
được nội dung, ý nghĩa và giá trị của văn bản được học
Mức độ 4: Kết nối được các mối quan hệ bên trong để lí giải về các đặc điểm của một văn bản (đặc
điểm thể loại, giá trị, đóng góp của văn bản)
Mức độ 5: Kết nối đựợc các mối liên hệ ngoài văn bản (liên hệ, so sánh) để nhận xét đánh giá về giá
trị của các văn bản.
Mức độ 6:
Văn bản hư cấu: Thể hiện được những cảm nhận, bình luận một các sâu sắc, độc đáo và thuyết
phục về giá trị của một tác phẩm văn chương đã đọc trong cuộc sống (đồng sáng tạo với nhà văn)
Văn bản không hư cấu:Thể hiện được những suy nghĩ, bình luận sâu sắc, độc đáo về ý nghĩa tư
tưởng và các giá trị của cuộc sống qua văn bản, thể hiện sâu sắc bài học nhận thức và hành động
của cá nhân qua văn bản.
+ Năng lực tạo lập văn bản
Mức độ Năng lực tạo lập văn bản
Mức độ 1:
Nói: Biết nói theo những nghi thức giao tiếp đơn giản, thông thường;
Viết: Nêu được một số thông tin sơ lược ban đầu về đối tượng.
Mức độ 2:
Nói: Nêu được một số nội dung, thông tin cơ bản về vấn đề giao tiếp;
Viết: Nêu được một số nội dung cơ bản về đối tượng, bước đầu hình thành cấu trúc văn bản.
Mức độ 3:
Nói: Biết trình bày, trao đổi phù hợp với mục đích, đối tượng và nội dung giao tiếp;
Viết: Trình bày được một số nội dung cơ bản về một vấn đề với phương thức biểu đạt phù hợp.
Mức độ 4:
Nói: Vận dụng các cách thức giao tiếp và phương thức biểu đạt phù hợp để trình bày, trao đổi nhằm
đạt hiệu quả giao tiếp;
Viết: Vận dụng được các thao tác và phương thức biểu đạt phù hợp để giải quyết vấn đề có hiệu
quả.
Mức độ 5:
Nói: Thể hiện được năng lực giao tiếp có văn hóa, có bản lĩnh và chính kiến cá nhân, có sức thuyết
phục;
Viết: Thể hiện đựơc bản sắc và chính kiến cá nhân, có những sáng tạo độc đáo về tư duy, cảm xúc
và ngôn ngữ biểu đạt.
- Xác định các tiêu chí đánh giá: Với năng lực đọc-hiểu văn bản các văn bản hư cấu được dạy trong
Chương trình ngữ văn THCS bao gồm: văn bản tự sự, văn bản miêu tả, văn bản biểu cảm; các văn
bản không hư cấu gồm: nghị luận, thuyết minh, hành chính, công vụ. Với năng lực tạo lập văn bản,
năng lực nói bao gồm: hội thoại, thuyết trình; năng lực viết bao gồm: tạo lập các văn bản hư cấu và
các văn bản không hư cấu. Từ nội dung chương trình môn học có thể xác định yêu cầu của từng
mức độ đọc- hiểu và tạo lập văn bản.
- Xác định các chỉ số, minh chứng: các chỉ số minh chứng chính là các dấu hiệu, thể hiện nhiệm vụ,
tình huống sư phạm cho phù hợp để đo lường các tiêu chí đã xác định học tập môn Ngữ văn THCS
theo hướng hình thành năng lực.
- Xây dựng và thử nghiệm bộ công cụ đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn THCS theo hướng
hình thành năng lực: 1/ Mục đích: + Xây dựng bộ công cụ theo các tiêu chí đánh giá năng lực và thử
nghiệm, phân tích, xử lí bộ công cụ theo hướng đánh giá năng lực; + Trên cơ sở phân tích để hoàn
tất quy trình thiết kế bộ công cụ theo mục tiêu đánh giá dựa vào năng lực. 2/ Đối tượng thử nghiệm:
Trường PTCS Thực nghiệm; HS khối 9 (3 lớp, 115 HS0; Bài test. 3/ Quy trình xây dựng và thử
nghiệm bộ công cụ. 4/ Kết quả phân tích, xử lí: Dựa vào các cấp độ năng lực đã được phân chia
trong bảng ở trên và căn cứ vào năng lực của từng HS, ta có thể sử dụng phần mềm SPSS để đưa
ra thống kê về số lượng HS đạt mức năng lực nào và sắp xếp thứ tự cấp độ năng lực đạt được của
mỗi HS trên toàn bộ thang năng lực ở trên. Có thể nhìn vào mức độ đó để có những nhận xét cụ thể
về năng lực của từng HS.
3/ Một số khuyến nghị
- Bên cạnh việc đánh giá theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, có thể và cần áp dụng hướng tiếp cận đánh
giá ở một số kì thi và kiểm tra (thi HS giỏi, thi đại học). Đây cũng là bước chuẩn bị để hướng đến
chương trình đánh giá PISA.
- Khi hướng tới việc phát triển chương tình theo định hướng phát triển năng lực không chỉ xác định
các năng lực chuyên môn của môn học mà cần xác định các năng lực môn học góp phần hình
thành trong năng lực chung, để từ đó lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học phù hợp.
- Do năng lực có tính cá nhân và hướng đến việc giải quyết các tình huống thực tiễn nên khi lựa
chọn nội dung chương trình theo cách tiếp cận năng lực cần chú ý nhữung nội dung mang tính hành
dụng, phát triển tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề ở người học.
- Cần nghiên cứu hoàn thiện các bước trong quy trình đánh giá năng lực, đặc biệt là việc ứng dụng
công nghệ thông tin để từng bước đưa đánh giá trở thành khoa học, đảm bảo tính chính xác khách
quan thực sự.
TỪ KHÓA: 1/ Đánh giá giáo dục; 2/ Đánh giá kết quả học tập; 3/ Môn Ngữ văn; 4/ Năng lực; 5/
Đánh giá dựa vào năng lực; 6/ Năng lực ngữ văn.