KINH NGHIỆM CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM TRONG VIỆC
GIÚP HỌC SINH KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN VÀ TẠO ĐỘNG LỰC HỌC
TẬP
Cùng với các hoạt động giáo dục khác công tác chủ nhiệm lớp đóng một vai trò
quan trọng trong việc giáo dục đạo đức và thúc đẩy phong trào học tập của HS. Với
một giáo viên làm công tác chủ nhiệm, việc đưa lớp tiến lên vừa là trách nhiệm với
HS , với nhà trường vừa là cơ hội để khẳng định năng lực tâm huyết sư phạm của
bản thân. Giúp HS khắc phục khó khăn và tạo động lực học tập là một trong những
nhiệm vụ của GVCN.
Theo tôi, để giúp HS khắc phục khó khăn thì GVCN cần biết một số nguyên
nhân dẫn đến những khó khăn trong học tập của HS :
+ Mất kiến thức cơ bản.
+ Thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc môi trường ở gia đình tạo điều kiện
học tập không tốt cho HS.
+ HS chưa xác định được mục tiêu học tập, không hứng thú với các môn học,
chưa có động cơ học tập.
+ Ham chơi, thiếu sự kiềm chế trước sự rủ rê của bạn bè, thanh niên ngoài xã
hội.
+ Một số em chưa có phương pháp học tập nên mặc dù rất chăm chỉ nhưng kết
quả đạt được chưa cao.
+ Giáo viên bộ môn tổ chức tiết học thiếu hấp dẫn.
+ Giáo viên chủ nhiệm không quan tâm tới HS , chưa thực sự yêu nghề.
Để giúp HS khắc phục khó khăn thì GVCN phải tìm hiểu xem nguyên nhân
nào dẫn đến HS học tập chưa tốt.
- Nếu là mất kiến thức cơ bản thì có thể phụ đạo thêm một nhóm HS yếu có
cùng lực học. Có thể thành lập các nhóm học tập trong đó giao cho HS khá kèm cặp
HS yếu. Khi xếp chỗ ngồi chú ý xếp xen kẽ HS yếu với HS khá để các em giúp đỡ
lẫn nhau.
- Nếu là nguyên nhân từ phía gia đình thì có thể gặp riêng HS để trò chuyện
trao đổi chia sẻ để các em bộc bạch những khó khăn từ đó có biện pháp tháo gỡ, định
hướng, động viên để các em lấy lại tinh thần học tập. Đồng thời cần khéo léo trao đổi
với phụ huynh để họ có trách nhiệm hơn với con em mình.
+ Nếu HS chưa xác định được mục tiêu học tập, không hứng thú với các môn
học, chưa có động cơ học tập thì GVCN cần điều tra (có thể bằng cách cho HS ghi ra
giấy) những nguyện vọng của bản thân và từ đó GVCN định hướng cho phù hợp.
- Với những HS ham chơi, thiếu sự kiềm chế trước sự rủ rê của bạn bè, thanh
niên ngoài xã hội thì GVCN kết hợp với gia đình phân tích để các em thấy được hậu
quả của nó, chú ý lấy những ví dụ cụ thể những hậu quả mà các em đã nhìn thấy.
- Nếu nguyên nhân là do chưa biết cách học thì GVCN cần hướng dẫn cho các
em phương pháp học cho hiệu quả.
- Nếu GV bộ môn tổ chức tiết học thiếu hấp dẫn, chưa quan tâm đến HS thì
GVCN cần trao đổi, góp ý, nêu những nguyên vọng của HS để GVBM điều chỉnh
kịp thời.
Để tạo động cơ học tập cho HS theo tôi GVCN cần làm những việc sau:
* Vào đầu năm học, GVCN cần yêu cầu HS xây dựng mục tiêu ngắn, mục tiêu
dài theo môn, theo kỳ, theo năm học và viết cam kết với bản thân, thầy cô và cha mẹ
(một bản gửi GVCN và 1 bản dán ở góc học tập)
Ví dụ: Bản mục tiêu và cam kết trong học kỳ I
- Về ý thức thực hiện nề nếp…
- Về học tập:
+ Môn Toán:
Điểm kt thường xuyên, điểm kt định kỳ phấn đấu đạt…
Điểm kt học kỳ đạt…
Điểm trung bình môn đạt…
+ Môn khác…
(GVCN có thể đưa ra lưu ý cho HS : Với những môn thi đại học thì tối thiểu
điểm kt thường xuyên, định kỳ, học kỳ phải được 7 điểm trở lên mới coi là đạt)
Cuối kỳ và cuối năm cần cho HS tự đánh giá bản thân xem những việc mình
đã làm được hay chưa làm được và đối chiếu với mục tiêu đề ra. Từ đó có phương
hướng cho học kỳ tiếp theo.
* Chọn cử cán bộ lớp cũng rất quan trọng. GVCN nên chủ động, rồi thông qua
ý kiến các thành viên trong lớp và đi đến thống nhất. GVCN cần hướng dẫn, tư vấn,
chỉ đạo cán bộ lớp hoạt động có hiệu quả. Muốn vậy cần giao nhiệm vụ cụ thể cho
từng em.
Ví dụ: Nhiệm vụ của lớp phó học tập
- Làm thay lớp trưởng khi lớp trưởng vắng mặt (Báo cáo sĩ số, báo cáo kịp thời
cho GVCN những vấn đề đột xuất trong lớp,…)
- Hướng dẫn các bạn giải bài tập khó.
- Phụ trách các vấn đề có liên quan đến học tập.
- Đôn đốc nhắc nhở các bạn thực hiện tốt các quy định về học tập như: Mang
SGK, vở, dụng cụ học tập, làm bài tập về nhà…)
* GVCN cần có kế hoạch chi tiết cho từng tuần, từng tháng, từng kỳ. Cần cho
HS thảo luận và đưa ra các chỉ tiêu chung của cả lớp (như tỉ lệ HS khá giỏi, tỉ lệ HS
đạt hạnh kiểm khá tốt, tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp, đại học đối với HS 12…). Đưa ra
trách nhiệm của cá nhân để đạt được mục tiêu chung đó.
- GVCN thông qua giờ sinh hoạt, giờ dạy hướng dẫn HS cách lập thời gian
biểu học tập khoa học, cách đọc sách, ôn bài, soạn bài hiệu quả.
Ví dụ:
Cách học các môn tự nhiên:
+ Nắm vững bài cũ rồi mới học bài mới nhất là bài cũ trong cùng 1 chương.
+ Trước mỗi bài mới hãy đọc trước và đánh dấu những phần khó hiểu, dự đoán
trước trọng tâm của bài. Điều đó giúp việc tiếp thu bài mới không bị bỡ ngỡ.
+ Học kỹ, nắm chắc lý thuyết rồi mới làm bài tập. Việc làm bài tập giúp nắm
chắc lý thuyết hơn.
+ Học cách lập luận, lật lại vấn đề cho một khẳng định trong lời giải của thày
cô hoặc tài liệu. Có thể đặt câu hỏi: Không làm cách đó có được không, tại sao lại suy
ra mà không phải tương đương…
+ Luyện tập thật nhiều và khi học cần có thái độ tích cực.
Cách học các môn xã hội: Tiến hành đọc để khắc sâu kiến thức 1 đến 2 lần.
Sau đó xác lập kiến thức dưới dạng dàn ý (đề cương) . Đầu tiên phải học thuộc ý
chính trước để nắm nội dung toàn bài. Sau đó học các ý nhỏ trong các ý chính đó.
Cuối cùng, phải hệ thống lại toàn bộ kiến thức bài học bằng cách ghi ra giấy như một
dàn bài hoàn chỉnh rồi đọc nhẩm lại một lần nữa đến khi hoàn toàn thuộc hẳn thì mới
chuyển sang học sang bài khác hoặc môn khác.
* Qua giờ sinh hoạt GVCN cũng có thể tư vấn cho HS cách chọn khối, chọn
trường phù hợp với khả năng và nguyện vọng của bản thân và nhắc nhở HS luôn nhớ
đến nguyện vọng đó để không quên nhiệm vụ học tập.
* GVCN cần duy trì và xây dựng phong trào thi đua dưới nhiều hình thức như:
+ Ngoài 2 đợt thi đua do đoàn trường phát động thì hàng tháng lớp tôi thường
tổng hợp hoa điểm tốt kết hợp với xét hạnh kiểm để trao thưởng cho 3 HS dẫn đầu
(kinh phí lấy từ quĩ khuyến học do phụ huynh tự nguyện đóng góp)
+ Trong các đợt thi học kỳ cũng thưởng cho 3 HS có tổng số điểm cao nhất.
+ Cuối kỳ 1, cuối năm học HS tiên tiến cũng được thưởng. Những HS tham
gia thi khảo sát, thi thử đại học …có kết quả tôt thì đều thưởng từ nguồn quỹ này.
+ Hàng tuần, hàng tháng tôi thường đánh giá thi đua giữa các tổ, giữa các cán
bộ lớp và tuyên dương kịp thời những cá nhân xuất sắc (đặc biệt chú ý đến những HS
học chưa tốt nhưng có điểm tốt trong tuần) để thúc đẩy phong trào học tập.
* GVCN cũng cần tạo động lực học tập cho HS ở ngay tình huống cụ thể:
Ví dụ:
+ Khi kiểm tra bài cũ một em học yếu không thuộc một định lý hay một công
thức, tôi yêu cầu em đó về chỗ ngồi học bao giờ thuộc thì lên trả lời. Khi trả lời xong
tôi thường khen: “Chứng tỏ em không dốt mà do còn chưa chăm học”.
+ Khi tôi đọc điểm tổng kết môn toán một em HS tỏ ra rất vui mừng vì mình
được 7.1 tôi liền dừng lại “Cô nghĩ với tư chất của em mà chăm chỉ hơn chút nữa thì
kết quả còn cao hơn nhiều”
…
Nói chung, để khắc phục khó khăn và tạo động lực học tập cho HS GVCN cần
phải sát sao với các em, cần hiểu được tâm lý, cá tính, hoàn cảnh của từng HS để từ
đó có những cách xử lý sao cho phù hợp. Muốn cảm hóa được HS thì người GVCN
cần phải tạo dựng được uy tín cho bản thân bằng trình độ chuyên môn, bằng nghệ
thuật sư phạm và hơn hết bằng cái “tâm” của người giáo viên.