PHÒNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO QUẬN HOÀNG MAI
TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN ĐỊNH
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
CÁC BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG VIẾT VĂN
MIÊU TẢ NGẮN THEO CHỦ ĐIỂM
CHO HỌC SINH LỚP 3
Lĩnh vực : Đổi mới dạy học môn Tiếng Việt
Tên tác giả : Hoàng Thị Vân
Chức vụ : Giáo viên
Năm học 2013 - 2014
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Bậc tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Học sinh
tiểu học phải được phát triển một cách toàn diện, được hình thành các kĩ năng cơ
bản về nghe, nói đọc, viết trong môn Tiếng Việt. Việc rèn các kĩ năng ngôn bản nói
và viết cho học sinh là nhiệm vụ chủ yếu của phân môn Tập làm văn. Từ việc nhận
thức như vậy tôi thấy cần phải giúp học sinh học tốt môn Tiếng Việt trong trường
tiểu học.
Như chúng ta đã biết, trong nhà trường tiểu học, Tiếng Việt được coi như là
một môn học nền tảng. Nó giúp học sinh biết đọc tốt, biết diễn đạt đúng bằng lời
nói và chữ viết, biết ghi lại những điều nghe được, đọc được. Đó cũng là cơ sở để
học sinh tiếp thu các môn học khác một cách dễ dàng.
Môn Tiếng Việt trong trường tiểu học bao gồm nhiều phân môn khác nhau:
tập đọc, kể chuyện, chính tả, tập viết, luyện từ và câu, tập làm văn. Trong đó Tập
làm văn là một môn học thực hành có tính chất toàn diện, tổng hợp và sáng tạo. Nó
hình thành cho học sinh hệ thống kĩ năng viết văn bản đúng với yêu cầu của đề bài.
Môn học này đòi hỏi học sinh huy động vốn tri thức, vốn sống của mình, những
hiểu biết liên quan đến nhiều môn học, nhiều mặt của đời sống, đòi hỏi học sinh
phải vận dụng nhiều năng lực, nhiều kĩ năng. Tập làm văn là phân môn quan trọng,
cần thiết cho việc học Tiếng Việt, cho việc rèn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Đi sâu
nghiên cứu, tìm hiểu phân môn Tập làm văn lớp 3, tôi thấy nội dung của phân môn
này bao gồm các vấn đề sau: hình thành và phát triển kĩ năng giao tiếp cho học sinh
(làm đơn, viết thư, khai giấy tờ, làm báo cáo, giới thiệu hoạt động), rèn kĩ năng kể
chuyện và miêu tả ngắn theo chủ điểm.
Qua thực tế giảng dạy phân môn Tập làm văn lớp 3 tôi thấy với dạng bài văn
miêu tả ngắn theo chủ điểm học sinh gặp nhiều khó khăn nhất. Các em thường lúng
2
túng trong việc chọn từ ngữ chính xác và hợp lí để diễn đạt ý văn mạch lạc, viết câu
văn ngắn gọn, trong sáng, giàu hình ảnh.
Có lẽ một trong những lí do dẫn tới những khó khăn, vướng mắc của học
sinh lớp 3 như vậy là do các em còn nhỏ tuổi, vốn sống ít, tư duy cụ thể chiếm ưu
thế, vốn từ ngữ còn nghèo, việc hiểu từ còn chậm, chưa sâu.
Từ những suy nghĩ trên tôi thấy cần thiết phải tìm ra những biện pháp giúp
học sinh học tốt hơn phân môn Tập làm văn nói chung và dạng bài miêu tả ngắn
theo chủ điểm nói riêng. Đó cũng là lí do khiến tôi đi sâu tìm hiểu việc dạy Tập làm
văn ở lớp 3, xác lập và nghiên cứu đề tài này.
Tôi hy vọng rằng với đề tài nghiên cứu này tôi không chỉ giúp học sinh học tốt
hơn phân môn Tập làm văn mà thông qua đó còn có điều kiện trao đổi kinh nghiệm
với đồng nghiệp về phương pháp dạy học Tập làm văn sao cho có hiệu quả hơn.
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn của việc dạy học phân môn Tập
làm văn lớp 3 ở tiểu học, tôi đề xuất các biện pháp rèn kĩ năng viết văn miêu tả
ngắn theo chủ điểm cho học sinh.
3. NHIỆM VỤ VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
- Nhiệm vụ nghiên cứu:
+ Nghiên cứu cơ sở lí luận của việc dạy học Tập làm văn lớp 3
+ Tìm hiểu thực tiễn công tác dạy Tập làm văn ở lớp 3, đặc biệt việc dạy viết
văn miêu tả ngắn ở khối lớp này.
+ Tìm hiểu thực trạng bài viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm của học sinh
+ Đề xuất các biện pháp rèn kĩ năng viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm cho
học sinh lớp 3.
- Phạm vi nghiên cứu:
Các biện pháp rèn kĩ năng viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm cho học sinh lớp
3 trong phân môn Tập làm văn
3
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để thực hiện đề tài này tôi đã chọn các phương pháp nghiên cứu sau:
- PP nghiên cứu lí luận: đọc, nghiên cứu và sử dụng các tài liệu có liên quan đến
đề tài
- Nghiên cứu thông qua việc khảo sát chất lượng bài viết tập làm văn của học
sinh
- Nghiên cứu qua thực tế giảng dạy, tổng kết kinh nghiệm
- Phương pháp phỏng vấn, lấy ý kiến giáo viên dạy lớp 3 và các cán bộ quản lí
chuyên môn
5. KHÁCH THỂ VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
- Khách thể nghiên cứu:
+ Những bài báo, nghiên cứu trong các tạp chí Nghiên cứu Giáo dục; chuyên
san Giáo dục tiểu học.
+ Các tài liệu bồi dưỡng chuyên đề dạy học Tập làm văn ở Tiểu học.
+ Các công trình nghiên cứu khoa học: Sáng kiến kinh nghiệm, Luận văn,
Luận án
+ Ý kiến đánh giá của giáo viên dạy lớp 3 và những người làm công tác chỉ
đạo chuyên môn ở Tiểu học.
- Đối tượng nghiên cứu:
Các biện pháp rèn kĩ năng viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm cho học sinh
lớp 3 trong phân môn Tập làm văn.
6. GIẢ THUYẾT KHOA HỌC
Nếu có những biện pháp cụ thể rèn kĩ năng viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm
cho học sinh lớp 3 thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học phân môn Tập làm
văn lớp 3 nói riêng, phân môn Tập làm văn ở tiểu học nói chung.
4
7. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI
- Cung cấp một cái nhìn khái quát về nội dung dạy học Tập làm văn lớp 3 nói
chung, dạng bài viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm nói tiêng. Những hạn chế cần
khắc phục của học sinh khi học dạng bài viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm.
- Xây dựng được hệ thống các biện pháp cụ thể để giáo viên có thể rèn luyện kĩ
năng viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm cho học sinh lớp 3, góp phần nâng cao
hơn nữa chất lượng, hiệu quả dạy học phân môn Tập làm văn ở khối lớp này.
- Trên cơ sở hệ thống các biện pháp được nêu ra, giáo viên có thể rút kinh nghiệm,
áp dụng một cách linh hoạt trong hoạt động dạy- học của mình để có thể làm giàu
vốn từ ngữ, kinh nghiệm sống, hình thành kĩ năng diễn đạt, kĩ năng quan sát cho
học sinh trong quá trình dạy học.
5
PHẦN NỘI DUNG
I. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu:
- Giúp học sinh học tốt môn Tập làm văn là một trong những yêu cầu cần thiết
và quan trọng của mỗi người giáo viên tiểu học để giải quyết nhiệm vụ và yêu
cầu của môn Tiếng việt.
2. Mục tiêu của vấn đề nghiên cứu:
- Làm giàu vốn từ ngữ cho học sinh
- Cung cấp vốn sống cho học sinh
- Hướng dẫn học sinh diễn đạt câu văn ngắn gọn, sinh động, giàu hình ảnh
- Hình thành thói quen quan sát và ghi chép cho học sinh
3. Nội dung dạy học và các hình thức luyện tập trong phân môn Tập làm văn
lớp 3:
Nội dung dạy học
- Trang bị cho học sinh một số hiểu biết và kĩ năng phục vụ học tập và đời sống
hàng ngày như: điền vào các giấy tờ in sẵn, viết thư, làm đơn, tổ chức cuộc họp,
giới thiệu hoạt động của tổ, lớp và trường, ghi chép sổ tay…
- Tiếp tục rèn luyện kĩ năng kể chuyện và miêu tả: kể một sự việc đơn giản, tả sơ
lược về người, vật xung quanh theo gợi ý bằng tranh, bằng câu hỏi.
- Rèn luyện kĩ năng nghe thông qua các bài tập nghe- kể và các hoạt động học tập
trên lớp.
Các hình thức luyện tập
- Bài tập nghe: nghe và kể lại một mẩu chuyện ngắn
- Bài tập nói:
+ Tổ chức điều khiển cuộc họp, phát biểu trong cuộc họp
+ Kể hoặc tả miệng về người thân, gia đình, trường, lớp, quê hương, lễ hội, hoạt
động thể thao- văn nghệ,…
6
- Bài tập viết:
+ Điền vào giấy tờ in sẵn
+ Viết một số giấy tờ theo mẫu
+ Viết thư
+ Ghi chép sổ tay
+ Kể hoặc tả ngắn về người thân, gia đình, trường lớp, quê hương, lễ hội, hoạt động
thể thao- văn nghệ,
II. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC DẠY HỌC TẬP LÀM VĂN LỚP 3
Tập làm văn là phân môn cuối cùng của quá trình luyện tập cho học sinh có
năng lực sử dụng tiếng Việt, làm công cụ giao tiếp và tư duy. Để làm được bài văn,
học sinh phải huy động vốn kiến thức nhiều mặt như: các hiểu biết về cuộc sống, tri
thức về văn học, khoa học, xã hội… học sinh lại còn phải sử dụng nhiều loại kỹ
năng như: dùng từ đặt câu, dựng đoạn, tạo văn bản, kỹ năng phân tích đề, tìm ý, lập
dàn ý… Do đó tập làm văn mang tính thực hành toàn diện, tổng hợp. Mỗi một bài
văn thể hiện một sự suy nghĩ, hiểu biết mang đậm màu sắc cá nhân, là những sản
phẩm không lặp lại của mỗi học sinh. Tuy nhiên, trong những giờ dạy môn này
thường gặp không ít những khó khăn nhất là trong tiết học về nói, viết bài văn miêu
tả ngắn theo chủ điểm vì hầu hết học sinh rất thụ động, ít phát biểu, có chăng là học
sinh khá giỏi, thường thì các em cũng chỉ trả lời. Nguyên nhân chủ yếu là do học
sinh quá nghèo vốn từ, từ đó dẫn đến tình trạng diễn đạt lủng củng, rời rạc thậm chí
sử dụng từ sai, chưa hợp lý.
Một trong những yêu cầu của môn Tập làm văn là rèn cho học sinh có kĩ năng
biết kể (viết) ngắn về người thân, gia đình, trường, lớp, quê hương, hoạt động lễ
hội, hoạt động thể thao, nghệ thuật. Hiện nay học sinh đã làm được điều đó, song
cách diễn đạt của các em chưa được tốt và đặc biệt ở một số bài do thiếu vốn sống
nên bài làm còn sơ sài. Đấy là chưa kể đến việc nhiều học sinh còn mắc nhiều lỗi
về diễn đạt câu văn, cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh chưa thực sự hợp lí và có hiệu
quả.
7
Bên cạnh đó học sinh lớp 3 còn chưa có thói quen quan sát và ghi nhớ một cách
hợp lí những gì diễn ra trong các hoạt động đa dạng của đời sống đặc biệt là về các
chủ đề có liên quan đến bài viết của các em như: lễ hội, các hoạt động văn hoá-
nghệ thuật,…Mà những quan sát và ghi chép đó lại chính là “chất liệu” để tạo nên
những bài viết tốt, “có hồn” của các em.
III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG VIẾT VĂN MIÊU TẢ NGẮN
THEO CHỦ ĐIỂM CHO HỌC SINH LỚP 3
1. Biện pháp thứ nhất. Làm giàu vốn từ ngữ cho học sinh
Vốn từ phong phú là yếu tố quan trọng để giúp học sinh có thể tham gia vào các
hoạt động giao tiếp ngôn từ một cách có hiệu quả. Một trong những nhiệm vụ quan
trọng của nhà trường là đào tạo con người phát triển toàn diện, hoàn thiện năng lực
ngôn ngữ cho học sinh, bao gồm cả việc làm giàu vốn từ tiếng mẹ đẻ cho các em.
Để làm giàu vốn từ cho học sinh, trước hết chúng ta phải tìm hiểu các khả năng tiếp
nhận từ ngữ của mỗi học sinh. Mỗi em có một khả năng tiếp nhận một số lượng từ
nhất định.
Mục tiêu đầu tiên của việc làm giàu vốn từ là giúp học sinh tích lũy và mở rộng
vốn từ các đơn vị từ vựng. Trước hết phải giúp cho các em nắm từ, nắm từng từ cụ
thể, nắm từ trong tính chỉnh thể âm - nghĩa của nó. Khi nói làm giàu vốn từ, không
nên chỉ nghĩ đến mặt số lượng mà còn phải quan tâm đến mặt chất lượng. Giáo viên
không nên nôn nóng gán ép cho học sinh khối lượng lớn từ ngữ mà không cần biết
các em có hiểu được hết nghĩa của chúng hay không và vận dụng chúng như thế
nào.
Ngoài việc trang bị thêm những đơn vị từ vựng mới cho học sinh, giáo viên còn
có trách nhiệm hoàn thiện vốn từ đã có của các em (học sinh tiếp nhận nó bằng con
đường vô thức) cùng với những hạn chế khác như trình độ tư duy chưa phát triển,
kinh nghiệm sống còn ít ỏi cho nên từ ngữ các em nắm chưa chắc.
Trong lúc cung cấp từ ngữ, cần phải dựa vào vốn từ sẵn có của học sinh từ đó mà
phát triển bổ sung thêm trên cơ sở kết hợp cũ - mới mà hệ thống hóa đồng thời từng
8
bước chính xác hóa, chi tiết hóa những nhận thức về nghĩa và giá trị của từ.
Để làm giàu vốn từ cho trẻ, giáo viên cần lưu ý mở rộng vốn từ tích cực (là những
từ sử dụng giao tiếp bình thường) và cần thu hẹp vốn từ tiêu cực (không sử dụng
trong giao tiếp thông thường) trong quá trình rèn luyện sử dụng từ.
Khi cung cấp vốn từ giáo viên nên khéo léo đi từ nghĩa của từ, gợi dần từ đó bật ra
từ cần thiết.
VD: tìm từ trái nghĩa với từ “tươi tốt”. Đầu tiên học sinh cần phải hiểu được
nghĩa của từ “tươi tốt”. Từ đó giáo viên gợi ý cho học sinh tìm từ trái nghĩa với từ
“tươi tốt” - “không tươi tốt” - “héo úa”.
Như chúng ta đã biết, để viết được một bài văn hay, giàu hình ảnh điều thiết yếu
nhất là phải có vốn từ phong phú, từ đó mới có thể lựa chọn từ đúng tạo nên câu
văn hay, sinh động, có “màu sắc, âm thanh”. Chính vì vậy, việc bổ sung vốn từ cho
học sinh là việc làm hết sức quan trọng. Trong quá trình giảng dạy Tiếng Việt, tôi
đã luôn cố gắng làm tốt việc này thông qua các biện pháp dưới đây:
a) Bổ sung vốn từ thông qua việc hệ thống lại các từ ngữ theo chủ điểm từ
các bài tập đọc, chính tả
Chẳng hạn khi học sinh được học về chủ đề Nghệ thuật, tôi yêu cầu các em tìm
các từ ngữ để miêu tả cái hay của tiết mục xiếc, các em dễ dàng tìm được các từ:
vui nhộn, dí dỏm, biến hoá bất ngờ, dẻo dai, khéo léo, thú vị…thông qua các bài
Tập đọc: Chương trình xiếc đặc sắc, Nhà ảo thuật.
Hoặc khi học về chủ đề Lễ hội, tôi cho học sinh làm một số bài tập sau:
+ Tìm từ ngữ, hình ảnh miêu tả người đi xem hội
- Học sinh: đông như nước chảy, quây kín, trèo lên cây xem cho rõ (tập đọc: Hội
vật), nườm nượp người đi xe (tập đọc: Đi hội chùa Hương)
+ Tìm từ ngữ miêu tả không khí tưng bừng, sôi nổi của lễ hội
- Học sinh: tiếng khua trống đánh vang lừng (tập đọc: Hội đua voi ở Tây
Nguyên), người xem la hét, cổ vũ (chính tả: Hội đua thuyền), tiếng trống dồn
lên, gấp rút, giục giã (tập đọc: Hội vật)
9
+ Tìm các từ ngữ miêu tả các động tác của các đối thủ trong các trò chơi dân
gian
- Học sinh: lao đầu chạy, phóng như bay (tập đọc: Hội đua voi ở Tây Nguyên),
giữ cho thuyền không bị nghiêng ngả, đi đúng đường đua (chính tả: Hội bơi
trải), đánh trước dứ sau, nhấc bổng, loay hoay, lăn xả, đánh ráo riết (tập đọc:
Hội vật)
Với các từ ngữ học sinh tìm được tôi thường yêu cầu học sinh tập đặt câu để
qua đó các em hiểu thêm về nghĩa của từ đồng thời được thấy giá trị biểu cảm
của câu văn nếu từ ngữ được dùng hay, chính xác. Loại bài tập này tôi thường
đưa xen vào các giờ Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu bằng các câu hỏi nhỏ.
b) Làm giàu vốn từ ngữ cho học sinh thông qua việc sưu tầm và sử dụng hợp
lí hệ thống tranh ảnh
Như chúng ta đã biết, vốn từ ngữ trong cuộc sống là cực kì phong phú. Trong
đó từ ngữ được giới thiệu trong các bài học chỉ là một bộ phận nhỏ. Vì vậy song
song với công việc hệ thống hoá lại các từ ngữ theo từng chủ điểm từ các bài tập
đọc, chính tả, luyện từ và câu tôi đã luôn cố gắng giúp học sinh tự khai thác vốn
từ trong cuộc sống bằng cách trong quá trình giảng dạy tôi hết sức quan tâm đến
vấn đề sử dụng đồ dùng dạy học.
Chẳng hạn khi dạy bài văn Nói về quê hương hay Nói viết về cảnh đẹp đất
nước, tôi đã tự sưu tầm và yêu cầu học sinh cùng sưu tầm những tấm ảnh, tờ
lịch chụp hình một cảnh đẹp nào đó của đất nước. Các em đã rất hăng hái với
công việc này và đã sưu tầm được nhiều tấm ảnh có giá trị. Ví dụ: ảnh Hồ
Gươm, Sa Pa, Đà Lạt,…
Từ những tranh ảnh đó, tôi giúp các em khai thác vốn từ ngữ thông qua các
câu hỏi, bài tập nhỏ. Chẳng hạn với bức tranh Hồ Gươm, tôi yêu cầu học sinh
tìm những từ ngữ để miêu tả mặt hồ, cầu Thê Húc, hàng liễu ven hồ…
Từ việc quan sát tranh, các em đã tìm được khá nhiều từ ngữ hay:
+ Tả mặt hồ: trong xanh, lăn tăn gợn sóng, phẳng lặng, in bóng mây trời
10
+ Tả tháp rùa: uy nghiêm, cổ kính, rêu phong
+ Tả rặng liễu ven hồ: loà xoà, nghiêng mình soi bóng, như mái tóc thướt tha
Với tranh chụp cảnh đồng lúa mùa lúa chín, tôi yêu cầu học sinh tìm từ ngữ
miêu tả cánh đồng lúa
- Học sinh: rộng mênh mông, rộng bao la, xa tít chân trời, vàng rực, bông lúa
nặng trĩu….
Tôi nhận thấy rằng với việc sử dụng tranh ảnh minh hoạ như vậy không
những giúp các em khai thác được vốn từ ngữ vô cùng phong phú trong cuộc
sống mà còn giúp các em trong lớp bổ sung vốn từ cho bản thân, đồng thời tạo
điều kiện thuận lợi để lựa chọn từ ngữ hợp lí trong việc diễn đạt câu văn.
c) Hướng dẫn học sinh sử dụng từ ngữ đúng văn cảnh
Như trên đã nói, học sinh lớp 3 vốn từ còn nghèo nàn, việc hiểu từ còn chậm
do đó việc sử dụng từ ngữ thiếu chính xác thường hay xảy ra.
Ví dụ:
- Rạp xiếc hôm nay được trang hoàng thật đẹp bởi những ánh đèn màu sáng
long lanh.
- Hai bên thành phố, nhà cửa mọc lên san sát.
Do đó ngoài việc bổ sung vốn từ ngữ cho học sinh, tôi nghĩ rằng việc hướng
dẫn học sinh hiểu sâu hơn từ ngữ sẽ giúp học sinh sử dụng tốt hơn, phù hợp hơn
trong từng văn cảnh là việc làm rất cần thiết. Vì vậy, ở lớp, tôi thường tổ chức
cho học sinh luyện tập cách sử dụng từ thông qua dạng bài tập phát hiện từ dùng
sai và thay thế từ đúng trong một câu văn hoặc một đoạn văn.
Ví dụ 1. Lễ rước tượng diễn ra thật oai phong.
Sửa: Lễ rước tượng diễn ra thật uy nghi, trang trọng.
Ví dụ 2. Sau tiết mục khỉ đi trên dây mọi người vỗ tay một cách náo nhiệt.
Sửa: Sau tiết mục khỉ đi trên dây mọi người vỗ tay một cách nồng nhiệt.
Khi hướng dẫn học sinh thực hiện dạng bài tập này, tôi thường đưa ra các
yêu cầu thực hiện từ dễ đến khó tuỳ vào đặc điểm học sinh của lớp
11
Chẳng hạn:
- Có bài tôi gạch dưới các từ dùng sai, yêu cầu học sinh thay thế bằng từ khác
cho phù hợp
- Có bài yêu cầu học sinh tự phát hiện từ dùng sai và chữa lại
- Đặc biệt có bài ngoài việc phát hiện từ dùng sai và chữa lỗi còn phải giải thích
vì sao từ dùng như thế là không phù hợp.
Như vậy, từ việc liên tục áp dụng các biện pháp nêu trên một cách thường
xuyên, tôi thấy rằng không những vốn từ của học sinh đã phong phú hơn mà còn
tạo cho các em thói quen lựa chọn từ ngữ khi làm văn giúp câu văn của các em
ngày càng rõ ý và giàu hình ảnh.
2. Biện pháp thứ hai: Cung cấp vốn sống cho học sinh thông qua băng hình
video
Qua thực tế giảng dạy phân môn Tập làm văn lớp 3 tôi thấy học sinh thường
gặp nhiều khó khăn vướng mắc ở một số bài văn miêu tả ngắn theo chủ điểm.
Ví dụ:
- Kể về một ngày hội
- Kể về một buổi biểu diễn nghệ thuật
- Kể về một trận thi đấu thể thao
Phân tích các bài viết của học sinh tôi thấy nhược điểm lớn nhất của học sinh
là bài viết còn sơ sài, ít hình ảnh gợi tả, nặng về kể lể các chi tiết một cách vụn vặt.
Chẳng hạn, khi kể về một buổi biểu diễn nghệ thuật xiếc, các em thường liệt
kê các tiết mục mà ít đi vào tả kĩ các cử chỉ, động tác, điệu bộ…của các nghệ sĩ
biểu diễn, không khí sôi nổi, hào hứng của buổi biểu diễn do đó bài văn chưa sinh
động.
Sau đây là một bài viết có nhược điểm như vậy:
Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn ngắn kể về một buổi biểu diễn nghệ thuật
“Chủ nhật vừa qua em được bố mẹ cho đi xem xiếc tại hội trường xã. Mở
đầu buổi biểu diễn là tiết mục đi trên dây của nghệ sĩ Thanh Lam. Tiếp theo là các
12
tiết mục hề, uốn dẻo. Nhưng tiết mục mà em thích thú nhất là tiết mục ảo thuật. Tất
cả mọi người đều nhìn nghệ sĩ bằng ánh mắt thán phục và tặng cho nghệ sĩ những
tràng pháo tay nồng nhiệt.” (Nguyễn Thị Lan)
Hoặc khi kể về lễ hội, phần kể về các trò chơi dân gian các em thường chỉ
liệt kê các trò chơi mà chưa chú trọng việc dùng các từ ngữ gợi tả giàu hình ảnh để
tả lại các trò chơi một cách sinh động, phần tả không khí lễ hội còn mờ nhạt, sơ sài.
Đi sâu nghiên cứu tìm hiểu những lí do dẫn đến nhược điểm nêu trên của học
sinh tôi thấy một vấn đề rất đáng quan tâm là vốn sống của các em. Như chúng ta
đã biết học sinh lớp 3 tuổi còn nhỏ, vốn sống ít, khả năng tập trung quan sát chưa
cao. Đặc biệt học sinh lớp 3 trường tôi thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế văn hoá
còn hạn chế, các em ít có điều kiện thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ
thuật, địa phương lại không có hoạt động lễ hội điều này có ảnh hưởng lớn đến chất
lượng bài viết của học sinh về các chủ đề nêu trên.
Nhận thức rõ điều này, để giúp học sinh học tốt hơn các bài văn ở dạng miêu
tả ngắn theo chủ điểm, tôi nghĩ rằng cần cung cấp thêm vốn sống cho học sinh.
Chẳng hạn khi học về chủ đề Nghệ thuật, để giúp các em có thể làm tốt bài văn Kể
về buổi biểu diễn nghệ thuật, tôi tổ chức cho học sinh xem băng hình về một buổi
biểu diễn xiếc. Trước khi cho học sinh xem, tôi đưa ra một số yêu cầu để học sinh
tập trung quan sát, nhận xét, ghi chép bằng một số câu hỏi trong phiếu.
Ví dụ:
- Rạp xiếc được trang trí như thế nào?
- Buổi biểu diễn có những tiết mục nào?
- Tiết mục nào em thích nhất?
- Không khí buổi biểu diễn ra sao?
- Khi xem các tiết mục, thái độ của khán giả như thế nào?
Được trực tiếp xem băng hình, học sinh dường như cảm thấy mình đang ngồi
xem ở rạp, các em được tận mắt quan sát các thao tác của các diễn viên biểu diễn,
bị lôi cuốn theo từng tiết mục, hoà chung tâm trạng với các khán giả khác và đặc
13
biệt các em không chỉ xem với ý thức là giải trí mà còn phải tập trung quan sát để
có những nhận xét hỗ trợ cho việc làm văn thông qua việc hoàn thành phiếu nhận
xét do giáo viên yêu cầu.
Phiếu nhận xét được thiết kế dưới đây nhằm mục đích định hướng quan sát
cho học sinh, cũng là giúp học sinh tìm từ và ý và biết cách lựa chọn ý để tả từng
hoạt động, tiết mục của buổi biểu diễn xiếc.
Sau đây là minh hoạ phiếu sử dụng cho hoạt động xem băng hình buổi biểu
diễn xiếc.
Câu hỏi gợi ý Từ và ý
Rạp xiếc được trang trí như thế nào?
…………………………………………………
………………………………………………
……………………………
…………………………
……………………………
Buổi biểu diễn có những tiết mục nào?
…………………………………………………
………………………………………………
……………………………
…………………………
……………………………
Các nghệ sĩ biểu diễn như thế nào?
…………………………………………………
………………………………………………
……………………………
…………………………
……………………………
Không khí buổi biểu diễn ra sao?
…………………………………………………
………………………………………………
……………………………
…………………………
……………………………
Thái độ của người xem như thế nào?
…………………………………………………
………………………………………………
……………………………
…………………………
……………………………
Kể kĩ về tiết mục em thích nhất
…………………………………………………
………………………………………………
Thông qua những kết quả ghi chép trong phiếu, các em đã tự tin hơn, hào
hứng hơn khi học bài văn miệng và bài viết của các em đã có những tiến bộ rõ rệt.
Các em đã chú ý hơn đến việc dùng từ ngữ gợi tả khi kể về không khí buổi biểu
14
diễn, thái độ của khán giả, những động tác khéo léo của người nghệ sĩ do đó bài
văn cũng trở nên sinh động hơn.
Như vậy, việc cung cấp vốn sống cho học sinh thông qua băng hình dạy học
là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Thông qua việc tác động đến học trò nhiều
mặt: được quan sát hình ảnh thực, âm thanh sống động; học sinh như được hoà
mình vào các hoạt động nghệ thuật, lễ hội…và các em còn được nâng cao hiểu biết,
tạo cho các em thói quen quan sát, nhận xét, gây hứng thú cho học sinh trong quá
trình học phân môn Tập làm văn. Đây chính là những cơ sở thuận lợi giúp cho học
sinh viết văn tốt hơn.
3. Biện pháp thứ ba. Hướng dẫn học sinh diễn đạt câu văn ngắn gọn, sinh
động, giàu hình ảnh
a) Hướng dẫn học sinh viết câu văn ngắn gọn, sáng sủa
Để giúp học sinh có thói quen viết câu văn ngắn gọn thì khi gặp các câu văn học
sinh viết rườm rà, tối nghĩa tôi thường cho sửa ngay.
Ví dụ: Khi viết về cảnh đẹp đất nước, có học sinh đã viết: Hà Nội có một cái hồ
rất đẹp đó là Hồ Gươm rất đẹp.
Để sửa cho học sinh tôi đã gợi ý bằng một số câu hỏi như:
- Con có nhận xét gì về câu văn bạn viết?
+ Học sinh: câu của bạn lặp ý: cái hồ rất đẹp, Hồ Gươm rất đẹp
- Con hãy sửa lại giúp bạn để câu văn rõ ý và hay hơn
+ Học sinh: Hồ Gươm là một cảnh đẹp nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.
b) Hướng dẫn học sinh viết câu văn có sử dụng từ gợi tả màu sắc, âm thanh
Nhiều học sinh khi viết văn chưa có ý thức sử dụng các từ ngữ gợi tả màu sắc,
âm thanh do đó mà bài viết của các em thường kém sinh động.
Ví dụ có học sinh viết: Mấy con chim hoạ mi hót trong vòm cây.
Đây là câu tuy đủ ý nhưng thiếu từ ngữ gợi tả âm thanh nên chưa sinh động.
Vì vậy tôi đưa ra một số câu hỏi gợi ý để học sinh viết lại câu văn hay hơn.
- Chim hoạ mi là loài chim như thế nào? Em có nhận xét gì về tiếng hót của nó?
15
- Con hãy viết lại câu văn tả âm thanh tiếng hót của chim hoạ mi cho hay hơn.
+ Học sinh: Mấy chú chim hoạ mi đang hót véo von trong vòm cây.
Hay như khi viết về cảnh đẹp quê hương (cảnh Hồ Gươm) có học sinh viết:
Ven hồ là những cây liễu.
Tôi đã tiến hành cho học sinh sửa câu cho hay hơn bằng một số câu hỏi gợi ý sau:
- Giáo viên: Đọc câu văn, con đã thấy được vẻ đẹp của cây liễu chưa?
Con hãy viết lại câu văn để người đọc thấy được vẻ đẹp của cây liễu.
- Học sinh: Ven hồ, những cây liễu loà xoà đứng nghiêng mình soi bóng trên mặt
nước.
c) Hướng dẫn học sinh tập sử dụng biện pháp so sánh
So sánh là một trong những biện pháp nghệ thuật được sử dụng rất phổ biến trong
văn học, ca dao, dân ca, thành ngữ thậm chí trong sinh hoạt cuộc sống thường nhật
của người Việt Nam.
Ví dụ như:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Hay như: Dữ như cọp. Nhanh như cắt…
So sánh thể hiện sự quan sát và đối chiếu giữa hai hay nhiều sự vật để tìm ra
những nét tương đồng. Nó đặc biệt hữu ích trong viết văn nhất là văn miêu tả.
Nhận thấy nếu học sinh biết sử dụng những câu văn có sử dụng biện pháp so
sánh một cách hợp lí sẽ giúp cho bài văn của các em trở nên giàu hình ảnh và sinh
động hơn. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, tôi thường sử dụng những dạng bài tập
giúp các em luyện tập sử dụng biện pháp so sánh theo các mức độ khác nhau. Ví dụ
như
- Gạch dưới câu văn có sử dụng so sánh trong đoạn văn, đoạn thơ sau:
Trăng ơi…từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kì
Trăng tròn như mắt cá
16
Chẳng bao giờ chớp mi.
- Viết tiếp vào chỗ chấm để tạo thành câu có sử dụng biện pháp so sánh:
Buổi sáng, những hạt sương còn đọng lại trên lá trông như…….
- Viết lại câu văn dưới đây cho sinh động
Trong ngày khai trường, các bạn học sinh mặc những bộ trang phục đủ màu sắc.
Thông qua việc sử dụng các dạng bài tập trên xen kẽ trong các giờ tập đọc,
tiết bổ sung,…tôi nhận thấy các em có sự tiến bộ rõ rệt trong cách viết văn. Các em
đã dần viết được những câu văn ngắn gọn, diễn đạt mạch lạc hơn và lời văn thêm
sinh động có hình ảnh.
d) Hướng dẫn học sinh tập sử dụng biện pháp nhân hoá
Khi làm bài học sinh thường ít chú ý đến việc sử dụng biện pháp nhân hoá trong
bài văn của mình, chính vì vậy mà tôi thường xuyên hướng dẫn học sinh sử dụng
biện pháp nhân hoá để câu văn thêm sinh động.
Chẳng hạn như có học sinh viết: Những con chim sẻ kêu ríu rít trên cây.
Tôi dùng câu hỏi sau để giúp học sinh viết được câu văn sinh động hơn nhờ việc
sử dụng biện pháp nhân hoá
- Giáo viên: Con hãy dựa vào câu văn này để viết câu văn khác sao cho người đọc
cảm thấy con chim sẻ thật đáng yêu, gần gũi, thân thiết với con người
- Học sinh: Những chú chim sẻ đang trò chuyện ríu rít trên cành cây.
Sau đó tôi cho học sinh so sánh hai câu văn để học sinh thấy biện pháp nhân hoá có
tác dụng như thế nào và chú ý sử dụng trong quá trình viết văn.
4. Biện pháp thứ tư: Chú trọng khâu chữa bài cho học sinh
Khi viết văn, học sinh thường không chỉ mắc một loại lỗi mà các lỗi của học
sinh thường rất đa dạng và nếu không được chữa một cách cẩn thận thì việc tái mắc
lỗi là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên việc chữa bài cho học sinh là việc làm rất
quan trọng, nó không chỉ giúp cho các em tránh được các lỗi thông thường trong
khi viết văn mà còn bồi dưỡng khả năng viết văn cho các em. Hơn thế, nó còn giúp
các em có khả năng nhận xét bài viết của bạn từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân.
17
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết chương trình tập làm văn lớp 3 không có riêng một
tiết chữa bài cho từng bài. Mỗi bài văn dạng miêu tả ngắn học sinh thường được
học trong một tiết bao gồm cả phần nói và viết, cũng có bài học sinh được học
trong 2 tiết (1 tiết nói và 1 tiết viết). Vậy câu hỏi đặt ra là việc tổ chức chữa bài cho
học sinh vào những thời điểm nào? Cách chữa bài cho học sinh như thế nào cho
hiệu quả nhất?
Như đã nêu trên, do không có một tiết chữa bài riêng nên tôi thường tổ chức
chữa bài ngay cho học sinh ngay trong chính tiết học.
a) Chữa bài trong khi kiểm tra bài cũ
Chúng ta đều biết rằng thời gian dành cho hoạt động kiểm tra bài cũ trong
mỗi tiết học là không nhiều do đó việc tổ chức chữa bài cho học sinh ở phần này
cũng hết sức ngắn gọn.
Thông thường tôi cho một vài học sinh đọc lại chính bài viết của mình, đây
là những bài viết tôi đã chọn lọc kĩ (đó có thể là những bài viết tốt, cũng có thể là
bài viết có nhiều nhược điểm và mắc nhiều lỗi phổ biến). Sau khi học sinh đọc bài,
tôi thường cho học sinh trong lớp nêu nhận xét về các bài viết đó sau đó tôi đưa ra
nhận xét của bản thân mình và gợi ý giúp học sinh chữa lại lỗi trong bài của mình.
Thiết nghĩ thời gian chữa bài trong khi kiểm tra bài cũ là không nhiều, việc
chữa bài không quá kĩ nhưng đó là việc làm không thể thiếu giúp học sinh có thể
khắc phục những sai sót trong quá trình viết những bài văn tiếp theo.
b) Chữa bài trong quá trình dạy học bài mới
Thời gian dạy học bài mới là thời gian chính tôi dùng để chữa bài cho học
sinh. Việc chữa bài thể hiện ở chính một phần của nội dung dạy bài mới, đó là phần
hướng dẫn học sinh nói, kế. Khi tiến hành hướng dẫn học sinh nói tôi thường đặt ra
một số yêu cầu cho học sinh (thường được viết lên bảng) để học sinh lấy đó làm
tiêu chuẩn của bài nói đồng thời để học sinh trong lớp dễ nhận xét bài viết của bạn.
Chẳng hạn như:
1. Nội dung: đủ ý
18
2. Từ ngữ chính xác, hợp lí
3. Câu văn gọn, sáng sủa, giàu hình ảnh
Trong quá trình học sinh trình bày, tôi luôn chú ý lắng nghe và phát hiện ưu
khuyết điểm bài nói của học sinh đồng thời tôi cũng yêu cầu học sinh lấy giấy nháp
ghi lại những điều đặc biệt trong bài nói của bạn (từ, hình ảnh, câu văn, chi tiết).
Trên cơ sở đó tôi yêu cầu và luôn động viên để học sinh tham gia vào quá trình
chữa bài cho bạn. Khi các em trực tiếp tham gia vào quá trình đó tôi nghĩ rằng
không những bài của học sinh nói trước lớp được chữa nhiều mà nhiều học sinh
khác cũng rút được kinh nghiệm, đặc biệt tôi luôn chú ý để nhiều học sinh được nói
trước lớp.
5. Biện pháp thứ năm: Hình thành thói quen quan sát và ghi chép thông qua
hình thức viết nhật kí
Một bài văn tốt là một bài văn biết sử dụng ngôn ngữ để ghi lại một cách
sinh động (gợi tả- giàu hình ảnh nhạc điệu, gợi cảm- giàu cảm xúc) những quan sát
trong thực tế cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Như vậy có thể nói những quan sát
trong thực tế đời sống sinh hoạt, lao động hàng ngày là chất liệu giúp cho học sinh
viết được những bài văn hay. Khả năng quan sát và nhất là việc ghi lại, tái hiện
những quan sát đó trong khi viết văn còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong thực tế giảng
dạy phân môn Tập làm văn ở lớp 3 tôi nhận thấy rất nhiều học sinh còn lười suy
nghĩ, không hăng hái phát biểu trước câu hỏi của giáo viên đặt ra. Điều này ảnh
hưởng xấu đến quá trình tiếp thu kiến thức, khả năng diễn đạt của các em còn hạn
chế. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến khả năng viết văn của các em.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên ở học sinh, ngay từ những ngày đầu
của năm học, tôi đã yêu cầu và động viên tất cả học sinh trong lớp của mình tham
gia viết nhật kí. Tôi nghĩ rằng mỗi khi cầm bút ghi nhật kí là một lần các em phải
suy nghĩ nên viết về cái gì, viết thế nào đồng thời các em cũng nêu được nêu tâm tư
tình cảm, suy nghĩ của mình trước mỗi sự vật, sự việc xảy ra xung quanh các em.
Điều này không những rèn cho học sinh thói quen tư duy mà còn rèn cho học sinh
19
khả năng diễn đạt ý của mình bằng câu văn. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc
giúp các em viết văn tốt hơn.
III. HIỆU QUẢ CỦA SÁNG KIẾN:
Rèn kĩ năng viết văn miêu tả ngắn cho học sinh lớp 3 là góp phần giúp học
sinh học tốt phân môn Tập làm văn nói riêng và môn Tiếng Việt nói chung, trau dồi
vốn Tiếng Việt, vốn văn học, phát triển tư duy, mở rộng hiểu biết, bồi dưỡng tâm
hồn, tình cảm trong sáng, tình yêu cái đẹp và thái độ ứng xử đúng mực trong cuộc
sống cho học sinh, góp phần thực hiện nhiệm vụ năm học.
Qua việc sử dụng thường xuyên các biện pháp đã nêu, kết quả cho thấy:
- 100% các em làm bài Tập làm văn đúng yêu cầu
- Hầu hết các em viết câu văn đúng ngữ pháp, đúng chính tả
- Các em đã viết được nhiều bài văn khá cảm xúc; vốn từ phong phú, mở rộng
nhiều.
- Học sinh có hứng thú trong giờ học Tập làm văn.
- Các em đã mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập đặc biệt là khi nói về gia đình,
nhà trường, quê hương, lễ hội.
Như vậy, bước đầu sáng kiến được áp dụng và đã đạt được một số kết quả
tốt. Việc dạy học viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm cho học sinh lớp 3 đã góp
phần trong việc nâng cao chất lượng dạy và học phân môn Tập làm văn tại lớp tôi
giảng dạy.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Những bài học kinh nghiệm:
20
Dạy học phân môn Tập làm văn như thế nào cho hiệu quả là một vấn đề khó
và phức tạp, cần phải từng bước trả lời và tháo gỡ. Dạy học nội dung viết văn miêu
tả ngắn theo chủ điểm cho học sinh lớp 3 không nằm ngoài quy luật đó. Việc học
sinh viết được một đoạn văn theo chủ điểm đòi hỏi sự vận dụng tổng hợp của các kĩ
năng như: quan sát- tái hiện, kĩ năng diễn đạt câu văn, kĩ năng tìm ý,… đấy là chưa
kể đến việc sáng tạo trong bài viết của các em. Vì vậy khi dạy nội dung này đòi hỏi
giáo viên không những phải có kiến thức, hiểu biết vững vàng về các chủ đề được
nói đến trong các yêu cầu của đề Tập làm văn mà còn phải có những biện pháp sư
phạm cụ thể, sử dụng lồng ghép trong các nội dung dạy học cụ thể để đạt hiệu quả
tốt nhất.
Khi tiến hành các biện pháp trên trong dạy học tôi thấy việc rèn các kĩ năng
giúp học sinh viết bài theo chủ điểm ngắn cần phải được lồng ghép vào các nội
dung dạy học khác. Ví dụ như việc làm giàu vốn từ cho học sinh cần phải được
thực hiện trong các tiết mở rộng vốn từ cho học sinh, thậm chí cung cấp cho các em
ngay cả trong khi dạy tập đọc. Qua tìm hiểu bài tập đọc các em phát hiện những từ
dùng hay và “đắt”, thấy hết được giá trị ý nghĩa của từ đó. Việc làm giàu đó không
phải chỉ là sự cung cấp từ một cách đơn thuần mà còn cần phải được đặt trong thực
hành vận dụng, trong các hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
Vốn sống của con người nói chung được tích luỹ theo thời gian, theo quá
trình tự học tập, tìm hiểu những vấn đề trong cuộc sống. Vốn sống của các em lớp
3 còn nhiều hạn chế đặc biệt là các em ở khu vực nông thôn và những nơi có điều
kiện kinh tế khó khăn vì vậy cung cấp vốn sống cũng là yêu cầu cần thiết. Việc sử
dung băng hình dạy học tập làm văn còn nhiều hạn chế, mất nhiều tâm sức sưu tầm,
hơn nữa việc sử dụng mất nhiều thời gian. Vậy chúng ta sử dụng như thế nào, vào
lúc nao? Bản thân tôi cho rằng, biện pháp này có thể được giáo viên áp dụng trong
các tiết bổ sung, lúc có thời gian hợp lí. Ngoài ra giáo viên cũng nên động viên và
khuyếnn khích các em tự đọc sách, tìm hiểu trước nội dung các vấn đề liên quan
đến bài viết và có thể báo cáo lại để giáo viên kiểm tra.
21
Việc chữa bài cho học sinh như thế nào và vào lúc nào cũng là một vấn đề
giáo viên cần hết sức lưu ý. Thực hiện chữa bài tốt cho học sinh không chỉ giúp các
em tránh được những sai lầm trong cách viết, diễn đạt mà còn có tác dụng giúp các
em luôn có ý thức viết và diễn đạt một cách sáng sủa, khúc triết.
Vì các biện pháp đã nêu không chỉ là những cách thức cụ thể giúp giáo viên
rèn kĩ năng viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm cho học sinh lớp 3 mà nó còn là
định hướng cho việc các em tự học tập và rèn luyện nữa. Vì vậy mà giáo viên cần
có những biện pháp động viên, giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh yếu và
những học sinh có những hiểu biết tốt về các chủ đề, có những tiến bộ trong học
tập.
2. Ý nghĩa của sáng kiến:
Sáng kiến không chỉ góp phần cung cấp một cái nhìn khái quát về nội dung
dạy học Tập làm văn lớp 3 nói chung, việc dạy viết văn miêu tả ngắn theo chủ điểm
nói riếng mà còn đề ra được các biện pháp cụ thể trong dạy học để rèn các kĩ năng
cho học sinh khi viết bài, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Những vấn đề được trao đổi trong đề tài góp phần làm sáng rõ hơn việc dạy
các nội dung cụ thể trong dạy học Tập làm văn ở Tiểu học. Thông qua đó, các đồng
nghiệp có thể áp dụng và cùng trao đổi, bổ sung thêm các biện pháp khác cho
phong phú nhằm nâng cao hiệu quả dạy học tập làm văn cho học sinh.
Việc đưa các biện pháp đã nêu vào dạy học không chỉ có ý nghĩa thiết thực
trong dạy học Tập làm văn lớp 3 nói riêng mà còn có ý nghĩa trong việc mở ra
hướng nghiên cứu tìm ra các giải pháp cụ thể trong việc dạy học các nội dung cụ
thể của phân môn Tập làm văn ở các khối lớp khác.
3. Những đề xuất, kiến nghị:
Đối với giáo viên:
- Muốn dạy tốt dạng bài văn miêu tả ngắn theo chủ điểm nói chung và phân môn
Tập làm văn lớp 3 nói riêng, giáo viên cần phải dạy tốt tất cả các phân môn: Tập
đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu,…kết hợp nhiều phương pháp dạy học
22
để giờ học hấp dẫn, không ngừng bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ sư
phạm, nâng cao hiểu biết. Đặc biệt cần luôn khuyến khích động viên học sinh phát
huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập cho các em.
- Trong quá trình giảng dạy phân môn Tập làm văn lớp 3, khi rèn kĩ năng viết văn
miêu tả ngắn cho học sinh, giáo viên cần vận dụng một cách khéo léo linh hoạt và
tổng hợp các biện pháp đã nêu nhằm đạt được mục đích dạy học.
Đối với các cấp quản lí:
- Ban giám hiệu và các cấp quản lí cần quan tâm hơn nữa về cơ sở vật chất, đặc biệt
là các trang thiết bị dạy học phân môn Tập làm văn như: tranh ảnh, băng hình dạy
học… Điều đó có một vai trò hết sức to lớn giúp giáo viên hoàn thành tốt hơn công
tác giảng dạy.
- Tổ chức tốt và thường xuyên các hoạt động ngoại khoá, thăm quan dã ngoại, các
cuộc thi tìm hiểu kiến thức…nhằm làm giàu, làm phong phú hơn vốn sống, vốn
hiểu biết cho các em.
- Thường xuyên tổ chức tốt các buổi hội thảo, hội giảng chuyên đề về dạy học Tập
làm văn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học phân môn này ở Tiểu học.
Trên đây là một số biện pháp mà tôi đã thực hiện trong quá trình giảng dạy
phân môn Tập làm văn lớp 3 dạng bài văn miêu tả ngắn theo chủ điểm nhằm giúp
học sinh học tốt hơn môn học này. Tôi mạnh dạn trình bày những nội dung trên với
mong muốn được trao đổi kinh nghiệm và mong nhận được những ý kiến đóng góp
quý báu từ phía các bạn đồng nghiệp, các đồng chí lãnh đạo để giúp tôi giảng dạy
tốt hơn nữa phân môn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
23