ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN ĐÌNH QUỐC CƯỜNG
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2013
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN ĐÌNH QUỐC CƯỜNG
Chuyên ngành: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
Mã số: 62 22 80 05
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
1) TS. Trần Chí Mỹ
2) TS. Hồ Anh Dũng
Phản biện độc lập:
1) GS, TS. Nguyễn Hùng Hậu
2) GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn
Phản biện 1: PGS, TS. Trương Văn Chung
Phản biện 2: PGS, TS. Nguyễn Xuân Tế
Phản biện 3: PGS, TS. Đinh Ngọc Thạch
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2013
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu
của cá nhân tôi, dưới sự hướng dẫn khoa học của
Tiến sĩ Trần Chí Mỹ và Tiến sĩ Hồ Anh Dũng. Tôi
xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả nghiên
cứu của công trình khoa học này.
Người làm luận án
Nguyễn Đình Quốc Cường
NHỮNG TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN
AFTA ASEAN Free Trade Area
(Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN)
APEC Asia-Pacific Economic Cooperation
(Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương)
ASEAN Association of Southeast Asia Nations
(Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)
EU European Union
(Liên minh châu Âu)
IUCN International Unionfor Consenation of Nature and Natural
Resources
(Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên quốc tế)
NAFTA North America Free Trade Agreement
(Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ)
MERCOSUR Viết tắt từ tiếng Bồ Đào Nha: Mercado Comum do Sul
(Khu vực Mậu dịch Tự do Nam Mỹ và vùng biển Caribê)
UNESCO United Nations Educational Scientific and Cultural Organization
(Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc)
WCED World Commission on Environment and Nevelopment
(Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới)
WTO World Trade Organization
(Tổ chức Thương mại Thế giới)
MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU 1
Chương 1. LÝ LUẬN VỀ GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC
VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM Ở TỈNH ĐẮK LẮK 14
1.1. Quan niệm về bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam 14
1.2. Tính đặc thù của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk 43
1.3. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về giữ gìn và phát huy
bản sắc văn hóa dân tộc 68
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 76
Chương 2. THỰC TRẠNG GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC
VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM Ở TỈNH ĐẮK LẮK TRONG
NHỮNG NĂM QUA 79
2.1. Khái quát các nhân tố tác động đối với việc giữ gìn và phát huy
bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk 79
2.2. Thực trạng giữ gìn và phát huy hệ giá trị tổng quát và những giá trị
bộ phận của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk
trong những năm qua 96
2.3. Nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế trong việc giữ gìn,
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk 124
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 130
Chương 3. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP GIỮ GÌN, PHÁT
HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM Ở TỈNH ĐẮK
LẮK HIỆN NAY 132
3.1. Phương hướng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk 132
3.2. Những giải pháp cơ bản nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay 142
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 165
KẾT LUẬN CHUNG 167
TÀI LIỆU THAM KHẢO 171
PHỤ LỤC 182
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong thời đại giao lưu, hội nhập quốc tế sâu rộng và mạnh mẽ hiện nay,
vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được cả cộng đồng thế
giới quan tâm đặc biệt, coi đó là vấn đề hệ trọng, có quan hệ mật thiết với sự
phát triển, thậm chí là sự tồn vong của mỗi quốc gia dân tộc.
Bài học sâu sắc nhất từ sự phát triển của các nước trên thế giới là quá
trình hội nhập vào thế giới phải đồng thời là quá trình khẳng định bản sắc văn
hóa dân tộc và gắn với hai quá trình này là sự phát triển cao của mỗi cá nhân
trong cộng đồng dân tộc.
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam – những giá trị đặc trưng, bền vững,
những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua
lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, kết thành sức mạnh,
giúp cho dân tộc ta trường tồn, lớn mạnh và phát triển như ngày nay. Trong
công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, vai trò của bản sắc văn
hóa dân tộc được xác định là một trong những nhân tố có tầm quan trọng đặc
biệt đối với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là nền tảng và
sức mạnh tinh thần để nhân dân ta, dân tộc ta xây dựng một xã hội dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa
xã hội. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước – thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường,
hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
vừa có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Mặt
trái của các quá trình đó hàng ngày, hàng giờ làm nảy sinh trên đất nước ta
những tâm lý, tình cảm, những quan niệm và lối sống xa lạ, thậm chí đối lập
2
với các giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc cũng như định hướng xây dựng và
phát triển xã hội ta hiện nay. Những yếu tố xa lạ ấy thẩm thấu đến đâu, dẫn
đến hậu quả như thế nào,… đều tùy thuộc vào sức mạnh nội sinh của xã hội
ta, tức của nền văn hóa dân tộc. Sự vững mạnh đó sẽ tạo ra sức đề kháng, đẩy
lùi những độc tố mới nảy sinh, đồng thời có khả năng hấp thụ những nhân tố
mới lành mạnh, bổ ích.
Nhận thức sâu sắc tình hình đó, Đảng ta đã đặt nhiệm vụ giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào vị trí cần quan tâm đặc biệt: “Trong
điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế cần đặc biệt
quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”[29, tr.111] và luôn coi
đó vừa là một nhiệm vụ văn hóa, vừa là một nhiệm vụ chính trị, là điều kiện
tất yếu để hội nhập thành công vào thế giới, xây dựng và bảo vệ thành công
một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá
con người trên đất nước ta.
Ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay, trên đại thể, cũng tương tự như các địa phương
khác trên đất nước ta, đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Vì thế, nhiệm vụ giữ
gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk cũng có những thuận
lợi và khó khăn chung như cả nước; nhưng đồng thời, do điều kiện tự nhiên,
lịch sử và văn hóa có tính đặc thù của địa phương quy định, việc giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk có những thuận lợi và khó
khăn của riêng mình.
Trong những năm qua, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân
các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa
dân tộc Việt Nam là rất lớn và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp
phần thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ về mọi mặt của tỉnh nhà nói riêng, của
khu vực Tây Nguyên và cả nước nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những thành
3
tựu, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk
Lắk cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, cả trên bình diện bản sắc văn
hóa chung cho cả cộng đồng Việt Nam và bản sắc văn hóa riêng của các dân
tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ở những mức độ và phạm vi khác nhau, tùy
theo lĩnh vực, đã có biểu hiện của sự phai nhạt, thậm chí coi thường, phủ định
bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện tượng đó đã và đang có ảnh hưởng tiêu cực đối
với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh quốc
phòng và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở tỉnh Đắk
Lắk – một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và an
ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và của cả nước.
Như vậy, vấn đề đang được đặt ra một cách cấp thiết ở tỉnh Đắk Lắk
hiện nay là làm thế nào để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt
Nam một cách có hiệu quả để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao vừa của công
cuộc phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, vừa của sự nghiệp xây dựng
và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc – đảm bảo sự phát
triển và tiến bộ toàn diện, đồng đều của tất cả các dân tộc ở địa phương cùng
với sự phát triển và tiến bộ chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Do đó, việc nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và những
biểu hiện đặc thù của nó ở tỉnh Đắk Lắk; phân tích thực trạng giữ gìn, phát
huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua,
những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân; xác định phương hướng và giải
pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk
hiện nay, có ý nghĩa thiết thực, vừa cơ bản, vừa cấp bách, cả về lý luận và
thực tiễn.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Trên thế giới, trong những thập kỷ gần đây, trước xu thế phát triển
mạnh mẽ của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đề tài bản sắc văn hóa dân tộc
4
đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều chuyên gia, học giả, các nhà
hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế, và có nhiều công trình khoa học
nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau về đề tài này đã được công bố. Tiêu
biểu trong số đó có các công trình sau:
“Bản sắc dân tộc” được xuất bản bởi Ben-gơn Búc-óp Luân Đôn
(Penguin Books of London), Anh, vào năm 1991 và “Bản sắc dân tộc và ý
tưởng thống nhất châu Âu” đăng trên Tạp chí Các vấn đề quốc tế của Học
viện Hoàng gia, Vol. 68, số 1 (tháng Giêng, 1992) của An-thô-ny D. Sơ-mit
(Anthony D. Smith). Trong công trình “Bản sắc dân tộc”, tác giả đã phân tích
những vấn đề như: bản sắc của quốc gia dân tộc, cơ sở dân tộc của bản sắc
dân tộc, sự nổi lên của các quốc gia dân tộc, chủ nghĩa dân tộc và bản sắc văn
hóa. Trong “Bản sắc dân tộc và ý tưởng thống nhất châu Âu”, tác giả đã phân
tích vấn đề bản sắc dân tộc và đặt ra những vấn đề cho một bản sắc châu Âu
như: Tại sao nói rằng châu Âu đang chứng kiến một sự hồi sinh của dân tộc
ngay cả khi các xu hướng toàn cầu hóa của xã hội hậu công nghiệp trở nên rõ
ràng hơn? Nền văn hóa châu Âu được thành lập có trái ngược với sự phát
triển của một nền văn hóa quốc tế?
Cuốn sách “Bản sắc văn hoá và quá trình toàn cầu” của Dôn-na-than
Phơ-rít-man (Jonathan Friedman), được xuất bản bởi Khoa Nhân học, Đại học
Tét-su-đơ (Teessude), 1994, tác giả đã phân tích mối quan hệ giữa các quá
trình toàn cầu và bản sắc của nền văn hóa; phân tích mối quan hệ giữa toàn
cầu và văn hóa các địa phương.
Công trình “Các câu hỏi về bản sắc văn hóa” của Sơ-tu Hao (Stuart
Hall) và Pao-Đu-Gay (Paul Du Gay), Nxb. SAGE, Anh, 1996, các tác giả đã
phân tích, lý giải vấn đề bản sắc văn hóa của các dân tộc, chủng tộc, giai cấp
trong xã hội hiện đại đang bị suy giảm; các hình thức để nhận dạng và phân
biệt giữa hiện đại và bản sắc văn hóa của các dân tộc, chủng tộc, giai cấp.
5
Cuốn sách “Chính trị, bản sắc văn hoá: Công dân và quốc gia trong một
kỷ nguyên toàn cầu”, của Pi-tơ Quai-lét Pơ-rét-tơn (Peter Wallace Preston),
Nxb. Biu-đơ-lét (Biddles), Anh, 1997, tác giả đã phân tích tổng quan về bản
sắc văn hóa trong bối cảnh thay đổi về chính trị trong kỷ nguyên toàn cầu; chỉ
ra sự đa dạng của văn hóa trong một môi trường toàn cầu đang thay đổi.
Trong công trình “Một vài khác biệt giữa chính trị và bản sắc văn hóa
dân tộc ở Canada” của Ê-va Mác-cây (Eva MacKey), được xuất bản bởi Đại
học Tô-rôn-tô Pơ-rét In-co-pô-ra-tít (Toronto Press Incorporated), 2002, tác
giả đã phân tích vấn đề bản sắc dân tộc, sự khác biệt giữa văn hóa chủng tộc
và văn hóa quốc gia.
Cuốn sách “Sự va chạm của các nền văn minh”, Nxb. Lao động, Hà
Nội, 2003, của Sa-mu-lơ Hung-tin-tơn (Samuel Hungtington) đã đề cập đến
một số vấn đề về bản sắc văn hóa dân tộc và các yêu tố để nhận biết bản sắc
văn hóa của mỗi quốc gia, cũng như sự cần thiết phải giữ gìn và tôn vinh bản
sắc văn hóa của các dân tộc.
Công trình “Chinh phục các làn sóng văn hóa”, Nxb. Tri thức, 2006,
của Phôn Trôm-pen-nát (Fons Trompenaars) và Chắc-lơ Ham-đen Tu-nơ
(Charles Hampden-Turner) đã đưa ra những con đường để vượt qua những trở
ngại khác biệt về văn hóa trong môi trường kinh doanh toàn cầu; phân tích sự
khác biệt về văn hóa và cách xử lý trong các tình huống khác nhau giữa “toàn
cầu” với “địa phương” mà các tổ chức quốc tế đang gặp phải.
Cuốn sách “Thanh niên nhập cư trong quá trình chuyển đổi văn hóa -
Giao thoa bản sắc văn hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu trên bối cảnh
quốc gia” của Dôn W. Bet-ry (John W.Berry) – Din S. Phin-ni (Jean S.
Phinney) – Đa-vít L. Sam (David L. Sam) – Pao-lơ Vet-đơ (Paul Vedder),
Nxb. Ai-du-tri Ơ-ven-nu Mát-quây (Iandustrial Avenue Mahwah), Hoa Kỳ,
6
2006, các tác giả phân tích quá trình giao thoa giữa bản sắc văn hóa dân tộc
của các thanh niên nhập cư và nền văn hóa của quốc gia họ nhập cư.
Công trình “Chính sách ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc trong bối cảnh
châu Á” của A-mi B.M. Tơ-su (Amy B. M. Tsui) và Dam-mơ W. To-lep-sơn
(James W. Tollefson), được xuất bản tại Ru-lét-gơ (Routledge), Hoa Kỳ,
2007, các tác giả đã phân tích vấn đề văn hóa và bản sắc văn hóa của các dân
tộc trong bối cảnh thay đổi chính trị - xã hội ở châu Á,…
Ở Việt Nam, bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đề tài bản sắc văn
hóa dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc
biệt của các nhà khoa học, các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa và khoa học
trên cả nước. Và, cho đến hiện nay, nhiều công trình khoa học nghiên cứu về
đề tài này đã được công bố. Có thể khái quát các công trình tiêu biểu trong số
đó theo các chủ đề chính như sau:
Thứ nhất, lý luận chung về bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa
dân tộc Việt Nam. Về chủ đề này, có các công trình nghiên cứu tiêu biểu như:
“Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm, Nxb. Thành
phố Hồ Chí Minh, 1997 và công trình “Bản sắc dân tộc và hiện đại hóa trong
văn hóa” của GS, VS. Hoàng Trinh, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, các tác
giả đã đề cập đến một số nội dung về văn hóa tổ chức cộng đồng như: đời
sống tập thể, đời sống cá nhân; văn hóa ứng xử của con người Việt Nam.
Trong cuốn “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, Nxb. Văn học, 2006, Phan
Ngọc đã bình luận, phân tích khái niệm văn hóa và bản sắc văn hóa; cách tiếp
cận một nền văn hóa cụ thể là văn hóa Việt Nam; bề dày của văn hóa Việt
Nam; bản sắc văn hóa Việt Nam trong giao lưu văn hóa, nền tảng của giao lưu
quốc tế.
Cuốn sách “Văn hóa và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Nxb.
7
Khoa học xã hội, 2006, PGS, TS. Nguyễn Văn Dân đã bàn những vấn đề
chính như: khái niệm văn hóa, bản sắc văn hóa và bản sắc dân tộc.
Trong cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của Hữu Ngọc, Nxb.
Thanh niên, 2008, tác giả đã đề cập đến những giá trị của bản sắc văn hóa dân
tộc Việt Nam và vai trò của nó trong toàn cầu hóa.
Trong sách “Phát triển văn hoá trong thời kỳ đổi mới” của Đinh Xuân
Dũng, Nxb. Thời đại, 2010, tác giả đã phân tích khá sâu sắc những quan điểm
của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng, phát triển văn hoá Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Công trình “Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam” do GS,TS. Ngô
Đức Thịnh (chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, đã nghiên cứu một cách hệ
thống về văn hóa truyền thống với những bản sắc riêng có của Việt Nam.
Cuốn sách “Văn hóa Việt Nam giàu bản sắc” do Nguyễn Đắc Hưng
(Sưu tầm và biên soạn), Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tác giả đã sưu tầm và
giới thiệu những lễ hội, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa giàu bản
sắc của từng dân tộc, tạo nên nét riêng cho nền văn hóa Việt Nam.
Công trình “Xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống của người Việt Nam”
của GS, TS, NGND. Trần Văn Bính, Nxb. Quân đội nhân dân, 2011, tác giả
đã phân tích nền tảng tư tưởng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống các giá trị truyền thống và phẩm chất nhân
cách tiêu biểu của con người Việt Nam.
Bài viết của Nguyễn Mạnh Hưởng về “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
khi trở thành thành viên tổ chức Thương mại thế giới”, Tạp chí Cộng sản số
19 (163), 2008. Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát về
bản sắc văn hóa dân tộc và đưa ra những yêu cầu, nội dung nhằm giữ gìn bản
sắc văn hóa dân tộc khi Việt Nam tham gia vào thị trường toàn cầu,.v.v.v.
Thứ hai, về vai trò của bản sắc văn hóa Việt Nam; giữ gìn và phát huy
8
bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa
– hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của đất nước.
Về chủ đề này, có các công trình tiêu biểu như: “Phát triển văn hóa, giữ gìn và
phát huy bản sắc dân tộc kết hợp với tinh hoa nhân loại” của Phạm Minh Hạc,
Nxb. Khoa học xã hội, 1996, tác giả đã tập trung phân tích vai trò của việc giữ
gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong việc chống “diễn biến hòa bình”.
Tuyển tập “Những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện đại”, Nxb. Giáo dục,
2001, bao gồm nhiều bài viết của các nhà khoa học được Lê Quang Trang -
Nguyễn Trọng Hoàn tuyển chọn và giới thiệu, trong đó có bài viết của Phạm
Quang Nghị “Vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước
ta”, tác giả đã phân tích tầm quan trọng của văn hóa dân tộc trong sự phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước; hay “Phát huy nội lực văn hóa trong phát
triển” của Phạm Duy Đức, tác giả đã phân tích mối quan hệ giữa văn hóa dân
tộc và phát triển.
Tổng tập “Bản sắc dân tộc trong văn hóa văn nghệ”, Nxb. Văn học,
2002, bao gồm nhiều bài viết của các nhà khoa học được Trung tâm Nghiên
cứu Quốc học tuyển chọn và giới thiệu, trong đó có bài viết của Trần Văn
Giàu “Sức mạnh của văn hóa dân tộc biểu hiện điển hình trong lịch sử Việt
Nam”, tác giả phân tích vai trò của văn hóa dân tộc trong lịch sử đấu tranh
dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; Bài viết của Hà Bình Nhưỡng
“Mối quan hệ giữa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với giữ vững
độc lập, tự chủ của nước ta hiện nay”, tác giả đã phân tích vai trò của giữ gìn
và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với việc bảo vệ nền độc lập dân tộc,
xây dựng đất nước phồn vinh.
Trong cuốn “Văn học, Văn hóa – Tiếp nhận và suy nghĩ”, Nxb. Từ điển
Bách Khoa, 2004, Đinh Xuân Dũng đã phân tích những quan điểm chỉ đạo,
phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên
9
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong cuốn sách “Văn hóa – Mục tiêu và động lực của sự phát triển xã
hội”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, do GS, TS. Nguyễn Văn Huyên (chủ
biên) đã phân tích vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc và coi nó là hiện thân
của sức mạnh trường tồn và phát triển của xã hội Việt Nam.
Tổng tập “Văn hóa thời hội nhập”, Nxb. Trẻ, 2006, gồm nhiều bài viết
về vai trò, động lực của văn hóa, nghệ thuật trong phát triển kinh tế - xã hội ở
Việt Nam. Các bài viết này cũng đã đưa ra những cảnh báo đối với những
quan niệm sai lệch dẫn đến nhiều giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa dân
tộc Việt Nam bị mai một, mất mát.
Công trình “Sự đa dạng văn hoá và đối thoại của các nền văn hoá – Một
góc nhìn từ Việt Nam” của Phạm Xuân Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 2008, đã
phân tích những bài học lịch sử và đương đại của việc phát huy bản sắc văn
hoá dân tộc, chủ động tham gia đối thoại giữa các nền văn hoá trong giai đoạn
toàn cầu hoá hiện nay.
Tuyển tập “Nghiên cứu văn hoá và con người Việt Nam hiện nay” do
GS,TS. Dương Phú Hiệp (chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tập hợp
nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, trong đó các tác giả đã
phân tích khá sâu sắc mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hoá
truyền thống Việt Nam với tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; vấn đề bản sắc
văn hoá và đồng hoá văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.
Công trình “Văn hoá Việt Nam trên con đường đổi mới – Những thời cơ
và thách thức” của GS,TS. Trần Văn Bính, Nxb. Khoa học xã hội, 2010, tác
giả đã phân tích vai trò của văn hóa dân tộc trong chiến lược phát triển đất
nước; xây dựng và phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần, động lực và mục
tiêu của sự phát triển đất nước; những thời cơ và thách thức của văn hóa Việt
Nam trên con đường đổi mới và hội nhập.
10
Trong cuốn sách “Văn hoá và con người Việt Nam trong đổi mới và hội
nhập quốc tế” của GS,TS. Hoàng Chí Bảo, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tác
giả đã phân tích khá sâu sắc về vai trò của văn hóa trong đổi mới, hội nhập
quốc tế, cũng như sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam.
Cuốn sách “Tác động của toàn cầu hóa đối với sự phát triển văn hoá và
con người Việt Nam” do GS,TS. Dương Phú Hiệp (chủ biên), Nxb. Chính trị
quốc gia, 2010, đã phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của toàn cầu
hóa, hội nhập quốc tế đến sự phát triển những giá trị mang tính bản sắc của
văn hóa Việt Nam, đề xuất những nguyên tắc hội nhập quốc tế nhằm bảo
đảm, bảo toàn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trong công trình “Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập” do GS,TS. Ngô Đức Thịnh
(chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, đã phân tích những giá trị tiêu biểu
mang tính đặc sắc riêng có của văn hóa truyền thống Việt Nam và đề xuất các
giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu mang tính đặc sắc
riêng có của văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập.
Ngoài ra, còn nhiều công trình nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam đã được công bố trong các hội thảo khoa học, trên các tạp chí
khoa học,…
Như vậy, cho đến nay, khối lượng các công trình nghiên cứu về bản sắc
văn hóa dân tộc Việt Nam và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
trong thời kỳ phát triển mới của đất nước là khá đồ sộ, có giá trị lý luận và thực
tiễn to lớn đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
trong những năm qua. Tuy nhiên, chưa có công trình khoa học độc lập nào
nghiên cứu một cách trực tiếp, có hệ thống về vấn đề giữ gìn và phát huy bản
sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Do đó, tôi chọn vấn đề:
11
“Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk hiện
nay” làm đề tài nghiên cứu và viết công trình luận án tiến sĩ của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích của luận án: Làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giữ
gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk; xác định
một số phương hướng và giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa
dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
Nhiệm vụ của luận án: Để đạt được mục đích trên, luận án tập trung giải
quyết một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, phân tích, làm rõ khái niệm về bản sắc văn hóa dân tộc và bản
sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; những biểu hiện đặc thù của bản sắc văn hóa
dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam
về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; những nhân tố tác động đối
với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk
Lắk.
Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng giữ gìn và phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk, chỉ ra nguyên nhân của những thành
tựu và hạn chế trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt
Nam ở địa phương những năm qua.
Thứ ba, xác định một số phương hướng và giải pháp nhằm giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu: Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong cộng
đồng các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk.
Phạm vi nghiên cứu: Luận án giới hạn việc nghiên cứu là giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam biểu hiện ở các dân tộc bản địa
của tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn từ khi Đảng ta ban hành Nghị quyết về xây dựng
12
và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (năm
1998) đến nay.
5. Cơ sở lý luận, nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu của
luận án
Cở sở lý luận của luận án là các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác –
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và
Nhà nước ta về xây dựng và phát triển văn hóa.
Nguồn tài liệu: Các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh; các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta, của Tỉnh ủy và
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk; các công trình nghiên cứu của các tập thể, cá
nhân các nhà khoa học trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài; các tài
liệu, số liệu thống kê của các ban, ngành, đoàn thể các cấp ở Trung ương và
tỉnh Đắk Lắk; các số liệu, tài liệu do tác giả điều tra, khảo sát thực tế.
Phương pháp nghiên cứu: Luận án được thực hiện trên cơ sở phương
pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử,
đồng thời luận án có sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu cụ thể
như: Phương pháp lôgích, lịch sử, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu,
diễn dịch, quy nạp, thống kê, loại suy, nghiên cứu định tính, nghiên cứu định
lượng, điều tra xã hội học,… để nghiên cứu và trình bày luận án.
6. Cái mới của luận án
Thứ nhất, từ những tư tưởng mang tính gợi mở, đặt vấn đề của các nhà
khoa học về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và những giá trị văn hóa đặc
trưng của nhân dân các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk, luận án làm rõ tính đặc thù
của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk;
Thứ hai, luận án đã vạch ra, phân tích và đánh giá được thực trạng giữ
gìn và phát huy hệ giá trị tổng quát và những giá trị bộ phận của bản sắc văn
hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua;
13
Thứ ba, luận án đề xuất một số phương hướng và giải pháp nhằm giữ gìn
và phát huy hệ giá trị tổng quát và những giá trị bộ phận của bản sắc văn hóa
dân tộc Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về ý nghĩa lý luận, luận án làm sáng tỏ hệ giá trị của bản sắc văn hóa
dân tộc Việt Nam và những biểu hiện đặc thù của bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk, qua đó góp phần bảo vệ, phát triển văn hóa Việt
Nam – nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.
Về ý nghĩa thực tiễn, từ những kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn
của luận án về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở tỉnh
Đắk Lắk trong những năm qua, luận án cung cấp thêm nguồn tư liệu cho các
hoạch định, chính sách nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, những kết quả
nghiên cứu của đề tài có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu,
giảng dạy về vấn đề văn hóa.
8. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận án được kết cấu gồm 3 chương, 8 tiết.
14
Chương 1
LÝ LUẬN VỀ GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY
BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM
Ở TỈNH ĐẮK LẮK
1.1. QUAN NIỆM VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VÀ BẢN
SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC VIỆT NAM
1.1.1. Quan niệm về văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc
Về khái niệm văn hóa
Văn hóa được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa
học, nó trở thành một thuật ngữ đa nghĩa. Cho đến nay, đã có hàng trăm định
nghĩa về văn hóa. Các tác giả thường hiểu khái niệm văn hóa theo những nội
dung khác nhau tùy theo góc độ tiếp cận của từng người.
Vấn đề là làm sao hiểu được khái niệm văn hóa đầy đủ và sát hợp với
định nghĩa nghiên cứu của triết học, cuối cùng để vận dụng tốt hơn vào việc
giải quyết những nhiệm vụ văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam nói chung, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam hiện nay nói riêng vì sự trường tồn và không ngừng phát triển của
dân tộc. Và, để đi tới một nhận thức về khái niệm văn hóa theo hướng đó,
chúng tôi thấy cần theo dõi sự biến nghĩa của khái niệm này trong một số
trường hợp sau:
Ở phương Đông cổ đại, trong Chu Dịch có nêu rằng: “Quan hồ nhân
văn, dĩ hóa thành thiên hạ” (xem ở nơi nhân văn, mà giáo hóa thành tựu cho
thiên hạ) [16, tr.347]. Khổng Tử đã đề cập đến văn, văn đức với ý nghĩa là cái
đối lập với vũ lực, gươm giáo trong trị quốc, bình thiên hạ. Khổng Tử cho
rằng, trị nước không nhất thiết phải dùng vũ lực, gươm giáo mà nên dùng văn
đức để làm cho xã hội yên ổn. Trong thiên Quý thị, sách Luận ngữ có ghi lại
15
lời của Khổng Tử nói với học trò là Tử Lộ và Nhiễm Cầu về vấn đề này như
sau: “Bất hoạn bần nhi hoạn bất an. Cái quân vô bần; hòa vô quả; an vô
khuynh. Phù như thị, cố viễn nhân bất phục, tắc tu văn đức dĩ lai chi; ký lai
chi, tắc an chi” (Không lo ít mà lo không đều, không lo nghèo mà lo không
yên. Bởi lẽ đã đều thì không nghèo, đã hòa mục thì không nghĩ đến ít, đã yên
thì không nghiên đổ. Như vậy rồi mà người ở xa không phục thì sửa sang văn
đức làm cho họ đến với mình, họ đã đến thì làm cho họ yên ổn) [17, tr.258-
259]. Sau này, Tuân Tử - học trò của Khổng Tử giải thích từ văn là cái
“ngụy” (cái do con người làm nên, không tự nhiên mà có). Theo Tuân Tử,
“Tính giả, bản thủy tài phác dã; ngụy giả, văn lễ lọng thịnh dã. Vô tính tắc
ngụy chi vô sở gia, vô ngụy tắc tính bất năng tự mỹ” (Tính là chất liệu chất
phác ban đầu; ngụy là văn lễ hay tốt. Không có tính thì tạo tác không có cái
để thêm vào. Không có tạo tác, thì tính không thể tự trở nên tốt đẹp) [114,
tr.180]. Như vậy, trong quan niệm của phương Đông cổ đại, văn hóa mang ý
nghĩa là đối lập với vũ lực, cái do con người làm nên, không tự nhiên mà có.
Ở phương Tây cổ đại, khái niệm văn hóa có nguồn gốc từ tiếng Latinh:
Colo-Colere-Cultura nghĩa là cày cấy, vun trồng, liên quan đến hoạt động tích
cực cải tạo của con người. Về sau này từ này chuyển nghĩa nói về tính chất
khai trí, tính chất có giáo dục, có học vấn của bản thân con người. Xixêrôn -
nhà triết học cổ đại khi nói đến triết học như là “văn hóa của trí tuệ”, đã khẳng
định: “cần phải rèn luyện và vun xới trí tuệ như người nông dân vun xới đất
đai”[118, tr.15]. Như vậy, trong quan niệm của phương Tây cổ đại, văn hóa là
sự giáo dục làm phong phú tinh thần, trí tuệ của con người. Có thể thấy, trong
câu nói của Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích
trăm năm thì phải trồng người” chính là theo cái nghĩa gốc ấy.
Trong thời kỳ cận đại, ở phương Tây, do nhu cầu phản ánh các hoạt
động xã hội ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều định nghĩa văn hóa đã được
16
đề xuất và lưu hành. Trong đó, định nghĩa của TayLơ (EdwardBurrwett Tylor)
trong cuốn Văn hóa nguyên thủy, xuất bản ở Luân Đôn năm 1871, được xem
là định nghĩa đầu tiên có tính kinh điển về văn hóa. Định nghĩa này nêu: “Văn
hóa, hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó, là toàn bộ phức thể bao gồm hiểu biết,
tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và những khả năng và
tập quán khác mà con người đạt được với tư cách là thành viên xã hội”[29,
tr.52]. Như vậy, có thể thấy, trong định nghĩa này, khái niệm văn hóa đã được
mở rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống con người và xã hội, nó hàm chứa
một phức thể các thành tựu, các giá trị mà con người với tư cách là thành viên
của xã hội đạt được, bao trùm trên nhiều lĩnh vực: tri thức, tín ngưỡng, nghệ
thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, tập quán,…
Bước vào xã hội hiện đại, các hoạt động và quan hệ con người phát triển
và mở rộng nhanh chóng, trở nên hết sức phong phú và đa dạng, khái niệm
văn hóa tiếp tục được bổ sung thêm những sắc thái ý nghĩa mới. Năm 1982,
Tuyên bố chung của Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa do UNESCO tổ
chức tại Mêhicô, đã nêu một định nghĩa trong đó văn hóa được hiểu là:
Tổng thể những nét đặc sắc về tinh thần, vật chất, tri thức và
cảm xúc tiêu biểu cho một xã hội hay một tập đoàn xã hội, bao
gồm ngoài nghệ thuật và văn học, những lối sống, những quyền
căn bản của con người, các hệ thống giá trị, các truyền thống và
các tín ngưỡng [124, tr.10-13].
Sáu năm sau, tại lễ phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá (1988
– 1997), Tổng Giám đốc UNESCO Phơ-ri-cô May-ơ (Federico Mayor), đã
đưa ra định nghĩa:
Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách sống động mọi mặt
của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) diễn ra trong quá
khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó
17
đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ
và lối sống và dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng
của mình (chữ viết nghiên do tác giả luận án)[115, tr.23].
Trong sinh hoạt học thuật ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa
trước đây, thuật ngữ văn hóa được sử dụng phổ biến theo nghĩa là “Toàn bộ
những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình
thực tiễn xã hội – lịch sử và tiêu biểu cho trình độ đạt được trong lịch sử phát
triển xã hội” [116, tr.656].
Qua các định nghĩa tiêu biểu vừa nêu, chúng tôi nhận thấy, yếu tố cốt
lõi của văn hóa là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng
tạo ra trong quá trình con người làm nên lịch sử của mình, là cái mà dựa trên
đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình.
Ở Việt Nam cũng đã có nhiều định nghĩa cho khái niệm văn hóa được
đề xuất. Ngay từ đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã đưa ra
định nghĩa văn hóa như sau:
Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người
mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp
luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho
sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và phương thức sử dụng. Toàn
bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự
tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó
mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời
sống và đòi hỏi của sự sinh tồn [73, tr.431].
Như vậy, có thể thấy, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, văn hóa được
hiểu theo nghĩa rộng, bao quát toàn bộ những sản phẩm vật chất và tinh thần
được sáng tạo ra bởi con người, nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự sinh tồn và mục
đích cuộc sống của con người – được sống xứng đáng với danh hiệu và vị thế
18
của con người.
Tập thể tác giả cuốn Văn hóa xã hội chủ nghĩa (năm 1993), đã đề xuất
định nghĩa về văn hóa: “Đó là hoạt động nhằm phát huy những năng lực bẩm
sinh và bản chất của con người, vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Là hoạt
động nhằm tạo ra những giá trị, những chuẩn mực xã hội – là môi trường thứ
hai, cái nôi nuôi dưỡng sự hình thành nhân cách con người”[53, tr.31-32]. Tác
giả cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm định nghĩa:
“Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con
người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương
tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”[100, tr.27].
Trong cuốn Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng văn hóa, GS. Vũ
Khiêu đã đưa ra quan niệm cho rằng: “Văn hóa thể hiện trình độ được vun
trồng của con người, của xã hội… văn hóa là trạng thái con người ngày càng
tách rời khỏi giới động vật để khẳng định những đặc tính của con người”[62,
tr.8]. Qua các định nghĩa vừa dẫn có thể thấy, văn hóa là hoạt động sáng tạo
của con người mà bản thân hoạt động đó cũng như sản phẩm của nó thể hiện
và thúc đẩy sự phát triển những năng lực bản chất người của con người, hoàn
thiện xã hội theo hướng chân, thiện, mỹ. Và do đó, văn hóa thể hiện trình độ
được vun trồng của con người, của xã hội.
Như vậy, văn hóa là vấn đề đã được nghiên cứu từ lâu ở trên thế giới và
ở Việt Nam. Về mặt lý luận, cho đến nay đã có nhiều định nghĩa cho khái
niệm văn hóa đã được đề xuất. Năm 1994, trong cuốn Văn hóa Việt Nam và
cách tiếp cận mới, GS. Phan Ngọc đã đưa ra con số “ngót 400 định nghĩa khái
niệm về văn hóa”[82, tr.113]. Chắc chắn rằng, con số các định nghĩa về văn
hóa chưa dừng lại ở đây, các nhà nghiên cứu sẽ còn tiếp tục phát biểu về khái
niệm này. Bởi văn hóa, như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “là một đề
tài bao la như con người và sự sống”[41, tr.10].
19
Tuy vậy, cho đến hiện nay, qua các định nghĩa văn hóa được lưu hành
khá phổ biến ở trong và ngoài nước, có thể thấy một số nội dung mà theo
chúng tôi là căn cốt nhất của khái niệm văn hóa được nhiều tác giả đề cập
đến, đó là:
Thứ nhất, văn hóa phải là cái mang giá trị. Giá trị nói ở đây là căn cứ
vào “ý nghĩa con người, ý nghĩa xã hội và văn hóa” của những sự vật, hiện
tượng nhất định trong hiện thực, là mức độ hữu ích của chúng đối với việc
đáp ứng nhu cầu phát triển nhất của con người và xã hội trong từng thời gian
và không gian cụ thể, xác định. GS. Vũ Khiêu viết: “Chúng ta quan niệm giá
trị là thành tựu của con người góp phần vào sự đi lên của lịch sử xã hội, phục
vụ cho lợi ích và hạnh phúc của con người”[46, tr.11]. Có thể nói, cách tiếp
cận giá trị học là “cách tiếp cận được hình thành sớm nhất trong việc nhận
thức văn hóa”[52, tr.21] và vẫn đang là “một trong những cách tiếp cận chính
với văn hóa trong triết học mátxít hiện nay”[52, tr.13].
Thứ hai, văn hóa là một hiện tượng xã hội, một sản phẩm xã hội. Một xã
hội sống trong một môi trường địa lý và lịch sử xác định. Do đó, văn hóa bao
giờ cũng gắn với dân tộc, mang bản sắc dân tộc.
Thứ ba, điểm mấu chốt nhất của văn hóa là nó phải được kết tinh ở con
người, ở tính cách, ở phẩm chất của con người thể hiện trong hoạt động và
quan hệ con người, làm nền, định hướng và thúc đẩy các hoạt động và quan
hệ con người theo “quy luật của cái đẹp”. Một cái đẹp chân chính bao giờ
cũng bao hàm cả cái đúng, cái tốt. Cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong hoạt động
sản xuất, kinh doanh, giao tiếp,… là văn hóa. Cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong
quan hệ vợ chồng, thầy trò, dân tộc này với dân tộc khác, tôn giáo này với tôn
giáo khác,… giữa con người với thiên nhiên là văn hóa.
Xuất phát từ góc độ tiếp cận của đề tài luận án và trên cơ sở nghiên cứu
phân tích những nội dung cơ bản, xuyên suốt qua các định nghĩa văn hóa đã