ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
o0o
TRẦN MAI ƯỚC
TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
CỦA PHAN CHÂU TRINH
Chuyên ngành: LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
Mã số: 62.22.80.01
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MNH – NĂM 2013
CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI
ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
HD.1: PGS.TS. LƯƠNG MINH CỪ
HD.2: TS. NGUYỄN ANH QUỐC
Phản biện:
1
2
3
Luận án được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp bộ
môn họp tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
số 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
vào lúc: 8h00 ngày…. tháng…. năm 2013.
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại
học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Thư viện Khoa học Tổng hợp, 69 Lý Tự Trọng, Quận 1, TP. Hồ Chí
Minh.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Lương Minh Cừ, Trần Mai Ước (2012), Nghiên cứu tư tưởng phát triển giáo dục
của Phan Châu Trinh, Tạp chí nghiên cứu Tài chính Marketing, trường Đại học Tài
chính - Marketing, Số , tr 11, tr 45 - 51
2. Trần Mai Ước (2012), Tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh, Tạp chí Triết học,
Số 9 (256), tr 88 – 92.
3. Trần Mai Ước (2011), Sự tác động của Tân thư Trung Quốc đối với tư tưởng
Phan Châu Trinh, Tạp chí Giáo dục Lý luận, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc
gia HCM, Số 10, tr 50 – 54.
4. Trần Mai Ước (2012), Từ “Khai dân trí” của Phan Châu Trinh nghĩ đến việc đổi
mới căn bản nền giáo dục quốc dân theo tinh thần Nghị quyết XI của Đảng Cộng sản
Việt Nam, Tạp chí Giáo dục Lý luận, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia
HCM, Số 1+2, tr 144 – 148.
5. Trần Mai Ước (2012), Tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của
Phan Châu Trinh, Tạp chí Khoa học xã hội, Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ,
Viện KHXH Việt Nam, Số 3 (163), tr 13 – 21.
6. Trần Mai Ước (2012), Phan Châu Trinh – Nhà văn hóa lớn của dân tộc, Tạp chí
Sinh hoạt Lý luận, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, Số 2 (111), tr 54 – 58.
7. Trần Mai Ước (2012), Tư tưởng “Chấn dân khí” của Phan Châu Trinh – thực
chất và những bài học lịch sử, Tạp chí Giáo dục Lý luận, Học viện Chính trị – Hành
chính Quốc gia HCM, Số 7+8, tr 136 – 139.
8. Trần Mai Ước (2005), Những tư tưởng đổi mới về văn hóa - đạo đức của Phan
Châu Trinh, Sách: Bước chuyển tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
(PGS.TS Trương Văn Chung – PGS.TS Doãn Chính chủ biên), Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
9. Trần Mai Ước (2012), Từ quan điểm văn hóa của Phan Châu Trinh đến đường lối
văn hóa của Đảng, Tạp chí Xây Dựng Đảng, Ban tổ chức trung ương Đảng, Đăng
trên wesite của Tạp chí Xây dựng Đảng, ngày 4/7/2012.
10. Trần Mai Ước (2011), Từ “Khai dân trí” của Phan Châu Trinh đến việc nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực để phát triển Đà Nẵng bền vững trong bối cảnh hội nhập,
Kỷ yếu HTKH “Phát triển nguồn nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”,
Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực III, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, tr
282 – 293.
11. Trần Mai Ước (2012), Nội dung và những đặc điểm cơ bản của tư tưởng chính trị
Phan Châu Trinh giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Tạp chí Giáo dục Lý luận,
Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia HCM, Số 188, tr 65 – 68.
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo hướng “dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”
1
luôn luôn là khát vọng của con người Việt Nam.
Chính mục đích và lý tưởng ấy đã thôi thúc các thế hệ người Việt Nam chiến đấu
quên mình, vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên tìm con đường cứu nước
đúng đắn. Lịch sử Việt Nam, giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một giai
đoạn đặc biệt. Từ một nước phong kiến, nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu, nước ta
bắt đầu chuyển sang nền kinh tế phát triển theo tư bản chủ nghĩa. Trên thế giới,
chủ nghĩa thực dân đang bành trướng, mở ra các cuộc xâm lược, từ đó tạo nên
những ảnh hưởng lớn đến các dân tộc. Mặt khác, phong trào cách mạng vô sản
đang ngày càng phát triển nhanh chóng, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917)
mở ra một thời đại mới. Trong bối cảnh ấy, lịch sử dân tộc đặt ra các câu hỏi lớn:
Dân tộc ta lựa chọn con đường nào và phải làm gì để vừa tiếp thu cái mới, vừa loại
bỏ các lạc hậu, bảo thủ mà vẫn giữ vững độc lập dân tộc? Trước yêu cầu cấp thiết
của lịch sử, các nhà tư tưởng chính trị tiêu biểu trong đó có Phan Châu Trinh đã
mạnh dạn tìm tòi, khám phá, thử nghiệm đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc
theo khuynh hướng mới – khuynh hướng dân chủ tư sản.
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX,
Phan Châu Trinh đã góp phần làm phong phú thêm sinh khí của luồng dân chủ tư
sản, ít nhiều làm rõ thêm yêu cầu chống chế độ phong kiến. Tư tưởng và hoạt
động của Phan Châu Trinh đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển trong tư
duy của dân tộc Việt Nam, đó là làm cuộc vận động từng bước về tư tưởng từ chế
độ quân chủ sang chế độ dân chủ, từ tư duy phong kiến sang tư duy thời cận – hiện
đại trong những năm đầu của thế kỷ XX. Tư tưởng của Phan Châu Trinh là một
hồi chuông thức tỉnh cho nhân dân tộc ta bước ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế
hàng ngàn năm.
Nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong thời kỳ này không chỉ làm rõ sự chuyển
biến sâu sắc của toàn bộ phong trào cách mạng mà còn cho thấy sự đóng góp của
các bậc tiền bối trong việc xác định đường lối, xây dựng khối đoàn kết, phát hiện
phương pháp tiếp cận để hội nhập với khu vực và thế giới để từ đó có thể rút ra
một số bài học kinh nghiệm về vai trò và tầm quan trọng của chủ nghĩa yêu nước
trong sự chuyển biến của phong trào giải phóng dân tộc trong những năm đầu của
thế kỷ XX.
Hiện nay, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã đạt được
những thành tựu to lớn và đáng tự hào trên các mặt của đời sống xã hội. Đạt được
những thành tựu đó, một trong những yếu tố quan trọng chính là nhờ đổi mới tư
1
Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, tr. 70
2
duy, nhất là đổi mới tư duy chính trị. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của
Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã chỉ rõ: “phấn đấu đến năm 2020 nước ta
cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định,
dân chủ, kỷ cương, đồng thuận”
2
. Do vậy, vấn đề nhìn nhận, đánh giá đúng những
nội dung, đặc điểm tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh trong những năm đầu
của thế kỷ XX để rút ra bài học đối với thực tiễn xây dựng hệ thống chính trị Việt
Nam hiện nay là yêu cầu cấp thiết. Do vậy, nghiên cứu sinh đã chọn đề tài “Tư
tưởng chính trị của Phan Châu Trinh” làm luận án tiến sĩ triết học của mình.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Nghiên cứu về Phan Châu Trinh đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo
các nhà khoa học, với sự tranh luận khá sôi động, trong nhiều vấn đề khác nhau,
nhưng nhìn chung có một số hướng chính sau:
Hướng thứ nhất, đó là các công trình nghiên cứu riêng về cuộc đời, sự
nghiệp và tư tưởng của Phan Châu Trinh như: Thơ văn Phan Châu Trinh (Nhà
xuất bản Văn học, 1983) của Huỳnh Lý và Hoàng Ngọc Phách; Tuyển tập Phan
Châu Trinh (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1995) của Nguyễn Văn Dương; Phan Châu
Trinh, thân thế và sự nghiệp (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1992) của Huỳnh Lý; Tìm
hiểu tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà
Nội, 1996) của Đỗ Thị Hòa Hới; Phan Châu Trinh cuộc đời và tác phẩm (Nhà
xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, 1997) của Nguyễn Quang Thắng; Phan Châu Trinh
qua những tài liệu mới, quyển 1, tập 1 (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003); Phan Châu
Trinh qua những tài liệu mới, tập 2 (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003) của Lê Thị
Kinh (tức Phan Thị Minh); Đặc biệt, vào năm 2005, nhà xuất bản Đà Nẵng đã
công bố toàn bộ khối lượng “di cảo” đồ sộ của Phan Châu Trinh qua 3 tập sách
Phan Châu Trinh toàn tập. Có thể nói đây là tập sách đầu tiên sưu khảo toàn bộ
trước tác của Phan Châu Trinh, dựa vào nguồn di cảo của gia đình, các nguồn tư
liệu từ rất nhiều người đã từng nghiên cứu về Phan Châu Trinh, là một công trình
đánh dấu sự nỗ lực của người đời sau trong việc gìn giữ di sản văn hóa, tư tưởng,
tài liệu của một nhà cách mạng tiền bối.
Bên cạnh đó, còn có các công trình nghiên cứu bước chuyển tư tưởng trong
giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đó là tác phẩm Đại cương lịch
sử Việt Nam, (Toàn tập, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2005) của GS. Trương
Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Lê Mậu Hãn (Chủ biên). Nghiên cứu về
sự phát triển tư tưởng Việt Nam giai đoạn này còn có công trình Sự phát triển của
tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám (3 tập, Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996) của GS. Trần Văn Giàu. Bên cạnh đó còn
có các công trình nghiên cứu như: Bước chuyển tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005) của tập thể tác
2
Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 103
3
giả, do PGS, TS. Trương Văn Chung, PGS,TS. Doãn Chính đồng chủ biên.; Quá
trình chuyển biến tư tưởng chính trị Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX qua
các nhân vật tiêu biểu của PGS,TS. Doãn Chính, ThS Phạm Đào Thịnh.
Như vậy, ở hướng này, các nhà nghiên cứu đã tiếp cận dưới nhiều góc độ
khác nhau khi tìm hiểu về Phan Châu Trinh, như cuộc đời, tư tưởng, giá trị lịch sử
của tư tưởng, trong đó tập trung hệ thống hóa tư tưởng, đi sâu phân tích làm rõ
những quan điểm tiến bộ, tinh thần sáng tạo, vạch rõ những yếu tố hạn chế cũng
như chỉ ra các bài học lịch sử đối với cách mạng Việt Nam.
Hướng thứ hai, đó là các công trình nghiên cứu đánh giá từng mặt, từng nội
dung và giá trị lịch sử tư tưởng Phan Châu Trinh trong những năm đầu thế kỷ XX
như: Luận đề về Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh (Nhà xuất bản Thăng Long,
Sài Gòn, 1957) của Chu Đăng Sơn; Hội thảo chuyên đề Phan Châu Trinh do tạp
chí nghiên cứu lịch sử chủ trì vào năm 1964 – 1965; Hội thảo khoa học Phan Châu
Trinh và Huỳnh Thúc Khánh được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 9 năm 1992 do
sở khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức, với
các bài viết có liên quan đến đề tài là: Phan Châu Trinh, lập trường và phương
pháp cách mạng của Trần Đình Hường, Tìm hiểu thêm về tư tưởng dân chủ của
Phan Châu Trinh của Đinh Xuân Lâm, Mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh và
Nguyễn Ái Quốc của Phan Thị Minh, Ghi chú về mối quan hệ giữa Phan Châu
Trinh và Nguyễn Ái Quốc của Phạm Xanh. Trong tạp chí Triết học, tác giả Đỗ
Hòa Hới với các bài Tìm hiểu tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh với tư tưởng
tự do-bình đẳng-bác ái của cách mạng Pháp 1789 (Số 4 - 1989), Phan Châu
Trinh và sự thức tỉnh dân tộc đầu thế kỷ XX (Số 4 - 1992), Tư tưởng canh tân sáng
tạo đầu thế kỷ XX của chí sỹ Phan Châu Trinh (Số 3 - 2000); tác giả Chương Thâu
với bài Tinh thần dân tộc và dân chủ của Phan Châu Trinh qua Tỉnh quốc hồn ca
(Số 11 - 2002)… Các công trình trên đã khai thác từng mặt, từng nội dung tư
tưởng của Phan Châu Trinh trên các phương diện như văn hóa, triết học, đạo
đức… đồng thời nêu lên những giá trị bài học lịch sử đối với dân tộc ta trong cuộc
đấu tranh giành độc lập.
Như vậy, các công trình nghiên cứu trên đây đề cập đến nhiều vấn đề khác
nhau và đã đạt được những thành quả nhất định cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ phân tích triết học và lịch sử triết học, nghiên cứu sinh
nhận thấy tư tưởng chính trị của ông vẫn còn có khoảng trống cho chúng ta tiếp
tục nghiên cứu.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
3.1. Mục đích của luận án
Luận án có mục đích là tập trung nghiên cứu làm rõ nội dung tư tưởng và
đặc điểm chủ yếu trong tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh, trên cơ sở đó
đánh giá và rút ra những bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện
hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.
4
3.2. Nhiệm vụ của luận án
- Thứ nhất, trình bày, phân tích và luận giải những điều kiện lịch sử, xã hội
và những tiền đề hình thành tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh.
- Thứ hai, trình bày, phân tích làm rõ những nội dung và đặc điểm chủ yếu
trong tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh.
- Thứ ba, từ hệ tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh, rút ra giá trị và bài
học đối với thực tiễn xây dựng hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận án chỉ tập trung vào việc làm rõ những nội dung và đặc điểm chủ yếu
trong tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh trong bối cảnh bước chuyển tư
tưởng của phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện dựa trên các nguyên tắc thế giới quan và phương
pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác luận án còn
kết hợp với các phương pháp nghiên cứu khác như logic và lịch sử, tổng hợp và
phân tích, diễn dịch và qui nạp, đối chiếu và so sánh và cách tiếp cận dưới góc độ
triết học chính trị.
6. Cái mới của luận án
Một là, trên cơ sở trình bày những điều kiện và tiền đề hình thành, phát triển
của tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh, luận án đã phân tích làm rõ những nội
dung cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh về chính trị, các nội tư tưởng về thể
chế nhà nước và quản lý nhà nước; tư tưởng dân chủ và tư tưởng khai dân trí, chấn
dân khí, hậu dân sinh.
Hai là, trên cơ sở nội dung tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh, luận án
đã rút ra những giá trị, hạn chế, ý nghĩa và những bài học lịch sử đối với công
cuộc đổi mới hiện nay.
7. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án
7.1. Ý nghĩa khoa học
Kết quả nghiên cứu của luận án có ý nghĩa về mặt triết học ở chỗ đã làm rõ
những nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh, về tư tưởng dân
chủ; tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh; tư tưởng về cơ chế nhà
nước và quản lý nhà nước; luận án cũng đã trình bày và phân tích những đặc điểm
chủ yếu trong tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh, rút ra những bài học lịch sử
cho công cuộc đổi mới. Trên cơ sở đó, luận án đã rút ra giá trị, hạn chế và những
bài học lịch sử của tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh đối với thực tiễn xây dựng
hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn
Những bài học lịch sử rút ra từ tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh
như: bài học về ý thức độc lập, tự cường dân tộc trong quá trình đổi mới; bài học
về phát huy dân chủ, dân quyền trong quá trình đổi mới; bài học về nâng cao
5
trình độ dân trí, hiểu biết của nhân dân trong quá trình đổi mới … có ý nghĩa
thực tiễn sâu sắc với quá trình xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền và chế
độ dân chủ ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Nội dung và kết quả của luận án là tài liệu khoa học có ích cho việc nghiên
cứu, giảng dạy và học tập môn lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam giai đoạn cuối
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
8. Kết cấu của luận án
Luận án, ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo,
bao gồm 3 chương với 7 tiết
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG
CHÍNH TRỊ CỦA PHAN CHÂU TRINH
1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG
CHÍNH TRỊ CỦA PHAN CHÂU TRINH
1.1.1. Điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với sự
hình thành tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh
Sang cuối thế kỷ XIX, toàn bộ đất nước ta bị đặt dưới sự thống trị của thực
dân Pháp. Dưới thời thuộc Pháp, cơ cấu giai cấp – xã hội ở Việt Nam có nhiều
thay đổi, xuất hiện những lực lượng mới, đặt nền móng cho sự tiếp nhận những
giá trị đích thực của các văn minh và những bài học kinh nghiệm của thế giới. Về
kinh tế, trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, nền kinh tế của nước ta chỉ là một
nền kinh tế nông nghiệp tự nhiên, tự cung tự cấp. Chính sách kinh tế, cuộc khai
thác thuộc địa (lần thứ nhất) của thực dân Pháp với sự thu nhập (dù chỉ hạn chế)
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong quá trình khai thác, đã tác động làm
cho nền kinh tế tự nhiên cũ kỹ trước đây bị phá sản. Về chính trị - xã hội, trong
thời kỳ này Nhà nước “bảo hộ” đã thi hành nhiều chính sách thực dân nhằm biến
nước ta thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa và bóc lột nhân công để thu lợi
nhuận cao nhất cho tư bản Pháp, đồng thời vẫn kìm hãm xã hội Việt Nam trong
tình trạng trì trệ của một nước nông nghiệp lạc hậu để dễ bề thống trị. Về cơ cấu
xã hội, có thể nói rằng, những điều kiện chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa - giáo
dục như trình bày ở trên, đã gây sự tác động mạnh mẽ trong xã hội, làm cho sự
phân hóa giai cấp trở nên sâu sắc hơn. Ngoài các giai cấp vốn có trong xã hội Việt
Nam như giai cấp địa chủ phong kiến, giai cấp nông dân, giờ đây xã hội Việt Nam
còn xuất hiện thêm nhiều giai cấp mới như giai cấp tư sản, tầng lớp tiểu tư sản và
giai cấp công nhân. Về văn hóa, tư tưởng, thực dân Pháp thực hiện chính sách văn
hóa nô lệ, gây tâm lý vong bản tự ti phát triển tôn giáo, mê tín dị đoan để mê hoặc
nhân dân, ngăn chặn ảnh hưởng của nền văn hóa dân chủ tiến bộ Pháp vào Việt
6
Nam. Mặc dù, thực dân Pháp đặt ách nô dịch về văn hóa, giáo dục nhưng với tinh
thần tự tôn, độc lập, tự chủ, thì nhân dân đã có những thay đổi nhất định về sự
hiểu biết thế giới xung quanh, về chính trị, xã hội, văn hóa … Mặt khác, trong đội
ngũ trí thức, một bộ phận có ý thức tự tôn dân tộc đã tích cực, chủ động tiếp thu tư
tưởng tiến bộ của phương Tây nói riêng, và nhân loại nói chung, để truyền bá vào
nước ta.
Như vậy, có thể nói, sự chuyển biến về điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần
hình thành quá trình chuyển biến tư tưởng của các nhà tư tưởng lúc bấy giờ, trong
đó có Phan Châu Trinh.
1.1.2. Điều kiện lịch sử xã hội thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với sự
hình thành tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh
Cùng với bước chân xâm lược của các đế quốc phương Tây vào phương
Đông thì nền văn minh phương Tây cũng đã tràn vào các quốc gia phương Đông
nói chung và Việt Nam nói riêng. Nền văn minh phương Tây tác động vào Việt
Nam dưới nhiều góc độ, nhiều phương diện như khoa học, kỹ thuật, tư tưởng tiến
bộ, … Nhưng vấn đề quan trọng nhất tác động đến tư tưởng Việt Nam là các trào
lưu tư tưởng của phong trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVII, XVIII. Các cuộc canh
tân đất nước của Nhật Bản, Trung Quốc, … tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội, làm
biến đổi bộ mặt đất nước, thay đổi căn bản chế độ chính trị. Thực tiễn sinh động
ấy đặt câu hỏi cho dân tộc Việt Nam là phải bằng con đường cách mạng nào để
bảo vệ độc lập dân tộc, phát triển đất nước theo kịp các nước khu vực. Bên cạnh
đó, phong trào cách mạng vô sản phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Cách mạng
Tháng Mười Nga thắng lợi, chủ nghĩa xã hội đang trở thành hiện thực và mong
ước của hàng triệu con người trên trái đất. Hệ tư tưởng của giai cấp công nhân
ngày càng ảnh hưởng rộng khắp trên phạm vi thế giới. Phong trào đấu tranh giải
phóng dân tộc của các dân tộc đang ngày càng phát triển nhanh chóng. Đây là
những sự kiện lịch sử chính trị rất lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình
chuyển biến tư tưởng của các nhà tư tưởng ở Việt Nam nói chung lúc bấy giờ cũng
như đối với sự hình thành, phát triển tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh.
1.2. TIỀN ĐỀ TƯ TƯỞNG HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
CỦA PHAN CHÂU TRINH
1.2.1. Tư tưởng yêu nước của dân tộc với việc hình thành tư tưởng chính trị
của Phan Châu Trinh
Trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước là
một trong những giá trị hàng đầu, đóng vai trò trung tâm, làm nền tảng cho mọi
hoạt động tinh thần của nhân dân và trở thành điểm tựa cho sự trường tồn của dân
tộc. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở
thành chuẩn mực cao nhất trong bậc thang giá trị truyền thống của dân tộc Việt
Nam và là sức mạnh tiềm ẩn, không bao giờ cạn của dân tộc. Truyền thống quý
7
báu đó đã được khắc sâu trong tâm trí của Phan Châu Trinh và được thể hiện sâu
sắc trong hoạt động thực tiễn cách mạng của Phan Châu Trinh.
1.2.2. Tư tưởng Tân thư với việc hình thành tư tưởng chính trị của Phan
Châu Trinh
Tư tưởng Tân thư là một trào lưu tư tưởng truyền bá các học thuyết tiến bộ
của nước ngoài vào Việt Nam. Đối lập với Tân thư là Cổ thư, có nội dung văn hoá
– giáo dục phong kiến truyền thống. việc tiếp thu tư tưởng Tân thư của Phan Châu
Trinh là tất yếu khách quan, phù hợp với tình hình chung của khu vực và của nước
ta, tạo tiền đề lý luận quan trọng cho sự hình thành và phát triển tư tưởng chính trị
của Phan Châu Trinh.
Tư tưởng Tân thư ảnh hưởng và có sự tác động đến Phan Châu Trinh gồm
nhiều lĩnh vực: triết học, kinh tế, chính trị, văn hoá, … Trong lĩnh vực tư tưởng
chính trị, nội dung cơ bản ảnh hưởng đến tư tưởng Phan Châu Trinh là tư tưởng
cách mạng dân chủ tư sản. Tiêu biểu cho trào lưu tư tưởng này là Vonte (Voltaire
1694 – 1778), Môngtetxkiơ (Montesquieu 1689 – 1755), Rútxô (Rousseau 1712 –
1778), … Tư tưởng dân chủ tư sản của các ông đã ảnh hưởng rất lớn đến các nhà
tư tưởng Việt Nam nói chung, trong đó có Phan Châu Trinh.
Quá trình truyền bá tư tưởng Tân thư vào nước ta, không chỉ có các tư
tưởng tiến bộ của phương Tây mà còn có cả những bài học kinh nghiệm canh tân
của Trung Quốc và Nhật Bản. Tư tưởng Tân thư cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX
cung cấp lượng tri thức đồ sộ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó làm
thay đổi nhận thức nói chung và nhận thức chính trị nói riêng. Tư tưởng tân thư
lên án cái bảo thủ, lạc hậu của chế độ quân chủ, và ca ngợi cái hay, cái tốt của chế
độ dân chủ tư sản cho nên đã hướng các nhà tư tưởng chính trị lựa chọn đi theo
con đường cách mạng dân chủ tư sản. Những bài học quý giá từ các sách báo của
Nhật Bản, Trung Quốc về cuộc canh tân đặt vấn đề cho các nhà tư tưởng nước ta
là cần phải làm như thế nào để đổi mới, phát triển đất nước theo kịp Trung Quốc
và Nhật Bản. Có thể khẳng định, tư tưởng Tân thư đã góp phần nâng cao tầm vóc
tư duy lý luận, đặc biệt là tư duy lý luận chính trị của các nhà tư tưởng Việt Nam
lúc bấy giờ, trong đó có tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh.
1.2.3. Tư tưởng Canh tân với việc hình thành tư tưởng chính trị của Phan
Châu Trinh
Tư tưởng canh tân là một trào lưu tư tưởng của tầng lớp trí thức yêu nước,
tiến bộ, xuất hiện vào thế kỷ XIX, với chủ trương vận dụng những tri thức mới của
văn minh nhân loại nhằm đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế xã hội của đất nước
theo kịp sự phát triển của thời đại. Đối lập với tư tưởng canh tân là tư tưởng thủ
cựu của một bộ phận quan lại triều đình nhà Nguyễn.Tư tưởng canh tân đã đặt ra
những vấn đề mới mẻ như tư tưởng về đổi mới, thời thế, về sức mạnh của nhân
dân, quan niệm mối quan hệ vua với nhân dân, về thể chế chính trị, … đã tác động
không nhỏ đến tư tưởng của Phan Châu Trinh.
8
Cùng với tư tưởng Tân thư, chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành ngọn cờ lý
luận của giai cấp công nhân trên phạm vi toàn thế giới. Giai cấp công nhân sử
dụng chủ nghĩa Mác – Lênin làm hệ tư tưởng cho giai cấp mình, từ đó định
hướng, dẫn dắt phong trào cách mạng đi đến những thắng lợi to lớn. Tiêu biểu là
thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một chế độ mới thể hiện tính
ưu việt so với tất cả các chế độ chính trị tồn tại trong lịch sử.
1.3. KHÁI QUÁT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA PHAN
CHÂU TRINH
1.3.1. Vài nét về thân thế của Phan Châu Trinh
Phan Châu Trinh tên chữ là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh
ngày 9/9/1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Cha ông là cụ Phan Văn Bình, Mẹ của ông là bà Lê Thị Chung. Từ năm 1902 đến
năm 1904 ông được bổ nhiệm làm quan. Thời kỳ từ năm 1911 đến năm 1925,
Phan Châu Trinh làm việc, hoạt động và tìm kiếm con đường cứu nước giải phóng
dân tộc tại Pháp. Ngày 28 tháng 5 năm 1925, Phan Châu Trinh cùng Phan Văn
Trường và Nguyễn An Ninh rời Mácxây trở về Việt Nam. Đầu năm 1926, do bệnh
nặng nên ông đã từ trần vào đêm 24 tháng 3 tại số nhà 54 đường Pelơranh, Sài
Gòn.
1.3.2. Các giai đoạn hình thành, phát triển của tư tưởng chính trị Phan
Châu Trinh
Thời kỳ thứ nhất: Từ năm 1911 trở về trước là thời kỳ hình thành thế
giới quan chính trị của Phan Châu Trinh
Trong thời kỳ này, Phan Châu Trinh vẫn giữ lại nhiều quan điểm của nền
học vấn Khổng Mạnh làm cơ sở cho học thuyết của mình. Với sự chi phối của lập
trường quân chủ, tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh không chỉ được thể hiện
qua những sự kiện trong cuộc đời đầy thăng trầm của ông, mà còn được thể hiện
một cách rõ nét, sâu sắc qua những tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này như:
Kinh thành nguyên đán; Cờ tướng; Hát bội; Khẩu chiếm tặng tống biệt giả; Thời
gian hoạt động Duy tân (1905 - 1908), với Phan thiết ngọa bệnh; Hoàn vương
miếu; Cảm tác, Bắc du cảm thành; Thời gian ở Côn Đảo (1908 - 1910) với Hòn
Côn lôn (2 bài); Đập đá, Trồng đào; Khấp Dương Tú tài mộ; Thời gian ở Mỹ Tho
(1910 - 1911) với các tác phẩm, Đèn sáp; Thứ vận tặng Kí Phú; Tặng Tú Nghi
cưới vợ; Điếu Thủ khoa Huân, Hiền thê; Qua Tây lưu tặng nước nhà; Thi xưa.
Thời kỳ thứ hai: Từ năm 1911 trở đi là thời kỳ củng cố và hoàn thiện thế
giới quan chính trị của Phan Châu Trinh
Thời kỳ từ năm 1911 đến năm 1925, thời kỳ này ông làm việc, hoạt động,
và tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc tại Pháp. Tư tưởng chính trị của Phan
Châu Trinh thời kỳ này đã thể hiện một bước ngoặt quan trọng, sâu sắc về con
đường giải phóng dân tộc. Đó là còn đường cách mạng dân chủ tư sản, thực hiện
bằng phương pháp bất bạo động cách mạng. Trong thời kỳ này, Phan Châu Trinh
9
có các tác phẩm tiêu biểu sau: Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa – tên đầy
đủ Quân trị chủ nghĩa (tức là nhân trị chủ nghĩa), và dân trị chủ nghĩa. Ở Pháp,
Phan Châu Trinh có hai tác phẩm nổi tiếng, đó là: Thư gửi cho Khải Định và Tỉnh
quốc hồn ca II. Bên cạnh đó là các tác phẩm chính trị thể loại thơ ca quốc âm và
thơ chữ Hán như: Tây Hồ thi tập, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, Thư của Phan Châu
Trinh gửi cho các đồng chí, bạn bè…
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh chịu sự tác động mạnh mẽ của
những tiền đề nhất định. Trước hết, với tình hình trong nước, giai đoạn nửa cuối
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Việt Nam đã tạo nên những mâu thuẫn trong xã hội cần
có một phương án giải quyết phù hợp, đúng đắn, giúp cho đất nước phát triển.
Phan Châu Trinh là một trong những nhà tư tưởng tiêu biểu trong giai đoạn này có
công lớn trong lịch sử vận động giải phóng dân tộc Việt Nam. Tiếp đến, với tình
hình thế giới, ở phương Tây, cùng với tư tưởng yêu nước của dân tộc Việt Nam, tư
tưởng Tân thư, tư tưởng Canh tân… Như vậy, những điều kiện kinh tế, chính trị –
xã hội, văn hoá khoa học và những tiền đề tư tưởng nêu trên đã góp phần hình
thành tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX.
Chương 2
NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN
CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ PHAN CHÂU TRINH
Trong chương hai, luận án đi vào phân tích những nội dung và đặc điểm cơ
bản tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh. Để làm rõ những nội dung và đặc điểm
cơ bản tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh, luận án tập trung phân tích những
khái niệm cơ bản liên quan đến luận án đó là các khái niệm về chính trị, quyền lực
chính trị.
Chính trị là lĩnh vực hoạt động rộng lớn, có tính quyết định tiến trình lịch sử
phát triển xã hội. Chính trị ra đời từ khi xã hội phân chia giai cấp, hình thành nhà
nước, đấu tranh giai cấp và xây dựng nhà nước, nhằm bảo vệ lợi ích, quyền lợi của
các giai cấp, bảo vệ chủ quyền và phát triển của các quốc gia. Chính trị, theo
nguyên nghĩa của nó, “là sự tham gia vào các công việc của nhà nước, việc quy
định những hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước. Lĩnh vực chính
trị bao hàm các vấn đề chế độ nhà nước, quản lý đất nước, lãnh đạo các giai cấp,
vấn đề đấu tranh đảng phái… Những lợi ích căn bản của các giai cấp và những quan
hệ qua lại của các giai cấp”
3
.
3
Từ điển triết học (1986), Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 85 - 86
10
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong những hoàn cảnh cụ thể
đã đưa ra những ý kiến có giá trị định hướng cho việc xác định đúng đắn về chính
trị. Xuất phát từ quan điểm của Lênin, có thể xem chính trị là hoạt động trong lĩnh
vực quan hệ giữa các giai cấp, cũng như giữa các dân tộc và các quốc gia với vấn
đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước; là sự tham gia của nhân dân
vào công việc nhà nước và xã hội; là hoạt động chính trị của các giai cấp, các đảng
phái chính trị, các nhà nước nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đường lối
và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích của mình.
Tóm lại, về mặt quan hệ, chính trị là một lĩnh vực rất rộng, gồm nhiều mối
quan hệ khác nhau trong không gian thời gian xác định như: quan hệ giữa các giai
cấp, giữa các đảng phái chính trị với các giai cấp, giữa đảng cầm quyền với các
đảng phái khác nhau, giữa đảng với nhà nước, giữa nhà nước với công dân, giữa
công dân với công dân, giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Về mặt kết cấu,
chính trị bao gồm các nhân tố sau: các chính sách, các quyết định của các chủ thể
chính trị; các thiết chế và thể chế chính trị; quan hệ con người chính trị, giới lãnh
đạo chính trị với công dân.
Trong xã hội có giai cấp, các giai cấp thể hiện ý chí lợi ích của mình đối với
xã hội. Ý chí đó chỉ thực sự có hiệu lực khi giai cấp nào đó nắm được quyền điều
hành quyền lực công. Khi bàn về quyền lực chính trị, Ph.Ănghen cũng đã khẳng
định: “Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một
giai cấp để trấn áp một giai cấp khác”
4
. Quyền lực chính trị bao giờ cũng mang
bản chất giai cấp và quyền lực đó thường được các giai cấp sử dụng để thể hiện
sức mạnh, mục tiêu chính trị của giai cấp mình. Trong xã hội có bao nhiêu giai
cấp có mục tiêu tác động lên chính trị, thì có bấy nhiêu quyền lực chính trị được
hình thành. Từ đó, theo quan điểm của chúng tôi, có thể hiểu chung nhất:
Quyền lực chính trị là quyền được sử dụng sức mạnh chính trị cho mục đích
chính trị. Quyền lực chính trị là quyền lực của mọi giai cấp, mọi chủ thể trong
hoạt động chính trị, là quyền lực tiềm năng. bản chất của quyền lực chính trị
trong xã hội chính là khả năng thực hiện ý chí của một giai cấp đối với sự tồn
tại và phát triển của tiến bộ xã hội thông qua tổ chức nhà nước của giai cấp
thống trị.
2.1. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ PHAN
CHÂU TRINH
2.1.1. Tư tưởng về thể chế nhà nước và quản lý nhà nước của Phan
Châu Trinh
Mô hình nhà nước lý tưởng theo Phan Châu Trinh là tổ chức nhà nước của
các nước phát triển ở Châu Âu lúc bấy giờ. Tổng quát, nhà nước ấy được tổ chức
và điều hanh theo nguyên tắc cơ bản là “tam quyền phân lập", với cơ chế ba quyền
4
C.Mác và Ph. Ăgghen (1980), Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Tuyển tập, tập 1, Nxb. Sự thật, tr. 628
11
độc lập với nhau: lập pháp giao cho Nghị viện, hành pháp đứng đầu là Giám quốc
do Nghị viện bầu ra, và tư pháp giao cho các cơ quan xét xử độc lập đối. Ông viết
rằng: "Đó là theo cái lẽ ba quyền là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư
pháp đều riêng ra, không hiệp lại trong tay một người nào”
5
. Bộ máy nhà nước ấy
bao gồm các bộ phận chủ yếu sau đây: Thứ nhất, Nghị viện: Gồm có hai viện: Hạ
nghị viện và Nguyên lão viện; Thứ hai, giám quốc và nội các; Thứ ba, viện tư
pháp.
Ngoài ra, trong cơ chế quyền lực ấy, vai trò của đảng phái chính trị cũng
được Phan Châu Trinh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Phan Châu Trinh cũng đã khẳng
định vai trò quan trọng của pháp luật khi ông cho rằng "Dân trị tức là pháp trị".
Chế độ dân chủ pháp trị cần được xây dựng trên một nền pháp luật hoàn chỉnh, ổn
định. Pháp luật định ra quyền hạn, nhiệm vụ của nhà cầm quyền, của từng chức
vụ, cơ quan trong bộ máy nhà nước, từ người thấp nhất đến người cao nhất. Mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật. Phan Châu Trinh viết: "Khi có điều gì phạm
đến pháp luật, thì người nào cũng như người nấy, từ ông Tổng thống cho đến một
người dân nhà quê cũng đều chịu theo pháp luật như nhaư”
6
, “Quyền hạn và bổn
phận của mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc nước hay là người thường
đều có pháp luật chỉ định rõ ràng”
7
.
Bên cạnh những tư tưởng về cơ chế nhà nước và quản lý nhà nước nêu trên,
trong tư tưởng, Phan Châu Trinh, ông còn đề ra phương pháp cách mạng của cách
mạng Việt Nam. Đối lập với Phan Bội Châu, ông chủ trương cách mạng hoà bình,
hợp pháp, công khai. Căn cứ vào tình hình trong nước, Phan Châu Trinh cho rằng
chủ trương cách mạng bạo động của Phan Bội Châu là không phù hợp, mặc dù,
Phan Bội Châu là người có chí khí, nghị lực, ông kịch liệt lên án và chỉ ra hạn chế
của Phan Bội Châu là “học thuật không rành, thời thế không rõ, thích dùng quyền
thuật, …”
8
. Từ đó, ông khẳng định bạo động cách mạng sẽ chuốc lấy sự thất bại.
Ông viết: “Bạo động ắt thất bại và ắt chết”
9
. Phan Châu Trinh còn đề xuất tư
tưởng về đoàn kết nhân dân. Nhân dân đoàn kết thì mới tập hợp được thành đảng
phái, thành tổ chức để đấu tranh với thực dân Pháp. Ông kêu gọi nhân dân phải
đoàn kết xây dựng thành tổ chức, đoàn thể tham gia phong trào cách mạng, coi
đoàn kết là một sức mạnh của dân tộc.
Phan Châu Trinh còn là người đầu tiên có công khái quát vai trò của một nền
chính trị. Theo ông, chính trị có vai trò rất quan trọng đối với nhân dân, nền chính
trị tiến bộ thì nhân dân hạnh phúc, còn chính trị lạc hậu thì gây hậu họa cho nhân
dân. Nền chính trị tốt hay xấu phụ thuộc vào chỗ dùng người, và mục đích chính
trị sẽ quyết định việc dùng người của nền chính trị đó. Ông viết: “Họa phúc của
5
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 817
6
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 816
7
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 818
8
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 530
9
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 554
12
nhân dân gốc ở nền chính trị; mà chính trị tốt hay xấu thì bắt đầu ở chỗ dùng
người. Nếu chính trị nhằm làm cho nước lợi dân giàu thì lối dùng người sẽ là
công; dùng người công chính thì tài trí sẽ được phát huy, mọi việc thực hành được
chu tất; nếu chính trị dùng vào tư lợi cá nhân, thì lối dùng người ắt là tư; dùng
người là thiên tư thì hối lộ nảy sinh, kỷ cương rối loạn”
10
.
Với nhận thức về vai trò quan trọng của chính trị đối với nhân dân như vậy,
cho nên, mặc dù ông chủ trương theo cách mạng dân chủ tư sản, nhưng trong điều
kiện nhất định, ông cho rằng việc lựa chọn nền chính trị dân chủ hay quân chủ
phải dựa vào nhân dân. Ông viết: “Sau khi đã khôi phục sơn hà rồi, thì quân chủ
hay dân chủ nhứt nhứt tuỳ theo ý quốc dân, đảng thiếu niên không nên chủ trì bên
nào cả”
11
, chứng tỏ, trong tư tưởng của Phan Châu Trinh xuyên suốt qua các giai
đoạn, tất cả mọi ý đồ chính trị đều tập trung vào ích nước, lợi dân, mưu cầu một xã
hội tốt đẹp cho dân tộc, còn theo thể chế chính trị nào do quốc dân định đoạt.
2.1.2. Tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh
Quan niệm về dân chủ và chủ nghĩa dân chủ được Phan Châu Trinh trình
bày trong bài diễn thuyết Quân trị chủ nghĩa (tức nhân trị chủ nghĩa) và dân trị
chủ nghĩa (tức là pháp trị chủ nghĩa). Trong phần nói về dân chủ, Phan Châu
Trinh trình bày ba nội dung: tình hình dân trí nước ta đối với vấn đề quân chủ, dân
chủ; lược sử chế độ dân chủ; và thế nào là chính thể dân chủ. Ở nội dung thứ nhất,
đánh giá tình hình dân trí nước ta đối với vấn đề quân chủ, dân chủ, Phan Châu
Trinh đã so sánh trong khi các nước bên Âu châu, nước nào cũng có đảng dân chủ
ở trong thượng, hạ nghị viện cả, duy nước ta, ngay những người có ăn học thì cái
chữ “republique” (cộng hòa) luôn ở trên miệng, nhưng không hiểu nghĩa lý ra thế
nào huống chi người dân quê, đã không biết dân chủ là gì đối với vua thì thờ ơ như
thần thánh. Trong phần lược sử chế độ dân chủ, Phan Châu Trinh đã nêu lên một
cách khái quát hai hình thức dân chủ trong lịch sử, đó là nền dân chủ chủ nô thời
Hy Lạp cổ đại và dân chủ tư sản Anh quốc. Ở đây, ông chưa phân tích bản chất,
đặc tính và những nguyên tắc của từng hình thức dân chủ đó, mà chỉ mới giới
thiệu về sự tồn tại những “cái hội” mà “phàm những luật vua quí tộc đã đặt ra thì
phải giao hội ấy xem xét, có bằng lòng thì mới được làm”. Để trình bày một chính
thể dân chủ, trước hết Phan Châu Trinh đi vào giới thiệu về cách bầu Hạ nghị
viện, Nguyên lão viện, Tổng thống và “chánh phủ”, rồi quyền của “chánh phủ” có
hạn định, tất cả “đều chịu theo pháp luật như nhau” dưới quyền “xử đoán” của
Viện tư pháp. Viện tư pháp cùng hai viện kia “có quyền độc lập như nhau. Đó là
theo cái lẽ ba quyền… đều riêng ra, không hiệp lại trong tay một người nào” và
ông tóm lại “dân trị tức là pháp trị”
12
.
10
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 428
11
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 635
12
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 817 - 818
13
Phan Châu Trinh cho rằng, dân quyền là nền tảng, là cơ sở cho độc lập tự chủ
của đất nước, hạnh phúc của nhân dân và là nội dung chủ yếu của độc lập dân
tộc.Tư tưởng dân là chủ nước, nước là chủ của dân chống lại tư tưởng “tôn quân
quyền”, đối lập hoàn toàn với quan điểm Nho giáo, là một bước chuyển tư tưởng
căn bản từ quân chủ sang dân chủ. Đây là điều mới mẻ trong tư tưởng chính trị của
Phan Châu Trinh so với đương thời, là một bước tiến vượt bậc so với tư tưởng
chính trị thời kỳ phong kiến hàng ngàn năm. Nền dân chủ mà Phan Châu Trinh
muốn xây dựng là nền dân chủ từ bên dưới đi lên nghĩa là dân có vị trí, vai trò
quan trọng nhất. Dân trí có nâng lên, dân khí được chấn hưng, dân sinh được phồn
thịnh, dân tộc được tự cường, xã hội văn minh theo Phan Châu Trinh, là điều kiện
đảm bảo cho một nền dân chủ thực chất, thay thế quân chủ. Như vậy, dân chủ gắn
liền với tự do, tự do được bảo đảm bởi dân chủ. Ông viết: “Một nòi dân cùng một
giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha ta nó đã đổ
máu, đổ mồ hôi, đổ nước mắt, để vỡ vạc ra, thành ra một nước lưu truyền bốn
ngàn năm đến giờ, thì được phép hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được sống
ở đó, chết chôn đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì không ai cấm đoán
được”
13
. Tư tưởng dân chủ Phan Châu Trinh có giá trị nổi bật chính là làm cho
nhân dân nhận thức được vai trò dân chủ.
2.1.3. Tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của Phan
Châu Trinh
Khai dân trí của Phan Châu Trinh là: chống lối học tầm chương trích cú
cũng như khoa cử Nho giáo, nay mạnh truyền bá quốc ngữ, mở trường dạy học
những kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa và qua văn thơ báo chí,
tuyên truyền… phổ biến trong đại chúng tư tưởng tư sản dân chủ. Muốn khai
thông dân trí, giành độc lập cho dân tộc, ông chủ trương cải cách bằng việc mở
các trường học, đem thực tài mà giảng dạy, dùng các hình thức thơ ca, sách vở,
báo chí diễn thuyết để mở mang trí khôn và thức tỉnh lòng người. Ông viết:”…
đem cái sự học Âu tây để so sánh lại với cái học cũ của ta, để xem điều gì hay,
điều gì dở, cho người ta xét đoán mà tìm lấy đàng tấn tới về sau ”
14
.
Chấn dân khí tức là làm cho mọi người thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường,
giác ngộ được quyền lợi của mình giải thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ quân chủ
chuyên chế. Sự trì trệ, suy vong của dân tộc không phải từ bản chất của dân tộc ta
kém cỏi, từ buổi đầu lịch sử, dân tộc ta đã có mấy trăm này dựng nước trở thành
một quốc gia có độc lập, có chủ quyền, có nền văn hóa ổn định và bền vững. Sự
kém cỏi của dân tộc ta chính là do một phần chúng ta không tự lực, tự cường,
không chịu học hỏi, làm mất đi cái hào khí, cái sức mạnh truyền thống mấy ngàn
năm của dân tộc.
13
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 774
14
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 795
14
Hai yêu cầu trên tất yếu khách quan sẽ dẫn tới yêu cầu thứ ba là hậu dân
sinh, đó chính là cải thiện đời sống cho nhân dân, nâng cao toàn diện cuộc sống
vật chất và tinh thần cũng như về các mặt khác như kinh tế, văn hóa, xã hội ở hiện
tại cũng như cho những thế hệ sau này. Theo Phan Châu Trinh, một dân tộc muốn
phát triển kinh tế phải tiến hành phát triển ngành nghề nhằm tạo ra nhiều sản phẩm
phục vụ đời sống xã hội.
2.2. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA
PHAN CHÂU TRINH
2.2.1. Tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh có tính thực tiễn
Trong tư duy chính trị của Phan Châu Trinh, thì vấn đề quan trọng nhất đó
là độc lập dân tộc. Về mặt phương pháp luận, bằng mọi cách thức, mọi phương
pháp để giành được độc lập dân tộc, còn thể chế chính trị, thì quân chủ hay dân
chủ do quốc gia lựa chọn. Cho nên, tư tưởng độc lập dân tộc được nâng lên thành
một triết lý, một chủ nghĩa cao đẹp đó là chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt
Nam. Phan Châu Trinh đã triển khai tư tưởng dân chủ trong thực tế, cổ vũ, động
viên mở mang nhiều ngành nghề, xây dựng nhiều hội nghề, buôn bán nhằm phát
triển đời sống dân sinh. Đây là những tư tưởng mới, xóa bỏ những quan niệm cũ
của xã hội phong kiến, và từ tư tưởng triển khai ra hiện thực một cách sáng tạo và
thiết thực, phù hợp với yêu cầu của lịch sử dân tộc và thời đại. Cũng trong nội
dung tư tưởng chính trị của mình, Phan Châu Trinh đã rất chú trọng vào việc xây
dựng một xã hội được quản lý bằng pháp luật. Cần thiết phải dựa vào pháp luật để
tiến hành mọi hoạt động đấu tranh cách mạng. Bản thân Phan Châu Trinh đã nhận
thấy vai trò tích cực của quản lý xã hội bằng pháp luật, chống lại tư tưởng chuyên
quyền, độc quyền chính trị.
2.2.2. Tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh có tính cải lương
Do nguồn gốc giai cấp, hoàn cảnh gia đình, xã hội của Phan Châu Trinh và
hạn chế về mặt nhãn quan chính trị, nên trong tư tưởng chính trị của ông vẫn còn
mang đậm tính chất cải lương. Chủ trương cải lương của Phan Châu Trinh khác
với phong trào cải lương phản dân tộc ở một số điểm cơ bản sau: Một là, xuất phát
trên cơ sở tinh thần yêu nước, nên tư tưởng cải lương cũng đã mang trong lòng nó
tính chất phản phong và phản đế mặc dù thiếu tính triệt để. Mục đích chân chính
của nó trước sau vẫn muốn giải phóng dân tộc ra khỏi thế kìm kẹp của các thế lực
phong kiến và thực dân xâm lược, muốn tạo những lực lượng mới có khả năng
thay đổi bộ mặt xã hội; Hai là, tư tưởng cải lương của Phan Châu Trinh được nhân
dân Trung kỳ tiếp thu mới đầu, sau đó phong trào nổi lên có tính chất nhân dân.
Điều này chứng tỏ một phần tư tưởng của Phan Châu Trinh phù hợp với nhu cầu
đã chín muồi của đời sống xã hội, nó đã xâm nhập vào ý thức của đông đảo quần
chúng, trở thành tư tưởng của bản thân quần chúng, đoàn kết họ trở thành một đội
quân mạnh mẽ được cổ vũ bởi một mục đích và ý chí thống nhất. Phong trào đấu
15
tranh tự phát của nông dân Trung Kỳ dần dần biến thành cuộc đấu tranh có ý thức
và có tổ chức nên tư tưởng cải lương do Phan Châu Trinh đề xướng không còn là
một tư tưởng thuần túy nữa, mà đã trở nên hành động. Tư tưởng một khi đã được
xâm nhập vào quần chúng thì nó sẽ trở thành một lực lượng vật chất vô cùng lớn;
Ba là, tuy có phiến diện, mang tính chất ảo tưởng, nhưng tư tưởng quốc gia cải
lương của Phan Châu Trinh biểu hiện một sự tiến bộ về mặt tư tưởng của xã hội
Việt Nam đương thời.
2.2.3. Tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh có tính dân tộc, tính
nhân dân sâu sắc
Giống với chí sĩ yêu nước nhiệt thành khác lúc bấy giờ, tư tưởng của Phan
Châu Trinh cũng có bước chuyển đồng hành với dân tộc và thời đại. Đó là quá
trình chuyển từ lập trường hệ tư tưởng phong kiến, phê phán chế độ quân chủ
chuyên chế và đi đến chủ nghĩa dân quyền. Theo ông, muốn dành muốn dành độc
lập dân tộc trước hết phải đánh đổ chế độ phong kiến, xây dựng nên chế độ dân
chủ thì cách mạng Việt Nam mới đi đến thắng lợi. Với dũng khí tự tôn dân tộc,
Phan Châu Trinh đã tin tưởng rằng, với những nội dung dân chủ, dân quyền mà
ông truyền bá, nhân dân Việt Nam sẽ thức tỉnh, sẽ có khả năng tự đổi mới, lấy lại
sức mạnh quật khởi của mình. Việt Nam sẽ bước dài những bước tiến bộ. Ông
nhấn mạnh: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã giác ngộ được quyền lợi của
mình dần dần mới có thể mưu tính đến việc khác”
15
.
2.2.4. Quá trình chuyển biến tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh
có tính chất quá độ
Giai đoạn cuối thế kỷ XIX, nước ta chuyển sang xã hội thuộc địa nửa phong
kiến. Chính sự chuyển biến nhanh chóng về xã hội đã làm cho Phan Châu Trinh
phải trải qua quá trình tìm hiểu, suy tư, trăn trở, khá lâu dài để từ đó, mới có thể
có sự chuyển biến tư tưởng. Quá trình chuyển biến tư tưởng chính trị, từ hệ tư
tưởng quân chủ sang hệ tư tưởng dân chủ tư sản của Phan Châu Trinh là một quá
trình tiệm tiến dần dần, và cũng giống như nhiều nhà tư tưởng khác, Phan Châu
Trinh, với tư tưởng chính trị của mình đã hoàn thành nhiệm vụ đối với trong giai
đoạn lịch sử lúc đó. Đồng thời tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh cũng đã
thể hiện một trình độ, một nấc thang trong sự phát triển của tư tưởng Việt Nam
giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Từ sự phân tích các giai đoạn hình thành, phát triển và những nội dung,
đặc điểm cơ bản tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh, có thể rút ra một số
kết luận sau:
15
Huỳnh Lý (1992), Phan Châu Trinh: Thân thế và sự nghiệp, Nxb. Đà Nẵng, tr 253
16
Một là, Phan Châu Trinh đã mạnh dạn, tìm tòi, khám phá tìm con đường cứu
nước theo khuynh hướng mới. Đó là con đường cách mạng dân chủ tư sản, thực hiện
bằng phương pháp bất bạo động cách mạng. Yếu tố dân chủ ngày càng phát triển
mạnh mẽ trong tư tưởng chính trị của ông, đi đôi với khuynh hướng cải lương
ngày càng kiên định, do sự hiểu biết không đầy đủ về bản chất của chủ nghĩa đế
quốc và tính chất bảo thủ của ý thức hệ phong kiến. Do vậy, tư tưởng chính trị của
Phan Châu Trinh có nhiều điểm tiến bộ cũng như những hạn chế nhất định.
Hai là, tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh đã thể hiện một cách khá phong
phú, đa dạng và sâu sắc trên một số nội dung cơ bản sau đây: Thứ nhất, tư tưởng
chính trị về xây dựng thể chế nhà nước và quản lý nhà nước bằng pháp luật; Thứ
hai, tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh là một bước tiến bộ trong tư tưởng
chính trị của ông; Thứ ba, tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, nhằm
chấn hưng đất nước, khôi phục khí thế hào hùng của dân tộc, là tư tưởng chính trị
có tính cách mạng của Phan Châu Trinh.
Ba là, từ việc tìm hiểu, nghiên cứu nội dung chính trị cơ bản của Phan
Châu Trinh, chúng ta có thể rút ra những đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất, tư
tưởng chính trị của Phan Châu Trinh có tính thực tiễn; Thứ hai, tư tưởng chính
trị của Phan Châu Trinh có tính chất cải lương; Thứ ba, tư tưởng chính trị của
Phan Châu Trinh có tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc; Thứ tư, quá trình chuyển
biến tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh có tính chất quá độ.
Do thiếu tiền đề lý luận và cơ sở vật chất xã hội, vì vậy nội dung tư tưởng
chính trị của Phan Châu Trinh chưa đạt đến trình độ học thuyết, nhưng hệ thống
quan điểm chính trị của Phan Châu Trinh đã biểu hiện sự tiến bộ to lớn về tư
tưởng chính trị của xã hội Việt Nam đương thời. Dù sao, tư tưởng chính trị tiến
bộ của Phan Châu Trinh vẫn là ánh sáng soi đường, thức tỉnh dân tộc Việt Nam
đứng dậy chống Pháp, xóa bỏ phong kiến, xây dựng một xã hội văn minh mới,
với nền dân chủ mới.
Chương 3
GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ TƯ TƯỞNG
CHÍNH TRỊ PHAN CHÂU TRINH ĐỐI VỚI THỰC TIỄN XÂY DỰNG HỆ
THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM HIỆN NAY
3.1. GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ PHAN
CHÂU TRINH
3.1.1. Giá trị của tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh
Trước hết, tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh thể hiện ý thức tự
cường dân tộc.
Phan Châu Trinh cũng đã nhận ra được mục đích tối cao của cách mạng
Việt Nam là khôi phục độc lập dân tộc, khôi phục lại chủ quyền đất nước. Nhằm
đạt được mục đích này, trước hết và cơ bản cần phải thức tỉnh tư tưởng chính trị
17
của dân tộc để thoát khỏi tư tưởng chuyên chế của thực dân, phong kiến. Theo
Phan Châu Trinh, muốn đánh đuổi thực dân Pháp, trước hết phải nâng cao dân trí,
nâng cao sức dân và phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Tư tưởng
chính trị của Phan Châu Trinh đã đánh thức cơn ngủ mê của xã hội phong kiến lúc
bấy giờ. Theo ông, Việt Nam cần phải chuyển sang học tập những kiến thức khoa
học kỹ thuật tiến bộ của phương Tây, thay đổi cách học cũ, bởi vì nó lạc hậu,
không còn phù hợp. Từ những hiểu biết về sự phát triển của tri thức nền giáo dục
thời đại, Phan Châu Trinh đã tích cực vận động phong trào nhân dân thực hiện
theo tư tưởng tự lực khai hóa.
Trước tình hình đất nước ngày càng suy yếu, phong trào khởi nghĩa chống
Pháp thất bại, Phan Châu Trinh nhận thấy khả năng, thực lực của dân tộc ra rất
khó thực hiện cách mạng bạo động chống thực dân Pháp, cho nên ông chủ trương
theo con đường cách mạng ôn hòa, tránh bạo động, không sử dụng bạo lực vũ
trang. Ông đã đứng trên quan điểm, lập trường dân chủ tư sản để phê phán chế độ
phong kiến. Theo ông, đây là nền dân chủ mà chúng ta cần hướng tới. Mặc dù có
những hạn chế nhất định, nhưng rõ ràng tư tưởng và hoạt động của Phan Châu
Trinh đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển trong tư duy chính trị của dân
tộc Việt Nam.Tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh đã tạo ra một luồng sinh khí
mới cho dân tộc Việt Nam trong những năm đen tối dưới ách thống trị của thực
dân phong kiến. Từ tư tưởng đến hiện thực là một quá trình rất khó khăn, nhưng
Phan Châu Trinh với năng lực tư duy, khả năng “tự thức tỉnh”, “tự phê phán” và
bằng nhiệt huyết cách mạng của mình, đã tổ chức những hoạt động cách mạng
thiết thực nhằm góp phần đổi mới nhận thức và thực tiễn cho nhân dân ta trong
những năm đầu thế kỷ XX.
Giá trị thứ hai của tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh chính là việc đề
cao dân quyền, dân chủ.
Trong toàn bộ phát biểu của ông, chúng ta thấy ông đã hiểu rõ chế độ dân
quyền tư sản là tiến bộ hơn và nó bao hàm cả nội dung bảo đảm cho nền độc lập
dân tộc. “Dân quyền” với thể chế tư sản là tương ứng với độc lập. Còn “Quân
chủ” bảo thủ là tương ứng với lạc hậu, cổ hủ và yếu kém, số phận của nước đó
nhất định bị nô dịch
16
. Phan Châu Trinh là một trong những người đầu tiên đã khởi
xướng dân quyền ở Việt Nam. Đó là giá trị có tính lịch sử của ông về tư tưởng
chính trị. Để thực hiện lý tưởng này, năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam đã thí
nghiệm và sau đó tiến hành thử thách nhiều lần, mãi đến năm 1945, dưới sự lãnh
đạo của Hồ Chí Minh, trong điều kiện thời cơ vô cùng thuận lợi mới thành công.
Phan Châu Trinh khát vọng một cuộc cải cách nâng cao dân trí, mở mang
công nghệ, giảm bớt thuế má cho dân. Phan Châu Trinh cũng mong muốn bằng
con đường giáo dục, cải cách, và cuối cùng nhân dân Việt Nam sẽ đủ sức để
thuyết phục chính quyền thực dân Pháp phải trao lại quyền tự trị cho nước ta.
16
Thu Trang (1983), Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911 – 1925, Nxb. Đông Á, Pari., tr. 275
18
Trong tư tưởng chính trị của mình, Phan Châu Trinh nhấn mạnh đến vai trò, quyền
lợi của nhân dân, người dân có quyền sống và được hưởng những quyền lợi, được
thực hiện những nghĩa vụ thiêng liêng cao cả với đất nước. Ông viết: “Một nòi dân
cùng một giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha ta
nó đã đổ máu, đổ mồ hôi, đổ nước mắt, để vỡ vạc ra, thành ra một nước lưu truyền
bốn ngàn năm đến giờ, thì được phép hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được
sống ở đó, chết chôn đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì không ai cấm
đoán được”
17
. Nhằm làm cho nhân dân hiểu được quyền làm chủ của mình, Phan
Châu Trinh đã tích cực truyền bá nội dung về quyền và nghĩa vụ của nhân dân. Vì
vậy, trong tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh có giá trị nổi bật chính là làm cho
nhân dân nhận thức được vai trò dân chủ. Nhận thức về vai trò quan trọng của
chính trị đối với nhân dân, cho nên, mặc dù Phan Châu Trinh chủ trương đi theo
cách mạng dân chủ tư sản, nhưng trong điều kiện nhất định, ông cho rằng việc lựa
chọn nền chính trị dân chủ hay quân chủ phải dựa vào nhân dân, do quốc dân định
đoạt.
Tóm lại, Tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh không chỉ có ý nghĩa lịch
sử đối với giai đoạn lúc bấy giờ, mà nó còn có ý nghĩa đối với công cuộc đổi mới,
hội nhập ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
3.1.2. Mặt hạn chế trong tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh
Thứ nhất, về mặt thực tiễn, vào giai đoạn lịch sử, đất nước ta rơi vào cảnh
áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, mọi quyền của con người đều bị
tước đoạt, không có những điều kiện cần thiết để học thuyết mới được phổ biến
một cách rộng rãi. Phan Châu Trinh tiếp biến tư tưởng dân chủ, văn minh phương
Tây qua tân thư, tân văn nhưng bản thân ông không đặt vấn đề dịch ra chữ quốc
ngữ để phổ biến trong xã hội mà ông lại tìm cách chuyển tải tư tưởng qua văn
phong của mình. Trong khi đó, xã hội Việt Nam thời kỳ này đa số dân bị mù chữ,
trình độ dân trí còn thấp, nên việc phổ biến tư tưởng còn bị hạn chế.
Phương pháp mà Phan Châu Trinh chọn lựa là phương pháp khá lạ lẫm đối
với truyền thống chống xâm lược bằng hình thức đấu tranh vũ trang của dân tộc ta.
Theo đó, Phan Châu Trinh không chủ trương mưu đồ khởi nghĩa như các phong
trào yêu nước trước đó mà trước sau chỉ có một cuộc khai hóa rộng lớn và sâu sắc
bằng công cuộc trang bị vào quảng đại quần chúng những kiến thức và tư tưởng
mới, làm cho quần chúng biết đền một thế giới quanh mình, thế giới mà con người
có quyền mà không được hưởng. Phan Châu Trinh tin tưởng rằng, nếu trao quyền
hiểu biết cho nhân dân, dân biết thì dân sẽ đứng dậy, sẽ tự quyết định vận mệnh
của mình. “Cho nên sự vận động của đảng tôi, toàn là tụ tập dân chúng đường
đường chính chính, diễn thuyết, họp chí sĩ, khảo cứu chính trị thời thế, ăn to nói
lớn, người và việc ai nấy đều thấy, cho nên xét nó rất dễ”
18
. Có thể nói rằng,
17
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 774
18
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 545
19
phương pháp đấu tranh ôn hòa có ưu điểm là không gây ra tổn thất về tính mạng
và vật chất của nhân dân, làm cho nhân dân thức tỉnh, vươn lên làm cách mạng,
tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này là không cao và không triệt để, bởi bản
chất của chủ nghĩa thực dân là dùng bạo lực phản cách mạng để xâm lược, áp bức
các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động.
Thứ hai, về mặt nhận thức, tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh không
tạo ra được một hệ tư tưởng, một cơ sở triết học nhất quán, khoa học, triệt để và
còn chịu ảnh hưởng cũng như chưa hoàn toàn thoát khỏi quan niệm của Nho giáo.
Trong suy nghĩ, ông vẫn chưa thoát khỏi cách sắp xếp trật tự xã hội theo tứ dân.
Một mặt Phan Châu Trinh coi sĩ, nông, công, thương đều cần cho xã hội, nhưng
mặt khác Phan Châu Trinh vẫn coi thường nghề công và thương. Về nghề của kẻ
sĩ thì ông tán dương “đức hạnh vẹn toàn, giúp vua dân”; nghề nông, ông khen là
“thói nông thuần hậu” nhưng đối với công nghệ thì Phan Châu Trinh lại nhận định
là “có đôi phần tệ, phân bậc nên chi để thứ ba”; nghề thương ông thấy có thói xấu
“tráo đấu lường cân, chắc tôm vá cá, đua nhau chiết cạnh”. Điều này thể hiện Phan
Châu Trinh chưa thể vượt qua được xã hội quan của Nho giáo.
Bên cạnh việc phê phán tư tưởng Nho giáo và xã hội phong kiến, thuộc địa,
chúng ta thấy rằng, trên thực tế Phan Châu Trinh phê phán Nho giáo không phải
để nhằm mục đích đánh đổ hoàn toàn hệ tư tưởng mà họ đã được tiếp thu, truyền
thừa qua lịch sử hàng ngàn năm của hệ thống chính trị - xã hội – giáo dục. Ông
chưa nhận thức đầy đủ bản chất của dân chủ tư sản, đặc biệt, ông lại ảo tưởng khi
chủ trương dựa vào Pháp để thực hiện dân chủ ở Việt Nam, rồi giành độc lập dân
tộc. Do vậy, dẫn tới mơ hồ chính trị. Trong lúc đề cao dân chủ Phan Châu Trinh
lại quên vấn đề diệt thực dân giành độc lập dân tộc, ông mới nhận thấy mâu thuẫn
giữa chế độ quân chủ với nhân dân mà chưa nhận thấy mâu thuẫn cơ bản nhất là
giữa dân tộc ta với thực dân Pháp. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận xét về Phan
Châu Trinh là “không biết đâu là kẻ thù chính”
19
. Đây có lẽ là sai lầm lớn nhất của
cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh, cho nên đã định hướng sai lầm cho
những hoạt động chính trị khác.
3.2. NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
PHAN CHÂU TRINH VỚI THỰC TIỄN XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH
TRỊ VIỆT NAM HIỆN NAY
3.2.1. Khái quát quá trình xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị ở Việt
Nam hiện nay
Ở Việt Nam, hệ thống chính trị đã sớm hình thành và hoàn thiện cùng với
quá trình phát triển của đất nước, và với tính cách là một hệ thống chính trị cách
mạng, các tổ chức trong hệ thống chính trị như Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội
chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn được nâng cao
19
Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám – Hệ thức tư sản và sự
thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 113
20
chất lượng hoạt động, gắn kết trong một hệ thống vững chắc nhằm thúc đẩy phát
triển sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, vì lợi ích của nhân dân.
Kể từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, yêu cầu và nhiệm vụ hoàn
thiện hơn nữa và đổi mới hệ thống chính trị đã trở thành nhu cầu không thể thiếu
đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và
vì lợi ích của nhân dân. Trong Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã
khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công
dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người”
20
. Thông qua tìm hiểu
tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh đối với phong trào cách mạng Việt Nam đầu
thế kỷ XX, có thể thấy rằng, nếu bỏ qua những hạn chế do điều kiện lịch sử, trình
độ nhận thức và quan điểm giai cấp qui định, thì chúng ta có thể rút ra những bài
học có ý nghĩa lịch sử đối với công cuộc đổi mới hiện nay.
3.2.2. Những bài học lịch sử từ tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh
Thứ nhất, bài học về ý thức độc lập, tự cường dân tộc trong quá trình
đổi mới
Có thể nói rằng, độc lập dân tộc là mục đích tối cao của mỗi dân tộc trong
quá trình đối mới và phát triển. Độc lập, tự do của một dân tộc chỉ có thể tự
giành lấy bằng sức mạnh vật chất và tinh thần của dân tộc. Phan Châu Trinh đã
chỉ rõ, chính trị có thể thay đổi thành quân chủ, hay dân chủ nhưng độc lập dân
tộc là không đổi. Phan Châu Trinh, người đề xướng và lãnh đạo phong trào Duy
tân, đã có tư tưởng sẽ thiết lập ở Việt Nam một chế độ dân chủ tự trị. Ý thức tự
chủ, tự lực, tự cường dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy quá trình phát
triển lịch sử của dân tộc ta. Phan Châu Trinh đã từng viết rằng: “một chủng tộc
muốn như chủng tộc văn minh chỉ có tự lập tự cường”
21
.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta phải xây dựng, củng cố, phát
triển bản lĩnh của dân tộc ngang tầm với các nước, với thời đại cả về nhận thức lẫn
hoạt động thực tiễn nhằm phát triển đất nước. Ý thức tự lực, tự cường trong bối
cảnh hiện nay là rất quan trọng, là cơ sở để chúng ta vươn lên hội nhập với thế
giới một cách chủ động, không bị động, không bị chèn ép. Ngoài ra, xu thế hội
nhập là không thể tránh khỏi, cho nên, phải tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài
nhằm phục vụ cho công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các mặt
của đời sống xã hội.
Thứ hai, bài học về phát huy dân chủ trong đổi mới
Qua khảo sát thực tế, Phan Châu Trinh thấy rằng, chế độ dân chủ trở thành
giá trị phổ biến, trở thành xu thế phát triển của thời đại, vấn đề nhân quyền, dân
quyền đang là những làn sóng mạnh mẽ, sôi nổi tràn khắp thế giới, trong xu thế
20
Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, tr. 85
21
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 696
21
ấy, dân tộc ta phải nhanh chóng thay đổi chế độ chính trị cho phù hợp thời đại.
Ông viết: “Ngày nay khắp cả thế giới, những nước nào đã theo kịp được một ít
văn minh Âu châu hay là hiểu được một ít tư tưởng tự do, ngôn luận tự do, thì ai
cũng hiểu được cái tiếng dân chủ là thế nào, hay là dân trị là thế nào”
22
. Theo Phan
Châu Trinh, con đường đi đến chế độ dân chủ là con đường đấu tranh do chính
người dân tự thực hiện, không chờ đợi Nhà nước ban phát. Con đường đó bắt đầu
bằng việc mở cửa trí tuệ (khai dân trí), khôi phục sức mạnh tinh thần của người
dân (chấn dân khí) và phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội
buôn, sản xuất hàng nội hóa (hậu dân sinh).
Trong xu thế đổi mới, hội nhập hiện nay, dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục
tiêu của công cuộc đổi mới, cũng đồng thời là mục tiêu và bản chất của chủ nghĩa
xã hội. Thực hành dân chủ là thực hành trong các mối quan hệ. Thực hành dân chủ
rộng rãi, nhất là dân chủ trong Ðảng, là làm cho động lực dân chủ, văn hóa dân
chủ phát huy tác dụng của nó trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các
mối quan hệ con người để phát triển dân chủ thực chất, khắc phục dân chủ hình
thức, chống lại những vi phạm dân chủ và quyền làm chủ của người dân, chống
quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng có hiệu quả rõ rệt nhất. Ðây cũng là
đường hướng chủ đạo thuộc về tầm nhìn và hành động của Ðảng theo tinh thần
Nghị quyết Ðại hội XI về dân chủ ở nước ta. Một cách thiết thực và cụ thể, mọi nỗ
lực của toàn Ðảng, toàn dân đều hướng vào phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân,
tiết kiệm sức dân, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để phát
huy tốt nhất sức mạnh của dân chủ trong công cuộc đổi mới vì “dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [41, 70].
Thứ ba, bài học về kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao dân trí, dân khí và
dân sinh trong đổi mới
Theo Phan Châu Trinh, dân quyền phải dựa vào dân trí. Dân quyền phải gắn
chặt với dân trí. Đó là yêu cầu vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài. Do đó,
nâng cao dân trí là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong tư tưởng của Phan
Châu Trinh. Dân trí và giáo dục có vai trò rất quan trọng đối với nền chính trị dân
chủ, với xã hội hiện đại văn minh. Trong trật tự các bước tiến hành cải cách, cải
cách giáo dục có ý nghĩa tiên quyết nhằm nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện
cho việc tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến nhất của thời đại và ứng dụng
chúng vào quá trình hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, nền giáo dục
đang ẩn chứa rất nhiều yếu kém, bất cập. ại hội lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt
Nam khẳng định: “Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát
triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế; chưa chuyển
mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng
số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người”
23
. Đánh
giá về chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, Đảng Cộng sản Việt Nam
22
Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr. 980