LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi xin
bày tỏ lòng biết ơn đến quý thầy cô giáo trong khoa Khoa học – Xã hội trường
Đại học Quảng Bình đã tận tình giảng dạy, quan tâm và tạo điều kiện cho tôi
trong 4 năm học vừa qua.
Đặc biệt xinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy giáo – Thạc sỹ Lê Trọng Đại
đã tận tình, giúp đỡ và trực tiếp hướng dẫn tôi trong suốt quá trình làm khóa luận.
Xin gửi lời cảm ơn tới ban lãnh đạo xã Hải Trạch, các vị cao tuổi trong làng
đã nhiệt tình hướng dẫn khi tôi về tìm hiểu tại địa phương.
Tuy nhiên do hạn chế về thời gian cũng như khả năng của bản thân nên khóa
luận không thể tránh khỏi những thiếu sót, kính mong sự góp ý của quý thầy cô và
bạn bè.
Xinh chân thành cảm ơn!
Đồng Hới, tháng 05 năm 2014
Sinh viên
Hồ Thị Hương
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu và
kết quả nghiên cứu nêu trong bài khóa luận là trung thực và có sử dụng tư liệu
của một số công trình nghiên cứu trước đây theo quy định hiện hành.
Tác giả khóa luận
Hồ Thị Hương
MỤC LỤC
A. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nhân dân ta có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Cùng
với những truyền thống văn hóa và ý thức vươn lên mạnh mẽ nhân dân ta đã xây
dựng và phát triển một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa đã và đang
trở thành nền tảng quan trọng tạo nên nguồn sức mạnh to lớn giúp dân tộc Việt
Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, khắc phục khó khăn, thử thách trong đấu
tranh dựng nước và giữ nước. Đóng góp cho những chiến công huy hoàng đó có
vai trò của văn hóa làng xã Việt Nam. Từ bao đời nay làng xã là nơi tụ cư, là môi
trường sinh hoạt văn hóa gần gũi, gắn bó với cộng đồng người Việt Nam. “Làng
xã Việt Nam là một cộng đồng có tính chất dân tộc học, xã hội học và tín
ngưỡng, nó hình thành trong quá trình liên hiệp tự nguyện giữa những người lao
động trên con đường chinh phục những vùng đất gieo trồng. Ở đấy họ phải chiến
thắng đồng lầy và hoang rậm, chiến thắng lũ lụt và đẩy lùi biển cả, ở đấy họ
phải chiến đấu liên tục bền bỉ và rất gan dạ để chống thiên tai, chống ngoại xâm,
bảo đảm cuộc sống và an ninh có tính chất hàng ngày trong hoàn cảnh thiên
nhiên đầy biến động và căng thẳng. Làng xã về phương diện ấy đã từng đóng
một vai trò to lớn trong lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước” [20;11]. Vì vậy
việc nghiên cứu những đặc trưng văn hóa làng xã Việt Nam nói chung và làng xã
ở các địa phương nói riêng là đề tài có tính hấp dẫn và cấp thiết cho giới khoa
học xã hội và những người làm công tác quản lý. Tìm hiểu những đặc trưng văn
hóa làng xã ở địa phương giúp chúng ta có những hiểu biết cụ thể về sức sống
mãnh liệt của văn hóa Việt. Sau lũy tre làng, bên giếng làng, dưới mái đình làng
trong bầu không khí thân thương của những ngày hội làng, mọi người sống với
nhau nặng tình, nặng nghĩa, giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn, tình làng nghĩa xóm,
quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống làng xã có kỉ cương,
trong sáng và thanh cao.
Việc nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam không những vạch ra những đặc
trưng văn hóa tiêu biểu của làng xã mà còn bổ sung tư liệu góp phần tìm hiểu sự
thay đổi của nó qua các thời kì.
1
Lịch sử mỗi làng xã là một bộ phận của lịch sử dân tộc, làng xã là cơ sở bền
vững bảo tồn sức sống và nền văn hóa của dân tộc. Đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu
những đặc trưng văn hóa làng xã giúp chúng ta ghi nhận, bảo tồn, truyền đạt và
phát huy cho thế hệ kế tiếp về nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần dân tộc,
bên cạnh đó còn tôn vinh nét đẹp văn hóa làng. Thế giới đầy màu sắc của văn
hóa làng được quy ước thành lệ làng, đúc kết trong hương ước làng, bộc lộ một
cách phong phú qua hội làng. Tất cả chọn lọc lại tạo nên bản sắc, đặc trưng văn
hóa làng.
Quảng Bình xưa vốn là vùng đất biên viễn về phía Nam của Đại Việt, nơi
chứa đựng biết bao những biến động lịch sử của dân tộc. Cư dân nơi đây đã
chứng kiến những cuộc tranh chấp của hai quốc gia Đại Việt và Chăm Pa, những
cuộc di dân của người Việt tiến về Phương Nam. Đó là cuộc chiến tranh Trịnh -
Nguyễn với dòng sông Gianh lịch sử được chọn làm ranh giới chia cắt đất nước
thành Đằng Trong và Đằng Ngoài. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Quảng Bình trở
thành tuyến lửa, vùng đất anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó Quảng Bình là vùng đất giao thoa giữa các
nền văn hóa Đại Việt và Chăm Pa, Đằng Trong và Đằng Ngoài. Điều này đã tạo
cho Quảng Bình có nhiều nét văn hóa riêng biệt và độc đáo.
Trong dòng người tiến về Phương Nam để tìm vùng đất mới ở thế kỉ XVI-
XVII, có những cư dân vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đã dừng lại bên dòng sông
Lý Hòa hiền hòa như chính cái tên của nó để định cư và lập nghiệp. Đó chính là
những tiền hiền của làng Lý Hòa, xã Hải Trạch. Cư dân nơi đây được coi là “dân
bền nghĩa” dưới các triều đại phong kiến, làng là những “pháo đài thép” trong
hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cùng với bề dày lịch sử Lý Hòa
đã tạo nên những nét văn hóa đặc trưng mang hơi thở của con người gắn với biển
cả mênh mông.
Làng Lý Hòa một trong những làng quê được hình thành từ lâu đời và nằm
trong thế “thiên hòa địa lợi” mà ngày xưa các vị hiền nhân đã chọn lấy để làm
nơi sinh cư lập nghiệp và để lại cho hậu thế một di sản quý giá.
Vì vậy việc nghiên cứu, khôi phục một cách có hệ thống những đặc trưng
văn hóa của làng Lý Hòa không chỉ là việc làm cần thiết mà còn có ý nghĩa rất to
2
lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn hiện nay. Việc nghiên cứu
này giúp tác giả hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn bản sắc văn hóa địa phương,
làm hành trang trong nghề nghiệp để tiếp tục học tập, nghiên cứu giảng dạy lịch
sử sau này và hơn hết nó còn là một nghĩa cử để bày tỏ lòng biết ơn, niềm tự hào
của thế hệ con cháu làng Lý Hòa đối với quê hương mình. Mặt khác nghiên cứu
văn hóa làng giúp các thế hệ trẻ làng Lý Hoà giữ gìn và phát huy những giá trị
văn hóa của quê hương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Xuất
phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn đó, chúng tôi mạnh dạn chọn vấn đề
“Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa” làm đề tài khóa luận tốt
nghiệp của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Làng Lý Hòa có nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, được xem là
làng giàu có nhất nhì tỉnh Quảng Bình với bề dày lịch sử hơn 300 năm. Chính vì vậy
nghiên cứu về những đặc trưng văn hóa của làng Lý Hòa luôn là đề tài thu hút được
nhiều sự quan tâm, chú ý của các nhà nghiên cứu. Cho đến nay, đã có rất nhiều công
trình nghiên cứu của các nhà khoa học, sinh viên khoa sử các trường Đại học khảo sát
và tìm hiểu về làng Lý Hòa trên nhiều góc độ khác nhau.
Trong cuốn “Quốc triều hương khoa lục” của tác giả Cao Xuân Dục có đề
cập đến họ tên và lý lịch trích ngang đơn giản của những người khoa bảng của
làng Lý Hòa.
Bài “Lý Hòa - làng biển anh hùng” của tác giả Ngọc Phúc đăng trên báo
Quân đội và báo Tuổi trẻ năm 2006, “Nhật trình đi biển của cư dân Lý Hòa và
dấu ấn văn hóa biển của người Việt” của tác giả Nguyễn Thăng Long đăng trên
tạp chí Nghiên cứu Văn hóa dân gian,“Làng Lý Hòa - làng văn vật” của Nguyễn
Duy Ánh, “Nghề buôn ở hai làng Cảnh Dương và Lý Hòa” (Quảng Bình) thế kỷ
XVIII-XIX của tác giả Bùi Thị Tân đăng trên tạp chí Huế - xưa và nay, “Làng
triệu phú Lý Hòa” của Nguyễn Minh Toản Đây là những bài viết đề cập những
khía cạnh khác nhau về tự nhiên, con người, văn hóa, xã hội của làng Lý Hòa.
Các tài liệu này đã giúp chúng tôi có thể tập hợp, sắp xếp lựa chọn thông tin phục
vụ đề tài.
3
Qua quá trình nghiên cứu tài liệu, chúng tôi nhận thấy hầu hết các công
trình của các nhà nghiên cứu cho đến nay, chưa có một công trình nào đi sâu
nghiên cứu một cách hệ thống toàn diện về các đặc trưng văn hóa của làng Lý
Hòa. Vì vậy trên cơ sở kế thừa những thành quả của các nhà nghiên cứu đi trước
cùng với sự tìm hiểu của bản thân, chúng tôi tập hợp, lựa chọn, phân tích, hệ
thống hóa lại nhằm làm rõ một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu khóa luận
Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài này chúng tôi nhằm giới thiệu về những đặc trưng văn hóa
nổi bật của làng, đặc biệt khóa luận tập trung làm rõ những truyền thống quý báu,
văn hóa tốt đẹp, và đóng góp của làng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Kết quả của đề tài sẽ là nguồn tư liệu nhỏ
giúp học sinh, sinh viên hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử một làng quê, về văn hóa
vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân sinh tồn trên vùng đất Lý Hòa.
Thực hiện khóa luận còn là một nghĩa cử thể hiện lòng yêu mến và biết ơn
của chính tác giả đối với quê hương mình.
Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện được mục đích trên chúng tôi đề ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau:
- Nghiên cứu lịch sử văn hóa làng xã Việt Nam nói chung và Quảng Bình
nói riêng.
- Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của làng Lý Hòa.
- Nghiên cứu văn hóa làng Lý Hòa.
- Đặc biệt khóa luận tập trung nghiên cứu, phân tích, hệ thống những đặc
trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là toàn bộ những đặc trưng văn hóa của cư
dân làng Lý Hòa trong lịch sử.
Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: khóa luận tập trung nghiên cứu lịch sử văn hóa của cư dân
trong phạm vi làng Lý Hòa (nay thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh
4
Quảng Bình), có mở rộng đến các làng xung quanh và đặt trong không gian văn
hóa Quảng Bình.
- Về thời gian: nghiên cứu những đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý
Hòa từ khi thành lập làng đến nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Cách tiếp cận: để thực hiện đề tài, chúng tôi đứng trên quan điểm phương
pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng
như quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nghiên cứu lịch sử.
- Phương pháp nghiên cứu: để thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng các hệ
thống phương pháp nghiên cứu lý thuyết gồm: phương pháp sưu tầm tài liệu,
phân tích, tổng hợp, đánh giá, đặc biệt là sử dụng phương pháp lịch sử để phác
họa lại lịch sử văn hóa của một làng quê đồng thời kết hợp với phương pháp
lôgic để làm rõ bản chất, đặc điểm của vấn đề lịch sử và văn hóa thu thập thông
tin phục vụ khóa luận.
6. Đóng góp của khóa luận
- Khóa luận cung cấp một thư mục tài liệu tham khảo về lịch sử và văn hóa
của làng Lý Hòa.
- Khóa luận đã tập hợp, hệ thống hóa và trình bày những đánh giá của các học
giả về làng Lý Hòa và những quan điểm đánh giá của chính tác giả khóa luận.
- Kết quả nghiên cứu của khóa luận có thể xem là một trong những cơ sở
ban đầu cho việc nghiên cứu chuyên sâu hơn về những đặc trưng văn hóa nổi bật
của làng Lý Hòa.
- Thực hiện đề tài giúp tác giả khóa luận nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn
hóa làng xã nói chung, lịch sử văn hóa làng Lý Hòa nói riêng và có được nguồn
tài liệu quan trọng làm hành trang cho nghề nghiệp và cuộc sống sau này.
7. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần mở đầu và kết luận, khóa luận gồm có hai chương:
Chương 1: Tổng quan về làng Lý Hòa.
Chương 2: Các đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa – xã Hải Trạch.
5
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ LÀNG LÝ HÒA
1.1. Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên
1.1.1. Vị trí địa lí
Dọc theo quốc lộ 1A, dưới chân núi Lệ Đệ có đèo Lý Hòa, đứng trên đèo ta
cảm nhận được cái nhộn nhịp sầm uất của một vùng sông núi cửa bể. Nhìn về
phía Đông theo hạ nguồn sông Lý Hòa ở bờ Bắc hiện ra một ngôi làng, nhà cửa
có mái đỏ đứng san sát, trong ra sông với ghe thuyền cắm neo hoặc đi lại dọc bờ
đó là cái cảnh “thượng gia hạ thuyền” tụ điểm cư dân chính của xã Hải Trạch,
huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Làng nằm trên đường Thiên Lý Bắc - Nam,
cách sông Gianh 9km về phía Nam và cách thành phố Đồng Hới 12km về phía
Bắc. Làng Lý Hoà - Hải Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, thuộc
toạ độ 17
0
38
’
47
’’
vĩ Bắc và 106
0
30
’
47
’’
kinh Đông.
Làng Lý Hoà phía Bắc giáp làng Bồ Khê xã Thanh Trạch, phía Tây giáp
làng Thiện Yên xã Phú Trạch, phía Nam là sông Lý Hoà, bên kia sông là làng
Mai Hồng xã Đồng Trạch và thôn Trung Đức xã Đức Trạch, phía Đông là biển
Đông. Địa hình làng Lý Hoà thấp dần từ Bắc xuống Đông Nam, nơi cao và rộng
nhất là đèo Lý Hoà, nơi thấp và hẹp nhất là cửa sông Lý Hoà. Làng tựa như một
bán đảo nhỏ, nằm trên một dải đất như bánh lái của chiếc thuyền mà ngày xưa Lê
Quý Đôn gọi là “khoảnh bình sa”, cùng với đèo cao chạy dọc ra biển và thẳng
lên phía Bắc uốn lượn tô vẽ thêm cho cảnh trí Lý Hòa thật là một bức tranh sơn
thủy hữu tình. Lê Quý Đôn đã giới thiệu:
“Thôn Lý Hòa, châu Nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rũ
xuống thành bãi cát bằng, nổi cao, mở rộng dân cư ngang bãi trong về phía
Nam… Đuôi khoảnh bình sa thì từ phía Tây trở về bao quanh làng Lý Hòa. Sông
Thuận Cô từ phía hữu trở về đấy, làm ngôi tiền đường cho làng, còn một dãy núi
cát thuộc núi Thuận Cô thì làm tiền án cho làng nữa. Nhờ vậy mà nhân đinh
thịnh vượng đến hơn một nghìn người” [1;167-168]. Năm 1831 dưới thời vua
Minh Mạng, châu Bố Chính chính thức được đổi thành huyện Bố Trạch, thôn Lý
Hòa lúc này thuộc huyện Bố Trạch.
6
Làng Lý Hòa gồm 4 xóm: Thượng, Trung, Nội, Ngoại có diện tích tự nhiên
chưa đầy 1,5km
2
với gần 9000 dân (2004). Tháng 12 năm 1947, Lý Hòa cùng với
các xã: Quy Đức, Đồng Cao, Tam Hỷ, Hoàn Phú và Vạn Lộc hợp nhất thành xã
Hải Trạch. Đến tháng 10 năm 1955 xã Hải Trạch lại chia nhỏ như trước thời
điểm tháng 12 năm 1947. Qua những lần hợp tách như vậy làng Lý Hòa vẫn
mang cái tên là xã Hải Trạch.
Với vị trí địa lý thuận lợi, cư dân Lý Hòa phân bố theo chiều dài dọc con
sông trên 1km, nhà cửa chen chúc san sát nhau, ngày càng có xu hướng kéo dài
ra biển, mở rộng ra phía Bắc lẫn phía Tây. Nằm trên vị trí địa lý thuận lợi cho
nên trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làng Lý Hòa có
vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, quân sự. Hiện nay làng Lý Hòa trở thành một
làng thịnh vượng và giàu có của tỉnh Quảng Bình.
1.1.2. Điều kiện tự nhiên
Tạo hóa đã ban cho Lý Hòa một địa thế trước sông sau biển, sơn thủy hữu
tình. Nhìn toàn cảnh là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên đất liền diện
tích đất không rộng nhưng Lý Hòa có núi rừng, có đèo, suối, sông, biển, bãi cát
vàng, có đường Thiên Lý đi qua Tất cả những điều đó cho thấy mảnh đất vùng
này là một nơi trù phú, chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển thành nơi thịnh
vượng giàu có.
• Địa hình
Địa hình Lý Hòa khá đa dạng nhìn chung có mặt bằng cao dần từ Nam ra
Bắc tức là từ bờ sông đến núi Động Man. Làng Lý Hòa có diện tích tự nhiên
khoảng 126 ha.
Địa hình Lý Hòa có thể chia thành ba khu vực chính:
Một là: địa bàn dân cư trú rất hẹp khoảng 0,5km
2
phân bố ở phần phía Nam
trải dài theo bờ sông, hình thể như một chiếc bánh lái hình thang có chiều dọc theo
sông 1km, đáy lớn ven quốc lộ 600m, đáy nhỏ dọc bờ biển 400m mặt bằng khu dân
cư thấp dần từ bờ sông đến bờ cát sau làng. Riêng xóm Nội Hòa có địa hình bằng
phẳng hơn, phía Tây là đường quốc lộ có xóm quán, đoạn giữa là khu vực đất chua
mặn mới được mở rộng, phía Đông là khu vực dân cư chính của xóm.
7
Hai là: ở ngay trung độ của làng là Động Cát trắng cao từ 8m - 10m so với
mặt biển, có diện tích 0,5km
2
.
Ở đây có bãi tha ma của làng, phía Tây Động Cát
là cánh đồng làng hẹp trồng lúa do cư dân làng Thuận Phú khai thác gieo trồng.
Phía Tây Nam Động Cát giáp với Thuận Hòa, Nội Hòa xưa kia cây cối rậm rạp có
nhiều gỗ quý như lim, mây, tre, song, nứa Ở phía Đông sát biển là ngọn đồi đá bụt
cao 15m, đá vôi của đồi chạy ra tận mép nước làm chỗ dựa cho Động Cát khỏi di
động lấn sâu vào làng.
Ba là: ở phía Bắc là hai ngọn núi Động Man, chân núi có khe chảy vào sông
Đặng Đê, núi phía Đông kề biển, đá núi đứng trên bờ nước tục gọi là “Đá nhảy”.
Cư dân gọi “Đá nhảy” chỉ ở ngọn Bắc còn ngọn Nam giáp với Động Cát là
“Đá Giếng”. Hai ngọn núi này cao 80m - 90m là “hậu chẫm” - chỗ dựa vững
chắc cho khu cư trú của làng, là bức bình phong chắn gió bão, gió mùa Đông
Bắc. Cùng với hai ngọn núi này là núi Lệ Đệ. “Núi Lệ Đệ” không cao lắm, từ
Đông sang Tây liên kết hơn 200 ngọn, chắn ngang đường cái quan, núi này còn
có tên là núi Ma Cô. “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn chép: “Cách sông ở
phía Nam, một dãy núi xanh, đứng chắn ngang ở bên trời. Tên núi này gọi là Lệ
Đệ (lớp lớp) như hình hổ phục” là của hình thể nơi ấy mà nói [10;23].
• Sông Lý Hòa
Sông Lý Hòa là một trong năm con sông lớn của Quảng Bình dài khoảng 25
km, bắt nguồn từ Đông Trường Sơn chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
Sông Lý Hòa hợp bởi hai dòng: một dòng từ phía Tây núi Hòa Duyệt và một
dòng từ phía Bắc núi Tam Linh, tụ lại thành một phá lớn ở phía Tây làng Đông
Cao đi qua các làng Vạn Lộc, Hoàn Phúc, Hiền Sơn, Mai Hồng và Lý Hòa trước
khi đổ ra biển. Sông Lý Hòa ngắn và hẹp lại có độ dốc lớn nên mùa mưa bão có
dòng chảy lớn, mùa khô lại có độ mặn cao.
Hằng năm đến mùa mưa bão nước từ rừng đổ về dâng cao đe dọa đến mùa
màng của các xã Vạn Trạch, Hoàn Trạch, Phú Trạch, Đồng Trạch và cuộc sống
của cư dân xã Đức Trạch ở nơi sát sông đặc biệt làng Lý Hòa phải hứng chịu trực
tiếp dòng chảy, mỗi khi mưa bão nước biển dâng cao nước sông không thoát ra
biển kịp nên hay tràn qua đường làng và bãi cát cuối làng. Đây là hiểm họa lớn
đối với làng và với các gia đình ở thôn Ngoại Hòa. Do đặc điểm sông ngắn, dốc
8
và hẹp độ mặn của nước cao nên nước sông không có tác dụng nhiều trong việc
tưới nước cho đồng ruộng và không thuận tiện cho việc đi lại bằng đường thủy.
Cũng như những sông khác ở Quảng Bình, sông Lý Hòa cũng có chế độ nước
tuân theo hai mùa một cách rõ ràng. Mùa hè nước rất cạn, thuyền bè ra vào cửa
gặp nhiều khó khăn, mùa đông mực nước cao hơn song mức chênh lệch hai mùa
không lớn.
Nhìn tổng thể, sông Lý Hòa là một con sông đẹp. Vào lúc trời yên biển lặng
dòng sông yên ả, hiền hòa, trong xanh như một dải lụa lững lờ chảy ra biển.
Cùng với kè biển, kè sông đã được xây dựng vững chắc che chắn, bảo vệ cho
làng khi những con lũ tràn về. Đêm đến ánh điện ven bờ kè phản chiều xuống
dòng sông tạo nên những sắc màu lung linh. Cùng với biển, sông Lý Hòa có
nhiều loại tôm, cua, cá, tuy số loài và sản lượng không lớn nhưng cũng là nơi
cung cấp nguồn thủy sản đáng kể cho cuộc sống dân cư trong vùng. Cửa sông Lý
Hòa trước đây đã từng chứng kiến một số trận chiến ác liệt, ngày nay đã trở thành
một cửa sông êm ả thanh bình, ngày đêm đón hàng trăm lượt thuyền cá vào cập bến.
Cửa sông này đã một thời gắn với những câu ca sâu lắng, nặng nghĩa vẹn tình: “Ai
về Đồng Hới Lý Hòa/ Buồm giăng đôi ngọn thương đà nên thương”.
• Biển Lý Hòa
Lý Hòa có bờ biển dài 5km, thuộc biển Bãi Ngang nằm giữa hai cửa sông
lớn, sông Gianh và sông Lý Hòa. Khác với bờ biển trong Nam ngoài Bắc có độ
dốc cao và nước đục phù sa, bờ biển nơi đây thoai thoải, cách chân sóng 100m
nhưng mực nước chỉ ngang đến ngực, làn nước trong veo nhìn thấy tận cát vàng
dưới đáy. Với nguồn nước do hai sông đổ về, hàng năm biển ở đây đón nhận một
khối lượng lớn phù du, đó là nguồn thức ăn vô tận cho các loại hải sản, mặt khác
do có đèo Lý Hòa ăn lan ra biển đã tạo nên những bãi đá ngầm mà dân vùng này
gọi là rạn, đây là nơi sinh sống trú ngụ của hàng trăm loài cá, tôm, mực, ốc, ghẹ.
Các loại hải sản ở vùng biển này ngon nổi tiếng trong vùng. Bãi biển Lý Hòa
bằng phẳng, sạch sẽ. Ngày cát vàng óng ả dưới cái nắng hè gay gắt, đêm chấp
chới lân tinh khi mưa rét mùa đông. Ngày nay bờ được kè bằng bê tông vững
chãi chạy dài dọc bãi biển để chắn sóng dữ. Ven đường là những cây bàng lá
xanh tươi, cành lá xum xuê che chắn giông bão và tỏa mát cả một vùng. Những
9
cột đèn cao áp sừng sững đối mặt với gió biển đêm đêm tỏa sáng cùng với hàng
trăm ánh đèn đánh cá ven biển, tưởng chừng biển và bờ chẳng còn khoảng cách.
Cũng như quy luật của biển cả, dòng chảy của biển ở đây cũng tuân theo một chu
kỳ nhất định. Do cuộc sống gắn liền với sông nước, ngư dân Lý Hòa phải tinh
thông về dòng sông mặt bể của mình. Trải qua kinh nghiệm lâu đời, ngư dân ở
đây đã đúc kết được một lịch trình biển như sau:
Tháng âm lịch Số lượng con nước Ngày bắt đầu của tháng
Tháng 1 và 7 2 con 5 và 9 trong tháng đó
Tháng 2 và 8 3 con 3, 17, 29
Tháng 3 và 9 2 con 13, 27
Tháng 4 và 10 2 con 11, 25
Tháng 5 và 11 2 con 9, 23
Tháng 6 và 12 2 con 7, 21
[29;nguồn: Lý Hòa.net].
Bên cạnh đó biển Lý Hòa còn có nhiều bãi tắm lý tưởng, đặc biệt là
những bãi tắm ở Đá Nhảy, Đá Giếng, Đá Bụt có thể rất phù hợp với các du khách
thuộc các lứa tuổi. Với bờ biển thoai thoải này rất thích hợp cho việc phát triển
du lịch. Cách bờ ở các độ xa khác nhau có những rạn ngầm có bề ngang rộng, có
rạn ngầm trong lộng như: “rạn rồng”, “dạo đất” cách bờ không quá 1km, có rạn
ngoài khơi như “dạo bia”, nước sâu từ 10 đến 12 sải. Các rạn gần bờ có nhiều
loại hải sản quy tụ, đây chính là nơi tụ họp của các loại cá, tôm nên những vùng
biển có rạn ngầm thường mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn khi đánh bắt. Còn các
rạn ngầm xa bờ, việc đánh bắt phải có lưới và thuyền được gọi là “nốôc nghề”.
Các mõm rạn cũng là nơi tập trung nhiều loại cá như cá róc, cá liệt, đã có mẻ lưới
đánh được 4 tấn - 5 tấn. Dân cư Lý Hòa đều sinh sống và làm ăn nhờ có biển, biển
của cư dân Lý Hòa cũng như ruộng rẫy canh tác của người nông dân do vậy là dân
biển, người Lý Hòa đã dám nhìn ra biển lớn, biết dựa vào biển, khai thác thế mạnh
của biển và với vốn kinh nghiệm đi biển lâu đời do ông cha để lại người Lý Hòa
phát triển mạnh giao thông đường biển, đánh bắt và chế biến hải sản.
• Tài nguyên, khoáng sản
10
Tài nguyên biển: với bờ biển dài 5km, hằng năm biển cả đón nhận phù du
từ các con sông tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều động thực vật sinh sống và phát
triển như tôm hùm, rau câu, tôm bạc, mực nang. Có thể nói nơi đây là vùng đặc
sản nhiều, ngon và quý so với toàn quốc, bờ biển Lý Hòa có các rạn ngầm chạy
qua, rạn có nhiều san hô, đó chính là nơi tụ họp của các loài cá, tôm, mực rạn
có nhiều cá to, đó là khu vực chính cho thu nhập ngư nghiệp Lý Hòa. Điều đáng
chú ý là cá biển và hải sản ở đây rất phong phú và dồi dào mùa nào cũng có. Tôm
có các loại tôm hùm, tôm sú dùng để xuất khẩu. Lý Hòa có bờ biển đẹp, là tháng
cảnh nổi tiếng với tên gọi bãi Đá Nhảy là tài nguyên du lịch quan trọng.
Tuy có địa hình phức tạp và đa dạng cùng với khí hậu khắc nghiệt như vậy,
nhưng Lý Hòa lại được thiên nhiên ban tặng, ưu đãi một nguồn tài nguyên vô
cùng phong phú và đa dạng cả ở trên rừng và dưới biển. Rừng xưa chiếm 3/4
diện tích tự nhiên có nhiều loại gỗ quý có trữ lượng lớn như sến, gõ, dã hương,
tràm, trầm hương, nhiều động vật như: bò tót, voi. Song ở trên cạn Lý Hòa có đủ
các loại môi trường sinh thái tạo nên một hệ thống động, thực vật khá phong phú.
Khoáng sản: quặng Ti tan điểm inmenit Lý Hòa có tọa độ 17
0
38
’
47
’’
vĩ Bắc,
106
0
30
’
47
’’
kinh Đông. Quặng inmenit tạo dải hẹp, hàm lượng thấp không có giá
trị công nghiệp [22;150].
• Khí hậu, thời tiết
Là vùng đất ven biển miền Trung do đó, khí hậu của Lý Hòa cũng mang
những đặc điểm gần giống khí hậu của khu vực tỉnh Quảng Bình nói chung.
Khí hậu ven biển: bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông không rõ rệt mà chủ yếu
chia làm hai mùa mưa và khô. Mùa mưa bắt đầu vào tháng 8 và kết thúc vào
tháng 12 âm lịch. Lượng mưa hàng năm dao động trong khoảng 1519,9mm đến
3110,5mm. Tháng 9 và tháng 10 có lượng mưa thấp nhất là 1169,8mm đến
1405,7mm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Trung bình một
năm có 1700 – 1900 giờ nắng, nhiệt độ trung bình là 23,4 độ, tháng cao nhất là
29,2 độ vào tháng 5. Nhìn chung khí hậu Lý Hòa tương đối khắc nghiệt so với
các vùng khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Đồng bằng Lý Hòa nhỏ hẹp thường là thung lũng trong núi, thung lũng
trước núi, giao thông đi lại giữa các vùng khó khăn.
11
Điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, địa lợi đó tạo cho làng Lý Hòa một phong
cảnh hữu tình đầy thơ mộng: “núi giăng một phía, nước vây ba bề”. Nó tạo điều
kiện thuận lợi cho cư dân Lý Hòa trong việc phát triển kinh tế, giao lưu thương
mại trên cả ba đường: đường sông, đường bộ và đường biển. Tuy nhiên bên cạnh
đó Lý Hòa cũng gặp không ít khó khăn do địa hình hẹp, lại không bằng phẳng
làm cho việc định cư của nhân dân không ổn định, cư dân chỉ có thể định cư ở
dãi đất hẹp bên sông. Giao thông đi lại khó khăn giữa các xóm, chỉ có một đường
bộ duy nhất vào làng, để giao lưu với các làng khác chủ yếu dùng đường biển,
đường sông và sinh hoạt quanh chợ làng.
1.2. Quá trình di dân lập làng
Vùng đất Lý Hoà từ thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lý Hoà có thể
nằm trong bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Trong thời kỳ
nghìn năm Bắc thuộc, vùng đất Việt Thường ấy được đổi thành quận Nhật Nam.
Năm 192, dưới thời Nhà Hán, Khu Liên (người thuộc huyện Tây Quyển) cùng
nhân dân Chăm nổi dậy lật đổ ách thống trị của bọn phong kiến Phương Bắc
dựng nên nước Lâm Ấp (còn gọi là Hoàn Vương hoặc Chiêm Thành hay Chăm
Pa). Nước Lâm Ấp ban đầu chỉ là vùng đất huyện Tượng Lâm đến thế kỷ IV
mạnh lên, vua Lâm Ấp đánh ra Bắc dần dần chiếm tới Hoành Sơn (đèo Ngang)
và biến vùng đất từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang thành 5 châu: Bố Chinh, Địa Lý,
Ma Linh, Châu Ô và Châu Lý. Vùng đất Lý Hoà lúc đó thuộc châu Bố Chinh.
Sau khi nước Đại Việt ra đời, để giữ vững nền độc lập và mở rộng bờ cõi về phía
Nam, năm 1069, vua Lý Thánh Tông cử Đại tướng Lý Thường Kiệt đi đánh
Chiêm Thành bắt được vua nước Chiêm là Chế Cũ. Để chuộc mạng sống, Chế
Cũ đã đem dâng 3 châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh (vùng đất Nam Hoành Sơn)
cho vua Lý. Vùng đất Lý Hoà trở về với Đại Việt. Năm 1074, vua Chiêm Thành
là Harivarman đem quân ra đánh phá vùng đất phía nam Đại Việt lấy lại 3 châu
đã mất. Tháng 8 năm 1075, vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) cử Lý Thường Kiệt
đi đánh Chiêm. Lý Thường Kiệt thực hiện chiến lược vừa dùng quân đội tiến
đánh đẩy lui quân Chiêm về phía Nam, vừa chiêu mộ dân ở các vùng phía Bắc đi
vào vùng đất mới đánh chiếm được, lập làng định cư lâu dài. Để khẳng định bờ
cõi nước Đại Việt, Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ và đổi châu Bố Chinh thành
12
châu Bố Chính, châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu
Minh Linh. Vùng đất Lý Hoà lúc này thuộc châu Bố Chính.
Từ năm 1627 - 1672, vì lợi ích dòng họ, hai tập đoàn phong kiến Trịnh -
Nguyễn đã gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn bất phân thắng bại lấy
sông Gianh trở thành ranh giới chia cắt đất nước. Từ cửa sông Gianh trở ra thuộc
chúa Trịnh, từ bờ Nam sông Gianh trở vào thuộc chúa Nguyễn và trong cuộc
chiến tranh này đã có 6 trận giao chiến đã diễn ra trên đất Quảng Bình. Từ trận
đánh đầu tiên vào năm 1627 đến trận đánh cuối cùng năm 1672, mỗi lần đưa
quân ra Bắc đánh Trịnh, các chúa Nguyễn đều lấy làng Lý Ninh ở bờ Bắc sông
Thuận Cô, làm nơi đặt đại bản doanh bộ chỉ huy tiền phương, nơi hậu cần tập kết
quân lương, nơi đồn trú của quân thủy, bộ tại đây, các chúa Nguyễn còn chọn
ngư dân làng Lý Ninh lập thành đội Trường Đà tham gia vào việc vận chuyển
quân lương cho quân đội. Đây cũng là cơ sở để năm 1788, Bắc Bình Vương
Nguyễn Huệ trên đường đưa quân ra Bắc đánh Trịnh đến Lý Hòa cho lập đội
thủy vận (đội Trường Đà) và chọn một số ngư dân Lý Hòa tham gia vào đội
thuyền vận tải quân lương. Năm 1775, nhà bác học Lê Quý Đôn ở xứ Đàng
Ngoài khi đi vào xứ Đàng Trong nhìn thấy khoảnh đất bình sa bằng phẳng dưới
chân núi Lệ Đệ đẹp như trong tranh, làng xóm đông đúc, thanh bình, thuyền bè
tấp nập đi lại trên sông. Lý Hòa là một vùng đất mà “núi giăng một phía, nước
vây ba bề”, “trên bến, dưới thuyền” tức cảnh, ông đã ghi lại: “Thôn Lý Hòa,
châu Nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rũ xuống thành bãi cát
bằng, nổi cao, mở rộng dân cư ngang bãi trong về phía Nam…” Năm 1831 dưới
thời vua Minh Mạng, châu Bố Chính chính thức được đổi thành huyện Bố Trạch,
thôn Lý Hòa lúc này thuộc huyện Bố Trạch.
Theo các tài liệu truyền khẩu vào năm 1705 (Ất Dậu) ở làng Cương Gián
thuộc huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh với sự cai trị hà khắc của các chúa Trịnh đã
làm nhân dân cực khổ và điêu đứng, trong lúc đó ở mảnh đất Phương Nam của
các chúa Nguyễn lại hứa hẹn đem lại cuộc sống ổn định và bình yên, một số cư
dân nơi đây phải rời quê hương đi tha hương cầu thực. Vì vậy mà giai đoạn này
đã diễn ra những cuộc di cư tự do lớn từ Bắc vào Nam, được thực hiện bằng hai
bộ phận dân cư: một bộ phận là dân làm lính phải tòng quân đi đánh giặc, bảo vệ
13
bờ cõi rồi ở lại và một bộ phận là dân theo các chúa Nguyễn vào khai khẩn đất
đai, lập nghiệp làm ăn sinh sống. Trong dòng người di cư đó có một bộ phận ra
đi từ làng Cương Gián - một làng ven biển thuộc huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh
ngày nay đến vùng này lập quê hương mới.
Theo tư liệu trong gia phả của các dòng họ ở làng và các công trình nghiên
cứu trước đó thì năm 1705 đoàn người đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này có 57
người thuộc ba họ (họ Hồ, họ Nguyễn, họ Phan) cả già lẫn trẻ theo 7 chiếc
thuyền đi câu do ông Hồ Văn Chanh dẫn đầu. Họ đã vượt được giới tuyến sông
Gianh đi vào đất của chúa Nguyễn gặp cửa sông, kế đó là một bãi đất rộng ven
sông thấy thuận lợi họ đổ bộ lên đất liền và dừng chân lại ở bờ Nam sông. Bấy
giờ ở vùng đất xung quanh con sông cạn hẹp này đã bị chiến tranh tàn phá chà đi
xát lại nhưng ở bờ Bắc hầu như chưa có người định cư. Lúc đầu từng gia đình đã
tụ tập lại với nhau thành một cụm ở trung tâm làng để tránh thiên tai lũ lụt, họ
vẫn theo nghề cũ làm ăn – đó là nghề đánh cá. Buổi đầu do phương tiện và dụng
cụ thô sơ nên họ chỉ đi dọc theo ven bờ biển để đánh bắt, cua, cá ở các rạng,
những ngày biển động họ lên núi chặt tre, gỗ về làm nhà, đan lát những dụng cụ
sinh hoạt của gia đình. Cuộc sống dần dần đi vào ổn định và khấm khá lên.
Những người dân phiêu bạt này bắt đầu nghĩ đến việc đặt tên cho vùng quê thứ
hai của mình. Ban đầu họ gọi nơi mình sinh sống là làng Cô. Về tên gọi này có
nhiều cách lý giải khác nhau, nguyên nghĩa chữ Hán thì “Cô” nghĩa là “tội” –
làng có tội. Phải chăng để ghi nhớ gốc gác của mình (trốn nợ, trốn lính, phu,…
rời quê cũ ra đi) mà các bậc khai tổ của làng đã đặt cho làng mình cái tên như
vậy? Theo một lý giải khác thì “Cô” có nghĩa là “cô độc”, có lẽ lúc mới đến đây
những cư dân đầu tiên đã cảm thấy cô độc và lẻ loi vùng đất mà họ đặt chân tới
chỉ toàn là sông nước và bụi rậm. Theo nguồn gia phả của làng chép lại thì làng
tên Cô bắt đầu xuất hiện từ năm 1712, sau đó không rõ vì một lí do gì mà làng lại
chia làm hai bộ phận: một bộ phận ở lại làng cũ sinh sống, còn một bộ phận rời
qua bên kia sông về phía Bắc để sinh sống. Năm 1715 (Ất Mùi), bộ mặt của làng
Cô đã có sự thay đổi, kinh tế khá hơn, có sự chuyển biến về dân số lên đến 180
người với 26 hộ dân. Cứ mỗi kỳ tảo mộ hàng năm những người dân ở làng này
về đưa thêm người từ huyện Nghi Xuân, Nghệ An vào sinh sống. Với số dân
14
ngày càng đông, cùng tụ cư trên một miền đất lạ, họ đã biết đùm bọc, yêu thương
nhau, cùng nhau lo làm ăn sinh sống. Trải qua những tháng năm ấy, tình làng
nghĩa xóm làm thành sợi dây bền chặt gắn kết họ lại với nhau. Tên làng Thuận
Cô ra đời có lẽ xuất phát từ ý nghĩa này. Làng Thuận Cô mang tên ấy từ năm
1715 đến 1735, trong 20 năm đó bà con làng Cương Gián hàng năm lại lần lượt
di cư vào, hai bên bờ sông con người quần tụ ngày càng nhiều. Để phân biệt rõ
ràng địa vực cư trú của dân cư hai bên, Thuận Cô được chia thành Thuận Cô Bắc
thôn (nay là xã Hải Trạch) và Thuận Cô Nam thôn (nay là xã Đức Trạch). Kể từ
năm 1735, các cụ bắt đầu phân chia địa giới cho làng. Làng Thuận Cô Bắc thôn
phía Đông Nam từ đền Long Vương theo triền cát sát biển chạy dài đến miếu ông
Chanh khoảng 3km. Miếu ông Chanh bây giờ thuộc xã Đức Trạch, phía Bắc từ
Trấn Hải Vương (tức là miếu phường Lồ), phía ngoài biển chạy đến chùa Hang.
Còn hướng Tây và Tây Nam cứ theo đường mòn (nay là quốc lộ 1A) rồi chạy
dọc theo triền sông lên đến giáp làng Kẻ Nại (Hiền Sơn ngày nay). Đó là địa giới
của làng Thuận Cô Bắc thuộc tổng Hà Bạc châu Bố Chính Nam. Cùng với thời
gian, dân số gia tăng, đất đai mở rộng, kinh tế phát triển và đi vào ổn định dần,
tên gọi của làng cũng đổi thay. Không chấp nhận với cái tên Thuận Cô Bắc phụ
thuộc ấy họ đặt tên mới cho làng mình - làng Lý Ninh nghĩa là làng yên ổn, hòa
thuận. Đó là sự độc lập cơ bản về lãnh thổ và tên gọi. Trong hoàn cảnh các chúa
Nguyễn chưa để ý đến vùng đất mới này, sự phát triển của làng hết sức nhanh
chóng. Hoạt động kinh tế của dân cư phát triển nhanh ngoài đánh bắt hải sản, họ
đã biết buôn bán bằng đường biển và chính nghề mới này làm cho đời sống cư
dân thêm phồn thịnh.
Nhờ đó công việc làm ăn đã phồn thịnh, khá giả dân số ngày càng tăng, địa
giới được rõ ràng đời sống nhân dân được nâng cao. Đồng thời lúc đó mỗi người
cũng muốn chiếm lấy một khoảnh đất riêng của mình gọi là tư thổ. Cũng nhờ làm
ăn dư dật mà những người giàu có đi mua ruộng giao cho nông dân cày cấy gọi
là tư điền. Năm Ất Mùi 1775 đời Cảnh Hưng thứ 36 làng Thuận Cô Bắc có số
lượng các dòng họ đã đông (12 họ) và sinh cơ lập nghiệp trong diện tích 2km
2
.
Đó cũng là mốc đánh dấu lớn cho làng sau này, từ Thuận Cô Bắc sang Lý Ninh
đến Lý Hòa là một sự lựa chọn cái tên hay nhất thể hiện ý nguyện của người dân.
15
Tên gọi ấy đã lý giải được ý nghĩa lớn lao, hoài bão ước mơ hay nỗi tâm sự mà
người dân Lý Hòa gửi gắm vào đấy. Và lạ thay, có đổi tên thế nào đi chăng nữa
thì cái chữ “Lý” ấy vẫn tồn tại. Theo giải thích của các cụ đồ nho, hai chữ Lý
Hòa đại diện cho sự phồn vinh của làng, mặc dù người Lý Hòa luôn giữ cái Lý
của mình nhưng vẫn có được sự hòa thuận êm ấm trong từng thôn, từng xóm kể
cả với những người từ xa đến. Ngoài ra còn một số cách lý giải khác nhau cũng
biểu hiện được ý nghĩa của tên làng. Trong văn chánh của làng viết:
“Lý mà thuận bởi lý tình lý nghĩa
Hòa có lý bởi hợp ý muôn người ”
Và:
“Lý hữu đa nhân, địa linh sinh nhân kiệt
Hòa vi đại quý, hiện sóng xuất anh tài”
Đó là truyền thống đoàn kết, thương yêu, đối nhân xử thế với nhau. Đây là
đạo lý, biểu hiện sự hiền từ đức độ của người dân Lý Hòa. Chính sự tồn tại liên
tục của từ “Lý” đã đem đến cho người dân Lý Hòa và du khách muôn phương
biết và luôn nhớ về vùng đất, con người Lý Hòa. Đây cũng là cội nguồn sức
mạnh tinh thần to lớn của biết bao thế hệ người Lý Hòa dù đi đâu, ở đâu, làm gì
cũng luôn hướng về quê hương để tự hào từ đó mà tu đức, luyện tài, rèn chí phấn
đấu vươn lên bằng anh, bằng chị.
Tên gọi Lý Hòa xuất hiện trong sử sách và tồn tại cho đến nay đã trải qua
một quá trình phát triển lâu dài. Lý Hòa đã được đổi tên thành xã Hải Trạch
thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi vào khai hoang lập làng từ làng
Thuận Cô Bắc đến Lý Hòa từ 4 dòng họ đến nay làng đã có tổng cộng 24 dòng
họ khác nhau. Trong đó có một số dòng họ nổi tiếng đó là họ Nguyễn Duy, họ
Hồ, họ Phan, họ Hoàng, lãnh thổ cũng được mở rộng, làng Lý Hòa trước đây
gồm 4 xóm Thượng, Trung, Nội, Ngoại nhưng hiện nay đã có 7 xóm với 3 xóm
mới là: Tân Lý, Quốc lộ + xóm Cồn và Nội Hải với số hộ và khẩu thay đổi qua
từng năm. Nghề nghiệp ở Lý Hòa phong phú đa dạng, hai nghề chính của người
dân là buôn bán và đánh bắt hải sản, bên cạnh đó còn có một số nghề thủ công
truyền thống đặc biệt là nghề phụ chế biến hải sản với bàn tay khéo léo của người
phụ nữ miền biển. Chính sự kết hợp đa nghề này đã tạo cho Lý Hòa sự phát triển
16
mạnh mẽ, trở thành làng giàu có nhất nhì tỉnh Quảng Bình. Từ nửa sau thế kỷ
XVIII, Lý Hòa đã trở thành một làng phát triển mạnh, nổi tiếng như Lê Quý Đôn
trong “Phủ biên tạp lục” đã miêu tả:
“Thôn Lý Hòa, châu Nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rủ
xuống thành một bãi cát trắng, nổi cao, mở rộng. Dân cư ở ngay bãi trụng về
phía Nam, bên tả ngạn ôm lấy sông Thuận Cô, từ bên hữu ngạn chạy lại làm án
cho nên dân đinh thịnh vượng đến hơn nghìn người, tục quen buôn bán, thời
bình vào Gia Định đóng thuyền nan hơn trăm chiếc đem về bán…” Giữa thế kỷ
XVIII là thời gian kết cấu làng về cơ bản đã hoàn chỉnh. Trong giai đoạn này cơ
cấu kinh tế của làng khá đa dạng, bên cạnh nghề chính là đánh cá biển kết hợp
với chế biến hải sản thì đã có sự xuất hiện của nghề vận tải biển. Nhìn chung
trong giai đoạn này kinh tế Lý Hòa đã có bước phát triển nhanh chóng với đầy đủ
các loại hàng hóa, chợ ra đời cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy thương
nghiệp phát triển. Văn hóa cũng có nhiều thay đổi các công trình đình, chùa,
miếu được dân làng chú trọng xây dựng. Có thể thấy rằng giữa thế kỷ XVIII Lý
Hòa đã là một làng phát triển mạnh mẽ và trở thành một làng giàu có. Dưới triều
Nguyễn, Lý Hòa đã thực sự trở thành làng phong kiến điển hình khi quá trình
phong kiến hóa diễn ra mạnh mẽ. Với một cộng đồng kinh tế nhiều ngành nghề
gắn với biển, những giá trị văn hóa đặc trưng đã thực sự tạo nên một diện mạo
mới của làng với cái cảnh sầm uất, sơn thủy hữu tình.
1.3. Tổ chức làng xã và quan hệ xã hội
1.3.1. Kết cấu dân cư
Kiến trúc thượng tầng luôn luôn chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng, kết cấu
kinh tế như thế nào sẽ sinh ra kết cấu dân cư như thế. Về mặt xã hội làng Lý Hòa
cũng như các làng quê Việt Nam, các tầng lớp được phân theo nghề nghiệp cơ
bản gồm là: sỹ, nông, công, thương trong kết cấu dân cư thời phong kiến. Kết cấu
kinh tế ở Lý Hòa có sự khác biệt cho nên về kết cấu dân cư cũng không theo một
chuẩn mực phong kiến nhất định mà có những nét khác biệt rõ ràng.
Dân cư ở Lý Hòa phát triển khá nhanh, đến cách mạng tháng Tám năm
1945 dân số đã lên đến 4800 người, từ tháng Tám năm 1945 đến năm 1999 đã
đạt con số 8180 người.
17
Trước cách mạng tháng Tám cư dân Lý Hòa có các tầng lớp:
a, Tầng lớp người khá giả ở Lý Hòa chiếm 5% dân số. Bao gồm những chủ
thuyền lưới “vạn”, những chủ ghe bầu “lái”, những gia đình quan lại chủ yếu là
dòng họ Nguyễn Duy [24;15].
Những chủ ghe, chủ thuyền là những người nắm trong tay về tư liệu sản
xuất: thuyền, ghe, chài lưới, bất động sản: nhà ngói đồ sộ, ruộng đất mua ở nơi
khác, con cái của họ ít nhiều được học hành đỗ đạt. Cuộc sống gia đình họ trở
nên sung túc, họ có “chân” trong bộ máy tổ chức quản lý làng xã, có quyền hành
giống như các địa chủ. Còn những gia đình quan lại thì có học hành, đỗ đạt làm
quan. Nhờ được bổng lộc của triều chính, họ có được những đồng ruộng tốt ở các
làng quanh vùng, hàng năm có thêm nguồn thu khá lớn từ tô tức. Làng Lý Hòa
xưa nổi tiếng là “làng văn vật” với dòng họ Nguyễn Duy là dòng họ “phát
khoa” của làng. Cụ Nguyễn Duy Miễn đỗ cử nhân năm 1876, 5 con trai của cụ là
Nguyễn Duy Thắng – đỗ Phó bảng năm 1898, Nguyễn Duy Đồng – đỗ cử nhân
năm 1897, Nguyễn Duy Tích – đỗ tiến sĩ năm 1910, Nguyễn Duy Phiên – đỗ cử
nhân năm 1903, Nguyễn Duy Thiệu – đỗ Phó bảng năm 1910. Cũng dòng họ
Nguyễn Duy đã mang đến cho Lý Hòa một vinh dự lớn, là tấm gương về hiếu
học, “giáo ngũ tử danh câu xương” (có nghĩa là mộ nhà giáo dục được 5 con đỗ
đầu khoa bảng là rất hiếm). Người dân Lý Hòa thường tự hào mà rằng:
“Nho sĩ Lý Hòa vui truyền thống
Cháu con rạng mặt đẹp non sông”.
b, Tầng lớp ngư dân nói chung bao gồm: dân làm nghề đánh cá và các loại
hải sản khác, những người đánh cá thuê, lớp người làm trai bạn (thủy thủ) cho
các ghe bầu, những người làm nghề chạy chợ nhỏ, những người làm nghề thủ
công. Do nghèo họ không có phương tiện để làm ăn, cải thiện đời sống cho bản
thân và gia đình, phải đối mặt với sóng gió của biển cả, với thiên nhiên nên tính
mạng thường bị đe dọa, thu nhập không ổn định. Xét về mối quan hệ kinh tế thì
mối quan hệ giữa hai bộ phận này là mối quan hệ bóc lột và bị bốc lột.
Những người khá giả giàu có, chủ ghe, chủ thuyền là những người bóc lột.
Chính sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của hình thái kinh tế phong kiến
là gốc rễ đẻ ra toàn bộ kết cấu xã hội đó. Ở Lý Hòa cũng như các làng khác sự
18
bóc lột, áp bức cũng diễn ra hết sức nặng nề, đời sống của nhân dân vô cùng cực
khổ. Những gia đình giàu có thường ở dãy nhà hướng ra mặt sông, còn những
người nghèo khổ ở phía sau làng gần bãi tha ma của làng. Sự phân cách về địa vị
kinh tế, phân biệt về địa vị xã hội làm cho trình trạng bần cùng hóa của ngư dân
càng thêm sâu sắc. Đó cũng chính là trình trạng chung của xã hội Việt Nam trong
các thế kỉ XVIII-XIX.
1.3.2. Tổ chức làng xã
Khi mới thành lập bộ máy tổ chức của làng còn đơn giản. Người đứng đầu
làng là ông Xã. Về sau, cùng với sự phát triển của dân cư, tổ chức làng xã đã đi
vào nề nếp theo quy định chung trong hệ thống tổ chức của nhà nước.
• Tổ chức hành chính
Cũng như các làng khác, Lý Hòa dưới thời phong kiến có một tổ chức hành
chính do nhà nước quy định. Đó là hương chức bao gồm: Xã trưởng (sau là Lý
trưởng), phó xã trưởng (phó lý), Ngũ hương gồm hương bộ, hương bản Chúng
ta biết năm 1466, Lê Thánh Tông đã tiến hành cải cách lại bộ máy hành chính,
đổi chức Xã quan thành Xã trưởng. Năm 1483, Lê Thánh Tông ban sắc chỉ về
việc bầu Xã trưởng: “Phải họp lại xét chọn, hoặc là những thuộc lại về già hoặc
là sinh đồ, lương gia đệ tử từ 30 tuổi trở lên, người nào biết chữ, có hạnh kiểm
thì được bầu làm Xã trưởng”.
Vào thời Nguyễn, tổ chức hành chính ở xã có sự thay đổi. Dưới thời Minh
Mạng ông đã cải tổ lại bộ máy quản lý xã thôn, đổi chức Xã trưởng thành Lý
trưởng. Lý trưởng phải chọn trong số những người “vật lực tài cán, phải do cai
tổng cùng dân làng bầu cử, phủ huyện xem xét kỹ lại, bẩm lên trên để cấp văn
bằng và mộc triện cho”. Quyền lợi và nghĩa vụ của Lý trưởng là: chịu trách
nhiệm, đảm nhận các mặt hoạt động về kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh của
làng. Đồng thời Lý trưởng chịu trách nhiệm với nhà nước về vấn đề tô thuế, sưu
dịch và các nghĩa vụ khác của công dân. Như vậy trách nhiệm và quyền hạn của
Lý trưởng là rất lớn.
Theo nguyên tắc thì Lý trưởng là do dân trong làng bầu lên, sau đó quan
phủ, quan huyện xem xét phê chuẩn. Tuy nhiên ở làng Lý Hòa Lý trưởng thường
tập trung ở các họ Hoàng, Nguyễn Duy, họ Hồ. Đây là những họ lớn, giàu và có
19
thế lực trong làng. Hơn nữa những họ nêu trên đều có người đỗ đạt làm quan của
triều đình được dân làng nể trọng, vì vậy các chức vụ trong làng chủ yếu tập
trung vào các dòng họ này. Họ Hoàng có Hoàng Minh Quang, Hoàng Minh Sen,
họ Nguyễn có Nguyễn Lót, họ Hồ có Hồ Thuyết,… còn lại là một số người ở các
họ khác nhưng có phần hạn chế. Về quyền lợi, Lý trưởng được miễn thuế và sưu
dịch, được làng ưu tiên cấp ruộng tốt, nhưng làng Lý Hòa không có ruộng đất để
cấp cho Lý trưởng, họ chỉ được hưởng lợi từ những khoản đóng góp của nhân
dân trong làng.
Ngoài ra trong tổ chức hành chính làng còn có những hương chức, thời nhà
Nguyễn bộ phận này gọi là Ngũ hương.
- Hương kiểm (trương tuần): là người chuyên phụ trách tuần phòng, canh
gác, bảo vệ an ninh của làng. Thực hành công việc này là đội ngũ tuần đinh, lấy
trong hạng thanh niên trai tráng có sức khỏe để tổ chức canh gác tuần phòng
chống trộm cướp, bảo vệ mùa màng, kiểm tra mốc giới, bảo vệ các công trình
kênh mương, đê đập,…
- Hương bản (thủ khoán): người này làm chức năng giữ tiền, tài sản công
cộng quản lý ruộng sưu đấu giá để nộp thuế cho nhà nước. Các nguồn thu công
cộng từ tre, gỗ khai thác ở rừng, lũy cây,… đều giao cho Hương bản giữ để chi
dùng cho việc công. Mọi khoản thu chi đều phải ghi sổ sách rõ ràng và thông qua
hội đồng làng.
- Hương bạ (thủ bộ): là người chuyên giữ giấy tờ, sổ sách như sổ đinh, sổ
điền và là nhân viên quan trọng trong việc ban cấp ruộng đất công của làng, theo
dõi sinh tử, giá thú của dân trong làng.
- Hương dịch: là người đảm trách việc tu sửa, bảo vệ các công trình công
cộng của làng như đường xá, cầu cống.
- Hương mục: là người giữ gìn, bảo quản và nắm đất đai trong làng.
Ngoài ra dưới cấp xã còn một số chức vụ khác như: Giáp trưởng. Cách thức
làm việc của bộ máy hành chính này rất chặt chẽ, quy cũ, các văn bản giấy tờ có
liên quan đến việc thuế má, phu dịch, ruộng đất cần trình bày hay xin ý kiến quan
phủ, huyện đều có Lý trưởng và các nhân viên hành chính ký tên, đóng dấu và y sao
một bản để lưu giữ. Đây là bộ máy thường trực cho công việc hành chính của cả
20
làng, nhưng bộ phận này làm việc không có lương bổng mà chỉ được cấp ruộng đất.
Ngoài ra các dịch mục trong làng nếu làm tốt công việc sẽ được thưởng và ngược lại
nếu không có trách nhiệm và làm việc không có hiệu quả, tham ô thì sẽ bị phạt nặng.
• Tổ chức tự trị, tự quản của làng
Làng xã là một tế bào của quốc gia và chịu sự quản lý của nhà nước tuy vậy
sự xuất hiện của làng xã mang tính chất liên hợp tự nguyện của nhiều người cho
nên ở mỗi làng đều mang trong mình những phong tục tập quán riêng, một lối
sống đặc trưng của làng mà nhà nước không phải muốn áp đặt hay tổ chức thế
nào cũng được. Ở những làng xã khác nhau tùy theo không gian và thời gian thì
bộ máy tự trị của các làng có thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh.
Suốt thời kỳ phong kiến bên cạnh thể chế hành chính mà nhà nước Trung ương
áp đặt từ trên xuống thì làng Lý Hòa cũng hình thành một bộ máy quần chúng tự trị
riêng, tồn tại song song và có mối quan hệ mật thiết với bộ máy hành chính.
Hội đồng kỳ mục: gồm những vị có phẩm hàm các quan lại về hưu, các nhà
khoa bảng, các tài gia, hào mục và các chức sắc (từ cửu phẩm, các tú tài, cử
nhân, suất đội trở lên) số lượng thành viên của hội đồng kỳ mục của làng ít nhất
là 10 người. Đứng đầu hội đồng kỳ mục là một vị tiên chỉ. Đó là những người
lớn tuổi, có uy tín trong làng, được làng nể trọng, có đạo đức, có phẩm hàm cao.
Là người đứng đầu làng, có quyền quyết định các công việc của làng, các văn
bản liên quan đến việc làng thì tiên chỉ viết đầu tiên rồi mới đến các vị khác.
Dưới tiên chỉ là thứ chỉ, đứng thứ hai trong hội đồng kỳ mục, là người chia sẽ
việc làng cùng tiên chỉ. Tuy nhiên làng chỉ thừa nhận chức danh này với hai điều
kiện:
- Có văn bằng sắc phong của nhà nước.
- Có lễ vọng thần và khao (đãi) dân làng.
Ở Lý Hòa có các vị sau: cụ Nguyễn Duy Cần đỗ tiến sĩ dưới thời vua Thiệu
Trị làm đến chức Đại học sĩ, Nguyễn Duy Miễn đỗ cử nhân dưới thời vua Tự
Đức, Nguyễn Duy Phiên đỗ Hoàng giáp thời vua Thành Thái được truy thọ tới
chức Thượng thư bộ lễ,… từng làm tiên chỉ. Điều đặc biệt là ở làng Lý Hòa có
những vị tiên chỉ là giới nữ như bà: Nguyễn Thị Dược vợ tiến sĩ Nguyễn Duy
Cần, bà Hồ Thị Lịch vợ cụ Nguyễn Duy Miễn được phong là nhị phẩm phu nhân
21
và được bầu làm tiên chỉ của làng. Đây là những người phụ nữ có phẩm hạnh, có
công sinh thành ra nhiều người con đỗ đạt làm quan, họ được ngồi ở chiếu trên
trong các dịp cúng tế của làng và ngồi ngang hàng với nam giới. Có thể thấy mặc
dù lễ giáo phong kiến trọng nam khinh nữ nhưng ở Lý Hòa vẫn coi trọng những
người phụ nữ đức độ và bản thân họ có học vấn, vai trò của người phụ nữ được
đề cao hơn và được tôn trọng hơn.
Hội đồng kỳ mục giữ vai trò là cơ quan nghị quyết của làng. Họ dựa vào các
điều lệ của làng, chiếu theo đó mà tiến hành khen thưởng hay phê phán trừng
phạt xã dân. Tìm hiểu điều này qua lời kể của các cụ trong làng thì hội đồng kỳ
mục có những nhiệm vụ sau:
- Được tham gia vào bàn bạc công việc của làng, được quyền bầu cử các
dịch mục, soạn thảo hương ước, chọn các Lý trưởng, phó lý cho dân bầu.
- Bảo vệ tài sản cho xã dân như đề phòng hỏa hoạn, bảo vệ đê điều, chống
trộm cướp,…
- Giữ gìn an ninh trong làng xóm như kiểm soát kẻ lạ mặt, tổ chức canh gác
xóm, ngõ.
- Bảo vệ đồng ruộng, chống trộm cắp hoa màu, lúa và điều hành nguồn
nước, nguồn cá, nguồn cây.
- Giữ gìn phong tục tập quán và lối sống trong làng như tổ chức lễ tế ở đình
làng, tổ chức lễ hội, bảo bệ những quy định cưới xin, ma chay.
- Bảo vệ, sửa chữa xây dựng các công trình công cộng như đình, đền, cầu
cống.
Nhìn chung, hội đồng kỳ mục chỉ đạo, điều hành các công việc về chính trị,
kinh tế, văn hóa của làng và có quyền lực rất lớn. Ngoài hội đồng kỳ mục thì ở
làng còn tồn tại một chức vụ riêng biệt, đó là bầu ông vạn, là người đứng đầu
trong nghề biển với tư cách là người tổ chức sản xuất, đồng thời ông vạn là người
có uy tính trong nghề nghiệp được dân trong nghề tín nhiệm. Hằng năm ở Lý
Hòa có tổ chức bầu ông vạn một lần. Tuy thế nhưng vẫn có người giữ chức này
trong 2 - 3 năm.
Kết cấu làng chia thành bốn chòm là Thượng, Trung, Nội, Ngoại với bốn
ông chòm trưởng phụ trách chòm của mình, lo việc tế tự của xóm. Hằng năm
22